Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 45: Chuyển Biến Tinh Thần…
ột điều thật phấn chấn trong lòng tôi! Đúng 7 ngày sau khi bị cùm hai chân, hôm đó vào sáng thứ Ba, tôi đang nằm bơi lội trong nỗi sầu khổ đau vì hai cái chân mỏi nhức trong cùm, với cái đầu cứ cắn buốt từng cơn, bỗng cửa buồng xịch mở. Tên Chiến bước vào, trước bốn con mắt mở to của tôi và anh Đà, không biết có chuyện gì với người nào trong chúng tôi. Tên Chiến nhìn tôi, vẻ trịnh trọng:
- Hôm nay, lệnh Ban Giám Thị chỉ cùm anh một chân!
Tôi thấy như truyền vào cơ thể một nguồn sinh lực, vội vàng nhấc cùm và nhấc chân ra. Tôi ôm cái bô, cùng anh Đà đi vào nhà tắm. Trên đường đi, nhìn thoáng mặt tên Chiến, hôm nay tôi thấy mặt y trông thật dễ coi; hai con mắt y đăm đăm nhấp nháy nhìn tôi nhơn nhơn với cái vẻ như vừa ban ân huệ cho một người cùng khổ.
Từ nay, chỉ phải cùm một chân, tôi nằm ngồi sẽ bớt được trăm phần khó khăn. Chỉ còn cái đầu, vẫn ngày đêm hành hạ tôi, như Phật Bà Quan Âm hành ông Tề Thiên Đại Thánh ngày xưa!
Những ngày sau đó, đầu tôi càng cắn nhức, nhiều lúc như muốn điên lên. Trước kia, thỉnh thoảng một tháng, có khi đôi ba tháng, tôi mới bị nhức đầu một lần. Tôi chỉ ngậm 1 viên Aspirine, hay Aspro, tan hết viên thuốc là khỏi. Nhưng, từ sau ngày tôi thắt cổ không chết, hậu quả đến với tôi là chứng bệnh quái ác này. Tôi cứ nằm miên man,óc vẫn không ngừng nghĩ suy vơi đầy. Tôi nhìn, rồi suy ngẫm, biết bao nhiêu gian khổ từ ngày tôi bị bắt. Biết bao nhiêu lần tôi sát nách với cái chết chỉ trong tấc gang. Giòng suy tư về những chìm nổi của kiếp người, cứ chảy dài trong tâm tưởng tôi.
Từ những thực tiễn đau thuơng, tôi thấy rằng: Đời một con người chỉ là một chuỗi dài những con dấu cộng giữa những giai đoạn thuận tiện và khó khăn. Khi ở giai đoạn thuận tiện, con người hớn hở, vui tươi, nụ cười không tắt trên môi. Ngược lại, khi ở giai đoạn khó khăn, mặt mày sầu héo khóc lóc, than van, oán trời, oán đất. Vậy, sự sầu héo, đau thuơng, rên rỉ này có thể thay đổi cái công thức của một đời người trên, trở thành chỉ là những giai đoạn thuận tiện được hay không? Hỏi là trả lời. Ai cũng thấy là không thể được, trừ phi không phải là người. Như vậy, sự sầu héo, rên rỉ đó đã không giải quyết được gì, còn mang một cái hại, tùy theo mức độ.
Trước nhất, khi anh sầu héo, chán nản, anh sẽ bi quan, tiêu cực mọi mặt trong cuộc sống. Mặt mày ủ dột như thần sầu. Ngay ngồi lên nằm xuống cũng chán chường, chậm chạp, nhìn đâu cũng thấy một mầu xám úa. Suốt ngày đêm chỉ thở vắn than dài, thì trí óc còn làm sao thoải mái khôn ngoan, minh mẫn để hòng tìm ra một phương cách cải tiến từ giai đoạn khó khăn sang thuận tiện? Huống chi, đã xông vào miền bão tố, vùng lửa đạn để chiến đấu. “Ngay những ai kia, đã chiến thắng mà không từng chiến bại? Ai khoe khôn, mà đã chẳng từng bị dại, đôi ba lần?”
Tôi đã sai lầm, sai lầm trầm trọng gần hai năm nay, cứ ngày đêm rên rỉ ngụp lặn trong biển sầu. Cuối cùng, không những tôi không giải quyết được vấn đề, mà còn đa mang thêm những di hại nữa. Phải dũng cảm chấp nhận mọi thương đau trên đường đi tới:
Trên đường đi, nhiều cay đắng âm thầm,
Hãy nhận lấy để dồn vào… sâu kín!
Bằng xuơng, bắng máu, tôi mới rút ra một thực tế: Không được phép chán cuộc sống này, bao giờ cũng phải trang bị tư tưởng lạc quan tích cực cho mình. Tôi nhớ đến một câu danh ngôn của Pháp, nhưng không nhớ tên tác giả: “Quand on n‘a pas ce que l‘on aime; il faut aimer ce que l‘on a!”(Khi mình không có cái mình thích, thì hãy thích cái mình có).
Bây giờ tôi có cái gì? Ngày 2 bữa cơm ngon tuyệt vời. Mỗi bữa cơm, cứ thấp thỏm đợi chờ, mong ngóng. Rồi khi được hưởng thụ, có cái sướng vập vồ, khao khát mà khi còn ở ngoài đời, một bữa ăn sang nhất cũng không thú bằng, sướng bằng.. Bởi vì trong thực tế, hạnh phúc của cuộc đời có cái tiêu chuẩn quái náo đâu. Cho nên, người xưa đã rút ra:
“Tri túc, tiễn túc, đãi túc hà thời túc,
Tri nhàn, tiễn nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn”.
Và, tôi cũng xin làm theo cụ Nguyễn Công Trứ. Theo sách sử, mãi tới năm 42 tuổi, cụ mới thành đạt. Còn trước đó, cụ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian nan, nghèo túng. Với “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”…..Trong những giai đoạn này, ngoài những giờ nhào nặn văn chương để chuẩn bị cho ngày tới, cụ phải tự tạo cho mình những cái cụ chưa có thể có, bằng cách tìm một lối thoát cho tinh thần. Nghĩa là siêu thoát, để quên cái thực tại bần hàn.
Tóm lại, nếu không có cái mình thích, hãy thích những cái mình có. Cái “có” của tôi trong cảnh này tuy cũng có, nhưng có phần hạn hẹp, tôi phải tạo nên “cái” tôi chưa có vậy. Do đó, tôi thả hồn bay khắp phương trời, tha hồ theo ý muốn; và tôi vẫn nhởn nhơ nhìn tụi cộng sản. “Mày bắt được tao, mày giam tao, cùm tao, nhưng đố tụi mày giam cùm được tư tưởng của tao đấy”
Một quan điểm nữa. Tôi nhớ đến một câu trứ danh của Madame de Maintenon: “Nếu khi nào anh bị đau khổ, bất hạnh, liều thuốc thần tuyệt vời để chữa khỏi, là anh hãy chỉ nghĩ đến những người đang khổ đau, bất hạnh hơn anh!”. (Quand vous vous trouvez malheureux, songez aux plus malheureux que vous; c‘est un remède qu‘est infaillible!).
Theo quan điểm của tôi, những tư tưởng thuộc loại “Hoa Thơm Cỏ Lạ” của phương Tây và Cổ Học Tinh Hoa của phương Đông đều được rút tỉa ra từ cuộc sống thực tiễn của loài người, qua nhiều thời đại. Tất nhiên, chẳng phải chúng ta chỉ áp dụng nó một cách rập khuôn, cứng ngắc. Mà phải suy lý, phân tích để thích ứng với thực tế, thời đại của chúng ta. Nghĩa là có bổ sung, hoặc sửa đổi đôi chút, nhưng tôi thấy điều này cũng chỉ hạn hữu. Điều quan trọng là ta có áp dụng nghiêm chỉnh hay không mà thôi. Thí dụ: Anh bị cùm một chân, hãy chỉ nghĩ đến người A, người B đang bị cùm hai chân, đến C cụt chân, đến D lòa đôi mắt v.v… Nếu chêm vào đấy, anh nghĩ đến hình ảnh của một người bạn anh đang ở Sài Gòn đang đèo một cô gái trên xe vespa Italy phây phây lượn lờ trên phố phường để khoe hương, khoe sắc, tất nhiên hiệu lực sẽ giảm đi.
Chỉ có một đêm mầy mò suy nghĩ, sáng hôm sau, tôi nhìn cuộc đời đã thay đổi hẳn, không cón cái mầu xám xịt, héo úa của mọi khi. Tinh thần của tôi được nâng cao rõ rệt. Nhân sinh quan của tôi thay đổi hẳn. Cũng từ đấy, tôi suy nghĩ đến cơ thể của mình. Tôi đang mang cái bệnh đau đầu quái ác này, lại không có thuốc chữa, vậy chính mình phải tự cứu lấy mình. Tôi nghĩ đến phương pháp Dưỡng Sinh (relaxation) của phương Tây, Yoga của Ấn Độ, Đề Khí Vận Công của nghiệp võ, và phương pháp Cốc Đại Phong của Trung Quốc. Tôi rút tỉa những tinh túy nhất, phù hợp với thực tế của cơ thể tôi trong điều kiện này. Tôi cũng lại nhớ đến phương pháp “Long Live” mà một tờ tuần báo Mỹ, đã có công phỏng vấn 100 cụ già nhất, ở khắp nơi trên thế giới (Tất nhiên toàn những cụ trên 100 tuổi cả), rồi đúc kết lại. Câu hỏi chính là: “Vì sao cụ sống lâu như thế?”. Tùy theo chủ quan của mỗi cụ. Các cụ trả lời từ nguyên nhân chính, đến nguyên nhân phụ. Sau đó, tôi trộn lộn tất cả, rồi tự rút ra một phương pháp tạm gọi là “A”, để áp dụng cho chính mình. Tôi cứ áp dụng, rồi lại bổ sung, hoặc sửa chữa, sao cho phải đạt được 3 điểm:
- Không mất nhiều thời gian.
- Đơn giản, có thể ở đâu và lúc nào cũng làm được.
- Hiệu quả cao nhất.
Phương pháp “A” chỉ cần từ 15 đến 20 phút mỗi ngày. Nằm thẳng cẳng. Đầu không gối gì, để chân và tay ở tư thế hoàn toàn thoải mái, hơi thở đều đều, từ tốn, mắt nhắm lại. Lúc đó, sẽ thấy một mầu, có thể là mầu xanh, vàng, hồng, đỏ v.v… Dùng ý chí chế ngự sao cho chỉ còn một mầu duy nhất, hiện ra trong óc mình. Như vậy vừa đạt được tinh thần chế ngự mạnh, lại vừa giữ được óc nghỉ ngơi, không một sự việc gì có thể xâm nhập. Những ngày đầu hơi khó khăn, để chế ngự duy nhất một mầu. Nhưng với quyết tâm, sẽ làm được, và dần dần trở thành thói quen.
Tôi cứ thực hiện như vậy một cách nghiêm chỉnh. Vì không có đồng hồ, tôi phải nhẩm đếm 300 lần bằng hơi thở, để ước định thời gian tập. Sau này thế nào không biết chứ ngay trước mắt, tập xong, mở mắt ra, tôi cảm thấy tinh thần sảng khoái, mắt sáng ra như sau khi chợp được một giấc ngủ ngon.
Còn về mặt tập thể dục. Tôi nghĩ rằng, trên đời này không có một vị thuốc nào, kể cả cao, sâm, nhung… có thể tốt, bổ bằng thể dục, với điều kiện làm sao cho đúng. Bởi vì, qua thực tiễn cuộc sống, kết hợp với sự suy lý phân tích, ta phải thấy: Ngay cơm gạo là thứ bổ nhất để nuôi sống con người, nhưng nếu ăn quá độ thì không bội thực, cũng làm cho con người mệt mỏi, tức bụng, còn yếu, mệt hơn khi chưa ăn. Tập thể dục, hay tập võ cũng vậy, đừng thấy người ta làm sao, rồi mình cũng làm thế. Cơ thể con người tuy có nhiều cái chung, nhưng cũng có nhiều cái riêng. Về mức độ, lại hoàn toàn khác nhau. Anh A ăn 3 bát cơm, không sao, rất khỏe, nhưng, anh B ăn 3 bát cơm, sẽ khó chịu, muốn bệnh. Anh A cữ 10 lần tạ, khỏe ra, ngực, tay nở nang; anh B muốn cố gắng để cho sức khỏe bằng anh A, nên cũng tập như vậy, da tái lại, gầy đi, nhiều khi còn bị một số chứng bệnh về tim nữa.
Từ những suy luận trên, tôi tập một số động tác thể dục thích ứng với cơ thể ngồi tù một chỗ; ăn vừa không đủ no, vừa thiếu chất dinh dưỡng, lại bị cùm một, hoặc hai chân.
Một điều nữa, con người sống được là do hai yếu tố chính là thực phẩm và khí trời. Cả hai thứ đều cần thiết và gắn bó với nhau như một chất hữu cơ. Có thứ này mà thiếu thứ kia, con người cũng không sống được. Tuy vậy, về mặt nào đó, không khí cần thiết hơn. Cụ thể, nhịn ăn một vài ngày, không chết; nhưng chỉ cần thiếu không khí trong 10, 20 phút, là đời đi tong! Thế mà, không khí lại vô vàn, vô tận ngay chung quanh ta. Cộng sản chỉ có thể hành người tù về thực phẩm, về cái dạ dầy. Nhưng, về không khí, chúng đành chịu thua. Vậy, tôi phải biết lợi dụng tối đa không khí để bù lại phần nào, điều chúng muốn hành tôi về thực phẩm, và những mặt khác của sơ thể.
Tôi nhớ lại, khi tôi vào lớp Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, họ đo “pi nhê”. Khi đo vòng ngực, bắt thở hết ra để đo, rồi hít vào thật đầy, đo. Hai lần đo cộng lại chia đôi. Khoảng cách, thở ra hít vào của mỗi người khác nhau. Có người thì 3, 4 hay 5 phân; cá biệt, có anh tới 8, 9 phân. Sự rộng, hẹp này, hoàn toàn không phụ thuộc vào người có ngực nở, to con hay nhỏ con. Người ta gọi khoảng cách đó là khoảng “Sống” của mỗi người. Có người to con, khoảng “Sống” lại nhỏ hơn người bé con. Như vậy, nếu việc gì làm cần sự dẻo dai, bền bỉ, lâu mệt, người có khoảng “Sống” lớn sẽ hơn người có khoảng “Sống” nhỏ. Thí dụ như chạy, hay trèo núi chẳng hạn, nhiều người to con, trông rất “văm”, thế mà chỉ một lúc là phờ râu tôm.
Ai cũng biết, phổi con người thở ra thán khí (CO2): khí dơ, có hại; và hít vào là dưỡng khí (O2). Vậy, lá phổi cũng như miếng vải trắng, muốn nhuộm được tốt nhất, phải giặt sạch chất dơ bẩn. Nghĩ như vậy, mỗi buổi sáng, tôi đứng một chân xuống đất, tập một số động tác, và bắt đầu tập thở. Trước hết, tôi thở ra, từ từ, rất dài; hết hơi rồi. Nhưng trong phổi còn thán khí nhưng đọng, chưa ra hết, tôi lại tiếp tục thở ra cho đến khi không còn thở ra được nữa. Bấy giờ, tôi mới hít vào và cố gắng hít thật nhiều cho căng lồng ngực. Để cho các tế bào phổi đủ thời gian tiếp nhận hết dưỡng khí, tôi lại ưỡn ngực, ngưng một, hai giây, rồi mới từ từ thở ra. Cứ như vậy, 10 lần thôi.
Điều quan trọng nhất là không cần tập nhiều, (vì tập nhiều thường mất nhiều thời gian nên chóng chán) nhưng phải tập thường xuyên, ngày nào cũng tập. Tất cả chỉ mất 10 hay 15 phút. Tôi thấy cơ thể mình có tiến triển theo chiều hướng tốt. Tinh thần cũng vậy. Thế là tôi nâng quyết tâm, dù thế nào, ngày nào cũng sẽ tập như vậy, như rửa mặt và ăn cơm, cho tới khi chết. Chỉ bỏ tập trong trường hợp bị ốm bịnh, không ăn được cơm.
Từ đấy, ngày nào cũng vậy, dù buồn vui, dù gặp bao nhiêu chuyện bất ngờ, căng thẳng, tôi vẫn giữ quyết tâm tập thể dục và một lần làm phương pháp “A”. Thậm chí, có điều kiện nằm không, mỗi ngày tôi làm phương pháp “A” hai lần. Một lần buổi sáng và một lần trước khi đi ngủ. Một điều lợi tôi thấy ngay là trước khi ngủ, tập xong, gối đầu lên gối, chỉ 5, 10 phút là ngủ ngay. Óc không căng thẳng như mọi khi cứ trằn trọc 2, 3 tiếng vẫn không ngủ được. Hơn nữa, tôi thấy bệnh quái ác nhức đầu của mình có vẻ giảm đi, những cơn đau đầu thưa dần.
Anh Đà ở buồng tôi chừng hơn 20 ngày… Một hôm, vào buổi chiều, tên Chiến mở cửa bảo anh ôm hết quần áo ra trại chung. Vì chân bị cùm, tôi không thể giúp đỡ dọn với anh, đành rằng trong tù chả có quái gì nhiều, nhưng nó cũng là một hành động tình cảm khi anh đi, và có nhiều hy vọng là…..không bao giờ thấy và gặp lại nhau nữa. Do đó, tôi chỉ ngồi nhìn anh gấp chăn màn, bằng ánh mắt tiễn chào lưu luyến.
Trước mặt tên Chiến, anh cầm một gói thuốc lào, cái điếu, và một bao diêm đưa cho tôi:
- Anh giữ cái điếu này lại mà hút, tôi được ra trại chung!
Tôi xúc động trước tấm lòng của anh, dù vậy, tôi vẫn nói:
- Anh mang điếu đi theo để hút, vì đó cũng là kỷ niệm của anh!
Anh cười, giọng phớt đời:
- Ồ, ngoài trại chung thiếu gì. Anh em đông, nhiều người có.
Tên Chiến thò cổ vào quát:
- Mau lên, dềnh dàng mãi!
Anh ôm bọc chăn màn ra còn ngoái cổ lại:
- Anh ở lại khỏe!
Cửa đóng rồi, tôi vẫn còn mân mê cái điếu, suy nghĩ mãi về ân tình của một người cùng khổ, tặng cho một người khốn cùng khác.
Tôi lại trở về tình trạng ở một mình. Tên Chiến có lẽ hàng ngày quan sát thái độ của tôi, thấy tôi năng nổ lạc quan, không còn ủ rủ lầm lì, đến độ con ruồi đậu vào mũi cũng không buồn đuổi. Tất nhiên, y đã có báo cáo với cấp trên, và chúng thấy chẳng cần người ở với tôi, kẻo sợ tôi lại tự tử nữa. Ngay chính ánh mắt của y bây giờ, tôi nhìn hàng ngày cũng dường như có chút thiện cảm, không lạnh lùng, ác cảm như trước. Trong những lần ra đổ bô, lấy cơm, trả bát, nhiều lúc bắt gặp ánh mắt của y nhìn tôi với vẻ tò mò. Tôi hơi băn khoăn, không hiểu y có ý định gì đối với tôi, trong khi bản chất của y là một kẻ phớt đời, nói ít mà làm mạnh. Buồng nào tỏ ra ngang bướng, y trị đến nơi. Y nghiêm như vậy nên xà lim rất im lặng. Thỉnh thoảng cũng có vụ tuyệt thực, của một buồng nào đó, y mở cửa, thấy không ra lấy cơm, y chỉ hỏi vì sao không ăn, Tùy theo cách trả lời, nếu người tù tỏ ra không muốn ăn để chết, v.v… Y đóng cửa và nói rằng:
- Tôi sẽ không mở cửa buồng anh nữa. Khi nào anh cần ăn, báo cáo tôi!
Và, y đã làm như lời nói, không nom, nhìn gì đến nữa. Y vẫn thường nói to với những buồng nào tuyệt thực:
- Anh nào muốn chết, cho chết luôn!
Y rất ghét thái độ hèn nhát, hoặc nịnh bợ, trong khi hầu như đa số các tên cán bộ khác lại rất thích.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen