Books support us in our solitude and keep us from being a burden to ourselves.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 83: Đường Lên Núi Rừng…
rời gần trưa đã hừng nắng. Tự nhiên một số đứa nhấp nhổm lố nhố chỉ trỏ nhìn chéo về bên phía trái đường làm cho bao nhiêu con mắt đều hướng về phía đó kể cả hai tên công an vũ trang. Tôi cũng nghểnh đầu liếc theo ra. Từ chéo mải phía trong của một nghĩa trang “liệt sĩ” có hai ngôi mộ nằm song song nhau, đất còn vàng au:
- Mả phi công Mỹ!
Lại có đứa nói:
- Mả phi công của ta nữa!
Lung tung beng, tôi chả hiểu ra sao thì thằng Thu đã ghé vào tai tôi thì thầm:
- Có gì đâu chú! Gần hai tháng trước, ầm cả Hà Nội lên về chuyện màng lưới cao xạ phòng không ở Kỳ Sơn này. Một buổi trưa thấy có hai máy bay quần đuổi nhau từ phía Hà Nội lên đây. Họ tập trung cao xạ bắn như pháo rang. Cuối cùng hạ được cả hai cái đó. Hai phi công lái hai chiếc máy bay đó đều bị chết. Nhưng có một điều là một phi công của ta và một của Mỹ. Vì lộn xộn nên cũng không biết cái nào đuổi cái nào và đều lầm tưởng là máy bay Mỹ cả. Nhất là lúc đó Hà Nội đang có trận không tập của nhiều máy bay Mỹ. Vì vậy họ đã chôn cả hai viên phi công cạnh nhau, cùng một nghĩa trang.
Khi xe đi rẽ vào một con đường thì những đứa trẻ lại nhốn nháo lên; thì ra đã đến trại Kỳ Sơn rồi! Lúc xe ngừng, trong lúc chúng ồn ào, í ới gọi nhau khi được lệnh xuống, tôi chưa biết ra sao nên vẫn cứ ngồi yên.
Con Thanh Móm định mang luôn cả gói đồ xuống cho tôi, thì tên chuẩn úy Nhượng đã hẩy tay ra hiệu:
- Anh ngồi lại đấy!
Chỉ một mình thằng Trung Lý Thu kịp cầm tay tôi lắc lắc:
- Chắc họ đưa chú đi trại trung ương. Thôi, chú đi khỏe nhé!
Tôi chỉ mỉm cười chào lại nó, không nói một lời. Lúc này tôi mới thấy buồn heo hút. Nhìn đàn trẻ ríu rít như đàn sẻ tranh nhau ăn, lòng tôi nặng chĩu bời bời. Biết thân mình trôi dạt về đâu? Nhìn đôi tay chắp lại trong khoen cùm, đến những đàn trẻ đang xếp hàng đôi đi vào cổng trại cho một tên công an đang cầm cái bút và quyển sổ điểm số. Qua chiếc cổng trại bằng tre nứa ghép lại thành một cái khung có chòi gác, tôi nhìn lướt vào phía trong. Có bảy tám dãy nhà tranh dài thượt cứ song song hai cái một. Màu đất của sân, của vách còn ẩm sau trận mưa đêm hãy còn xám xịt. Bao bọc chung quanh trại là hai hàng rào thép gai dựng cao chừng hai mét. Phía ngoài, bên trái trại trong những lùm tre xanh um tùm, có bốn năm cái nhà cũng bằng tranh. Một ngọn cờ máu, sao vàng đang lơ láo ngơ ngác, giẫy dụa trên ngọn một cây luồng dài. Có lẽ đấy là khu của ban giám thị và công an vũ trang coi trại. Nhìn sang phía phải của trại là hai dãy lều xiêu vẹo cột tre, không có vách, trống trơn. Bảy tám con trâu gầy giơ xương. Mắt con nào cũng đầy rỉ, đang nhai rơm do hai đứa nhỏ bốc từ một chiếc xe bò bên ngoài vào.
Một đoàn các cậu loai choai đi hàng dọc, đang từ một con đường hẻm phía sau trại, tiến về phía cổng trại; có một tên công an áo vàng vác súng đi phía sau. Cậu nào cũng è vai gánh hai sọt sắn (củ mì) nặng trĩu, mặt đỏ gay.
Khi đoàn gánh gồng đi ngang qua khu chuồng trâu, một cậu nháy mắt với một cậu đang bốc rơm cho trâu. Cậu gánh sắn, cố lắc gánh đẩy rơi xuống đường một củ sắn bằng bắp tay. Cậu bốc rơm, lợi dụng chờ tên bộ đội phải đi một khúc quành che khuất. Nhanh như một con sóc, xông ra nhặt ngay củ sắn nhét vào cạp quần bên trong tà áo. Nhưng không kịp nữa rồi, tên bộ đội cũng vừa thò mặt ra khỏi chỗ khuất đã nhìn thấy. Y hộc tốc chạy lại quát:
- Mày vừa ra ăn cắp sắn phải không?
Cậu ôm rơm, chừng mười lăm hay mười sáu tuổi, hai cẳng chân đen đũi, khẳng khiu như hai ống nứa ngâm. Mặt tái mét, hai tay chắp vào nhau vặn vẹo lúng túng:
- Thưa chú, cháu không dám! Cháu chỉ ra…
”Bốp” một cái báng súng CKC quật ngang vào hông đã chặn mất câu nói của cậu bé. Cậu ngã đổ vật ra bờ cỏ. Củ sắn từ trong bụng lăn lông lốc ra ngoài. Tên công an định tiến đến đánh nữa, trong khi cậu bé đang cong lưng lên, mồm méo xệch, mặt nhăn như chiếc giẻ. Nhưng không biết y nghĩ thế nào, y chỉ cúi xuống nhặt củ sắn rồi đi theo đoàn tù gánh gồng đang đặt những gánh sắn trước cổng trại chờ điểm số. Trước khi đi, tên công an còn quay lại dứ dứ khẩu súng vào cậu bé đang nằm vặn vẹo.
- Ta tha cho, lần sau đưa vào trại lập biên bản kỷ luật!
Một lúc sau, cậu bé mới lào cào bò dậy. Hai tay ôm bên hông ngắc ngoẻo mà còn ngoái bộ mặt nhăn nhúm lại những gánh sắn đầy ắp xa xa phía cổng trại, như luyến tiếc. Chân cậu chậm chạp đi dần về phía chuồng trâu, khác hẳn với dáng điệu khi ra vồ củ sắn.
Ngồi một mình trên xe cùng với tên công an, tôi ngẩn ngơ theo dõi cảnh đó bầy ra trước mắt. Một tiếng thở dài không chủ định xì xì dần ra như muốn đẩy bớt nỗi tủi nhục đắng cay của những cảnh đời trâu ngựa. Tôi liếc mắt nhìn tên công an đang dựa lưng vào thành xe. Tay y hờ hững cầm khẩu CKC dựng trước mặt; mắt hướng về mấy ngọn tre đang lắc lư với gió bên hông trại.
Giòng suy tư của tôi vẫn cứ chìm nổi miên man, cho tới lúc nhìn thấy một anh chừng ba mươi tuổi, mặc chiếc áo bông rách đã vá chằng vá đụp. Anh ôm một bọc quần áo cũ với hai nắm cơm trèo lên xe. Anh chìa bàn tay sần sùi đưa cho tôi một nắm cơm bọc trong một miếng lá chuối:
- Phần anh đấy, tôi cũng đi trại đây!
Hai tay tôi giơ ra đỡ nắm cơm; chưa kịp nói, hỏi gì thì đã nghe tên Nhượng ở dưới xe đã nghiêm giọng nói với anh:
- Chiếu cố anh là thành phần tự giác tiến bộ, tôi không khóa tay. Nhưng nếu trên đường đi anh lộn xộn tôi sẽ xử lý ngay!
Anh mới lên, mặt tươi hẳn ra, có vẻ xum xoe:
- Thưa cán bộ, cháu đã được ban giám thị cho làm tự giác ở trại này một năm rồi. Án cháu chỉ còn một năm nữa thôi, cháu chả dại đâu!
Nói rồi anh ta ngồi vào một góc thùng xe, bẻ nắm cơm ăn với vẻ hí hửng ra mặt. Thấy thái độ của anh ta như vậy, tôi trở nên rất lạnh lùng như một người câm không biết nói trên suốt đường đi. Xe lại chuyển bánh rẽ ra phía đường cái.
Lúc này mới quá trưa thế mà trời đã sầm lại. Phía Đông Bắc xám xịt, từng cuộn mây đen đang túa về trùm lấp cả bầu trời. Một đàn cò trắng từ những triền đồi trọc phía ấy đang vội vàng theo gió bay về chân trời phương Nam xa xa. Vài nếp nhà tranh chìm lần vào những lùm cây xanh hai bên đường.
Mưa lại bắt đầu nhì nhẹt rả rích của buổi cuối Đông. Từng làn gió bấc đẩy những luồng lạnh cắt da vào xe. Không gian mờ mịt tím ngắt như cõi lòng tôi lúc này. Lạnh run, tôi muốn lấy cái màn từ trong bọc ra quấn vào người cho đỡ rét, nhưng hai tay tôi loay hoay mãi mà không mở được mấy nút buộc của chiếc tay nải. Chỉ vì tôi không ưa anh ngồi cùng xe, nên nhất định thà chịu lạnh chứ không nhờ. Hình như anh ta cũng thấy nét lạnh lùng của tôi, nên anh ta ngồi quay mặt về phía đầu xe, dựa đầu vào thành xe nhắm mắt.
Bụng đói cật rét, người tôi lạnh run lên. Dù hai tay bị khóa chặt tôi vẫn cố gắng gặm dần nắm cơm hẩm với muối rang mà anh tù tự giác vừa đưa cho tôi lúc nãy. Xe đã chạy được gần một tiếng. Có lẽ bây giờ cũng phải gần hai giờ chiều. Tôi đang nhắm mắt, người vẫn dập dờn rung rinh theo chiếc xe đang lầm lủi trên con đường dài thì những tiếng trống thùng thùng. Rồi tiếng loa gào ré lên: “Nỗ lực, tích cực, tất cả cho vụ mùa Đông Xuân”. Tôi mở choàng mắt ra thì hai bên đường đã là những cánh đồng lúa. Chung quanh xa xa đã có nhiều những dãy núi cao dựng đứng, mây đen phủ kín ngọn. Một cánh đồng trải dài tới chân núi, đây đó đã có nhiều chỗ lúa chín vàng. Hương nồng, ngào ngạt, của lúa chín, lùa vào đầp ắp trong xe.
Qua làn mưa giăng mờ mịt, ở ngay chéo bên một con đường làng ăn ra đường cái, một đoàn đến hai mươi người, đa số là đàn bà con gái. Người thì khoác áo tơi lá, người thì khoác miếng nylon đang cúi gò lưng, bì bõm gặt lúa. Trên bờ cắm mấy lá cờ đỏ đang rũ rượi vì ướt. Hai băng khẩu hiệu trắng chữ đỏ cắm ngay trên đường làng:
“Không bỏ trời mưa, không chừa trời nắng”
“Không xa mặt trời, không rời mặt trăng”
Một anh cũng khoác chiếc ni-lông, đội mũ cối, cầm chiếc loa đi trên bờ đang hò hét. Xe đã chạy xa rồi, tôi chỉ còn trông thấy chiếc loa khua lên, khua xuống nhưng không nghe thấy lời. Nhìn cảnh người nông dân cặm cụi làm việc trong cái lạnh cắt da, tôi chợt nhớ đến một bài học thuộc lòng khi tôi lên mười, hay mười một tuổi, học tiểu học dưới chế độ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” ở quê tôi:
“Hôm qua, hôm nay, lại ngày mai.
Người dân quê còng lưng cho khó nhọc.
Từ ngàn năm đè chĩu lấy hai vai.
Họ làm việc, làm việc và làm việc.
Từ tinh sương dậy trước cả đàn gà.
Đêm tối mù giá lạnh sương sa”.
Bài học thuộc lòng này, những người cộng sản đã khêu gợi, nêu lên những nỗi đắng cay, lầm than, tủi nhục của người nông dân dưới sự thống trị tàn bạo của thực dân phong kiến. Tuy hai thời đại, nhưng vẫn cùng một cảnh đời. Có hơi khác. Cũng vẫn gò lưng bì bõm đất trong mưa phùn gió bấc. Nhưng bây giờ có trống, có loa và có cả khẩu hiệu. Còn một điểm khác nữa do công lao của người cộng sản: ngày xưa người nông dân gặt lúa xong phải đưa về nhà. Còn bây giờ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, lương tâm của loài người thì người nông dân gặt xong được gánh lúa đó lên nhập kho của nhân dân.
Mải đắm chìm trong mớ bòng bong thế sự ngược xuôi, chiếc xe ngưng lại lúc nào tôi không hay. Cho đến lúc thấy tên công an vũ trang nhẩy xuống đường rồi quay lại xẳng giọng:
- Đi xuống!
Tôi hơi bàng hoàng, vội vàng kéo bọc quần áo về cuối thùng xe. Loay hoay mãi tôi mới xuống đất được. Trời vẫn sụt sùi mưa bay nhè nhẹ. Một con đường đất chênh vênh ngoằn ngoèo chia hai ba ngã. Nẻo nào cũng khuất hút vào những triền đồi bạt ngàn là sắn và khoai lang. Ngay phía trái trên một bãi bằng rộng là một bức tường thành xây bằng đá hộc cao 4-5 mét. Bên trên tường chăng nhiều đợt dây thép gai, nhiều chỗ đã ngã xiêu vẹo. Dưới chân, lau, cỏ đã mọc có chỗ đến lưng bức tường. Ngay mặt đường, cách khoảng 300 mét phía đầu xe là một chiếc cổng to xây kiên cố. Hai cánh cổng không còn nữa. Bên mép tường chỉ còn lại những chiếc bản lề to tướng đã cáu rỉ.
Bên trên cổng là một căn nhà lầu có nhiều phòng quét vôi vàng đã loang lổ. Nhìn chéo vào bên trong cổng, không còn một căn nhà nào.
Rải rác đây đó là những đống gạch vữa trên những nền nhà cao thấp, cỏ dại mọc um tùm. Chứng tỏ chỗ này đã bỏ hoang phế hàng năm. Dù tôi chưa có ý niệm một trại tù tuy chưa biết vì sao lại bỏ hoang.
Tên Nhượng sau khi đã dặn dò người tài xế, y quay lại tôi và anh tù hình sự (dọc đường tôi đã biết, khi nghe anh ta nói chuyện với tên công an vũ trang). Tay y chỉ con đường dốc phía bên phải:
- Đi theo con đường kia!
Đến lúc này tôi buồn đi tiểu quá rồi nên tôi nói thẳng với y. Thật là buồn cười. Gần một ngày trời ngồi chết dí ở trên xe thế mà y còn nhìn tôi với ánh mắt vừa nghi ngờ vừa khó chịu. Cuối cùng, y quay lại tên vũ trang:
- Đồng chí đưa anh ta đi tiểu!
Chỉ là một bụi cây dại ngay gần cạnh mé đường, thế mà tên công an cũng phải cầm súng đi sát ngay phía đàng sau. Thật là khó khăn lúng túng chỉ vì hai tay chặt cứng trong khoen cùm. Tuy đau mỏi rã rời, tôi cũng phải mỉm cười: đi tiểu cũng có kẻ cắp súng theo hầu. Hai tên công an to khỏe lực lưỡng, một tên súng dài, một tên súng ngắn mà vẫn phải nể sợ một thằng tù gầy ốm khỏng khoeo. Chúng không dám mở khóa tay cho tôi. Cũng vì vậy, trên đường đi tôi thật vất vả với bọc quần áo.
Đường dốc, ướt át trơn như xoa mỡ. Từng luồng gió lạnh như kim châm vào da thịt. Cảnh núi rừng hoang vắng trong mưa. Tấm thân gầy gập ghềnh bước cao, bước thấp ngã nghiêng. Đường lầy lội có hai tay làm thăng bằng thì dễ đi. Hai tay đã chắp lại, rồi phải xách gói đồ nên khi đến một đoạn chênh vênh ngang lưng đồi, tôi bị trượt chân ngã nằm ngửa chơ hơ. Bọc quần áo tung mải vào vườn sắn bên cạnh đường. Quần áo tay chân đầy bùn đất, tôi phải cố gắng nhiều mới đứng dậy nổi.
Chắc hai tên công an cũng đã thấy nỗi cực nhọc, khó khăn của tôi. Phần khác, chúng thấy tôi đi thật chậm chạp, tên Nhượng chỉ tay lớn tiếng với tên hình sự:
- Anh hãy ôm bọc quần áo cho anh ta!
Tôi ngạc nhiên, vì thấy mặt anh tù hình sự tỏ ra rất tươi, lăng xăng đến ôm gói đồ của tôi. Chỉ một lúc sau tôi đã hiểu: Anh ôm gói đồ chẳng phải vì muốn giúp tôi mà là anh thích thú được làm theo lệnh của tên công an.
Con đường đi dần vào một rừng nứa rậm um tùm. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nứa rừng, rậm rạp với những ngọn cao lêu nghêu đầy lá, đang vật vờ ngã nghiêng theo từng cơn gió. Những cành lá rũ rượi lao xao, xào xạc như tiếng rền rĩ than van triền miên của núi ngàn cô tịch. Vài tiếng chim hú lên, mãi trong rừng sâu càng làm cho lòng tôi thêm lạnh. Những hạt mưa bay dồn cuốn vào nhau từng đợt phả vào mặt người như xát muối. Đôi tay lạnh cóng trong khoen cùm cứ phải giơ ra ngoài mưa gió.
Xa xa chéo phía dưới chân đồi trước mặt, một lá cờ đỏ ối đang vật vờ giẫy giụa, giữa cái nền xanh đen bạt ngàn của núi rừng. Đây đó khuất nẻo trong những lùm cây, mấy dãy nhà tranh thấp thoáng nằm rải rác chung quanh chiếc cột cờ mầu trắng.
Tôi cứ lần mò lê bước trên con đường mòn gồ ghề chênh vênh ướt át. Khi đến một lối rẽ xuống một triền đồi trọc, một đoàn tù hơn 30 người đang đánh luống trồng khoai lang ngay cạnh đường đi.
Tôi bàng hoàng bâng khuâng dõi mắt nhìn. Họ còn quá trẻ, chỉ từ 18 đến 25 là cùng. Quần áo đủ kiểu lam lũ rách vá tả tơi, không đủ che kín những tấm thân gầy khẳng khiu co ro, run rẩy trong mưa phùn gió bấc. Người cuốc, người xẻng, cứ hai người một luống đất dài. Ở một góc xa, trong chiếc lều con ọp ẹp che bằng mấy tấm phên nứa, một tên công an áo vàng đang ngồi chỉ trỏ gì đó với một anh tù đang đứng khóm róm cạnh lều. Ngay trên đường, một tên công an vũ trang trùm kín cả người và súng bằng một chiếc áo tơi nhựa mầu xanh bộ đội. Y đang đi đi lại lại coi đoàn tù lao động.
Khi còn ở Hỏa Lò, tôi đã được nghe nói nhiều về những người tù phải đi lao động ở các trại giam trung ương. Nhất là khi tôi được biết, rồi tôi sẽ phải đi tù ở những nơi đó. Tuy vậy, tôi vẫn chưa thể hình dung đầy đủ được những cảnh đời tù tội nơi núi rừng biên cương hẻo lánh. Lúc tôi đi ngang qua, nhiều người dừng cuốc đưa những đôi mắt trắng xám trân trân nhìn theo.
- Tù mới chúng mày ơi!
- Cán bộ thì phải!
Những âm thanh cụt ngủn, dội lên rồi tắt ngủm trong mưa Đông. Họ sẽ nghĩ gì khi thấy súng dài, súng ngắn áp giải một người bị khóa chặt đôi tay; lại còn có một người ôm bọc quần áo theo hầu nữa.
Tên Nhượng, mắt vẫn hướng về khu có lá cờ. Lạnh lùng, hắn không hề một lời chào hỏi tôi với người đồng chí của hắn ở bên đường.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen