A book that is shut is but a block.

Thomas Fuller

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 140: Sầu Lắng Mênh Mông
ư âm của bữa ăn con gà giò hãy còn rơi rớt trong cảm giác, hãy còn làm cho lòng tôi lâng lâng nhìn cuộc đời. Sáng sớm hôm nay, trong buồng hãy còn tối, tôi giật mình thức giấc vì chiếc loa ở cửa buồng nheo nhéo loan báo: Ngày 13 – 3 đại quân cộng sản có xe tăng đại pháo đã bất ngờ mở trận tấn công vào thị xã Buôn Mê Thuột ở cao nguyên miền Nam, chúng đã chiếm được thị xã Buôn Mê Thuột. Hôm nay là ngày 15-3, như thế đã 3 ngày chúng mới loan tin trên đài. Tình hình phải chắc ăn chúng mới loan tin, chúng rút kinh nghiệm năm Mậu Thân 1968.
Người tôi tự nhiên đờ ra, tôi đã ngồi dậy rồi, lại nằm xuống lịm đi, phải chăng mối ưu lo của tôi hơn 2 năm xưa bây giờ đã ló ra? Tôi nhớ thời gian ký hiệp nghị Paris, nhìn một tấm hình chúng đang tuyển quân, tôi đã lo có khi vì hội nghị Paris này rồi sẽ mất miền Nam!
Cả ngày hôm ấy, người tôi như mất hồn. Ngồi xếp hàng với các toán chờ xuất trại, tôi liếc nhìn mãi sang phía bác Tiến, anh Bưởi và các toán chung quanh. Mọi người nhìn nhau bằng những đôi mắt trắng nhờ nhờ. Ngay xa xa chỗ mấy toán hình sự, hôm nay cũng không còn ồn ào cãi cọ nhau, như mọi khi.
Từ tối hôm qua, lòng tôi đã nhẩm tính dự trù cho đêm nay (15-3) như mỗi tháng. Từ cái tháng 7/1973 cho tới bây giờ niềm hy vọng mòn mỏi đợi chờ cứ mỗi tháng, mỗi bé dần, bé dần cho đến đoạn chót chỉ còn bé một tị. Cũng như đêm nay, niềm mong chờ, hy vọng của chúng tôi cũng còn bé, chỉ còn chút síu.
Bản tin buổi chiều, lại thêm: Đại quân hàng 5- 6 sư đoàn đã vượt sông Bến Hải, bất ngờ thần tốc tiến chiếm Cổ Thành và thị xã Quảng Trị. Đại quân đang trên đường tiến vào cố đô Huế. Từ nay chúng không để hai, ba ngày sau mới đưa tin tức nữa. Có lẽ riêng về trận đầu, trận mở màn ở Buôn Mê Thuột chúng thận trọng, nghe ngóng trong nước ngoài nước nên chúng mới chậm trễ, đưa tin cho nhân dân miền Bắc như vậy. Còn bây giờ thì đài, báo, cứ ra rả từng bước tiến, từng trận đánh của đại quân mà chúng đã tuyên bố là chiến dịch tổng tấn công toàn diện, lấy tên là Hồ Chí Minh.
Đất nước miền Nam thương yêu ơi! Ông bà tổ tiên ơi! Có chứng giám lòng con lúc này! Vì tôi hiểu, tôi nhìn vào bản chất của cuộc chiến, hoàn cảnh, điều kiện nên tôi mới buồn héo hắt, rũ rượi như thế này!
Đúng như ông bà mình dạy: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Đêm ngày 2-4 khoảng 10 giờ; kẻng cấm 9 giờ vừa xong một lúc; bên ngoài cổng và sân trại rầm rập í ới tiếng của công an võ trang và cán bộ. Nhìn ra về phía lán thủ công có ngọn lửa sáng, biết là có cháy nhà, nhưng chúng tôi không biết cháy ở đâu, phía ngoài cổng trại. Nửa giờ sau, ngọn lửa đã được dập tắt, một đoàn cán bộ và công an võ trang lại vào mở khóa, ngay lán của chúng tôi. Thoáng nhìn tôi thấy cả Tôn, Tằng, cán bộ toán tôi và trực trại, tên Hường đứng trước cửa cầm tờ giấy dõng dạc:
- Anh ĐCB nghe đây: Anh giấu than trong cầu bào, than đã ngún lửa, cháy cầu bào. Lệnh của ban giám thị, ĐCB bị kỷ luật một tuần, hạ mức ăn 13 kg.
Không ngờ nguyên nhân vụ cháy lại là do chính tôi, chỉ vì kỳ này tâm hồn “bay lên cây” cả rồi. Tôi đã cập rập, vội vàng, lú lẫn giấu than như mọi khi trong cầu bào, nhưng hôm nay đã không coi kỹ, than hãy còn tí lửa, ngún dần đến 10 giờ thì cháy lên.
Tôi ôm chăn chiếu vào nhà kỷ luật, trong đó đã có 2 – 3 cậu hình sự cũng đang bị cùm. Loại cùm suốt, giống như ở trại giam Hà Tĩnh tôi đã bị cùm. Cùm loại này chỉ là hàng cháu, hàng chắt của cái cùm Hỏa Lò. Hạ mức ăn 13 kg, chứ dù 7.50 kg một tháng, đối với tôi cũng chẳng nhằm nhò gì lúc này. Cái quan trọng, cái làm tan nát lòng tôi bây giờ là, tình hình chiến sự ở miền Nam.
Tôi bị cùm chừng 5 ngày, một hôm một em tù hình sự cùng suốt cùm với tôi, đưa cho tôi một miếng giấy cuộn tròn nhỏ xíu:
- Chú ơi! Có một chú ở gian đầu nhà kỷ luật này, bảo cháu trao giấy này cho chú! Cháu nghe nói chú ấy là Nguyễn Hữu Luyện, Đại Uý Biệt Kích trong Nam ra Bắc hoạt động. Chú ấy hiện giờ mức ăn kỷ luật, nhưng không bị cùm.
Trong bóng điện mờ mờ, Tôi mở miếng giấy ra; chữ viết bằng bút chì nguyên văn:
Chào anh Bình! Anh hãy yên tâm! miền Nam của chúng ta sẽ không sao cả! Ít ngày tới anh sẽ biết!
Tôi đọc miếng giấy ân tình, đăm chiêu một lúc! Trước hết tôi xúc động, cảm ơn anh Luyện, tôi chưa hề biết gì về anh, thế mà anh đã gửi lá thư động viên cho tôi. Bình thường như mọi khi, trường hợp này là tôi đôn đáo, xúc tiến để liên lạc với anh. Anh không tìm tôi, tôi cũng tìm đến anh. Nhưng bây giờ cơ thể tôi như con gà đang bị “dịch”, tinh thần của tôi thì đã bay lên cây mất rồi, nên tôi chả muốn gì hết! Tôi chả cần hỏi em hình sự bằng cách nào và đường dây nào, để mảnh giấy này đến tay tôi? Hẳn anh Luyện nghĩ anh là
Đại úy, lại mới ra Bắc sau này, anh nắm vững được tình hình hơn, nên anh có trách nhiệm, làm yên lòng anh em đã từ lâu, không thể biết hiện tình.
Tôi hiểu thế, và lòng tôi vẫn xúc động biết ơn anh vì tình chiến hữu, cùng mầu cờ sắc áo, cùng không may đã rơi vào tay kẻ thù. Cũng mừng cho anh, một mình ở trong một gian nhỏ, không bị cùm xích, như một hình thức kiên giam. Anh đã viết thư an ủi, động viên tôi nhưng anh Luyện ơi! Tôi còn hiểu, không phải anh mà cả những vị lãnh đạo ở miền Nam cũng chưa nhìn từng điều kiện, hoàn cảnh của mỗi giai đoạn, cho nên còn mơ hồ là Mỹ, sẽ mang quân vào cứu.
Chúng ta gạt bỏ một điều khách quan: Với cái điều kiện cuộc chiến ở VN vừa qua, dù Mỹ có bom, nguyên tử, khinh khí cũng không bao giờ dám dùng. Nếu Mỹ khùng, Mỹ dốt, Mỹ kém mà dùng là Mỹ tự sát. Không những cả nhân dân thế giới ngăn chặn, mà chính ngay nhân Mỹ, trong chính quyền Mỹ sẽ sớm muộn giải quyết, kẻ nào quyết định dùng bom nguyên tử. Vậy chúng ta chỉ bàn về chiến tranh thông thường, với những vũ khí thông thường.
Nếu chịu khó suy sâu, nhìn kỹ tình hình miền Nam từ 1965 (Mỹ mang quân đầu tiên) cho đến 1971 -1972, trận Nam Lào, trận Khe Sanh v.v... Nói theo lối bình thường dân gian: Có “các vàng Mỹ cũng không dám ” mang quân trở lại miền Nam nữa. Mỹ mà không dám thì không có một nước nào khác, một khối quân sự nào khác lại dám xông vào.
Xin hãy khách quan để xét vấn đề: ở đây chúng ta không nói hay chưa nói về chính trị, mà chỉ đơn thuần về quân sự. Xin hãy tìm đọc lại những báo chí, những bài nhận định, bình luận của những giai đoạn chiến tranh ở miền Nam. Ngay của phe ta (thế giới tự do) hay những nước trung lập, thành phần thứ 3 dân tộc chủ nghĩa phân tích, nhìn nhận.
Tổng quan:
- Phong cách chiến đấu. - Phương tiện chiến đấu. - Tinh thần chiến đấu. - Phục vụ một người quân nhân. - Nhu cầu của một quân nhân v.v...
Rất nhiều những nhà bình luận quân sự, những chiến lược, chiến thuật gia đều đánh giá chung để tương quan ngoài chiến trường.
Nếu bên cộng sản là 1, thì Mỹ đồng minh phải 12.
Nghĩa là:
Nếu cộng sản có một khẩu súng, Mỹ và đồng minh phải có 12 khẩu. Nếu cộng sản có một xe tăng, Mỹ và đồng minh phải có 12 xe tăng. Nếu cộng sản có một viên đạn, Mỹ và đồng minh phải có 12 viên. Kinh phí cộng sản đài thọ cho một bộ đội, kinh phí Mỹ phải có 12 lần hơn v.v...
Tôi không rõ họ đánh giá có chính xác hay không? Họ nhìn tổng quan, mặt này bù mặt kia chăng? Chứ tôi cứ xét một quân nhân, về lương lậu đài thọ: Mỹ không phải 12 lần hơn mà mấy chục lần hơn phía cộng sản.
Một tên Việt Cộng chiến đấu, có khi chỉ một cái quần đùi, một áo cánh nâu. Đâu họ cũng nằm được, chướng ngại hoàn cảnh nào cũng tích cực chiến đấu được, chui rúc chỗ nào cũng xong. Họ ăn uống thì nếu cần vài nắm gạo rang, với nước ao hay nước sông.
Ngược lại phía Mỹ, tôi nghe nói: Đi trận phải mang theo giấy toilet, đầy đủ tiện nghi cá nhân, thậm chí còn đem theo cả nước tắm nữa (sợ tắm nước Đông Á không hợp), nghĩa là quá kềnh càng. Một tiểu đoàn chiến đấu phải có 2 tiểu đoàn phục vụ. Thành ra vừa phí phạm vô ích, lại vừa hạn chế tính năng cơ động, của một người chiến binh.
Không chính xác nhưng cứ ang áng chiều hướng đó, ta suy ra Mỹ là siêu cường, chứ có là siêu siêu cường, cứ dần dần sẽ không thể chịu nổi, theo lũy tiến cuộc chiến này. Cho nên ông Nixon, ông Johnson hay bất cứ ông nào, Đảng Dân chủ hay Cộng Hoà thì rồi cũng phải tìm cách rút khỏi cuộc chiến hiện nay. Hơn nữa nước Mỹ còn hàng trăm thư lo cho mình,còn áp lực phản chiến của nhân dân Mỹ nữa. Cuộc chiến ở Đông Nam Á xa xôi, có phải là sống còn của Mỹ đâu? Vậy nếu chúng ta chửi là Mỹ đểu, Mỹ bỏ bạn chiến đấu Mỹ v.v… là trách oan.
Phải nói cuộc chiến ở Miền Nam là Mỹ không thể chịu nổi nữa, nên phải tìm cách rút chạy trong điều kiện đỡ mất mặt mà thôi.
Cái điều đáng nói và cần nói là: Tạo Hoá sinh ra con người, Ngài đã tạo ra cho mỗi người có 2 cái chân. Trừ trường hợp tật nguyền bẩm sinh hay không may trong quá trình sống. Mỗi một người phải có ý chí tự cường, tự túc, đứng thẳng bằng đôi chân của chính mình. Không dựa dẫm bất cứ cái gì, bất cứ ai, đương nhiêu không dựa được thì đổ. Một nước cũng thế! Chứ như tuyên bố của một vị tổng thống:”Viện trợ 700 triệu thì đánh theo 700, viện trợ 300 triệu thì đánh theo lối 300″. Nếu sự việc này có thật, nó nói lên nhiều vấn đề lắm!
Đúng bẩy ngày tôi được tha kỷ luật, lại trở về lán làm mộc. Tôi phải tiếp tục lao động hàng ngày, nên trừ lúc tôi còn trong kỷ luật ăn 9 kg, bây giờ tôi lại trở về mức ăn bình thường 15 kg. Những điều này làm sao tôi còn quan tâm đến. Hàng ngày những tin tức miền Nam đã làm lòng tôi thiu sượng, rữa ra rồi. Hôm nay đã 9/4 quân dân miền Nam thương yêu của tôi, đã rơi vào cái thế “cuốn chiếu”. Lúc này dù bất cứ ai, dù có tài thánh cũng không thể còn cứu giúp miền Nam, được nữa. Trừ trường hợp dùng bom nguyên tử, cái mà tôi đã gạt bỏ đi rồi.
Với sự xét luận của mình, tôi đã thấy trước, thấy đã từ gần 2 năm xưa. Thế mà sao lòng tôi vẫn rách nát, vặn vò nghe những sự việc diễn tiến từng ngày, ở miền Nam ruột thịt lúc này. Tôi nhìn những cây “bàng lăng” vô tri bên cạnh lán mộc, cành lá vẫn vung vẩy với gió. Nhìn cả mấy con chim câu đang đùa bỡn rúc mỏ vào nhau, trên nóc nhà trực trại, lòng tôi như muốn hỏi chúng:
“Chim ơi! Cây ơi! có hiểu lòng tôi đã ung thối thế nào không?”
Hôm nay đã 20/4 tôi chẳng còn muốn chạy sang bác Tiến, anh Bưởi và nhiều bạn tâm hồn khác, cả Lý Cà Sa, Lưu Nghĩa Lương v.v… để bàn luận tình hình nữa. Tôi chỉ muốn không biết gì nữa! Tôi cố không muốn rơi vào những chuyện bình thường của cuộc đời: Khi vui, khi thắng, khi thành công, thì tay bắt mặt mừng, liên hoan, chúc mừng v.v… Nhưng khi hư hỏng, thua lỗ, thất bại thì quay ra vặc nhau, hết đổ lỗi cho người này, lại người kia của bất cứ một đoàn thể, một công ty, hay một nước nào.
Có thể vì tôi kỳ này ít ăn, nên sức yếu hoặc ít ngủ hay bị cơn gió không lành. Chiều hôm qua tôi đang đứng nói chuyện với mấy chủng sinh: bỗng hoa mày chóng mặt rồi tôi không biết gì nữa. Khi tôi tỉnh dậy; các anh Nguyễn Thanh Đương, Nguyễn Quốc Anh và Phùng Văn Tại đang xoa dầu, nắn bóp tay chân của tôi. Các anh nói, tôi ngất xỉu té xuống sân trại, các anh đã kịp đưa vào trong buồng xoa dầu, cao. Dù thế nào tôi cũng xin cảm tạ Chúa cho tôi sống, cảm ơn các anh, bạn bè đã tương trợ, cưu mang.
Rồi cái ngày 30/4/1975 phải đến…. và đã đến. Cái ngày mà cả miền Bắc cũng như miền Nam, không ai là không biết đến. Trong chốn ngục tù tăm tối, cái ngày 30/4/1975 đến với tôi, như một mốc nghiệp của đời. Xoá đi hết những hy vọng, những mộng mơ, những viễn tưởng. Đồng thời những cùm kẹp khổ đau của tôi, những đói khát đọa đầy, cả tuổi xuân hoa mộng của tôi đều trở thành con số Zêrô to lớn.
Tôi nghĩ đến đoạn chì mật duy nhất, tôi còn cất giấu. Tôi cứ tưởng, cứ đinh ninh đã phòng hờ cả 2 hướng tốt và xấu. Tốt là nếu có điều kiện sẽ dùng nó, để hoạt động trở lại. Xấu là tôi quyết đem theo nó, về lòng đất với tôi. Ai ngờ đâu, lại có hướng thứ 3. Tôi đã moi đoạn chì mật trong riềm gấu, của chiếc áo soọc tù đã cũ rách, và tôi đã tự hủy nó. Bây giờ:
Với tôi… tất cả… đều vô nghĩa
Tất cả…. không ngoài nghĩa… khổ đau!
(Chế Lan Viên)
Nhưng sau cái ngày đen tối ấy đến, một đêm tôi chợt lóe lên một ý niệm: Sống, tôi cần phải sống, can đảm nhận lãnh cuộc sống này để…. sám hối…. Để chuộc cái lỗi lầm, tội lỗi với những thương đau, khốn cùng của đồng bào từ đây, và cho những ngày tới, mà chính tôi đã góp phần gây ra. Không làm tròn một trách nhiệm nhỏ, được đất nước trao cho.
Sau cái ngày 30-4-1975, cái ngày Dương Văn Minh đại diện quân nhân miền Nam, tuyên bố đầu hàng cộng sản vô điều kiện. Dù tâm niệm là cần phải sống, nhưng con người tôi như không còn hồn, vẫn như một cái xác biết đi. Đã giữa tháng 5, đã có những chú ve sầu rả rích, nỉ non than vãn trong những cây rừng chung quanh trại. Tôi vẫn đội một chiếc mũ dạ rách vá 2 – 3 mầu, trùm đầu, trùm tai chẳng còn muốn nói chuyện với ai. Râu ria, tóc tai không cần cắt, không cần cạo, lang thang một mình, miệng luôn lẩm bẩm một câu duy nhất: Riêng tôi một mình… tâm tư sầu lắng đi trong… bùi ngùi…
Khoảng gần cuối tháng 5, họ chuyển tôi về toán làm gạch. Theo cái hiểu biết của mọi người tù, toán gạch là một toán làm nặng, bùn đất, nắng mưa; cho nên phải về toán gạch có nghĩa là bị phạt, bị trừng giới trong tù. Tôi được chuyển vào khu II ở nhà A. Cán bộ phụ trách toán gạch là trung sĩ Hoàn người lùn tịt nhưng thuộc loại hắc ám, ác ôn. Địa điểm làm việc của toán gạch thật xa trại đến hơn 2 cây số.
Làm gạch có nhiều khâu: Khâu lấy đất, nhào đất, khâu đóng khuôn, phơi gạch, khâu vận chuyển về lò nung v.v… Vì tôi là lính mới, chưa biết cách làm ở các khâu khác, nên họ phân công vào một nhóm hơn chục người vận chuyển, gạch thô về lò. Gạch thô là gạch chưa nung, còn ở sân phơi, mỗi một viên nặng gần 2 Kg.
Mỗi người quang gánh với 2 cái sọt, người gánh yếu nhất cũng phải mỗi bên sọt 5 viên, như vậy cũng 2 chục kg trên một đoạn đường gần 1000m. Người trung bình mỗi bên sọt 10 hay 15 viên gạch. Trong tổ, cá biệt có anh Thanh, do “tinh thần phấn đấu thi đua”, gánh mỗi bên 20 viên, như thế cũng gần một tạ rồi. Gánh gạch hay làm ở các khâu, có tổ trưởng ghi đếm từng ngày. Về toán gạch, tôi cũng có một chút vui vui. Một buổi tôi thoáng thấy bóng Nguyễn Chí Sơn, anh chàng đầu 1972 đã trốn tù ở trại trung ương số I Lào Cai, thế mà bây giờ 1975 lại thấy lao động ở khâu đóng gạch này.
Tôi nhớ Chí Sơn, tập kết ra bắc theo đảng VC. Năm 1964 Sơn đã thấy được bộ mặt thật của con Hồng Tuộc, nên đã vượt tuyến vào Nam (Thép Đen III). Ngay trong nhóm vận chuyển gạch này lại có cả Lưu Nghĩa Lương, chắc cũng bị đầy ra toán này. Lúc đầu về toán gạch tâm trạng “mũ ni che tai “để qua cầu, nên tôi gánh mỗi bên sọt 5 viên gạch. Được 2 – 3 ngày cái vai nó sưng, đau nhức lòng tôi càng bế tắc, bi đát.
Tôi đã hiểu và hiểu đến đáy, càng chán chường, sầu não càng chóng tàn lụi; nhưng lúc này tôi không còn quan tâm đến bất cứ thứ gì. Hôm sau tôi khai bệnh nghỉ, không đi làm. Chúng không cho nghỉ, chúng bắt trật tự, toán trưởng lôi kéo.
Thậm chí có ngày chúng được lệnh lôi tôi xềnh xệch, từ trong sân ra ngoài cổng trại, để theo toán. Ra ngoài hiện trường, tôi liều lĩnh muốn ra sao thì ra, mỗi bên sọt tôi để 1 viên gạch, rồi gánh theo nhóm. Tên Hoàn tức ứ ra mặt, đã mấy lần lão định đến đấm đá tôi, chắc y đã báo cáo về giám thị nhiều lần và chắc giám thị cũng xem hồ sơ của tôi. Tôi là dạng tích cực lao động, một con người năng động cải tạo tiến bộ, mà bây giờ lại như thế, chắc họ đã đoán ra ngày 30-4 miền Nam mất đi, phải có liên quan!
Một buổi nhóm gánh gạch chúng tôi sắp về tới lò nung, phải đi qua chiếc nhà con, của cán bộ toán. Xa xa ở một cái lều con, ngay cạnh đường, tôi thấy 5 – 6 cán bộ áo vàng, các anh em đã nhìn thấy đều lộ vẻ nghiêm trang lo lắng. Có cả thiếu tá Thích, giám thị trưởng của trại trung ương số 2, Phong Quang!
Tôi đoán, tên Thích này đã nghe báo cáo: Tên ĐCB gánh mỗi bên chỉ có một viên gạch; hôm nay lão thân chinh ra tận hiện trường xem thực hư? Phần tôi, nếu bây giờ quá sợ sệt, tôi xin anh em vài viên gạch bỏ thêm vào sọt, thì cảm thấy hèn quá! Dứt khoát, dù có bị bắn vẫn tiến bước! Khi nhóm đi qua 5, 6 tên cán bộ, chúng đều quay ra gườm gườm nhìn. Tên Thích đeo chiếc lon thiếu tá, hai tay chống cạnh sườn tiến ra chỗ tôi, anh em đều cúi đầu chào: Thưa ban!
Tôi không nhìn y, nhưng cũng làm theo! Mắt y quắc lên, trắng như mắt cá mè. Khi tôi đi ngang qua, y gọi giật lại:
- Anh Bình đứng lại!
Tôi gánh 2 viên gạch đứng im. Bước lại gần, y cầm hai viên gạch đưa sát mặt tôi, nói như quát:
- Anh vất mẹ cái quang gánh đi! Hãy cầm mỗi tay một viên này, mà đi!
Hai tay tôi đỡ hai viên gạch từ tay y, rồi lại cắm cúi đi theo tổ, trước hàng chục con mắt tưởng phụt lửa của lũ áo vàng và gần 2 chục con mắt lấm lét của anh em tù.
Vắng lặng, ngột ngạt căng thẳng, tôi biết tên Thích đã kìm chế mạnh lắm. Tôi đã chuẩn bị đón nhận, một trận cuồng phong của y. Khi tổ trở lại thì đám áo vàng đã đi đâu hết, chỉ còn một tên vũ trang đeo súng, đứng lơ ngơ bên ngoài văn phòng, của tên cán bộ toán. Tôi tự hiểu, chiều nay và những ngày tới tôi sẽ gánh những hậu quả của việc làm này.
Trong một nhà tù kín mít hàng ngàn tù nhân, trưa và chiều hôm ấy, cái chuyện ĐCB gánh mỗi bên quang một viên gạch, làm đầu câu chuyện, để nhiều anh em bàn tán kháo nhau. Ngày hôm sau, chiều tan tầm, đoàn tù của toán gạch lếch thếch uể oải, trên đường về trại như mọi ngày. Khi toán đến một khúc quành, đột nhiên có 3 tiếng súng phía hàng đầu. Hai tên công an vũ trang cầm ngang, 2 khẩu CKC và tên cán bộ Hoàn nhớn nhác, hùng hục quát tháo ầm ĩ:
- Cả toán tập trung lại, anh Dậu điểm con số toán!
Chúng tôi phải xếp hàng đôi, vón lại cho anh Dậu điểm người, và đã biết là Nguyễn Chí Sơn. Chí Sơn đã làm cho tên vũ trang đi cạnh mất cảnh giác, trong một khúc quẹo, anh đã lỉnh nhanh vào một vạt rừng giang.
Tôi nhìn vào cánh rừng trong chiều muộn, khoảng 3 chục mét cách đường đi. Một vài đống giang chặt từ tuần trước, còn xếp đấy. Khi đã biết rõ là Nguyễn Chí Sơn, mấy tên vũ trang và tên Hoàn, bắt toán nghiêm chỉnh xếp hàng đôi, tiếp tục đi về trại.
Những lần khác tôi không biết, cụ thể tại trại Trung Ương số 1, Sơn đã trốn ở thùng phân nhà cầu, hơn bốn năm trước. Anh chàng Nguyễn Chí Sơn này cũng như Lê Sơn ở phân trại E, đều là người của họ, đã có nhiều công lao trước đây với chúng. Vì thế chúng đã không hành hạ tới chết, chứ loại chúng tôi, mà chúng bắt được, thì khó mà tồn tại.
Tôi đang miên man về hai anh chàng Sơn, tiếng chó cắn ở một khúc khuất vắng, văng vẳng đến. Sáu, bẩy tên công an vũ trang với ba con chó to, cao, lo le ba cái lưỡi đỏ lòm, rầm rập chạy ngược từ phiá trại ra. Gặp đoàn tù đang líu ríu về trại, chúng hội ý với mấy tên cán bộ của toán, rồi dắt chó chạy xô toả vào rừng giang. Nhìn cảnh bố ráp săn đuổi của lũ áo vàng, tôi rất lo lắng cho Sơn.
Tôi biết Sơn đã từng là đặc công khu Ba Lòng, vừa lanh lẹ vừa tinh khôn, nhưng vẫn phải cần những may mắn, của đời hỗ trợ. Cả trại chiều hôm ấy đều được lệnh ăn cơm sớm, vào buồng điểm số ngay.
Trăn trở tâm tư khắc khoải, trong lo âu lẫn chán chường cả ngày, nên tôi nằm xuống là đi ngay vào một giấc mịt mùng vô thức. Tiếng ồn ào ở trong buồng, rồi tiếng giật giọng của ai: “Chí Sơn”! Tôi bò nhổm dậy. Qua lỗ vách nứa đan, bẩy, tám tên áo vàng, quần ống cao, ống thấp. Một tên cầm một sợi thừng, đang kéo Chí Sơn bị trói giặt cánh khỉ, đi ở giữa. Hơi ngạc nhiên, ở phân trại E hoặc phân trại A trại tù Trung Ương số 1, đã mấy lần tôi nhìn thấy cảnh lũ áo vàng bắt được tù trốn, thường nằm trên mấy đòn cây rừng mang về.
Bởi khi bắt được tù trốn, chúng thường phì nỗi bực tức căm giận, vì mệt nhọc lùng xục tìm tòi, qua những cẳng chân, nắm tay hay những chiếc gậy vào người tên tù, thì còn làm sao mà đi được. Nhưng Chí Sơn chỉ bị trói dong về trại, chắc rằng chúng đã được lệnh nghiêm ngặt không được đánh, vì Sơn chỉ là đối tượng, mâu thuẫn nội bộ?
Ở trong trại, những ngày cuối tuần hay những giờ không đi lao động, anh Bưởi và Lương thấy tôi buồn ít nói, nên hay rủ tôi tới thăm uống trà, với anh này anh kia như: Kiều Duy Vĩnh (nghe nói là một đại úy thời Liên Hiệp Pháp) hay anh Nguyễn Chí Thiện, hoặc anh Phùng Cung v.v… (những thi nhân phản kháng trong nhân văn giai phẩm). Tôi đều từ chối, tránh xa những chỗ đông người. Tuy ra vào khu có nhìn thấy nhau, nhưng chưa hề tâm sự với ai, vì giai đoạn này tôi có còn hồn đâu!
Trưa hay chiều, tôi hay lang thang một mình ra phía sau lán, ngồi vắng lặng đăm chiêu, cho hồn lửng lơ hay đi chơi đây đó! Một buổi trưa mắt tôi lững lờ, lần theo một bóng người với chiếc cần câu, phải nói là một chiếc que nứa dài hơn 1m. Bóng đó cứ loay hoay, thả câu trong một cái ao con. Phải nói là cái rãnh con, đầy bèo tấm, nước đen ngòm. Tôi đoán chiếc ao con này, (bên trong hàng rào trại) khi làm trại người ta đào lấy đất đắp, mấy cái nền của lán trại. Do năm tháng, và mưa nắng thành một rãnh nước tù, như những người tù trong trại.
Thỉnh thoảng tôi cũng thấy có tiếng động trong đám bèo tấm. Chắc chỉ là mấy con ngóe, con ễnh ương chứ không phải là cá. Cá ở đâu vào đây? Và nếu có do trời mưa, thì lấy cái gì để mà ăn, nước lại đen thẫm như vậy!
Bỗng bóng người đó giật mạnh chiếc que nứa! Rõ ràng một chú cá trê đen thẫm, như mun tung lên cao, ngọ ngoạy mấy cái rồi lại rơi tõm, xuống chiếc rãnh màu đen mất tiêu. Tôi chạy bổ đến, ra là anh Bùi Tâm Đồng, anh đang ngẩn ngơ nhìn xuống chiếc ao đen, tay mân mê chiếc lưỡi câu. Tôi háo hức vồn vã:
- Tiếc quá! Tôi cũng tiếc cho anh!
Anh xòe tay rồi đưa cho tôi một chiếc xương hàm trên, của con cá còn dính ở lưỡi câu:
- Đây anh xem, nó đã bị xứt hàm rồi, chắc chả bao giờ còn dám cắn câu nữa.
Rồi anh nói thêm như giãi bầy:
- Tôi đã rình và chuẩn bị hơn 2 tháng nay, qua hiện tượng động tĩnh sau những trận mưa, tôi xác định chiếc rãnh này có một con cá, mà tôi còn đoán được là cá trê nữa! Tôi phải tìm thép, chặt ngạnh uốn thành một lưỡi câu, rồi tôi phải hy sinh một miếng tóp mỡ, mẹ tôi hồi tết mò mẫm lên tận đây tiếp tế. Cũng hàng tuần lễ nay, hôm nay nó mới cắn, thì chỉ được mỗi cái hàm trên của nó.
Để cho câu chuyện tôi và anh gần gũi nhau hơn, và cũng để khích lệ, tôi động viên:
- Yên chí anh Đồng ơi! Nó vẫn là một sinh vật, đói phải ăn, hãy kiên trì!
Và rồi mãi hơn một tháng sau, một trận mưa đêm thứ Bẩy, ngày Chủ nhật tôi và anh Đồng đã lại câu được chú cá trê ngày ấy. Hàm trên của chú cá đã thành sẹo, trông chú giẫy như một người bị tật méo mồm. Nhìn con cá trê gầy nhẳng, tuy không to nhưng tôi chắc nó đã già lắm rồi!
Không phải nó không biết, nó không rút kinh nghiệm, có khi nó đã tự thề hứa là không còn bao giờ cắn những cái loại vớ vẩn ấy nữa! Đã làm mình mất cả xương hàm trên, lại còn bay lên trời như pháo thăng thiên nữa. Thà đi kiếm chác con sâu, con bọ ở mé bờ, cùng lắm thì mấy cánh bèo mà sống. Nhưng….. Như tôi đã nói chữ “nhưng” ở đời, con cá cũng không thoát khỏi chữ “nhưng”. Đói quá! Chẳng có con sâu, con bọ nào cả, suốt ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác chẳng có một cái gì, ngoài những cánh bèo. Thôi thì, nếu có phải “đớp” vào là sẽ chết, thì cũng xin một lần, vì thế cậu cá trê ngày ấy lại sơi nữa. Và bây giờ chúng tôi: Anh Đồng và tôi, chạy chọt ngoại giao được tí muối với một cái lon Guigoz. Chiều nay sẽ có một bữa tơi bời hoa lá cành, với chú cá trê này.
Chúng tôi xốn xang tất bật chuẩn bị nhiều mặt; lửa đóm canh gác, bí mật chỉ có 2 người thôi. Khi cắt đôi con cá, thấy ruột nó ngắn một tị chừng 2 phân toàn đất thôi. Lá gan và tim của nó cũng tí tẹo, khác hẳn với một con cá to bằng thế, mà ở điều kiện bên ngoài. Chưa nói, khi mỗi người có một phần, bắt đầu thưởng thức thì ôi thôi! Thịt của nó như mùi con bọ xít của cây bí ngô, bí đao, nó vừa khăn khẳn lại vừa nồng nồng. Tuy thế chúng tôi cũng vui vẻ và nhăn mặt, trợn mắt chén hết!
Ngày 19/2/76, buổi sáng, tôi đang ngồi trong hàng chờ toán xuất trại như mọi khi, tên Hường trực trại đọc tên tôi ở lại, chuẩn bị công tư trang, chuyển trại.
Đã từ lâu tôi xác định, mình bây giờ như một món đồ vật, vậy tùy chúng muốn đưa đi đâu thì đi, muốn để ở đâu thì để. Không đâu xa, chúng chuyển tôi ra phân trại A.
Đây là trại chính của trại Phong Quang, trung ương số Hai Yên Bái có tên tổng giám thị là thiếu tá Nguyễn Trọng Thích trực tiếp phụ trách. Chung quanh trại có tường xây như bên trại chính phố Lu, Lào Cai. Bên trong có 7 – 8 ngôi lán tù cũng bằng tre, nứa, gỗ như trong phân trại B, tôi vừa chuyển đi.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen