An ordinary man can... surround himself with two thousand books... and thenceforward have at least one place in the world in which it is possible to be happy.

Augustine Birrell

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 34: Đổi Xà Lim, Bạn Tù Mới…
ngày trôi qua. Tôi vừa lại sức, lại hồn, một buổi chiều sau giờ làm việc, (5 giờ chiều thì hết giờ làm việc), cửa con bỗng mở, mặt tên cán bộ mắt lồi:
- Có gì mang hết đi, cả chăn chiếu!
Y rút cùm. Tôi vội vàng lấy chân ra, vơ gọn chăn chiếu. Tôi không quên đút cái gối bằng cuống chổi Thanh Hao vào trong chăn, cuộn lại và mang cả cái gáo nữa. Y mở cửa, tôi ôm đồ ra. Chợt nhớ tới đôi đũa, tôi quay lại xin y cho lấy đôi đũa thường treo ở đuôi chốt cùm phía ngoài.
Mọi hôm đi cung, thường ra cuối hành lang rồi rẽ tay phải. Hôm nay, lại rẽ phía trái, vào trong, tới một cái cửa, y mở. Chà, cả một cái sân to lớn, rộng thênh thang, với bao nhiêu dẫy nhà chung quanh. Có 5, 6 cây bàng to tướng, cành trơ trọi với những búp lá non mới nhú, trông khẳng khiu như những cánh tay gầy. Y dẫn tôi vòng theo mé sân, mở mấy lần khóa, rồi tới một khu toàn buồng. Một hàng chữ đỏ kẻ trên tường: Xà Lim II.
Hơn 7 tháng trời ở xà lim III, hôm nay tôi mới nhìn thấy xà lim II. Xà lim II ở ngay cạnh cổng phòng trực của trại chung, nên có cái loa, tiếng nói đang vang vang nghe rõ mồn một. Vào tới buồng, đã có một anh nằm đang đắp chiếc chăn bông, lồm cồm bò dậy. Trong khi tên cán bộ rút chốt cùm, tôi tự hiểu, nên nhấc cùm ra và cho một chân vào. Y đóng chốt cùm, khóa cửa. Tôi quay lại gật đầu chào anh bạn mới. Anh chàng này độ 26, 27 tuổi, trông có vẻ khỏe mạnh, tuy da vẫn xanh xao. Anh mỉm cười gật đầu chào lại tôi.
Tôi lục đục vừa trải chiếu vừa ngó chung quanh tường, lên cửa sổ. Không khí ở đây có vẻ khoáng đãng hơn xà lim III, cả ánh sáng nữa. Phía trên đầu nằm là một khung cửa sổ to, kích thuớc khoảng 1 mét x 60 phân, với những song sắt đường kính 2 phân, có lưới thép phía trong. Mép dưới cửa sổ chỉ cao hơn nền gạch khoảng 2 mét rưỡi. Do đấy, nếu đứng lên sàn, có thể nhìn ra ngoài được, phía giàn nho. Phía chân nằm, ngay trên cửa ra vào là một khung cửa sổ nữa nhưng bé hơn, khoảng 50 x 30 phân, cũng bọc lưới thép phía trong sát vào chấn song. Cùm và sàn cũng giống như xà lim III. Khác hẳn với cảnh vắng lặng tịch mịch của xà lim III, ở đây có một chiếc loa gắn ngay trên cửa lớn ra vào trại chung, chĩa ra sân phía trước có giàn nho, nơi tôi vẫn đi cung. Như vậy là ngay cạnh xà lim II, vì vậy nằm trong buồng, tôi nghe tiếng loa rất rõ.
Buổi chiều và tối đêm hôm đó, qua những câu chuyện thăm hỏi anh bạn mới cùng buồng, tôi được biết sơ lược về anh: Tên Phạm Huy Tân, nghề chuyên môn là y tá, phục vụ tại một xã ở Hà Nam, đã có vợ và một con. Anh tham gia hoạt động bí mật trong một đảng chính trị: “Tân Cách Mệnh Việt Nam Phong Trào” (gọi tắt là “Tân Phong”). Chủ tịch đảng tên là Chương (tôi quên họ), cũng là chủ tịch một xã thuộc Hà Nam.
Đảng Tân Phong đã hình thành hoạt động được gần 3 năm. Đảng kỳ nền vàng có một sao đỏ ở giữa, cũng có tôn chỉ, mục đích, cương lĩnh chính trị; số đảng viên vài chục; đã phát triển lên miền cao là Hòa Bình, Tuyên Quang. Về sau bị lộ, vì Cộng Sản đã cài được người của chúng vào trong Ban lãnh đạo. Vì thế, nhân một buổi họp đảng, (lợi dụng một đám cưới nhiều khách khứa các nơi ra vào, đảng họp bí mật ở giữa một gian nhà trong), bất ngờ, Cộng Sản tới vồ tất cả tại chỗ. Sự việc đã xẩy ra cách đây hơn 6 tháng.
Về phía tôi, tôi cũng nói thẳng là ở trong Nam ra. Tất cả những chuyện mà tôi nói chỉ nằm trong phạm vi tôi đã khai báo với chấp pháp. Đồng thời chỉ có khái niệm sơ lược.
Qua một số ngày, với một số thử thách của tôi, cùng với những hiện tượng, tôi biết chuyện đảng phái và anh ta bị bắt là có thực. Nhưng, anh ta thuộc loại khôn ngoan vặt. Trong tình thế này, để tự cứu mình, anh ta đã thở ra những hơi muốn “tiến bộ”. Như vậy, anh ta còn nguy hiểm hơn một tên cán bộ dùng khổ nhục kế. Vì mọi người cùng cảnh sẽ mất cảnh giác, dễ tâm sự thổ lộ những tư tưởng và quan điểm, cũng như những công việc mình đã, đang và sẽ làm. Tuy nhiên, dù sao y cũng còn non nớt, cho nên sau những buổi đi cung về, nhiều khi y lộ vui ra nét mặt. Đôi lúc không kìm được, y nói thành lời: Nào là chấp pháp rất tin tưởng và thương mến y, nào là nhiều lúc chấp pháp vỗ vai thân mật như anh em. Ngay ông cán bộ tên Tư người miền Nam trực xà lim cũng tỏ ra có thiện cảm với tên Tân, thường gọi y ra sai làm những việc vặt như làm vệ sinh, hoặc đôi khi sai quét đường đi ở giữa hai dẫy xà lim.
Ai đã từng ở xà lim một vài tháng trở lên mà được sai ra làm những công việc này, là một hình thức được chiếu cố, gia ân. Thứ nhất, sẽ được thoải mái, không bị gò bó ngồi một chỗ; hai nữa, điều đó nói lên lòng tin của cán bộ, không sợ anh có thể lợi dụng cơ hội để liên lạc, dưới nhiều hình thức, với các buồng khác, tuy rằng vẫn luôn luôn có cán bộ đứng coi anh làm.
Ngay thái độ tên Tân cũng có vẻ bợ đỡ, nịnh nọt cán bộ ra mặt. Thái độ ấy, và ý đồ ở trên, lòng tôi làm sao ưa y được. Dù vậy, tôi vẫn bình thường không tỏ một cừ chỉ nào quá đáng thể hiện là không ưa anh ta. Một lần, tôi hỏi thử:
- Liệu vụ án của Tân có đem ra xử không? Và xử thì Tân sẽ bị khoảng bao lâu?
Y có vẻ đắn đo, thận trọng, cuối cùng mới thổ lộ:
- Theo như một số hiện tượng, từ đấy tôi suy đoán, kết hợp với chấp pháp của tôi, có thể hơn một tháng nữa, vụ án của tôi sẽ được đưa ra xử. Ông Chương đầu vụ có thể bị từ 12 tới 15 năm. Còn tôi, nhiều hy vọng có khi không phải ra tòa. Nếu có ra, cũng chỉ từ 2 tới 3 năm.
Qua cách trả lời, cũng như sự suy lý của y, tôi nhận thấy: Tên này đang bị cái bùa tình cảm của chấp pháp, chắc rằng y đã phải tố nhiều người trong tổ chức của y. Y tin như vậy là một cách để tự cứu. Một loại người như vậy, nếu chấp pháp hỏi về tư tưởng, về tâm sự, v.v… của người cùng buồng, là tôi, tất nhiên y phải nói bằng hết. Rồi có khi y sẽ được giao nhiệm vụ gợi chuyện, tìm hiểu tư tưởng và công việc làm của tôi, với những lời hứa hẹn đẹp đẻ. Với tôi, dù có nhận định y không phải là loại người như trên đi nữa, cũng đừng hòng bao giờ tôi tâm sự chuyện riêng, huống chi tôi đã thấy y là một tên cơ hội rõ ràng. Tuy vậy, qua cái nhìn của tôi về y, chưa cho phép tôi nhận định chung về các đảng phái ở miền Bắc. Tuy tôi cũng thấy trong lòng không được vui, vì y là cán bộ chịu trách nhiệm về tuyên truyền, liên lạc mà trình độ như vậy, tư tưởng lại bấp bênh giao động như thế. Ngay bản thân cán bộ cốt cán, cũng không hề có lý tưởng thực sự! Ở đây, tôi lại nói “thực sự”, vì rất nhiều người chỉ có lý tưởng ở mồm, mà không phải ở tim, ở óc.
Tôi cũng rất tiếc không được gặp ông Chương nào đó, chủ tịch đảng Tân Phong, để tìm hiểu và học hỏi những khả năng và kiến thức của ông ta, để từ đó thấy được về đảng Tân Phong này. Tuy vậy, qua một cán bộ tuyên truyền, tôi cũng có một số khái niệm về đảng đó. Vì thế, tôi mới thấy trong lòng không có một niềm phấn chấn tin tưởng.
Theo Tân, vụ của y có hơn 10 người hiện đang ở trong Hỏa Lò, một số nhẹ ở trại chung. Ngay ở xà lim II này, buồng số hai có một người anh họ cùng vụ, chịu trách nhiệm về ngoại giao và tài chính, y là giáo viên Cấp hai.
Xà lim II gồm có 8 buồng, mỗi bên 4 buồng đối diện nhau, không bị cùm, đứng lên cái cùm có thể nhìn thấy từ trán của nhau trở lên. Nhưng, nội quy xà lim nghiêm cấm đứng lên sàn. Bất cứ lúc nào cửa con xoạch mở, nếu thấy anh đứng lên sàn, dù chỉ tựa lưng vào tường đứng chơi. Cùm sẽ được rút ra ngay và mời anh cứ tự nhiên bỏ chân vào, đừng nói gì thêm nữa, vô ích. Trong 8 buồng, chúng dành buồng số 8, bắt một vòi nước máy vào làm chỗ đỗ phân và tắm rửa.
Do điều kiện bị cùm, hơn nữa trong buồng không hề nhìn thấy gì bên ngoài, vì thế tất cả linh khí của thân thể, đều tập trung về thính giác, để phán đoán và xác định âm thanh. Càng ở xà lim lâu, thính giác càng bén nhậy, tinh vi. Tuy chưa bao giờ thấy một ai ở cùng xà lim, nhưng lúc đó tôi đã biết: Buồng 1 giam một người, buồng 2, hai người, không bị cùm. Buồng 3 không có người. Buồng 4 là buồng chúng tôi. Buồng 5, nhà tắm, buồng 6, một người. Buồng 7, sát nhà tắm, có hai người đều là nữ, bị cùm mỗi người một chân. Thỉnh thoảng ban đêm, tôi thường nghe tiếng phụ nữ khóc sụt sịt, nhiều khi thành tiếng nức nở thảm thiết ở phía đó.
Theo Tân kể chuyện thì do sự kích thích tò mò của đàn ông con trai, nên một lần đã liều, khi cán bộ vào gọi cung một cô, Tân đứng trên chiếc chăn bông gấp cuộn lại, y lén, nép nhìn. Cô đó khoảng 20 tuổi, trông như nhà tu, ở xà lim chừng độ gần tháng nay.
Tôi nghe chuyện cũng thấy lòng thương hại thông cảm. Tôi là đàn ông thanh niên, bị cùm đã thấy khổ sở khi ỉa đái, phụ nữ thì thật khó khăn. Nhất là đêm hôm, cán bộ đàn ông thường mở cửa con kiểm tra; có khi không mở, chỉ đứng rình qua cái khe của miếng sắt hơi bẻ cong, che cửa con. Ở ngoài nhìn vào thấy nửa buồng, còn ở trong nhìn ra chỉ thấy trần nhà. Chắc rằng, thôi thì thân gái, trong cảnh này cũng đành phó mặc!
Vì hai cô này, trong xà lim, tâm trạng hầu hết đều tò mò muốn biết người và sự việc. Hôm qua, buồng số 2 đối diện một anh đã bị bắt tại trận đang đứng trên cùm, kiễng chân thập thò nhìn khi tên Tư, cán bộ xà lim mở cửa số 7 cho ra rửa ráy. Cùm rút chốt luôn, và anh đó đã bị cùm.
Tên Tân rất khôn ngoan tinh quái. Y nắm được những quy luật giờ giấc, cùng những mánh khóe rình mò của cán bộ, nên y cũng đứng lên mà lão cán bộ không biết. Trong một ngày, ở xà lim II, giờ tương đối an toàn nhất là sau giờ tan tầm 5 giờ, nghĩa là từ 5 giờ 15 phút đến 6 giờ tối. Lúc đó, cán bộ vừa bàn giao thay ca, kiểm nhận người hết lượt xong, đi ăn cơm.
Tên Tân tỏ ra nhiều hiểu biết về các cán bộ ở Hỏa Lò, làm nhiều khi tôi phải ngạc nhiên suy nghĩ. Thì ra, lúc mới bị bắt, Tân cũng ở ngoài trại chung, mỗi ngày hàng trăm người, đủ mọi thứ tội. Được gần một tháng, không hiểu vì sự khai báo thế nào của những người trong cùng một tổ chức đảng, nên y bị đưa vào xà lim. Vì vậy, qua chuyện trò với y, tôi được biết giám thị trưởng của Hỏa Lò là tên Võ, người miền Nam tập kết. Tuy y chỉ là Thiếu Tá, nhưng đã già rồi, y rất có thanh thế, vì cùng lứa với y mà y quen biết, có nhiều người đã là cán bộ trung ương đảng. Qua đó, tôi đã đoán ra được, hôm đầu tiên tôi bị đánh và bị cùm mồm. Một ông già gần 60 tuổi đeo kính trắng vào tha cho tôi, chính là tên Võ giám thị. Còn hai phó giám thị, một là tên Trì, Trung úy người Quảng Bình, một là tên Lê, Trung úy quê ở Hưng Yên.
Hỏa Lò có hai y tá, một nam và một nữ. Nữ là mụ Dậu đã tiêm cho tôi mấy lần khi tôi bị sốt. Theo Tân biết, mụ là cán bộ lưu dụng, vì có chồng là một cán bộ cách mạng nằm vùng nội thành. Nam y tá tên là Huệ, thường coi ở bệnh xá.
Ba tên cán bộ văn thư, thường gọi đi cung là lão Bằng, mụ Hoa và một lão già tên Kim cũng đeo kính trắng người Bắc, Thượng sĩ. Lão Kim này là cán bộ gần như lưu dụng, vì thời Quốc Gia trước 1954, lão cũng là cai tù ở Hỏa Lò, nhưng là người của Cộng Sản cài vào. Còn mụ Hoa có một tiểu sử như sau: Mụ là gái Quảng Trị. Trước 1954, theo chỉ thị của đảng, mụ bán xôi chè cho binh lính ở những đồn bót tại Quảng Trị, rồi yêu đương và trở thành vợ chồng với một anh Trung sĩ Quốc Gia ở trong đồn đó. Cuối cùng, Cộng Sản dùng mụ này làm nội ứng, nên đã chiếm được đồn lính sau một đêm tấn công. Sau hội nghị Genève, mụ bỏ chồng, tập kết ra Bắc theo già Hồ, rồi làm công an ở Hỏa Lò.
Đầu năm 1961, một sự trớ trêu, chính người chồng mụ ngày xưa lại vào Biệt Kích và ra Bắc, rồi không may bị bắt đưa về Nghệ An. Lúc ấy, mụ còn là cán bộ ở đó, bất ngờ gặp lại người chồng năm xưa. Mụ đã mua cho một bánh chưng với một cái bánh mì, cùng với một giờ chưởi bới, giáo dục. Cuối cùng người chồng cũ uất hận và khổ đau, đã quẳng cả bánh chưng, bánh mì ra sân dù đói, và phải đi cùm vì hỗn láo với cán bộ.
Nghe tên Tân kể, tôi băn khoăn, làm sao mà y biết rõ thế? Y giải thích là, trong đám tù ở buồng y, có một cán bộ tập kết biết rỏ mụ ta, kể lại.
Sau khi nghe chuyện Tân kể, mỗi khi mụ Hoa vào gọi cung tôi, liếc nhìn cái dáng đi vặn vẹo và cái môi thâm xì của mụ. Một nỗi niềm vừa thương hại, lại vừa ghét trỗi dậy trong lòng tôi. Ghét, vì mụ đã làm cho bao nhiêu chiến hữu của tôi phải nằm xuống, trong đêm Cộng Sản cướp đồn. Thương hại, vì mụ quê mùa, ngu muội, nghe lời phỉnh phờ bịp bợm của tụi lãnh tụ Cộng Sản. Cố hy sinh tất cả, để tiến tới một thiên đàng Cộng Sản không bao giờ có thực. Cũng giống như những người lính của họ Tào, đã vượt núi, vượt rừng để tiến tới cái rừng mơ, mà thỏa chí, trong truyện Tam Quốc của Trung Hoa.
Vào một ngày thứ Bảy, tên Tân được gọi ra cổng kể nhận tiếp tế của vợ. Khi về, y xách theo một cái túi, gồm 2 cái bánh chưng, khoảng 2 lạng muối vừng đã giã, 3 lạng đường phèn (mía), 3 cái bánh mì và 10 quả chuối; đặc biệt nhất là 2 gói thuốc lá Trường Sơn.
Ngay từ một vài ngày trước, tôi đã thấy y lấm la lấm lét, nằn nì lão Tư để xin chỗ cơm còn thừa của một buồng bị bệnh không ăn hết, để rồi tên Tư quát “Nhanh lên!” y vội vàng chạy ra cái chõng, lấy bát cơm thừa đổ lên cái khăn mặt của y, chừng độ một nắm cơm, khoảng 1/3 suất. Y hí hửng sung sướng ngồi ăn, không một chút ngượng ngùng gì với tôi cả. Với một người như vậy, thái độ của tôi càng tỏ ra coi thường miếng ăn. Thực ra, trong lòng tôi, tôi không cần biết y có cái gì cả. Nhưng, trong một căn buồng chật hẹp sát nhau như thế, chạy đi đâu được! Cái gì cũng đập vào tai, vào mắt mình!
Thấy y ăn quả chuối, y ăn vỏ trước rồi ăn ruột sau. Y vuốt ve, nâng niu những thứ đồ tiếp tế như cái gì quý giá nhất của đời y. Tôi chỉ còn cách duy nhất là lựa thế nằm xuống, đắp chăn để khỏi nhìn thấy cái cảnh không muốn nhìn. Nhưng, tới khi y đánh diêm để hút một điếu thuốc, tâm hồn tôi bị xáo trộn dữ dội. Trong một căn buồng quá nhỏ, khói thuốc quạt vào mũi tôi như gãi vào từng tế bào, làm cho hồn tôi như ngây ngất đê mê, và như thách thức lý trí, làm đầu óc tôi đầy vơi những nghĩ suy. Vô kế khả thi. Nhưng, bảo tôi mở miệng ra xin y một điếu thuốc, thà chết! Điếu thuốc của y hút làm bận rộn đầu óc tôi, nghĩ hết cách này đến cách khác, nhưng chẳng cách nào có thể thực hiện được. Để rồi, ngập ngừng di vào giấc ngủ muộn của đêm thâu.
Bị cùm mà ở chung với một người không bị cùm, người bị cùm lại thêm một nỗi khó khăn nữa. Nếu bị cùm một mình, tới bữa cơm, cán bộ phải mở cùm cho ra lấy cơm. Một ngày được cho ra đổ bô một lần. Đó, chính là lúc nghỉ chân vào thay đổi chân. Ở đây, hai ngày cán bộ mới mở cho ra một lần để đổ bô phân mình đi đại tiện.
Còn cơm, nước, cũng như khi trả bát, tên Tân được ra vào hai lần, mà mình lại phải mang ơn người khác. Nhưng, ở trường hợp này, lại chẳng muốn họ làm cho mình. Còn một vấn đề nữa là những khi đi giải, lúc đầu tôi thật ngượng ngùng lúng túng, chỉ có một cái thế đứng duy nhất, nếu anh kia đang ngồi, là phải vén quần ngay trước mặt anh đó. Rồi lúc đi ỉa, không thể kéo cái bô từ gầm sàn ra, mở nắp, rồi lựa thế lê đít ra cạnh mé sàn mà ngồi đi được. Trong lúc anh kia đang ngồi ở sàn bên cạnh, chỉ cách có 60 phân. Vì vậy, phải cố xách cái bô lên sàn, rồi lựa thế, một chân quỳ, một chân hơi nghiêng nghiêng trong cùm, để mông ngồi lên miệng bô. Như vậy, đỡ hôi cho người cùng phòng, nhưng mình phải chịu cạnh cùm nghiến vào chân. Mỗi lần ngồi khó khăn như thế, thường phải từ 20 đến 30 phút. Nhiều khi ê cả chân, ê cả đít, mỏi cả người. Tuy vậy, lúc rửa chỉ còn một cách duy nhất, là lại phải xách bô xuống nền, dịch đít ra mé sàn, lựa thế hai tay đưa ra phía sau, một rửa, một cầm gáo đổ.
Chưa hết, người bị cùm, người không, ở chung một phòng còn bị một khía cạnh tâm lý nhỏ nữa. Người ta nói, trong cuộc đời: Suớng, khổ, vui, buồn, một phần do môi trường chung quanh, nên mầu đen mà cạnh mầu trắng thì hai mầu càng làm rõ cho nhau. Trong khi chân mình lạnh buốt trong cùm, giở người, hoặc ngồi lên, nằm xuống cũng khó khăn; họ, sau bữa cơm, đi bách bộ, dù chỉ 4, 5 bước, đi đi lại lại hai tay chắp sau đít thật tự do. Sáng dậy, họ tập thể dục, chạy tại chỗ dăm phút cho khỏi tê chân. Mình, chân tê lại cắn rần rần cũng đành nằm im mà thèm.
Sáng hôm sau, khi Tân và tôi mỗi người một sàn đang cắm cúi ăn cơm, tự nhiên Tân lên tiếng:
- Anh Bình này, tôi thấy các anh ở miền Nam vẫn coi thường miếng ăn lắm!
Tôi quay sang nhìn y để phán đoán qua nét mặt, y hỏi như vậy là ý muốn gì? Vì chưa xác định rõ, nên tôi cũng lửng lơ:
- Miếng ăn thì cần thật, nhưng nhiều lúc chẳng coi ra gì cả.
Y cười, hơi ngượng ngùng:
- Tôi biết là anh không cần thiết ăn lắm… Anh có dám hút thuốc không?
Tôi đã nắm được ý của nó. Tôi sáng mắt lên: Nếu bỏ một bửa ăn để đổi lấy thuốc hút! Tôi đồng ý ngay! Y hơi gượng gạo:
- Bây giờ thế này nhé! Thuốc lá thì tôi không cần, tôi chỉ thích ăn thôi. Vậy, để cho công bằng: Một bao thuốc lá Trường Sơn, giá bên ngoài là 3 hào. Trong đây, tiêu chuẩn ăn, bao gồm cả thuốc men do nhà nước đài thọ, cho một phạm nhân là 12 đồng một tháng. Như thế, vị chi mỗi ngày là 4 hào, kể cả canh. Do đó, cơm là 3 hào, còn một hào là canh và thuốc men. Vậy thì, một suất cơm cả canh, 1 hào 8 hay 9, còn một xu chi cho thuốc. Tôi cứ rộng rãi, cho một suất cơm là 2 hào. Vậy nếu anh đồng ý, mỗi bữa tôi chỉ lấy nửa suất cơm thôi, còn canh phần anh. Tôi sẽ đưa cho anh 6 điếu thuốc. Hay một bao là một suất rưỡi. Nhưng mỗi ngày tôi lấy nửa suất thôi, kẻo anh đói quá!
Tôi im lặng ngồi nghe và nhìn y tính toán. Rồi y lại tỏ ra một người có lòng nhân ái nữa. Y sợ tôi đói quá, nên mỗi ngày chỉ lấy nửa suất cơm thôi!
Lòng tôi trỗi dậy một niềm tê tái lẫn oán thù. Tê tái vì tình người như nước ao bèo. Oán thù, vì một chế độ kinh khủng đã tạo ra một cuộc sống, cùng khổ cho người dân. Những nếp suy nghĩ tính toán vặt vãnh, làm tan hoang cái truyền thống nhân ái, đạo đức, đùm bọc tốt đẹp của dân tộc.
Tuy trong lòng nghĩ như vậy, nhưng trong cái thế và cảnh này, tôi sẽ đồng ý đổi nửa suất cơm thôi, và sẽ là lần đổi duy nhất đối với nó. Vì thế, tôi lạnh lùng:
- Tôi chỉ cần ăn để không chết thôi! Vậy, chiều nay tôi hãy đổi thử nửa suất thôi, xem sao đã.
Y ra trả bát, xong xuôi y lấy bao thuốc đưa cho tôi 6 điếu. Trông y có vẻ hưng phấn, thỏa mãn, cũng lấy một điếu thuốc phì phèo. Tâm tư của tôi thực nặng chĩu. Tôi cũng châm một điếu thuốc, rồi nằm đắp chăn, mắt nhắm nghiền cho hồn say sưa, mà lòng thì quặn thắt.
Ngay chiều hôm ấy, khi y lấy cơm vào. Sau khi quản giáo đóng cửa, tôi bảo y cứ xẻ lấy một nửa suất theo ý muốn, rồi đưa lại cho tôi.
Vì hút thuốc mà trong lòng lại chẳng vui gì, nên mỗi ngày, tôi chỉ hút một điếu vào lúc sắp đi ngủ. Y tỏ vẻ không được vui khi thấy tôi hút ít như vậy. Những ngày sau đó, lúc hút cũng như lúc thở khói, y cố ý gợi cho tôi thèm, nhưng tôi vẫn lạnh lùng. Thậm chí, y phải hỏi:
- Anh không hút thuốc lá nữa à?
Tôi thủng thẳng khô khan:
- Không thích hút nữa!
Một hôm, y còn gạ tôi trắng trợn:
- Tôi biết anh chỉ thích hưởng hương hoa tinh thần thôi! Vậy, tôi còn một cái bánh chưng, giá ở ngoài là 5 hào. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ lấy hai suất rưỡi, cũng mỗi ngày nửa suất thôi. Anh ăn một lần để thưởng thức cái ngon của bánh chưng?
Tôi lạnh lùng nhìn y, lòng căm phẫn:
- Cám ơn, tôi không thích!
Mặt y cứ trơ ra, không một chút ngượng ngùng. Điều làm tôi không hiểu được là tại sao, y ăn nhiều thế, mà vẫn còn đói dữ như vậy? Mới ngày hôm kia, buổi trưa y đã được quản giáo gọi ra, rồi mang vào một suất cơm thêm. Suất cơm của buồng số 6. Chẳng hiểu vì sao buồng đó, sau một lần đi cung về rồi bị cùm một chân, anh ta đã tuyệt thực, tới nay đã 4 ngày rồi. Vì tên Tân thỉnh thoảng quét dọn, nên tên Tư đã gọi ra cho một suất cơm.
Tôi nhìn cơ thể tên Tân, thấy y chỉ mập hơn tôi vì người tôi quá gầy thôi, chứ y làm sao khỏe, rắn chắc như lúc tôi chưa bị bắt. Vậy mà đồ tiếp tế với lại thỉnh thoảng được cán bộ cho ra vơ vét. Thế mà, nhiều lúc y như điên cuồng, đứng ngồi không yên vì đói.
Tôi chẳng hiểu buồng số 6 tội gì, phải tuyệt thực. Chỉ nghe thấy báo cáo xin nước uống, còn nhất định không ăn. Nhưng, cán bộ xà lim cương quyết, có ăn mới cho uống nước.
Một bữa sáng, sau khi các buồng đổ bô xong, tên Tư vào gọi tên Tân ra. Tôi nghe mở buồng số 6. Hôm nay cũng là ngày thứ 6 anh ta không ăn. Tôi nghe tiếng nước dội rửa và tiếng quét. Chừng 30 phút sau thì Tân về. Tôi hỏi, được biết: Buồng số 6, năm, sáu ngày nay đầy sàn cứt đái, bôi đầy lên tường. Vào buồng, cơm canh đổ lẫn với cứt, có mùi xông lên không chịu được. Anh ta cứ nằm ngửa, đắp chăn che mặt. Lợi dụng một lúc tên Tư quay ra, Tân hỏi anh ta tội gì, nhưng anh ta không trả lời. Tân nhấc cái chân xuống xem mặt, chừng 30 tuổi, trắng trẻo, anh ta vẫn nhắm nghiền mắt. Tân vội phải đậy chăn lại sợ tên Tư vào biết.
Theo Tân, tên Tư nói là, nếu anh ta tuyệt thực mà cho uống nước, chỉ từ 5 tới 7 ngày là chết thôi, bởi vì nước sẽ hòa loãng máu rồi theo nước đi giải ra. Còn nếu không cho uống nước, 20 ngày hay một tháng cũng không chết. Nhưng, có một điều quần áo, chăn của anh ta toàn cứt và cơm thiu nên dù quét dọn, buồng vẫn thối lắm.
Những ngày thứ bốn, thứ năm, tôi còn nghe tiếng đập cửa xin nước, nhưng từ ngày thứ 6 trở đi cứ thấy im lìm. Mãi tới đêm ngày thứ 9. Khoảng 10 giờ, nghe có tiếng mở cửa buống số 6, rối tiếng chân người khiêng đi sau khi, có tiếng rút chốt cùm. Tôi và Tân, trong buồng cố lắng nghe, nhưng không biết là anh ta chết hay sống, hay đưa đi đâu. Báo hại, sáng hôm sau tên Tân lại phải quét rửa buồng.
Tân về, nhăn nhó bảo là cái chăn cứt thối quá, mà tên Tư bắt giặt phơi ở phía buồng vãng lai. Tân lại kể, khi ra đấy, nhìn vào sân trại chung, y thấy bây giờ Hỏa Lò đầy tù, ngồi đầy cả sân. Cách đây hai tháng, khi Tân còn ở trại chung, trại chỉ có khoảng 4, 5 trăm người. Nhiều buồng chỉ 4, 5 chục người, có buồng để không. Y nói, y gặp người nhà tiếp tế, nói thầm cho biết, ngoài xã hội bây giờ dân chúng hoang mang lắm. Ở đâu, tỉnh nào cũng thế, các nhà tù chật ních. Đầu tháng Tư vừa rồi, có lệnh của Bộ Công An: Tất cả những ai từ lính trơn cho đến Thượng sĩ, mà hồi 1954 chỉ bị học tập và giáo dục tại địa phuơng mấy ngày rồi cho về (Chỉ có sĩ quan mới bị bắt đi học tập ở trại giam). Nay đều được mời vào “ấp” để lao động “xây dựng xã hội chủ nghĩa”.
Những người Hạ sĩ quan và lính tráng này, biết mình có tí đuôi với chế độ cũ, nên dù ở địa phương nào. Họ luôn luôn tỏ ra là những người tích cực, năng nổ trong mọi lĩnh vực với chế độ mới. Ở địa phương, hợp tác xã, nhà máy, công nông trường, v.v… đâu đâu cũng vậy. Chính vì thế, sau 9 năm nỗ lực công tác, nên ngày nay rất nhiều người đã được đảng hoặc chính quyền tín nhiệm, tin cậy. Có người đã trở thành đoàn viên, có người là tổ trưởng tổ lao động xã hội chủ nghĩa của, công trường hay nhà máy v.v…Thậm chí, có người do tinh thần hăng say, đã công tác, học tập ngày đêm quên mình, nên đã trở thành chủ nhiệm hợp tác xã, hay thư ký công đoàn… Họ tưởng rằng như vậy là cuộc đời từ nay yên lành, chỉ còn một lòng phơi phới yêu thương chế độ mới của mình. Nhưng, đùng một cái! Bây giờ tất cả được mời đi học tập, bất kể anh đang ở cương vị nào. Lý do: An ninh của Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa đang bị đe dọa!
Ngoài nhân dân có cái từ mới là: “Trót xỏ nhầm giầy” (đã đi lính hoặc làm việc với chính quyền Quốc Gia). Dù xỏ nhầm giầy một ngày cũng phải đi. Tỉnh nào vào trại giam tỉnh đó. Sau khi lập hồ sơ và xét hỏi qua loa, rồi được chuyển đi các trại trung ương.
Bao nhiêu người ngã ngửa ra. Không những bản thân người đi tù và gia đình người ấy, mà ngay các cán bộ địa phương cũng không thể nào ngờ được. Bởi vì, đã 9 năm trường dài đằng đẵng, trôi qua rồi!
Như thế, cho phép ta nhận định (sau tháng 4/1975). Nếu, Cộng Sản chưa hỏi tội đến những người đã từng cộng tác với “Địch” dù chỉ một ngày, là vì chúng còn muốn lợi dụng, hoặc vì chưa ổn định những công việc khác lớn hơn. Vì tình thế, điều kiện chưa cho phép, sợ hoang mang lòng dân, trong khi chưa ổn định xã hội, chưa nắm được chặt những tầng, loại người chúng nghi ngờ. Chứ trước sau, sớm muộn gì chúng cũng sẽ hỏi tội. Lúc đó chúng có đầy rẫy lý do hợp lý: Nào là Hạm Đội 7 tập trung về biển Đông, Trung Quốc chuyển quân, Thái Lan động đậy, v.v… và v.v…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen