When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 102: Khám Trại
ồn tôi còn đang chảy dài xuống hố sâu của thời gian thăm thẳm đã qua, thì mắt tôi thoáng thấy một đoàn cán bộ vừa công an vũ trang đeo súng dài và cán bộ quản giáo, đến gần hai chục tên đang từ phía cổng xồng xộc đi vào trại. Tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì đã thấy nhiều đồng phạm nhớn nhác, vội vàng hấp tấp mang bát đĩa đi vào buồng. Đồng thời tiếng kẻng mất dạy lại rống lên từng tiếng một ở phía cổng. Đến giờ tập họp đi lao động như mọi khi. Thấy anh Đồng vơ vội túi bát đi vào buồng, tôi cũng chạy theo, chỉ kịp hớt hãi hỏi anh:
- Chuyện gì thế?
Anh Đồng vừa chạy vừa trả lời đứt quãng:
- Khám trại!
Trong buồng, sàn trên, sàn dưới; mọi người đang hùng hục lấy những chăn màn, quần áo, cuốn chiếu bụi mù. Ai ai cũng khẩn trương sớn sác. Mãi lúc này, một lũ cán bộ đã đứng trước cửa buồng, một tên cán bộ dõng dạc tuyên bố:
- Lệnh của ban giám thị, hôm nay sẽ làm tổng vệ sinh toàn trại. Mỗi anh, công, tư trang có cái gì phải khẩn trương mang hết ra sân. Thứ tự tổ nào vào toán ấy, do cán bộ chỉ định từng khu vực. Bất cứ cái gì còn lại trong buồng đều sẽ bị tịch thu.
Rõ ràng, bây giờ cán bộ mới tuyên bố khám trại, vậy mà các anh, các bác tỏ ra đã có kinh nghiệm. Ngay khi đoàn cán bộ mới vào tới cổng, các anh các bác đã rối rít vào buồng chuẩn bị rồi. Sau này tôi mới hiểu. Do những nhu cầu của cuộc sống tù, hàng ngày, hàng năm mỗi người đều phải lo toan cho mình những thứ tối thiểu: cái gô, cái cóng đun nước, cái lược, con dao con để xử dụng. Đôi khi mua, bán đổi chác lén lút được gói trà, nắm gạo v.v… Những thứ này đều vi phạm nội quy, cán bộ thấy sẽ tịch thu. Vì vậy ai cũng tớn tác lo cho mình làm sao giấu, đút qua mặt được cán bộ khi bị khám bất ngờ. Muốn vậy phải lanh lẹ chạy vào lo toan trước, chứ chậm, muộn thì còn làm sao giấu đút được nữa.
Tôi vừa vơ chăn màn, quần áo, rổ rá, đĩa và những đồ linh tinh, tôi vừa nghĩ: mình chả có cái quái gì cả. Có cái quan trọng nhất là chì mật thì ngay từ những tháng trước, tôi đã luồn chắn chắn vào gấu chiếc quần đùi cũ. Chiếc quần đùi này, tôi không mặc, vẫn để lẫn trong túi quần áo. Tôi vẫn tin tưởng rằng: dù cho cán bộ hay bất cứ ai có trông thấy cái mẩu chì này thì cũng chả hiểu được giá trị của nó. Vì vậy tôi vẫn yên tâm. Tôi theo Vân ôm đồ ra khỏi buồng.
Ngoài sân, la liệt khắp kín cả sân trại. Từ trên đầu nhà kỷ luật cho đến sát hàng rào giếng, phía cuối sân, đầy tù và chăn màn quần áo. Tổ nào toán nấy đều có 3 tên cán bộ áo vàng, nghiêm trang đứng đưa những đôi mắt cú vọ, soi mói quan sát mọi người.
Tôi khệ nệ ôm gói chăn màn, quần áo đến chỗ tổ vernie đã có Quý Cụt và Lê Sơn ở một góc phía đầu hội trường, thuộc về khu vực toán hai. Nhìn về buồng số II, bốn tên cán bộ vũ trang. Mỗi tên trên tay cầm một chiếc đèn pin đang lục lọi các ngóc ngách, sàn trên, sàn dưới. Một bác già vẫn làm vệ sinh trại, đem vào buồng một sọt lớn, đặt ở giữa nhà, để đựng những thứ tù bỏ sót lại hoặc các tên cán bộ đi khám, moi móc được những thứ tù cất, giấu.
Tôi để ý thấy tụi cán bộ lục soát thật kỹ càng. Từ trên mái nhà, dưới gầm sàn, chúng bới móc mọi nơi, mọi chỗ mà chúng khả nghi tù có thể giấu diếm những đồ nội quy, quốc cấm. Tôi còn đang liếc nhìn những ánh đèn pin le lói, loang loáng phía trong buồng thì một vật cưng cứng, đột nhiên chạm nhẹ vào phía sau lưng tôi, trong khi tên công an vũ trang đứng ngay trước mặt, chỉ cách tôi hơn một mét. Tên này cũng đang đưa mắt nhìn về phía một tên cán bộ ở chỗ toán 3 đương quát tháo:
- Tất cả các anh nghe đây: anh nào ngồi chỗ nào, ngồi yên chỗ ấy. Tuyệt đối không ai được di chuyển, đi lại lộn xộn. Anh nào đã được khám xong, ôm đồ đạc của mình vào trong hội trường gấp gáp.
Mồm y nói, mắt y quắc sáng, tay chỉ vào trong hội trường cũng đã có một tên cán bộ đứng coi. Tôi lẹ đưa tay về phía sau, thì ra là một chiếc lược nhôm mới, rất bóng của Lê Sơn luồn cho tôi. Tôi chợt nhớ đến con dao nhỏ làm bằng lưỡi cưa con, dài hơn một ngón tay của tôi. Tôi vẫn dùng trong những công việc vặt, sinh hoạt của đời tù. Chỉ một thoáng suy nghĩ, tôi đã tìm ra một phương thế hữu hiệu. Ngay trên chiếc chiếu con tôi đang để chăn màn quần áo của tôi. Tôi lựa, lách lưỡi dao vào kẽ những sợi cói. Dùng sức, tôi giúi ngập ngay xuồng nền đất của sân. Thế là ổn! Quý Cụt và Lê Sơn ngồi ngay bên cạnh tôi cũng không hề biết.
Bây giờ những tên cán chịu trách nhiệm từng toán bắt đầu lần lượt khám, lục xét vuốt nắn từng người và công tư trang của họ. Lắm anh có lẽ vì không cất dấu kịp nên bị tịch thu cũng nhiều. Nhìn chiếc sọt đựng đồ thu của mỗi toán. Tôi thấy nào ống bơ, lược, dao, nõ điếu nhôm, giấy má thư từ, hộp gỗ con v.v… vất lưng một sọt.
Lê Sơn bị tịch thu 2 chiếc lược nhôm kiểu con rồng, mới bóng và hai gói trà. Sau đó tôi được biết: sáng đó Lê Sơn có gần một chục cái lược và một tá gói trà, nhưng anh đã khôn khéo tẩu tán, gửi gấm, giấu diếm gần hết.
Đến lượt tôi, tên công an vuốt nách, vuốt tay chân, lục túi rồi giũ từng cái chăn, cái quần, cái áo. Chả có cái cóc khô gì cả. Chỉ có một cái lược sừng và một cái lược nhôm của Lê Sơn vừa đưa. Theo nội quy, mỗi người chỉ được dùng một cái lược, ngoài ra bị tịch thu hết. Tên công an cầm hai cái lược hỏi tôi:
- Cho anh tùy ý giữ lại một cái.
Lòng tôi đang có sự giằng co lựa chọn. Tuy cái lược nhôm thật đẹp, giá trị gấp mấy lần cái lược sừng nhỏ của tôi. Nhưng cái lược sừng này là vật duy nhất của tôi, từ ở trong Nam. Nó đã theo tôi suốt dài những năm tháng tái tê trong xà lim, Hỏa Lò. Dù cái lược nhôm, hay bất cứ cái lược gì khác có quý đến nhiều lần hơn thế, thì tôi vẫn chọn chiếc lược sừng nhỏ, tuy xấu, cũ đã gãy 1 răng, nhưng nó như là một người bạn thân thiết của tôi. Ngày trước, khi tôi tự tử ở buồng số 6, xà lim I, của hơn 4 năm trước tôi cũng đã rũ rượi xin chào từ giã nó. Nhưng cái lược nhôm lại là của Lê Sơn vừa gởi.
Anh đã đối xử với tôi đầy ân tình. Tôi nhớ đến một hành động cao đẹp của anh, chiếc đĩa nhôm mà tôi đang dùng và những suất sắn sáng anh đã giúp tôi một cách hào hiệp, lúc khó khăn buổi ban đầu mới lên trại của tôi. Hơn nữa Lê Sơn là một người có lý tưởng chống Cộng sâu sắc, kiên định. Tôi làm sao có thể để một người như thế, mất hay giảm lòng tin tôi. Tôi lúng túng đến nỗi mặt tôi nóng lên rần rật. Hết liếc nhìn Lê Sơn, rồi lại nhìn Quý Cụt ngay trước mặt tên cán bộ. Không thể có một cử chỉ, một nháy mắt ra hiệu được cho nhau.
Cuối cùng, đành vậy, tôi giơ tay ngập ngừng, rụt rè cầm chiếc lược nhôm, để chốc nữa trả lại cho Lê Sơn. Tôi đành để mất chiếc lược sừng kỷ niệm, thân thương từ đấy; tuy trong lòng không khỏi xót xa, luyến tiếc.
Mãi gần trưa mới khám xong toàn trại và được lệnh các toán mang chăn chiếu vào buồng! Lòng buồn rười rượi, tôi nhìn Phan Thanh Vân đang gấp lại quần áo bên cạnh. Mặt Vân cũng đanh đỏ gay, tôi khẽ hỏi:
- Có mất gì không?
Vân trả lời trong hiu hắt:
- Vài thứ lặt vặt không đáng kể, nhưng có mấy tấm ảnh của bà chị ở Pháp gửi cho đã lâu, họ cũng không cho giữ.
Ngừng một lúc rồi Vân lại nói lầu bầu:
- Tôi sẽ làm đơn ra ông Toán, vì chính ông đã mang thư và ảnh đó từ trại chính vào cho tôi cơ mà.
Tôi chưa biết nói sao, nên chỉ biết khích lệ và an ủi Vân:
- Đúng đấy, Vân phải làm đơn đi. Ảnh gia đình, thân nhân của người ta mà cũng thu.
Ngay sau khi tôi xếp chăn màn, quần áo của tôi tạm ổn. Trèo lên sàn trên chỗ Lê Sơn, tôi rút chiếc lược nhôm ở túi ra gửi lại anh. Lê Sơn nhìn tôi đăm đăm rồi cười, anh đẩy tay tôi lại:
- Tôi tặng anh để làm kỷ niệm đấy!
Biết rằng, không thể nói cho anh hiểu được, tôi còn quý cái lược sừng của tôi hơn nhiều lần cái lược nhôm này. Vì anh và tất cả người khác không thể tin được. Cũng chính vì điểm này, tôi càng không thể nhận chiếc lược của anh tặng. Bởi vậy, tôi nói với anh bằng thái độ dứt khoát:
- Không được. Tôi cảm ơn nhã ý của anh, nhưng tôi nhất quyết không lấy chiếc lược này đâu. Để mai kia ra lán, anh cho tôi ít nhôm rồi anh chỉ cho tôi cách nấu và pha chế. Tôi muốn, chính tay tôi sẽ làm lấy một cái lược để tôi dùng.
Nói rồi tôi đặt cái lược lên đùi anh và trèo xuống, về chỗ.
Buổi trưa, tôi đang nằm liu riu. Một mắt ngủ, một mắt thức thì thấy xôn xao, ồn ào ngoài sân. Trong buồng cũng có một số người ngồi dậy đi ra. Tôi cũng tung chăn bò dậy. Ra tới cửa buồng, gặp cậu Hoàng Mạnh Hùng, tôi hất hàm ra phía sân, hỏi khẽ:
- Cái gì thế em?
Hùng ghé vào tai tôi thì thào:
- Họ thả những anh em bị kỷ luật, cho ra ngoài ăn Tết.
Gợi trí tò mò, tôi nhẹ đập vào tay Hùng tỏ ý cùng ra đó xem sao. Ngay trên đầu nhà số III, đã có gần chục các anh và các bác đang đứng túm tụm trên đầu hè, nhìn về phía nhà kỷ luật. Tên Cẩn, cán bộ trực trại cũng đứng gần chỗ nhóm nứa trước nhà kỷ luật. Tay y cầm chùm chìa khóa cứ rung, lắc reng rẻng. Sát phía đầu hồi nhà kỷ luật, tên trật tự Tân đang kéo tay một anh nằm dài dưới đất, miệng y léo nhéo:
- Cố đứng dậy mà đi! Ban giám thị khoan hồng cho ra ăn Tết lại không mừng sao?
Phía trong, chỗ hiên sau nhà kỷ luật, lố nhố có gần chục người. Người thì đang vịn vách lò dò bước ra, người thì bò lết dưới nền đất. Nhìn cảnh đó mà lòng tôi đờ dại ra. Một nỗi xót xa của những kiếp con người dâng ngập lòng tôi. Người già, người trẻ, mắt ai cũng trắng dã; tay chân khẳng khiu, gầy guộc như những cái càng của con cua rốc. Hai thái dương và hai má đều lõm vào, thành ra nhìn ai mặt cũng gồ ghề, toàn xương.
Một mùi khăn khẳn, ngai ngái, tanh tanh từ những đám người kỷ luật phả ra chung quanh. Thỉnh thoảng, tên Cẩn lại quay mặt ra phía đầu gió, gần hàng rào trại, xì khô mũi của y mấy cái. Cái mùi làm cho tôi nhớ lại, cái mùi của những con chuột chù, ngày còn bé tôi thường bắt chơi, ngửi thấy.
Thoáng thấy bóng anh Khải, tôi đến ngỡ ngàng nên cứ nhìn anh mãi. Mới có hơn một tuần lễ, mà tôi đã không nhận được ra anh nữa. Ông Nguyễn Tứ Hải, cha anh, một tay ông ôm chiếc chăn ẩm, một tay ông đỡ nách anh Khải. Hai cha con chậm chạp, bước từng bước run rẩy về phía buồng số II. Mỗi người đều có những bạn bè dìu, nâng, đang lê từng bước về buồng.
Riêng có một anh chừng 35 tuổi, dáng đã nhỏ con, lại chỉ còn xương với da. Nếu không nhìn thấy mấy sợi tóc bạc và những nếp nhăn nheo trên trán anh, thì tôi lại tưởng là một đứa trẻ con. Anh mệt nhọc ôm chiếc chăn tã, nhiều chỗ toàn bụi đất. Anh cứ lê, bò đi vài thước, lại đặt cái chăn xuống nền sân đất, rồi gục đầu lên đó nằm yên một lúc, lại ngẩng đầu dậy bò tiếp. Nhìn anh, tôi liên tưởng đến cái ngày khốn khổ, tôi ở cachot, Hỏa Lò bò ra năm xưa. Ruột tôi vặn vò không yên được; khẽ động vào tay Hùng tôi nói như thúc hối:
- Em hãy ra giúp anh ta về buồng, dù có bị liên quan, em cũng cứ làm đi!
Chắc Hùng cũng đang xúc động, thấy mắt cậu đỏ lên. Hùng chỉ khẽ nói:
- Anh Hải Sơn toán 2 đấy!
Nói rồi, Hùng tiến ra đỡ anh Hải Sơn đứng dậy trước con mắt gườm gườm, lạnh lùng của tên Cẩn và những con mắt mở to của mọi người. Mấy hôm, sau ngày Tết, tôi được anh Đồng cho biết: anh Hải Sơn là người của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Anh ta bị bắt 11 năm rồi.
Khi về buồng, nghe mấy anh xì xèo bán tán với Nguyễn Huy Lân buồng trưởng tôi mới hiểu: trong nhà kỷ luật lúc ấy có tất cả 9 người, đều được thả cho ra ăn Tết. Duy có bác Lê Tài Chương thì không được ra, chẳng một ai hiểu vì sao?
Những người đi kỷ luật về, đều được về toán của mình nằm cho lại sức. Chưa ai rửa ráy, tắm giặt gì được. Chiều hôm ấy cũng chưa ai được ăn cơm, tất cả đều phải ăn cháo, vì sợ thủng dạ dầy. Ba người của toán 2 là Nguyễn Khải, Hải Sơn và một anh nữa là Trần Hiển. Khi ra lán thủ công lao động buổi chiều, Quý Cụt đã cho tôi biết: Trần Hiển là một tu sĩ công giáo. Án tập trung cải tạo 3 năm, nhưng đã ở tù thành 9 năm rồi.
Hôm nay là ngày giáp Tết. Buổi sáng nay là buổi lao động cuối cùng của một năm. Theo như chương trình nghỉ Tết và gọi là vui Xuân (?) của trại sẽ diễn tiến như sau:
Hai giờ chiều, toàn trại tập họp ra hội trường để nghe ban giám thị nói chuyện và tổng kết những thành tích lao động sản xuất một năm của trại. Tuyên bố kết quả những toán và những cá nhân xuất sắc sau khi ban giám thị đã duyệt xét. Cuối cùng sẽ tuyên bố chương trình vui Xuân của trại gồm có thi đấu bóng bàn và cờ tướng.
Về bóng bàn:
Giải nhất – 1 bánh chưng, 1 gói trà và 1 bao thuốc lá.
Giải nhì – 1 bánh chưng và ½ bao thuốc lá.
Thi đấu cờ tướng:
Giải nhất – 2 bánh chưng, 1 gói trà và 1 bao thuốc lá.
Giải nhì – 1 bánh chưng, 1 gói trà và ½ bao thuốc lá.
Phần vì tôi cũng biết chơi ít nhiều cờ tướng ngay từ khi còn nhỏ, sau này vào Nam, ở trại học sinh di cư Phú Thọ, tôi lại tiếp tục chơi những khi có điều kiện. Phần khác, sau nhiều năm ngồi tù đơn độc trong xà lim ở Hỏa Lò, tình cảm tâm tư bị nén buộc, tôi muốn nhân dịp này gặp gỡ được nhiều người ở những toán khác. Bởi vậy, tôi cũng ghi tên tranh giải cờ tướng của trại. Phan Thanh Vân dù chỉ nhìn đời bằng một con mắt, anh cũng ghi tên tranh giải bóng bàn.
Vì thời gian chỉ có hạn, chỉ trong vòng có hai ngày rưỡi nên ban tổ chức vui Xuân quyết định: sẽ đấu vòng loại ngay sau khi ban giám thị nói chuyện tổng kết ở hội trường. Riêng về cờ tướng, ngay khi hết hạn ghi danh lúc 5 giờ chiều hôm qua (ngày 29), tôi đã biết có 52 người ghi tên thi đấu của toàn phân trại.
Phải nói sáng hôm nay không khí của trại cũng khác thường, mặt anh nào cũng rạng rỡ hẳn ra. Như mỗi người đêm qua đều được uống một ly đường Cuba pha đậm vậy. Thực thế, rõ ràng mắt mọi người như mới được quét thêm cái mầu tình nghĩa và nụ cười đã trở lại ở trên môi nhiều người.
Khi cái toán xuất trại đi lao động, do sự chỉ định của cán bộ giáo dục: toán 2 phải để lại 4 người vẽ và làm lỗ cho bàn cờ tướng của trại.
Bàn gỗ bóng bàn, do nhóm kỹ thuật của Đinh Sơn đã làm xong từ gần một tuần trước. Hôm nay cũng được khênh về, lắp ráp ở trong cổng trại, chỗ gần bụi nứa cuối hội trường. Về cờ tướng, để thêm phần hào hứng cho mọi người tù, ban giáo dục cho vẽ bàn cờ lớn ngay ở sân chính của trại, trước nhà số I. Bàn cờ chiếm gần nửa cái sân. Quân cờ bằng những miếng gỗ hình chữ nhật, một bề 15 phân và một bề 20 phân, được sơn xanh và đỏ. Trên quân cờ viết chữ bằng sơn trắng để phân biệt quân của hai bên. Mỗi quân cờ được đóng vào một thanh gỗ, vuông 3 phân, dài chừng 70 phân để làm chân.
Vì thế, bàn cờ phải có lỗ để cắm quân. Những lỗ này chỉ cần cưa một đoạn đầu mặt của một ống nứa nhỏ, dài chừng 10 phân, rồi cứ việc đóng cho bằng xuống nền đất là thành một cái lỗ để cắm quân cờ.
Khoảng 10 giờ sáng, ngay khi toán còn ở ngoài lán thủ công lao động đã nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc, từ nhà bếp cơ quan và nhà bếp của trại văng vẳng vọng ra. Tiếng lợn kêu, làm cho mắt ai cũng sáng lên long lanh. Anh nọ nhìn anh kia như có ý nói: đấy…nghe thấy không bạn ơi! Cho đến trưa, khi toán về đến trại thì nỗi vui mừng, niềm hân hoan trên mặt mọi người đều bị phì ra tứ tung. Từ lời chào hỏi, xen lẫn ánh mắt dịu dàng nhìn nhau, cho đến dáng đi, nước bước đều như được chứa chất nỗi hưng phấn, đong đưa của một kiếp người.
Một mùi ngòn ngọt, ngây ngất thơm tho từ trong nhà bếp xông bừa ra phủ kín cả trại E. Để, dù cho xuống giếng rửa ráy, tắm giặt hay vào buồng nằm nghỉ; đâu đâu ai cũng ngửi, cũng hít thấy cái mùi mê ly, say đắm đến xụi hồn ra ấy. Tác dụng của nó đã làm cho mọi người hôm nay đối xử với nhau đậm đà, cởi mở hơn, nhã nhặn dễ dãi hơn.
Tuy chẳng nói ra, nhưng ai cũng tự hiểu: bữa cơm trưa nay thì vẫn cơm ngô xay, muối rang như mọi ngày. Nhưng bữa chiều nay thì phải biết, phải tự mỗi người hãy suy nghĩ lấy… Có trời mà đoán được nó hạnh phúc như thế nào? Chính vì vậy, chính vì cái hạnh phúc đang đến thường thường lại hơn hẳn cái hạnh phúc đã đến rồi.
Một điều nữa, cũng chẳng ai nói ra nhưng ai cũng hiểu như nhau: bắt đầu từ lúc này, không phải gò lưng để kéo xẻ, không phải è cổ gánh phân, vác gỗ, không phải vẹo người đế quai búa tạ v.v… Được xả hơi thong dong, nhàn du, dài những 2 ngày rưỡi cơ mà; cho nên niềm vui, nguồn thanh thản, thênh thang càng được nâng cao rõ rệt.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen