We have more possibilities available in each moment than we realize.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 99: Những Con Rận Phiêu Lưu
ồn tôi đang lãng đãng, chơi vơi, nửa mơ màng, nửa thức thì lại có tiếng lục đục ồn ào, ngay sàn trên chỗ tôi nằm. Tôi giật mình, ngồi bật dậy. Tưởng lại một người nữa đi cùm. Tôi chồm xuống đất, xỏ dép nhìn lên. Ba, bốn anh đang tranh nhau chộp vồ huỳnh huỵch. Thì ra có một con gián to, Lê Văn Kinh đã vồ được.
Vội vàng, Kinh trèo xuống đất, đến chỗ chiếc đèn con, đang để ở gầm sàn dưới, chỗ hút thuốc lào của buồng. Anh dùng một chiếc đóm nứa con đốt, hơ, nướng con gián. Con gián thật to, mầu sậm bồ quân. Cánh cháy trụi ngay, bụng nó bị ngọn lửa của chiếc đóm hơ mãi vào. Nó phình ra, rồi cong lên, phì ra một đám bọt li ti, sủi lên sùng sục. Một mùi thơm ngậy, phả ra khắp buồng.
Tôi mở to mắt, nhìn cái thân hình đồ sộ, nhìn những ngón tay chuối mắn dài nghêu của Lê Văn Kinh đang vặt từng chiếc chân, cái đầu con gián, đưa lên miệng. Cuối cùng, còn cái thân mình con gián, anh đút tỏm vào mồm, làm nước chân răng của tôi ứa ra. Qua ánh mắt của những người khác, đang ngồi nhìn Lê Văn Kinh thưởng thức con gián. Tôi dám cả quyết rằng cuống họng của họ, cũng bị ướt như tôi. Hàng tháng không có chất protein trong người, chỉ cần một tí hơi hướng, cũng làm say đắm hồn người.
Hẳn cũng sắp đến giờ kẻng báo thức đi làm buổi chiều. Vì không chợp mắt được chút nào, người tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi vội vàng mượn chiếc gầu của cậu Toàn, chạy lẹ xuống giếng, rửa qua cái mặt cho tỉnh người. Khi ngang qua buồng số một, tôi thoáng thấy một đám người ồn ào, to tiếng ở phía chái hồi. Lẹ làng tôi ghé tới. Có mấy bác già, mặt đang chảy dài như quả bí khô. Một bác đang năn nỉ với tên trật tự Tân:
- Xin anh thông cảm tha cho, vì chúng tôi tuổi già không ngủ được.
Hai con mắt của tên Tân, càng trắng thêm ra. Tay y cầm một con dao con làm bằng một miếng sắt, dài hơn một ngón tay. Miệng y đang nguệch ra, hai hàm răng khít lại như không muốn cho ai nhìn thấy lưỡi:
- Tôi tha đề nghị kỷ luật. Từ trưa mai, dù không ngủ, các anh cũng phải vào buồng nằm. Tụ tập, chui rúc ra đây để bàn chuyện phản động à? Con dao này, tôi tịch thu!
Dù không phải chuyện của tôi, nhưng sao người tôi cứ nóng lên bừng bừng, chân tay tôi, thấy ngứa ngáy bứt rứt. Nghe tên Tân nói, tai tôi như có ai rắc sạn vào. Có lẽ, từ nỗi khinh rẻ, căm uất nó từ buồng số 2 xà lim II, Hỏa Lò, nên nhìn cảnh này, nỗi khinh, nỗi uất trong lòng tôi càng chất chứa nhiều hơn.
Xuống đến giếng rồi, mà tay chân tôi vẫn còn rần rật. Vừa lau mặt, vừa nhìn chiêc hoa chuối đang rung rinh với gió. Mới có mấy ngày mà hôm nay nó đã lồi ra, thò dài. Những chiếc bẹ úp phía ngoài, mầu đỏ đã thẫm lại, giương xòe ra như những chiếc cánh dơi. Ấp bên trong một lượt quả con tí, như những ngón tay con gái, dài ngoẵng, trắng đục màu ngà. Trông chiếc hoa chuối chiều nay như một chiếc hoa sen đại đang thì, đỏ choét.
Nước lạnh, nhìn hoa chuối đỏ, tôi quên béng chuyện của tên Tân, để rồi tiếng kẻng mất dạy, đập ngay vào bên tai. Trên chòi gác, tên bộ đội oắt con, cứ thong thả nện cái búa con, vào cái vỏ quả bom kêu oăng oẳng. Tôi thừa nhận cái kẻng này mất dạy thật. Người ta đang ngủ ngon lành thì nó khua dậy. Người ta đang gửi hồn, lãng đãng với trời, mây, gió, nước thì nó đập tan tành. Nó cũng mất dạy, trơ tráo, ỏm tỏi như những tên chủ của nó vậy.
Lúc các toán xuất trại đi làm chiều, tôi đang ngồi trong hàng ở giữa sân, bên cạnh Phan Thanh Vân. Vừa thì thào nói chuyện với Vân, mắt vừa lo đãng rõi nhìn các toán đang xếp hàng đôi, theo nhau ra ngoài cổng trại. Tiếng một tên cán bộ quát to, làm tôi chú ý:
- Không đi, thì lôi nó đi!
Toán bốn, toán nông nghiệp, do anh Hà làm toán truởng. Theo lệnh của tên cán bộ toán, anh đang lúng túng, chỉ định cho hai đi cuối hàng, trở lại kéo một anh còn đang ngồi lại ở sân. Anh này chừng 30 tuổi, mặc bộ quần áo trại mầu xanh xám đã tã. Anh có bộ mặt xương xẩu, đang gục đầu vào hai đầu gối, hai tay luồn, ôm ngang bụng, mồm rên rỉ kêu:
- Thưa ông, tôi đau bụng quá!
Hai anh toán 4 được chỉ định, còn đang lóng ngóng, ngần ngừ, thì tên Cẩn trực trại, quát giận lên:
- Kéo nó đi, còn chần chờ gì nữa! Để cho toán khác xuất trại chứ?
Như cái máy khởi động do người khác điều khiển; hai người cầm hai tay anh đang đau bụng, kéo nê ra phía ngoài cổng. Anh đau bụng nằm ngửa hơ hơ, hai chân xuội ra, rê trên mặt đất. Đầu anh ngoẻo về một bên, đôi mắt nhắm nghiền, miệng cứ rên rỉ…đau quá! Vì lần đầu tôi nhìn thấy cảnh này, nên quay lại hỏi Vân:
- Đau bụng mà không được nghỉ lao động à?
Vân quay sang, như đang định trả lời, thì tên trực trại đã gọi đến toán 2. Thành ra, mãi tới khi vào đến nhà vernie, tôi phải hỏi lại Quý và Lê Sơn. Tôi rất ngạc nhiên, thấy Lê Sơn văng tục:
- Địt mẹ cái thằng Thái y tá! Phải có gì cho nó, thì không ốm, muốn nghỉ cũng được nghỉ.
Thấy thái độ giận dữ của Lê Sơn như vậy, Quý Cụt cũng buồn cười, nói vừa như dàn hòa, vừa như mai mỉa:
- Quy định của trại là 2 phần trăm người bịnh chung cho các toán. Như toán ta có 49 người, thì chỉ được phép nghỉ ốm 1 người là cao nhất. Nếu áp dụng đúng chính sách thì chỉ được nghỉ tám phần chín thân của một người mà thôi. Do đấy, không những mọi người đã “thông” mà còn phải biết ơn cái nhã ý, linh động, nhân đạo của ban giám thị nữa chứ! Hơn nữa, y tế cũng phải chấp hành lệnh của cán bộ mà!
Thấy Lê Sơn cầm mấy tờ bìa đi xuống dưới lán mộc, tôi lại hỏi Quý nữa:
- Việc gì mà phải lôi kéo như thế, nhỡ anh ta đau bụng thật thì sao?
Quý Cụt cười lên khềnh khệch:
- Y tá không cho nghỉ, thì đi làm. Không đi thì bị lôi đi, có khi còn vào kỷ luật nữa chứ!
Không hiểu vì sao, chỉ trả lời như vậy mà Quý lại cười? Hay anh cười tôi đã hỏi một câu thật là tồ? Tôi không hỏi nữa, quay vào lấy sơn, bút ra làm tiếp công việc buổi sáng. Tay làm việc nhưng lòng tôi vẫn băn khoăn; không yên được. Tôi lại đến chỗ Quý:
- Này, thế anh Thái nào đó là y tá có khá chuyên môn không?
Quý đang mở tủ xách mấy lọ dầu sơn ra. Vì Quý chỉ có một tay nên tôi phụ giúp. Xong, Quý quay lại thong thả giải thích:
- Chuyên môn ở đây là phụ thôi. Ông Đặng Văn Hiệp kia kìa, là bác sĩ nội khoa nổi tiếng đấy; đang ở toán 6 nông nghiệp, làm cỏ, nhổ mạ, gánh phân như điên. Vấn đề là tư tưởng và tội trạng, chứ chẳng phải do chuyên môn.
Quay về chỗ tiếp tục làm việc, tôi vẫn chưa hiểu hết vấn đề Quý nói.
Buổi cơm chiều nay, cả toán 2 xôn xao náo nhiệt hẳn lên. Cứ í a, í ới, ríu ra, ríu rít gọi nhau về bát với đĩa, làm như mở đại tiệc. Một đám đông những nhân vật tai mắt trong toán: toán trưởng, tổ trưởng, tự giác đang túm hụm vây quanh gánh rau lá cải bắp già luộc. Tay chân các vị chỉ chỏ, miệng bàn tán cứ vung củ cải lên. Tôi nhớ, ngay từ khi còn ngoài lán thủ công: lúc anh Lý A Chén gánh về một gánh đầy lá rau cải bắp. Trong lán, anh em giáo giác đổ xô hết cả ra chỗ gánh rau đang để ở giữa sân, bên cạnh đống lửa bác Đặng Minh Chánh hàng ngày vẫn đun nước sôi cho toán. Dù phải tôn trọng giờ lao động, nhưng ai cũng liều chạy ra nhìn một cái, rồi mới chịu vào làm. Tôi cũng chả ngăn được sự háo hức nên cũng phải nhào ra. Nhìn cái mầu xanh xậm của những lá cải bắp nằm từng loạt hơ hớ, xếp xuôi chiều, thấy mát cả mắt và cũng mát cả con tì, con vị luôn.
Tên Kích cán bộ toán hôm nay cũng có vẻ dễ dãi. Y cũng thấy nhiều anh em rầm rập chạy ra chỗ gánh rau, nhưng có lẽ y nghĩ rằng: nỗi vui này, hạnh phúc này cũng có phần chính của y ban cho nên tuy y đứng ngay đấy mà chẳng hề nói gì. Mặc dù hàng ngày có bác Chánh dọn dẹp, phục vụ vệ sinh và đun nước cho toán, hôm nay anh Lân còn phân công thêm 2 người nữa, xin bộ đội vũ trang dẫn vào trại, gánh nước ra để rửa và luộc rau.
Thế mà chỉ khoảng 40 phút sau, rau đã được vớt ra để vào 3 cái giành còn mới tinh, đậy bằng mấy lá chuối tươi, khói tỏa ra nghi ngút.
Cả toán được thưởng thức phần cải thiện đầu tiên ngay tại lán là nước rau. Cái này thì cho tự do, tuy vậy, anh Lân, toán trưởng cũng nhẹ nhàng nhắc nhở anh em hãy tự giác. Mỗi người nên uống in ít, còn để dành cho người khác.
Lê Sơn đưa cho tôi cái cóng nhôm Guigoz đã vàng khè vì đôi khi nấu trà:
- Bình hãy xuống múc đầy 3 chiếc ly nứa.
Nước óng lên mầu xanh bích ngọc, tôi nghĩ rằng nó chứa rất nhiều diệp lục tố. Nước nóng, 3 chúng tôi vừa thổi, vừa uống, vừa nhìn nhau. Uống đến đâu, tôi cảm thấy khoan khoái, mát rượi cả cõi lòng đến đấy. Tôi liên tưởng đến những năm xưa còn ở thành đô nhiều hương sắc. Những buổi trưa hè oi ả sau buổi tan tầm, ghé chiếc solex đến chiếc xe sinh tố ở đầu đường Yên Đổ làm một ly cối thập cẩm: măng cụt, chuối, dứa, mãng cầu với một hột gà cũng tuyệt cú mèo đến thế này là cùng.
Bây giờ ở trong trại, theo anh Lân cho biết: gánh rau luộc rồi cân được 19 kg 5. Như thế, toán 49 người, đổ đồng mỗi người cũng xấp xỉ 4 lạng rau chứ có phải chơi đâu. Của hiếm, lâu ngày mới có, nhiều anh toán 2 cũng đem đi chia xẻ niềm hạnh phúc với những người thân quen ở toán khác. Tôi vẫn có lòng thương mến riêng cậu Hùng, vì vậy tôi cũng đưa cho cậu một bát con; gọi là một chút cho ấm lòng nhau lúc này. Hôm nay trại cũng có canh rau, tuy mỗi phần cũng chỉ độ nửa lạng, nhưng vì hàng tuần lễ chỉ có canh sắn hoặc muối rang. Cho nên, cũng có nhiều chỗ một, hai người đã hể hả ăn chung với nhau như một bữa tiệc thân tình.
Buổi trưa hôm sau, khi ăn cơm xong tôi và Toàn xách túi rổ, rá, bát đĩa từ dưới giếng về, vừa bước chân vào cửa buồng, thì anh Lân đang nằm ngay mép sân, cạnh lối cửa ra vào, bò giật dậy, tay chỉ vào tôi, miệng ré lên:
- Thằng Bình, mày đổ rận cho tao phải không?
Phần bất ngờ, phần thấy nhiều người đều chăm chú nhìn tôi, cả Toàn nữa làm tôi ngượng chín người, yếu ớt chống chế:
- Đâu có!
Anh Lân choài người ra, nắm tay tôi, kéo ngồi xuống chỗ anh, miệng vẫn bô bô, làm nhiều người đã nằm đều ngồi dậy nghe chuyện:
- Chính mày mang rận ở Hỏa Lòa lên rồi!
Thấy mọi người còn ngơ ngác nhìn, anh lại nói tiếp như phân bua:
- Tôi thấy lạ, mấy hôm nay đêm nằm cứ ngứa mãi. Lúc nãy cởi áo ra xem, bắt được mấy chú rận kềnh. Tôi nghĩ và biết ngay là anh chàng Bình chứ không có ai vào đấy cả.
Tôi chỉ cười, mặt hơi nóng lên vì ngượng. Nhất là mọi người cứ nhìn tôi như đang nghe một trò vui ngộ nghĩnh. Chưa tha, anh Lân còn chỉ vào mặt tôi giọng chì chiết:
- Trông mã cậu, kẻng trai, tư cách như sinh viên, ai ngờ người toàn rận. Mình không biết lại cứ ôm ấp nó!
Anh còn đang nói, thì Vân ở sàn trong cũng bò giật dậy, la hoảng:
- Thôi chết, thảo nào mấy đêm nay tôi cũng thấy ngứa quá!
Một số các anh, các bác xôn xao có ý kiến:
- Thôi, chiều nay anh Lân phải đề nghị ông cán bộ toán: cho đun một thùng nước sôi. Tất cả quần áo chăn màn của 3 anh, hãy nhúng vào nước sôi, cho chết cả trứng đi. Nếu không, rận lan ra toàn toán thì chết.
Lân còn quay lại hỏi tôi:
- Có rận, sao không nói cho tao biết!
Lí nhí, ngập ngừng, tôi nói nhỏ:
- Tôi quên mất, là nó lại có thể bò sang người khác!
Nhiều người cười ầm cả lên. Để chữa ngượng, tôi nói như thanh minh:
- Lúc ở xà lim ra, họ cho tôi vào một cái buồng có đến hàng trăm đứa trẻ con. Ghẻ lở, rận, chấy đầy, tôi không biết làm sao được.
Và buổi chiều hôm ấy ở ngoài lán, tôi phải một bữa rét run. Quần áo phải nhúng nước sôi, vắt kỹ rồi hơ, phơi ở đống lửa trong nhà vernie, suốt cả buổi mới khô.
Câu chuyện rận này, cho suốt mãi hàng chục năm sau, ở trại này, hay trại kia, nếu mỗi lần Nguyễn Huy Lân gặp lại tôi, còn nhắc nhở đến. Anh lại vẫn không quên nói với anh em chung quanh:
- Trông cậu thế đấy, mà trong người toàn rận thôi!
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen