Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 80: Phim “Thần Thoại”: Một Thủ Đoạn Của Cộng Sản!…
áng hôm nay, trời không mưa nhưng rét thật ngọt. Cứ vào giờ bắt đầu làm việc (8 giờ), sân trại lại nhộn nhịp tấp nập đầy người. Quen lệ, khi ra tới chỗ bể rửa mặt, tôi vừa rửa vừa đưa mắt về phía cửa buồng số 8, buồng giam những tội phạm chính trị “nặng ký”.
Sự để ý chờ đợi của tôi, chẳng phải vì buồng ấy có nhiều người tội nặng (tôi có biết tội lỗi của họ ra làm sao đâu). Sự chú ý của tôi chính là, bao giờ cũng vậy, khi buồng ấy xếp hàng đợi đi ra cho cán bộ điểm, ở hàng cuối cùng, một hình ảnh quen thuộc luôn luôn lôi cuốn tâm trí tôi: một anh, chừng 30, 35 tuổi với chân phải cụt đến sát háng và tay phải, từ vai, chỉ nhô ra một đoạn chừng mười phân, nghĩa là cũng cụt từ phía trên khuỷu tay. Vì chân và tay đều cụt về một phía, cho nên đầu nạng chống vào nách của anh, phía bên tay cụt, phải có một cái quai bằng dây vải, đeo và buộc vào vai anh. Chỗ ngang bụng lại có một sợi dây nữa, quàng ra buộc chiếc nạng để giữ cho ép sát vào người. Cổ anh đeo một cái túi vải lủng lẳng trước ngực, trong có hai cái bát bằng hai nửa chiếc gáo dừa to và một ống “ghi-gô” nhôm. Thành ra, trông người anh quấn đầy dây nhợ. Chỉ có tay trái anh, trông thật rắn chắc, chống và điều khiển chiếc nạng một cách lẹ làng, nhuần nhuyễn. Dù vậy, dáng bước đi của anh cứ phải lệch về một bên. Mỗi một bước đi, gân cổ và gân trên bàn tay trái của anh nổi phồng lên như những con giun đất. Đặc biệt, da mặt và da tay của anh trắng trẻo, hồng hào. Có lẽ, cũng một suất cơm như vậy, chỉ phải nuôi có một nửa cơ thể. Anh có đôi mắt thật sắc, long lanh khác thường. Nét mặt lạnh lùng, tôi chưa bao giờ thấy anh cười. Tôi chẳng hiểu vì sao anh tàn tật như vậy, và anh đã gây lên tội gì để bây giờ phải vào tù?
Nếu chỉ có vậy, sự việc tôi bị lôi cuốn cũng chỉ ở chừng mực nào đó thôi. Ở đây, ngoài những dây nhợ buộc khắp người anh, còn một cái dây thừng nữa buộc vào vai trái anh, thòng ra phía sau buộc vào cổ tay trái của một anh khác, khoảng 40 tuổi, rất cao mà lại gầy, nên trông càng lênh khênh. Đôi mắt anh phía sau này, chắc đã lòa từ lâu, vì chúng thụt sâu vào thành hai lỗ đen ngòm, lờ mờ mấy đùm dĩ trắng đục. Tay phải của anh lòa cầm một chiếc gáo dừa, tay trái anh chống một chiếc gậy nhỏ, hai chân anh lần bước theo chiếc gậy, chiếc gậy lại theo hướng của sợi dây do anh cụt phía trước dẫn. Điều làm tôi thắc mắc là anh mù hầu như lúc nào cũng ngửa mặt “nhìn” lên trời. Nhiều lúc; tôi cứ tưởng anh nhìn cái gì cây bàng, hay đang theo dõi những tảng mây lững lờ trôi trên nền trời xanh xám, của mùa Đông.
Một điều nữa làm tôi thắc mắc không ít là, ngay chung quanh, kể cả trẻ con, người lớn trong buồng tôi, chả một ai quan tâm, để ý nhìn anh mù và anh què đó cả. Đã từ hàng nửa tháng nay rồi, tôi không chịu được nữa. Đến bên Phúc “Thồ”, tôi hướng về chỗ hai anh đang giúp nhau lúi húi rửa ráy ở mé bể nước phía bên kia, hỏi:
- Này, hai anh kia mù với què, còn làm gì nên tội mà bị bắt, cậu có biết không?
Phúc “Thổ” quay lại, nhìn tôi đăm đăm, với một chút rung rung ở đuôi mắt, như ngạc nhiên cho câu hỏi ngây thơ của tôi:
- Họ vẫn gây tội tốt ấy chứ anh! Lên trại trung ương, anh sẽ còn gặp khối người mù, người què.
Tôi nói, giọng đầy thắc mắc:
- Mù với què còn nhìn thấy gì, còn đi đâu được, mà gây nên tội?
- Anh mù, cũng như anh què, anh quên họ còn cái…mồm nữa là chi! Tội ở cái mồm ra đấy, anh ạ. Sau này, đi trại, tìm hiểu kỹ, anh sẽ thấy hầu hết bao nhiêu tội, bao nhiêu người bị bắt đều do cái miệng cả. Tụi Cộng Sản ghép chung cho cái tội là “phản tuyên truyền” đó mà.
- Sao không đưa họ đi trại, còn để họ ở đây?
- Em cũng không biết nữa. Anh mù kia kìa, trước đây ở buồng 11, nhưng chẳng có ai chịu dẫn cũng như lấy cơm cho. Sau, không hiểu sao, lại đưa sang số 8 với anh què này.
Cả buồng tôi đã trở vào rồi, một mình tôi ngồi ở cửa buồng, mắt vẫn nhìn về phía buồng số 8, anh mù và anh què đang dắt díu nhau lò dò, chậm chạp vào buồng. Chẳng biết các anh đang nghĩ gì, các anh cảm thấy cuộc đời ra sao, có bao giờ các anh buồn không? Các anh đã vào trong buồng rồi, mà hồn tôi vẫn còn bồng bềnh thương cảm, cho những kiếp người đầu thai nhầm…không gian.
Tôi vẫn ngồi đấy, vẫn mở to mắt nhìn ra sân; nhưng, hồn tôi đã cuốn chặt vào nỗi đầy vơi của kiếp người, nên chỉ nhìn loáng thoáng, lố nhố những hình người di động, chẳng còn trông rõ được ai. Tôi lơ mơ thấy như từ phía cổng phòng trực, có mấy người mang những cái gì trông giống như những cái sào tre thật dài. Ngạc nhiên, tôi lấy lại thị giác, định thần nhìn kỹ, thì ra thật dài. Ngạc nhiên, tôi lấy lại thị giác, định thần nhìn kỹ, thì ra thật vậy. Ba anh tù “trại thợ”, kẻ ôm những cái sào tre, người ôm những dây nhợ và một miếng vải trắng to?…
- Tối nay lại có chiếu bóng rồi!
Tiếng Thọ “Lột” ồm ồm phía sau lưng đã trả lời cho câu hỏi còn đang băn khoăn trong đầu tôi. Rồi, trong buồng ồn ào, nhao nhao lên như buổi “mít tinh” đến giờ giải tán. Thọ “Lột” chạy sang bàn một tên cán bộ ở trước cửa buồng 10 một lúc, trở về; thế là cả buồng đã biết tin, tối nay chiếu phim: “Nàng Công Chúa Tóc Vàng” của Tiệp Khắc. Tôi quay sang hỏi Thọ “Lột”:
- Thường thường bao lâu mới chiếu phim một lần, hở cậu?
- Cũng tùy, anh ạ. Nhưng thông thường thì hai tháng một lần.
- Thế lần trước, chiếu phim gì?
- “Lút Mi Na với tên Phù Thủy Râu Xanh”.
Tôi nhớ lại khoảng thời gian gần một tháng trời lang thang trên hè phố Hà Nội trước khi bị bắt, chợt thoáng thấy hiện lên trong đầu một vấn đề khác thường. Tôi hỏi Thọ “Lột”:
- Này, tại sao miền Bắc xã hội chủ nghĩa hay chiếu phim thần thoại thế? Cậu có biết nguyên nhân vì sao không?
Mắt cậu ta mở to như lần đầu, mới được nghe ý tưởng lạ lùng này:
- Anh hỏi, em mới chợt thấy. Hầu như các phim nhập cảng từ các nước xã hội chủ nghĩa đa số đều là phim thần thoại! Em cũng chưa hiểu vì sao cả.
- Cậu có thấy chủ nghĩa Cộng Sản chủ trương “duy vật” nghĩa là, không những họ không tin chuyện thần thoại, mê tín; mà còn chống đối, bài trừ nữa không? Thế mà, ngược lại, phim ảnh lại đầy dẫy những phim hoang đường loại đó! Cậu biết vì sao lại có sự mâu thuẫn đó không?
Cả ông Khánh và Phúc “Thổ” cũng chạy ra ngồi nghe, thành ra cả ba người đều đờ đẫn cả mặt. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ gặp một người đặt ra câu hỏi này; mặc dù, sự việc từ lâu vẫn bầy ra trước mắt, nhưng mọi người vô tình, không để ý. Ông Khánh nói vẻ sốt sắng:
- Chính điều này, ngay khi còn ở ngoài, đã có lần tôi thấy hơi lạ; nhưng tôi chỉ cho là dân chúng thích xem phim thần thoại, nên họ hay quay, thế thôi!
- Như vậy, bác lại quên một điều: dưới chế độ Cộng Sản, văn nghệ phải được chỉ đạo! Văn nghệ “Cộng Sản” phải hướng con người chỉ nhìn và đi về một phía nhất định, do bọn đầu não đưa ra; và; không bao giờ văn chương, kịch nghệ, phim ảnh, v.v…được dùng để chiều theo thị hiếu, hay ý thích của quần chúng cả. Cứ đặt vấn đề như vậy, rồi xóa bỏ những mâu thuẫn đối lập; cuối cùng sẽ thấy được rõ câu trả lời. Tôi tin là, khi chưa đặt vấn đề thì không nói, chứ đã đặt ra, rồi bác và hai cậu sẽ trả lời được thỏa đáng thôi!…
Chiều nay, tụi trẻ trong buồng xốn xang, vui vẻ hẳn lên với những háo hức, chuẩn bị chốc nữa sẽ được xem chớp bóng. Chính ngay những người lớn, trong đó có tôi, khi thấy trời chuyển gió mạnh, cũng phập phồng sợ trời mưa, khiến buổi chiếu phim sẽ bị ngưng lại. Riêng với tôi, đã 6 năm, ngày đêm chỉ trông thấy 4 bức tường xà lim, nên bây giờ cũng muốn “cải thiện” con mắt một tí.
Gió thổi nhanh một hồi, rồi dịu lại, tuôn dài chất ngọt vào cái lạnh đêm Đông hanh. Chờ mãi rồi cũng đến giờ ra sân trại. Bảy giờ 30 phút. Buồng nào, do cán bộ buồng ấy chịu trách nhiệm điểm số, dẫn ra đến chỗ quy định của mỗi buồng.
Tối nay, sân trại được “tăng cường” thêm mấy bóng điện 60 watts nữa mỗi góc; nhưng cũng không đủ sáng cả sân. Bóng tối vẫn chiếm nhiều hơn ánh sáng. Quá mười mét là chả con nhìn rõ mặt người.
“Xem hát ngồi xa. Xi nê ma ngồi gần”, đó là hai nơi dành cho khách ít tiền, hoặc thấp cổ, bé vai, ở đâu cũng vậy. Cho nên, trật tự, buồng trưởng…được ngồi gần phía các hàng ghế cán bộ, nghĩa là mãi phía cuối, xa màn ảnh. (Tất nhiên, tù cũng có ghế là…nền sân trại).
Một đoàn cán bộ lục tục kéo vào. Ngoài mấy mụ Thơ, Hoa, cũng có vài người đàn bà nữa, chắc là vợ con của cán bộ. Tiếng the thé, ỏn ẻn của mấy mụ cũng lôi cuốn biết bao cái đầu, chìm sâu trong bóng tôi, đều nghiêng dần theo vài mái tóc dài, mãi cho đến khi họ tới chỗ những hàng ghế phía sau mới thôi.
Trong cái mờ tỏ, sáng tối ấy, bỗng thoáng một bóng hình làm trái tim tôi nhảy nhịp không đều. Cô Vân đang đi sau tên Lê, Thượng Úy. Hôm nay, cô Vân mặc chiếc áo bông màu hoa cà điểm những chiếc hoa trắng to tướng, lấp loáng từng mảnh trong ánh sáng đèn. Tôi biết rằng, sân trại với hàng ngàn người và ánh sáng lại mờ tối như thế này, chả bao giờ cô nhìn thấy tôi đâu. Phần tôi, cũng đã từ hàng tuần lễ nay chẳng còn gặp cô nữa. Từ buổi tối tôi đột ngột bỏ vào buồng cho tới hôm nay, cô cũng không vào cho thuốc nữa. Thôi, cái gì đã qua rồi, cho qua luôn. Tôi chẳng cần biết cô ngồi chỗ nào phía sau lưng. Tôi vẫn để mắt lên vuông vải trắng dùng làm màn ảnh, treo chơ vơ giữa cây bàng, đang lắc lư, đung đưa với gió.
Tám giờ, một số ngọn đèn được tắt đi cho đỡ sáng và phim bắt đầu chiếu. Phim thời sự, chiếu một cảnh trên đường phố Mỹ với dân chúng biểu tình, phản đối quân Mỹ vào chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Dần dần, cảnh phim đưa về Sài Gòn. Cảnh lính Mỹ, lính Triều Tiên ngồi trên xe “cam nhông”, mỗi anh một chai rượu ngất ngưỡng, đang buộc dây kéo lê hai em bé Việt Nam ở dưới đường, với những giọng cười hô hố, khi thấy máu chảy khắp người và tay chân các em.
Cảnh đường phố Sài Gòn làm cho tình thương, nỗi nhớ chất chồng từ bao lâu nay trong lòng tôi sôi sục, dâng lên như thác lũ. Ôi cảnh cũ thân thương của Thành Đô. Tôi chưa cần biết nội dung của cảnh phim, tâm hồn tôi đang tràn ngập với dáng cũ hình xưa, với bao nỗi niềm thương nhớ, nhớ thương tràn đầy. Từng cảnh đời xa xưa ấy thoáng ẩn, thoáng hiện trong óc tôi. Một cuốn phim đang quay trước mắt, và một cuốn phim nữa cũng đang chiếu trong lòng tôi. Lúc này, cuốn phim trong lòng đã lấn át cuốn phim trước mặt. Mãi tới khi những tiếng hò, gầm thét:”…dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi!…” Cứ lặp đi lặp lại của cảnh phim trước mắt, đã làm cảnh phim trong lòng tôi tắt phụt lúc nào không hay. À, thì ra đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Từng đoàn, từng đoàn xe Honda 5, 6 chiếc một, dàn hàng ngang đang chạy chầm chậm từ phía đường Đồng Khánh, Chợ Lớn, tiến về Sài Gòn, trong một cuộc biểu tình của sinh viên học sinh, với những biểu ngữ phản đối chính phủ Thiệu vi phạm nhân quyền, dân chủ…Những người ngồi trên xe Honda, toàn là thanh niên trẻ tuổi, nam có, nữ có. Các cậu thanh niên đeo kính trắng, dáng dấp thư sinh hào hoa này; các cô thiếu nữ vẻ đài các trâm anh kia, tất cả, với những bầu máu nóng hổi của tuổi trẻ đang… hò hét tưởng đến vỡ đường phố:”dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi!?…
Nhìn cảnh phim, trong thâm tâm tôi hiểu rằng, nếu sau này Việt Cộng chiếm được miền Nam, khẩu hiệu các cậu, các cô sinh viên học sinh đang hô hào kia mới có túc từ, nghĩa là mới đủ nghĩa. Hiện nay, mới chỉ là gọi, giục đồng bào dậy mà đi; nhưng chưa biết… đi đâu, và đi đến đó để…làm gì? Vì là chuyện của ngày mai nên tôi chỉ giả thiết, không dám khẳng định; nhưng với cảnh sống của người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc hiện nay, tôi có thể nghĩ tương tự như thế này:
- Dậy mà đi…về miền quê làm ruộng.
- Dậy mà đi…vào nhà tù Cộng Sản nằm dài.
- Dậy mà đi…về những nông trường, nhà máy lao động đến kiệt tàn sức khỏe.
- Dậy mà đi…làm thủy lợi, dân công.
- Dậy mà đi…còn cái gì đem đi bán, để mua tí gạo mà ăn, chứ nằm đấy thì sẽ chết đói đấy…
- …Hỡi đồng bào ơi!…
Đó, chỉ khi nào Việt Cộng chiếm được miền Nam, khẩu hiệu đó mới có túc từ, chủ từ với cả những câu tương tự vừa nêu trên.
Tôi dám chắc mấy trăm người hào hoa phong nhã, mắt biếc môi hồng đang hò hét biểu tình kia không hề biết một ký gạo giá bao nhiêu tiền. Vì sao vậy? Chỉ vì thường ngày họ không phải nghĩ, làm sao kiếm được gạo để nấu cơm ăn đây. Trong khi những người cùng tuổi với họ đang ở miền Bắc này, suốt ngày đêm chỉ tính toán làm sao kiếm được gạo, cho đầy cái dạ dầy luôn luôn lép kẹp. Cả mấy trăm người đang phởn phơ biểu tình này, cũng đều không bao giờ biết được rằng: nếu không có những chiến sĩ đang đổ máu nơi chiến trường; và những người như chúng tôi đã bỏ phí cả tuổi thanh xuân, (mà lẽ ra cũng đang phây phây như các bạn bây giờ), hoặc đã về với đất mẹ, để chỉ còn lại những bộ xương khô. Hay còn biết bao người đang lầm than rên xiết với bao tủi nhục, uất hận trong tay kẻ thù; thì làm sao các bạn còn cảnh đài các trâm anh đó, để cắp sách đến trường, để tốt nghiệp thành ông này, bà nọ?…Không, 1000 người thì cả 1000 người, không có một ai nghĩ đến điều đó đâu.
Xét cho cùng, lỗi này không phải hoàn toàn do họ, mà do lũ sâu dân mọt nước lãnh đạo chế độ miền Nam. Ngay chỗ ngồi đang bình yên, chễm chệ trên đầu cổ mọi người của lũ này, cũng do bao nhiêu người đã phải đổ xương máu nơi chiến địa mới có, thế mà chúng còn chả bao giờ nghĩ tới vì đâu và vì sao chúng được ngồi như vậy, nữa là những người thanh niên trẻ tuổi kia.
Chúng tôi đang chết dần, chết mòn cho hạnh phúc của những thanh niên tuổi trẻ này đấy; thế mà giờ đây, họ đang đạp lên chúng tôi để hoan hô, ủng hộ, mời gọi, đón rước kẻ thù. Càng nhìn cảnh phim, trái tim tôi càng rỉ máu nhiều hơn. Tôi gục đầu xuống, đang lịm đi dần vào niềm tủi hận, chợt một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi:
- Anh ơi! Sao họ sướng thế, họ lại ngốc như vậy, hở anh! Họ đang đòi sống cảnh sống của chúng em như thế này, họ mời bằng lòng chăng?
Tiếng nói của Phúc “Thồ” như những cái kim châm thêm vào trái tim đang chảy máu của tôi. Tôi trả lời trong sượng sùng, héo hắt:
- Họ ngốc và có lỗi ư? Nhưng, những người ngốc và có lỗi nhất chính là những người lãnh đạo của chế độ miền Nam, cậu ạ!
Rồi óc tôi cứ chảy dài mãi vào cánh đồng tư tưởng mênh mông, đến nỗi đã vào phim lúc nào, tôi cũng không hay…
Cảnh phim đến đoạn nàng công chúa ngồi một mình trong đêm, bên cửa sổ và đang gửi hồn về nơi phương trời xa thẳm, nơi có người trai tuấn kiệt đã hơn
một lần làm tâm hồn nàng xao xuyến; thì ngay phía sau nàng, một con yêu cao lêu nghêu, với đôi mắt lồi như hai con ốc bưu, đỏ lòm, lấp ló trong mớ tóc bùm xum xõa phủ gần kín mặt, đang giơ đôi tay khẳng khiu với những chiếc móng nhọn hoắt, chậm chạp tiến đến gần nàng. Nhưng, nàng đâu có hay, đôi mắt mơ màng vẫn đắm chìm vào giấc mộng ngày hoa.
Bỗng, một tiếng rú ùng ục, nấc nghẹn, rồi mãi mới rống lên một hồi dài ngoáy sâu vào màn đêm, như tiếng con trâu đực bị chọc tiết rống lên chết dần vì hết máu.
Điện tắt phụt. Tối như đêm ba mươi. Xòe bàn tay trước mặt không nhìn thấy. Những tiếng ồn ào, những tiếng quát tháo, những tiếng còi lẫn với tiếng súng rền vang khắp mọi nơi. Người ta không sợ bom rơi, súng bắn từ máy bay Mỹ vào Hỏa Lò, bằng sợ mảnh đạn, do đạn ở dưới đất bắn lên nổ ở trên không, rơi như mưa rào ở trên trời cao lao xuống. Chẳng ai bảo được ai lúc này. Mạnh ai ấy chạy giạt vào các hàng hiên của các mái buồng chung quanh. Trong sân trại, có một số lỗ hầm trú ẩn dành cho cán bộ; nhưng bây giờ, giữa cái chết và cái sống, ai bảo đảm chỗ nào là của riêng cán bộ nữa?
Nếu tôi muốn chạy vào chỗ nấp, tôi phải là một trong những người đầu đến đích. Nhưng, chẳng hiểu sao, tôi vẫn rề rà chậm chạp. Có lẽ, tôi đã nhớ lại những đêm còn ở xà lim I, phải đứng mãi thấy được một góc, hay một mảnh con bầu trời Hà Nội. Lúc này, ở giữa sân trại, dù còn vướng vít mấy cây bàng và những nóc nhà; nhưng, cả một bầu trời đêm rộng mở trước mắt, tôi cứ lưỡng lự trước chạy đi nấp, hay ngồi lại đây.
Đột nhiên, một bàn tay ai đó nắm chặt lấy tay tôi. Tôi đang ngạc nhiên, mở to mắt để cố phân định, thì tôi đã ngửi thấy mùi ngầy ngậy ngọt lịm quen rồi ngày xưa ấy; và đồng thời, cũng là lúc tay tôi phản xạ tự nhiên nắm lấy bàn tay kia, Bàn tay lạ thật, mềm như có lót tơ. Tim tôi bóp nhẹ lại vì bất ngờ! Trong bóng đêm mịt mờ, tự động đôi tay tìm đến đôi tay. Tôi thoáng nghĩ, sao nàng bạo vậy? Làm sao biết tôi ngồi chỗ này? Giữa tiếng bom rơi, đạn nổ và những tiếng máy bay gầm rít như xé bầu trời. Tự nhiên bàn tay cô Vân nóng, rồi run lên! Chẳng hiểu vì cô sợ bom đạn, hay vì niềm xúc động trong lòng?
Lòng tôi xốn xang, đầy vơi hỗn tạp. Một luồng run rẩy nóng lên ở phía hông, rồi vai tôi nằng nặng. Cô Vân đã gục vào tay tôi, vẫn chẳng một lời. Tôi chẳng hiểu cô đang suy nghĩ gì? Tôi cảm thấy trời đất, không gian đều tan biến. Tôi cũng chẳng còn ý niệm về cảnh bom rơi, đạn nổ. Tôi chỉ thấy thích thú ngồi như thế này mãi mãi.
Giữa những tiếng lộp độp, một tiếng “choeng!” vang lên ngay cạnh đâu đây, làm cả hai tấm thân đều giật mình, vội ôm chặt lấy nhau. Vân co rút người lại
như cần sự che chở. Tôi thấy bừng lên niềm hãnh diện, như thể tấm thân tôi đang gồng lên, chống lại những mảnh đạn rơi loảng xoảng ấy. Tôi sung sướng cảm thấy mình vẫn còn khả năng để chở che, để làm chỗ ẩn núp cho…một người.
Bỗng, một tiếng thét như có lưỡi dao cứa họng ai ở một góc sân, kèm theo là một tiếng gọi hớt hãi, giật đùng đùng của tên Lê:
- Vân, Vân đâu?
Tiếng gọi như chọc vào tai mọi người nhiều lần. Như choàng tỉnh một giấc mơ, cô Vân run rẩy, bàng hoàng gở nhẹ tay tôi ra, rồi cô đứng dậy, lủi nhanh về phía tiếng gọi.
Cho đến khi tôi đã đứng nép vào đám đông dưới một mái hiên, tôi vẫn chưa hiểu tại sao, bằng cách nào tôi đã từ giữa sân vào đây nhanh như vậy. Phải chăng, đó là phản xạ tự nhiên của con người để bảo vệ sự sống, sau khi bừng tỉnh một giấc mơ ngày?
Những tiếng lộp độp, choeng choeng vẫn rải rác trên mái nhà, dưới sân, càng lúc càng mau. Bất chợt, một làn chớp xanh lè như làm cho bầu trời đêm rạn nứt ra, rồi một tiếng nổ inh tai, làm rung chuyển cả Hỏa Lò. Một làn hơi mạnh làm bay tốc áo quần, một tiếng gào thê thảm gần phía phải của tôi. Chẳng biết ai bị mảnh bom hay mảnh đạn?
Tôi vẫn say sưa ngửa mặt lên ngắm nhìn bầu trời. Một tiếng rít vèo vèo, roàn roạt như điện giật vụt sát qua Hỏa Lò, làm những cành bàng khẳng khiu trơ trụi lá, rung lên động đất. Chẳng biết tiếng rít của máy bay hay tên lửa? Cả một bầu trời tím thẫm đầy những hoa khói và những làn tuyết rơi ngược đủ màu. Bỗng, từ phía Đông Hà Nội, hai chấm lửa mầu da cam đang chúc đầu bay thẳng xuống Hỏa Lò, càng lúc, càng to dần, cho đến khi trông rõ như hai cái thúng đỏ lừ, chói lòa làm tôi phải nhắm mắt lại. Nhiều bàn tay quờ mạnh vào tay tôi cùng giật sấp xuống, một làn chớp lóa mắt mọi người. Hai tiếng ùng ục làm đất dưới chân rung giật lên như vỡ ra; những viên ngói trên mái rơi rào rào xuống. Vài tiếng thét giật giọng. Một đám cháy ngay sát Hỏa Lò. Trời đang mùa Đông mà tôi cảm thấy nồng nực. Mùi lửa cháy, mùi bom đạn làm không khí dẻo queo lại, thở hít rít rìn rịt.
Hơn một tiếng đồng hồ, còi mới báo yên. Tiếng loa đang ra rả hoan nghênh tinh thần anh dũng chiến đấu của bộ đội, máy bay, tên lửa, phòng không và toàn dân, đã hạ thêm 6 máy bay Mỹ nữa, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên Bắc lên… “X” cái; bắt thêm 3 “giặc lái” (cái này không nói tổng số bao nhiêu). Trong khi đó, Hỏa Lò vẫn chưa có điện. Chẳng hiểu máy bay Mỹ đã đánh trúng
vào nhà máy điện, hay biến điện nào. Thật là ồn ào, hỗn tạp: tiếng gọi nhau í ới; tiếng quát tháo của cán bộ; tiếng rên rỉ của mấy người bị thuơng. Trong bóng tối đen, chỉ có những ánh đèn “pin” quệt ngang, chạy dọc của cán bộ điểm số tù đi vào từng buồng. Tuy rằng lộn xộn, nhưng rồi sớm muộn cũng sẽ ổn, cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Vì, muốn ra cổng Hỏa Lò, còn phải qua 3 lần cửa sắt nữa, và cửa nào cũng có bộ đội canh gác cẩn mật.
Sáng hôm sau, chỉ mới mở cửa ra sân được một lúc, đã có nguồn tin thật sớm. Hôm qua, ở Hỏa Lò, ba người tù bị mảnh đạn phòng không. Một xuống bệnh xá chết ngay từ đêm qua, vì mảnh đạn rơi gẫy xương vai, thọt xuống phổi; một anh bị sượt vào đùi; còn một anh mất hai ngón chân. Chỉ có anh mất hai ngón chân là tội chính trị; còn hai anh kia là hình sự.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen