We have to walk in a way that we only print peace and serenity on the Earth. Walk as if you are kissing the Earth with your feet.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 66: Hai Cái Áo Sơ-Mi Thay Đổi Một Cuộc Đời!…
huận tiện nhất cho tôi có trình bày ở trên, là viết liên lạc với ba buồng đối diện là 5, 6 và 7. Buồng số 5 và số 7 đã hơi chéo góc với buồng tôi rồi, nhưng khoảng cách cũng còn không xa lắm, nên tấm “bảng” cũng không nhỏ đi mấy. Bây giờ, buồng anh Lân (số 4) lại chéo góc hơi xa, tấm “bảng” vì vậy chỉ còn bé tí. Phải viết chữ lớn hơn mới trông rõ. Tôi và anh Lân cũng cố điều chỉnh mãi, dần dà việc nói chuyện cũng không còn khó khăn lắm.
Có lẽ vì suýt soát tuổi nhau, nên anh Lân tỏ vẻ rất thích tôi. Hầu như anh cứ đứng suốt buổi để nói chuyện với tôi. Một phần nhờ tôi ở dẫy phía ngoài, có điều kiện canh chừng cán bộ ngày từ ngoài sân; phần khác, tôi ở xà lim đã lâu, thành tinh, nắm được hầu hết những kẻ hở của cán bộ trông coi xà lim, nên mọi việc nói chuyện với chị Bắc hay với anh Lân đều do tôi chủ động. Bởi vậy, nếu tôi không gọi anh, anh đành chịu. Tôi đã quy định, với chị Bắc khi gọi nói chuyện là “hai tiếng ho”; còn với anh Lân là “hai tiếng khạc”; và với số 7 là “hai tiếng nhổ khô”. Nhưng, tôi không cho buồng này biết điều quy định của tôi với buồng kia!
Sau nhiều lần nói chuyện, tôi biết được sơ lược nội dung sự việc của anh Nguyễn Lân như sau:
Câu đầu tiên anh viết với tôi, đã làm tôi thật ngạc nhiên và buồn cười: “Nguyên nhân chính làm cho cuộc đời anh bị bắt vào Hỏa Lò là do “hai chiếc áo sơ-mi‘“. Hai cái áo này, đã có lần tôi thấy phơi ngoài sân.
Quê anh ở miền “Thắt cổ bồng” của đất nước. Cái miền mà chó phải ăn đá, gà phải ăn sỏi”. Bố anh là một cán bộ ưu tú của Cộng Sản, đã nằm xuống cho cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Vì vậy, anh được coi như thành phần cốt cán, con trai duy nhất của một liệt sĩ. Nhờ đó, khi anh mới học hết lớp 6 Phổ thông Trung học, anh đã được ưu đãi chiếu cố đặc biệt của chính phủ, để đi du học ở Roumanie 5 năm về ngành Quản lý kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa. Một tương lai sáng lạn rộng mở khi anh tốt nghiệp trở về nước. Năm nay, 1965, anh đã bước vào năm thứ tư rồi. Cuộc sống cũng như việc học hành của những sinh viên Việt Nam ở thủ đô Bucharest tuy còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng so với quê nhà, đã như từ đang ăn cơm với rau bây giờ được ăn thêm món cá. Chỉ còn một năm nữa thôi là đã thành đạt rồi; nhưng trong dạ của anh lại không mang niềm phấn khởi; vì nhìn về quê hương Việt Nam, anh thấy đầy dẫy nghèo nàn lạc hậu. Sau hàng chục năm tiến lên xã hội chủ nghĩa, vẫn không có gì thay đổi cả. Vì thế, tuy không quá buồn, nhưng lòng anh cũng chả thấy vui khi sắp được trở về mảnh đất quê hương, để trở thành một cán bộ nồng cốt.
Rồi, cuộc đời, cũng như mặt biển, chẳng bao giờ phẳng lặng bình yên mãi…!
Anh có một người cậu, em ruột của mẹ. Vì mảnh đất đầy khắc nghiệt của quê anh, người cậu từ trước 1954 đã đi tha phương cầu thực, lang bạt kỳ hồ nổi trôi; hết làm phu phen ở Tân Thế Giới, rồi lại trôi dạt về “mẫu quốc” là nước Pháp. Hiện người cậu, đã có vợ con, làm nghề tài xế Taxi ở Paris, sống một đời thợ thuyền nghèo nàn ở thủ đô xứ người. Từ khi biết thằng cháu được đặc tuyển đi du học Roumanie, ngay gần cạnh nước Pháp, thôi thì, tình ruột thịt cậu cháu hàn huyên qua những cánh thư thương nhớ hàng tuần, hàng tháng. Rồi, kỳ Hè năm ngoái, toàn bộ du học sinh Việt Nam học ở Roumanie được chở đến bờ biển Hắc Hải để cắm trại. Người cậu đã biết do đứa cháu báo tin, nên cũng đem gia đình đi nghỉ mát ở đấy, để gặp thằng cháu đã lâu ngày xa cách. Thật là tay bắt, mặt mừng, cậu cháu, anh em được dịp tỏ bầy lòng thương, nỗi nhớ chất chồng từ hàng chục năm qua. Trong dịp gặp gỡ này, người cậu cho đứa cháu yêu vài món quà vặt vãnh, trong đó có…hai chiếc sơ-mi trắng nói trên.
Qua những cánh thư trao đổi mấy năm trước đây, theo hình dung của anh Lân, gia đình người cậu làm nghề Taxi, chắc cũng rất là chật vật, thuộc loại dân nghèo thành thị, trong giới cần lao. Với sự tưởng tượng của Lân, từ ống kính nhìn giới thợ thuyền ở quê nhà, nghèo nàn phải ở cảnh mặc quần áo vá, đội mũ bạc màu, gia đình vợ con nheo nhóc, nhếch nhác… Vì thế, do tình quý mến và thương cậu, Lân đã dành dụm được 50 francs, định trong dịp gặp cậu này, sẽ gọi là một chút giúp đỡ mợ và các em. Bởi vì, anh đã được may mắn sắp sửa bước lên giai cấp trên, giai cấp có thế có quyền, nên anh nghĩ phải có trách nhiệm cưu mang họ hàng. Nhưng, khi gặp cậu mợ và các em, anh đã mở to mắt, há hốc mồm, trân trân đứng nhìn đến nỗi quên cả bắt tay người cậu. Gần 50 francs anh dành làm quà cho cậu đã như cục than nóng trong túi quần. Anh cứ cho tay vào túi mân mê, định lấy tiền ra, rồi lại ngập ngừng lấy tay ra; để rồi một lúc sau lại đút tay vào, mất cả vẻ tự nhiên khi anh nói chuyện với cậu mợ. Cuối cùng, người cậu đã đút vào túi cháu 500 francs và nói là vì…cậu quá nghèo, mong cháu thông cảm cho lòng cậu, gọi là của thảo để cháu mua thêm giấy bút, sách vở…(!). Đến lúc này, gần 50 francs trong túi của Lân mới chịu nguội lạnh, nằm yên.
Trên đường trở về Bucharest, tiền thì anh đã giấu kín, nhưng hai chiếc sơ-mi thì đã thành một đầu đề, điểm đầu mối để anh em sinh viên suy nghĩ bâng khuâng về cuộc sống con người và xã hội. Ngay chính bản thân anh Lân, cũng từ hai chiếc áo sơ-mi này, đến những hình ảnh gia đình của người cậu, đã phải thay đổi nhiều cách nhìn đời. Từ những suy nghĩ này, đẻ ra những suy nghĩ khác. Chính ngay khi ông cậu cho hai chiếc áo sơ-mi này đã nói…”đây là loại áo thường cậu mua cho cháu, cậu không dám mua loại sang, e rằng cháu về quê nhà mặc, sẽ không tiện, không phù hợp với môi trường, sinh hoạt của quê hương…”. Hai chiếc áo sơ-mi “thường” mà còn làm cho Lân và bao nhiêu bạn học phải ngẩn ngơ về cuộc sống con người, về những viễn ảnh của đất nước xã hội chủ nghĩa.
Rồi, chính Lân dần dần chuyển biến tư tưởng, thập thò nhen nhúm ý tưởng sẽ giã từ chủ nghĩa xã hội “ưu việt” của loài người, “đỉnh cao” của trí tuệ, “trái tim” của nhân loại để chạy sang với ông cậu sống một cuộc đời…phồn vinh giả tạo, tự do chết đói, đầy dẫy những lạc hậu và bất công…(!) Vì vậy, trong những lá thư sau, Lân có những lời thăm dò, bóng gió để hỏi cậu xem, Pháp có nhận người tị nạn chính trị chạy sang không? Nhờ cậu chuẩn bị lo trước về công ăn việc làm, cũng như cuộc sống, v.v… Khi ông cậu trả lời, tất nhiên cũng bóng gió xa xôi nhưng Lân cũng hiểu là, cứ đi, cậu sẽ lo liệu mọi vấn đề cho, cậu rất hoan nghênh ý kiến đó của cháu, v.v… Dù chỉ là những lời bóng gió, nhưng những lá thư như vậy Lân đều đốt hủy đi.
Ít ngày gần đây, tự nhiên như do linh tình, Lân cảm thấy tâm hồn bất an, dù anh vẫn tiếp tục học hành bình thường. Nhưng, rồi anh vẫn không nhận thấy một hiện tượng gì để cho mối lo ngại băn khoăn của anh có cơ sở. Anh cho rằng, chẳng qua, vì lòng đã có ý định chuồn, nên có tật thì giật mình mà thôi, anh lại bỏ qua những băn khoăn anh đã cho là vô căn cớ đó.
Cho tới hơn một tháng trước đây, đột nhiên anh nhận được một tờ điện tín từ quê nhà là mẹ anh bệnh sắp chết, phải về ngay. Anh cầm bức điện lên anh tổ trưởng, đồng thời cũng là Bí Thư Chi Bộ, với nét mặt đầy băn khoăn lo lắng, nên về hay không về? Vì, tuy anh là con trai duy nhất, nhưng anh cũng biết rằng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tình cảm gia đình không phải là một vấn đề lớn lắm. Anh lại sắp ra trường. Bài vở của năm cuối rất nhiều cho nên, chưa chắc Chi Bộ Đảng đã đồng ý cho anh về.
Nhưng, thật là bất ngờ, không những anh không gặp những lời ngăn cản hay phản đối, mà lại là những lời thúc giục, khuyến khích anh phải về. Nào là, mẹ anh chỉ có một mình anh là con, đời bà đã đau thương quá nhiều, cha anh đã hy sinh cho Tổ Quốc khi mẹ anh còn quá trẻ v.v…
Anh đã được tổ chức lãnh đạo lo liệu cho giấy tờ thuận tiện, vé tầu, xe cả về lẫn đi trong nửa tháng. Cùng về với anh cũng có một đồng chí ở sứ quán Việt Nam tại Bucharest. Khi về tới Mạc Tư Khoa, qua thái độ của người đồng chí mà anh phải đi cùng, cũng như qua một số hiện tượng, anh cảm thấy như bị theo dõi, và bị giam lỏng. Giấy tờ của anh đều do đồng chí sứ quán nắm giữ hết, với lý do là đồng chí ấy có trách nhiệm trình báo, cũng như lo liệu giấy tờ trên đường về.
Chính anh Lân, cũng là người tinh quái, sau một đêm suy xét, tính toán, cảm thấy lần này về không ổn chút nào cà. Nhưng biết làm sao, anh hoang mang
cùng độ, biết trở về đến Việt Nam là có chuyện. Vì thế, ngay sáng hôm sau, một mình anh lần ra phố, vẫy một chiếc Taxi, bảo chạy bừa đến tòa đại sứ Pháp. Thực ra, vì anh lo quýnh quá rồi, thấy mình từ từ lăn xuống hố mà không còn bấu víu vào đâu, nên đành liều chạy đến tòa đại sứ Pháp v.v… chứ anh chả biết một chữ Pháp nào, thì biết ăn nói làm sao đây.
Sau khi trả tiền xe Taxi, anh thấy ngôi nhà có lá cờ Pháp thì xông bừa vào. Lúng ta, lúng túng, ngôn ngữ bất đồng, chẳng ai hiểu ai. Nhất là, khi tòa đại sứ Pháp thấy thái độ của anh nhớn nhác, lo sợ, cứ hai tay chấp lại, lạy xin cứu mạng, rồi định chạy vào chỗ kín để trốn nấp; nên họ đã đưa anh ra xe, đem trao trả cho nhà chức trách Liên Xô. Để rồi, cuối cùng anh bị giong về Việt Nam. Đi qua Trung Quốc, trên đường về, bây giờ kèm thêm một người nữa có vũ trang. Khi về tới Hà Nội, họ đưa ngay đến Hỏa Lò và vào thẳng xà lim (mà tôi đã nghe thấy tiếng giầy cồm cộp độc đáo hôm nọ).
Nhìn anh viết kể lại, biết được chuyện của anh, tôi cũng thấy buồn và tiếc cho đời anh. Ngay sau khi anh kể xong sơ lược sự việc bị bắt, tối hôm đó, tôi lại gọi anh đứng lên trao đổi tiếp. Tôi hỏi anh là, gần một tháng nay, anh đi cung kẹo thế nào? Sao anh không dứt khoát chối là không hề có ý định chuồn sang Pháp?
Anh trả lời tôi rằng, ngay từ đầu, anh đã khăng khăng một mực là không và chưa bao giờ anh lại có ý định sang Pháp cả. Anh đã tận dụng đủ mọi lý do. Nào là, anh không khi nào lại dại, thả mồi bắt bóng, sắp tốt nghiệp, nghiễm nhiên là một cán bộ có khả năng và có uy tín của nhà nước; nào là, anh còn người mẹ kính yêu, không lẽ lại lỡ lòng bỏ mẹ lại bơ vơ một mình…Dù chúng có dọa nạt, trước sau, anh cũng vẫn một mực chỉ khai như vậy. Còn lý do vào tòa đại sứ Pháp, anh nói là vào lầm chỗ. Anh định đến tòa đại sứ Roumanie để nhờ họ chuyển một chiếc khăn tay kỷ niệm cho một người bạn gái Roumanie; chứ anh không biết một chữ Pháp nào cả, vậy đến tòa đại sứ Pháp để làm gì…
Mãi cuối cùng, chấp pháp đưa ra hai tấm hình “photocopy”. Một tấm là của một tờ giấy…nháp lá thư anh gửi cho ông cậu. Tờ giấy này, anh đã xé nhỏ, bỏ trong sọt rác, thế mà, trong anh em sinh viên đã có người theo dõi ngấm ngầm, nhặt hết và ghép lại để “photo”, còn một tấm nữa là bức thư của ông cậu gửi cho anh (chúng đã bóc ra đem chụp, rồi dán lại như cũ, anh vô tình nên không biết). Vì thế, anh không còn chối cãi được nữa.
Anh đứng nhìn tôi, tôi nhìn anh. Trông anh mặt mũi cũng sáng sủa, có hai cái tai vều ra hai bên thật to như tai con dơi. Dáng anh cao cao. Tôi cứ tưởng tượng anh mặc áo “ba đơ suy”, đi đôi giầy cồm cộp. Chợt, tôi nhớ đến câu nói của tên Bí thư Chi bộ sinh viên Việt Nam ở Roumanie: …Anh phải về vì mẹ anh đã đau khổ nhiều. Khi cha anh đã hy sinh cho Tố Quốc, mẹ anh hãy còn quá trẻ…”. Vậy, bây giờ anh Lân đã trở về đấy, và chúng còn cho anh vào…”ấp” nữa. Chắc tên bí thư kia nghĩ rằng người mẹ đã rất vui mừng và tự hào có một người chồng đã hy sinh vì chống Pháp, và bây giờ, bà cũng rất hân hoan sung sướng, hả hê vì đảng đã bắt con bà, một tên phản động định chuồn ra nước ngoài. Phải cho nó cực khổ chết dần trong ngục tù (!).
Buổi tối hôm đó, đã muộn, tôi vẫn chưa ngủ được. Câu chuyện đời anh Lân vẫn còn làm đầu óc tôi bồng bềnh với nhiều ngả ngược xuôi của cuộc đời. Bỗng, đèn phụt tắt! Tiếng còi báo động lại hồng hộc, ùng ục như tiếng nấc nghẹn, rồi ré lên một hồi dài u ử. Tiếng rú hãi hùng của hồi còi chưa hết hơi, thì những tiếng nổ đinh tai nhức óc đã bắt đầu rền vang kéo dài. Những lằn chớp xanh lè cả bức tường trắng trước mặt. Tôi tung chăn ngồi bật dậy.
Lúc này những tên cán bộ ở Hỏa Lò đang chúi đầu vào “tăng xê”. Vậy là, tôi lại tha hồ thoải mái, kê hẳn một cái chăn lên sàn để đứng cho cao. Tôi đứng sát cửa sổ, nghiêng nghiêng ngó ngó ra ngoài trời. Cả một vạt trời phía Đông Bắc mầu tím thẫm. Từng chuỗi, từng chuỗi những dây chỉ bằng lửa, sợi to, sợi nhỏ, sợi cong cong thun thun, sợi thẳng tuột, vắt ngang, vắt dọc chọc tuốt lên bầu trời; trông nhiều lúc cứ như tuyết rơi vào một đêm Đông trên…màn ảnh ấy. Điều khác là những luồng sáng trắng lại rơi ngược từ đất lên trời và đủ màu xanh, đỏ, da cam, trắng bạc…Trong bức tranh “tuyết rơi ngược” ấy, vẫn có những luồng sáng trắng bạc vun vút chạy ngang, chạy dọc; có lúc quay vòng, vẽ lên những đoạn cung bằng lửa trắng, hoặc mầu da cam vàng ối, ánh cả vào trong xà lim của tôi. Đột nhiên, giữa màn tím thẫm ấy lóe lên một làn chớp làm lóa mắt, rồi một tiếng nổ tưởng đến xé tai của tôi. Một tiếng “choeng” ở ngay sân xà lim bật lóe ra những tia lửa xanh lè làm tôi giật mình, hụp vội đầu xuống, tưởng như một quả bom rơi. Tôi vừa gượng đứng lên, vừa mỉm cười tự chế nhạo mình, sao mà tôi can đảm thế! Thôi, tạm tha thứ, chỉ vì đầu óc đang quá say sưa nhìn ngắm bức tranh muôn mầu hào quang, nên đã không kịp phân biệt rõ ràng. Đó cũng chỉ là một phản xạ tự nhiên mà thôi.
Không khí đặc quánh lại, mùi mặn chua của thuốc nổ kích thích vị giác, khiến tôi thấy thèm thèm. Tự dưng cánh mũi tôi phập phồng, ngực tôi như to dần, rồi căng lên, hít sâu mãi vào cho đầy ắp hai buồng phổi cái mùi thuốc nổ say sưa ấy.
Chợt, chẳng hiểu vì đâu, tôi nảy lên trong óc một ý nghĩ, một ước muốn thì đúng hơn, len lỏi vào tâm tư là được một quả bom rơi xuống giữa sân Hỏa Lò! Có thể có nhiều người chết, kể cả tôi. Thế là hết cảnh đọa đầy! Nhưng chắc mũi tôi sẽ được hít ngửi mùi ngầy ngậy, mằn mặn chua chua ấy một cách thỏa thê.
Đột nhiên, một tiếng nổ lớn rất gần, ngay đâu đây. Tôi nhìn thấy những chiếc lá bàng rung giật lên, rồi rơi xuống một loạt. Có những chiếc lá còn xanh nguyên đang chao đảo lao xuống đất, dù gió chỉ nhè nhẹ, hiu hiu. Cả cái lưới thép tôi đang tì trán vào cũng rung lên. Tiếp theo là những tiếng lộp độp trên mái ngói, tiếng choeng choeng ở sân trong và sân ngoài. Phải nói, từ ngày tôi dọn sang buồng 11 tới nay, đã nhiều đêm, nhiều buổi tối, cả ban ngày, tôi đã được nhìn theo dõi những trận không tập của máy bay Mỹ, cũng như sức chiến đấu, chống trả từ mặt đất nhưng chưa có trận nào vừa lâu, vừa hứng thú như trận đêm nay.
Tôi đang mải mê đôi mắt, về góc trời hướng Đông, theo hai đốm lửa to mầu da cam chạy vùn vụt qua những sợi dây lửa xanh đỏ lao xuống đất với góc xiên độ 30 độ, thì một tiếng gào rít lên, tưởng như có sức đè đổ cả cây bàng, và làm sập cái xà lim tôi đang đứng, đến nỗi tôi vội vàng giơ một tay lên đầu như chống đỡ. Quả thực, có một luồng gió ào ào quạt qua những chiếc lá bàng giẫy lên đành đạch, rồi thốc vào xà lim, làm tóc tôi bay ngược ra phía sau.
Hơi hồi hộp mà thực say mê. Giá mỗi đêm có một trận thế này, thì cảnh đời ở xà lim đỡ sầu biết mấy! Tôi thấy hứng quá liền ho hai tiếng. Mãi một lúc, tôi mới thấy chị Bắc nhô đầu lên. Tóc chị rối bù, dáng dấp chị còn rụt rè, tôi buồn cười, viết mấy chữ hỏi:
- Đầu óc và mặt mũi chị làm sao thế?
Bàn tay của chị còn run run, viết nguệch ngoạc:
- Tôi sợ quá, phải chui xuống dưới gầm sàn!
Thực ra, trong lúc này máy bay bắn phá, đèn đóm trong Hỏa Lò tắt hết nhưng, nhờ ánh lửa của đạn, bom nổ chớp sáng bầu trời, ánh vào cả trong xà lim, nên chúng tôi cũng có thể trông rõ nhau. Tuy vậy, để dễ đọc ra chữ, tôi và chị đã phải viết nét lớn hơn, như thế một ý tưởng, một câu nói, phải viết lâu hơn, hoặc chỉ viết ý chính trong câu để người kia đoán hiểu ra.
Thấy chị viết trả lời như vậy, tôi thầm nghĩ thế mà chị lại nói chị không thiết tha gì đến sự sống nữa. Bây giờ, chị lại làm như vậy. “Nói dậy mà không phải dậy”. Câu này phải nói theo giọng miền Nam mới hay. Tuy nghĩ như thế, nhưng thông cảm vì dù sao, chị cũng là phụ nữ, đêm khuya, một mình một buồng trong xà lim án chém này. Máy bay gầm rú, súng, bom nổ rát ràn rạt, nhà cửa rung lên như trời sắp sập. Có khi mấy buồng kia, ngay đàn ông, cũng chui xuống gầm sàn, huống chi là chị. Vì vậy, tôi cười và động viên chị, đại ý là:
- Chị thử nghĩ xem, nếu bom rơi trúng, hay sát gần đây, dù có chui xuống dưới gầm sàn, tôi và chị cũng cứ dắt tay nhau cùng về bên kia thế giới. Còn như bom không rơi, việc quái gì phải chui vào gầm sàn cho khổ. Hãy như tôi, từ đầu trận đánh tới giờ, tôi nhìn say mê một bức tranh hào quang muôn màu. Bức tranh tuyệt vời ấy lại có cả âm thanh nữa. Ngoài ra, người họa sĩ lại vừa xóa đi, lại vừa chấm phết thêm nhiều nét mới. Cũng cùng một chiếc khung, nhưng luôn luôn biến đổi màn ảnh.
Thấy thái độ của tôi như vậy, chị cũng có vẻ đỡ sợ. Tôi quay ra sân, vì tai tôi chợt thoáng “nghe” tiếng chân người. Phải nói, do sự cảnh giác cao độ luôn sẵn có trong tiềm thức mình; nên tôi “nghe” được tiếng bước chân người, hoàn toàn là do “trực giác”; chứ làm sao mà “nghe” nổi tiếng bước chân đi, hay chạy, trong lúc đạn nổ, bom rơi ầm ầm ngoài kia!
Chà, tên Nhiễm. Y đang đi cúi đầu lao về phía trước. Y chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn, chạy như điên, chúi xuống cái hầm cá nhân ở một góc sân xà lim. Cũng may, y mải chạy, chả còn hồn vía đâu mà ngửng đầu lên. Giá ngửng lên, chắc y đã thấy tôi rồi. Tôi cũng hơi giật mình vì bất ngờ. Tôi không thể nghĩ đang lúc tên bay đạn nổ, lại có một tên cán bộ chạy vào như vậy… Lúc tôi quay lại, chị Bắc đã “biến mất” rồi.
Trận không tập này tương đối khá lâu, có lẽ gần hai tiếng đồng hồ. Như vậy, Mỹ phải huy động rất nhiều loại máy bay, ở nhiều tầng khác nhau, từ nhiều hướng khác nhau, thay nhau quần đảo với những bài bản của nghệ thuật không tập. Ngược lại, phía dưới đất chắc cũng phải “vãi” ra không biết cơ man nào là đạn, là tên lửa; cứ như bắp rang suốt gần hai tiếng đồng hồ, trong phạm vi ít nhất mỗi bề 20 cây số, như vậy là từ 4 đến 500 cây số vuông…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen