Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 79: Cuộc “So Tài” Của Dân Anh Chị Miền Bắc Trong Hỏa Lò!
gay buổi trưa hôm sau, tôi đang ngồi vạch cạp quần lên tìm mấy con rận vì ngứa quá, tên Hưng mò đến ngồi bên cạnh, rút thuốc lá Điện Biên ra mời tôi hút. Y hỏi chuyện ngủ, chuyện ăn loanh quanh. Tôi chưa biết y muốn cái gì mà cứ phải loay hoay mãi chưa chịu vào đề. Cuối cùng, y mới ra vẻ tình cảm:
- Tôi thấy, anh có một khả năng thật tốt. Sau này, anh sẽ phải đi trại trung ương cải tạo; tôi rất có cảm tình với anh, nên tôi muốn ngỏ ý giúp đỡ anh là… anh hãy tích cực dùng khả năng ấy, chắc chắn đường đi của anh trên trại trung ương sẽ rộng mở, không biết thế nào mà nói được.
Tôi vẫn chưa hiểu rõ ý hắn định nói gì, vì thế, tôi vẫn ngồi yên nghe tiếp. Nhưng, chính thái độ bình thản ngồi chờ y nói tiếp đó của tôi, lại càng làm cho y ngập ngừng loanh quanh; để rồi, tôi sốt ruột hỏi thẳng ngay:
- Anh muốn giúp tôi cái gì, hãy nói thẳng rõ ràng ngay đi, khỏi cần rào đón nữa.
- Có gì đâu, tôi hiểu anh sắp đi trại trung ương. Ở trong trại, có người tư tưởng tốt, có người tư tưởng xấu. Người có tư tưởng xấu cũng ví như một con bệnh và các cán bộ là bác sĩ. Nếu bác sĩ không biết căn bệnh của người bệnh, chữa làm sao được? Khi bệnh không chữa được, làm sao con bệnh khỏe mạnh về với gia đình, vợ con, bố mẹ? Vì vậy, anh hãy giúp những con bệnh đó, bằng cách tìm hiểu để biết người mắc bệnh nặng tới mức độ nào. Nếu anh phê bình góp ý, họ không hiểu được nhã ý của anh, họ sẽ giận anh. Vậy, chỉ có một cách tốt nhất là anh hãy báo riêng với cán bộ. Từ đấy, cán bộ mới biết được căn bệnh của họ để chữa trị. Có như vậy, anh đó mới khỏi bệnh, chóng về với gia đình. Như thế là anh đã giúp anh đó tiến bộ.
Đến đây, tôi đã ngửi thấy con người phân của y xông ra nồng nặc rồi. Nhưng, điều tôi băn khoăn là y đã nhìn tôi từ ở khía cạnh nào, để dám đến ngỏ ý với tôi như vậy? Thôi phải rồi, chính từ sự việc thằng Huy “Tồ” hôm trước, y đã suy theo lý của y và đánh giá là tôi thích lập công với cán bộ.
Từ khi vào đây, tôi đã thấy đủ về thằng Hưng này. Y lợi dụng bộ mặt trắng trẻo, học thức, ra vẻ đạo mạo, để tiếp xúc với các cháu nhỏ trong buồng. Tôi cũng thừa nhận, y có con mắt tinh tường, nhìn đối tượng nào cần tiếp xúc, hầu như đều là đúng. Nào là chú thương cháu; nào là dỗ ngon, dỗ ngọt… Trẻ con, dù lưu manh, dù tinh khôn đến mấy, cũng vẫn là… trẻ con, nên sớm muộn đều cảm động trước những lời nói khôn khéo của y và đã nói cho… “chú Hưng” biết
tiền còn gửi ở đâu, gửi ai, gửi bao nhiêu và bao giờ v.v… Để rồi vài ngày sau, công an vào gọi tên, dẫn ra phố, đến tận những chỗ chôn giấu, những chỗ gửi tiền… lấy bằng hết. Khi đã biết khôn, thì đã dại rồi, cho nên đã rất nhiều đứa bị tên Hưng cho vào tròng. Nhờ cái tài che dấu, luồn lách giỏi của y, những đứa chưa bị đã ít biết về bộ mặt thật của tên Hưng này. Những đứa bị rồi thường phải đi trại ngay. Nhưng, y làm sao qua mắt tôi! Tôi đã trực tiếp, hoặc gián tiếp qua Phúc “Thổ” ngăn chận việc làm của y từ lâu. Nghĩa là, y ngồi nói chuyện với cháu nào, sau đó Phúc “Thổ” bí mật gặp lại cháu đó và hóa giải ngay. Vì y dựa vào “chính quyền” nên chúng tôi phải lén lút; nhất là tôi lại đóng vai lợi dụng ngược lại y, tôi cũng tỏ là người có nhiều tư tưởng “tiến bộ” để phù hợp với gần 6 năm cung kẹo của mình.
Nhưng, tôi không ngờ là bây giờ, chính y lại đến nói thẳng với tôi. Tôi muốn in bàn tay lên má nó, rồi cho nó mấy câu chửi; nhưng tôi đã kịp kìm xuống. Lạt mềm buộc chặt! Lưỡi mềm, sống lâu hơn răng cứng.
Dù nghĩ như thế, nhưng bực quá, nên tôi cũng phải nói ý cho y biết mới được. Tính vậy, tôi quay lại nói:
- Cảm ơn ý kiến giúp đỡ của anh nhiều. Nhưng, tôi muốn hỏi ý anh ra sao về một câu chuyện trong “Hán Sở Tranh Hùng”, tôi đã xem lâu lắm rồi, bây giờ chỉ nhớ ang áng nội dung như sau:
“Có một tướng của Hạng Võ tên là… Đằng Công thì phải. Một lần, do tình cờ may mắn, ông chỉ huy một đoàn quân lớn phục kích ở một nơi hẻo lánh, hiểm địa. Lúc này, Lưu Bang đang trong giai đoạn thất cơ lỡ vận, vừa bị thua nhiều trận xiểng liểng, còn một chút tàn quân lại chạy lủi vào ngay ổ phục kích của Đằng Công này. Chín mươi chín phần là chết, chỉ còn một phần là ngắc ngoải; dù vậy Lưu Bang cũng vẫn phải chiến đấu đến cùng, vì đã trót rơi vào cửa tử. Hai người đã quần thảo hơn 100 hiệp, nếu so tài chưa dễ ai thắng ai, nhưng cái thế này, Lưu ta sớm muộn cũng sẽ bị bắt hay bị giết mà thôi. Trong lúc thập phần nguy hiểm như vậy, chợt Lưu ta mới loé lên một ý hay. Ông ta đánh bậy một thế, rồi nhảy ra ngoài quát to:
- Bớ vị tướng tài giỏi và thông minh kia! Sở Vương và ta, hai người đang giành nhau thiên hạ. Hôm nay, ta gặp người cũng là người tài. Anh hùng quyết tử với nhau, thế nào cũng có người sống, người chết. Vậy không gì bằng hãy “pha vơ” thông cảm cho ta lúc này. Sau này, có dịp sẽ đền ơn đích đáng.
Nghe Lưu nói, Đằng Công suy nghĩ thấy cũng phải, và trong bụng cũng phòng hờ sau này, Hạng Võ có thua Bái Công, mình vẫn còn chỗ đứng. Thế là y thu quân, tha cho Lưu Bang.
Rồi, vật đổi sao dời, thế sự nổi trôi thăng trầm. Cuối cùng Lưu Bang thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng Đế. Lúc này, Lưu là chúa tể thiên hạ, hiển hách như trời. Lưu đền công, định tội ân oán trong những ngày gian khổ, chiến đấu vào tử ra sinh. Đằng Công nhớ lại ơn tha chết cho Lưu ngày xưa. Ơn này đâu phải là nhỏ! Nếu lúc đó bắt, hoặc giết Lưu, làm gì Lưu còn ngày nay ngồi ngất nghểu trên ngôi cửu trùng. Đằng Công lặn lội đến gặp Lưu.
Khi đến nhà khách của triều đình, Đằng Công được một vị đại quan ra tiếp. Sau khi biết khách là Đằng Công đã có công vô cùng to lớn, đã tha chết cho Hoàng Đế ở trận “X” v.v… Chính ông quan lớn này, trên đường vào cung báo cho Hoàng Đế biết sự việc, cũng phải trầm trồ ca ngợi cái may có một không hai, của Đằng Công.
Khi vị quan quỳ mọp tâu trình sự việc xong, và y đang chờ sự hân hoan mừng vui của Hoàng Đế, được gặp lại người ân xưa, bỗng một tiếng quát gầm lên như sấm dậy, Hoàng Đế ra lệnh:
- Đem Đằng Công ra pháp trường chặt đầu ngay lập tức, để làm gương cho các quan và hậu thế! Ta không muốn nhìn kẻ một dạ hai lòng. Người phản trắc thì không một chế độ nào ưa cả. Lừa thầy, hại bạn, muôn đời ai cũng phỉ nhổ!…..”
Mặt tên Hưng sượng sùng ngồi nghe tôi kể chuyện. Tôi hỏi thẳng:
- Theo anh, Đằng Công và Lưu Bang, ai đúng, ai sai?
Y vừa chống tay đứng dậy một cách uể oải, vừa trả lời:
- Ồ, chuyện cổ xưa, bây giờ đâu còn phù hợp nữa…..
Rồi, y trở về chỗ của y nằm….. Chiều hôm đó, tôi và Thọ “Lột” đang cặm cụi chia cơm, một đoàn cán bộ công an lạ hoắc đi vào sân trại. Họ chia mỗi người đi về mỗi góc sân, đứng nhìn tù đang ăn, hoặc đang chia cơm.
Một tên chừng ngoài 30, có đôi mắt thật sâu, hàm râu lún phún đen xì như con sâu róm nằm cong cong, tòe ra hai bên phía dưới mũi. Tôi biết y đang khoanh tay trước ngực, đứng cheo chéo phía sau lưng tôi và đang nhìn tôi chia từng suất cơm. Lúc tôi ngẩng lên như xoay lại thế đứng cho khỏi mỏi, mắt tôi và mắt y gặp nhau. Y nờ một nụ cười xã giao, dìu dịu nói:
- Này, tôi hỏi thực các anh, các anh ăn suất cơm này có thấy đói lắm không?
Thấy cách ăn nói của y mềm dẻo, dễ lọt tai, tôi xoay hẳn người lại, thong thả nói:
- Thưa ông, phải nói là đói thật nhiều chứ ông. Ngay các cháu thiếu nhi, có thể còn phải ăn hai suất cơm không thế này, mới no. Chúng tôi phải ăn 3 suất mới đủ.
Nghe tôi nói, trán y cau lại như gặp một vấn đề thật khó hiểu. Cuối cùng, y nói như tâm sự:
- Tôi là cán bộ bên sở, được trình bày của các đồng chí bên “lao cải” (Cục Lao Động Cải Tạo), với tiêu chuẩn chất bột như vậy là đủ rồi đấy. Thế mà các anh lại kêu đói!? Tôi nói thực với anh, nhìn suất cơm này, ngay chúng tôi ở ngoài, mỗi bữa cũng chỉ ăn thế thôi. Như vậy là thế nào?
Nhìn mặt y có vẻ thành thật, nghĩa là y thực sự không hiểu được tại sao lại khác nhau như vậy. Thôi, cũng chẳng tiếc chút nước bọt, tôi bỏ hẳn cái bát xuống bàn, nói rành mạch:
- Thưa ông, cái này có gì đâu mà khó hiểu ạ. Con người sống được, nói một cái khái quát, phải cần có: “protit, lipit và glucit”. Nghĩa là chất mỡ, đạm và đường. Thí dụ, một ngày, một người trung bình phải cần một nghìn đơn vị chất đạm, một nghìn đơn vị chất mỡ và một nghìn đơn vị chất đường để sống và sinh hoạt. Ông ở ngoài tự do, lúc ông ăn một cái kẹo, tấm mía, quả chuối; uống ly nước chanh, v.v… trong đó có mỡ và đường đấy. Cơm ông lại ăn tí cá, tí thịt, tí đậu, cà chua, v.v… trong đó có mỡ và đạm đấy. Do đấy, chất bột chỉ cần hai lưng bát cơm là đủ rồi, đâu có đói nữa. Huống chi, đôi khi lại có những bữa tiệc tùng, ăn nhiều thì cơ thể đã có chất dự trữ, nên có ngày bỏ một bữa ăn cũng không thấy đói. Ở đây chỉ có suất cơm đơn thuần thế này; có khi ăn với tí muối rang, có khi chỉ vài cọng rau muống già nấu muối, như hôm nay. Ngoài ra, suốt ngày, ngày này qua ngày khác, không có một cái gì khác vào miệng cả. Như thế, suất cơm bây nhiêu phải lọc, chia, điều chế ra thành 3 phần trên, mỗi thứ chỉ được một tí. Sao không đói được, thưa ông…!?
Nghe tôi nói, mắt y sáng dần ra, trán y dãn thẳng không còn vết cau nữa; đến nỗi y quên là đang nói chuyện với một tên tù; y đập tay vào vai tôi cười rộ, thân mật:
- Phải, anh nói thật có lý. Thế mà trước đây, tôi cứ băn khoăn mãi không hiểu vì sao.
Thấy y cởi mở, chân thật, tôi chêm nhẹ một câu:
- Tôi nghĩ, “ở trên” nghiên cứu, đặt ra tiêu chuẩn này, không phải họ không biết như vậy. Họ còn biết hơn tôi nhiều nữa cơ!
Y mở to mắt nhìn tôi, vì chưa hiểu ý tôi định nói cái gì… Câu chuyện chấm dứt ở đấy, vì tôi còn phải làm cho xong phận sự…chia cơm của mình.
Buồng đã ăn cơm nước xong, vào, khóa cửa. Tối nay, hình như có vấn đề gì đó xẩy ra giữa một số thanh niên lớn ở trong buồng, mà tôi vô tình nên không biết. Mãi tới lúc thấy chúng đã xếp dọn trống hẳn một góc nền. Hơn nữa, lại, thấy Phúc “Thổ” cùng Thạch “Sẹo” đang cởi áo ra, tôi mới chợt hiểu.
Thằng Thạch “Sẹo” là “lính xô bè” của Hải Phòng. Tôi hiểu, trong giới anh chị bụi đời này, khi gặp những mâu thuẫn hay bất đồng trong việc “làm ăn”, thường phải giải quyết “vấn đề” với nhau bằng… võ lực. Tôi cũng biết uy tín và khả năng của tôi lúc này, đủ để dẹp vụ “thượng đài”. Nhưng, ngay trong thâm ý, tôi cũng muốn xem “tay nghề” của giới anh chị miền Bắc có gì đặc biệt không? Nghĩ như vậy, tôi liền xông đến không cần biết lý do vì sao phải thượng đài, tôi chỉ hỏi ai là trọng tài. Phúc “Thổ” chỉ Thọ “Lột”. Tôi biết Thọ “Lột” cũng là dân Hà Nội, vì vậy, tôi quay sang Thạch “Sẹo” hỏi:
- Cậu có đồng ý Thọ “Lột” là trọng tài không?
Thấy tôi hỏi, Thạch “Sẹo” như dàn nỗi băn khoăn ra:
- Em thú thực với anh, đây là đất Hà Nội, em kỵ nhất là “hội đồng”. Em cũng không muốn Thọ “Lột” là trọng tài. Em hiểu chúng nó đầy đàn em ở đây, nhưng vì cái thế danh dự, em phải “sô lô” với chúng.
Thấy ý kiến của Thạch “Sẹo” như vậy, tôi quay lại, cao giọng nói với toàn thể:
- Chuyện này, nếu tôi không biết thì thôi. Nhưng vì tình nghĩa giữa các cậu với tôi; mặt khác, vì tinh thần thượng võ, nên việc này phải được minh định rõ ràng. Trước hết, tôi xin hỏi các cậu: đây có phải là một trận thử sức, để phân rõ tài cao thấp của nhau không?
Đám đông các cậu chung quanh ồn ào, nhao nhao lên:
- Đúng thế đấy, anh ạ!
- Đúng đấy!
Tôi lại hỏi tiếp:
- Ở đây, chúng to không có đồng hồ; vậy, các cậu định đánh theo nguyên tắc nào, và như thế nào là thắng hay bại?
Mấy người đều định nói, nhưng Thọ “lột” nói hết ý của vấn đề:
- Đánh theo lối tự do, cho đến khi nào một bên giơ tay chịu thua.
Tôi nói rành rẽ:
- Như vậy, ba điều kiện sau đây phải được tôn trọng: thứ nhất, trọng tài là người phải cả hai đấu thủ Phúc “Thổ” và Thạch “Sẹo” thỏa thuận đồng ý. Thứ hai, dù thế nào khi dứt điểm cũng không trả thù. Thứ ba, tuyệt đối không bè phái, hội đồng.
Nhiều tiếng vỗ tay và nhao nhao hô đồng ý; rồi tiếng Minh “Trố” nói to:
- Đề nghị anh Bình làm trọng tài!
Lại có nhiều tiếng vỗ tay. Thấy vậy, tôi quay sang hỏi cả Phúc “Thổ” lẫn Thạch “Sẹo”:
- Cả hai cậu hãy thẳng thắn nói ý kiến của mình?
Cả hai đều gật đầu đồng ý. Nhiều tiếng vỗ tay! Tôi giơ cả hai tay, dõng dạc tuyên bố:
- Là trọng tài, tôi cương quyết bảo vệ những điều đã được nêu ra. Tôi sẽ xử lý ngay, nếu ai vi phạm. Và bây giờ, có thể bắt đầu.
Tôi vừa nói, vừa cởi chiếc ruột áo bông dầy mà Minh “Trố” mới lột của một thằng bạn mới vào, đưa cho tôi 3 hôm trước. Thằng Tiến “Ga” đã xông đến giữ chiếc áo bông cho tôi. Tôi đi một vòng, làm hiệu tay dẹp một chỗ khá rộng. Trời mùa Đông, gió lạnh căm căm, hai đối thủ vẫn cởi hết quần áo, chỉ mặc có hai chiếc quần xà lỏn. Thằng Phúc “Thổ”, trông dáng cao lênh khênh đến 1m70, da trắng trẻo nhưng đầy vẻ nhanh nhẹn. Ngược lại, thằng Thạch “Sẹo” chỉ cao khoảng 1m62, da ngăm ngăm, chân tay chắc nịch. Vết sẹo của dao chém trên mặt nó, rạch chéo một vết dài, chia chiếc mũi của nó làm hai phần. Phần dưới, phía cánh mũi phải xùi ra một cục thịt, làm cái mặt của nó càng thêm lầm lì. Tôi cầm, hai tay của hai cậu, chuẩn bị cho bắt tay. Quay sang Phúc “Thổ” tôi hất hàm hỏi:
- Nặng bao nhiêu ký!
- 57 ký!
Tôi quay lại Thạch “Sẹo”, nó trả lời:
- 60 ký!
Thằng Phúc thật láu cá! Vừa bắt tay, bỏ ra một cái, tay trái của nó đã quạt một cú lẹ như gió vào hàm phải của Thạch “Sẹo”, đồng thời xoay người đưa chân phải ghim vào ngực Thạch “Sẹo” một cái “hự”. Với hai đòn chớp nhoáng phủ đầu của Phúc “Thổ”, Thạch “Sẹo” chỉ tránh được cú đấm, đành chịu nhận cái gót chân như vồ đập vậy.
Cú đòn của Phúc “Thồ” thật đẹp. Nhưng, Thạch “Sẹo” cũng không vừa, bị ăn một cú gót chân đầu tiên, mặt nó xám lại thêm. Nhanh như một con vượn, nó tiến lên hai bước, quạt dứ cánh tay phải vào mặt Phúc “Thổ”. Phúc vội hụp đầu xuống tránh, thì vừa lúc đó, chân trái của Thạch “Sẹo” lên gối, trúng ngực Phúc “Thổ”. Một tiếng “ọc” ngọt lịm như tiếng chày đâm vào cối gạo. Phúc “Thổ” phải ôm ngực lui ra.
Hai đấu thủ đều đã ăn đòn, nên khí thế trận đấu bắt đầu bốc. Mắt của hai đấu thủ đỏ lên như mắt cá rói, chúng xông bừa vào nhau, đấm đá túi bụi.
Các cậu chỉ là người có đòn phép lúc đầu; nhưng càng về sau, càng đi vào “hổ lốn” quyền. Một điều tôi nhận thấy, thứ đòn của các cậu đánh nhau, hoàn toàn là do cuộc sống thực tiễn của anh chị bụi đời, chứ chẳng phải trong một lò quyền thuật nào. Vì có kinh qua một số đánh nhau, nên các cậu rút ra được một số đòn hữu hiệu.
Nhìn chúng quần thảo, tôi liên tưởng đến một số lò võ tôi đã được chiêm ngưỡng, hoặc tham dự. Tôi thấy, trừ những trường đặc biệt không kể, đa số những lò này chỉ giỏi về lý thuyết; tuy cũng có thực tập bằng những trận đấu với nhau. Nhưng, dù sao cũng không phải là đánh thật. Đánh thật ở đây nghĩa là đánh ở mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, bất kỳ đông người hay ít người; bất kỳ, dao, gậy, súng, gặp cái gì phang cái ấy…tử chiến, hạ nhau ngay.
Giới anh chị bụi đời thì ngược lại, trải nhiều thực tế, phải dự nhiều trận chém giết, nhưng lại không có lý thuyết. Như vậy, nếu ai có cả hai thứ lý thuyết và thực tế, chắc rằng đó mới là người đáng nể.
Trong thực tế, không ai có thể phủ nhận được rằng, ngay các võ sư đã từng nổi tiếng với bao lần thượng đài hạ địch thủ; nhưng khi đấu “võ đời”, nhiều người đã bị thua, bị chết. Các lò võ đối với “võ đời”, cũng như trường đại học với trường đời vậy.
Trong khi tôi đang để óc liên tưởng chạy dông dài, trận đấu vẫn nghiêng ngửa. Bất chợt, vì tránh một cú đá hậu của Phúc “Thổ”, Thạch “Sẹo” đã vướng vào góc bệ gạch giữa phòng, ngã đổ ngửa ra. Nhanh như một con sóc, Phúc nằm đè lên bụng Thạch, rồi xoay lật ngược người, đánh một cú khuỷu tay vào cái mũi sẹo của Thạch nghe cái “ịch”. Một giòng máu tóe ra, nhưng Thạch vẫn
còn khỏe, đã co chân lại, đạp bật Phúc “Thổ” ra như một cái lò xo. Phúc “Thổ” ngã đập mặt vào cạnh bệ gạch, mắt tím bầm, sưng lồi lên một cục như quả táo (táo Việt Nam). Hai đứa ôm chầm vào nhau vật lộn, như hai con gấu đói bị thuơng. Máu ở lỗ mũi của Thạch “Sẹo” vẩy văng tung tóe, đỏ cả nền nhà.
Tôi thấy đã tới lúc phải chận cuộc đấu này lại. Tôi xoài chân xuống xà tấn, lách thọc vào hông giữa hai đứa; hai tay tôi xiết chặt hai tay chúng, rồi dùng vai hích bật hai đứa ra hai bên; mồm tôi quát:
- Thôi! Ngừng lại! Như thế đã đủ hiểu tài nhau rồi!
Chúng nó còn hăng máu, lồng lộn định xông vào nhau nữa. Nhưng tôi đã quắc mắt lên, với thái độ là nếu tên nào còn muốn nữa, tôi tiếp ngay.
Máu từ hai lỗ mũi của Thach “Sẹo” vẫn còn chảy. Tôi gọi thằng Tiến “Ga” xé cho tôi miếng giẻ; và kéo tay, bắt Thạch “Sẹo” ngồi dựa vào đống chăn, ngửa mặt lên. Trong buồng chẳng ai có một thứ thuốc men gì. Chỉ có mấy miếng giẻ rách, lau và bịt lỗ mũi của Thạch “Sẹo”, nên mãi một lúc sau mới cầm được máu.
Lúc này đã 9 giờ tối, Thạch “Sẹo” ngồi dậy, mặc quần áo, đi đi lại lại. Tôi sai mấy thằng quét dọn, lau chỗ máu dưới nền, trải chiếu; xong, gọi các cậu lại, ngồi nói chuyện.
Với tư cách trọng tài, tôi nhận định chung về trận đấu là hai bên đều có cái khá, cũng như cái kém. Thạch “Sẹo” không may bị ra nhiều máu. Người hiểu biết, không nhìn máu chảy để luận tài cao thấp. Tôi cũng ca ngợi các cậu đánh hay, nhưng chưa có nghệ thuật. Đấu võ cũng như đánh cờ. Loại cờ thấp, chỉ ham ăn nhiều quân của đối phương, và như vậy, tưởng mình thắng rồi. Loại cao cờ biết bầy trận, nhử mồi, rồi chờ, hoặc khích, dẫn dắt đối thủ xập bẫy. Xem những trận cờ như vậy mới hay!
Rồi, để làm nhạt phần nào những hận thù của chúng; tôi kể, hay nói khác đi, tường thuật lại mấy trận võ đài quốc tế từ 1954 đến 1961 tại Sài Gòn cho các cậu nghe. Tôi không quên kể lại một võ sĩ, tự nhận là giáo sư Đệ Tứ Đẳng huyền đai Nhu đạo. Để lật mặt ông này, quân đội đã phải tổ chức một đêm nhu đạo quốc tế năm 1960, tại sân vận động của Trung tâm huấn luyện Quang Trung, do giáo sư Nhật, đệ lục đẳng huyền đai Takata, từ Nhật sang làm chủ trì. Takata đã thách thức toàn bộ các giáo sư Mỹ, Anh, Pháp, Việt từ đệ tứ đẳng có mặt tham dự đêm Nhu đạo quốc tế đêm ấy, v.v… Cả buồng say mê theo dõi những diễn tiến của từn trận đánh. Tôi cũng nói đến cái hận, của hội quyền thuật Việt Nam với vụ thách thức của võ sĩ Samsaray, vộ địch quyền tự do của
Căm-pu-chia. Trong đó, võ sĩ Vĩnh Tiên, vô địch Quyền Anh Đông Dương, phải chịu trận.
Nói chung, gần một tháng ở buồng này, do những điều kiện cụ thể, tôi được tiếp xúc với nhiều anh chị trong giới lưu manh, đủ mọi thành phần. Mỗi đứa là một cuộc đời trôi nổi, sóng gió. Cả một thế hệ trẻ lầm than rên xiết, không có lối thoát dưới chế độ Việt Cộng.
Phải nói là, tôi đã gặp cả một kho tàng, đầy những câu chuyện sống động, người thực, việc thực. Tôi tiếc mình không là một nhà văn, nhà báo để ghi nhận hết được những kho tài liệu sống này. Tuy vậy, những thực tế này đã là điều làm tôi phải suy nghĩ, tìm hiểu, và đã làm tôi ngạc nhiên không ít, so với sự hiểu biết của tôi về xã hội chủ nghĩa trước đây.
Với suy lý đơn thuần của tôi; trong xã hội chủ nghĩa, do những yêu cầu quản lý con người và an ninh xã hội, dân sẽ phải thiếu đói, và suốt ngày, suốt tháng, suốt năm chỉ cặm cụi lo toan cho miếng ăn để sống. Điều đó, tất yếu sẽ đẻ ra một số những tệ trạng xã hội như lưu manh, trộm cắp… lại là trẻ con, thiếu niên và thanh niên. Những loại người này, đã được sinh ra và lớn lên dưới dự giáo dục uốn nắn “trồng người” của chế độ xã hội chủ nghĩa!
Chính những điều tôi nhìn thấy này, càng cho phép tôi về sau, nhìn rõ Cộng Sản hơn, và là những dẫn chứng sinh động để lý giải sáng tỏ một vấn đề về phương pháp thống trị quản lý con người của Cộng Sản nói chung, và của bọn Việt Cộng nói riêng…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen