Never get tired of doing little things for others. Sometimes those little things occupy the biggest part of their hearts.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 40: “…thắng Lợi Bất Ngờ Của Việt Cộng” Miền Nam Đảo Chánh
ôm nay là mồng 2 tháng 11 rồi. Những trận mưa phùn đầu Đông làm ẩm ướt cả không gian, cả ngày u ám không có mặt trời. Thỉnh thoảng một cơn lạnh tái tê len qua cửa sổ, luồn vào trong xà lim, như đem theo niềm cô đơn băng giá, để đầy đọa thêm người tù đói khổ.
Cũng như những buổi trưa khác, tôi đang nằm lặn ngụp trong nỗi đầy vơi trăm hướng, của cuộc đời tù tội, mặc cho tiếng léo nhéo của chiếc loa lắm mồm. Chợt nghe một giọng the thé:
“…..Theo nguồn tin mới nhận được, cái gọi là Hội Động Tướng Lãnh của Ngụy Quân Sài Gòn đã làm một cuộc đảo chính, lật đổ chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm…..”.
Tim tôi như thắt lại, tôi bò nhổm dậy, mắt mở to, tai vểnh lên như muốn hút hết mọi âm thanh của chiếc loa.
Phía bên ngoài, một số cán bộ cũng đang huyên náo, bàn tán xôn xao. Một tiếng quát nhẹ của một người nào đó:
- Các đồng chí hãy yên lặng, để nghe đã!
Tiếng loa vẫn oang oang:
“…..Quân đảo chính đã làm chủ tình hình. Anh em Ngô Đình Diệm đang bị bao vây dưới hầm dinh Gia Long. Không khí Sài Gòn rất căng thẳng và nghẹt thở…..”
Tôi bàng hoàng và hoang mang cực độ. “Vận nước đã đến ngày điêu linh rồi chăng?”, tôi than thầm. Đây là sự thực hay tuyên truyền của Cộng Sản? Tuyên truyền nào cũng có nguyên tắc của nó. Có những sự việc: “Không” không thể nói thành “Có” được…..Về lý trí, tôi biết đây là một sự việc thực. Nhưng về mặt tình cảm, tôi cố níu kéo, cho là một chuyện tuyên truyền của Cộng Sản, nhằm gây hoang mang cho tinh thần mọi người, chứ không có thực.
Từ khi bị bắt, tôi chưa bao giờ đọc kinh cả. Thế mà hôm nay, trước mối hiểm nguy cho một cá nhân, nhưng cũng có thể là mối nguy cho cả dân tộc, tôi không biết làm sao, chỉ còn biết cầu xin Chúa, cầu xin đấng tối cao hãy che chở cho cụ Ngô, người mà cả cuộc đời tôi kính yêu, trọng nể.
Thường ngày, sáng cũng như chiều, tôi chờ đợi bữa cơm như tâm trạng ngày còn bé mong mẹ về chợ. Càng gần giờ cơm, tai càng vểnh lên nghe ngóng âm thanh những tiếng xền xệt, bình bịch của tiếng chân mấy người tù hình sự, khênh chiếc chõng có thùng nước nóng và một số bát cơm vào lối đi giữa của xà lim. Tiếng “kịch” của chiếc chõng để xuống nền; tiếng “xàn xạc” của đít thùng tôn đựng nước cọ xuống nền xi măng…Rồi lại chờ lắng nghe tiếng chân cán bộ với tâm trạng xốn xang: Sao cán bộ đi đâu mãi, không thấy trở về cho tù ăn cơm. Để rồi khi nghe tiếng lẻng xẻng của chùm chìa khóa. Tôi chắc rằng, mắt tôi phải sáng lên: Hạnh phúc đã đến rồi! Đôi khi tôi cũng bị mừng hụt, vì đó chỉ là tiếng chìa khóa của cán bộ Hoa, Bằng, hoặc Kim vào gọi một người nào đó đi cung…..
Hôm nay trái lại, cơm đã khênh lên lúc nào tôi cũng không hay. Mãi tới khi cán bộ mở cửa buồng, bảo ra lấy cơm, tôi mới giật mình choàng dậy, như vừa tỉnh một giấc mơ nhiều máu lửa. Lấy cơm vào rồi, tâm hồn tôi vẫn còn lửng lơ đâu đấy, không còn cái thú thèm khát, vồ vập ăn như mọi ngày. Đầu óc tôi đang xáo trộn bao nhiêu nỗi chất chồng, đường nọ, ngả kia với niềm thấp thỏm mong chóng đến 5 giờ chiều, để nghe bản tin xem tình hình Sài Gòn diễn tiến như thế nào.
Mong mãi, rồi cũng đến 5 giờ. Phải nói rằng, từ ngày về miền Bắc, chưa bao giờ tâm tạng tôi lại bồi hồi háo hức, tập trung tư tưởng để lắng nghe tiếng loa như vây giờ. Tiếng loa mà tôi vẫn ghét như một “con mụ chửi thuê lắm mồm!”…
Tình hình Sài Gòn vẫn căng thẳng. Vẫn thiết quân luật ngày đêm, nhưng có chiều hướng phe đảo chánh đã thành công đến 90%. Họ đang gửi tối hậu thư bắt ông Diệm phải ra hàng, nếu không họ sẽ cho dinh Gia Long tan thành bình địa…..Qua bài bình luận của Hà Nội, chúng cố ý tỏ ra khách quan, (ra cái điều đứa nào trong chúng mày, tao cũng phải diệt). Nhưng ai cũng ngửi thấy, chúng mong muốn phe đảo chính thành công. Người chúng sợ nhất, cho nên chúng thù nhất, là Ngô Đình Diệm. Bộ chính trị của chúng đang phải điên đầu, tính trăm mưu ngàn kế, để làm sao hạ được ông Ngô Đình Diệm xuống, bằng bất kể giá nào. Thế mà, bây giờ lại có những kẻ thay chúng để làm công việc đó, hẳn chúng đang bắt tay nhau với những đôi mắt long lanh chào mừng “Thắng lợi không ngờ!”.
Đêm hôm nay nằm hoài không ngủ được, tôi trằn trọc suốt năm canh mong chờ trời sáng để nghe “con mẹ lắm mồm”. Đôi chân vẫn giá buốt trong cùm, tấm thân gầy thấp thỏm suốt đêm thâu! Tiếng gió Bấc than gào như tiếng núi sông báo hiệu với con cháu giống Lạc Hồng, vận nước đã đến ngày tơi tả thê lương.
Mùng 3 tháng 11. Sau một đêm dài thao thức quằn quại, hôn mê giữa chán chường và hy vọng, tôi thấy bản tin sáng hôm nay, cũng chưa nói lên điều gì rõ ràng lắm. Có tin anh em Ngô Đình Diệm đã chui vào đường hầm bí mật, ôm theo một va-li vàng và kim cương (?). Sau bữa cơm sáng, tôi lại nằm đợi nghe bản tin buổi trưa, nhưng vì suốt đêm qua không ngủ, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Mãi cho tới khi quản giáo mở cửa cho đi đổ bô buổi chiều, tôi mới choàng thức dậy.
Cơm chiều xong, cũng như hôm qua, tôi ngồi chờ đợi tới 5 giờ chiều. Hôm nay, lòng tôi không mềm rũ như hôm qua. Óc tôi liên tưởng tới cuộc đảo chính ngày 11-11-1960. Biết đâu chẳng có một thế cờ quật ngược lại phe đảo chính. Một niềm hy vọng nhen nhúm dâng lên trong lòng tôi. Tôi không thấy hồi hộp lo lắng như hôm trước, khi bản nhạc dạo quen thuộc của đài phát thanh Hà Nội trỗi dậy trước giờ phát thanh. Và, cũng là lúc báo hiệu giờ tan tầm của các nhà máy, xí nghiệp.
Những tiếng gọi hỏi nhau í ới, những tiếng rì rầm bàn tán của bọn cán bộ, tập trung tại chỗ để xe đạp để lấy xe, hôm nay hình như đông hơn mọi ngày. Có thể trước khi về, chúng còn muốn nán lại ít phút để nghe bản tin, chúng cũng nôn nóng đợi chờ. Chúng không ngờ, cách một bức tường dầy 50 phân, có một người, và có thể một số người, cũng đang nôn nóng đợi chờ như chúng. Hai sự chờ đợi này chắc hẳn mâu thuẫn đối nghịch nhau. Tiếng ả xướng ngôn viên rành rọt:
“…..Theo nguồn tin vừa nhận được: Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trốn đến một ngôi nhà thờ ở Chợ Lớn, do một linh mục người Tầu tên là Tam trông coi. Ở đây, do lòng căm phẫn cả quần chúng, nên có người đã tố cáo với phe đảo chính. Phe đảo chính đã đến bắt Diệm và Nhu lên một xe bọc thép M-113. Trên đường giải về Bộ Tổng Tham Mưu, khi qua đường Hồng Thập Tự, phe đảo chính đã hạ sát Nhu và Diệm bằng nhiều phát súng ngắn và dao găm. Hai tên đã chết ngay tại chỗ trên xe bọc thép…..”.
Tai tôi ù lên! Mũi tôi như nghẹt thở! Cái cửa sổ và mấy chiếc lá nho bên ngoài kia như đang nhẩy múa quay cuồng trước mặt tôi “Có thật không?”, tôi tự hỏi, “Hay đây chỉ là một cơn ác mộng?”.
Những tiếng reo hò của lũ cán bộ ngoài sân như nhắc nhở tôi “Đừng mơ hồ nữa!”. Có hai tên vừa chạy ra phía cổng, vừa hò to:
- Ngô Đình Diệm đổ rồi!
- Ngô Đình Diệm bị giết rồi!
Chao ôi! Tiếng hò làm một luồng lạnh buốt từ xương sống chạy ngược lên gáy ôi. Tóc gáy tôi như dựng lên, người tôi nổi gai ốc. Tiếng hò đã ra tới cổng rồi, dư âm của nó còn như vặn xé trái tim đã đầy ắp khổ đau của tôi.
Chúng ta nhiều người đã thấy, nói chung, những tên cán bộ Cộng Sản thường lầm lì, lạnh lùng ít nói. Không giống như các anh Thiếu úy, Trung úy của ta, thường tươi cười, có khi nô đùa trước người khác. Đối với bọn cán bộ trại giam, những nét đó lại càng rõ hơn. Thế mà hôm nay, chúng hò reo, nhảy lên. Điều đó, nói lên nổi vui mừng to lớn quá, chúng không kìm hãm nổi, nên đã để bộc phát ra như vậy.
Trong chúng ta, những ai đã ít nhiều hiểu Cộng Sản đều thấy rằng, cái mũi của chúng tương đối thính lắm. Cho nên nếu khi nào chúng ca tụng, đề cao một cá nhân, một tồ chức hay một quốc gia nào, điều đó có nghĩa là cá nhân đó, tổ chức đó, hay quốc gia đó đã hoặc đang làm những điều thiệt hại cho thế giới tự do, và có lợi cho Cộng Sản. Ngược lại, khi chúng chê bai, chửi bới cá nhân, tổ chức, quốc gia, v.v… có nghĩa cá nhân đó, tổ chức đó, quốc gia đó đã làm những điều trái nghịch lại. Mặt khác, cứ đo lường sự hung hãn chửi bới, cũng như tâng bốc ủng hộ của chúng, sẽ thấy được mức độ lợi hại hoặc hại của đối tượng, cho phe ta hay phe địch….. Điều này gần như trở thành một công lý, chỉ trừ một vài trường hợp hạn hữu cá biệt, mới không đúng, khi chúng dụng ý gây mâu thuẫn.
Trong bối cảnh của nước Việt Nam lúc này, một nhà nước do Cộng Sản chiếm đóng thống trị. Còn một nửa, Cộng Sản đã đặt một chân lên, bằng cái gọi là “Mặt trận giải phóng” với những khu vực bưng biền, với một số thôn bản xen kẽ. Ngay trong nội bộ miền Nam, chính quyền chưa đủ thời gian, hoặc chưa đủ khả năng để khẳng định được ai là người của đối phương, ai là người của ta. Lòng dân còn ngang ngửa, chưa biết ai là chính, ai là tà! Vậy làm chính trị, ai cũng phải thấy là: Bất cứ một cuộc binh biến nào trong lúc này, bất cứ một vụ lộn xộn thay ngôi đổi chủ nào, cũng đều nguy hiểm, có lợi ghê gớm cho Cộng Sản. Nghĩa là thiệt hại ghê gớm cho phe quốc gia!
Về ông Diệm, thử nhìn tất cả các bộ mặt gọi là chính khách ở miền Nam, ai hơn hoặc bằng ông Diệm? Dù ông Diệm cũng còn nhiều điểm chưa đúng!
Nếu không có cái tốt hoàn toàn, chúng ta phải chọn cái tốt vừa vậy. Huống chi, “Nhân vô thập toàn”. Không làm, mới không phạm sai lầm!
Bất cứ ai, làm việc, hành động, tất yếu phải có những điều sai lầm. Vậy, trong quá trình xử sự công việc, ông Diệm có điểm gì sai? Tôi cũng như quần chúng thuộc loại dân đen, thấp cổ bé họng, không thể sửa chữa được cho ông đã đành. Nhưng, nếu một ông Tướng không thể sửa được, nhiều các ông Tướng phải sửa được. Một ông Bộ Trưởng không thể sửa được, đa số các Bộ Trưởng sẽ sửa được. Một dân biểu không sửa được, thì cả Quốc Hội, v.v…với điều kiện: vì dân, vì nước, đạt quyền lợi của Tổ Quốc lên trên hết! Không bằng biện pháp này, thì phương pháp khác. Nếu quyết tâm các ngài sẽ sửa chữa được cho ông Diệm, nhất là khi những cái sai lầm ấy không phải là cơ bản.
Tóm lại, Dương Văn Minh và bè lũ đã lật đổ và giết chết ông Diệm, phải nhận một trong hai lỗi lầm, hoặc cả hai sau đây:
- Không nhìn thấy cái lợi ghê gớm cho Cộng Sản.
- Nhìn thấy, nhưng vẫn gục đầu mà làm.
Không một lý do nào, không một biện luận nào, không một quốc tế này, tình hình kia, có thể phủ nhận thỏa đáng hai điểm trên.
Vậy, nếu ở điểm:
1) Các ông làm chính trị, các ông không nhìn thấy một điểm sơ giản như thế. Các ông không đủ khả năng lãnh đạo quần chúng nhân dân là chúng tôi đâu! Hãy nằm im đi! Dẹp!
2) Các ông đã để cá nhân các ông lên trên Tổ Quốc. Loại này cho đi tầu suốt!
Những điểm lợi cho Cộng Sản thì nhiều, nhưng điểm ghê gớm nhất là: Khi một chế độ có cuộc đảo chính, mà cuộc đảo chính đó chỉ có mục đích tranh giành quyền lợi cá nhân, muốn ăn chia xôi thịt. Lúc đó sẽ xẩy ra tình trạng gì? Trong chính quyền: Cán bộ thuộc mọi lãnh vực, quân đội cũng như hành chính; ngoài nhân dân ai ai cũng thế, đều tự thấy đây là một xã hội không ổn định, một chế độ lộn xộn. Như vậy, tất yếu lại sẽ có cuộc đảo chính khác. Không tin tưởng được nữa, hảy lo thủ cho bản thân! Cũng chẳng còn dám ủng hộ ai! Có gì là chắc nữa đâu! Lòng dân ly tán, lòng quân nghiêng ngả.
Điểm mạnh của một cá nhân, một tập thể, một quốc gia là ở tinh thần, chứ không phải thể chất, vũ khí hay tiền bạc. Vậy, tinh thần của cán bộ và người dân như trên, rã rượi không còn lòng tin. Làm sao chống cộng?!…..
Ngay lúc này, Cộng Sản miền Bắc đã ngửi thấy điều đó, là tinh thần quân dân miền Nam đã và đang bị khủng hoảng. Chứng cớ, sau những buổi họp bàn thảo luận của đảng, ít ngày sau, chính những tên chấp pháp đã nói thẳng vào mặt tôi:
- Chúng tôi nói thực cho anh biết, tình hình miền Nam lúc này…..Nếu không do vấn đề chính trị quốc tế, vuốt mặt vướng mũi, chúng tôi chỉ cần 5 sư đoàn tinh nhuệ đánh dọc từ Bến Hải vào tới Sài Gòn, không khó khăn lắm…..Chỉ cần nghe tin có đại bình đến, lòng quân, lòng dân đã như trên thì chỉ có chạy. Càng gây hỗn loạn, để rồi cuối cùng tất cả đều phải buông súng…..
Đó không phải là những lời nói huênh hoang không có cơ sở. Tôi nhìn bao quát miền Nam, rồi nhìn toàn diện miền Bắc lúc bấy giờ, tôi thừa nhận lời tuyên bố đó có giá trị.
Thực vậy, nếu ai nhìn quán triệt vấn đề sẽ thấy: Khi lòng quân và dân nghiêng ngả thì sẽ rơi vào cái thế “Cuốn chiếu” tất yếu. Kẻ thù dùng một lực lượng tối đa; thần tốc, vũ bão chiếm điểm A, thì điểm B sẽ chạy. Điểm B chạy, thì C, D, E lần lượt cuốn vó hết. Lúc này, thì người có tài thánh cũng đành chịu đứng nhìn, sự hỗn độn, vô chính phủ của quân đội lẩn dân chúng bồng bế chạy mà thôi.
Một vấn đề nghiêm trọng nữa, không hiểu những người chủ trương hạ ông Diệm, trong đó có những Tướng, Tá và cả một số người Mỹ, có biết và luờng được những gì xẩy ra trên nửa nước phía Bắc Việt Nam này hay không? Có thấy được sự khủng hoảng, rã rượi tinh thần của người dân miền Bắc ở mức độ nào hay không?
Tôi tin rằng, dù cho họ uống sâm nhung, đầu óc họ cũng không thể nghĩ được mức độ tai hại đến như thế! Về việc hạ bệ ông Diệm đã trở thành cái nhân nẩy mầm, để cây trưởng thành cho tới khi kết trái, là 30 tháng 4 năm 1975!
Quả thế, mọi từng lớp quảng đại quần chúng nhân dân miền Bắc, sau 8, 9 năm bị lũ Cộng Sản khát máu, dùng bạo lực sắt thép để kìm kẹp thống trị. Họ vẫn nhẫn nhục chịu đựng ngày củng như đêm. Những khi thấy lầm than tăm tối, trong lòng họ vẫn trỗi lên những niềm hy vọng sáng tươi ở chân trời phía Nam, nơi có cụ Ngô mà lũ lãnh đạo miền Bắc ăn không ngon, ngủ không yên. Không những chúng không làm gì được miền Nam, chúng còn đang lo ngay chỗ ngồi của chúng ở miền Bắc cũng không vững. Vì sẽ có ngày Bắc tiến! Bây giờ, niềm hy vọng của họ tan tành, vì cuộc sống, vì nồi cơm, họ đành phải tích cực yêu cái chế độ hiện tại vậy. Hàng triệu tấm lòng như thế, dần dần trở thành triệu triệu những giòng nước nhỏ, góp lại thành thác cuồng xô vỡ bờ tháng 4/75.
Những người quật cường, có tính năng hoạt động, hoặc bộc phát do cá nhân, hoặc đã tổ chức thành những tập thể để chiến đấu với lũ cộng tham tàn khắp nơi, từ rừng sâu, góc biển, đến thôn làng thành phố…..Cũng biết bao người đã sa vào tay giặc, và đang bị giam cầm đầy ải trong ngục tù. Nhưng, những người trong tù cũng như những người còn đang chiếc đấu bên ngoài, vẫn kiên trì dũng cảm chịu đựng gian khổ, chiến đấu với lũ cộng thù, để chờ đại quân miền Nam ra giải phóng. Bây giờ, hy vọng của họ trở thành mây khói. Thậm chí, nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã tuyệt vọng đầu hàng giặc, mà tôi đã gặp ở các trại trung ương sau này.
Hôm nay, mồng 4 tháng 11. Đã 8 giờ sáng rồi, trời còn âm u đen kịt. Mưa rơi nhì nhẹt suốt đêm thâu, mà giờ đây vẫn còn dầm dề, rả rích như giọt lệ sầu của người Mẹ hiền núi sông đang rã rượi, vật vã khóc thuơng đàn con Việt gặp một tai ương đau đớn.
Cả đêm qua, tôi đã bàng hoàng mê tỉnh với những giấc mộng hãi hùng. Người tôi rã rượi như một tầu lá úa trong mưa dầm gió Bấc. Đôi chân gầy vẫn giá buốt trong cùm gông, những ngón chân, ngón tay càng sưng lên nhức buốt. Nhưng cái đau đớn của thể xác bây giờ chỉ là thứ yếu, nhường chỗ cho cái đau ruỗng nát cả niềm tin. Cái đau tan tác cả một hướng đời, bơ vơ lạc lõng như con thuyền mục nát trên đại dương, đang bị bão tố dập vùi không còn định hướng.
Tôi nằm lịm đi, đang ngụp lặn trong một trời khổ đau, bỗng cửa con xoạch mở. Tôi mệt nhọc, chống tay bò dậy nhìn ra. Chiếc mũi và cặp kính trắng thập thò qua song cửa con. Một giọng miền Nam quen quen:
- Anh dạo này có khỏe không?
Chà, tên Võ, tên chánh giám thị Hỏa Lò, hơn một năm trước đã vào tha cùm tôi. Tôi vội vàng tươi tỉnh:
- Cảm ơn ông, tôi vẫn thường thường…..
Y nói với vẻ hồ hởi:
- Hôm qua anh có nghe đài không?
Tôi đã thấy chạm vấn đề, nên cộc lốc:
- Có!
Như tràn từ một nỗi hân hoan trong lòng, y xì ra:
-Đối với chúng tôi, miền Nam bây giờ không còn đối thủ nữa. Tôi nói với anh là vấn đề thống nhất chỉ còn là thời gian thôi.
Á! Thì ra y mừng quá! Y không biết thổ lộ với ai cho đã, bằng nói với một người từ miền Nam ra. Cho nên, mới sáng sớm y đã vào xà lim không kể gì mưa gió, gặp tôi để cho giãn cái bọc sướng vui của y ra. Mà lão sướng vui bao nhiêu, thì tôi ngược lại bấy nhiêu. Cho nên, để câu chuyện qua nhanh càng tốt, tôi chậm chạp trả lời:
- Thưa ông, tôi cũng nghĩ vậy!
Trước khi đóng cửa con lại, y cười cởi mở:
- Thôi nhé! Hãy cố giữ gìn sức khỏe!
Hôm nay sao lịch sự thế! Khi vui người ta cũng dễ dãi…..Hai hôm sau, mụ Hoa vào gọi tôi đi cung. Khi tôi ra phòng cung, tôi thấy 3 tên Đức, Nhuận và Thành. Mặt tên nào cũng tươi roi rói, sau khi chỉ ghế cho tôi ngồi, tên Đức đã hỏi ngay:
- Mấy ngày nay, anh có theo dõi đài không?
- Thưa ông, có!
- Anh thấy thế nào?
Dù đang cúi xuống, tôi cũng biết là cả 6 con mắt của chúng đang tập trung theo dõi thái độ của tôi. Vì vậy, tôi trả lời, vẻ bình thản:
- Thưa ông, nghe đâu có vụ đảo chính, và họ đã giết anh em Ngô Đình Diệm rồi!
Tên Nhuận giọng thử ý:
- Tôi biết mấy hôm nay anh buồn lắm, vì chủ anh đã chết rồi! Tôi nghĩ, như vậy là tốt cho anh đấy! Anh không còn phải mắc mớ điều gì nữa. Hãy tự cứu lấy mình, hãy khai báo hết với cách mạng. Còn như thằng Dương Văn Minh và một lũ Tướng, Tá, anh cũng biết đấy, chỉ là đồ bỏ! Rồi đây, chúng nó chỉ tranh giành nhau làm tay sai cho Mỹ, không hơn không kém!
Tôi vờ ngạc nhiên:
- Thưa ông, tôi buồn, hôm nào tôi chả buồn. Còn ông nói Ngô Đình Diệm là chủ của tôi, không đúng. Bởi vì tôi cũng chưa được nhìn thấy ông Diệm bao giờ cả. Hơn nữa, tôi cũng chẳng có ân huệ hay hận thù gì với ông ta. Còn khai báo, ngay từ đầu, tôi đã thành thật khai báo hết rồi, chứ không phải đợi tới bây giờ….
Tên Thành vội vàng cướp lời tôi:
- Anh nói vậy mà nghe được à!? Diệm là người Công giáo, anh cũng là người Công giáo, tất nhiên anh phải ủng hộ ông ta chứ?
Tôi vẫn tỏ vẻ ngạc nhiên, cãi lại:
- Thưa các ông, như tôi đã nói với các ông nhiều lần trước đây, bố mẹ và họ hàng nhà tôi chỉ làm thuơng mại, buôn bán. Chỉ có mình tôi do sự bồng bột của tuổi trẻ, do ảnh hưởng của phim ảnh nên đã ngây thơ nhận nhiệm vụ của họ, ra ngoài miền Bắc. Chứ thực lòng tôi, ai là Tổng Thống, ai là Chủ Tịch cũng thế, vì tôi có hiểu gì về họ đâu! Vả lại, đối với tôi bây giờ, họ lại càng vô nghĩa nữa. Tôi đã chán ghét họ nhiều lắm rồi!
Thành lộ vẻ ngạc nhiên, gằn giọng:
- Sao anh lại cho là vô nghĩa đối với anh?
Mặt rầu rầu, tôi trả lời:
- Tôi bây giờ đã hiểu! Ngay khi ông Diệm còn sống, tôi đã thuộc loại đứa con đem bỏ chợ. Không một ai ở Sài Gòn lúc này còn nhớ đến tôi, có chăng chỉ còn bố mẹ và các em tôi. Huống chi, tôi sống hay chết, những người đảo chính còn quan tâm đến làm gì. Như vậy rõ ràng họ còn có nghĩa gì với tôi đâu…..?
Có lẽ tên Đức thấy chỉ là những câu đối đáp lằng nhằng, không đưa đến vấn đề gì, nên y đổi giọng:
- Theo anh, tình hình miền Nam rồi sẽ như thế nào?
- Thưa ông, tôi chẳng biết gì để nhận định. Nhưng, tôi cho rằng với tình hình như thế, rồi đây các Tướng sẽ tranh giành nhau, cắn xé nhau, xã hội sẽ càng lộn xộn. Chắc rằng “mặt trận giải phóng” do đảng lãnh đạo sẽ đứng lên cướp chính quyền một cách dễ dàng.
Cả 3 đứa sáng mắt lên, tên Nhuận cười rộ:
- Khá lắm, anh làm tham mưu được đấy!
Tôi lúng túng, dè dặt:
- Tôi hiểu các ông cười chế nhạo tôi. Các ông hỏi, tôi phải trả lời. Tôi nghĩ thế nào, thì nói thế, chứ tôi làm sao để biết được những vấn đề lớn ấy.
Tên Đức nghiêm giọng:
- Tôi nói thẳng cho anh biết, trong điều kiện tình hình hiện nay, vì lý do chính trị quốc tế, vì những khía cạnh liên quan ràng buộc, nếu không, chúng tôi chỉ cần 5 sư đoàn, đánh từ Bến Hải dọc vào tới Sài Gòn, không khó khăn gì lắm!
Nghe y nói tôi tỏ vẻ rất tin tưởng:
- Như vậy, tôi thật mừng! Các ông sẽ vào bắt được cả Cục Tình Báo Miền Nam. Lúc đó, cách mạng sẽ hiểu được sự thành khẩn của tôi.
Để chúng tin hơn, tôi nói một vài sự việc lơ mơ:
- Về ông Diệm này, tôi nhớ đến vụ đảo chính (1-1-1960). Lúc đó,dư luận dân chúng miền Nam rất chê ông Diệm. Từ trước, ông vẫn lấy cây trúc ẩn biểu hiện lòng dạ thanh liêm, đạo đức trong sáng của ông. Từ những ý nghĩ cho đến lời nói, tất cả đều là mẫu mực tiết khí của người quân tử. Khi ông ta bị ở vào cái thế cùng quẫn, bị “hội đồng cách mạng” lúc đó vây hãm trong Dinh Độc Lập. Ông đã tuyên bố trên làn sóng điện, trước quốc dân đồng bào, cam kết với “hội đồng cách mạng” là ông bằng lòng chấp nhận sự thỏa hiệp với “hội đồng cách mạng” như một sự đầu hàng. Thế nhưng, sau đó, khi một số đơn vị ở các quân khu về tiếp ứng, phá được vòng vây và dẹp phe đảo chính, ông Diệm đã nuốt lời hứa, lời cam kết trước đó. Như thế, ông ta đâu còn là bậc quân tử mà cây trúc là biểu hiện?
Cả 3 đứa cùng cười, tên Đức giọng phân tích:
- Diệm xử sự như vậy, không có gì sai cả. Chỗ này, ông ta đã hành động rất đúng. Bởi vì, lời nói hay lời cam kết trong lúc bị uy hiếp, cưỡng bức, hay dưới một áp lực, đều không có giá trị.
Ngồi nhìn và nghe y nói, tôi thấy y cũng có kiến thức và hiểu biết. Từ những sự phân tích trên, tôi chợt suy ngẫm thêm: Thời đại ngày nay, trong kho tàng lý luận muôn mặt, muôn màu mà Cộng Sản đang lợi dụng, ta không nên lạ lùng ngạc nhiên khi thấy Cộng Sản xé bỏ tất cả những lời cam kết, những hiệp định chính tay chúng đã trang trọng ký kết. Chúng vẫn có muôn ngàn lý do để giải thích cho đồng bọn và những người dân dưới quyền chung một cách hợp lý. (Chúng chỉ giữ lại những hiệp định, những lời cam kết nào, chúng thấy có lợi cho chúng mà thôi). Lời giải thích của chúng sẽ: nào là lúc đó do áp lực kinh tế, vì dân chúng quá đói khổ, khi đó tình hình biên giới căng thẳng, lúc đó v.v… và v.v… Vậy, cá nhân hay quốc gia nào đừng thắc mắc, than vãn trách móc chúng, mà hãy trách sự ngây thơ ấu trĩ của chính mình, vì chưa hiểu rõ bản chất của chúng mà thôi!…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen