Love is like a glass door… sometimes you don’t see it, and it smacks you right in your face.

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 127: Những Chiếc Trực Thăng Giấy
ang từ một khung cảnh nhỏ của trại E, toán 2 được chuyển về trại chính này như bị rơi tõm vào một thế giới to rộng, bao la. Đã 5 – 6 tháng trôi qua rồi, đã hết cái mùa Đông u buồn lạnh lẽo để bước gần tới ngưỡng cửa của cảnh trời Xuân. Trong một cái trại có hàng nghìn phạm nhân với bao nhiêu khu vực khác nhau. Mỗi một ngày là bao nhiêu chuyện xẩy ra, vậy mà hầu như tôi rất ít biết; chỉ vì tôi cứ miệt mài vào sách với vở. Nhất là kỳ này, sau khi có bao nhiêu tập sách hay của cái thư viện con con này tôi đã lục lọi đọc hết. Bây giờ chỉ còn các loại con cá, lá rau như: Anh Hùng Lúp, Bế Văn Đàn, Lê Văn Tám, Nông Trường, Hợp Tác Xã với những tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa v.v… Thành thực mà nói dù đói (tinh thần) tôi cũng không thể ngốn những loại này được. Còn một loại sách nữa, cũng rất nhiều người không đọc, cá biệt có một ai đó cũng ra vẻ ta đây có trình độ, có tư tưởng sâu sắc, mượn một vài cuốn về thì lại cũng vứt lây, vứt lất ở sàn trên hay sàn dưới trong buồng. Có ai nhìn thấy, mó đến, lặt một vài trang rồi cũng vất lại chổ cũ. Đó là những sách triết của các nhà lý luận tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản.
Bản thân tôi cũng vậy. Tôi thèm đọc sách lắm, vì đó là một sở thích của đời tôi, thế mà mỗi khi rờ đến những loại sách đó tôi cũng thấy chán. Phần vì tôi đã học triết bao giờ đâu. Tuy thời gian hơn một tháng ở số 2 J. Jacques Rousseau bên Chợ Lớn, cũng tí toe, ngúng nguẩy một tí với triết chứ đã biết quái gì đâu. Phần khác, sách triết vừa khô khan khó hiểu, có khi đọc cả trang mà chả hiểu gì. Nào những thượng tầng kiến trúc, những hạ tầng cơ sở; nào những bản chất với hủy thể v.v… cứ rối rít, tít mù cả lên.
Nhưng hết sách rồi, tôi buồn quá! Tôi cảm thấy cuộc sống ở trong tù khô cằn hết hẳn ý nghĩa đi. Và vào một ngày Chủ Nhật đó, tôi đã vớ đại một cuốn: Sự Khốn Cùng Của Nền Triết Học Đức. Tuy không hiểu lắm nhưng cứ nhồi đại vào, nhưng càng đọc óc tôi càng sáng ra. Rồi những học thuyết này, những tư tưởng kia. Những chủ nghĩa này đối kháng, mâu thuẫn với chủ nghĩa kia v.v… Lénine chửi Trosky, mạt sát Causky; Causky rủa sả Lénine. Người này viết sách lý luận chửi người kia, tôi muốn biết vì sao mà họ chửi nhau, họ chửi thế nào? Đúng hay sai? Thế là dần dà, tôi mê mệt, say sưa vào những cuốn sách loại đó.
Ngày đi lao động, trưa, tối, những ngày nghỉ, tôi chỉ ngoại giao với tên trật tự Tân, để bí mật có tí dầu lửa (điều này chả có khó khăn gì giữa Tân và tôi). Đốt một ngọn đèn con, chụp đèn bằng cái lọ pénicinine cắt thủng đít. Tối nào tôi cũng đọc sách đến 10 giờ, thi đua với Nguyễn Văn Gôm. Gôm học toán, tôi xem sách triết. Tôi cũng làm những bản thu lượm những tư tưởng chính của từng cuốn sách.
Trong trại tù, sách hiếm hoi, có cuốn này thì thiếu cuốn kia. Anh em khác làm đồ tư cho cán bộ như cái thước kẻ, thước mét, cái hộp con v.v… để mong cán bộ cho gói trà, bao thuốc lá. Nhưng tôi chỉ mong cán bộ mượn cho những cuốn sách mà tôi cần, ở trên thư viện của cơ quan.
Tôi đường hoàng ghi chép vì tôi đã dùng sách để cải tạo tư tưởng còn đầy rẫy lạc hậu của tôi đúng như ý đồ của họ. Như vậy là tôi tiến bộ quá ấy chứ, tôi còn sợ gì? Như trên tôi đã trình bầy, chỉ vì mải mê vào sách vở cho nên rất nhiều sự việc xẩy ra ở trong trại, có khi ngay chung quanh mình mà tôi chỉ ỡm ờ nghe. Nhưng có một sự việc tôi không thể bỏ qua.
Khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12/1970. Không khí sinh hoạt của trại khác hẳn, nhất là bên ngoài trại phía cán bộ. Những toán tự giác như lâm sản, có lệnh nghiêm ngặt phải có mặt ở trại trước 5 giờ chiều. Tù đi lao động ra vào trại bị kiểm soát gắt gao. Bên ngoài, xa xa trên những ngọn đồi cây chung quanh trại, lấp ló đây đó là những chiếc trực thăng bằng giấy, làm to như thật. Có đủ cánh quạt và mầu sắc cũng như những chữ số để phân ra từng loại máy bay. Không ai có thể suy đoán được, họ làm như vậy để làm gì, nhất là đã lâu để làm gì, nhất là đã lâu rồi trại không có đài hay báo chí.
Đêm đêm, có những tràng súng trung liên, tiểu liên, thậm chí cả đại liên đã khua động lòng người tù. Người ta bàn tán, nào là đảo chính ở Hà Nội, nào có rất nhiều truyền đơn rải ngay chung quanh trại v.v…
Tôi hiểu đây là những nguồn tin có thể từ những tụi cán bộ rỉ tai tung ra. Nhưng cũng có thể từ ngay chính anh em ở trong tù. Do sự bế tắc cùng khổ của đời tù tội, người ta thường mơ ước, tưởng tượng, hình dung những điều tốt đẹp đến với họ, từ một sự tưởng tượng của một cá nhân nào đó. Thí dụ: một anh đêm nằm không ngủ được, nhìn thấy những hiện tượng súng nổ, cán bộ ra vào nghiêm ngặt…lại không biết rõ lý do nên anh ta suy đoán: bên ngoài xã hội, trong chính quyền có phe thân Liên Xô, phe thân Trung Cộng; phe này lật đổ phe kia thì dứt khoát cuộc đời mình sẽ thay đổi. Sáng hôm sau, anh đó gặp một người bạn thân, vẫn thường trao đổi, bàn bạc tình hình mỗi khi có một hiện tượng lạ. Anh này kể lại sự suy đoán của anh ta, nhưng để cho người bạn chú ý đến lời nói của mình, ý kiến của mình hơn, anh đó đã nói với vẻ như thật là anh đó đã bí mật nghe được từ tự giác, hay của cán bộ v.v… Anh sau lại tiếp xúc với một người bạn thân khác. Anh đã kể lại sự việc hoàn toàn như một nguồn tin, không còn là một sự suy đoán nữa, không quên thêm vào, bớt ra cho câu chuyện có vẻ tình tiết. Và cứ như vậy, truyền miệng, rỉ tai. Trong một trại giam, phương pháp thì thầm, rỉ tai này thật hữu hiệu. Tụi cán bộ trại giam dùng nó bao giờ cũng đạt kết quả theo ý muốn. Sau này sẽ minh chứng dần bằng những người thực, việc thực cụ thể.
Từ hơn 1 tháng nay, tôi lại được chuyển về làm mộc ở trong lán thủ công. Lán thủ công ở đây rộng gấp 2 lần lán thủ công của trại E, nhưng cũng chỉ có hai toán như cũ: toán 3 xẻ và toán 2 mộc. Ông cán bộ toán 2 kỳ này là Lê Trí Miễn. Da y đen đen, tuy còn rất trẻ, chỉ khoảng 24 – 25 tuổi, nhưng tôi vẫn gọi là ông. Khác với tên Sỹ chó chết trước đây đã đi đâu mất tiêu rồi. Chưa hiểu sau này ra sao, nhưng ngay từ những ngày đầu, qua những ánh mắt, cử chỉ, tôi thấy có thiện cảm với ông ta. Và chính ông Miễn cũng dành cho tôi nhiều điều đặc biệt. Nhưng phải nói đặc biệt nhất lại là ông cán bộ toán 3. Tên ông ta là Tụ. Tôi có thiện cảm với ông Miễn hơn ông Tụ, nhưng ông Tụ lại mến tôi và tin tưởng tôi một cách mà tôi không ngờ được.
Ông Tụ phụ trách toán 3. Tuy toán 3 cũng có nhiều biệt kích, nhưng ông ta không có liên quan gì với tôi cả. Lúc đầu, tôi quen biết ông chỉ vì ông ta nhờ tôi bào cho mấy cái thước kẻ (phải có kỹ thuật tốt mới làm được thước). Ông ta cho tôi mấy điếu thuốc lá Tam Đảo. Tôi không nhận, lại nhờ ông mượn sách. Rồi qua một vài quan điểm trao đổi; càng ngày ông ta càng có thiện cảm với tôi. Tôi vẫn dè dặt, vả lại như tôi đã nói, tôi có thiện cảm với ông Miễn hơn.
Cho đến một buổi, tôi ra chỗ nhà cầu cuối lán thủ công để đi cầu. Rõ ràng tai tôi nghe nho nhỏ giọng hát quen thuộc ngày xưa của Thanh Thúy. Vừa tò mò, vừa ngạc nhiên, tôi men theo một bờ cỏ tiến dần về phía giọng hát từ ở một cái nhà con, chỗ làm việc của cán bộ toán 3. Căn nhà làm việc đó cũng bằng căn nhà con làm việc của cán bộ toán 2. Hai căn làm giật lại phía sau cách xa lán xẻ và lán mộc. Hai căn dựng cách nhau khoảng 50 mét.
Nhìn vào căn nhà đang có tiếng hát, tối om, cửa đóng kín. Tuy chỉ là vách nứa, lợp tranh nhưng cũng kín đáo. Bây giờ tôi nghe rõ ràng là bài “Chiều mưa biên giới” do ca sĩ Thanh Thúy hát. Ôi, giọng hát lả lướt, truyền cảm nồng đượm như ánh nắng mùa Đông sưởi ấm những cõi lóng khắc khoải, băng giá đã cuốn chặt hồn tôi. Cả một nỗi niềm chất chồng thuơng nhớ về miền Nam thân yêu đã nén chặt trong lòng tôi nhiều năm, hôm nay đã túa ra thành giọng hát ngọt ngào thuơng yêu ruột thịt. Tôi gục đầu vào sau vách cho hồn chảy dài vào lời ca tiếng nhạc. Bất chợt, cánh cửa sổ trên đầu tôi mở ra làm tôi choáng váng. Ông cán bộ Tụ cũng mở to mắt nhìn tôi. Hai mặt chỉ cách nhau 50 phân.
Như tên trộm bị chủ nhà bắt quả tang ở trong nhà. Tôi còn lúng túng lựa lời chống đỡ rồi tìm cách chuồn thì ông ta nhỏ nhẹ thân tình:
- Anh Bình đấy à, vào trong này!
Tôi đang lo sợ bị truy, chụp về tư tưởng, không ngờ còn được ông gọi vào trong nữa chứ. Đắn đo một giây rồi quyết định đi vào.
Vừa bước qua ngưỡng cửa, ông đã đóng chốt then cửa phòng lại. Ông chỉ chiếc ghế đẩu vẫn thường dành cho phạm nhân ngồi, nói nhỏ:
- Ngồi đi!
Cũng là tiếng “ngồi đi” như nhiều những cán bộ khác vẫn bảo tù, nhưng qua giọng và cách nói hôm nay của ông Tụ, tôi có cảm tưởng khác thuòng. Nó dịu êm, thân mật như của một người bạn đối với một người bạn.
Quả vậy, gần nửa giờ ở trong phòng của ông Tụ có lúc nghe nhạc, có lúc nói chuyện tình cảm giao du giữa một người và một người, chứ không phải giữa cán bộ với tù nhân. Rồi từ buổi ấy, thỉnh thoảng tôi lại lỉnh sang gặp ông, vì cùng trong khu thủ công. Vả lại phạm nhân mà gặp cán bộ thì có gì là khác thường đâu. Những giữa tôi và ông Tụ, tuy không ai nói ra nhưng hai bên đều tự hiểu, sự quan hệ này chỉ là riêng hai người chẳng nên để cho bất cứ người thứ 3 nào biết.
Chẳng hiểu ông Tụ có những cái nhìn, những nhận định thế nào về tôi, có lần ông ta dám nói một ý với tôi thật là táo bạo: “Mỹ không hiểu biết gì về miền Bắc cả. Mỹ cứ ném bom thế này thì giải quyết cái gì? Nếu Mỹ và Sài Gòn đem quân đánh thẳng ra đây thì sẽ có đại đa số người dân đi theo, trong đó có tôi.” Trong lòng tôi thì ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, nhưng để bắt kịp một chỗ nối đổi mầu, mặt tôi thản nhiên, đầu tôi gật gật, tôi giơ một ngón tay cái ra trước mặt ông ta, giọng tôi trầm trồ:
“Ông có cái nhìn thật là sắc!”
Thái độ đó của tôi, cũng muốn nói ý với ông Tụ là:
“Tôi đã hiểu anh, cứ tự nhiên và anh yên tâm. Anh đã gặp một người có ý thức và có tâm hồn, dám chịu thiệt hại đối với người tri kỷ lắm.”
Sau đó, sự quan hệ giữa tôi và ông Tụ, tuy không dầy, chỉ thưa thớt bề ngoài nhưng có chiều sâu. Do đó qua ông, tôi đã biết thêm cũng như xác minh được một số tin tức bên ngoài.
Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 12/70 qua ông Tụ, tôi đã được biết sở dĩ tất cả các trại giam trên miền Bắc đều phải thực tập canh gác, báo động đêm ngày. Phải làm những trực thăng quân sự giả, nhưng cũng có chỗ là thật, để đánh lừa không ảnh của máy bay Mỹ. Bởi vì Mỹ đã bất ngờ cho máy bay trực thăng xuống một trại giam ở Sơn Tây đã đuợc di chuyển đi 3 – 4 tháng trước đấy rồi. Trại giam đó nhỏ, bây giờ chỉ nhốt tù hình sự mà thôi.
Gần 3 giờ sáng ngày 21 tháng 11, có 6 trực thăng của Mỹ, thình lình đến trại giam Sơn Tây. Hai chiếc đáp xuống bên trong trại giam, 4 chiếc vòng đảo trên trời để bắn phá bộ đội tiếp viện bên ngoài. Chúng bắn chết một số bộ đội canh gác trại, phá khóa các buồng giam, nhưng bên trong toàn là tù hình sự. Sau gần nửa giờ lùng xục, chúng chẳng tìm được một tên phi công nào. Khi tháo lui, một chiếc trực thăng bị gẫy cánh quạt vì vướng cành của một cây bàng, phải nằm tại chỗ ở trong sân trại. Báo hại, họ đã bắt theo cô Nguyễn Thị Linh làm văn thư mang vào Nam. Cô Linh lại là cháu ruột của đại úy Côi, giám thị ở K3 thuộc trại Phố Lu này.
Khi về trại, tôi chỉ kể riêng cho Gôm và Quốc Anh nghe mà thôi. Gôm cứ xuýt soa ca ngợi số phận của cô gái có cái tên là Linh. Bất ngờ cô ta đã “linh hỏi” lẹ từ một cảnh đời nhầy nhụa, đói khổ sang một cảnh đời ngọt ngào sắc hương. Tôi thì nghĩ, có thể cô Linh còn sang đến tận xứ Cờ Hoa ấy chứ, vì tình báo Mỹ phải cần cái lưỡi sống của cô.
Còn một tin tức đặc biệt nữa cũng do ông Tụ đã làm tôi ngẩn người ra vì ngỡ ngàng. Đó là phi thuyền không gian Apollo 11 do hai phi hành gia người Mỹ đã đổ bộ xuống mặt trăng vào tháng Bẩy năm 1969. Chắc hẳn thấy thái độ của tôi còn đầy băn khoăn nên ông Tụ đã vào góc phòng lục trong đống báo cũ lấy ra một tờ Quân Đội Nhân Dân rồi chỉ vào một góc phía dưới của tờ báo:
- Đây này, anh đọc đi!
Chỉ có 2 giòng chữ đơn giản ở mãi cuối tháng 3: “Sau nhiều lần thất bại, ngày…tháng 7 năm 1969, phi thuyền Apollo 11 của Mỹ mang 2 phi hành gia là (tôi quên tên) đã đổ bộ xuống mặt trăng.” Nguồn tin này, về trại tôi chỉ kể riêng cho bác Tiến, bác Lẫm và Gôm nghe, nhưng chỉ vài ngày cả trại đã thì thầm bàn tán. Phải nói kỳ đó hầu hết chúng tôi đều bàng hoàng suy ngẫm về con người, đã đặt chân lên cung Quảng đánh dấu một kỷ nguyên mới cho nhân loại, vậy mà hơn một năm sau chúng tôi mới biết.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen