Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 68: Bí Mật Về Nữ Sĩ Thụy An! Đào Thị Bắc Rời Hỏa Lò!
hấm thoát thời gian lại sắp tới Hè, nhìn những chiếc lá bàng mới hôm nào, chỉ nhú một một nhúm màu xanh xanh ở những đầu cành, thế mà giờ đây đã căng tròn màu con gái, ngày ngày đón ánh mặt trời để khoe hương với gió, để lắc lư, lả lơi với đời. Mấy con sẻ lạc đàn đa tình cứ rúc mãi vào những chùm lá. Những chiếc cánh nho nhỏ khỏa đập làm những chiếc lá non rung rinh. Vài sợi tơ trời, bồng bềnh vắt ngang sân xà lim. Lóng lánh màu vàng óng của nắng, như muốn cuốn buộc, níu kéo nàng Xuân sắp từ giã khung trời này để về một phương trời khác. Một cơn gió thoảng nhẹ đẩy mùi hương cuối Xuân vào trong buồng. Tự nhiên ngực tôi cao dần, mũi tôi cong lên, hít sâu mãi vào cho đầy ắp, cái hương ngầy ngậy của chiều Xuân gần tàn.
Một tiếng động mạnh vào cánh cổng xà lim làm tôi giật mình. Cánh cổng từ từ mở to, tôi vội vàng ngồi thụp xuống, lòng hãy còn lâng lâng luyến tiếc bẩu trời cuối Xuân. Những tiếng bước chân lẹp xẹp đi qua sân xà lim. Bất chợt vang lên một câu: “turn right here” của một người Việt nói tiếng Anh làm tai tôi vểnh lên nghe ngóng. Không một tiếng nói nào khác nữa, chỉ có những tiếng bước chân đi dần về phía buồng tôi, rồi tiếng mở cửa buồng số 10. Buồng 10 ngay cạnh buống tôi. Hẳn phải là người ngoại quốc! Ngoại quốc mà phải vào xà lim lúc này, chạy đằng trời cũng chỉ là Mỹ. Tôi yên lặng nghe ngóng. Tôi chỉ nghe được giọng người Việt lúc nãy, cái gì cũng bằng tiếng Anh, nhưng rất nhỏ, nghe tiếng được, tiếng mất. Không hề nghe tiếng đáp lại của ai.
Tôi đang đứng đờ người, vận dụng mọi giác quan để theo dõi, đột nhiên cửa sổ nhỏ buồng tôi bật mở khiến tôi giật thót người lại. Tên Dư, y trỏ một ngón tay vào ngoay ngoáy, miệng nói:
- Anh dọn hết đồ của anh lại, chuyển buồng!
Tôi vừa vơ gọn chăn chiếu và một số thứ lặt vặt, vừa ngẩn ngơ tiếc nuối lo lắng, không biết bây giờ chúng chuyển tôi đi đâu. Vừa xa chị Bắc, vừa không còn điều kiện để nhìn thấy người ngoại quốc (chắc cũng vì người ngoại quốc này tôi mới phải chuyển buồng vào dẫy trong, hoặc xà lim khác?), và một điều to lớn khác… mất nguồn tiếp tế hàng ngày.
Khi tên Dư mở cửa buồng, tôi nhìn y như luyến tiếc mà có lẽ tôi có thiện cảm nhất ở Hỏa Lò, bên phía kẻ thù. Tôi ra khỏi buồng với một tâm trạng bâng khuâng. Lại thấy y mở buồng số 12! Lòng tôi ngúng nguẩy mừng vui, như vừa đánh mất một món tiền, lại tìm thấy được. Như vậy, chúng chỉ sợ tôi ở cạnh buồng số 10 thôi. Ở buồng số 12 này, tất cả những điều kiện thuận lợi, tôi tưởng mất, vẫn còn.
Tôi loay hoay quét dọn lại sạch sẽ căn buồng. Chợt, tôi nhìn thấy trên tường, chỗ gần phía cùm, có mấy dòng chữ khắc sâu vào tường:
Tại nơi này, tôi đã dùng đũa chọc, hủy bỏ một con mắt của tôi, để phản đối chế độ Cộng Sản độc tài phi nhân đàn áp dã man văn nghệ sĩ.
“Thụy An: Lưu Thị Yến”
Tôi mần mò mãi mới đọc được hết những giòng trên. Phần vì bóng của chiếc cùm làm tối đi; phần khác, vì lâu ngày đã quét thêm một lớp vôi (cũng may, giòng chữ lúc khắc khá sâu, nên lớp vôi không lấp hết được). Nhưng, nếu ai vào buồng chỉ đứng nhìn cái cùm, vô tình sẽ không nhìn thấy giòng chữ viết ở chỗ hơi khuất này.
Tôi lại càng tò mò, nhìn tìm khắp chung quanh bốn bức tường, cả những chỗ khuất để xem, may ra còn thấy gì khác nữa không, trong khi óc tôi lần giở lại dòng thời gian xa xưa…Khi đó, tôi còn ở miền Nam, có lần tôi được đọc trên tờ nhật báo Tự Do, thiên phóng sự “Bên Kia Bức Màn Sắt” của ông Hoàng Hải Thủy, trong đó có nói đến cuộc đời tình cảm, cũng như sự nghiệp của nữ sĩ Thụy An. Mối tình của bà có liên quan đến Hoàng Quốc Việt. Theo ông Hoàng Hải Thủy, Hoàng Quốc Việt là tên điệp viên số một của miền Bắc. Hiện, y là chủ tịch Tổng Công Đoàn. Y là một trong 5 tên đầu sỏ. Những ngày lang thang đây đó trên miền Bắc, tôi thường thấy một cái khung 5 tấm hình, được treo mọi nơi: ở những cổng chào, ở những cơ quan khắp các tỉnh trên miền Bắc. Chính giữa là cáo Hồ, sát hai bên là Trường Chinh và Phạm Văn Đồng, hai bên ngoài nữa là Võ Nguyên Giáp và Hoàng Quốc Việt.
Như vậy, nữ sĩ Thụy An đã bị giam ở buồng này. Bây giờ, không biết bà ở đâu? Đã chết hay còn sống ở trại nào?…Chẳng hiểu sao, tôi cứ hình dung tưởng tượng nữ sĩ Thụy An chắc là đẹp lắm. (Sau này, khi đi trại trung ương, tôi được gặp nhiều nhân vật trong đó có Thụy An, Nguyễn Văn Tiến, Tôn Thất Tần, Lý Cà Sa, Nguyễn Chí Thiện, v.v… với biết bao nhiêu vấn đề. Lúc đó, tôi mới có điều kiện để hiểu cụ thể về nhiều sự việc).
Chiều hôm ấy, lại thấy đưa một người ngoại quốc nữa vào buồng số 8. Vì có hai người ngoại quốc, nên dạo này có nhiều cán bộ ra vào xà lim. Đa số là cán bộ lạ! Qua những ngày trước đây, tôi đã thấy buồng số 7 giam hai người: một người gầy, cao, chừng 35 tuổi, nước da bánh mật; còn người kia tầm thước, khoảng 30 tuổi, đặc biệt có hai con mắt lồi ra ngoài như hai con mắt cá vàng. Anh cao đi cung thường xuyên. Anh mắt lồi thỉnh thoảng mới đi. Nhưng, đặc biệt, nhiều lần anh cao đi rồi; anh mắt lồi mới được gọi, và…lại về trước. Vậy, anh cao không thể biết anh mắt lồi có đi cung, nếu anh này muốn giấu.
Thấy hiện tượng lạ, nên tôi đặt vấn đề. Đã đặt thành vấn đề, tất nhiên, phải để ý theo dõi, nghe ngóng với điều kiện có thể được của tôi. Đã hai lần, khi anh cao đi cung rồi, tên Dư mở cửa buồng số 7 gọi anh mắt lồi ra. Chừng nửa giờ sau, tôi thấy anh mắt lồi ôm một vốc vỏ chuối, lá bánh và giấy báo vụn ra ngoài phía cổng xà lim, một lúc sau mới trở vào. Từ đó, tôi đã có thể tạm kết luận: tù ra khỏi cổng xà lim phải có cán bộ đi theo; ở đây, hắn đi một mình. Qua việc này, tôi lại hiểu thêm là, chỗ bàn trực của tên Dư có một cái tủ nhỏ, không chỉ để đựng giấy tờ, hồ sơ, mà còn là chỗ để thức ăn, bánh trái. Đã biết về tên mắt lồi như vậy, nên tôi không bao giờ lên tiếng nói chuyện với các buồng khác. Nhất là đối với những người ngoại quốc mới vào. Nhưng, vì tính tò mò, tôi cũng quyết sẽ gọi thử hai buồng 10 và 8 khi nào điều kiện cho phép để tôi nói chuyện, may ra biết được tí chút, dù tiếng Anh của tôi chỉ thuộc loại cóc kêu.
Hai ngày sau, khoảng nửa đêm, tôi đang ngủ bỗng giật mình, nghe như có tiếng gấu kêu ở trong rừng. Tôi mở mắt, bò dậy, vểnh tai nghe. Thì ra, tiếng buồng số 10… khóc! Phải nói, đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng một người đàn ông Mỹ khóc. Nghe ồng ộc, hô hố, rất lạ tai. Mới thoáng nghe, tiếng khóc y hệt tiếng người Da Đỏ hát ở trên… màn ảnh mà tôi vẫn thường coi trước đây. Mãi một lúc sau, vì có tiếng nấc và tiếng xụt xịt tôi mới biết đó là tiếng khóc. Sau đó, bỗng một tiếng khóc khác lại ư ử rúc lên ở buồng số 8. Có lẽ vì nghe thấy buồng 10 khóc, vì đồng cảnh, lại là đồng bào, nên cũng chạnh lòng dào dạt nguồn cơn…
Tôi hiểu, hai anh ở Mỹ sướng quen rồi, bây giờ phải ở cảnh này. Đìu hiu, tịch mịch, hoang vắng như nghĩa địa tha ma suốt đêm ngày, bảo sao không buồn. Đấy là các anh không bị cùm, nếu cùm như chúng tôi, chắc các anh chả chịu nổi đâu.
Tôi đã biết chắc các anh là phi công Mỹ. Vì sáng hôm qua, khi gọi buồng số 10 đi cung, tôi đã liều đứng lên quan sát theo kiểu của tôi. Tôi đã thấy một anh mặc bộ đồ sọc màu đỏ sậm như của tôi. Vì cao lêu nghêu nên đầu của anh gần sát xà trên, của cổng xà lim. Anh đang nói và chỉ trỏ ra sân trại chung với tên cán bộ lạ mặc quần áo thường dân. Anh số 10 có bộ mặt dữ tướng. Bộ râu quai nón như chổi xể càng làm cho đôi mắt anh xanh thêm. Người trông như vậy, mặt như thế mà lại… khóc. Dù trong lòng rất thông cảm và tội nghiệp cho anh, nhưng cứ tưởng tượng ra nét mặt anh khi khóc, tôi cũng phải mỉm cười một mình.
Tôi cũng đã thấy mỗi ngày hai lần, một tên cán bộ dẫn một anh tù hình sự bê hai tay hai cái đĩa to, trên mỗi đĩa thường có khúc bánh mì, một quả chuối và một miếng thịt to bằng ba đốt ngón tay. Nhìn khẩu phần ăn của phi công Mỹ, tôi đã phải đăm chiêu suy nghĩ. Đời là thế! Con nhà giầu bao giờ cũng hơn. Người dân của nước lớn, dù thế nào chăng nữa, dù ai có hô bình đẳng dân chủ đến rách mép, vẫn cứ hơn người dân một nước nhỏ.
Rất nhiều vấn đề, trên cõi đời này, nói là một việc, nhưng trong thực tế lại là một việc khác, hoàn toàn không giống nhau. Nhưng, đã bảo “đời là thế”, thì còn nghĩ suy làm quái gì cho mệt óc. Thôi, hãy trở về với xà lim.
Bởi ánh nắng, những chiếc lá bàng thời kỳ con gái từ màu lá chuối non, nay đã đổi thành màu xanh thẫm. Những chùm hoa nho nhỏ đã bắt đầu xuất hiện. Hàng ngày, những trận nồm Nam thổi bay rắc tứ tung đầy sân những cánh hoa bàng vàng hoe bé tí. Thật cũng lạ, cây bàng to như vậy, mà bông lại bé tí teo! Cứ hai ngày, tên Dư lại mở cửa buống cho tôi ra quét sân một lần. Chỉ quét hoa bàng mà mỗi lần cũng hốt được cả thúng. Nhiều lúc tay tôi vốc từng vốc hoa vàng ngạt ngào hương sắc bỏ vào sọt, tôi tưởng tượng nếu không phải là tù, được sống trong cảnh này thôi, cũng tuyệt rồi! Những khi quét sân, thỉnh thoảng lúc tên Dư cúi xuống bàn hí hoáy viết, tôi lại liếc nhẹ về phía buồng số 10, mong anh phi công đứng lên để nhìn một cái cho đời đỡ tê. Tôi liếc hoài, mà khung cửa sổ của anh vẫn là màn ảnh trống trơn mãi chả thấy nổi hình.
Tôi biết anh nhớ quê hương, nhớ gia đình, anh buồn nhiều lắm. Nhưng, suốt ngày cứ ngồi gục trong căn buồng nhỏ đó để mà suy nghĩ, anh cũng chẳng giải quyết được gì hơn. Hãy thỉnh thoảng đứng lên, ngắm thiên nhiên, thả hồn bay bổng với trời mây, hoa lá…Anh bạn chiến hữu ơi! Tôi cũng hiểu, trước khi tụi chúng đưa anh vào xà lim, chúng cũng bắt các anh học thuộc nội quy xà lim rồi. Nhưng, học là một chuyện, vì đấy là ý của chúng. Chúng ta vẫn còn phải có ý của chúng ta nữa chứ!
Mấy hôm trước, hai đêm liền máy bay Mỹ xâm nhập bầu trời Hà Nội. Tôi đã được thưởng thức nhiều trận mà tôi gọi là hội hoa đăng. Tôi dám bảo đảm từ xưa đến giờ, chưa có ai tổ chức được một đêm hoa đăng sinh động và vĩ đại như vậy.
Tối nay, tôi đi ngủ sớm để đến đêm, nếu có mở hội, tôi còn thức mà tham gia. Chợt, nghe tiếng cán bộ vào mở cửa buồng số 6: buồng của chị Bắc. Tôi vội cúi xuống sát nền, nhìn qua khẽ cửa, thấy chỉ có một cán bộ. Nhìn đôi dép râu, tôi chưa thể phán đoán được là tên cán bộ nào thì chị Bắc đã đi ra. Tôi hồi hộp và thấy lòng bâng khuâng, vì chị Bắc ôm hết chăn màn đi. Như vậy, là chuyển buồng? Chuyển xà lim? Hay chuyển trại?…
Khi hai người ra tới sân xà lim, tôi lắng nghe và tính qua tiếng bước chân, khi ra gần tới cổng xà lim, tôi mới dám đứng dậy. Lúc này, nếu tên cán bộ nó quay hẳn người lại, y mới nhìn thấy tôi. Nhưng nếu muốn quay như vậy, qua những động tác của cơ thể trước khi xoay người, tôi có thể biết trước được. Hơn nữa,
quay hẳn người lại 180 độ như vậy nhanh nhất cũng phải 1 phần 10 giây, thời gian này cũng đủ để tôi thụp người ngồi xuống. Chẳng ai xa lạ, chính là tên Thế “mũi cà chua”. Thảo nào, y vào lúc nào tôi cũng không hay, tên này quái lắm!
Nhìn hình ảnh chị Bắc mặc chiếc áo cánh nâu, đầu đội chiếc khăn vuông mầu xanh nhạt, hai tay túm ôm bọc chăn màn khệ nệ, ì ạch, tập tễnh bước ra khỏi cổng xà lim, lòng tôi bồi hồi, xót xa thương cảm. Như vậy là chị Bắc đã chuyển khỏi xà lim này rồi! Chúng sẽ đưa chị đi đâu? Qua xà lim khác của Hỏa Lò? Hay đi trại trung ương?… Đó, cũng là hình ảnh cuối cùng của chị Bắc mà tôi nhìn thấy; để rồi, không còn bao giờ, dù nghe một ai nói về chị.
Lúc bấy giờ, trời đã bắt đầu vào Hè, năm 1966; và như vậy, chị Bắc đã ở xà lim I này được 6 tháng.
Hai anh phi công Mỹ, càng về sau càng khóc nhiều, cứ vào lúc đêm khuya. Có nhiều đêm, tiếng khóc của hai anh cũng làm tôi chạnh lòng nhớ nhà. Khiến tôi cũng bị lôi cuốn vào vòng bồi hồi thổn thức. Tôi không muốn nghe hai anh khóc nữa. Tôi vẫn còn những nóng nảy, bực bội của tuổi trẻ, nên đã không dằn được, tôi quát lên:
- Don‘t cry anymore!
Cả hai anh đều im bặt tiếng khóc, có lẽ các anh tưởng tên cán bộ nào quát! Quát các anh xong, các anh im lặng, tôi lại thấy buồn cười, xen lẫn một chút ân hận. Các anh có biết không, tôi rất thích nói chuyện với các anh. Dù sao, cuộc đời của các anh và tôi đã có một khoảng thời gian cùng thở hít một bầu không khí của Hỏa Lò mà các anh vẫn gọi là “Khách sạn Hilton” đó! Cùng chung một kỷ niệm, chúng ta dễ trở thành bạn lắm chứ, phải không các chiến hữu? Sở dĩ, tôi phải nghĩ và nói với các anh nhiều, bởi vì, trong đáy lòng tôi, tôi vẫn ngưỡng mộ và biết ơn các anh đã chiến đấu cho quê hương tôi, một đất nước mà người dân quá khổ cực, lầm than này.
Thật là nhanh, mới hơn một tuần lễ, từ những chùm lá bàng sum suê đã nhú ra những cụm quả xanh bé tí; chỉ vài ngày không nhìn, lúc xem lại, đã thấy quả to gần gấp đôi rồi. Thậm chí, tôi có cảm tưởng là tôi nhìn thấy những quả bàng lớn dần từng giờ, to dần theo sức nóng của mùa Hè.
Hè năm nay cũng thật lạ, chẳng thấy chú ve sầu kêu? Chẳng biết các chú đi đâu, hay năm nay đặc biệt ngủ muộn! À, phải rồi, có lẽ những tiếng đạn rơi, bom nổ như rung chuyển trời đất của loài người đã làm cho các chú giận, hay sợ, bỏ đi nơi khác, để ngủ yên một giấc dài Đông Xuân chăng? Chứ làm sao giải đáp được là, năm nay tôi chả nghe thấy những tiếng vi vu rền rĩ của bản
nhạc cộng đồng vĩ đại của dân tộc các chú tấu lên: “điệu nhạc trưa Hè” hàng năm!
Chỉ khoảng mười ngày sau, cả hai anh phi công Mỹ đã được ra trại chung. Rất tiếc, tôi chưa tìm được dịp nào hỏi chuyện các anh. Tôi chỉ đoán, việc các anh phải vào xà lim có thể là vì khi ở ngoài trại chung, các anh quen tính ngang tàng của người hùng, trong thế giới tự do mà tôi vẫn nhìn thấy trên các phim ảnh, nên đã tỏ chí khí quật cường bất khuất với tụi Cộng Sản. Nhưng, các bạn cũng như tôi, chỉ biết chuẩn bị đương đầu với dao búa, súng đạn mà đã không biết và không ngờ, là kẻ thù của chúng ta lại khốn nạn và ti tiện túm ngay cái huyệt của con người để chi phối. Đó là cái dạ dày của chúng ta! Chúng hèn thật, nhưng cũng phải công nhận một điều là cái hèn đó của chúng đã từng làm cho những quái kiệt anh hùng, ba đầu sáu tay, đã từng ăn gan Cộng Sản phải chịu phép một bề; hoàn toàn ngoan ngoãn theo sự chỉ huy của chúng!
Hai anh phi công Mỹ ở buồng số 10 và số 8 ra trại chung vào buổi sáng, thì ngay buổi chiều hôm ấy, tôi nghe có những tiếng léo nhéo báo cáo. Qua đó, tôi biết được là chúng đưa vào buồng số 9 hai …cô gái.
Từ ngày chị Bắc đi, tôi cũng thấy buồn. Vừa vắng một người bạn đồng chí, đồng nghiệp, vừa mất một nguồn “chi viện” quan trọng cho cuộc sống hàng ngày. Cái bụng đã quen được hưởng thêm tiêu chuẩn, bây giờ phải trở về mức cũ một cách đột ngột, cái mức chỉ đáp ứng được 1/3 số lượng dạ dày mong muốn hàng bữa. Vì vậy, ít ngày sau, tôi phải bắt buộc áp dụng lại cái phương pháp…nhịn buổi sáng, để dành buổi chiều ăn hai khẩu phần vào một, và chỉ hai ngày thứ Ba và thứ Sáu mỗi tuần. Vì mải lo cho cái ăn, nên có một số người vào, tôi chả đôn đáo nép chỗ này, ngó chỗ kia để tò mò tìm hiểu về người mới tới như mọi khi.
Chiều hôm nay, sau khi các buồng đã trả bát xong, tự nhiên tên Dư vào mở cửa buồng tôi. Vẫn bằng giọng nói nho nhỏ, nhưng hôm nay có vẻ tình cảm hơn:
- Anh đi ra bàn tôi gặp!
Khi tôi đã ngồi ghế đâu đấy, y tỏ vẻ thân mật:
- Ngày mai, tôi nghỉ phép hàng năm, sẽ có cán bộ khác đến thay. Vậy, anh phải nhớ lời tôi: trong thời gian tôi không có mặt ở xà lim, anh đừng để cho cán bộ nào bắt được anh vi phạm nội quy. Nếu tôi về, nghe các đồng chí phản ảnh, anh đừng trách tôi!
Qua câu dặn dò ân cần của y, tôi thấy y cũng thừa hiểu “típ” người như tôi hay tò mò, sục sạo; chỉ có điều y chưa bắt được tôi tại trận, hoặc là y biết nhưng lờ đi, không muốn bắt. Nhưng dù thế nào, tôi cũng không thể phủ nhận là y có thiện cảm với tôi. Thực vậy, theo nguyên tắc, chả có một tên cán bộ nào lại gọi tù trong xà lim ra bảo mình sắp đi phép cả, lại còn dặn dò điều này, điều nọ. Nghĩ như vậy, nên tôi cũng tươi nét mặt:
- Ông về phép ở đâu?
- Về quê.
- Quê ông ở đâu ạ?
- Hà Nam.
- Ông cho tôi gửi lời thăm hỏi và chào mừng gia đình!
Y có vẻ xúc động, đầu chóp mũi y đỏ lên rồi rung rung, mắt y nhìn tôi đăm đăm và gật gật đầu. Thấy thời cơ thuận lợi, tôi hỏi luôn một vấn đề thắc mắc trong lòng mà chưa có dịp:
- Thưa ông, hôm nọ có một ông đi với ông Trì và ông Lê vào buồng thăm tôi, ông biết là ai không?
Y hơi ngập ngừng, nhìn tôi một lúc, rồi nói chậm rãi:
- Ông Nguyễn Văn Long, giám đốc sở Công An Hà Hội.
À, ra thế! Thảo nào hai tên Trì và Lê nể sợ là phải. Tên Long này còn là đại tá, thường vụ Thành Ủy Thủ Đô của cả nước xã hội chủ nghĩa này nữa đấy. Trên đài truyền thanh Hà Nội, tôi vẫn thường xuyên nghe nói nhiều về y.
Sau khi trả lời tôi câu này, hình như tên Dư cảm thấy rằng y đã nói hơi nhiều; mà lại nói cả những điều không được phép nói; vì vậy y tỏ ý bảo tôi vào…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen