Những người vĩ đại không những phải biết chớp lấy cơ hội mà còn phải biết tạo ra cơ hội.

C.C. Colton

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 55: Tin Tức, Hay Tuyên Truyền Bịp Bợm!…
áng hôm sau, chưa mở mắt, tiếng đài đã léo nhéo! Dù không muốn nghe, tiếng loa vẫn cứ như chọc vào tai mình, nó độc lập với ý chí của mình. Phải nói, nhiều lúc tôi coi tiếng loa như một cái nạn phải chịu đựng vậy. Sáng hôm nay, trong một bài bình luận, tôi chợt nghe đến một ý chúng lý luận cứ như thật ấy! Rằng:
“…..Trong chế độ tư bản mà chúng gọi là thế giới tự do, nguyên tắc sống của xã hội đó là mạnh được, yếu thua, cá lớn nuốt cá bé; cho nên, xã hội ấy tôn thờ và đề cao: Lẽ phải thuộc về sức mạnh. Nhưng, dưới chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã tỏ cho thế giới thấy tính hơn hẳn của chủ nghĩa Cộng Sản. Một cuộc cách mạng đổi đời từ tận gốc, đã biến đổi hẳn nguyên tắc sống của xã hội tư bản xấu xa cũ, trở thành: Sức mạnh thuộc về lẽ phải. Nghĩa là, nếu có lẽ phải, là có sức mạnh…..”
Một người dân bình thường, sống dưới chế độ chuyên chính này cũng thấy ngay, đó chỉ là lý luận bịp bợm, trái ngược hoàn toàn với thực tế của xã hội Cộng Sản. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hãy nhìn bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, chuyện ở trong nước, cũng như chuyện ở ngoài nước, ta thấy chúng luôn luôn, và còn nhiều lần gấp bội xã hội tư bản, lấy sức mạnh để đè bẹp lẽ phải. Như vậy mà chúng cứ bắt người phải nghe! Phải nói rằng: Nó có lý do của nó. Nó buồn cười như trên đài, trên báo thường xuyên ca ngợi, đề cao tự do. Nhưng có tìm đỏ mắt cũng không thấy có tự do thực sự trong chế độ Cộng Sản. Sau này, chúng ta sẽ bàn tới.
Giờ hành chính đã đến, cán bộ trực xà lim đã bắt đầu mở buồng cho ra rửa ráy.
Qua cách mở cửa, và tiếng bước chân đi, tôi biết không phải tên Chiến, nhưng cũng không đoán ra là ai? Tiếng buồng 1 báo cáo xong. Rồi tiếng cán bộ quát:
- Ra đi!
À, tên Dư! Tên này là trung sĩ, tôi có gặp hắn vài lần trực xà lim vào ngày Chủ Nhật. Nhưng, hôm nay là ngày thường, có lẽ hắn đã trực xà lim thay tên Chiến cũng nên. Dư có tuổi, khoảng 50, 55 người thấp bé, cũng là loại tương đối dễ tính, không quá ác ôn như nhiều tên công an khác.
Đến lượt buồng tôi, vì đã có chủ ý, tôi vội vàng cố gắng nâng cái cùm, rồi rút chân ra. Mãi không thấy tôi ra, y thò cổ vào, đang định quát hỏi, tôi nói ngay:
- Báo cáo ông, tôi ở “cát xô” mới được cõng về đây chiều tối hôm qua, tôi chưa đi được.
Chỉ vết cùm hằn ép vào chân mình, tôi nói:
- Thưa cán bộ, chân tôi bị phù to quá, lỗ cùm lại nhỏ. Xin cán bộ cho tôi đổi qua cùm bên kia.
Vừa nói, tôi vừa chỉ cái cùm ở sàn bên cạnh. Y không nói năng gì cả, đóng sầm cửa lại, cũng chả thấy rút chốt cùm sàn bên. Thôi, mặc, tôi tranh thủ vịn vào sàn chậm chạp tập đi. Hai chân nặng như hai hòn đá, lại còn đau buốt như kim châm, tôi vẫn cố gắng tập đi. Nhìn hai mu bàn chân, tôi thấy điều lạ là chúng sưng to đã đành, nhưng còn tím lại như bên trong có máu bầm đen vậy. Hình như chân sưng lên vì vết thương chứ không phải phù.
Các buồng khác đã đổ bô vào đều bị cùm ngay, thế mà buồng tôi không đi rửa, lại chưa bị cùm? Tôi thấy thái độ của y như vậy, tôi càng hy vọng sẽ được đổi cùm.
Nghe loáng thoáng buồng 14 bị kiết lỵ ra máu, báo cáo xin thuốc từ mấy hôm trước, bữa nay y tá mới vào, tôi liền báo cáo ầm lên:
- Báo cáo ông Dư, chân tôi buốt lắm, xin ông báo y tá cho xin thuốc!…
Tiếng chân đi vào rõ dần, rồi cửa con xoạch mở:
- Anh báo cáo cái gì, làm ầm lên thế!
- Thưa ông, chân tôi tím lại buốt quá, xin y tá cho thuốc!
- Chờ đấy!
Cửa sổ nhỏ đóng rồi. Bây giờ tôi mới để ý thoáng thấy chiếc lon 3 sao nằm trên một vạch trắng, trên một miếng dạ đỏ nhỏ hình bình hành, gắn ở ve cổ áo, còn mới nguyên. Tôi lại nhớ đến, tên Đại cũng chiếc lon mới toanh. Như vậy, dịp mồng 2 tháng 9 vừa rồi, ngành công an lại cho lên lon. Thời chiến, có nhiều tình huống mới, tụi lãnh đạo bộ chính trị phải mua chuộc phỉnh phờ tụi cán bộ cấp thấp, hạ tầng. Có thể vì mới được lên thượng sĩ, nên tên Dư lại càng dễ tính hơn. Mỗi tháng cũng thêm được mươi đồng.
Một lúc sau, cửa lớn mở: Bà Dậu y tá. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy bà ta dạo này gầy hẳn đi, da xạm lại, trong tay chân bà ta như con chão chàng, trắng nhờn nhợt. Trong khi đó, ngược lại, bà ta cũng mở to mắt nhìn bộ xương của
tôi. Chắc hẳn bà ta cũng chẳng lạ gì chuyện trốn tù của tôi hơn hai tháng trước. Bà sờ tay vào hai mu bàn chân của tôi, dịu dàng hỏi:
- Chân anh làm sao tím lại thế?
Tôi chỉ lắc đầu, tỏ vẻ cũng không biết tại sao. Bà ta nói thong thả, chậm rãi:
- Cái này chỉ chích B1, khỏi ngay. Nhưng, B1 bây giờ rất hiếm. Tôi sẽ đề nghị cho anh ăn cơm cám một tuần.
Cuối cùng, tôi chả có thuốc gì cả, nhưng được những lời thăm hỏi, an ủi về tinh thần. Điều làm tôi hưng phấn nhất là thái độ của tên Dư, cũng như của bà Dậu, họ không có vẻ căm ghét tôi đã đánh cán bộ. Chính điều này, lúc đó, tôi chưa nhận thức được đầy đủ, nhưng đã là những yếu tố góp vào sự phân tích của tôi sau này, có phần thực tế hơn.
Khi lấy cơm vào, cũng như lúc trả bát, tôi phải bò. Tên Dư đã đóng chốt cùm phía này, và rút chốt cùm phía sàn bên kia, đổi chỗ cùm cho tôi.
Hai ngày hôm sau, tôi bắt đầu được ăn cơm….trộn cám. Về xà lim được 5 ngày, tôi đã có thể chậm chạp đi lần theo tường ra lấy cơm, cũng như đổ bô.
Sau một tuần ăn cơm cám, và phần khác, do sự nổ lực tập luyện hàng ngày, chân tôi đã bớt trông thấy. Mỗi ngày mỗi rút nhỏ lại, đến bây giờ, tôi đã đi lại được. Cuộc sống lại trở về phong thái của hơn 3 tháng trước đây. Như vậy, có thể nói rằng việc quyết định trốn tù của tôi, đã đúng như tôi nhận định: Nếu không được, tôi cũng không mất cái gì cả! Chợt cái lưỡi đẩy đưa vào khoảng trống ở hàm dưới, tôi thầm nghĩ: Cũng có mất, 3 cái răng và một vết sẹo kỷ niệm ở tam tinh.
Đến hôm nay, tôi đã nhận biết là 2 cô gái ở trong buồng số 9, không còn ở đó nữa. Thay vào đấy, bây giờ, là một tù nhân nam. Tiếng cười điên rồ của buồng 10 cũng đã hết. Không biết anh ta chuyển đi đâu, tình trạng của anh ta, sau khi tôi đi, diễn tiến thế nào?
Anh Nguyễn Văn Căn, bị kết án tử hình, đã ký đơn xin ân xá với tên cáo Hồ (?), tôi biết đây chỉ là một hình thức chính trị, bịp bợm. Một cái khung sơn phết lòe loẹt đủ hình thức dân chủ, nhân dân, chấp pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, quốc hội, Công tố viện, luật sư, xin ân xá Chủ Tịch nhà nước, v.v… Tất cả chỉ để che đậy cái “lò nấu xác”, một cái “lò sát sinh” không hơn không kém ở bên trong. Tuy tôi chưa dám kết luận, nhưng nếu tôi đoán không lầm thì anh Căn đã bị xử rồi, nhất là khi tình hình đang biến đổi sang thời chiến.
Nhân sự trong xà lim đã thay đổi hết, ngay cả cán bộ trực xà lim cũng là những tên cán bộ khác rồi. Chỉ hai tháng đi “cát xô” mà đổi thay nhiều thế.
Tôi cứ nằm vẩn vơ nghĩ ngợi. Thỉnh thoảng một cơn gió nhè hẹ vương rải một mùi hương vừa ngọt, vừa ngây ngất, nhắc nhở tôi mùa bàng chín của Hỏa Lò. Đột nhiên, cửa sổ nhỏ xoạch mở. Tôi giật mình, nhìn ra, thoáng thấy cái môi vẩu nhọn ra như cái môi con cá ngão, tôi đã biết ngay là tên Bằng. Bây giờ, cán bộ Hỏa Lò đối với tôi, cũng như tôi đối với chúng, đã quen nhau, nhẵn mặt nhau quá rồi. Y chỉ nói cộc lốc hai tiếng:”Đi cung!”, rồi cúi xuống rút chốt cùm, mở khóa mở cửa. Tôi vừa nhấc chân ra khỏi cùm, vừa chuẩn bị tư tưởng lên phòng cung. Vì từ ngày tôi trốn đến nay, đã hai tháng hơn mới gọi.
Ra tới hè. Trời! Sân xà lim, bàng chín rơi từng đống. Tôi tập tễnh đi qua, mắt nhìn những quả bàng chín vàng ngây, rẽ chân chim lăn lóc khắp sân. Tôi như ngụp lặn vào một trời ngất hương nồng. Dứt khoát, lúc đi cung trở về, tôi phải tìm mọi cách, kiếm một hai quả vào buồng để ngửi, hít cho đã đầy sự khát khao rồi…chén nữa.
Ra tới cổng trại chung, cũng là phòng trực, ở hàng ghế lố nhố một số cán bộ và chấp pháp cả hình sự lẫn chính trị, tôi đã thoáng thấy tên Thành. Y đừng dậy, ký vào sổ, rồi quay lại ra hiệu tay cho tôi đi trước.
Nhìn sân ngoài của Hỏa Lò, cái sân có giàn nho và rải rác một số luống hoa; đây góc này, góc kia cũng từng đống đất mới vàng ệch, với những lổ tròn của miệng hầm cá nhân hoắm sâu xuống lòng đất. Tôi có cảm tưởng, nhịp độ tù cũng như cán bộ Hỏa Lò thưa ra, chắc cũng nằm trong chủ trương chung của thành phố là sơ tán. Số tù cho chuyển gấp đi các trại trung ương đã đành, ngay số cán bộ ở các khâu, hình như cũng tinh giảm, để trở thành những nhân lực chiến đấu, hoặc phục vụ chiến đấu.
Khi tên Thành dẫn tôi vào buồng cung, trong buồng đã có tên Đặng ngồi sẵn; trên bàn vẫn có chiếc cặp hồ sơ cố hữu. Điều tôi thấy hơi khác mọi khi là chiếc ghế đẩu dành cho bị can để cách xa bàn của chúng hơn. Thông thường, trước đây chỉ cách bàn 50, 60 phân. Bây giờ, phải xa hơn 1 m. Không những thế, từ lúc tôi vào buồng, hai tên cứ chăm chú nhìn chân tôi, như soi mói với những ánh mắt vừa băn khoăn, vừa cảnh giác.
Tên Thành cố tươi nét mặt, vẻ xã giao:
- Lâu ngày, anh không lên đây, anh thấy gì lạ không?
Câu hỏi không rõ ràng. Ở buồng này có gì lạ? Hay ngoài sân? Bởi vì, cả hai nơi đều có lạ. Nhưng, để dễ nói chuyện, và cho không khí đỡ căng thẳng, tôi chọn ngoài sân để trả lời:
- Thưa ông, tôi thấy một không khí chiến tranh, vì tôi nhìn thấy những hầm trú ẩn cá nhân mới đào.
Hai tên đều gật gật cái đầu như câu trả lời của tôi hợp lý theo ý chúng. Vì vậy, tên Đặng nghiêm nét mặt dõng dạc:
- Đế quốc Mỹ đã bắn phá tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chúng đe dọa cho nhân dân ta trở về thời kỳ đồ đá. Để rồi xem, chúng có làm được điều chúng nói không? Rồi đây, nhân dân ta sẽ dạy cho Mỹ một bài học.
“Tuy Mỹ giàu có, vũ khí tối tân, nhiều phương tiện chiến tranh khoa học, nhìn bên ngoài, nhìn phiến diện, ai cũng thấy mạnh lắm, và ngay bản thân Mỹ cũng lầm như vậy, khi nghĩ về mình. Nhưng, nếu nhìn sâu, phân tích kỹ, không nhìn thấy những nhược điểm nội tại to lớn ngay trong lòng xã hội Mỹ. Nghĩa là nó nằm ngay trong đầu của những người Mỹ. Cho nên, đảng ta đã nhận định: Mỹ chỉ là một tên khổng lồ, chân bằng đất sét”.
Ngồi nghe y nói, tuy tôi không đồng ý hoàn toàn, nhưng về cơ bản, tôi cũng có nhiều điểm đồng ý với nhận định của y. Mỹ, nói riêng, và thế giới tự do nói chung, to mà không mạnh, vì đầy dẫy những mâu thuẫn. Vũ khí tối tân nào cũng phải được chỉ huy, sử dụng bằng con người. Vậy, nếu con người đó không có lý tưởng, mà chỉ vì cuộc sống và đồng tiền, thì còn nguy hại hơn. Vì, có thể sẽ bán, sẽ đưa vũ khí tối tấn đó, cho kẻ thù bắn ngược lại mình.
Mỹ quên mất một điều. Hễ người làm việc nước như lính tráng; cán bộ các loại, các cấp, v.v… mà có nhiều tiền là không có lý tưởng. (Hễ thanh liêm là nghèo). Điều này rất biện chứng như một nguyên tắc vậy. Sau này, càng về cuối thiên hồi ký này sẽ càng có minh chứng, vì lúc ấy mới có nhiều sự việc thực tế để bổ sung cho lý luận thêm sáng tỏ. Bởi vì, lý luận mà không có thực tế cũng như người có mắt mà không có chân. Ngược lại, có thực tế mà không có lý luận, cũng chẳng khác gì người có chân mà không có mắt. Cuối cùng, chẳng cái nào đạt được mục đích cả. Cả hai yếu tố đều cần thiết, phải gắn liền với nhau một cách hữu cơ. Nhưng, cũng kinh qua từ thực tế rút ra: Yếu tố “có chân” có tầm vóc lớn hơn “có mắt”.
- Chỉ có lý thuyết mà không có thực hành, không những không đi được, mà rất nhiều khi rơi vào không tưởng, hão huyền chỉ nói chuyện trên trời.
- Có thực hành mà không có lý luận: Mắt mù nhưng có đôi chân, ít ra cũng còn mò mẫm đi được, nhưng chỉ đi đến đâu thì biết đến đấy, tùy tiện may rủi.
Lý thuyết và thực hành sinh động như sự sống của con người phải có hai yếu tố: Không khí và thực phẩm. Yếu tố “không khí” cũng có tầm vóc lớn hơn yếu tố “thực phẩm”, vì có thể nhịn thực phẩm hàng tuần, không chết; nhưng không có không khí trong mươi mười lăm phút là….chết!
Tôi hiểu, tên Đặng nói qua về Mỹ, cũng chỉ là một câu chuyện xã giao mào đề, chứ chúng gọi tôi lên đây, dĩ nhiên, phải có một mục đích khác. Quả nhiên, mặt y trở nên lạnh lùng, vừa mở mấy trang giấy hồ sơ, y vừa gằn giọng:
- Anh phải khai chi tiết từ động cơ nguyên nhân đã dẫn đưa anh đến sự việc trốn tù. Anh kể lại từ đầu, từng chi tiết, như anh tường thuật lại sự việc vậy.
Đã có nhiều kinh nghiệm về kiểu cung kẹo này rồi, vì thế, tôi suy nghĩ và hệ thống hóa lại toàn bộ, lược bỏ những chỗ nào thấy không có lợi, hoặc sẽ phức tạp lôi thôi, rắc rối sau này. Tôi lần lượt trình bày lại sự việc. Đến đoạn đi tìm mũ, tên Đặng vẫy tay ra hiệu cho tôi ngừng nói. Rồi, y mềm dẻo kích tôi về tâm lý:
- Anh hãy kể lại thực chỗ này. Chuyện trốn tù của anh cũng đã xong rồi, nhưng anh phải nói cho hợp lý. Anh nói, tai anh nghe có thông, người khác mới nghe được chứ! Anh vào khu công an là để kiếm súng, kiếm vũ khí, người ta mới nghe được. Chứ chỉ vì cái mũ mà phải mò vào chỗ hiểm nguy như vậy, thật thậm chí vô lý!
Nghe y lý luận đẩy đưa, tôi cười thầm trong bụng. Ngay từ những ngày đầu, khi mới bị bắt vào Hỏa Lò, tôi cũng không ấu trĩ sa vào cái bẫy tầm thường như thế. Dù tôi thực có ý định vào khu công an vũ trang để tìm vũ khí, tôi cũng không khai, không mắc bẫy; huống chi, bây giờ đã trải qua biết bao trận thử lửa, đấu trí với chúng hai năm rưỡi trời. Bao nhiêu lỡ lầm mới có những bài học ngày nay. Trước đây, nếu khai một chi tiết gì không thật, chúng nó đập bàn, đập ghế nạt nộ, quát tháo như nước sôi lửa bỏng rằng “nói láo”, “bịp bợm”, “không hợp lý, hợp tình chút nào”, v.v…tôi sinh ra lo lắng. Đôi lúc hớ hênh, lúng túng lại lòi đuôi ra cho chúng nắm được và từ đó chúng phanh phui ra sự thật. Nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng, chuyện chúng nạt nộ thế nào cũng mặc chúng; khi đã cân nhắc, tính toán phải khai thế nào, thì cứ thế mà khai. Bởi vì, trong thực tế, có nhiều sự việc mới nghe qua, thật vô lý, không hợp tình, nhưng lại thực 100%. Ngược lại, có những sự việc nghe ra rất hợp tình, hữu lý, nhưng lại hoàn toàn là giả dối. Do đấy, bảo thế nào là vô lý, thế nào là có lý, nhiều khi thật cũng khó xác định.
Trên đây, cũng chỉ là lý luận, phân tích một vài góc cạnh của những việc chung ở đời. Chứ với công an, nhất là công an Cộng Sản, khi mình đã lọt vào tay chúng, chớ có nói chơi, không dễ gì qua mặt chúng được. Trong quyền hạn ngập mình của chúng, nhiều sự việc chúng điều tra tận nơi, từng ngóc ngách chi tiết, chúng mới tin. Vì vậy, muốn qua mặt chúng, phải đòi hỏi có điều kiện, chứ không hẳn đơn giản như lý luận.
Tóm lại, sự việc trốn tù, tôi cứ thực tế tuần tự khai báo sự thật. Chỉ có đoạn sau khi ra khỏi Hỏa Lò, tôi khai là sẽ tìm đường về Nam với gia đình bố mẹ, chứ không nói ý định thay vì về miền Nam, lại ngược về phía Bắc, v.v… để đánh lạc hướng truy lùng của công an… Và, tôi vẫn khăng khăng là tôi thích xã hội chủ nghĩa. Nhưng, cách mạng không tin, nên tôi đã buồn chán tự tử. Tự tử không được, tôi mới tìm cách trốn…..Thế mà, phải cả buổi sáng và suốt buổi chiều hôm ấy, mới khai báo xong vì chúng không tin và truy hỏi nhiều.
Hai hôm sau, chúng lại gọi lên, bắt tôi ngồi viết tường thuật lại chi tiết sự việc. Tôi cũng phải viết ròng rã hai ngày trời mới xong.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen