There is a wonder in reading Braille that the sighted will never know: to touch words and have them touch you back.

Jim Fiebig

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 122: Ân Tình Của Chúa Sơn Lâm
ột câu chuyện bình thường về một con trâu nhưng nó đã gợi nhớ cho tôi một cái mốc thời gian trong cái hố sâu của dĩ vãng. Hôm đó, vào một đêm mưa dầm thứ Bẩy, giữa tháng Ba năm 1969. Lúc này trại đã ăn Tết Âm lịch đã được gần một tháng. Trời hãy còn lành lạnh của cái rét nàng Bân. Trại đang ngủ yên ắng, gần nửa đêm về sáng; đột nhiên có những tiếng huỳnh huỵch, ầm ầm như cây đổ phía chuồng trâu đằng sau trại. Một số người tỉnh ngủ trong buồng đã ngồi dậy nhớn nhác, ngác ngơ nhìn ra cái khoảng đen tối của rừng khuya.
Bác Tiến đã thò tay sang màn tôi, lay tôi dậy; nhưng tôi đã tỉnh lâu rồi, mà vẫn nằm yên nghe ngóng. Bỗng có tiếng gầm như rung chuyển cả núi rừng, làm đong đưa ngọn đèn 40 nến đang treo lủng lẳng ở giữa nhà. Tiếng gầm làm hầu hết mọi người đều choàng dậy. Trong buồng có nhiều người dân tộc thiểu số mà núi rừng là quê hương, nhà cửa của cả đời họ nên họ đã biết ngay, đó là tiếng hổ về bắt trâu.
Tiếng hổ gầm cũng có lẽ đã đánh thức tụi cán bộ phía khu nhà giám thị, vì bất chợt một tràng súng AK rú lên. Âm thanh như mũi giáo ngoáy vào màn đêm tịch mịch.
Trong buồng chúng tôi đều hiểu, chúng bắn tràng súng là để dọa đuổi hổ đi, chứ sức mấy đứa nào dám mò ra rừng khuya, giữa lúc mưa lạnh thế này. Chẳng ai dám bàn tán, nhưng nhìn nhau, mắt ai cũng ánh lên niềm vui. Hẳn trong lòng mỗi người, ai cũng đều hớn hở chào mừng “bác” hay “cụ” mồi. Bởi vì, theo anh em, những năm trước đã có nhiều cụ hổ về bắt trâu của trại. Mỗi lần như vậy, thể nào trại cũng có bữa tươi; vì thường thường ông hổ chả ăn hết con trâu. Đó là ân huệ của ông để lại cho đám người cùng khổ.
Sáng hôm sau, nguồn tin sốt dẻo đã có sớm: cụ hổ đã bắt con trâu mộng đầu đàn đem đi mất tiêu hôm qua! Người ta nhìn thấy vết chân hổ to như bàn tay xòe, dẵm nát cỏ cây chung quanh chuồng trâu. Có một cái điều làm cho cán bộ cũng như tù ồn ào, bàn tán không ít là cửa và hàng rào của chuồng trâu vẫn không sao cả. Hàng rào cao khoảng 1 mét rưỡi gần ngang cổ của người lớn. Người ta tự hỏi, con trâu mộng to như vậy, chả lẽ cụ hổ cõng nhẩy qua? Nghĩa là sự việc đó khó tin được; nhưng cụ thể là con trâu đã mất.
Ngay từ sáng sớm, 4 tên vừa cán bộ vừa bộ đội dẫn theo 4 tên tù tự giác. Cơm đùm, cơm nắm dõi theo vết chân của lão chúa sơn làm vào nơi thâm u của núi rừng hoang dã. Cả trại đi lao động ngày hôm ấy đều phập phồng mang theo niềm hy vọng đợi chờ.
Nhưng cho tới chiều tối, đoàn người đi tìm mệt mỏi trở về không và niềm đợi chờ, mong ngóng của anh em cũng xẹp xuống. Mặc dù thế, toán đi tìm hôm sau vẫn tiếp tục. Nhưng người ta cũng kháo nhau nhiều chuyện chung quanh cụ hổ bắt trâu này như những huyền thoại thần bí, linh thiêng của rừng già.
Hôm su, gần về trưa trại xôn xao, náo nhiệt hẳn lên. Đoàn đi tìm đã hì hục khênh, gánh về cái đầu, 2 đùi trước với bộ lòng của con trâu. Cụ hổ đã ăn hết hẳn nửa sau của con trâu. Hai đùi và chỗ thịt ngon, gồm trên 50 kg thì được khênh về khu vũ trang và giám thị (như vậy cụ hổ cũng là ân nhân của lũ cán bộ nữa). Đầu, cẳng chân, xương, da và ruột thì phần trại tù. Tất nhiên cũng phải cân lường kỹ càng để tính tiền trong những kết toán hàng quý, hàng năm của trại. Nhưng phải nói rằng, giữa rừng núi hiếm hoi, có thịt, xương mà mua là tuyệt rồi. Xương lọc kỹ không kể, thịt được 15 kg, với bộ da và bộ lòng cho nhân số hơn 400 thì mỗi người cũng chỉ được một vài miếng nho nhỏ.
Nhưng điều tôi chú ý hơn cả, và có thể nhiều người khác cũng vậy. Chúng tôi chen lấn nhau đổ xô xuống sân nhà bếp để nhìn cái đầu con trâu mộng. Tôi chả nhìn thấy mình con trâu, nhưng cứ nhìn cái đầu đồ sộ ngoại cỡ của nó thì tôi đã hình dung ra con trâu đầu đàn to khỏe như thế nào rồi. Một bên sừng bị gẫy một nửa, để lòi ra một đám tủy trắng đỏ, nhờn nhợt. Một mắt lõm sâu, lua tua vài miếng thịt, con ngươi văng đâu mất. Hàm răng nhe ra, rãi và máu đóng lại thành bờ. Da mặt bị cào xé rách nát. Tôi cứ đứng hàng giờ chằm chằm nhìn con trâu. Tôi hình dung một cuộc chiến đấu ác liệt, dai dẳng giữa con hổ và con trâu mộng này. Hẳn rằng trước khi chết, đành gục xuống phó mặc cho con hổ nhai thịt của mình; con trâu đã vì sự sống của mình, nó vừa run sợ, vừa phải chiến đấu dù với một cách não nề, vô vọng với một kẻ thù có truyền thống ăn thịt loài của mình. Tôi cứ nhìn con mắt thất thần còn lại của nó, trợn ngược, trắng dã. Hẳn nó phải chết trong nỗi kinh hồn, khiếp đảm, thảm thương.
Như trên tôi đã nói, chuyện con trâu này đã gợi nhớ cho tôi một cái mốc của thời gian, đến đây cũng chưa phải, mà chính là một sự việc như sau: do cái tài xoay sở, khéo léo của Gôm đã quan hệ thế nào đó với một đường dây tự giác rất đặc biệt. Gôm và tôi góp nhau mỗi người một đồng. Ngày hôm sau ra lán thủ công, đã có một bọc da trâu đến 2 kg thui rồi, giấu trong một đống vỏ bào đã dặn trước. Do những yêu cầu về nấu nướng, chúng tôi chỉ bí mật cộng tác với bác Chánh già làm vệ sinh. Người canh, người cạo rửa rồi cho vào một cái gầu bằng tôn ninh nhừ. Gôm còn ngoại giao đổi chác với nhà bếp để có ít muối.
Buổi chiều hôm ấy, làm sao tôi quên được. Ba chúng tôi: bác Chánh, Gôm và tôi hò hẹn chui vào một bụi bìm bìm phía sau lán. Do sự quy ước chặt chẽ với nhau là không cho người thứ tư biết, vì thế tuyệt đối không được cho ai và phải ăn hết tại chỗ.
Thôi thì nắng hạn gặp mưa rào. Rét nhiều nên mới có ngày mồ hôi!
Chúng tôi vừa trợn trừng nhai vừa nhìn nhau. Mồm nhai chưa nuốt xong, tay đã cầm sẵn miếng khác chờ chực đút vào rồi. Ăn nấy, ăn để quên hết cả đất trời, tổ quốc, quê hương. Thế mà chỉ một loáng đã sạch trơn. Hai ký da trâu đã chui béng vào bụng ba người. Nhưng mà trời đất hỡi! Cái đêm hôm ấy người tôi như có ai thổi lửa vào hậu môn. Bụng nóng hừng hực, người nôn nao quay cuồng. Tôi bỏ màn đi ngủ sớm. Tôi liếc nhìn lên sàn trên chỗ Gôm, cũng đã thấy bỏ màn rồi. Tôi cố dằn nằm yên, tay xoa bụng. Thỉnh thoảng thấy Gôm mặt đỏ rừ chạy vào nhà cầu.
Nhưng thật oan gia là bác Chánh, có lẽ vì bác già yếu nên đã không chịu nổi như chúng tôi. Bác ngồi trên sàn ồng ộc, nôn thốc, nôn tháo xuống đất. Bác cứ vặn vẹo người, nước mắt, nước mũi dầm dề vì nôn chưa hết. Mỗi lần bác ộc ra, từng sợi nhớt dài thoòng, nhễu nhợt nối từ miệng bác với bãi nôn dưới đất. Mùi khăn khẳn, nồng nồng xông lên khắp buồng. Nhiều người bịt mũi đi nằm vậy mà Thân Lân vẫn chịu khó hì hục lấy tay vớt từng miếng da trâu chưa nát vì ăn vội, nhét vào chiếc “hồ lồ”. Mặt anh tươi roi rói, phởn phơ của một ngày vớ bở. Phần tôi tuy không nôn, nhưng phải một bữa gần chết, cả đêm hôm ấy trằn trọc không ngủ được, nhớ mãi tới bây giờ chưa quên.
Sau này tôi nghĩ lại, thấy thật là dại, da trâu ninh nhừ ăn để chống đói thì thật là tuyệt nhưng với điều kiện ăn vừa thôi. Chỉ vì đói, thiếu lâu ngày, nay vớ được, ăn cho đã cái miệng nên mới bị như vậy.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen