Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 116: Những Tượng Ảnh Làm Ô Uế Chúa
hiều nay, một nguồn vui bất ngờ làm xôn xao cả trại. Do tinh thần lao động hăng say của các toán, Ban giám thị mua về cho cả trại hai con lợn, mỗi con nặng hai mươi lăm ký và đặc biệt chiều nay cơm không độn.
Nguồn tin rộ ra khi đã xuất trại rồi vậy mà nó lan tràn rất nhanh ra khắp các toán ở ngoài rừng cũng như trong lán thủ công. Nhiều con “phe” đã thập thò, thì thầm đặt hàng mua bán, đổi chác cái món ăn tuyệt vời mà từ Tết tới giờ hơn ba tháng rồi mới có. Ngay ở trong lán, mùi hành, mùi tỏi từ phía nhà bếp trại lách vào trong gió theo nhau ra cả đến chỗ người ta làm mộc. Nhiều anh, dù đang cưa, bào đục đẽo cũng phải ngửng lên hếch mãi cái mũi lên cao hà hà, hít hít, mắt sáng long lanh nhìn nhau như muốn nói: đấy…có ngửi thấy không?
Phần tôi, dù đang cắm cúi bào mấy cái mặt ghế đẩu sồn sột, trong lòng vẫn cứ nhấp nhổm tính. Ngay từ mấy ngày trước, tôi đã nhìn thấy mấy cây ngò gai của bác Chánh trồng bên cạnh gốc cây muồng cụt phía sau lán vernie. Dứt khoát bằng mọi giá tôi phải ngoại giao để kiếm được hai lá về để “xịa” vào mấy miếng thịt chiều cho đời lên hương sắc. Nhưng cho đến khi toán về, khi vào qua cổng trại, một mùi thơm của thịt thật lạ lùng, nó nồng nồng, ngái ngái phả khắp đó đây. Anh em vẫn khẩn trương hơn mọi khi như thôn, làng chuẩn bị vào đám. Nhưng cũng có nguồn tin đang được rỉ tai: “Thịt lợn chết ấy mà”. Mới nghe, mọi người có vẻ hơi buồn một chút, nhưng rồi hầu như mọi người lại gượng vui chấp nhận: “Có còn hơn không”.
Nguồn tin càng gần đến giờ lấy cơm lại càng bành trướng to mãi ra rồi đẻ dài ra nhiều chi tiết cụ thể: “Ân huệ chó gì đâu, mấy con lợn này là của cán bộ mua từ miền xuôi lên. Trời thì nóng, xe thì chậm chạp cũ kỹ nên lợn bị chết đã từ hai ngày ở dưới Hải Phòng. Cán bộ quyết định mổ, lấy ruột ra rồi nhân những thùng mắm cùng mua về cho cơ quan, đem hai con lợn chết ướp vào đấy trên đường về cho thịt khỏi hư. Nhưng có lẽ hai con lợn chết đã lâu, thịt đã ươn nên dù có ngâm vào thùng mắm, nó vẫn có cái mùi khăn khẳn. Chính vì thế, ngoài cơ quan cán bộ không ăn, nhưng lại không muốn mất tiền, cho nên mới bán lại cho bếp trại.
Đấy là lòng thương yêu của ban giám thị!
Dù đã nghe mọi người rì rầm bàn tán như thế, nhưng hầu hết anh em do thèm khát, thiếu đói lâu ngày nên đều nhất trí: có mà ăn là tốt rồi! Vả lại thịt đã được ngâm mắm lại càng thơm càng đậm đà.
Nhưng chả hiểu đường dây báo cáo “chó chết” nào cũng thật nhanh và nhậy. Chỉ mới đến lúc 3 tiếng kẻng rống lên ở cổng trại báo hiệu giờ hạnh phúc, giờ lấy cơm của anh em đã điểm. Anh em đang ồn ào, chen chúc nhau chạy túa về phía nhà bếp thì tên Đức, thiếu úy trưởng ban giáo dục và tên Cẩn trực trại từ phía cổng hộc tốc đi vào nhà bếp. Một tin lại làm tê điếng lòng mọi người: nghiêm lệnh đột xuất của ban giám thị, bắt đem toàn bộ số thịt lợn đó đi chôn. Lệnh giao cho thiếu úy Đức, trưởng ban giáo dục trực tiếp thi hành triệt để.
Lần này trong trại còn xôn xao hơn cả buổi trưa, kêu trời chửi đất râm ran lên như vịt đẻ. Người ta kéo nhau ra đầy sân, đầy cửa đứng nhìn mấy anh tự giác gánh gồng, cuốc xẻng do cán bộ áp giải đem thịt đi chôn. Mọi người nguyền rủa, căm thù tên gian tặc nào đó đã báo cáo. Nó ngu quá, khôn như người ta thì hãy để ăn xong rồi hẵng cáo cầy, để bây giờ nhỡ nhàng chỉ có cơm trắng với muối rang. Câu chuyện thịt chết đến đó vẫn còn chưa xong.
Hai hôm sau, vào ngày Chủ Nhật. Trời đã vào Hè, nắng chang chang. Buổi trưa, không hiểu sao trong trại nhiều nhặng xanh thế? Buồng nào nhặng xanh cũng kéo vào như đàn ong. Đuổi chúng cũng không bay đi, lại cứ xấn cồ vào trong buồng. Một cái mùi tanh tanh, khăn khẳn buồn nôn, cái mùi của thịt chết lâu ngày nồng nặc trong khu trại. Ngửi thấy cái mùi này, tôi lại liên tưởng đến cái mùi thịt của những xác chết ươn đã nhiều ngày ở nghĩa địa Đô thành trong ngày binh biến 11/11/1960, và cái mùi của chiếc chân thối của vị linh mục ở Cassô, Hỏa Lò ngày nào. Chẳng còn ai ngủ trưa được nữa, người ta dậy để đuổi nhặng, và mọi người mới hiểu được nguyên nhân: có những đường dây ngầm, móc ngoặc giữa tự giác với con buôn và người có tiền. Họ đã bí mật đào lấy mấy bọc thịt lợn chôn về, lén lút bán một đồng một cóng bơ sữa bò. Nhiều người có tiền ở các toán đã bắt mối nhau mua. Người mua, chủ trương sẽ cho nhiều muối vào kho mặn rồi giấu kỹ để ăn dần. Nhưng có lẽ một phần vì thịt lợn chết đã quá lâu, đã ươn rữa, phần khác, muối đâu có thể kiếm được đủ dễ dàng. Vả lại, người ta cũng chả ngờ được những con nhặng chó chết, mũi thật tuyệt vời. Người ta đã đậy kỹ, giấu mãi trong rương, trong bọc vậy mà chúng cũng đánh hơi thấy nên đã lăn xả vào con mồi.
Oan khổ hai anh tự giác vừa mất chân béo bở, lại vừa phải nằm nghỉ ngơi, nhưng bụng rỗng ở trong nhà kỷ luật. Mọi người đã mua thịt đều phải tự giác đem ra, không tự giác cũng không được vì những con nhặng sẽ tìm ra ngay; hơn nữa còn bị áp lực gắt gao của những người nằm bên cạnh không mua thịt. Tuy vậy, do quá thèm khát lâu ngày và do tiếc đồng tiền đã bỏ ra nên đại đa số đã ngấu nghiến nhai vụng, nếm ngầm, nuốt bớt để rồi đi ỉa chảy trở thành cái dịch kiết lỵ cho hơn hai chục người trong trại. Cuối cùng 3 người đã phải đền mạng vì đợt thịt chết này là: Trần Đóa, một ông quận trưởng già ở Nam Định thuộc toán 4, Nông A Dzìn và Lò Đót thuộc toán 6. Trong cuộc đời có nhiều cái chết thật rẻ và cũng thật vô duyên!
Thời gian thấm thoát thoi đưa đã chảy dần vào cái Hè oi ả của tháng 6 tháng 7. Cái tháng của mặt trời đốt khô cảnh vật, nhưng cũng có hôm nước đổ ào ào trong những trận mưa rừng dằn dỗi làm ngập lụt cả đường đi. Tôi đã được chuyển lên tổ mộc của Phan Thanh Vân hơn 2 tháng rồi. Vân đã tận tình truyền dạy tay nghề cho tôi, phần khác, do tự tìm tòi học hỏi thêm ở những người thợ vững tay nghề khác, cho nên tôi đã làm được bàn và giường cá nhân khá về kỹ thuật cũng như về năng suất. Ông cán bộ Kích, quản giáo toán đã đổi đi nơi khác hơn một tháng rồi. Phải nói tôi rất có cảm tình với ông Kích, tuy theo cộng sản nhưng vẫn giữ được ít nhiều cái bản tính bộc trực, thẳng thắn của người miền Nam gốc Long Xuyên. Một buổi, chính ông đã gọi tôi lên phòng; trong những câu chuyện trò, hỏi han vẫn có một sợi tơ tình luồn lách, lẩn quất bên trong. Ông đã nói ý cho tôi: “cứ lao động vừa thôi thì tôi cũng đã được ăn 18 kg rồi, phải biết giữ sức mình.”
Đây là một ý tưởng rất hiếm, rất quý của một cán bộ trở thành đến lạ lùng nên tôi không thể quên được ông. Ngược lại, tên cán bộ toán mới này, y cũng là người miền Nam tập kết, nhưng tôi không biết quê quán ở đâu. Hơn một tháng nay từ khi về nhận toán 2, y năng nổ đi sâu, đi sát các khâu và mọi phạm nhân trong toán. Y tận dụng mọi thời gian luôn luôn thúc giục tù làm việc. Họp hành, kiểm thảo phê bình càng được tăng cường về cả nội dung cũng như thời gian. Tên y là Sỹ, cũng chỉ có cái lon trung sĩ từ mầu đỏ cạch đã phai đi thành cái mầu lá chết. Da y đen thẫm mầu bánh mật, hai má hóp lại nên đôi gò phía trên gồ ra đối với chiếc cằm nhọn làm cho cái mặt y choắt lại. Nét mặt y như vậy là thể hiện nội tâm của một con người suốt ngày đêm lo toan, tính toán để làm sao vươn cao, nổi bật hơn người chung quanh. Tôi tin rằng những ưu lo của y đã cuốn chặt cả vào những giấc ngủ ban đêm và bữa ăn của y ban ngày.
Một loại người như vậy, thì sống ở bất cứ một cái tập thể nào thì cũng làm phiền toái, gây ra nhiều bực dọc cho cái tập thể đó mà thôi. Ngoài xã hội thì kích bác, ghen ăn, ghen ở, tức ở, thủ đoạn, nịnh bợ. Trong nhà tù thì tất yếu sẽ làm chó không sai. Người như vậy mà có quyền hành thì thật là khốn khổ cho toán 2 chúng tôi trong giai đoạn này. Tôi nhớ một nhà tư tưởng có nói một câu: “Một tội ác nghiêm trọng của loài người là lại giao quyền hành vào trong tay một kẻ ngu.”
Chẳng hiểu tên Sỹ ác ôn này đề xuất, phát kiến sao đó; y lọc chọn toán 2 ra một bộ phận chính gồm toàn những anh trẻ khỏe hơn 30 người. Y đặt cái tên cho cái nhóm này là: “đội mũi nhọn tiên phong”. Số già yếu còn lại của toán gồm gần 2 chục người ở lại lán làm việc do một tên công an vũ trang quản lý. Số già yếu này phải nhận một phần việc gấp 2 lần để thay cho đội “mũi nhọn” phải nhận một công việc đột xuất đặc biệt.
Hơn hai năm trước, khoảng giữa năm 1966, lúc này chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ bằng không quân đang được mở rộng. Vào một buổi chiều thứ Bẩy, những đoàn tù lũ lượt gánh gồng những sản phẩm như ngô, khoai, sắn ở ngoài đồng về kho trại (trại chính). Chiếc kho này gồm 3 căn nhà xây ngay cạnh trại. Trời trong xanh, phía Đông dăm ba chùm mây trắng lững lờ, ngắc ngư theo gió mò về phía mặt trời lặn. Hai chiếc máy bay trên cao tít, lẫn vào trong mây, chẳng hiểu đi bắn phá mục tiêu ở đâu bay trở về. Có thể mấy anh phi công Mỹ nhà mình, nhìn thấy mấy khu nhà bên ngoài trại giam lại có mấy cái nhà xây. Trong khi, khu nhà của ban giám thị và khu công an vũ trang cũng như những căn nhà trong trại lại là tre, gỗ và lợp nứa. Các anh có biết đâu rằng, đối với công an kho lương thực là quan trọng nhất, nên phải xây gạch để bảo trì; cho nên các anh đã sà xuống ngắt chơi cho 2 quả bom nhẹ, loại 100 pounds, vì tưởng đấy là lũ người coi trại.
Kết quả cả 3 căn nhà kho đều đổ nát, 18 người tù được tha bổng, 6 người bị thương. Riêng phía công an chết 5 tên, có một nữ cán bộ đang ở tuổi trăng tròn, hơ hớ tuổi xuân. Thế là tù được lệnh phân tán di chuyển về các phân trại. Nhà tù ở cũng được rỡ xuống đem gỗ cất giấu. Riêng có 5 căn nhà dài được rỡ về, xếp thành mấy đống lù đù ở cạnh tại E hiện nay, vẫn bao lợp bằng nứa đan.
Bây giờ giữa năm 1968, Mỹ đã tuyên bố hạn chế bắn phá. Do thế, đội mũi nhọn được lệnh chuyển tất cả những cột, kèo gỗ lạt của 5 căn nhà đó trở về trại xây. Đường từ trại E ra trại xây chỉ khoảng 4 cây số nhưng nhiều ngoắt ngoẻo, dốc đồi.
Hầu hết số biệt kích, gián điệp ở trong Nam ra đều được chọn vào cái đội “mũi nhọn” chết người này. Kể cả Đinh Sơn, tổ trưởng, tổ kỹ thuật và Nguyễn Huy Lân toán trưởng cũng không thể thoát cái lệnh quái ác của tên Sỹ. Tên Sỹ đứng ốp ngay tại đống gỗ. Cột cái 4 người trong người kia, ai cũng phải vác những cái mà tên Sỹ nhìn được.
Hai tên bộ đội vũ trang áp giải cũng thật vất vả. Chúng cũng phải chạy theo những người mang vác. Phần vì mang vác nặng thường phải chạy nhanh một đoạn đường để nghỉ dăm phút cho đỡ đau vai. Phần khác, cũng do tên Sỹ thúc ép quát tháo, giục chạy ở phía sau. Buổi sáng một chuyến, chiều một chuyến; như vậy cả đi và về tất cả 4 lần, tức 16 cây số mỗi ngày. Cái điều đáng sợ là phải triệt để thực hiện khẩu hiệu: “đi có về có” của tên Sỹ. Ở gần trại chính khoảng 500 mét, có mấy đống củi gỗ lớn chẳng hiểu có từ bao giờ. Vì thế, sau khi khênh, vác gỗ làm nhà vào trại chính xếp gọn ghẽ, lại trở ra chỗ đống củi, vác củi về trại E cho bộ đội và cán bộ thổi nấu và sưởi về mùa Đông.
Tuy được bồi dưỡng đặc biệt, anh Lý A Chén, tự giác toán, được quyền mỗi ngày đào 30 kg sắn, bóc vỏ, luộc để đội “mũi nhọn” ăn thêm cho có sức lao động. Bóc vỏ rồi luộc, chia ra thì mỗi người cũng được 7 lạng sắn chứ có ít đâu. Ngày đầu ai nấy đều hăm hở ăn hết, nhưng những ngày hôm sau thì đã có nghiều người nhai không muốn nuốt, chỉ vì người quá mệt.
Tôi với Vân thường 2 người vác một cột quân. Vân cao lớn hơn tôi, nên đi sau. Kẻ trước người sau đều è vai, mặt đỏ tía tai đẩy kéo nhau chạy. Một vài ngày đầu, ai cũng hăng say phấn khởi, nhẩm bụng mỗi ngày có gần 1 kg sắn thì hẳn phải được ăn no. Những ngày hôm sau, phần vì mệt, hết hơi, hết sức, phần khác, người và vai đau như giần. Đang là một thân tù ốm yếu, hàng ngày chỉ ra lán thủ công lao động, bây giờ mỗi ngày chạy 16 cây số, chưa nói là phải mang vác nặng nề thì ai mà không sợ. Những ngày nắng gắt, mặt trời như đổ lửa xuống núi rừng, mồ hôi chảy tong tong ướt đẫm cả áo quần. Những buổi mưa gió dầm dề, đường trơn lầy lội, anh chàng Vân chỉ to xác, tôi có cảm tưởng 2 cái chân ấy, không phải là của cái thân hình dài ngoẵng của anh ta. Nó chòng chành, run rẩy, xiêu vẹo cứ như lúc nào cũng muốn đổ kềnh ra. Thân tôi cũng đang ngắc ngư con tầu đi, nhưng nhìn Vân tôi cũng thấy não lòng ái ngại. Rõ ràng Vân đi không vững, có lần trượt chân, Vân ngã xấp xuống đám bùn lỗ chân trâu, hất tung cái cột lăn ra mé đường kéo tôi nằm ngửa hơ hơ cũng trên bùn với nước. Những lúc quá nặng, quá mệt, Vân và tôi ghệ chiếc cột vào một bụi nứa bên đường để nghỉ. Thắc mắc, hỏi Vân, tôi mới hiểu: anh đi không vững, một khía do bàn chân mất một ngón, khía nữa chỉ có một con mắt nên cứ chổng chểnh chạy theo, chứ nhiều khi Vân chả nhìn thấy vũng nước hay ổ gà. Thảo nào, những hôm đường trơn toàn bùn, Vân ngã xiêu, ngã vẹo xoành xoạch, quần áo, mặt mũi lấm be, lấm bét. Trông mặt Vân méo xẹo, nhưng tôi cũng chả hơn gì, chẳng qua đã là tấm thân tù rồi. Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai?
Được gần một tuần thì anh Phạm Tấn Tích tổ trưởng tổ 3 ngã, bị cây cột cái đè gẫy xương sống, phải khênh về bệnh xá trại. Dù đã có người bị thuơng nặng, nhưng đội “mũi nhọn” vẫn bị tiếp tục duy trì cường độ lao động, cho tới xong để đạt chỉ tiêu thi đua mà tên Sỹ đã đăng ký lập công, với cấp trên, với tổ đảng. Chỉ hơn nửa tháng trời, mắt anh nào cũng trắng ra, má hóp vào, mặt vêu vao như sau một trận ốm nặng.
Điều vui mừng cho Vân là sau đợt lao động của đội “mũi nhọn” này, Vân đã có lệnh tha. Vân đã được tha ra trước án mấy tháng. Tôi vừa mừng vừa gạt được cái nỗi nặng nề, vẫn canh cánh trong lòng. Mừng vì Vân được tha ra đúng như tôi đã lý luận dự đoán. Lòng tôi nhẹ đi, vì dù sao chăng nữa, từ ngày tôi nhặt được 4 đồng bạc, mà tôi đã đoán đến 90% là của Phan Thanh Vân. Bởi vậy, mỗi lần nhìn thấy Vân, lòng tôi lại gờn gợn lên nét sượng sùng. Bây giờ cuộc đời của Vân đã được đi ra con đường rộng, đã ra chỗ sáng, lòng tôi sẽ không còn áy náy nhiều nữa. Tuy vậy, khi viết đến mấy giòng này, tôi chưa biết Vân đang ở đâu, nếu tìm được, tôi sẽ trả cả vốn lẫn lời cho cái món nợ trong chốn khốn cùng của quê hương ấy.
Cho tới lúc này, tôi tin rằng Vân cũng không thể quên tôi được, bởi vì Vân còn nhớ chăng? Đôi bát to tráng men mầu xanh lá chuối non. Đôi bát lúc ấy là một thứ quý giá nhất đối với đời một người tù, Vân đã dành riêng để lại cho tôi. Đôi bát ấy đã quyện chặt nghĩa tình của Vân. Chúng đã lầm lủi, sắt son theo tôi cho đến ngày cuối ngục tù của đời tôi.
Vân được làm công nhân ngay trong trại I. Những tháng sau đó, đôi ba lần tôi thoáng thấy Vân mặc bộ đồ nâu đi giăng mắc dây điện cho trại. Nghe đâu, lương của Vân mỗi tháng 36 đồng.
Rồi do những đổi thay xê dịch của đời tù, mãi đến năm 1974 sau hội nghị Paris một năm. Lúc này tôi đang ở trại trung ương số II Phong Quang, thuộc tỉnh Yên Bái. Tình cờ nghe mấy em tù hình sự kể chuyện lại: Phan Thanh Vân được về Hà Nội làm công nhân, rồi vì sao đó bị bắt lại trại I. Do sự bất mãn nên đã ương ngạnh với chính quyền mà phải vào nhà kỷ luật. Trong nhà kỷ luật, hơn một tháng sau bị đi kiết lỵ rồi chết. Từ dạo biết tin ấy, tôi rất buồn cho đời Vân. Chẳng thể ngờ đời một con người đã chịu khổ cực tù đầy bao nhiêu tháng, năm cho tới khi được tha, kết quả là như thế hay sao?
Mới đây, tôi nghe có người nói: hiện nay Vân đang ở Pháp. Nghe tin tôi vừa bàng hoàng vừa mừng, nếu như đó là sự thực, tôi tin rằng những ngày tới tôi sẽ tìm thấy Vân. Như vậy, phải chăng nguồn tin Vân bị bắt lại và bị chết là do cộng sản đưa ra?
Hôm nay là Chủ Nhật, lao động xã hội chủ nghĩa buổi sáng. Toán 2 được công an vũ trang dẫn giải dùng dao phát quang chung quanh trại. Sửa sang buộc lại hàng rào trại. Khi lao động xong về trại, đang lúc trại ồn ào chia cơm canh, đột nhiên phía ngoài cổng trại lao xao, náo nhiệt hẳn lên. Một đoàn tù đến sáu, bảy chục người, già, trẻ lôi thôi, lếch thếch gồng gánh rương hòm, chăn mùng xếp hàng theo nhau vào trong sân trại. Bên ngoài cổng lố nhố một lũ cán bộ áo vàng. Tên trực trại Cẩn, tay cầm quyển sổ vừa ghi điểm nhận số tù nhập trại xong, y chỉ tay quát bảo đoàn tù vừa nhập trại ngồi xếp hàng 4 ngay tại sân. Tên trật tự Tân và tên Thái y tá đang lăng xăng người ôm hộp con dấu, người xách chiếc sọt tiến ra đám tù thì 6 – 7 tên cán bộ khác cũng từ cổng đi vào. Tên Cẩn đứng ở đầu sân cao giọng:
- Lệnh của ban giám thị, các anh hãy mở hết tư trang ra để cán bộ kiểm tra. Lần lượt từng anh, hết khám người rồi lục lọi từng thứ một. Quần áo, mùng mền, cái nào chưa đóng dấu đều bị đóng dấu. Ca, gô, bát đĩa, mỗi người chỉ được giữ lại một cái: hoặc gô, hoặc ca và một đôi đĩa bát, còn bao nhiêu đều bị tịch thu hết.
Nhiều anh em trong trại, tuy chưa dám đến gần đám tù mới vào nhưng từ xa, ai cũng đứng nhìn ra mong tìm gặp người quen. Sau khi khám xong, đám tù mới được lệnh ôm quần áo vào hội trường ngồi chờ có lệnh sắp xếp, biên chế về các toán. Lúc này, đã có một số người trong đoàn tù mới đến, quen biết với những anh em ở trại. Họ còn đang í ới gọi, nói, chào hỏi nhau thì Hoàng Thanh lững thững từ ngoài cổng trại đi vào.
Chỉ thoáng thấy bóng dáng tên hung thần, hầu hết anh em ở trại đã lấm lét lủi đi hết, kể cả tôi. Chúng tôi đã được biết đây là anh em ở trại Vĩnh Tiến chuyển về. Đám tù mới, ngồi ở hội trường, có thể nhiều người chưa biết tiếng Hoàng Thanh, mà chỉ thấy một cán bộ trung úy bình thường nên họ cứ ngồi trân trân nhìn. Nhưng khi thấy anh em cũ ở trại lủi đi hết nên cũng có người chột dạ cúi xuống ngồi im.
Hoàng Thanh dáng người cao lêu nghêu, hai tay vắt sau lưng, lững thững lách vào đám tù ở hội trường nhìn mặt từng người cứ như nhận diện. Y thấy ai ở cổ đeo thánh giá hay mẫu ảnh, thò tay cầm, mân mê xem rồi y giật đứt, ném mạnh xuống đất cho tên Tân đang đi sau nhặt bỏ vào sọt rác. Miệng Hoàng Thanh nói với vẻ dằn dỗi, trách móc:
- Các anh bậy thật! Tượng ảnh là một thứ thiêng liêng để tôn thờ. Các anh làm bậy, làm bạ thế này mà đeo, tôi cấm các anh từ nay không được đeo nữa! Làm ô uế cả tôn giáo ra!
Cứ thế, y đã giật đứt tượng ảnh của 3 – 4 người rồi. Những người khác vội vàng tháo ra giấu đi thì thôi, nhưng có 2 anh, trông chừng 25 – 30 tuổi đã nói to phản kháng.
- Đây, các anh xem, cái miếng sắt, miếng tôn thế này mà bảo là ảnh Chúa à? Đúng, nhà nước không cấm, nhà nước chủ trương tự do tín ngưỡng nên nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tôn giáo. Bao giờ những tượng ảnh này có giấy xác nhận của tòa thánh La Mã thì tôi đồng ý cho các anh đeo. Vả lại, quyền tự do tín ngưỡng là đối với người dân, chứ các anh là những kẻ tội phạm rồi, mất tự do thì cũng không còn được hưởng quyền đó nữa. Các anh hãy cố gắng cải tạo tốt, khi chính phủ tha về, bấy giờ các anh muốn đeo gì thì đeo.
Hai anh đó (sau đấy tôi biết) đều ở Nghệ An, là tu sĩ ở đại chủng viện tên là: Nguyễn Thanh Đương và Trần Quốc Anh. Tuy hai anh em đều tím ruột, tím gan, nhưng trước cường quyền hai anh đành nén, nuốt xuống những giọt máu trào, phải tưởng úa ra tai, ra mắt, ra miệng. Vậy mà, ngay sau đó dù chưa được phân bố về toán nào, hai anh đã được lệnh ôm chăn chiếu vào nhà kỷ luật do tên Cẩn và tên Tân dẫn đi.
Buổi chiều, toàn trại cũng sắp xếp, chuyển đổi chỗ nằm theo bản sơ đồ chỉ định của từng toán do ban giáo dục đưa vào. Số người ở trại Vĩnh Tiến chuyển về được phân bố về toán 2 (mộc) 12 người như sau:
- Trần Lào (Thái Lan về nước, vượt biên) tập trung, cải tạo.
- Nguyễn Văn Gôm (phản cách mạng) án 12 năm.
- Lê Văn Bưởi (gián điệp) án 20 năm.
- Nguyễn Thanh Đương (tu sĩ) tập trung cải tạo.
- Lộc Mù (phản cách mạng) tập trung.
- Lê Liễu (đảng phái) án 20 năm.
- Lò Văn Lui (phản cách mạng, dân tộc Lào) tập trung.
- Hoàng Đức Tùng (Thái Lan về nước, vượt biên) tập trung.
- Thân Lân (bộ đội tập kết, xét lại) tập trung.
- Nguyễn Văn Tiến (phản tuyên truyền) tập trung.
- Trần Thanh Tùng (tân đảo về nước, vượt biên) tập trung.
- Nguyễn Văn Cường (tu sĩ) tập trung.
Phân bổ về toán 3 (xẻ) ở cùng buồng với toán 2 gồm 9 người, trong đó có:
- Lê Triết (em ruột Lê Liễu) án 15 năm.
- Trần Như (phản cách mạng) tập trung.
- Đoàn Giám (tu sĩ) tập trung.
- Vũ Hàm (tu sĩ) tập trung.
- Trần Quốc Anh (tu sĩ) tập trung.
Tôi cũng bị chuyển chỗ nằm, tuy vẫn ở sàn dưới nhưng gần sát nhà cầu, nằm cạnh bác Nguyễn Văn Tiến.
Gần tuần sau, tôi được biết sơ lược: cục lao cải quyết định bỏ trại Vĩnh Tiến. Một số người tội nhẹ, bị bắt đi tập trung cải tạo một cách ồ ạt năm 1963 thì tha về địa phương. Còn lại những loại ngoan cố và án nặng được chuyển phân tán về nhiều trại khác. Riêng chuyển về trại số I này là 68 người. Trong số những người được chuyển về toán 2, người mà tôi chú ý nhất là anh Lê Văn Bưởi. Chúng tôi chỉ mới chào hỏi nhau sơ sơ nhưng qua người khác, tôi được biết anh là đại úy. Một điệp viên qua sông Bến Hải và cũng bị bắt năm 1962.
Một đồng cảnh, lại đồng nghiệp, do đấy tôi phải lựa thế để biết về anh. Tôi nói lựa thế, bởi vì lúc này mắt của những con chó săn đang xục xạo chờ đón ghê lắm. Hàng ngày, ai tiếp xúc với ai, hiện tượng thế nào? Cho nên để khỏi phiền toái về sau, tốt nhất hãy thong thả, để cho thời gian làm loãng đi đã, vội gì. Hơn nữa, kỳ này các toán, các tổ đang khẩn trương làm việc và sắp xếp công việc của toán, của trại cho tạm ổn theo kế hoạch. Lệnh của ban giám thị, mừng lễ quốc khánh xong, ngày 4 tháng 9 toàn trại sẽ dự lớp học tập chính trị dài ngày: “Lập công chuộc tội, chống Mỹ cứu nước” Theo các tên các bộ, đây là một đợt học tập thật quy mô cho toàn dân, toàn quân. Có nghĩa, bên ngoài dân chúng, các cơ quan, nhà máy cũng như tất cả các trại giam trên toàn miền Bắc đều phải học tập lớp học đặc biệt này.
Chỉ còn hơn một tuần nữa đã bước vào đợt học tập. Do những yêu cầu của viết, vẽ các khẩu hiệu phục vụ cho ngày 29 và cho lớp học, tôi lại được phân công lên lán vernie để phụ giúp Lê Sơn.
Tôi thật vui và không ngờ được nằm cạnh bác Tiến, một người thực uyên bác về nhiều lãnh vực. Đấy là điều tôi vẫn hằng sở nguyện từ khi vào tù là được gần những nhân vật lỗi lạc để học hỏi những điều mới lạ của xã hội và những kinh nghiệm trong cuộc đời. Tuy vậy, một đêm tôi chợt nhớ đến tên Đức, trưởng ban giáo dục. Có thể đây là nó cố ý sắp xếp để tôi nằm cạnh bác Tiến để theo dõi, hiểu về tư tưởng của bác Tiến, vậy sẽ có một ngày nó sẽ hỏi tôi về bác Tiến.
Cái điều tôi phải cân nhắc, tính toán suy nghĩ sao để tìm ra một giải pháp như một phương châm, một mẫu mực thích hợp để hành sử, noi theo suốt những tháng năm còn ở trong tù, trong tay cộng sản: do toàn bộ sự việc từ lúc đầu, không có cách thứ hai, tôi luôn luôn phải đóng một vai là một người tù tiến bộ rồi. Vậy điều cần soi kỹ, rọi sâu là triệt để không làm một điều gì thiệt hại không thể chấp nhận cho lý tưởng, cho đường đi của mình. Điều này tôi hiểu không phải là dễ dàng, nó đòi hỏi phải thường xuyên cân nhắc, ý thức trước mỗi sự việc. Tôi cũng hiểu nữa rằng, trong cuộc đời phải chấp nhận: muốn câu được cá thì đành phải bắt, giết mấy con giun để làm mồi.
Phải nói, do những anh em ở Vĩnh Tiến về, chúng tôi ở trại E mới biết một cách xác định về vụ Tết Mậu Thân vừa qua, cộng sản đã bị thất bại hoàn toàn. Chúng bị bao vây ở khắp nơi, nhất là ở Sài Gòn. Bộ đội của chúng bị tiêu diệt và bị bắt sống làm tù binh rất nhiều. Tuy vậy, trong thời gian chúng chiếm thành phố Huế, chúng đã bắt và giết rất nhiều người đã làm việc cho chính phủ quốc gia. Tàn sát hàng loạt, chúng đã giết hại hàng ngàn người vô cùng dã man, tàn bạo trước khi chúng rút lui.
Theo bác Tiến, đây là một mưu đồ của bộ chính trị công an để giải quyết những mâu thuẫn cục bộ chống chính quyền Sài Gòn và Mỹ giữa Bắc và Nam. Đồng thời, để đánh động, gây tiếng vang với dư luận thế giới nhất là nhân dân Mỹ. Tóm lại, cũng theo ý kiến của Tiến: tuy vụ Mậu Thân, cộng sản ở miền Nam bị thất bại, nhưng bộ chính trị cộng sản Việt Nam đã thắng. Chúng đã đạt được 2 mục đích: giảm bớt những sức mạnh mang tư tưởng cục bộ, không chịu sự lãnh đạo triệt để của bộ chính trị. Hai là lôi kéo lương tâm và sự ủng hộ của thế giới, nhất là nhân dân Mỹ.
Sở dĩ chúng làm được như vậy là do những thủ đoạn tuyên truyền vô cùng hữu hiệu của chúng. Nhân dân thế giới và ngay nhân dân miền Nam dưới sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đa số người mơ hồ, có thiện cảm với cộng sản.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen