A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 85: Người Xưa Mới Thật Là…người Xưa
hớ lại khi nãy nghe tên cán bộ hỏi tên Tân thì hôm nay là ngày 15 tháng, như vậy chỉ còn 15 hay 16 ngày nữa là đã Tết rồi. Tụi cán bộ Hỏa Lò để vừa đúng 15 ngày, hết hạn chống án, chúng đã vội vàng giải tôi đi ngay. Mà chỉ đi có một mình.
Giòng tư tưởng của tôi còn đang chảy dài về Hà Nội xa xôi thì tên cán bộ đã hối thúc:
- Ôm quần áo về buồng rồi hãy xếp!
Rồi y chỉ chiếc chiếu con và một chiếc chăn đơn đã nửa mục, khi nãy tên Tân đã mang đến:
- Chiếc chiếu và chăn kia phát cho anh. Phải triệt để bảo quản tài sản xã hội chủ nghĩa.
Mặc y nói, tôi cắm cúi túm vội bọc quần áo, rồi ôm chăn, chiếu đi theo y về phía căn nhà nằm ở giữa. Tay ôm bọc quần áo, nhưng mắt tôi đã bị mấy luống hoa dài, nằm dọc theo phía trước hè của mấy căn nhà cuốn hút. Nhìn thoáng qua những cánh hoa bách hợp, cúc đại đóa đang lắc lư, rung rinh theo từng làn gió nhẹ như đón chào, đã làm cho tâm hồn tôi giãn nở ra, bâng khuâng một vài giây trong cái dồn dập của buổi ban đầu đến trại.
Tôi theo tên cán bộ bước hẳn vào trong buồng. Căn nhà, trông hun hút thật dài, sàn trên, sàn dưới bằng gỗ để mộc, làm dọc theo hai bên vách nhà, để chừa ra một lối đi ở giữa nhà rộng chừng 2 mét. Cả buồng trống trơn, sàn dưới chỉ có 2 người nằm đắp chăn ở trong góc đang vội vàng bò dậy. Tên cán bộ chỉ cho tôi một chỗ ở sàn dưới, phía bên trong, gần ngay cửa ra vào. Tôi vừa để bọc quần áo và chiếc chiếu xuống sàn, y đã đưa cho tôi 2 tờ giấy in sẵn, nghiêm giọng:
- Từ ngày mai, đi lao động theo toán, nhưng tối về phải học thuộc 4 tiêu chuẩn cải tạo, 10 điều nội quy và 12 điều nếp sống văn hóa mới này. Trong một tuần, tôi sẽ gọi lên sát hạch, nếu không thuộc, anh sẽ chịu trách nhiệm.
Ngỡ ngàng, xốn xang với nhiều thứ mới, nên cho tới khi tên cán bộ đã ra rồi mà tôi vẫn còn ngồi ghệ vào mép sàn như bất động. Tay tôi vẫn còn mân mê 2 tờ giấy, mắt nhìn khắp căn buồng. Hai anh ở trong góc bây giờ đang lúi húi hút thuốc lào ở chỗ chiếc đèn con dưới gầm sàn. Kiểu chiếc điếu nứa này thật lạ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Nó có một chiếc nõ dài nghêu đến gần một gang tay. Tôi mỉm cười chào, khi 2 anh cũng vừa cười vừa tiến lại phía tôi. Một anh chừng 40 tuổi, dáng cao gầy cất tiếng khàn khàn hỏi tôi:
- Anh mới bị bắt vào?
Thấy tiếng anh trọ trẹ không rõ, tôi chỉ gật đầu và hỏi lại:
- Anh không đi lao động?
Xịt mũi mấy cái rồi anh từ từ:
- Hôm qua tôi có cái bệnh sốt!
Chỉ trả lời mấy tiếng mà anh cứ ngập ngừng, lúng túng mãi, tôi hỏi ngay:
- Anh tên gì?
- Tôi là Lý A Chén và anh này là Sín Cà.
Vừa nói anh vừa chỉ anh kia, đứng phía sau. Giữa lúc này thì đột nhiên nghe có tiếng ồn ào, sùng sục như chạy giặc ngoài phía cổng trại.
- Trại đã về!
Anh Chén vẻ nhớn nhác nói xong, rồi cả 2 anh hấp tấp về chỗ nằm đắp chăn như những người đang bệnh. Sau đó là những bước chân chạy rầm rập, đầy người chen chúc nhau vào buồng. Tiếng vất nón, ném áo tơi, tiếng bát nhôm, bát sành cọ xát, tiếng gầu tôn, thùng gỗ chạm nhau; tiếng chân chạy thình thịch, lẫn với những tiếng gọi nhau í ới buồng này với buồng kia. Tôi cứ ngồi ngây ra, mắt mở to nhìn một cảnh đời tất bật, lam lũ, lầm than. Hầu như ai cũng quần áo rách và nhem nhuốc, chỉ dăm ba người hoặc có chiếc quần lành hay áo không vá còn tươi mầu tro xậm.
Sau này tôi mới hiểu: một năm trại phát cho mỗi người 2 bộ quần áo. Phần vì sợi vải tạp không được bền, phần khác, lao động nặng nhọc quần quật với gió mưa, với mồ hôi, bùn đất nên chỉ 3-4 tháng là đã mục rách rồi. Cho nên ai cũng phải biết vá đụp cho lành nhất là vào những vụ Đông hàn. Cũng do khả năng và ý thích của mỗi người khác nhau, nên rất nhiều kiểu mũ, áo chằng đụp đủ mầu để che đầu, che tai.
Tôi đang ngẩn ngơ nhìn cảnh người chạy ngược xuôi vội vã trong nhà cũng như ngoài sân thì một bóng người mặc cái áo bông tã mầu nâu đất, to xù xụ. Chân anh đi dép râu dính đầy bùn, trèo lên sàn ngay cạnh tôi, để lấy 2 cái bát sắt to, tráng men mầu lá chuối non, cóc đã gặm nham nhở trên cái kệ phía trên đầu nằm. Tôi hơi ngỡ ngàng khi thấy anh chột một mắt. A, à Phan Thanh Vân đây mà! Trung úy phi công C47, trong điệp vụ máy bay bị bắn rơi ở Cồn Thoi, Ninh Bình năm 1960. Cũng là lúc mắt anh mở to nhìn tôi không chớp, nhưng có lẽ những thúc hối của việc cơm nước nên anh chỉ nói vội vàng:
- Tối vào buồng chúng mình sẽ nói chuyện.
Rồi hấp tấp, anh mang 2 cái bát sắt chạy ra sân. Tuy anh đã đi rồi, mà tôi vẫn còn băn khoăn ngạc nhiên. Lúc nhanh lại ký ức đầy hình ảnh xưa. Không! Chỉ có tôi mới biết về Vân, chứ Vân chưa hề biết về tôi. Do đấy, mai đây tôi sẽ phải làm sáng tỏ điều băn khoăn này của tôi.
Mãi lúc này mới thấy một anh chừng 40 tuổi, tay cầm một tập sổ sách vào buồng. Cởi chiếc mũ trùm tai, vất xuống chỗ sàn nằm ngay cạnh cửa ra vào, anh quay lại cười, chào tôi và niềm nở:
- Tôi là Lân, toán trưởng mà cũng là buồng trưởng. Anh có gì đựng cơm, canh đem ngay ra cho họ chia?
Lúng túng ra mặt, tôi làm gì có bát đĩa. Ngay lúc ấy, một anh ở sàn trên phía đối diện, cúi rạp người thò xuống một cái rổ con, bé như cái bát to:
- Tạm thời, cho anh mượn cái này để đựng cơm.
Chưa biết anh là ai, tôi chỉ biết giơ tay đón nhận tình anh và mỉm cười tỏ ý biết ơn. Anh Lân dẫn tôi ra sân, đến một chỗ túm tụm 9 -10 người đang đứng vây quanh 9 -10 cái vừa bát, rổ, rá con và một soong nhôm cơm ngô xay vàng ươm (hạt ngô xay vỡ thành nhiều miếng như tấm) đặt cả xuống nền sân đất. Một anh đang cầm cái môi con làm bằng một mảnh gáo dừa. Nhẹ nhàng, anh xúc từng môi cơm vào một cái bát nhôm, rồi đặt vào một cái cân do một anh đang cầm điều chỉnh. Cái cân thật đơn giản nhưng lại thật bén nhậy, chỉ vài hạt cơm hơn, kém đã thấy khác rồi. Nó chỉ là một chiếc que gỗ vót tròn, giùi 3 cái lỗ, khắc vài chỗ làm dấu nhất định, vài sợi dây và một hòn đá hay miếng gạch con là được rồi.
Khi anh Lân dẫn tôi đến nơi thì mấy người đều quay nhìn ra. Anh Lân quay lại cầm cái rổ ở tay tôi đặt xuống sân cạnh những bát khác. Tay anh chỉ vào con số viết bằng phấn ghi ở cạnh cái soong nhôm cơm:
- Anh Đồng, đây là anh Bình mới nhập trại, cùng ăn mâm của anh. Số soong ghi là 11 đấy!
Một vài anh quay lại mỉm cười với tôi như chào rồi lại tập trung mắt vào cái cân cơm. Bỗng một anh kêu tướng lên:
- Có chết cha người ta không chứ! Từ nãy, mình cứ đinh ninh 10 suất như mọi khi. Thấy soong cơm đầy, mình cứ lẩm nhẩm tạ ơn đảng, ơn bác mãi. Bây giờ thì xin rút!
Chỉ một mình anh nói, mọi người mặt vẫn lạnh lùng, không một ai hưởng ứng. Một vài ánh mắt rụt rè liếc về phía tôi. Anh Lân lại kéo tôi sang một đám bên cạnh cũng có 10 cái bát vừa nhôm, vừa sành đủ loại, Một soong nhôm canh, rau và nước đen sì, nhìn mãi mà tôi chưa hiểu là canh gì. Cho đến khi, một anh gắp từng miếng sau vào từng bát, tôi mới biết là lá rau cải bắp già. Nhưng không hiểu họ nấu với muối hay mắm gì mà lại có mầu đen. Anh Lân lại lên tiếng:
- Anh Bình đây chưa có bát đĩa, ai có tạm thời cho anh mượn bữa nay?
Một anh còn rất trẻ, chỉ chừng 20 hay 21 tuổi là cùng, quay lại vồn vã kéo tay tôi theo anh vào buồng. Anh trèo lên sàn trên, lấy cho tôi một cái rá con tý đã bục rách một bên cạp. Anh lục mãi trong bọc lôi ra một miếng ny lông xám đã cũ, nhẹ nhàng khéo tay, anh lót vừa vào chiếc rá để đựng canh. Tôi được biết tên anh là Toàn. Trong lúc trở ra chỗ chia canh, Toàn hỏi khẽ:
- Anh ở đâu đến?
- Hà Nội.
Toàn ghé gần vào tai tôi thì thầm:
- Em ở Thái về 1956.
Tôi đang định hỏi tiếp thì nhiều người ở phía mâm cơm đã hối hả giục:
- Mau lên còn vào buồng chứ!
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen