A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 73: Ân Tình Qua Cửa … Xà-Lim
ào một buổi trưa Chủ Nhật, tôi đang lúi húi lấy cái bàn chải đánh răng quệt cọ vào miếng xà phòng, lấy ít bọt để đánh răng, thì cô Vân lại vào. Cô mở cửa con rộng ra, cô thở hổn hển đứt quãng, mặt lấm tấm mồ hôi, tôi hỏi khẽ:
- Làm cái gì mà thở thế?
- Vừa đạp xe bên Gia Lâm về.
Cô vừa thở vừa nói ngắt quãng. Chẳng biết từ lúc nào, tự nhiên tôi bạo hơn:
- Lau mặt đi!
Cô có cái chiếc “mùi soa” trắng đang cầm trong tay, đưa lên mặt lau. Tôi hỏi tiếp:
- Sang Gia Lâm làm gì thế?
- Sang nhà con bạn. Nó hẹn mấy lần rồi.
- Quê Vân ở đâu?
- Hưng Yên.
- Vào ngành y tế lâu chưa?
- Mới ra trường được 6 tháng.
Cô nói rồi, ghé miệng sát khung cửa sổ, nói lẫn trong hơi thở:
- Mai là thứ hai, anh lật nắp bô lên, khạc đờm vào đấy. Anh lấy tăm chọc vào kẽ lợi răng lấy tí máu, rồi chấm vào giữa bãi đờm. Anh đưa ra báo cáo bác Dư là anh đau ngực, khạc ra như vậy.
Tôi chỉ biết gật đầu. Hôm sau, tôi làm như lời cô Vân nói, rồi báo cáo Dư. Tôi cũng tỏ vẻ buồn rầu, lo lắng là tôi mắc bệnh này, có lẽ chết; rồi cứ ôm ngực.
Khi cô Vân đển xà lim cho thuốc các buồng, Dư nói với cô Vân sao đó. Một lúc sau, mở cửa buồng tôi và cô Vân bước hẳn vào bên trong. Tôi cũng nói với cô, như đã trình bầy với Dư. Cô bảo tôi nằm xuống, rồi cô đặt ống nghe lên ngực tôi. Cô hỏi đau chỗ nào, khi tôi chỉ ở phía hai lá phổi, cô lấy tay đè đè, ấn ấn. Tôi vờ nhăn mặt đau, đưa hai tay lên đỡ ngực, thành ra cầm vào hai tay của cô. Cô vẫn để yên, miệng mỉm cười, cặp mắt long lanh. Trong khi đó, Dư vẫn đứng ngoài cửa, thỉnh thoảng mới nhìn vào.
Trước khi ra, cô nhìn khắp buồng tôi một lượt, chẳng có một cái gì cả. Cô cứ nhìn một chiếc dép Thái Lan và một chiếc guốc của tôi mãi. Chiếc dép cũng đã mòn nhẵn, nứt rách chung quanh, và chiếc guốc đã vẹt hết gót, của ai đó bỏ đi, khi đi đổ rác thấy ở thùng, tôi nhặt về đi hơn hai tháng trước. Thành ra một chân dép, một chân guốc. Khi đi, chỉ có tiếng kêu “cạch…xẹt, cạch…xẹt” rất thưa, như bước chân của người đi nạng.
Hai hôm sau, tôi lại được “bồi dưỡng” kẹo và bánh ngọt nữa. Ý của cô là chả tiếc gì tôi cả, muốn mua cho tôi đôi dép mới, khăn mặt, xà bông, thuốc đánh răng, cái màn…nhưng không thể được vì tôi không có ai tiếp tế cả. Cô đã nghĩ nhiều cách nhưng đành chịu.
Tôi cũng chưa thấy cô hỏi về tội trạng, thân thế, của tôi. Qua dư luận các buồng, cô là cháu gọi tên Lê, thượng úy phó giám thị, là chú. Theo tôi suy đoán, cô đã tìm mọi cách để đọc hồ sơ của tôi, ít nhất cô đã rõ về gia đình cũng như tội trạng.
Sau khi cô đi ra, tôi ngẫm nghĩ, thật là buồn cười khi cả cô và tôi đều không nói và hỏi: cô lấy tư cách gì để mua và lo tiếp tế cho tôi các thứ đó? Cả hai người, chưa hề có một lời nào về chuyện tình cảm mà! Thế ra vấn đề này cứ phải tự hiểu ngầm, và không thể được hỏi rõ ư? Thật, nhiều chuyện lạ trên mảnh đất lạ mới đi vào này!
Một buổi tối, tôi đang ngồi bô đi cầu, cửa sổ nhỏ khẽ mở. Tôi nhìn ra: cô Vân. Tôi hơi ngượng nên mất tự nhiên. Cô đứng nhìn một lúc, rồi đóng cửa sổ lại, không nói một lời.
Cô đã bỏ đi; trong dạ tôi cũng hơi bâng khuâng, tiêng tiếc buổi gặp mặt đã mờ mờ có ý mong chờ này. Hai tay chắp sau lưng, tôi đang thả bách bộ 200 vòng thường lệ trong buồng, trước khi lên sàn đi ngủ. (200 vòng là 1600 bước, ít ra là khoảng 800 mét đường dài chứ có ít đâu). Tôi mới đi được 40 vòng, cửa con lại khẽ mở. Không hề nghe thấy tiếng bước chân. Lại đôi mắt đăm đăm ngơ ngác như ánh mắt con nai tơ, nhìn thấy con hươu gầy đơn độc vào một buổi chiều Xuân bên suối vắng. Đôi mắt vừa như e ấp rụt rè, thuơng mến, vừa như mơn man thèm muốn vào miền xứ lạ nhưng chưa biết nẻo đường. Như vậy, cô đã phải cố bước nhẹ để đi vào đây. Như bị sức hút ngầm của nam châm, tôi tiến đến và cúi sát vào cửa sổ. Mấy sợi tóc mai dài của cô buông lơi đong đưa, như những sợi tơ vàng ngất ngây vang tiếng nhạc. Một cơn gió nhẹ vô tình đẩy một lọn tóc vào trong song cửa. Những sợi tóc cứ mơn man trên má, trên mũi tôi. Một mùi ngan ngát ngọt lịm của thịt da phảng phất, làm tay chân tôi rần rần run rẩy. Hơi thở của cô dồn dập quyện mãi vào mặt tôi, làm người tôi run lên, mặt tôi nóng bừng. Hai tay tôi quờ quạng giơ lên chới với, rồi bấu chặt vào cánh cửa buồng. Một tiếng gọi khẽ lẫn vào trong hơi thở của cô:
- Anh ơi!
Tiếng gọi khẽ, hổn hển, mơ hồ như tiếng chim đêm gọi bạn. Hồn tôi lảng vảng, dập dờn vào xứ mộng.
Cô và tôi chỉ cách nhau một cánh cửa xà lim dày 4 phân, nhưng tôi cảm thấy như xa vời vợi, trùng diệp sơn khê. Cánh cửa giòng đời đã khóa chặt, như một con đê kiên cố, sừng sững, bắt một giòng chảy ra biển cả bao la, còn một giòng bị bẻ quặt lại, cho chảy vào hang sâu thăm thẳm mịt mùng.
Như choàng tỉnh một giấc mơ hoa, tôi phải gọi hồn tôi trở về. Lý trí đâu? Nghị lực đâu? Ngay từ giây phút ban đầu, hãy khóa chặt cửa lòng lại như cánh cửa xà lim này! Tôi quyết tâm lên tiếng trước, để đập tan cái không khí im lặng chết người này:
- Cô Vân, sao cô khó tính và hách dịch thế!
Bây giờ, đã 18 năm rồi, mà tôi vẫn như còn nhìn thấy rõ đôi mắt của cô Vân lúc ấy. Đang từ mầu hoa thiên lý, đôi mắt chuyển ngay thành mầu vàng của hoa bách hợp, ngơ ngơ, ngác ngác như tỉnh như say; thổn thức dâng đầy như trách oán giận hờn, đến nỗi tôi phải nói lại một lần nữa.
Mắt cô đỏ lên, rồi tràn đầy lệ, môi cô rung rung:
- Sao anh lại nói thế!
Một nỗi niềm xót xa chua mặn dâng lên làm nghẹn lòng, tôi cố nuốt xuống, giọng tự nhiên:
- Không phải tôi, một số đông các người ở trong xà lim ca thán.
Miệng nói như vậy, nhưng trong lòng tôi như đang có một trận công đồn tả tơi quyết liệt. Tôi hiểu rằng, cả cô và tôi đã phải mất bao nhiêu tâm sức, nghĩ suy, cân nhắc hơn 3 tháng nay, bao nhiêu công lao dọ dẫm, rụt rè, e ngại, lòng ướm thử lòng, để rồi leo dần lên ngôi lầu tình ái; thế mà, ngay trong giây phút “thiêng liêng” này, tôi lại nói ra những điều gì đâu… Tôi đã mạnh bạo dứt điểm, nhấc chiếc thang đưa lên ngôi lầu ngất ngây đó. Cô hỏi tôi đã có vẻ bực dọc:
- Anh nghe những buồng nào nói?
Tôi ra vẻ còn lạnh lùng hơn:
- Cô đừng hỏi tôi là buồng nào. Cô hãy tin tôi, là có nhiều buồng kêu ca. Cái đó không nói làm gì nữa. Điều chính yếu là cô có cảm thấy rằng cô đã quá khó tính, cô đã đi ra ngoài phương châm: “Y tế là người mẹ hiền” rồi không?
Cô nhắm mắt lại, hai giọt nước mắt nhỏ xuống bên ngoài cánh cửa, nhưng qua khe cửa dưới nền, mấy đầu ngón chân của tôi thấy thoáng lạnh ướt. Cô đã đóng cửa sổ nhỏ rồi. Phải chăng cô cũng thấy cần phải đóng cả cánh cửa lòng của cô nữa vì gặp phải…mùa gió chướng chăng? Tôi cũng thấy thật buồn. Tôi gọi Lương đứng dậy để tâm sự. Sau khi được tôi kể lại sơ lược câu chuyện, Lương phản đối quá chừng. Lương bảo tôi:
- Anh phải biết lợi dụng, không những cho anh, mà một phần nữa cho anh em trong xà lim dễ thở.
Tôi nói thẳng ý tôi với Lương là không thể được. Mình không có quyền làm buồn lòng một người con gái về một chuyện như vậy, một chuyện mà lúc tỉnh táo ai cũng thấy là không thể đi đến một kết quả nào cả. Tôi thú thật với Lương là chính lòng tôi cũng não ruột tái tê. Nhưng, thà dứt khoát như vậy, chỉ buồn một lần thôi, chứ dính líu vào còn tủi hận đáng cay, ê chề nhiều nữa; ảnh hưởng sang cả đầu óc, trên con đường đi tới của mình. Không lay chuyển được ý tôi, Lương cũng buồn.
Liền mấy hôm sau, cô Vân không thấy vào xà lim nữa. Có mấy buồng báo cáo với Dư để xin thuốc, nhưng cũng chẳng thấy cô lên.
Ngày đã dần dần ngắn lại, đêm càng kéo dài thêm. “Ngày tháng 10 chưa cười đã tối”. Trời chuyển dần vào mùa Đông. Từ sau buổi ấy, cô Vân có vào mở cửa sổ nhỏ buồng tôi, lần nữa vào buổi tối. Nhưng, tôi vờ nằm im ngủ. Cô gọi 2, 3 lần không được nên đành bỏ ra về.
Một buổi trưa, tôi ngồi vá đụp thêm vào đôi “bí tất” để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới. Đôi “bí tất” đã được hơn ba năm rồi. Cứ mỗi năm, các lần vải phía trong mục dần đi. Tôi phải móc những chỗ quá mục ra, vậy nên đôi “bí tất” bị mỏng đi dần. Tôi lại phải đụp những miếng khác bên ngoài cho nó dầy lên, cứ như vậy đã mấy lần rồi. Đôi “bí tất” của tôi lúc này, không biết bao nhiêu là chỉ ngang, chỉ dọc. Bên ngoài, những chỗ mép vải bong ra nhiều tua, có chỗ trông như lông con chuột khoang.
Tôi đang cặm cụi đặt một miếng khăn mặt cũ to bằng hai bàn tay (miếng khăn này là giẻ chùi, tôi lượm được trong thùng nhà cầu mấy tháng trước, để dành) lên chiếc “bí tất” để lựa thế khâu, cửa sổ con chợt khẽ mở. Mùi hoa nhài quen
thuộc thoảng quyện vào mũi tôi. Tôi nhìn ra: đôi mắt ánh lên mầu nâu thẫm, cái màu ủ dột lê thê là buồn. Tôi muốn che dấu miếng vải, vì một ý nghĩ chợt thoáng qua làm tôi lúng túng, mất hẳn tự nhiên. Biết đâu chừng trong những mảnh vải này lại có một mảnh vải của cô đã dùng và vứt đi. Ngay cả mảnh “khăn mặt” cũ này nữa, cũng biết đâu cô đã làm vệ sinh một lần nào? Tôi cảm thấy nóng cả mặt, một nỗi ngượng ngập dâng tràn ra cả hai tay. Nếu quả vậy, tôi biết giấu mặt đi đâu? Tôi bất giác liếc nhìn xem thái độ của cô ra sao.
Tôi cũng tưởng sẽ gặp một đôi mắt, với nét cười tinh ranh, chế diễu. Nhưng không, chỉ có ở khung cửa sổ đó có một đôi mắt đầy lệ. Nhìn đôi tất với nắm giẻ vụn tôi đang cầm trong tay, mắt cô như tràn ứ một nỗi niềm, thương cảm dạt dào. Tôi thấy lòng mình xúc động, nhưng vẫn ngồi yên, không tiến ra cửa sổ như mọi khi.
Môi cô, động đậy, mấp máy, rồi thoát ra thành tiếng gọi thật thiết tha:
- Anh Bình!
Tôi không hiểu vì sao, tôi đã không kìm hãm được lòng mình nữa. Như một cái máy, không có hồn, tôi từ từ bỏ chân xuống chiếc dép và chiếc guốc chậm chạp tiến dần ra phía cửa sổ. Thật gần. Bốn mắt lại nhìn nhau. Những chiếc lông măng trên mép của cô theo nhau nằm soãi hai bên, trông mướt như lông của quả đào non. Hai má cô đỏ au lên. Mùi xà phòng hoa nhài phả ra tràn ngập không gian của căn phòng. Nước mắt lưng tròng, cô nói trong tiếng nấc nghẹn thổn thức:
- Anh Bình giận em à?
Câu hỏi thật nhẹ nhàng, mà như cào vào trái tim rướm máu của tôi. Tôi chỉ lắc đầu, không trả lời được. Bất chợt, một tiếng động ở cổng xà lim. Cô lẹ tay đóng cửa sổ lại và đi ra.
Một lúc sau, nghe có tiếng cô Vân và tên Bằng nói chuyện ở bàn trực. Rồi tiếng chân cô Vân đi dần ra ngoài cổng xà lim. Buổi chiều hôm ấy, lúc gần hết giờ làm việc, tên Dư đi ra ngoài trại về, vào buồng tôi mở cửa. Tôi hơi ngỡ ngàng, vì đã hết giờ, trời lại về mùa Đông, lạnh rồi. Từ hơn một tháng nay, Dư không gọi tôi cho ra sân chơi, (mùa Đông, ai còn thiết ra sân đứng), mà chỉ sai tôi quét trước sân, thường vào buổi sáng. Vì vậy, tôi đã mở to mắt nhìn Dư, chờ xem y bảo tôi điều gì. Vẫn tiếng nói vừa đủ nghe:
- Mặc quần áo, đi cung!
Tôi thoáng cảm thấy hơi không bình thường. Mấy năm nay rồi, chúng có gọi tôi đi cung nữa đâu. Nhất là hơn hai năm nay, Hà Nội đêm ngày, thường bất chợt bị máy bay Mỹ đến đánh phá, các chấp pháp cũng sơ tán bớt về những trại giam khác. Tôi theo Dư ra khỏi cổng xà lim. Đã gần hai năm trời nằm giữa Hỏa Lò, ngay cái sân trại chung tôi cũng không nhìn thấy. Góc sân, gần phía xà lim II, vẫn còn quây cót, như thế vẫn còn phi công Mỹ ở Hỏa Lò, và lúc này chắc là đã…nhiều hơn. À ngôi nhà vãng lai mọi khi, bây giờ cũng để giam phi công Mỹ nữa. Chúng đóng cót bè ra sân, quây kín. Nhà vãng lai ở ngay cạnh cổng xà lim I. Thảo nào, nhiều đêm tôi nghe những tiếng rên la, quát tháo lạ tai, tôi lại cứ tưởng các phi công Mỹ ở gần chỗ xà lim II. Tuy khi ấy thấy lạ, là sao lại nghe gần thế, tôi lại không đoán ra.
Lúc này, gần 5 giờ chiều, tù nhân ở khu trại chung và hai khu phi công cũng đều đã vào buồng cả rồi. Người ta vào buồng, mình lại đi cung! Chẳng biết chấp pháp nào đây?
Đi qua phòng trực, tôi thấy cũng chả còn ai; chả có một chấp pháp nào ở đó cả. Dư dẫn tôi thẳng vào buồng giám thị. Tên Trì bây giờ đã đeo lon đại úy, trông rất bệ vệ, ngồi ở cái bàn có lá cờ của Chánh Giám Thị Hỏa Lò. Như thế, y đã lên thay tên Võ, còn tên Võ già, đeo kính trắng, người miền Nam, có lẽ đã về hưu rồi. Chả trách lâu lắm tôi không còn thấy y vào các xà lim.
Tim tôi hơi thắt lại, khi thoáng thấy người Hưng Yên đang lúi húi xếp mấy chiếc ly, tách ở một cái bàn nhỏ trong góc phòng. Dưới mái tóc buông dài như đuôi con ngựa tơ, chiếc lưng ong của nàng vặn vẹo, căng lằn làn áo nâu mỏng. Người Hưng Yên hôm nay lại đi guốc cao gót nữa chứ.
Tôi ngồi vào chiếc ghế đẩu trước bàn tên Trì đang ngồi. Mặt y hôm nay trong thật dễ chịu. Chưa bao giờ tiếng nói của y lại dịu như hôm nay:
- Hôm nay, gọi anh ra đây, tôi thông báo cho anh được biết Đảng và nhà nước đã chiếu cố đến điều kiện sức khỏe của anh, cho phép anh được ở trại chung. Bây giờ, anh về xà lim mang quần áo, chăn màn ra đó! Ở trại chung, anh phải nghiêm chỉnh chấp hành những nội quy của trại, mặt khác, cấm tuyệt đối không được nói hay kể bất cứ một chuyện gi ở trong xà lim cho phạm nhân khác.
Tai tôi nghe, lòng tôi thật không ngờ được đó là sự thật! Nhưng, chỉ một thoáng, tôi xúc động vì chợt hiểu: phải rồi, cô Vân đây! Hai, ba lần bồi dưỡng, ho khạc ra máu, v.v… tất cả, có thể với tư cách là chuyên môn, cô đã đề nghị để tôi ra trại chung. Chắc từ mấy tháng trước rồi, bây giờ đề nghị của cô mới được chấp nhận, sau nhiều cứu xét.
Thảo nào, tuy cô vờ cắm cúi lau bàn, nhưng tai cô cứ nghiêng bên này, lại nghểnh bên kia, để nghe tin Trì nói với tôi. Bây giờ đã hết giờ làm việc, cô lại không phải là người lau dọn bàn; vậy là cô cố ý chờ tôi, để nghe và vừa để nói ý cho tôi biết là do cô đấy! Nhưng cô Vân ơi! Cô đã tính sai rồi! Ở xà lim, đôi khi cô và tôi còn dễ gặp nhau, chỉ có một cái khó là tuy gần gũi nhưng phải cách một cái…cửa buồng. Bây giờ, ra trại chung, bản tính của tôi lại rất nghiêm ở chỗ đông người, tôi chả gần cô được nữa, dù có gặp.
Dư đứng chờ, dẫn tôi về xà lim. Trước khi chào tên Trì ra cửa, mắt tôi còn thoáng thấy một nụ cười của người Phố Hiến, như cánh hoa hồng đón gió Xuân.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen