Let your bookcases and your shelves be your gardens and your pleasure-grounds. Pluck the fruit that grows therein, gather the roses, the spices, and the myrrh.

Judah Ibn Tibbon

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 108: Tuyệt Tác Của Hoàng Thanh
ôi đã nhìn thấy cái cùm, tác phẩm của Hoàng Thanh. Sau khi mở cửa nhà kỷ luật, tên Thái y tá mở cùm theo lệnh của tên Cẩn. Đứng ở cửa, tên Cẩn quát, bắt tôi bỏ cả 2 chân vào. Cùm xong, trước khi y đóng cửa, tên Cẩn còn quay lại gằn giọng:
- Anh không coi chúng tôi ra cái gì cả!
Tôi chỉ nói:
- Thưa ông, đây là chuyện riêng của tôi và thằng…..
Tôi chưa nói hết câu, y đã đóng cửa, đi rồi. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi loay hoay, cọ cựa đôi chân, tìm một cái thế dễ chịu một chút. Quả cái cùm này thật đáng nể. Chả trách Lê Sơn đã nói: “Hitler có sống lại, còn phải quỳ xuống tôn tụi này là tổ sư”. Chiếc cùm là một súc gỗ lim với những đai thép kiên cố, chắc chắn. Một bề 35 phân, một bề 60 phân, có 2 khuy sắt, bằng loại sắt tròn, đường kính 2 phân nằm gần phía 2 đầu. Vì thế phải có 2 then sắt cài, thọc vào hay mở ra từ phía ngoài vách. Trông cái cùm giống như một cái hộp, nên anh em trong trại còn gọi là cái cùm hộp. Nhìn nó thật thô sơ, nhưng quả thật là nguy hiểm, vì nó chiếm từ cổ chân lên đến gần đầu gối. Hai đầu bàn chân lại đút vào 2 cái lỗ đục sẵn nằm ở nửa súc gỗ phía trên. Do thế, khi bị cùm thì cái chân chỉ di chuyển cựa quậy được trong khoảng 90 độ.
Tôi đã từng tập luyện, kinh qua nhiều năm tháng với cái cùm ở Hỏa Lò do thực dân Pháp chế tạo, nhưng với cái cùm này tôi cũng phải kinh hồn. Khi bị cùm, chẳng khác gì như đi giầy ống. Còn một điều đáng sợ nữa, có rất nhiều rệp, nhưng không thể cho ngón tay vào gãi và cũng không thể bắt rệp được. Đành chịu ngứa ngáy cũng như để cho rệp hút máu. Trước đây nghe Lê Sơn nói, và nhất là kỳ Tết vừa qua, nhìn thấy một số người bị kỷ luật được tha, thấy họ phải bò ra, không đi, không đứng được. Tôi chẳng nói ra, nhưng trong lòng nghĩ: “họ yếu thật, mình còn bị mấy năm với chiếc cùm ghê gớm ở Hỏa Lò v.v…”. Nghĩa là, chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ. Ngồi ở dưới đấy giếng rồi tưởng trời chỉ nhỏ như cái vung đậy nồi cơm của nhà mình vậy.
Bây giờ đã quá trưa rồi, thấy cái bụng cứ kêu ọ ọ, ẹ ẹ như tiếng của những thân cây tre làng cọ xiết vào nhau trong những tháng Hè, tôi mới chợt nhớ ra là, trưa nay tôi chưa được ăn. Từ ý nghĩ này, tôi chợt nảy nghĩ đến tên Tân. Chết rồi! Hàng ngày nó vẫn thường đưa cơm cho kỷ luật ăn. Chuyến này, hẳn tôi sẽ có nhiều khó khăn với nó đây. Chân lại bị cùm, tôi phải nâng cao cảnh giác nghe ngóng mọi hiện tượng, đề phòng mọi vấn đề. Với một tên tiểu nhân như vậy, tôi phải coi chừng từ cơm ăn, nước uống và mọi thái độ ra vào của nó. Tuy thế, nghĩ lại chuyện vừa qua, tôi vẫn bằng lòng, không hề ân hận một chút nào, vì đấy là chuyện cuộc đời mà, chả trách được. Thấy việc phải làm thì cứ làm rồi kệ nó.
Chợt thoáng có tiếng lịch kịch, rồi tiếng nước giải chảy tong tong vào ống nứa gần phía đầu nhà kỷ luật làm tôi lạ lùng hết sức. Theo tôi biết kỳ Tết đã tha hết mọi người trong nhà kỷ luật rồi cơ mà, còn mỗi bác Lê Tài Chương thì đã chết, vậy ma hay là người? Nghĩ một lúc, tôi lên tiếng:
- Anh bạn nào bị cùm ở phía trong ấy đấy?
Một giọng ấm và cứng cất lên vồn vã:
- Có tôi đây, anh vì sao phải vào thế?
- Đánh nhau với tên Tân.
Tôi cũng háo hức đáp lại anh. Lòng thấy vui hẳn lên, có bạn để nói chuyện, đỡ sầu. Tôi hỏi lại anh:
- Thế, anh bị kỷ luật vì chuyện gì?
Im lặng một lúc rồi anh thủng thẳng:
- Tôi cũng chẳng biết nữa, gọi đi là phải đi!
Tôi vẫn chưa quên cái đói nên hỏi lại anh:
- Anh ăn cơm chưa?
- 2 giờ mới có cơm chứ!
Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng tôi chợt hiểu. Kỷ luật chỉ được ăn một bữa mà thôi. Thế mà bao nhiêu ngày ở ngoài, đã nói chuyện về kỷ luật ở đây với nhiều người, vậy mà tôi cứ tưởng kỷ luật ở các trại trung ương vẫn ăn 3 bữa dù chỉ ít thôi. 9 kg gạo cho 1 tháng. Thế mới biết trong cuộc đời, nhiều cái phải bắt tay mình làm thực tế mới hiểu được hết chi tiết. Chỉ nhìn và nghe, chưa đủ!
Qua một lúc chuyện trò, tôi biết tên anh là Vũ Đình Bách. Anh ở số 57 phố Hàng Đậu, Hà Nội. Anh bị án tập trung với tội phản tuyên truyền, phản cách mạng, bị bắt từ đầu 1963. Hiện nay anh ở toán 4 nông nghiệp, rất thân với anh bác sĩ Hiệp cùng toán. Chính vì thế, khi tôi nói mới lên trại, anh đã biết ngay tôi là Bình. Chỉ vì anh đã biết, tôi đã đấu cờ với anh Hiệp và bác Lẫm để tranh giải cờ tướng trong dịp Tết vừa qua, cho nên anh nói chuyện với tôi rất cởi mở.
Khoảng 2 giờ chiều, có tiếng chìa khóa mở cửa nhà kỷ luật. Tôi ngồi bật dậy, quan sát, nghe ngóng. Mắt tôi đã liếc nhìn cái ống nứa để đi giải, đang đựng phía đầu sàn. Từ sớm, tôi đã có chủ định, với cái ống nứa duy nhất này để tự vệ, tôi chả sợ tên Tân, dù y có dao, có gậy. Không ngờ người đưa cơm kỷ luật hôm nay lại là tên Thái y tá. Một điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là tên Thái lại tỏ ra niềm nở, thiện cảm với tôi. Y cho biết tên Tân, tay còn đang bị bó thuốc. Rồi y tỏ ra như tán đồng việc làm của tôi, nào là tên Tân quá lắm, hách dịch hay bắt nạt tù, nhất là những bác già và những người dân tộc.
Chỉ qua vài câu chuyện tôi đã thấy ngay tên Tân và Thái, cũng chẳng ưa gì nhau. Cái không ưa nhau của những con chó tranh nhau để làm vừa lòng chủ, để cho chủ thương, chủ hài lòng. Chuyện đó là của họ, chả nhằm nhò gì đến tôi, tôi chỉ thấy một điều may. Chẳng hiểu có phải do sự nghiên cứu của ban giáo dục, sợ tên Tân vào nhà kỷ luật làm liều để trả thù tôi, hay vì sao đó mà không để làm cho tên Tân đưa cơm. Dù sao tôi cũng xin cảm ơn, điều này làm nhẹ hẳn nỗi lắng lo từ sáng vẫn đè nặng trong lòng tôi về tên Tân.
Cái cùm của Hoàng Thanh, quả thật là ghê gớm. Mới chỉ sau 6 tiếng đồng hồ cùm, hai chân tôi đã cắn buốt như có nhiều mũi kim châm vào. Nó nhức nhối từ ở trong xương, trong tủy, tôi có cảm tưởng từ đầu gối trở xuống đến bàn chân, ngón chân máu bị đông đặc lại, máu ở bên ngoài không thể chạy xuống dưới đấy được. Chỉ nằm xuống một tí là hai chân nóng lên rần rật, buốt ngứa như có hàng chục con ong vàng đang đốt. Hai bàn chân tê, cắn như vậy, mà cái cùm quái ác này, không làm sao với tay tới để xoa nắn được bàn chân của mình. Chỉ vì đôi chân không thể nghiêng hẳn bên này hay bên kia cho nên cũng không thể co hẳn lại được.
Cái nạn đi đái, đi ỉa mới thật đáng sợ, mặc dù sàn nằm đã được khoét một cái lỗ đường kính khoảng 8 phân ngang chỗ hậu môn của người bị cùm. Mỗi khi muốn đi đái hoặc ỉa, trước hết phải chịu đau, nhoài người với tay tới mé vách cầm cái ống nứa, gò người xuống đút ống nứa vào gầm sàn, kê đầu vào một miếng gỗ đã đóng sẵn, sao cho đúng lỗ chỗ mình ỉa hoặc đái xuống. Sau đó cởi quần, phải nhích người sao cho tụt được quần xuống gần sát đầu gối. Khi ỉa hoặc đái phải rướn người, chống hai tay xuống sàn lấy gân nâng đít lên thì mới rặn được. Mỗi lần ỉa xong chẳng lẽ không rửa, mà một gáo dừa nước đổ rửa rồi mà ngay tay cũng còn phân chưa sạch huống chi là đít vì không còn cái tay nào nữa để chống nâng đít lên được. Cho nên mỗi lần ỉa, tuy không hề thấy tủi nhục, lòng tôi không hề uất ức nhưng mắt tôi vẫn mờ đi vì nước mắt chảy ra do những co thắt của đường gân thớ thịt.
Ai đã nghĩ ra kiểu cùm này, giúp ý kiến Hoàng Thanh, hay chính Hoàng Thanh đã nghĩ ra? Dù là ai thì cũng đáng được kính nể, chiếc cùm như một tuyệt tác góp phần vào nền văn hóa mới của xã hội cộng sản đi đến mức tuyệt đỉnh.
Bụng đói, chân nhức buốt, lúc đầu rệp cắn còn thấy ngứa, hay những con rệp đã ăn no rồi, không cắn nữa thì tôi cũng chả nhìn thấy mà biết được. Chúng nó no hay đói, cắn hay không cắn nữa thì tôi cũng đành chịu, vì chả có cách nào móc tay vào trong súc gỗ để gãi hay để bắt chúng. Bù lại, trong cái heo hút, lủi thủi một mình lại có anh Bách để chuyện trò. Mặc nhiên, tôi được có cái cảm nghĩ, hiện đang có một người nữa cũng đang chịu những nỗi niềm cay đắng, nhức buốt như mình là tự thấy lòng nhẹ đi được một nửa rồi. Tuy rằng anh Bách chỉ bị cùm một chân, nhưng cũng gọi là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu mà lị! Vả lại, anh Bách lại là một người kể chuyện rất hay. Anh đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện xẩy ra ở Hà Nội và của miền Bắc sau năm 1954 nên cũng quên được phần nào cái nhức nhối của đôi chân và cái vặn vò, rên rỉ của dạ dầy đòi ăn.
Tôi bị tên Cẩn cùm cả hai chân, có thể tên Cẩn đã ghét tôi từ trước. Phần khác, y muốn trị cái tội dám đánh trật tự, người đại diện uy quyền của y ở trong trại.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen