The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 75: Những Vấn Đề … Mới!
Ở một góc mái hiên có một chiếc bàn kê tạm, để chỗ cho cán bộ làm việc. Chẳng ai xa lạ, chính là tên chuẩn úy Kế, người miền Nam. Khi tôi mới vào Hỏa Lò, y mới có hạ sĩ. Sau khi tôi ngồi vào chiếc ghế nhỏ để cạnh bàn, y lật quyển sổ to, hỏi tên tuổi và sơ qua về lý lịch của tôi để ghi. Xong, y nhìn tôi nói vẻ dìu dịu:
- Trong buồng, anh là người lớn. Vậy, tôi giao cho anh nhiệm vụ là trật tự và đọc báo.
Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng lại chợt hiểu ngay. Từ nãy, chắc chắn là tên Hưng trưởng buồng đã gặp tên Kế này, và đây chắc hẳn cũng do ý kiến của tên Hưng! Tôi đang định từ chối, y đã nghiêm trang:
- Đây cũng là một hình thức để cải tạo tư tưởng của anh. Chúng tôi sẽ đánh giá anh tùy theo thái độ tích cực hay tiêu cực trong nhiệm vụ này.
Thành ra, ý định từ chối của tôi chả có dịp thốt ra nữa. Tôi chỉ nói một cách yểu sìu, không mấy mạnh bạo:
- Người tôi ốm yếu, làm thế nào được việc trật tự. Vậy, tôi xin đọc báo thôi!
Y lắc đầu, rồi nói:
- Không được! Trật tự buồng có 4 người chứ không phải mình anh. Anh không được từ chối.
Xong, y nhếch môi nói như cười:
- Anh đừng lấy vẻ ốm yếu ra mà che mắt tôi. Tôi còn lạ gì anh nữa!
Tôi cũng hiểu là trong nhà tù, làm việc với cán bộ, dù cứ một chức vụ gì to nhỏ, đều sẽ mất lòng anh em. Tuy thế, với ý thức chính trị của mình, tôi sẽ có chủ trương sau. Bây giờ trước mắt hãy cứ tạm nhận.
10 giờ: giờ đọc báo và sinh hoạt. Tất cả các buồng đều phải vào buồng mình, ngồi tập trung hết lên bệ xi măng, nghe đọc hai tờ báo “Quân Đội Nhân Dân” và “Nhân Dân”. Những bài cần đọc, đều được cán bộ đánh dấu bằng bút chì đỏ. Bác Khánh, Thọ “Lột” và tên Hưng giữ trật tự. Bác Khánh khoảng 55, 56 tuổi, nhưng người trông còn khỏe mạnh, rắn chắc, dù tóc đã điểm sương mà da dẻ vẫn hồng hào. Bác ghé gần tai tôi nói nhỏ:
- Anh vào buồng này, toàn tụi lưu manh lau nhau là may đấy. Chúng nó vào, ra tù soành soạch, vì vậy mỗi ngày, chỉ có sáng một giờ, chiều một giờ đọc báo, rất ít khi sinh hoạt. Chứ anh xem, ở các buồng bên kia, sáng hai tiếng, chiều hai tiếng ngồi “sinh hoạt tư tưởng”, bới móc, cấu xé nhau mới điên đầu.
Đọc báo xong, đã 11 giờ. Cơm, nhà bếp đã đưa lên: một thúng cơm, và một sọt bát đĩa bằng sắt tráng men. Trật tự và các tổ trưởng phải ra nhận và chia cơm. Sát mé hàng hiên là những cái “bàn” ghép bằng hai tấm ván, dài mươi mười lăm mét. Buồng tôi, lớn nhỏ 174 người. Mỗi xuất cơm được hai lưng bát con. Chỉ có một cái bát con và cái môi phải chia sao cho thật đều. Xếp bát ở trên bàn thành 5 hàng. Khi chia gần về cuối, có thể thiếu, có thể thừa. Nếu thiếu, một anh phải lấy muỗng con đi tùng suất lấy bớt ra, tùy theo một muỗng, nửa muỗng, hoặc một phần ba muỗng, v.v… Nếu thừa, thì đi “tản” thêm cho mỗi suất một phần ba, hay một phần năm muỗng tùy theo. Người chia canh, người chia cơm, người sắp xếp, người so đũa. Khi đã đếm đi, đếm lại, thấy đủ rồi, mới báo cáo cán bộ cho buồng ra. Cứ hàng một, mỗi người đến lấy một suất cơm, một suất canh. Rồi, ra sân, mỗi người tìm một chỗ ngồi ăn.
Buồng tôi, vì phần lớn là lũ trẻ con, nhàng nhàng, nhơ nhỡ. Lại là dân lưu manh trộm cắp, anh chị nên chúng hay sinh sự, đánh nhau, bắt nạt nhau… lúc ăn, lúc chơi, cũng như lúc ngủ. Vì vậy, phải có người lớn. Người này, chúng phải nể sợ chúng mới nghe; chứ gặp người lớn lù khù, hiền lành, chúng thường chửi lại.
Có thể do tình trạng chiến tranh, tinh giảm cán bộ để dành cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại miền Bắc và chiến trường “B”, nên tên Kế phải phụ trách hai buồng. Buồng số 4 là buồng chúng tôi và số 5 ở sát ngay bên cạnh. Buồng số 5 hầu hết là thanh niên và người lớn. Tuy cùng một cán bộ phụ trách, nhưng hai buồng có quy chế khác hẳn nhau. Buồng số 5 phải sinh hoạt chính trị tư tưởng chặt chẽ như nhiều buồng khác.
Ăn cơm xong, tù lại xếp hàng đôi để cán bộ kiểm người cho vào buồng. Để biết rõ thêm về thằng Thắng “Trắng”, con của Bảo Hưng Long, tôi đến ngồi bên cạnh và tình cảm hỏi chuyện tiếp. Chính vì tôi hay ngồi nói chuyện trò thân mật với nó, nên cả buống có dư luận là tình cờ trở về miền Bắc, tôi đã gặp lại một thằng cháu ở trong tù.
Qua thằng Thắng, tôi cũng biết sơ lược tình hình của Hàng Bạc từ 54 tới bây giờ. Thằng Hoan “Thọt” Hàng Bạc, rồi con của Chấn Hưng, thằng Hùng em cô Mi nhà Ngọc Chương, và rất nhiều cậu cùng tuổi, hoặc sấp sỉ tuổi tôi, đều đã đi… tù về tội lưu manh trộm cắp; một số tù về tội phản động, phản tuyên truyền.
Nói chung, bố mẹ bị “đánh tư sản”, vừa bị đi tù vừa hết của cải. Nếu còn ai không bị tù, đi làm cũng chỉ được đồng lương…chết đói! Ai đi làm cũng chỉ đủ để nuôi sống…người ấy. Bố làm nuôi bố, mẹ làm nuôi mẹ. Con cái nheo nhóc, không đủ ăn. Làm bố mẹ mà không nuôi được con cái 10, 15, 16 tuổi thì làm sao bảo được chúng? Một khi chúng phải tự kiếm ăn, chúng không còn sợ bố mẹ nữa. Bố mẹ chưởi con, con cãi, thậm chí cũng chưởi lại bố mẹ. Cuối cùng để rồi con cái phải “dạt vòm” sống lang thang trộm cắp. Cá biệt, cũng có bố mẹ còn chôn dấu được của cải, rồi do lòng thương con, nên vẫn cố gắng bù đắp nuôi con cho đi học tiếp, tùy theo đến lớp 7, lớp 8, có khi đến lớp 9, lớp 10 (hệ 10 năm). Nhưng kết cục, nhà nước cũng không cho vào đại học với nhiều nguyên nhân. Đến lúc này, bố mẹ cũng đành bỏ con, và con cũng đành bỏ bố mẹ. Con cái chỉ còn hai con đường: đi bộ đội, hoặc gia nhập giới…lưu manh.
Bao nhiêu tấm gương trước đây, ai cũng nhìn thấy, với cái “đuôi” là con nhà khá giả, tư sản ngày xưa, vào bộ đội, dù có tích cực một sống hai chết, cũng là một tên bị phân biệt thành phần; nghĩa là không có lối thoát, mặc dầu chỉ muốn sống một cuộc sống bình thường, làm ăn của một người dân, cũng không thể được. Chỉ còn một giải pháp thứ hai, dù biết rằng đi theo là hủy diệt tương lai, cũng đành, vì còn những phút tự do, những phút ngất ngưỡng cuộc đời khi kiếm được tiền: đó là “dạt vòm” vào giới lưu manh trộm cắp, bụi đời.
Những ngày sau đó, tôi hỏi thăm nhiều cậu trong buồng. Mỗi cậu mỗi tình tiết khác nhau khi trả lời hai câu hỏi:
1. Nguyên nhân, hoàn cảnh nào đã đưa đẩy em vào giới lưu manh trộm cắp này?
2. Hãy kể cho anh nghe một “cú” làm ăn của em, mà em cho là nổi bật nhất, được nhiều tiền nhất, kỳ công nhất?
Qua những câu trả lời của rất nhiều thanh niên về hai câu hỏi này, tôi đã nhìn ra cái lúng túng, mâu thuẫn của những tên lãnh đạo xã hội chủ nghĩa miền Bắc.
Chủ trương của chúng là dân phải…ngu! Dân ngu, mới dễ bảo; nói thế nào dân cũng tin, nói sai, dân cũng không biết. Có như vậy, mới vững cái ghế ngồi của những tên vua không ngai của một nền “quân chủ mới”. (Quân chủ cũ, chết đi nhường ngôi lại cho con cháu. Quân chủ mới, chỉ được hưởng hết đời mình, đồng thời lại không được làm “ngai”; bình mới, rượu cũ). Nhưng, ngoài mặt chúng lại phải bịp bợm, tỏ ra xã hội chủ nghĩa là cách mạng, là văn minh tiến bộ, khoa học, là “đỉnh cao trí tuệ loài người”……Chúng đã phải làm ra cái vẻ cổ vũ “toàn dân đi học”. Nhưng, trong chương trình học, tất cả chỉ nhằm đào tạo một loại người biết nghe lời, không được tìm hiểu những cái sai, lầm trong những điều đảng dạy. Nào là: “…trung với đảng, hiếu với dân…” vân vân, và vân vân…..Đảng bảo, chỉ biết nghe lời và chấp hành.
Một mâu thuẫn của nội tại vấn để đẻ ra là: nếu cổ vũ dân đi học mãi, dân sẽ khôn, sẽ biết những cái bậy, những cái bịp, những cái nói láo tinh vi của Đảng. Do đó, chủng phải ngăn dân lại từ cửa đại học. Cần lý do? Chúng có hàng triệu lý do; hoàn cảnh đất nước, nghĩa vụ quân sự, tiêu chuẩn điểm, lý lịch, v.v…và v.v…Chúng chỉ cho những ai thuộc loại cốt cán của cách mạng lên đại học. Mà cốt cán của cách mạng thì ai cũng biết tỏng là loại người nào rồi: phải là gia đình nhiều đời nghèo. Mấy đời khổ cực ngu đần, bây giờ đảng mới cho ngóc đầu, sung sướng, tất nhiên sẽ tuyệt đối nghe lời đảng (mặc dù, hơn chục tên Chính Trị Bộ đều là…con nhà khá giả, con ông cháu cha ngày xưa; nghĩa là ở thành phần địa chủ, hoặc tiểu tư sản), Phải là gia đình liệt sĩ. Chúng đã phồng mang trợn mắt, dùng mọi cách “Xui người dân ăn cứt gà”. Ai đó, ăn cứt gà, không may, bị chết, con cái lúc đó là con liệt sĩ. Lúc này, chúng lại khích con cái thù bố, thù mẹ (có biết đâu vì ông bố dốt, bị chúng xúi ăn cứt gà nên chết) và như vậy, chúng đã buộc chặt đứa con, đứa cháu đó vào dưới trướng của chúng rồi. Những người này, chỉ biết trung thành và tuyệt đối nghe lời chúng.
Trên đây là hai thành phần cốt cán của đảng đấy. Dù như vậy, trên đại học, cũng như khi đã tốt nghiệp, còn nhiều chặng, nhiều “khâu” lọc. Cuối cùng, những người thành đạt ra, phải “đạt” những tiêu chuẩn sau:
- Đảng bảo sao, hãy làm như vậy. Việc gì đối với đời là trái, đảng bảo là phải, hãy tin điều đó là chân lý. Kẻ nào làm ngược lại là chống đảng. Ai cũng hiểu, tội chống đảng sẽ ra sao rồi.
- Phải tự nguyện lấy mạng sống để bảo vệ đảng (là bảo vệ chỗ ngồi của 15, 16 tên thuộc Bộ Chính Trị).
Nếu ai cũng hiểu như vậy, đừng ai chê: sao tên giám đốc này ngu, tên giáo sư kia dốt, tên tiến sĩ nọ du học Liên Xô mà chẳng khá về chuyên môn, v.v… Từ đấy suy ra, cũng đừng chê: dân biểu này là hốt rác; nghị sĩ kia là con sen v.v…
Sẽ có người nói, nếu Cộng Sản dùng người như vậy, đất nước nghèo khổ, sẽ lạc hậu dần. Tóm lại, nước nghèo, dân khổ lắm.
Đây cũng là một chuyện đau đầu của những “ông” Bộ Chính Trị nhà ta. Chúng chỉ có thể chọn một trong hai cách:
1. Dân sẽ sướng, đất nước phồn vinh. Như vậy, dứt khoát không còn chỗ cho chúng ngồi nữa, vì chúng thống trị bằng lừa bịp và bạo lực. Đất nước là của chung mọi người dân, chẳng phải của riêng ai. Mỗi thế hệ biết bao nhiêu người tài ba, đạo đức mới, thế mà chúng cứ chễm chệ ngồi suốt đời trên “ngai” được sao?
2. Ngược lại, chỗ ngồi vững chắc, nhưng dân sẽ nghèo khổ, đói khát, v.v…
Không cần nghĩ lâu, ai cũng thấy là bọn lãnh tụ Cộng Sản đã lựa chọn cách nào rồi. Từ đấy, cũng suy ra, chưa có ai chê nền quân sự của Cộng Sản là lạc hậu và nghèo nàn. Vũ khí của Cộng Sản cũng như những kinh phí về quân sự, của chúng thường hơn hẳn phe quốc gia (để sáng tỏ vấn đề này, xin xem những phần sau vì phải dựa vào thực tế diễn tiến).
Lúc này, tôi chỉ xin mở vấn đề như sau: nếu ai nhận định hoặc hiểu nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân các nước Cộng Sản nói chung nghèo nàn và khổ cực, không những trước đây, bây giờ và mãi mãi sau này. Người đó nhìn như vậy là đúng! Nhưng, cũng lại đánh giá như vậy về quân sự của Cộng Sản Việt Nam, hoặc của các nước xã hội chủ nghĩa khác thì thực là sai lầm. Sai lầm ở chỗ: những phương tiện để phục vụ cho đời sống con người, dưới chế độ Cộng Sản thì vô cùng lạc hậu (vì đó là chủ trương của chúng); nhưng, những phương tiện để phục vụ về an ninh, quốc phòng, cũng như để tấn công, hoặc xâm lược các nước khác của Cộng Sản lại vô cùng phong phú, tân tiến.
Đừng nghe Cộng Sản kêu la túng quẫn, đừng nhìn Cộng Sản nợ các nước, hoặc các nhà băng quốc tế, mấy năm không trả được, v.v… mà bảo là các chính phủ Cộng Sản nghèo túng. Tin như vậy là chưa hiểu Cộng Sản. Tất cả đều nằm trong sách lược của chúng cả. Khi nào các bạn thấy vũ khí cũng như nền quốc phòng của chúng nghèo nàn, lạc hậu, các bạn hãy tin Cộng Sản nghèo túng. Còn ngược lại, chớ bao giờ tin, kẻo lầm, rồi lại vắt chân lên cổ mà chạy dài!
Một khi đã hiểu như vậy, xin đừng chê người dân dưới chế độ Cộng Sản là “cù lần”, khi họ nói “ti vi chạy đầy đường”, “cá thả vào bồn vệ sinh nuôi”, v.v… để rồi ta cứ chạy và chúng cứ thắng.
Nếu ta chê bai, chế riễu người dân dưới chế độ Cộng Sản là quê mùa dốt nát; cán bộ với bộ đội mán về thành phố, v.v… chẳng khác gì là ta chê một người câm không biết nói vậy.
Buổi sáng hôm sau, vẫn quen như nếp sống trong xà lim, mới 6 giờ, tôi đã thức dậy, định tập thể dục, nhưng căn buồng đầy người như thế này, không khí lại hôi thối, vì vậy, tôi phải đành tạm bỏ tập thể dục.
Bác Khánh già cũng dậy sớm, bác khoác chăn đến ngồi bên cạnh tôi. Nhìn bác, tuy mái đầu đã muối tiêu, nhưng dáng dấp vẫn nhanh nhẹn khỏe mạnh, đôi
bàn tay thật to với những ngón tay chuối mắn, tôi tươi nét mặt nhìn vào bộ ngực của bác nói:
- Bác có bộ ngực “cốt xì lô” quá! Chắc thời thanh niên bác cũng thích thể thao?
Mắt bác sáng lên, rồi quay hẳn lại phía tôi như được gãi trúng chỗ ngứa:
- Trước, tôi là một cây quần vợt ở “Septo”. Các loại thể thao điền kinh, môn nào tôi cũng hữu hạng.
Rồi như muốn khơi mạch cho nỗi niềm vơi bớt, bác nói tiếp, giọng như thì thầm:
- Đời tôi hận lắm anh ạ! Hình như mỗi đời người, dịp may chỉ đến một lần, bỏ lỡ rồi, đành ôm hận suốt đời. Năm 1954, tôi đã xách va-li xuống đến Hải Phòng rồi. Nhưng, hai ngày ngồi chờ tầu vào Nam, tôi lại lẩn thẩn nghĩ đến mấy cái nhà ở Hà Nội, nghĩ đến nhà tôi và các con, nên tôi lại mò về.
Nói đến đây, hình như có một sự cấu xé dày vò trong lòng, mặt bác nhăn lại, bàn tay đập mạnh xuống đùi:
- Chỉ vì vợ với con, nhà với cửa, để rồi nhà cửa cũng mất; con cái cũng lang thang mỗi đứa mỗi nơi; vợ chồng suốt năm chật vật lê thê, vặc, cãi nhau như mổ bò. Cuối cùng, bây giờ đem thân vào tù vì tội buôn lậu…
Đột nhiên, mặt bác lại hồng lên, môi trên nhấp nháy rồi cong lên:
- Vậy mà anh ạ, nghĩ cho kỹ tôi vẫn còn là may đấy. Luồn lọt, đi làm tài xế chạy xe cho xí nghiệp xe khách, nên cũng yên. Chứ hầu hết những nhà tư sản, có máu mặt dưới chế độ cũ, đa số đều bị bắt ngay từ 1956-1957 rồi. Nhiều người đã tự tử, đã chết trong tù…Thật là cả một nửa nước, ai cũng bị lừa.
Ngồi nghe bác thì thầm tâm sự, tôi càng quý và thương bác hơn. Tôi chỉ mới vào đây độ ba, bốn ngày, bác đã tin tưởng thổ lộ như vậy, nên tôi cũng thử đặt vấn đề hỏi bác, vì sao bác vội tin người như vậy? Bác cười, nhìn tôi, mắt nheo nheo lại:
- Cậu ơi! Hơn một chục năm sống trong xã hội đầy lừa lọc, phản trắc đã làm cho những giác quan của chúng tôi thêm bén nhậy. Vì vậy, gặp một người, chỉ qua vài lần nói chuyện là chúng tôi ngửi thấy vấn đề, an ninh hay bất trắc rồi cậu ạ. Nhưng, cậu hãy cảnh giác tên Hưng.
Tôi khẽ mỉm cười cảm ơn bác đã có lòng tin tưởng. Bỗng dưng cái chăn cuộn 3 đứa của Thắng “Trắng” giẫy lên đùng đục, rồi một tiếng hét ré lên. Thằng Phúc “Lủi” bé tí, bị đạp thọt ra ngoài chăn, đang khóc.
Nhìn cái bàn tay con con đầy ghẻ lở của nó đưa lên quệt nước mắt, trông thật là tội. Tôi chạy lại, đập vào vai thằng Thắng. Nó và thằng Hạnh “Chui” ngồi bật dậy, nhớn nhác dụi mắt. Tôi hỏi:
- Sao cháu lại đạp thằng Phúc ra ngoài?
Thằng Thắng giẫy nảy, chối:
- Không phải đâu! Tại cháu đang nằm mơ, thấy một con rùa to cứ chui vào trong chăn cắn chân cháu, nên cháu mới đạp đấy chứ!
Tôi và ông Khánh cùng cười, thương cảm cho đầu xanh sớm phải cảnh gió bụi, chỉ vì mười mấy tên hung đồ. Tôi móc túi “vê” cho mỗi đứa một điếu thuốc:
- Thôi, ra đây cho mỗi đứa “bắn” một “bi” rồi hãy ngủ lại!
Cả ba đứa toét miệng ra cười, trông như miệng ba con ốc nhồi. Nhìn thằng Phúc “Lủi” ngồi cuộn trong cái mép chăn, chỉ bé bằng con chó con, tôi tò mò hỏi:
- Cháu 11 tuổi, vậy cháu bắt đầu ăn cắp từ bao giờ?
Ra cái vẻ ta đây là “người nhà” của chú, thằng Thắng nhanh nhẩu trả lời thay:
- Nó biết ăn cắp từ ngày 4 tuổi, chú ạ. Nó đã có 12 lần “tiền sự” rồi đấy! (Nghĩa là 12 lần bị bắt, không xử).
Tôi ngạc nhiên hỏi ngay, với vẻ không tin:
- Bốn tuổi làm sao biết ăn cắp?
- Mẹ nó đã mất nhiều công dậy nó. Mẹ nó cứ bế nó chen lẫn vào những đám đông, như chỗ lấy vé ở rạp xi nê hay rạp hát. Nó lựa thế (theo mẹ nó bảo) thò tay sang túi áo người khác để lấy kính, lấy bút máy, có khi cả tiền. Nếu không may bị họ bắt được, người mẹ xin lỗi là cháu nó trẻ con, táy máy, đùa nghịch. Thấy người mẹ bế đứa trẻ, đa số không nghi ngờ gì cả, mất cảnh giác dễ bị mất lắm.
Tôi vẫy tay ra hiệu cho thằng Thắng đừng nói, để tôi nghe chính thằng Phúc “Lủi” trả lời, tôi hỏi tiếp:
- Thế lần cháu “mổ” (móc túi. Lính mổ: loại móc túi) được nhiều nhất là bao nhiêu tiền và cách đây bao lâu?
Đôi mắt đang hấp him như hai mắt con mèo nhìn đám gà con bới thóc ở sân, đột nhiên mở to, sáng lên như thấy một chú gà con rời mẹ chạy lại gần chỗ mình:
- Tết năm ngoái, cháu “mổ” được một lần nhiều nhất là 180 đồng.
- Ở đâu và của ai?
Tôi hỏi với một vẻ trầm trồ ca ngợi, một chiến công hiển hách. Thằng nhỏ càng sáng mắt lên đầy phấn khởi trả lời:
- Hôm đó, cũng sắp sửa Tết như kỳ này, cháu xuống Hàng Gai. Cháu đang chen vào Bách Hóa định mua một hào kẹo, chợt cháu thấy một bà xách cái lẵng hoa, cũng đang mua hàng. Bà mở lẵng ra lấy ví, móc tiền trả cái áo cánh. Thấy ví dày cộm, đầy tiền, cháu liền “tăm” bà ta suốt buổi chiều hôm ấy. Nhiều lần cháu không biết làm sao được. Mãi đến lúc bà ấy xuống ga Hàng Cỏ chen vào mua vé tàu, cháu mới chui vào theo, rồi dùng lưỡi “lam” mới, cháu “chích” lẵng của bà. Vậy mà phải gần nửa tiếng đồng hồ lo âu, hồi hộp, cháu mới lấy ra được. Xong, cháu lủi lẹ.
Tôi hiểu, dưới chế độ miền Bắc lúc này, có tiền nhiều như vậy, không là thủ quỹ thì cũng là cán bộ về tài chính của nhà nước. Tôi lại hỏi:
- Thế cháu đem tiền về làm gì, đưa đi đâu, hay gửi ai?
Nó cười rộ lên nghe như tiếng dê kêu:
- Chúng cháu mỗi đứa đều có nhiều chỗ gửi tiền. Các bà bán nước trà, các bà bán hàng cơm. Lúc có tiền thì gửi; lúc khó khăn không kiếm được, thì các bà bán chịu cho, chú ạ.
- Lúc này cháu còn tiền gửi không?
- Còn chứ chú! Cháu vào “hao” (Hỏa Lò) một, hai tháng trở về, chúng cháu phải có tiền chứ. Nếu không, lúc mới về làm sao dám đi kiếm tiền!
Thằng Thắng nhịn từ nãy, bây giờ được thể nói thêm vào:
- Chúng cháu ít khi bị bắt lắm. Nếu có một vài chục hay cái đồng hồ, thường không bị vào “hao” đâu.
Tôi đang vê điếu thuốc, tai vẫn mơ màng nghe, chợt ngạc nhiên, quay lại hỏi thằng Thắng:
- Là thế nào? Chú chưa hiểu có tiền, làm sao lại không bị vào “hao”?
- Có gì đâu, chú! Các chú công an ở các khu phố, mặc thường phục cũng như đồng phục, thường đi bắt chúng cháu ấy; chúng cháu đã nhẵn mặt, biết tính từng người. Nhất là chú Ngọc ở khu Hoàn Kiếm. Thường thường đi làm ăn, chúng cháu cứ để sẵn 10 đồng, có khi là một cái đồng hồ cũ giá độ 15, 20 đồng, cùng quá thì 5 đồng ở trong túi. Không may, hôm nào đó, bất chợt bị “vồ”, tiền hay đồng hồ bị công an khám thấy, giữ để làm tang vật. Rồi, công an cứ nắm tay giong về đồn. Trên đường đi, nếu có tiền như trên, công an thường vờ bảo “đứng đây, tao vào đi tiểu (hoặc mua cái gì đó, tùy theo), mày chạy đâu, chết với tao”. Tuy vâng, dạ nhưng phải hiểu là “hãy lủi lẹ, và không bao giờ được hỏi hay nói gì về số tiền công an giữ cả”. Vấn đề này, hai bên đều tự hiểu ngầm. Hầu hết chúng cháu, lớn nhỏ ai cũng hiểu thế…..
Thì ra là vậy, tôi thầm nghĩ khi nghe thằng Thắng nói. Tôi đang định hỏi tiếp với 3 đứa chúng nó, thì quản giáo đã đến mở cửa. Tới giờ hành chính rồi…..
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen