Người mà cố gắng rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với người không cố gắng gì cả và thành công.

Lloyd James

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 59: Hà Nội Ăn Bom.. Xã Hội Chủ Nghĩa Sẽ Ra Sao?
ùa Hè đã chập chững bước tới. Đã có những chú ve sầu dậy sớm, sau một giấc ngủ dài Đông Xuân, đang nỉ non khóc tiếc thương giấc ngủ chưa được đã đầy. Hàng năm, tôi chẳng muốn cho những con ve sầu ngủ. Chúng ngủ, tức là mùa Đông đến. Mà mùa Đông, tôi ghét cay ghét đắng, chỉ vì những ngón chân, ngón tay của tôi, mùa Đông nào cũng sưng, nhức, buốt, và tôi cứ phải đêm ngày nằm trên sàn xi măng lạnh như giường nước…đá; bụng lại không đủ nhiệt, với quần áo hai mảnh bằng vải mỏng và một chiếc chăn đơn. Tôi nghĩ rằng chỉ cần một chút mỡ hay một chút đường hàng ngày, chân tôi đã không bị sưng. Hai thứ đó thật có nhiệt nhiều. Hoặc được ăn no chất bột, tôi cũng có nhiệt để chống lạnh rồi. Cho nên, tôi sợ mùa Đông lắm. Dù sợ như vậy, nhưng năm nào cũng phải đón nhận một lần, đến nỗi tôi coi mùa Đông là biểu tượng của sự lầm than, bất hạnh trên cõi đời này. Tôi nhớ đển một ý tưởng, không nhớ đã đọc được ở đâu, về mùa Đông, nhiều khi tôi buột miệng ngâm vang thành lời trong xà lim.
“Bạn đường ơi! Sắp hết lạnh rồi gió Bắc với mưa Đông. Để không bao giờ còn thấy bóng mây sầu vương vất nữa. Bạn ơi, nào có được!”.
Phải rồi, đó chỉ là một ước mơ, nào có được trong thực tế chữ cuối cùng thành “Rồi phải được!”, để tin tưởng, để hy vọng chứ!
Sáng hôm nay, cũng như buổi sáng khác, tôi đang ngồi đợi tới lượt mình ra đổ bô, bất chợt tiếng còi hụ báo động của thành phố rú lên dai lê thê, ư hử từng hồi rùng rợn, làm nghẹt tim mọi người.
Tên Dư quát ầm lên giục buồng số 7 vừa ôm bô ra, phải vào ngay. Y khóa cửa lại. Chắc y chạy ra hầm trú ẩn cá nhân đào ở một góc sân xà lim. Chỉ có một lỗ duy nhất cho y.
Một không khí khẩn trương, hồi hộp tràn khắp mọi nơi. Tiếng loa oang oang, rành rọt:
“Quân và dân toàn thành phố chú ý! Một tốp máy bay địch từ hướng Tây Bắc, khoảng cách X, độ cao M. Một tốp hướng Đông Nam, khoảng cách Y, độ cao R. Các khẩu đội chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu theo phương án K. Binh chủng “Tên Lửa” theo phương án G. Binh chủng Không Quân theo phương án H…”
Bắt đầu đạn nổ, bom rơi như pháo ran khắp cả bầu trời. Thỉnh thoảng những làn chớp nháy xanh lè với những tiếng ùng ục làm run rẩy không gian. Cánh cửa buồng tôi rung lên những tiếng bần bật, như động đất. Những tiếng lộp độp, choeng choeng rơi trên mái ngói, rơi ngoài sân xà lim. Mùi khét lẹt nồng nặc của thuốc súng. Mùi hăng hừng hực của lửa cháy. Thỉnh thoảng nghe râm ran tiếng khóc ở phía bên ngoài, xa xa. Xen vào đấy, đôi lúc, tiếng loa như gào lên:”…Một máy bay “Con Ma” bị tan xác phía Bắc Hà Nội. Hai “Thần Sấm” bị đứt đôi ở phía Nam, v.v… và v.v….”.
Lẫn vào những âm thanh náo động là những tiếng bồm bộp, như người cầm que đập vào cái thúng úp vậy. Tôi không thể suy đoán được, đó là tiếng gì. Mãi sau này, khi nghe trên loa nói nhiều về “bom bi”, tôi mới hiểu đấy là tiếng nổ của “bom bi”.
Tâm trạng của tôi lúc này thật lửng lửng, lơ lơ vì nhiều ý nghĩ đối nghịch: Trong xà lim, những người không bị cùm có thể sẽ chui vào dưới gầm sàn xi măng để núp. Còn tôi, chân trong cùm, chỉ cần một quả bom nổ gần làm gạch ngói rơi đè cũng đủ chết rồi, vì nằm phơi ra đấy. Nhưng, tôi cũng chẳng lo lắng gì. Nếu có phải vậy, cũng được, chẳng có gì để tiếc, hận. Trong khi ấy, tôi hiểu, các cán bộ ở Hỏa Lò đều đã chui xuống hầm, tùy theo nơi quy định gần chỗ làm việc của chúng. Tuy vậy, thỉnh thoảng, ngay trong Hỏa Lò, tôi cũng nghe thấy mấy tràng trung liên và đại liên, như thế cũng có người chiến đấu. Qua loa phóng thanh, hàng ngày chúng vẫn nói là khi máy bay địch vào bắn phá, mọi người quân cũng như dân, tùy theo điều kiện, trên mái nhà, trên ngọn cây, có súng gì dùng súng ấy, hãy nhắm thẳng vào máy bay địch mà bóp cò.
Tôi hiểu, đây là một phương pháp tâm lý rất tinh vi để động viên tinh thần chiến đấu của toàn dân, chứ chúng biết thừa, súng cá nhân mà bắn máy bay phản lực, thì…rất ư là ít kết quả; nhưng chúng được một cái khác to lớn để lòe bịp nhân dân thế giới: Đó là tinh thần chiến đấu dũng cảm và thần kỳ của…toàn dân.
Tôi lửng lơ, man mác nghĩ suy và khi thấy máy bay vào phá thủ đô Hà Nội, tôi không thấy mừng, không thấy lòng dâng lên một chút niềm tin hay hy vọng gì. Bởi vì, tôi hiểu, dù sau đấy máy bay Mỹ bắn phá như thế nào chăng nữa, cũng không giải quyết được vấn đề. Mỹ và thế giới bên ngoài chưa hiểu rõ thực tế xã hội Cộng Sản, nhất là Cộng Sản Bắc Việt Nam!
Tôi hiểu từ trước tới nay, các nhà chiến lược, các tư tưởng gia về quân sự của Mỹ đã đánh giá một xã hội, một thành phố theo cách nhìn từ ống kính của những nước tư bản. Mỹ nhìn như vậy về một nước tư bản như Anh, Pháp, Nhật, hay Hòa Lan, Bỉ, v.v…Mỹ đánh giá rất đúng, rất chính xác, nhưng với Cộng Sản, nhất là Cộng Sản Bắc Việt Nam, thì hoàn toàn sai! Sai ở những điều kiện và yếu tố sau đây:
- Vì Hà Nội là một xã hội Cộng Sản, cho nên chúng đã điều hành được một cách hữu hiệu vì di tản và sơ tán, nhất là Mỹ lại đã báo trước sẽ đánh đến đâu, đánh đến mức độ nào. Cho dù không báo trước sẽ đánh đến đâu, đánh đến mức độ nào. Cho dù không báo trước, với cái xã hội tự do “không đúng lúc” của Mỹ, phía Cộng Sản đã biết nhiều vấn đề này ngay từ trước. Tôi nói “tự do không đúng lúc” có nghĩa là lúc hòa bình, tự do như thế là nhất; nhưng khi có chiến tranh, lại vẫn như thế, thì không biết còn gì để gọi nữa. Luôn luôn có những cơ quan, hoặc báo chí vạch áo cho…Cộng Sản xem lưng rồi! Tóm lại, tất cả mọi thứ gì cần thiết, chúng đã đem về vùng quê, vào núi, vào rừng, kể cả những cơ quan trung ương, kể cả dân chúng. Còn ở lại, chỉ toàn là những người trực tiếp bắn máy bay Mỹ, hoặc những người phục vụ chiến đấu mà thôi.
- Nhà cửa, và những công trình trên miền Bắc: Ngay thủ đô Hà Nội, cũng chỉ toàn những ngôi nhà nhỏ, đã cũ, mục từ mấy chục năm rồi; có bị tàn phá đổ xuống, cũng là khỏi phải mất công phá đi để làm lại mới. Còn ở ngoại ô, hầu như toàn nhà lá, cũng nho nhỏ như những chiếc lều. Ở các tỉnh, ngay ở thị xã, cũng chỉ nửa cây, nửa lá, nghĩa là nhà tranh vách đất. Nói chung, tất cả mọi phương diện sinh hoạt xã hội thật nghèo nàn, không có gì đáng kể cả. Chỉ duy nhất có một cái lại vô cùng giàu có, vô cùng to lớn, vô cùng hiện đại, đó là vũ khí.
Đây là một vấn đề lớn của chế độ Cộng Sản mà hiện nay nhiều nước, nhiều người nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ được. Hoặc lại hiểu sai, theo cách suy nghĩ, theo cách nhìn của những nước tư bản. Chính vì thế, Mỹ cứ ném bom bắn phá một đợt, một giai đoạn, rồi lại ngừng để nghe ngóng xem Cộng Sản Bắc Việt đã sắp chết chưa; đã sắp phải van vái Mỹ xin tha cho chưa. Mãi không thấy gì, Mỹ lại ném bom, bắn phá ác liệt hơn nữa; rồi lại ngừng để … nghe. Bởi vì, theo cách suy lý của Mỹ, Cộng Sản làm sao chịu nổi nữa. Rồi, mãi Mỹ cũng chả thấy thái độ hoang mang khiếp nhược của Cộng Sản. Chúng vẫn trơ trơ, thậm chí, các mặt trận ở miền Nam của chúng lại càng có sức đánh mạnh hơn. Người hoang mang bây giờ không phải là Cộng Sản, mà lại chính là Mỹ. Chính vì Mỹ đã không hiểu được kẻ đang phản đối đầu với Mỹ.
Nếu những phi vụ, những quả bom, những hỏa tiễn ấy đến bắn phá một thành phố, hoặc một cơ xưởng, nhà máy của Pháp, Ba Tây, hay Na Uy, v.v… chẳng hạn, thì đáng giá đồng tiền bát gạo. Nhưng, mang đánh phá ở miền Bắc thì thật là phí. Tôi dám quả quyết rằng, trừ sự cá biệt nào đó không kể, còn thường thường, một quả bom, một chiếc hỏa tiễn sau khi nổ, nếu nói về kinh tế, chỉ phá được một, hai, ba..phần trăm. Nghĩa là, tiền để chế tạo ra quả bom ấy, chiếc hỏa tiễn ấy còn đắt hơn nhiều lần cái mà nó phá được. Thế mà, Mỹ càng ném bom nhiều, càng bắn phá nhiều, đối với thế giới, Mỹ lại càng mất thế về mặt chính trị nhiều. Những túp lều tranh, hoặc nhà cửa bằng gỗ, bằng cây, bom bỏ cháy vùng, mấy hôm sau lại làm lại cái khác; trong khi máy bay Mỹ các loại, bị lưới lửa phòng không dày đặc, đến nỗi Mỹ phải kêu lên là, trong Thế Chiến Thứ II cũng không có nơi nào dày và ác liệt như vậy. Cho nên, dù người phi công Mỹ rất dũng cảm, dù nghệ thuật lái máy bay điêu luyện, dù nhiều kế hoạch kỹ thuật đánh phá tân kỳ, nhưng máy bay Mỹ rơi rụng cũng nhiều vì phòng không hiện đại của Cộng Sản.
Phần khác, hầu như các loại tính năng ưu cũng như khuyết của các loại máy bay Mỹ vào đánh phá miền Bắc, thậm chí có những loại mãi sau này, gần cuối, mới vào đánh như F-111A, hàng ngày trên loa, chúng đã ra rả, đọc vanh vách, khiến dân chúng bình thường cũng biết rồi. Cho nên, hễ Mỹ sắp sửa có một loại máy bay tối tân mới ra lò nào, chuẩn bị dùng ở miền Bắc, chúng đã biết đầy đủ tính năng, chúng đã yêu cầu Liên Xô cung cấp ngay loại vũ khí để hóa giải. Mặt khác, chúng chỉ dẫn cho bộ đội chiến đấu cố tránh, hoặc hạn chế những cái ưu của loại máy bay đó; ngược lại, hãy nhắm vào chỗ nhược và biết cách khoét thêm vào cái nhược này mà nện vào.
Tôi chưa nói những thiệt hại về mặt vật chất, khi đối phương đã biết rõ những loại vũ khí của đối thủ, riêng về mặt tinh thần, Cộng Sản đã có được một cái lợi to lớn. Khi thấy trên đài, trên báo đọc đi đọc lại vanh vách tính năng chi tiết từng loại vũ khí, cũng như máy bay tối tân của Mỹ, quân cũng như dân tự nhiên thấy một niềm tin vững mạnh vào sự lãnh đạo sáng suốt, của nhà cầm quyền Cộng Sản, và đồng thời tự hiểu dù vũ khí của Mỹ nguy hiểm tới đâu, một khi đã biết rồi, còn gì đáng sợ nữa; mà chỉ càng kính phục sự tài ba hiểu biết của giới lãnh đạo. Một khi quân và dân tin như vậy, điều đó trở thành sức mạnh thần kỳ đấy!
Tóm lại, dù Mỹ bắn phá như thế nào chăng nữa, cũng không giải quyết được vấn đề; nghĩa là bắt nhà cầm quyền Cộng Sản miền Bắc xuống thang đánh giá miền Nam chỉ là một sự hão huyền, ảo tưởng. Cộng Sản lại biết lợi dụng sự bắn phá ác liệt của Mỹ. Chúng giả vờ la làng để kêu gọi con tim chất phác, đầy lòng nhân ái của loài người để lấy chính nghĩa, để lấy sự ủng hộ.
Cộng Sản miền Bắc la làng vì lý do chính trị đó; chứ Mỹ đừng lầm là chúng sợ Mỹ. Sau này, với 12 ngày đêm oanh tạc, cho dù năm, mười lần như thế đi, cũng đừng hòng Cộng Sản xuống thang đánh phá miền Nam, chứ đừng mơ Cộng Sản đầu hàng như nhiều người suy nghĩ. Trái lại, Mỹ chỉ càng chuốc lấy những lời chửi bới của ngay bạn bè Mỹ.
Về sau này, một phần do thời gian cho phép, phần khác, tôi có điều kiện gặp bao nhiêu nhân chứng sống, bao nhiêu sự việc, người thực việc thực ở các trại giam trung uơng của Cộng Sản. Có những cơ sở thực tế để chứng minh, lý luận từng vấn đề.
Gần hai tiếng đồng hồ sau, còi lại hụ báo an, máy bay Mỹ lại đã rút lui sau khi bị hạ hơn 10 chiếc (theo đài Cộng Sản), với nhiều loại máy bay “Con Ma”, F-105, “Lưỡi Kiếm”, B-52, v.v… và bắt thêm được nhiều phi công.
Mãi tên Dư mới mở cửa buồng, tôi ra đổ bô rồi lấy cơm luôn. Khi máy bay Mỹ bắn phá, có nhiều tiếng lộp độp rơi trên mái ngói và dưới sân xà lim mà tôi thắc mắc không hiểu là cái gì; cho nên bây giờ lúc tôi ra chỗ mé sân múc nước, vì sẵn có tình tò mò, tôi liếc nhanh. Tôi nhìn thấy một mảnh kim loại đen xì, khòng khèo, cạnh rất sắc, tôi liền nhặt xem. Lão Dư đã coi tôi lâu ngày; lão biết tôi vẫn còn tính nghịch ngợm của thanh niên; tôi cũng biết vậy, nên ra nhặt đại vào đưa cho y, vẻ mặt tôi rất háo hức:
- Thưa ông, không biết mảnh gì đây, khi nãy tôi thấy rơi nhiều lắm. Cái này, ai đang đi, bị rơi trúng đầu, chỉ có chết!
Y cầm lấy ngó ngó, xem xem rồi chỉ vào trong bàn:
- Mảnh kia mới to kìa. Vì vậy, người ta phải đội mũ sắt, hay mũ rơm để đi lại, hay bắn trả máy bay Mỹ.
Thấy y có vẻ dễ dãi, tôi làm tới. Tay cầm gáo nước, tôi tiến lại bàn, thấy một mảnh kim loại to bằng 3 ngón tay mà y đã nhặt ngoài sân trại chung đem vào. Tôi cũng ngó xem, và với vẻ trầm trồ, hỏi lại:
- Không biết mảnh gì, rơi nhiều thế?
Tôi hỏi y để lấy cảm tình thôi, chứ tôi thừa hiểu đây là mảnh đạn của trung pháo, đại pháo phòng không. Nhìn qua hai mảnh, đã thấy ngay là hai loại đạn khác nhau. Tôi hiểu, chúng có nhiều loại đạn nổ theo từng độ cao. Y cũng muốn tỏ ra hiểu biết, nên nói chậm rãi:
- Đây là mảnh đạn súng phòng không của ta đấy!
Câu trả lời cũng nói lên sự chất phác, nông thôn của y. Nhưng, điều tôi chú ý hơn cả là y lại nói chuyện bình thường với tôi. Đây cũng là một hiện tượng hiếm thấy giữa cán bộ trực xà lim và tù.
Tôi nhớ lại năm, sáu tháng về trước; những ngày đầu tiên mới về trực xà lim I, y thường nhìn tôi bằng con mắt dò xét, không thiện cảm. Nhưng dần dần, thời gian cứ trôi đi, ánh mắt y cũng bớt dần sự soi mói, và thay vào đấy, là sự tò mò; cho tới bây giờ, lại có phần thiện cảm. Chứng cớ là thỉnh thoảng, y hay nói chuyện với tôi.
Phần tôi, nhìn lão, tôi thấy lão cũng phải trên 50 tuổi, người nhỏ bé, không có những cách ăn nói thô lỗ, cộc cằn như nhiều tên cán bộ khác, nên tôi thường tươi nét mặt mỗi khi nhìn thấy lão. Ngược lại, với những tên cán bộ ác ôn, lỗ mãng, cộc cằn, tôi thường lạnh lùng, lầm lì; có hỏi, tôi cũng chỉ trả lời nhát gừng.
Trưa hôm nay, tôi nằm hoài mà không ngủ được. Bên ngoài, trời nắng chang chang. Tôi nhìn làn da xanh tái, nhăn nhúm của chân tay mình. Đã mấy năm rồi, tôi thèm khát ánh nắng như thèm bát phở ngon lành, sực nức mùi hành, mùi tỏi, mùi thịt bò bốc khói mà không được ăn, chỉ được phép nhìn. Con người thật cũng lạ lùng, cái gì mất đi rồi, không còn cách nào lấy được nữa thì lại quý. Nhìn ánh nắng vàng thế kia, tôi ước gì được tắm mình trong đó một lúc. Da tôi tái, bủng ra là vì thiếu ăn, nhưng cũng vì thiếu ánh nắng mặt trời.
Mọi khi cũng giờ này, tôi thường nghe tiếng ồn ào của các em học trò trường mẫu giáo “Tân Trào” phía ngoài phố. Đôi khi, giọng đồng ca véo von của các cháu nhỏ, hòa lẫn với tiếng ve sầu râm ran, tạo thành một điệu nhạc trưa Hè quen thuộc. Nhưng, trưa hôm nay chỉ còn tiếng ve sầu đơn điệu nhặt khoan: có lúc dồn dập, réo rắt như trận mưa rào trên mái tôn; có lúc đột nhiên đều im bặt như phút mặc niệm của một binh đoàn trong lúc chào cờ. Thiếu, vắng hẳn tiếng ca hát của những con chim non trường Tân Trào. Có lẽ các em cũng đã đi sơ tán vùng xa Hà Nội?
Tôi đang vẩn vơ ngơ ngác với không khí của buổi trưa Hè, còi hụ lại hú vang. Như tiếng rống của con khủng long đang vật vã giãy chết vì vết tử thương, nấc lên hừng hực từng hồi. Tiếng hú làm những chú ve sầu cũng vội vàng bảo nhau nín bặt. Lại bom rơi, đạn nổ tơi bời; lại những tiếng gào thét giật giọng của chiếc loa to mồm. Ngay Hà Nội, một ngày máy bay Mỹ cũng vào mấy lần.
Trong lúc lửa cháy, đạn bay, với những tiếng gầm rít như xé vải của máy bay phản lực, chân ở trong cùm, tôi nằm ngửa tênh hênh nghe tiếng đạn bom. Có điều nào khẳng định sẽ không có một quả bom, không có một hỏa tiễn bắn vào nơi này? Trong cái hỗn loạn của tên bay đạn lạc, nơi nào là an toàn? Có chăng, may ra, chỉ ở dưới hầm trú ẩn. Bất ngờ, một tiếng rắc, sột, như tiếng ly vỡ trên nền gạch, vang lên ở trên mái nhà làm tôi giật mình. Chả nhìn thấy gì cả vì vướng trần nhà, nhưng qua âm thanh, tôi hiểu đã có vài viên ngói bể.
Khi máy bay Mỹ đã đi rồi, tôi đang băn khoăn là bên ngoài, Hà Nội, những gì đã xảy ra sau một trận không tập của hàng trăm máy bay Mỹ đủ các loại? Chợt, tiếng tên Dư, cán bộ trực xà lim, ong ỏng vang lên:
- Chiều nay, các buồng không đổ bô và rửa ráy. Ồng nước Hỏa Lò bị hư!
Như vậy, ống nước dẫn vào Hỏa Lò đã bị bom làm hư hại. Phía bên ngoài có tiếng gọi nhau ý ới, lẫn với những tiếng kêu la, xa dần rồi mất hút. Một mùi nồng nặc của khói xăng cháy làm nhức cả đầu.
Sáng hôm sau, tên Dư vào tuyên bố là từ nay các xà lim, các buồng chỉ được ra đổ bô một lần vào buổi sáng mỗi ngày. Buổi chiều cho ra lấy cơm mà không được đổ bô nữa.
Từ ngày Mỹ bắn phá Hà Nội, xà lim càng ngày càng vắng vẻ hơn. Ngay ngoài trại chung, tù cũng lưa thưa hẳn ra, có lẽ chúng đã chuyển đi trại trung ương hết, chỉ để lại những phạm nhân còn đang trong thời gian khai thác, hoặc liên quan đến những việc còn cần thiết.
Trưa hôm nay, tôi đang nằm mơ màng, chợt thấy buồng sáng hẳn lên, tôi ngạc nhiên bò nhổm dậy. Ôi, thật là đẹp! Một chùm sáng như một cái ống bằng giấy bạc thẳng băng, chọc từ trên mái nhà, xuyên chéo qua cửa sổ, đâm vào tường, ngay gần phía châm cùm của tôi. Tôi vừa nhìn những hạt bụi dẫy dọn bay trong chùm ánh sáng, vừa ngỡ ngàng, băn khoăn. Á, thì ra tiếng động như ly vỡ hôm qua đã làm bể một góc viên ngói, phía bên ngoài cửa sổ.
Mặt trời đầu Hạ, khoảng 1 giờ trưa, chiếu ánh sáng chói chang chọc thẳng vào buồng tôi một điểm tròn lung linh bằng quả cam, đường kính chừng 4, 5 phân đang le lói, nhấp nháy gần chân cùm. Thật là “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Tôi xin cám ơn các anh phi công Mỹ. Của vưu vật trời cho, tôi phải đón nhận. Tôi vội vàng cởi ngay áo ra, xoay chân ngồi hẳn lên cùm. Rồi tôi giơ mặt ra cho chiếc gậy sáng chọc thẳng vào mặt tôi. Tôi rê dần xuống cổ, xuống đến ngực, hai cánh tay. Tôi vặn vẹo, xoay cánh tay sao cho chùm ánh sáng, như chiếc bàn chải hạnh phúc, quét xoa hết cả người. Từ bữa đó, trừ những ngày mưa, hoặc có mây nhiều, còn thì ngày nào tôi cũng được hơn một tiếng đồng hồ hưởng các tia tử ngoại, hồng ngoại của ánh sáng mặt trời. Cứ mỗi ngày, thời gian ánh sáng lọt vào buồng tôi lệch dần về chiều mươi phút, nhưng cũng chỉ trong một tiếng đồng hồ.
Một lần, tôi đang ngọ nguậy đưa cánh tay từ từ cho “chiếc gậy thần ánh sáng” chà xát, chợt cửa sổ nhỏ xịch mở: Chiếc mũi nhòn nhọn của tên Dư thấp thoáng ngoài cửa sổ. Y không hỏi, nhưng cứ đứng nhìn xem tôi làm gì. Một lúc, y hiểu, và từ từ đóng lại. Chắc y không thể ngờ người ta lại có thể quý ánh mặt trời đến như vậy. Nếu không vướng khuất mất cái khung gỗ phía sau cửa sổ, ánh sáng chiếu vào buồng tôi lâu hơn nữa. Vì vị thế của lỗ hổng, và cũng vì sự xoay chuyển dần của trái đất đối với mặt trời, cho nên thời gian luồng ánh sáng chiếu vào buồng tôi mỗi ngày mỗi ngắn lại.
Cũng thật là buồn cười! Có hôm, máy bay Mỹ đang ầm ầm bắn phá, tiếng đạn, tiếng bom, tiếng máy bay gầm rít quay cuồng, đảo điên giữa sống và chết ở bên ngoài; trong này, tôi vẫn cởi trần, đưa tấm thân gầy vặn vẹo, uốn éo, để cho luồng ánh sáng chà xát, coi như thế giới này chỉ còn có mội một …..mình tôi. Bởi vì, trong 24 giờ, chỉ có một tiếng đồng hồ cố định nắng chiếu vào buồng tôi thôi.
Hơn nữa, trong cảnh này, đối với tôi, sự sống và cái chết đâu có còn là vấn đề quan trọng nữa…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen