We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 60: Của “Chuột”, Và… “Người”!
ào một buổi trưa, tôi đang nằm chờ nguồn ánh sáng chiếu vào buồng như mọi khi, mắt tôi đang lim dim, lả lướt trong niềm suy tưởng về những nỗi chìm nổi của cuộc đời; bỗng tai tôi thoáng nghe một tiếng động khẽ, mơ hồ phía dưới nền căn buồng. Tôi hé mắt, liếc xuống: Chà, một chú chuột nhắt, bé tí tẹo, đang ngồi “xổm” dưới gầm sàn phía bên kia, hai… “bàn tay” bé tí tẹo, đang chụm lại đưa lên miệng, như đang gậm nhấm cái gì. Thấy tôi mở mắt ra nhìn, “y” định chuồn. Tôi phải hết sức im lặng, không dám cả thở mạnh, trong khi óc tôi suy đoán thật nhanh: phía cửa, cánh cửa sát xuống nền, “y” không thể ra vào được, chỉ một lối duy nhất, cái lỗ để nước chảy ra ở phía chân tường, chỗ đầu giường. Lỗ này chỉ lớn bằng mặt chiếc đồng hồ đeo tay, nghĩa là đường kính khoảng 2 phân rưỡi đến 3 phân là cùng, cái lỗ chỉ lọt một quả bàng ăn thông ra một cái rãnh phía ngoài tường.
Chắc rằng những “cơ sở” làm ăn cũ của tên chuột này bị động vì …cuộc băn phá của máy bay Mỹ, “y” chưa tìm được đất sống, cho nên tạm thời “y” phải lang thang thăm dò…vùng đất hứa. Thấy lỗ, “y” chui vào buồng tôi. Thật đáng buồn cho “y”. Đất “hứa” này chỉ có gạch, xi măng, đá với sắt, không có đến cả mùi thực phẩm nữa, nói chi đến hạt cơm rơi mà bò vào. Á! Thôi chết rồi! Vừa nghĩ đến cơm, tức khắc như một phản xạ lóe lên trong đầu, tôi bò nhổm dậy nhìn nắm cơm tôi để ở cuối sàn phía chân cùm. Dạ dày của tôi đã giặt sạch phơi khô từ 4 giờ chiều hôm qua cho tới giờ đã 20, 21 tiếng rồi. Tôi đang chờ đến 4 giờ chiều để được ăn một lúc cả hai suất. Với bao nhiêu hy vọng của lúc đợi chờ giờ hạnh phúc, mặc dù dạ dày đang dán chặt vào nhau, thế mà giờ đây, khăn bọc nắm cơm đã bị cắn thủng ra, cơm vãi tứ tung. Nhìn những hạt cơm vương vãi, ruột tôi như…đứt ra từng khúc! Chắc cũng phải mất đến ba, bốn chục…hạt cơm rồi, chứ không ít đâu!
Tôi cũng hơi ân hận vì thiếu điềm đạm. Thực ra khi nhìn thấy con chuột, một sinh vật, tôi cảm thấy trong lòng dâng lên một chút ấm cúng, bớt lẻ loi. Chính vì vậy, tôi đã không dám trở mình, không dám cả thở mạnh, sợ con chuột chạy đi mất. Tới lúc, bất chợt phát hiện nắm cơm, tôi không còn kịp bình tĩnh nữa, vội bò nhỏm dậy, khiến cho chú chuột đã phải cong đuôi chuồn vào lỗ mất tiêu; để rồi bây giờ, vừa tiếc…cơm, vừa tiếc phút gặp gỡ…”người bạn” mới quá ngắn ngủi.
Tôi chợt thoáng có ý nghĩ, có thể con chuột ấy sẽ trở lại nữa?…Nếu vậy, làm sao bắt được nó, thì thật là tuyệt vời! Dù rằng đối với tôi lúc này, cơm gạo là xương, là máu, tôi cũng quyết định hy sinh mỗi ngày hai mươi hạt cơm cho “người bạn”, để đổi lấy sự sống chung bạn bè, để cuộc sống đỡ cô đơn, heo hút, lủi thủi một mình.
Con chuột nhắt này xem ra cũng quái lắm! Chân tôi lại bị cùm, tay không thể với tới cái lỗ dưới nền phía đầu giường. Làm sao đây để bắt con được con chuột này? Người và vật, ai khôn hơn ai? Nhưng, tôi cũng biết rằng khôn hay dại, còn phụ thuộc vào cái thế nữa. Tôi nằm hoạch định một kế hoạch thật tỉ mỉ để khắc phục những nhược điểm về cái thế của mình. Làm sao phải thật nhịp nhàng ăn khớp với nhau.
Trưa mai tôi sẽ cố ý để lại mươi hạt cơm ngay dưới nền, ở mãi phía trong, xa cái lỗ, mãi chỗ sát cửa ra vào. Trên sàn, tôi vờ nằm ngủ, tay thủ sẵn cái chổi thanh hao,cầm ngược phía đuôi chổi. Chờ cho chú chuột mò vào, tôi chỉ cần rất nhanh vươn người, đút chặn phía cuống chổi bít cái lỗ, con chuột sẽ không còn lối ra nữa. Dù vậy, tôi cũng khó bắt được nó. Chân ở trong cùm, nếu nó chạy về phía gầm sàn bên kia là ngoài tầm tay của tôi rồi. Như vậy, làm sao giải quyết? Khi cán bộ mở cửa, cán bộ thường hay rút chốt cùm trước. Vậy, tôi chỉ rút chân ra rất nhanh, nhảy ngay xuống trấn phía cửa, để cho con chuột phải vào phía đầu giường. Khi cán bộ mở cửa, mình kéo dập vào, rồi với một cái vồ lẹ, nhưng chính xác là sẽ bắt được. Kinh nghiệm vồ chuột, dù anh nhanh tới đâu, nhưng nếu cứ nhằm con chuột mà vồ, thường là trượt, hầu như không bao giờ được. Phải phán đoán con chuột sẽ chạy, chồm về phía nào, rồi vồ cách con chuột chừng 20 tới 25 phân. Nếu đoán trúng hướng chạy của chuột là vồ trúng (với điều kiện không sợ chuột cắn). Chỉ trong một phút này, cán bộ sẽ lại mở cửa và quát hỏi. Vậy, phải làm sẵn một sợi dây chỉ dài, se 6 lần thật bền, buộc sẵn thòng lọng một đầu; đầu kia cũng buộc sẵn vào cái cột chống sàn bằng xi măng, để khi bắt được chuột, xích nó lại ngay.
Cả buổi sáng hôm sau, tôi tính toán mọi việc với con chuột tinh ma này! Cho tới giờ trưa như mọi khi, tôi lại nằm lim dim, thỉnh thoảng he hé đôi mắt liếc nhìn cái lỗ. Tay tôi đã thủ sẵn cái chổi. Thế mà lúc đợi chờ cũng thấy hồi hộp lạ lùng. Tai tôi cũng vểnh lên nghe ngóng, đôi mắt thì hấp háy, lúc mở, lúc nhắm. Mười phút, hai mươi phút, rồi bốn mươi phút trôi qua, không thấy động tĩnh gì cả. Phải chăng con chuột đã biết tôi đang giương bẫy chờ nó? Hay hôm nay, nó kiếm được món ăn khác, nhiều và ngon hơn? Tôi đang phân vân, đã hơi nản lòng đợi chờ, bỗng thoáng nghe một tiếng động rất nhẹ. Ánh sáng chỗ cửa lỗ hơi tối đi, rồi mấy sợi râu thò ra thụt vào. Tôi như nín thở. Một chiếc mũi đỏ hỏn bé tí, rồi cả cái đầu thò ra. Đúng chú chuột hôm qua rồi. Xin mời bạn vào đây. Tôi xin lấy tình bạn bè đối xử. Tôi không làm hại bạn đâu!…Thái độ của con chuột hôm nay thật rụt rè. Nó cứ bước đi vài bước, lại dừng, nghểnh đầu, vểnh tai, nghiêng ngó về phía tôi. Hình như nó cảm thấy, hay ngửi thấy một không khí bất an. Có lẽ mắt, nhưng phải nói là mũi của nó đã ngửi thấy mùi thơm ngon ngất ngây của những hạt cơm đang mời gọi phía cửa ra vào. Biết là nguy hiểm, mất an ninh, nhưng vì dạ dày lép, miếng mồi lại mời gọi, làm cho nó mờ mắt, chân cứ tiến dần vào. Tôi bật dậy như một cái máy, chít ngay đầu cuống chổi vào cái lỗ, lối ra duy nhất của con chuột. Con chuột quả có khôn. Dù chưa thử,
nhưng nó cũng biết ngay là không còn chỗ nào thoát ra, ngoài con đường duy nhất đó; vì vậy, nó chồm ra, cứ định chui đầu vào cái lỗ đã bị đầu cuống chổi của tôi bịt kín. Dĩ nhiên là không chui vào được.
Mãi một lúc, nó hiểu rằng không còn cách nào nữa, nó sắp bị bắt rồi. Nó rút vào gầm sàn phía bên kia, quay lại nhìn tôi bằng con mắt, tôi đoán là vừa khiếp sợ, lại vừa tức giận. Ngược lại, tôi nhìn nó bằng con mắt…hữu nghị, bạn bè; nhưng chẳng biết nó có hiểu như vậy không? Giữa lúc ấy, chốt cùm tôi xoạch mở. Đã chuẩn bị từ trước, lẹ như chớp, tôi chồm xuống đất chận ngay phía cửa, vì tôi nghe tiếng then cửa đã rút để mở cửa. Trong hoàn cảnh cấp bách từng giây, con chuột tuy bé tí, nhưng vì thấy thế nguy, nhảy những cú nhảy bật lên như lò xo, rất cao. Thậm chí, nó quýnh quá, nhảy cả lên sàn cao đến 60 phân. Tôi vồ cú đầu, trượt! Lợi dụng ngay cái đà đang xiêu đi của cú vồ trượt, tôi lẹ tay vơ một cái như bắt ruồi. Thế mà lại trúng ngay chú chuột. Nó nằm gọn trong tay tôi, đầu ngút ngắc tìm thế cắn.
Đang lúc đó cửa mở, tên Dư thò đầu vào quát:
- Anh làm cái gì đấy?!…
Mắt y mở to vừa ngạc nhiên, vừa bực tức. Tôi vội vàng vừa cho chân con chuột vào sợi chỉ tôi đã buộc thòng lọng sẵn, cột chân nó lại, vừa thở hổn hển trả lời rời rạc:
- Thưa ông, tôi…vồ con chuột!
Y nhìn con chuột rồi nhìn tôi; lúc đầu, y có vẻ khó chịu, mắt quắc lên; nhưng sau, ánh mắt của y dịu dần xuống như thông cảm với cái tính còn trẻ con của tôi, y chỉ dấm dẳn:
- Đập chết, rồi vứt vào nhà xí kia!
Tôi ôm bô ra, vừa khẩn khoản:
- Thưa ông, tôi buồn quá! Ông cho phép tôi nuôi nó mấy ngày thôi, chứ tôi có cơm đâu mà nuôi nó lâu?
Chắc y thấy rằng con chuột bé tí teo, chẳng hại gì. Hơn nữa, như tôi đã nói qua, y cũng thông cảm với tôi chút ít; vì vậy y chẳng nói có đồng ý hay không, chỉ giục tôi đổ bô mau lên.
Tôi tỏ vẻ rất ngoan ngoãn, chạy vội vào đổ bô, tráng xong, báo cáo ra liền. Tôi mang bô vào buồng, lại trở ra lấy cơm ngay, vì đã có cơm rồi.
Sau khi cùm đã chốt, cửa đóng, tôi cảm thấy căn buồng như ấm cúng hẳn lên. Sau nhiều ngày đêm heo hút một mình, hôm nay, tôi có “người bạn” mới, người bạn đầy tin tưởng. Dù tôi có ăn nói linh tinh điều gì về tư tưởng, tôi cũng chẳng lo gì về hậu họa, cho nên tôi sẵn sàng hy sinh mỗi bữa mươi hạt cơm, không hề ân hận.
Trước khi ăn, tôi lấy một hạt cơm ném cạnh nó như một cử chỉ mời mọc. Nó nghiêng cái đầu bé tí, ngó bằng con mắt lấm lét. Hai cái tai và hai mắt nó cứ giương lên, cụp xuống tỏ vẻ sợ sệt, chưa yên tâm. Vì vậy, hạt cơm vẫn để đấy, con chuột không ăn. Tôi vừa ăn, vừa thỉnh thoảng lại nhìn con chuột. Nó cũng nhìn tôi, rồi lại nhìn hạt cơm, nhưng nhất định không ăn. Dành cho nó dăm hạt cơm, còn tôi chén hết.
Sau khi trả bát rồi, giờ đây thật yên lặng, chỉ còn con chuột với tôi. Tôi chẳng tìm được cách nào để nói cho nó biết, hiểu được lòng tôi đối với nó là hòa bình, hữu nghị, chỉ là tình bạn bè, hai bên cùng có lợi… Hàng mấy tiếng đồng hồ, cứ ngồi nhìn con chuột lại đăm chiêu suy nghĩ, mong tìm ra một lối giải quyết, để có một cuộc sống chung hòa bình giữa người và…chuột. Vô kế khả thi, nản lòng, tôi đành nằm xuống đi ngủ, sau khi bỏ nốt mấy hạt cơm xuống nền nhà, gần bên nó.
Chợp mắt được một lát, tôi giật mình thức dậy. Nhìn xuống chỗ con chuột, thấy nó vẫn ngồi chồm hỗm, ngước đôi mắt tí hin lên nhìn tôi, những hạt cơm vẫn còn nguyên trên sàn. Có lẽ nó không ngủ? Tôi mặc kệ, lại nhắm mắt ngủ tiếp. Tôi nghĩ, rồi trước sau gì nó cũng phải ăn cơm. Nó cũng là một sinh vật như tôi; nếu mai không ăn, thì ngày kia sẽ phải ăn. Tôi thoải mái đi vào những suy tư của riêng mình.
Sáng hôm sau, khi tôi mở mắt ra, nhìn xuống nền nhà, con chuột đã …biến mất rồi, cả những hạt cơm cũng bay hết; chỉ còn một đoạn chỉ ngòng ngoèo, chơ vơ nằm đó. Chà, tôi thật là ngố, và đánh giá quá thấp “người bạn” mới này. Chuột mà cắn, chỉ gì lại không đút; trừ có giây kim loại thôi. Thế mà sao tôi không nghĩ ra. Thật là tiếc công, lại tiếc cả người bạn chưa thân đã bỏ nhau rồi. Anh bạn ra đi, vẫn không quên chén sạch mấy hạt cơm của tôi… mời.
Bây giờ, chắc gì nó trở lại nữa. Dù vậy, trưa hôm sau, tôi vẫn để lại mấy hạt cơm, cho nó thấy mồi, biết đâu nó lại vào nữa thì sao? Mãi gần mười ngày sau, tôi đã tưởng không bao giờ trông thấy nó nữa, thì cũng vào một buổi trưa, không khí cuối Hạ vẫn còn oi nồng, tôi đang nằm mơ màng chờ giờ cơm chiều, mắt lơ đãng nhìn đây đó chẳng có một chủ định gì, từ chiếc cửa sổ nhỏ, đến chiếc cùm; rồi chợt nhìn đến chỗ mấy hạt cơm dưới nền nhà, tôi thấy đã biến mất. Ngồi bật dậy, tôi đưa mắt nhìn quanh kỹ hơn, không một âm thanh, dù nhỏ bé. Xà lim vẫn yên ắng như tờ. Vậy là chú chuột đã trở lại? Hay một chú chuột khác? Thế là, tôi quyết định ngày hôm sau lại chủ ý rình.
Trưa hôm sau, cũng mấy hạt cơm làm mồi, và như lần trước…tôi lại tóm được chú chuột ngày xưa ấy.
Có thể thời buổi khó khăn, nó đã tha phương cầu thực nhiều nơi, nhưng vẫn không tìm được nguồn sống, trừ căn buồng của tôi. Tuy đã bị bắt một lần và đã …đào thoát được, (chắc lúc nó thoát, đã tự hứa sẽ “cạch” đến già, không bao giờ trở lại cái buồng của tôi nữa…)
Nhưng, khốn thay, mò mẫm đến đâu cũng chẳng có gì đút bụng; cho nên, vì sự sống còn, biết là đầy dẫy hiểm nguy, nó cũng đành phải xông vào chỗ chết để tìm cái sống vậy. Và, lại rơi vào tay tôi. Âu là, dù khôn, dù biết, nhưng vẫn không tách rời khỏi điều kiện,
Lần này, tóm được nó, tôi không thể nhân nhượng, tôi không thể để nó có một điều kiện nào thoát khỏi tay tôi một lần nữa. Vì thế nên khi ra trả bát xong, và sau khi đã bị cùm, khóa đâu vào đấy rồi, tôi cúi xuống cầm sợi dây, kéo vào, lựa thế chộp nó. Nó lồng lộn, tìm cách vuột ra, nhưng làm sao được, chân đã bị buộc rồi. Nắm chặt nó trong lòng bàn tay, nhìn đôi mắt thất thần của nó, tôi lịch sự:
- Chỉ vì tôi muốn sống chung với “bạn”, vậy bạn vui long cho tôi mượn bạn…hai cái răng cửa!
Tôi hiểu rằng, nếu nói được tiếng người, chắc chắn nó sẽ phản đối kịch liệt. Đời nào nó lại đồng ý với cái lý do kỳ khôi ấy. Khốn, đây cũng là cái lý của kẻ khỏe trên cõi đời này mà. Thế là tôi vặn nghiến hai cái răng của nó. Từ nay đừng hòng cắn dây buộc để thoát cũi, xổ lồng nữa nhé…!
Người và vật ở với nhau, mãi rồi cũng thành quen. Nó không còn sợ tôi như buổi ban đầu nữa. Thậm chí, đã có lần tôi cho nó rúc cả vào bụng tôi. Cuộc sống của tôi, kể từ ngày có nó, thấy ấm cúng hẳn lên…
Tối nay, cũng như mọi tối, tôi đang ngồi đùa bỡn, chuyện trò với…con chuột, đột nhiên súng nổ như bắp rang, xen lẫn những tiếng ùng ục rung trời chuyển đất. Hôm nay đặc biệt không có còi hụ, như vậy, Mỹ đã có một phương pháp nào đó để đánh lừa màng lưới “ra đa” của Cộng Sản. Chiếc cánh cửa xà lim rung lên bần bật như trái đất rùng mình. Con chuột hôm nay hình như cũng sợ quá, chui mãi vào chỗ rốn của tôi, Cái tay nó cứ ngọ nguậy, nhất là những cái lông mõm của nó cứ chà đi xát lại, da bụng của tôi làm tôi nhiều lúc nổi da gà, nhưng cũng thật…đê mê.
Đèn bỗng phụt tắt. Không biết đường dây điện bị đứt, hay nhà máy điện bị đành? Cả tiếng loa vẫn hồng hộc quát tháo om xòm bây giờ cũng câm bặt. Trời tối đen như mực. Những ánh chớp nhấp nháy xanh lè liên tục với những tiếng đạn nổ, bom rơi. Tôi rất tiếc là cái chân bị cùm, và tôi phải ở xà lim, chứ lúc này mà được nhìn ra ngoài trời, hẳn là như được dự một đêm hoa đăng muôn hồng, nghìn tía của ánh hào quang.
Hơn một tiếng đồng hồ sau, còi hụ mới báo an, nghe ư ử như con bò cái gọi đực kéo dài.Vừa ngắt giọng như hết hơi thì súng và bom lại nổ tơi bời; những làn chớp lại nhấp nháy liên hồi như trong quán rượu nhảy đầm vậy.
Tôi không thể tưởng tượng được đạn của Cộng Sản ở đâu mà nhiều thế. Không biết bao nhiêu khẩu pháo bắn “liên chi hồ điệp”, không lúc nào ngừng, tưởng như vỡ cả bầu trời Hà Nội ra! Mà dạo này, mật độ của máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội càng nhiều hơn. Có đêm 3, 4 trận; có ngày liên tục không biết bao nhiêu trận. Có khi lại bẵng đi cả nửa tháng yên lành; rồi lại sùng sục đạn réo, hỏa tiễn bay và máy bay rơi, cũng như tơi bời người chết. Tôi hiểu, Mỹ đã dùng nhiều chiến thuật, nhiều thủ đoạn để đánh Hà Nội nói riêng, và miền Bắc nói chung. Nhưng, như tôi đã trình bày ở trên, Cộng Sản đã nghiên cứu được hết. Tình trạng này, cũng giống như kẻ đi buôn lậu, với lính “đoan” bắt hàng lậu. Người buôn lậu mỗi khi tìm cách giấu hàng mới, chỉ thoát được chuyến đầu. Sau, làm nữa, thế nào cũng bị lộ tẩy.
Hôm nay, là Chủ Nhật. Mãi gần 9 giờ, mới có cán bộ vào mở các buồng cho ra rửa. Đến lượt tôi, qua cách mở cửa, mở cùm, tôi đã biết là cán bộ lạ. Khi bưng bô ra khỏi cửa, tôi mới biết đó là tên Ba. Tay này rất lầm lì, ít nói. Y là trung sĩ, người Nghệ An, trước đây đã có thời gian trực ở xà lim III.
Lúc tôi mang bô vào, y đang ở trong buồng tôi. Y trừng mắt nhìn tôi, tay chỉ con chuột:
- Chuột nào đây?
- Thưa ông, nó chui vào buồng, nên tôi bắt nó!
- Ở trong này, ai cho anh nuôi chuột?
- Tôi thấy nó bé ti, nên buộc nó chơi cho đỡ buồn…
Y gằn giọng quát:
- Đập chết, vất ra ngoài!
Thấy y nổi nóng, tôi mềm dẻo trình bày:
- Thưa ông, tôi đã buộc, nuôi nó hơn nửa tháng nay rồi. Nó không làm ảnh hưởng gì đến xà lim cả ạ.
- Không được! Anh có nghe lệnh của tôi không?
Thấy tình hình căng, vì tiếc con chuột, dạo này đã quen tôi, nên tôi cố nằn nì:
- Xin ông thông cảm, ngày mai tôi sẽ giết nó, ném vào nhà xí!
Y quay lại tôi, xửng cổ:
- Bỏ chân vào!
Tôi ngồi ghệ vào sàn, rồi bỏ chân vào cùm. Y trở ra bên ngoài cửa, chốt cùm. Rồi y xồng xộc đi vào, lấy chân đạp mạnh vào con chuột. Tim tôi như thót lại. Con chuột rất lanh, nhảy tránh được. Y càng tức, co chân lên rồi đạp xuống lung tung nhiều lần. Vì bị vuớng sợi dây “oan nghiệp” mà tôi đã buộc vào chân nó, cuối cùng nó không tránh được. Nghe đánh ‗bẹt” một tiếng. Tôi nhìn con chuột ruột bị phòi ra; hai con mắt tí hon như hai hạt cườm đen trắng long lanh phọt hẳn ra ngoài, long thòng hai chân, hai tay nó run lên bần bật, rồi uể oải dần, cho tới khi ngừng hẳn.
Một luồng hơi nóng chạy ngược từ dưới cổ tôi lên trên mắt. Tôi nhìn tên cán bộ! Tôi muốn y phải giống như con chuột. Nhưng, chợt nhìn thấy cái chân mình trong cùm, rồi lại nghĩ đến cái thế của mình lúc này, tôi thấy như có một gáo nước lạnh dội vào đầu. Tôi đành cụp mắt xuống! Trước khi quay ra, đóng, khóa cửa, y còn ngoái lại nhìn tôi bằng đôi mắt lừ đừ khiêu khích.
Thân tôi thật hèn! Không bảo vệ được cho ngay… một con chuột. Cửa đã đóng lại, tôi nhìn xác con chuột bẹp dí, ruột gan lòi cả ra ngoài mà thấy như ruột gan mình cũng tìm dần lại.
Cái chết của con chuột, làm tôi suy nghĩ và buồn đến mấy ngày; liên tưởng đến cuộc đời, gia đình, xã hội. Bao nhiêu vấn đề đang diễn tiến, đổi thay, thế mà thân mình vẫn cứ nằm dài một chỗ nhìn ngày tháng dần qua… Đã ba năm bốn tháng rồi, nhìn về ngày mai, chưa biết đến bao giờ! Cái khổ cực kinh khủng nhất là cái chân cứ lằng nhằng ở trong cùm. Ngay đến nằm, hay ngồi, cũng còn không được tự do nữa, nói chi được ra ngoài, đi lại. Ở miền Nam, bao nhiêu cuộc đảo chính, bao nhiêu biến thiên, vũng lên… đồi, đồi thành… vũng! Bạn bè, thân thuộc ai còn, ai mất, ai lên đồi, ai xuống vũng? Trong khi quân đội Mỹ kéo vào ùn ùn. Một nỗi ngổn ngang trăm mối trong đầu.
Con chuột, “người bạn” mới, chết đi làm tôi rầu rĩ, nặng nề; rôi quên bẵng đi những nguyên tắc sống mà chình mình đã tự đề ra. Mấy ngày qua, lòng tôi cứ héo hắt, âu sầu. Tôi chợt nhớ đến một câu hát “Que sera sera! What ever will be …will be!”, phải rồi. Lúc này hãy buông trôi nó, có suy nghĩ mãi, cũng đâu giải quyết được gì! Tôi lại nhớ đến một ý thơ của Thâm Tâm, nhưng lộn xộn trong đầu:
“Mẹ thà coi như giấc ngủ ngày, “Tình thà coi như…khói thuốc say, “Em thà coi như chiếc là bay, “Nước thà coi như…bát cơm đầy…”.
Nhưng, tôi hiện giờ, cũng chỉ được hưởng giấc ngủ ngày: còn khói thuốc say và nhìn lá bay thì đâu có! Chứ bát cơm đầy, thì bao giờ mới được hưởng?…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen