A friend is someone who knows all about you and still loves you.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 70: Ta Quen Nhau Mùa… Đông…
hỉnh thoảng từng làn gió heo may đã bắt đầu nhè nhẹ thổi về, làm chuyển dần màu lá bàng từ xanh thẫm sang ươm vàng. Gió heo may về như nhắc nhở lòng ai mùa Thu trở lại.
Dạo này, bàng chín rộ. Càng về đêm hương bàng càng ngạt ngào, theo gió tỏa khắp Hỏa Lò. Bàng lại mỗi ngày mỗi rụng nhiều. Cứ hai ngày một lần, tôi phải quét và hốt mệt nghỉ. Công việc này, tôi thấy đam mê như hái hoa, bắt bướm, nhởn nhơ trong cánh rừng đời.
Sáng hôm nay, tôi vừa quét sân xà lim, vừa lắng nghe tiếng loa léo nhéo một bản tin:
“…..Theo nguồn tin UPI và AFP, Mỹ đã chuyển thêm hai tiểu đoàn Dù nữa, đang rời từ Okinawa sang Việt Nam, để bổ sung và tăng cường cho Sư đoàn “Anh Cả Đỏ”; đưa tổng số quân Mỹ ở miền Nam cho đến nay lên tới…..”.
Không những rõ ràng chi tiết số vạn, số nghìn, số trăm mà con cả số chục nữa.
Nằm ở trong lòng đất của kẻ thù, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, nghe những loại bản tin như thế này không biết bao nhiêu lần. Tai đã nhàm chán, vậy mà lòng vẫn không hết ấm ức, bực bội. Tôi vẫn hiểu là Mỹ giầu lắm, Mỹ mạnh lắm, Mỹ nói chuyện với Cộng Sản thường nói thẳng, nói thật. Chính phủ Mỹ không nói, Quốc hội, báo chí Mỹ cũng nói. Nếu không như thế chăng nữa, với lề lối tổ chức, làm việc ở nước Mỹ dân chủ, tự do, các điệp viên của Cộng Sản đã lấy tin quá dễ dàng. So với cảnh những điệp viên của thế giới tự do phải vào đất Cộng Sản lấy tin, khó khăn khác nhau một trời, một vực.
Mỹ đã đánh giá Cộng Sản Việt Nam theo con mắt của Mỹ nhìn…Việt Nam Cộng Hòa. Nghĩa là, Mỹ cho rằng Liên Xô và Trung Quốc có quyền hạn tuyệt đối với Cộng Sản Việt Nam. Cụ thể, nhiều Tổng Thống Mỹ bàn chuyện giải quyết vấn đề của Việt Nam lại bàn với Liên Xô, với Trung Quốc. Tôi thừa nhận, trong tương quan giữa các nước trên thế giới ngày nay, những nước lớn có ảnh hưởng hoàn toàn không giống như Mỹ đã đánh giá. Nhất là giữa các nước Cộng Sản. Sự ảnh hưởng này, phụ thuộc vào những tình tiết quan hệ riêng của mỗi nước Cộng Sản. Không hề giống như bên thế giới tự do. Thật là sai lầm! Sai lầm nọ lại đẻ ra sai lầm kia, theo cái nhìn của người tư bản. Để phần sau, tôi sẽ nêu nhiều dữ kiện minh chứng. Đó là yếu tố bí mật, bất ngờ. Điều này sẽ làm cho đối phương mất cảnh giác, nhìn sai sự thật.
Từ ngàn xưa, nếu Khổng Minh không sử dụng yếu tố bất ngờ, bí mật, ngày nay, ông đã không nổi danh với chúng ta như vậy. Nước Nhật chỉ là một nước vừa phải, không lớn lắm, mà đã nhiều lần làm cho Mỹ méo mặt, Liên Xô điên đầu, thế giới nể sợ, cũng chỉ vì những yếu tố trên. Thế mà, nước Mỹ đã hầu như không sử dụng những yếu tố này.
Để làm sáng tỏ hơn, tôi xin đơn cử một thí dụ: “Một binh đoàn M được lệnh đánh chiếm một hòn đảo X của đối phương. Hòn đảo X này có một trung đoàn địch quân phòng thủ, trang bị những vũ khí bình thường. Những kế hoạch bố phòng cũng bình thường như từ trước đến giờ.
Binh đoàn M quân số quá lớn, gấp 9, 10 lần lực lượng phòng thủ của đối phương. Vũ khí trang bị lại hiện đại hơn hẳn bên phía lực lượng phòng thủ của đảo. Do đó, dù không có yếu tố bất ngờ và bí mật. Dù đối phương có biết trước hay không, hòn đảo X cũng bị chiếm.
Nhưng, nếu biết vận dụng và phát huy tối đa yếu tố bất ngờ, giương Đông, kích Tây; vờ chuyển quân, bắn tin là sẽ sang phía A, lại bất ngờ đánh phía B; dùng những phương pháp tương kế, tựu kế đánh lừa, ru ngủ địch, thực thực, hư hư… Nghĩa là, làm sao bịt chặt mắt địch lại để đánh. Địch không thể đoán biết ta sẽ đánh chỗ nào, lực lượng ta đặt ở đâu, chỗ địch tưởng nhiều, lại hóa ít, v.v… Vì vậy, khi ta chiếm hòn đảo X, địch giật mình, hoang mang đầu óc. Vì địch không hề biết trước, và có thể hôm đó đảo lại đang mở hội liên hoan chẳng hạn, cho nên, quân đổ bộ chiếm được đảo, với số lượng thuơng vong độ 200 chiến sĩ.
Ngược lại, vì lề lối tổ chức của phe ta, tính huênh hoang của kẻ khỏe, quân ta ở đâu, địch biết; rút đi bao nhiêu, thêm vào bao nhiêu, địch biết; vũ khí loại gì, mới đưa vào bao nhiêu, địch cũng biết… Khi đã biết, tất nhiên đối phương phải tăng cường tối ta để phòng thủ, kể cả về người cũng như về vũ khí, kế hoạch, hầm hố chướng ngại v.v… ngày đêm cẩn mật không rời tay súng.
Vì quân số của bình đoàn M gấp bội, và vũ khí lại trội hơn hẳn như đã nói trên, nên hòn đảo X vẫn bị chiếm. Nhưng, vì đối phương đã tăng cường quân số, vũ khí, cũng như tinh thần không rời tay súng, v.v…nên số thương vong của binh đoàn M lên tới 1000 người…
Như vậy, đối với 800 chiến sĩ ưu tú của chúng ta, mỗi một người là một đơn vị trong chùm liên hệ của gia đình. Thêm 800 gia đình đau thương vì mất người thân, chỉ vì muốn tỏ ra là người “lớn”, là quân tử bảo thẳng cho đối phương “tiểu nhân” biết mọi việc khi ta hành quân… Ai sẽ chịu tội, chịu trách nhiệm về 800 mạng người này? Các ông Tổng Thống, các ông Tư Lệnh có chịu trách nhiệm không? Trách nhiệm là đền được mạng sống của con người không? Xin quý vị giải đáp cho người khác nghe lọt lỗ tai.
Đêm nay, chẳng hiểu sao tôi cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Tôi mở mắt nhìn lên phía cửa sổ, trăng Thu vằng vặc như mời gọi tôi dậy. Tôi vươn vai lắng nghe, xác định tụi cán bộ, nghe những âm thanh của đêm khuya, tôi biết đêm đã khuya lắm rồi. Thỉnh thoảng, tôi lại nghe tiếng rên ở buồng số 1 sát nhà tắm. Tôi đứng dậy, trèo lên sàn, tựa đầu vào lưới thép của cửa sổ, nhìn ra bầu trời bên ngoài.
Nền trời tím sẫm, không một vẩn mây. Chéo mãi phía Đông, một mảnh trăng gầy, hạ huyền với hai đầu nhọn hoắt quặp xuống, như đôi sừng của con dê già. Những khung nhà, mái ngói của khu trại chung phía xa xa, vạch cắt bầu trời phía Đông Bắc thành những nét kỷ hà đen xẫm. Một chiếc lá bàng rời cành, lắc lư, chao đảo, lấp lánh dưới ánh trăng khuya, sà xuống nền xà lim càng làm cho cảnh đêm thâu vắng lặng. Một cơn gió nhẹ thổi qua làm những chiếc lá bàng trên cành xao xác.
Đã lâu lắm, hôm nay, tôi mới lại được ngửi mùi hương Thu. Tôi không biết dùng ngôn từ gì để tả rõ được mùi hương này. Hương Thu len lén, chậm chạp luồn lách vào mũi khiến cho hai cánh mũi tôi như cong lên, trán tôi cau lại, ngón chân cái của tôi tự nhiên ngọ nguậy, ngúc ngắc đập nhè nhẹ xuống sàn theo một điệu nhạc mơ hồ, đưa hồn tôi lơ lửng vào cõi… không bờ. Bỗng tiếng một con mối ré lên “chặc, chặc, chặc…” một hồi dài đã gọi hồn tôi trở về thực tại. Đã mỏi chân rồi, thôi tôi xin tạm biệt trời Thu để đi vào giấc ngủ đêm Thu gần tàn…
Sáng hôm sau, tôi đang còn muốn ngủ nữa, tiếng loa đã gióng lên như tiếng con mẹ hàng xóm mất gà, đang cất cao giọng rủa sả thiên hạ, cứ làm như cả xóm ăn cắp gà của mụ. Như vậy, làm sao còn ngủ nổi nữa, tôi đành phải nằm nghe tiếng chửi rủa vậy thôi.
Một bản tin về chiến trường miền Nam: loan báo số thương vong của lính Mỹ, Úc và Đại Hàn trong tháng vừa qua. Âm thanh chọc vào tai tôi, đã đẩy mồm tôi, loe ra thành một nụ cười. Tôi cười, vì nếu cứ ghi số thương vong của lính Mỹ, Đại Hàn và Úc từng trận đánh, của suốt mấy năm, từ khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào, đầu 1965, cho đến bây giờ, ở miền Nam chả còn một người lính Úc, Mỹ hay Triều Tiên quái nào nữa. Thế mới lạ chứ! Ngược lại, tôi cũng khen lính Mỹ, Triều Tiên, Úc ra trận càn quét, bắn rất tài tình, nghĩa là chỉ nhằm bắn…bà già, đàn bà, con gái và…trẻ con, và tránh rất giỏi, không hể bắn trúng vào một thằng Việt Cộng nào cả.
Nó vô lý đến độ buồn cười như vậy đấy, và có như vậy, nó mới là lmột trong những yếu tố để sau này tôi làm sáng tỏ lý luận chứng minh về nghệ thuật tuyên truyền của Cộng Sản. Sau này, khi tôi có gần hai năm chuyên chú đọc những tác phẩm lý luận, của hầu hết những nhà tư tưởng tiền khởi Cộng Sản cho đến bây giờ, kết hợp với thực tiễn người thực, việc thực tôi đã gặp, trong hơn một chục năm ở các trại giam trung ương, tôi đã có cái nhìn đủ điều kiện hơn về một số lãnh vực.
Thấm thoát đã lại vào mùa Đông, mùa Đông thứ năm. Cây bàng lại khẳng khiu, trơ trụi những cành chọc thẳng lên trời, như những cọng râu của con cá mực khô.
Cả một năm tròn vừa qua, chấp pháp không hề gọi cung, chúng làm như đã quên hẳn tôi rồi. Thật là kinh khủng! Ý nghĩ này đã tạo nên một sự ức chế ghê rợn đối với tâm lý của tôi. Hơn 4 năm qua, với biết bao cung kẹo giày vò, cùm kẹp, chết đi sống lại mấy lần, đói khát, cấu xé ngày đêm…Thế mà hầu như tôi không hề biết sợ. Chân ở trong cùm vẫn rung lên theo những điệu nhạc ngầm của cõi lòng. Giờ đây, tôi lại cảm thấy ghê sợ. Tôi sợ chúng đã bỏ quên tôi! Năm này, qua năm khác, cơ thể của tôi, dù tinh thần có cố gắng phấn đấu đến đâu, cũng tàn lụi dần đi. Hoặc, không bệnh tật, cũng điên khùng mà chết. Nếu, chúng gọi tôi ra tuyên bố rõ ràng sẽ giam thêm ba năm, hoặc năm, mười năm nữa trong buồng kín rồi sẽ cho ra trại chung…..tôi cũng không có cái tâm trạng ghê sợ, đến như lúc này. Đấy là, tôi vẫn còn một chút may mắn, được tên Dư có ít thiện cảm, thỉnh thoảng cho ra ngoài sân quét dọn. Chứ nếu không, cứ phải ngồi một chỗ cả năm, óc đến thối ra mất. Thật là kinh khủng! Chúng dùng thời gian, thi đua với sức chịu đựng của con người. Tôi hiểu, chủ trương của chúng đối với tôi bây giờ là để xem cơ thể của tôi, có chịu đựng được mãi đối với thời gian hay không. Vì vậy, đang đêm, giật mình tỉnh dậy, cứ nghĩ đến điều đó, tôi cảm thấy lạnh cả người. Một niềm rùng rợn, ghê khiếp bao vây chặt lấy người tôi. Dù ban ngày, tôi vẫn tập thể dục; hàng ngày, tôi vẫn thực hiện phương pháp trường sinh; nhưng cứ đêm xuống, nỗi ghê rợn, niềm kinh hãi, vẫn ùa đến tràn ngập lòng tôi.
Tôi nhớ một buổi, lúc tôi đang múc bùn ở lỗ cống đầu hè (khi đó là đầu 1967, tôi đã ở xà lim 5 năm rồi; tên Dư đã lên chuẩn úy, tên Đại coi trại thợ đã là thiếu úy, (mà hồi tôi mới vào Hỏa Lò, hắn chỉ là trung Sĩ). Hai tên Đại và Dư đang đứng nói chuyện với nhau ở góc sân, tên Đại quay lại nhìn tôi một lúc, rồi nói với tên Dư:
- Này, ông này, cái anh kia không biết trên giải quyết thế nào, mà cứ để mãi ở xà lim nhỉ?
Tên Dư nói nho nhỏ gì đó với tên Đại. Đại quay lại nhìn tôi với đôi mắt nửa như tò mò, nửa như thông cảm. Đấy! Ngay tụi quản giáo Hỏa Lò còn sốt ruột thay cho tôi nữa là.
Ngay đầu năm ngoái, một lần tôi đi cung, chính hai tên chấp pháp Thành và Nhuận, cùng cười, nhìn tôi một lúc, rồi tên Thành vừa nói, vừa gật cái đầu:
- Trông anh, dạng thư sinh, thế mà anh chịu đựng tốt thật!
Nhưng, từ đầu năm 1967, tôi bắt đầu sợ thật. Lòng tôi đầy âu lo! Tự nhiên, tôi thấy sợ cả bóng tôi. Ngay ở xà lim I này, từ khi tôi vào, đã biết bao nhiêu người: hết đợt này ra, đến đợt khác vào, lại ra. Trừ trường hợp của hai anh Căn và Lượng, hầu hết lâu là một năm, còn thường chỉ mấy tháng. Có người vào xà lim độ mươi ngày hay nửa tháng, họ đã ra rồi.
So với bốn tháng trước đây, xà lim bây giờ toàn là người lạ. Chỉ còn anh Nguyễn Lân, buồng số 4, là cũ. Vụ án của anh cũng hơi phức tạp, không xử được, có lẽ anh sẽ bị tập trung. Hiện anh vẫn còn đấy, nhưng bây giờ trông anh như bộ xương biết đi, mỗi khi anh ra sân phơi quần áo. Khi anh mới vào, tôi nhìn hai cái tai của anh đã thấy to. Lúc này mặt anh choắt lại, gồ ghề, nhiều chỗ lồi lõm, thành ra hai cái tai trông càng to hơn, như hai cái tai chuột cống, trong khi mặt anh là mặt chuột nhắt.
Gần chiếu tối hôm qua, có một người bị đưa vào buồng số 5. Đó là buồng tôi đã ở trước, đối diện với buồng 12 của tôi hiện giờ. Số 5 thì ở dẫy trong.
Tôi nghĩ, người đó cũng như nhiều người khác mới vào. Hơn nữa, dạo này tâm hồn tôi cũng hơi bấn loạn, tôi chẳng còn háo hức tò mò gọi nói chuyện với người mời vào làm gì. Chỉ có với anh Lân, lâu lâu, tôi mới gọi anh thăm hỏi một vài câu.
Khi nãy, hai buồng số 3 và số 8 báo cáo xin thuốc đau bụng và đau dạ dầy. Buồng số 8 đang rên như lợn xề kêu. Một lúc sau, tên Dư dẫn y tá vào. Tôi ngạc nhiên khi nghe tiếng y tá, là giọng nữ, nhưng không phải tiếng bà Dậu. Tôi cũng muốn tò mò xem y tá mới mặt mũi ra sao. Tôi lại nghe cả buồng số 4 là anh Nguyễn Lân, cũng báo cáo:
- Báo cáo bà y tá, cho tôi xin thuốc đau dạ dầy!
Tôi cũng thấy lạ! Từ khi số 4 vào xà lim cũng đã 8, 9 tháng rồi, tôi chả thấy anh xin thuốc đau dạ dầy lần nào. Hôm nay lại nhiều buồng xin thuốc thế, râm ran cả lên.
Tôi nghe tiếng hỏi dấm dẳn, hách dịch ở phía buồng số 4:
- Buồng này, xin cái gì?
Tiếng anh Lân, giọng miền Trung trọ trẹ:
- Tôi đau dạ dầy, bà cho tôi xin thuốc đi!
- Trước anh có đau dạ dầy không, bây giờ lại xin thuốc?
- Chưa đau, nhưng bây giờ đau.
- Sao anh biết là đau dạ dầy?
- Của tôi, tôi biết chứ!
Tiếng cửa sổ con đập mạnh vào nghe “xoạch” một cái, cùng với một giọng cong cớn:
- Tôi vớ vẩn với anh đấy à!
Lại buồng số 10 báo cáo:
- Báo cáo bà y tá! Buồng 10 xin ăn cháo!
Tiếng tên Dư đứng giữa xà lim ngay chéo trước buồng tôi nói to:
- Y tá đây là cô Vân mới có 19 tuổi thôi, các anh cứ gọi cô cho nó tiện.
Buồng 10 lại ré lên:
- Báo cáo cô y tá. Buồng 10 xin ăn cháo.
Tiếng mở cửa sổ nhỏ, rồi tiếng cô Vân hỏi:
- Làm sao mà ăn cháo?
- Thưa cô, tôi bị táo, ba ngày nay không đi cầu.
- Không được! Lấy tay mà xoa bụng nhiều lần đi!
Tiếng chân của tên Dư và y tá ra ngoài bàn trực. Một lúc, có tiếng chân bước ra sân. Tôi lẹ làng lựa thế đứng lên nhìn.
Á chà! Cái cô có mái tóc dài mà có lần, tôi đã nhìn thấy vào một buổi tối, khi cô vào xà lim tắm ra. Cô là y tá mới! Có lẽ bà Dậu, y tá cũ, đã nghỉ, hay chuyển công tác. Thảo nào, các buồng báo cáo rối rít cả lên. Trong xà lim không có “chất” phụ nữ nên mới như vậy. Ngay anh chàng Nguyễn Lân, sinh viên Roumanie, cũng ỡm ờ con cá đỏ với cô ta. Thông cảm! Thông cảm! Tôi cũng chưa trông rõ mặt cô ấy ra sao. Hai lần, tôi đều nhìn thấy sau lưng cô ta.
Mấy hôm sau, ra lấy cơm, tôi nhìn thấy có một bát cơm đầy hẳn lên, tuy trông nát như bát bánh đúc, nhưng vẫn còn thấy vài hạt cơm còn nguyên. Đói quá, xin ăn cháo, tuy được hai bát, nhưng toàn nước. Húp vào, no ngay lúc ấy, nhưng suốt đêm đi giải còn mệt hơn.
Tự nhiên, tôi có ý nghĩ là làm sao, để xin được ăn cơm nát là tốt nhất. Trông bát cơm, tuy nát nhưng đầy hẳn lên. Tôi để ý, biết là cơm nát của số 8, đau dạ dầy kinh niên. Tôi chưa biết cách nào để xin được, hơn nữa, cô y tá lại hách “xì dầu” quá!
Buổi tối hôm đó, lại có người vào xà lim tắm. Tôi không để ý, nên không biết là ai. Một lúc, chợt có tiếng quát the thé của cô…Vân:
- Buồng kia, đứng lên làm gì đấy?
Không có tiếng trả lời. Tôi tưởng như là yên. Không ngờ, sáng hôm sau, tên Dư vào mở cửa buồng số 3, mắng cho một hồi, rồi rút chốt cùm. Số 3 lạy van rối rít, nhưng vẫn bị cùm.
Mãi gần 10 giờ, y tá mới vào cho thuốc buồng số 8 và 10. Cô này là y tá mà như công an, quản giáo không bằng, cũng rình rập các buồng. Cô quát buồng số 4:
- Anh đưa ngay con dao đây!
Im lặng. Lại nghe tiếng cô ta giục lần nữa, rồi hỏi:
- Anh lấy dao này ở đâu?
- Báo cáo, vớ được cái đinh, tôi mài để cắt móng tay.
Tiếng cửa sổ nhỏ đóng lại. Rồi, một lát sau tên Dư vào, mở cửa số 4, tuyên bố kỷ luật một tuần. Thấy sự như vậy, tôi đâm ra có ác cảm với cô y tá mới này. Tôi chẳng thèm xin thuốc men hay cơm nát nữa. Tôi đoán, chắc cô này, được vào làm y tá trong Hỏa Lò, phải là thứ “đít đỏ như máu”. Không những bản thân, ngay gia đình phải là thành phần cách mạng trung kiên. Cô ít ra phải là một đoàn viên thanh niên Cộng Sản cuồng say, ưu tú!
Sau đó, hơn một tuần, một hôm, tôi đang tập thể dục chạy tại chỗ, bỗng cửa sổ con xoạch mở. Tôi ngừng chạy, nhìn ra: một đôi mắt rất trong đang nhìn tôi. Phảng phất dáng dấp, tôi đoán ngay là cô Vân. Chắc cô này đang đi rình mò, nghe tiếng thình thịch trong buồng nên mở cửa con xem là chuyện gì. Nghĩ thế, tôi không chạy nữa, xem cô này có thái độ sao đây! Cô im lặng, trân trân nhìn một lúc, và chắc là hiểu tôi đang tập chạy thể dục, cửa con đóng lại. Tôi cũng hơi bâng khuâng. Cô này, bộ mặt trông cũng được đấy chứ, nhất là nước da rất trắng và đôi mắt, như nước giếng trong của đình làng. Cái mặt như vậy, sao lại dữ thế!
Thế rồi, bẵng đi đến hơn mười ngày sau, một hôm đang quét sân, tôi chợt nhìn thấy ở kẽ cánh cổng có một mẫu thuốc lá. Liếc vội vàng phía trong, tên Dư đang lúi húi viết, tôi nhặt lẹ mẩu thuốc, nhét vào cạp quần. Tôi thấy lòng vui hẳn lên. Tí nữa vào buồng, tôi sẽ có một hơi thuốc say đê mê.
Chiếc điếu, từ ngày hút với anh Đà tới bây giờ, để mốc meo. Dạo sau này, có dịp ra sân, năm thì mười họa gặp tên cán bộ nào hút thuốc ném mẩu tàn lại, hôm đó, tôi mới lại có một bữa say. Hôm nay cũng vậy, tôi lại được chơi vơi với…tình: “Tình thà coi như khói thuốc say” mà lại! Đầu óc tôi đang xoay quanh với mẫu thuốc dắt ở cạp quần, bỗng có tiếng động ở cổng xà lim. Tôi quay lại, vừa đúng lúc thấy hai con mắt thật trong mở to nhìn tôi. Tôi hơi ngượng, cúi xuống quét tiếp. Một dáng đi rất mềm, ngang qua tôi, vào chỗ bàn trực tên Dư đang ngồi. Một mùi hương rất lạ. chưa bao giờ tôi ngửi thấy, làm mát cả một khoảng sân xà lim. Tôi thoáng nhìn theo hai lọn tóc, gióc thành hai chiếc đuôi sam, mỗi đầu buộc bằng một sợi len đỏ. Tôi cứ cắm cúi quét mãi, tới khi bóng đó trở ra. Tôi lại thấy cái mùi hương lạ lùng lúc nãy. Tôi vẫn cúi, tay đưa dài mái chổi. Tôi cảm thấy mất hẳn tự nhiên. Và…dường như có một cái gì đó thoang thoảng, mơ hồ len lén vào lòng tôi.
Mỗi lần ra lấy cơm, nhìn suất cơm nát, tôi thấy mình bị quyến rũ quá rồi. Nhưng tôi cứ rụt rè, mãi đến hàng chục ngày sau, tôi vẫn chưa dám báo cáo để …xin ăn. Nếu được ăn cơm nát, có thể tôi khỏi phải mỗi tuần hai lần nhịn buổi sáng, để dành ăn vào buổi chiều như bây giờ. Suất cơm nát với tôi lúc này, thật là lý tưởng. Điều làm cho tôi phải rụt rè như vậy, chỉ vì y tá là một cô gái; lại là một người mà lúc đầu tôi đã có ác cảm. Bây giờ, tôi cũng chưa biết tính ra sao.Tôi chỉ sợ bị hạch hỏi, rồi bị từ chối, ngượng chết.
Lại nghĩ đến nguyên tắc sống: không hiểu, nhiều khi không có cái gì cả. Thế là buổi sáng hôm đó, sau khi ra đổ bô xong, lúc quay vào, tôi nhăn nhó mặt, nói với tên Dư:
- Thưa ông, từ ít lâu nay, tôi cứ ăn cơm vào là lại đau bụng. Đêm ngủ, cứ bị ợ chua. Hiện giờ, tôi thấy đau bụng lắm. Xin ông báo dùm y tá, cho tôi xin thuốc!
Tên Dư mở to mắt nhìn tôi, như lạ lùng, như thăm hỏi bởi vì từ khi lão trực xà lim I đến bây giờ, lão chưa hề thấy tôi xin thuốc đau ốm lần nào.
Quả là tên Dư đã quan tâm đến tôi. Với các buồng khác, trừ trường hợp cấp cứu đặc biệt, chứ kiểu bệnh như tôi vừa báo cáo, phải tới hôm sau, hoặc hôm
sau nữa, nếu không tiện dịp. Chỉ một lúc sau, y tá đã đến xà lim. Dư vào mở cửa buồng tôi, rồi nói:
- Anh ra cho cô Vân xem bệnh!
Ra tới ngoài, tôi thấy cô Vân ngồi ở chỗ bàn trực của tên Dư. Trước bàn vẫn có cái ghế đẩu mọi khi, tôi ngồi vào, trong khi đó tên Dư đi đi, lại lại ngoài sân.
- Anh ốm ra sao?
Giọng nói khác thường, thật êm dịu nhẹ nhàng. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt trong, trả lời:
- Tôi cứ bị ợ chua, ăn cơm vào là đau.
Tôi kêu đau bụng, cô lại bảo đưa tay cho cô xem. Cô bắt mạch tay tôi, cả hai tay; rồi lại bảo tôi kéo tay áo lên, cô xoa xoa, nắn nắn đến tận khuỷu tay. Cô không nói gì, tôi cũng im lặng. Mãi một lúc, tôi phải lên tiếng trước:
- Thưa, tôi đề nghị xin ăn cơm nát!
Cô nhìn tôi đăm đăm, cuối cùng, nói nhè nhẹ:
- Anh đi vào đi!
Tôi cũng chẳng hiểu, cô có bằng cho tôi ăn cơm nát hay không? Bữa sáng hôm ấy vẫn cơm thường. Nhưng, tới buổi chiều, trên chõng cơm đã thấy có hai suất cơm nát!
Thế là tôi đã đạt được mục đích. Nhớ lại thái độ của cô Vân những ngày đầu mới biết, tôi không nghĩ là cô lại chấp thuận dễ dàng như vậy. Không hiểu sao, từ khi ăn suất cơm nát, hàng ngày tôi ít đói hẳn đi. Tôi hiểu, tiêu chuẩn gạo thì vẫn thế thôi; nhưng tại sao lại có hiện tượng lạ vậy? Tôi đã nghiền ngẫm phân tích kỹ, dứt khoát không phải do tâm lý khi thấy bát cơm đầy. Cơm nát, thậm chí có khi rất khô giống như cơm thường nấu dẻo vậy, thế mà số lượng lại gấp rưỡi suất cơm thường.
Như thế, chỉ có thể, vì đói thiếu, nên những anh nhà bếp đã giấu, cất bớt cơm khô, lỗ hà, lỗ hỗng, đêm đêm lấy ra ăn với nhau. Còn cơm nát, chỉ nấu cho cả trại, 5, 10 người ăn, nên không ai “chấm mút” làm chi. Ngoài ra, ăn cơm nát nhão nhoẹt, lạt và chán nhà bếp ai thèm ăn, nên cơm không bị hao hụt chút nào. Phần khác, cũng có thể nhà bếp ngại thổi riêng một nồi, nên cho cả vào nấu với chảo cơm thường. Sau đó, họ tìm chỗ nào cơm nhão, ướt nhất là họ xúc cân. Cơm thường 3 lạng thì cơm “dạ dầy” phải 4 lạng rưỡi…Nói chung, chả
biết làm sao, nhưng rõ ràng ăn cơm nát, thật là tôi vớ…bở! Thế mà, gần 5 năm tôi mới phát hiện ra. Thế là từ đấy tôi cứ ăn cơm nát đều, mà chả phải uống thuốc đau dạ dầy gì cả.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen