Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 33: Thủ Tiêu Trong Đêm…
ụ Hoa đưa tôi về xà lim. Ngoài trời âm u xám xịt, chắc đang mưa, nhưng lòng tôi còn đen tối om. Nhớ lại, trên đường về, nhìn hình ảnh một con chim sẻ ủ rũ một mình, đang đứng nép tránh mưa rét trong mái hiên nhà bếp, tôi liên tưởng tới những vụ thủ tiêu của Cộng Sản trước đây: Hình ảnh hai chiếc thây, một của ông trùm và một của thanh niên Công Giáo một họ đạo. Bị trói giặt cánh khuỷu bập bềnh, rữa nát trôi trên sông Đáy ngày nào năm 1952 vẫn còn rõ nét trong trí ôi. Hình ảnh Đại Tá Hoàng Thụy Năm, Trưởng đoàn quân sự Việt Nam Cộng Hòa, giao thiệp với Hà Nội theo hội nghị Genève. Cũng bị trói giặt cánh khuỷu, lưỡi bị cắt, đầu và đầu gối bị những chiếc đanh 10 phân đóng ngập, bồng bềnh trôi trên sông Đồng Nai, gần cầu Bình Lợi năm xưa cũng chưa phai mờ… Đó là những hình ảnh tôi đã trông thấy. Còn biết bao nhiêu những vụ thủ tiêu dã man tán khốc của lũ Cộng Sản khát máu đồng bào mà tôi đã nghe.
Bây giờ, tôi trong tình thế này, không còn cách nào khác, cũng vui lòng theo các bậc Cha Anh. Trong giấc ngủ chập chờn đêm khuya vắng lặng, tôi thấy tụi nó hai người, mặc quần áo đen, bịt mặt, trói tay và chân tôi đem ra cạnh sông Hồng, chỗ gần Phà Đen. Chúng đâm tôi hơn 10 nhát dao, rồi đẩy tôi xuống sông. Tôi cố vủng vẫy vì ngạt thở, tìm cách hất đầu mình lên khỏi mặt nước. Tôi giật mình tỉnh dậy. Đó chỉ là một cơn ác mộng! Trời lạnh mà tôi cũng toát mồ hôi ra.
Hai ngày trôi qua trong đợi chờ lo lắng, thấp thỏm, vẫn không có gì xảy ra. Sáng ngày thứ 3, lão Bằng mắt lồi lại vào gọi tôi đi cung. Khi ra tới phòng cung, tôi thấy chỉ có một mình Thành, bộ mắt buồn xo, đỏ rừ, như mới uống rượu. Nét mặt của Thành hôm nay làm tôi liên tưởng đến Cao Đình Tiệu, cũng một tuổi, báo cho tôi biết sẽ bị An Ninh Quân Đội bắt và tra tấn khai thác ở 365 Phú Lâm.
Thành nói, giọng rười rượi buồn:
- Bình ngồi đi!
Tôi ngồi, Thành vẫn im lặng. Những phút im lặng, nặng nề trôi. Thành vẫn nhìn ra phía cửa sổ, rồi như đắn đo, ngập ngừng:
- Lẽ ra tôi không thể gặp Bình, nhưng tôi cố gắng để gặp Bình. Một lần nữa. Từ ngày tôi và một số đồng chí trong cơ quan có trách nhiệm hỏi cung Bình, không hiểu sao dần dà tôi thấy lòng mến Bình. Nhiều lúc, tôi coi Bình như em trai tôi, một người thanh niên bị bắt còn quá trẻ, chưa được biết gì về cuộc đời. Hôm nay, tự đáy lòng tôi, tôi nói với Bình thế này: Bình hãy nghe tôi, dù Bình muốn làm gì, Bình muốn như thế nào đó theo quan điểm của Bình, tôi không có ý kiến. Nhưng, tôi muốn nói với Bình là, tất cả, hãy cần giữ lấy cái đầu đã. Đó mới là người khôn! Chết rồi, vô nghĩa hết, cái gì cũng không làm được. Chết, thiệt thân thôi! Bất cứ muốn làm cái gì, Bình phải tồn tại đã. Bình còn quá trẻ, nên chỉ nhìn cuộc đời từ một góc cạnh nào đó, trong khi cuộc đời muôn mặt. Tôi thuơng Bình, Bình giúp tôi, tôi giúp Bình, tôi sẽ bảo đảm rất tốt cho Bình.
Một niềm xúc động len lén vào lòng tôi. Dù ở một khía cạnh nào đó, những lời nói của Thành cũng có những nét thực tế. Tôi xúc động ra mặt:
- Thưa ông, tôi rất biết ơn ông. Phải nói rằng trong quá trình, tôi cũng cảm nhận thấy tình ông đối với tôi. Nhưng, bây giờ…Tôi giúp ông được gì?…..
Y xua tay, gạt ngang:
- Không! Không, Bình đừng nói gì với tôi bây giờ cả. Tôi muốn Bình về đêm nay, suy nghĩ kỹ, cân nhắc mọi mặt cho thấu đáo. Trong ngày mai, nếu Bình muốn gặp tôi, hãy báo cáo với quản giáo trực xà lim là “Muốn xin gặp ông Thành”. Tôi sẽ chờ Bình, nếu không thấy, có nghĩa là Bình không muốn giúp tôi, và lúc đó, tôi cũng đành mặc cho cuộc đời, vì khả năng và quyền hạn của tôi chỉ có một góc nhỏ.
Y đứng dậy, ra ý bảo tôi về. Trên đường về xà lim, lòng tôi đầy vơi bao nỗi niềm. Tôi hiểu đây là những vấn đề sống và chết. Chết thì danh dự, mà sống thì cúi đầu. Tôi miên man nghĩ đến bao tấm gương cương cường, bất khuất của các bậc cha ông trong lịch sử. Những nhân vật hèn hạ, hại bạn, hại thầy trong “Tam Quốc Chí”, trong sách báo, trong phim ảnh…Người con trai sống ở đời, phải có tam cương, ngũ thường, phải có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Tôi nghĩ đến Công Giáo, đến Chúa, đến các linh mục. Cha Quỳnh và bao nhiêu người trong Cục đã đặt niềm tin nơi tôi.
Qua thái độ hỏi cung, từ lời nói, từ cử chỉ, từ hiện tượng, chúng mới chỉ nghi tôi, chứ chưa nắm được gì về tôi cả. Nếu chúng đã biết rõ về tôi, và trong hoàn cảnh này, tôi phải khai ra?
Tôi nghĩ tới hai trường hợp khác hẳn nhau mà lại rất liên quan đến nhau: Chúng biết rồi mà mình khai, đã còn có chỗ hèn, chỗ kém. Huống chi, chúng chưa biết gì, mình đã khai, vừa hèn hạ, lại còn là một tên phản thầy lừa bạn nữa, chưa nói gì về lý tưởng. Ôi, là một tên lừa thầy phản bạn, thì làm sao tôi sống? Hơn nữa, dù chưa có nhiều kinh nghiệm về Cộng Sản lắm, tôi cũng hiểu là nếu chúng đã định giết, có khai ra, lại bị chúng hành hạ khai thác một thời gian, rồi cũng sẽ bị giết. Bao nhiêu điều tai nghe mắt thấy, kết hợp với nguyên tắc tổ chức của Cộng Sản.Tôi biết, chúng không bao giờ tin dùng một người nào, nếu người đó không phải tự tay chúng đào tạo. Có chăng, vì lợi ích nhất thời nào đó, chúng chũng chỉ dùng có tính cách giai đoạn, rồi không tiêu diệt, cũng tìm cách phế thải sau này.
Còn với tên Thành! Nó là ai? Là một tên Cộng Sản. Nó có nhiệm vụ gì? Khai thác tôi.
Điều này rõ ràng như ban ngày. Với một tên Cộng Sản, bằng mọi cách, mọi giá, dù có phải kết nghĩa anh em, dù có phải viết giấy cam kết sẽ không bỏ tù anh, nó cũng chỉ quanh một mục đích hoàn thành nhiệm vụ khai thác; rồi sau đó, có hàng trăm ngàn lý do để xé lời cam kết, bỏ nghĩa anh em.
Bao nhiêu suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo, cuối cùng chỉ làm cho tôi nâng cao quyết tâm “Cứ đi theo con đường mình đã đi!”. Vì vậy, ngày hôm sau, tôi đắp chăn nằm ngủ để bù vào một đêm thao thức.
Mấy ngày im vắng trôi qua, nhưng trong lòng tôi lại là cả một trận cuồng phong. Thấp thỏm, lo lắng, đợi chờ, không biết cái gì rồi sẽ đến với mình. Trời đã vào Xuân, nhưng trong ngục tối này, nàng Xuân cũng sợ, nên chẳng thấy dáng nàng đâu. Ba ngày, rồi năm ngày vẫn lặng lẽ trôi đi. Nỗi ưu tư trong lòng tôi cũng xẹp xuống dần.
Đêm nay, không hiểu sao mà tôi cứ bồn chồn trong lòng, không ngủ được. Như có linh lính về một điều chẳng lành sắp xẩy đến cho mình, tôi cứ xốn xang quằn quại mãi không yên, lịch kịch dậy đi giải mấy lần. Có lẽ phải khoảng quá nửa đêm, tôi mới cố đi vào được giấc ngủ…
Tôi đang mê mệt với giấc ngủ muộn, bỗng nghe thấy tiếng ầm ầm. Tôi vội vàng hất chăn che đầu xuống, nhìn ra. Cửa buồng đã mở, lố nhố ba, bốn người. Toàn người lạ mặt, lại còn thoáng thấy bóng người phía bên ngoài cửa nữa. Thái độ của họ rất lạnh lùng, ai cũng súng ngắn cạnh sườn. Một người cầm chăn tôi kéo mạnh ra, vất sang sàn bên cạnh, quát:
- Bò dậy!
Tôi hoang mang chưa kịp phản xạ để hiểu chuyện gì, thì một giọng miền Trung nặng, rắn đanh:
- Chúng tôi có lệnh đưa anh đi! Hãy chấp hành!
Chưa mở cùm, một tên đã khóa hai tay tôi ra phía sau. Một tên khác, khóa lại xích phía trên cánh tay tôi. Rồi chúng lấy một miếng vải đen dài bịt kín mắt tôi. Tiếng mở chốt cùm, tiếng nhấc cùm. Hai tên xốc hai bên cánh tay tôi, quát:
- Đứng dậy!
Tôi hoang mang tột cùng. Tôi đã đoán trước số phận mình cũng phải tới lúc, nhưng tôi không hình dung nổi cảnh này. Vì nghĩ là không sớm như vậy, nghĩa là chúng còn phải khảo tra tôi một thời gian nữa đã. Vì vậy, tôi vẫn bị bất ngờ. Hơn nữa, trước đây suy nghĩ thì chuyện còn là tưởng tượng, bây giờ là thực tế. Người tôi rủn ra, lòng tôi tái tê, hình như chúng xách người tôi đi, chứ chân tôi như vật vờ trên mặt đất. Mãi tới lúc này tôi mới thấy là dưới chân mình không có đôi dép. Như vậy, chúng không cho tôi đi dép nữa.
Chân tôi lệt xệt bước cao, bước thấp. Có lẽ ra cổng Hỏa Lò. Đang đi chúng dừng lại, có tiếng thì thào chúng nó nói chuyện gì đó với nhau. Rồi tiếng xe “Commanca” rồ máy. Chúng đẩy, phải nói là chúng xách tôi lên xe, vì lúc này chân tôi nhẹ tênh chỉ có da bọc xương. Xe chạy, có lẽ ra khỏi cổng, người tôi lạng qua phía trái, vậy xe quẹo về bên phải.
Trên đường im vắng, chỉ có tiếng động cơ của chiếc xe tôi đang ngồi. Không ai nói với tôi một lời. Vì quá đột ngột nên trí óc tôi cũng đơ ra, chỉ còn nghĩ mình sắp chết. Tôi không còn tinh thần để kịp hỏi chúng đưa tôi đi đâu. Hồn tôi lãng đãng như không còn trong người tôi.
Chừng 20 phút, có lẽ bây giờ xe đã đi ra ngoài thành phố, bởi vì xe đi thẳng và gió lạnh thêm. Xe đi chừng nửa tiếng nữa thì dừng lại. Hai tên xách mạnh hai cánh tay tôi. Một tiếng quát lạnh băng:
- Đi xuống!
Tôi đứng lên, rồi chúng phải nhấc tôi xuống. Chân tôi đạp xuống đất có cỏ ướt. Chúng kéo tôi đi, chân tôi vẫn lướt thướt trên cỏ và đất gập ghềnh. Tai tôi nghe tiếng ễnh ương và tiếng côn trùng rên rỉ. Như thế, chung quanh đây là ruộng đồng. Đi chừng 10 phút, chúng dừng lại. Một giọng en ẻn miền Bắc đột nhiên nổi lên:
- Báo cáo đồng chí, đã đào xong!
Tiếng miền Trung nói nhỏ hơn:
- Có mang vôi không hỉ?
Tiếng báo cáo “Có” nghe lẫn vào tiếng gió, có lẽ vì đã đi xa. Chúng kéo xềnh xệch tôi đi, buộc hai tay vào một chiếc cột. Tay tôi chạm, như là một cái cây vì còn cả vỏ. Mấy phút im lặng. Một giọng miền Trung chắc nịch:
- Tên Bình nghe đây: “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc. Bộ Công An. Tên Đặng Chí Bình, 24 tuổi, quê quán… Can tội gián điệp làm tay sai cho Mỹ Diệm, đã xâm nhập miền Bắc phá hoại cách mạng. Y vô cùng ngoan cố, vẫn kiên trì một lòng bao che những âm mưu hại dân, hại nước, không chịu khai báo sự thật. Nay quyết định xử tử. Theo truyền thống nhân đạo của cách mạng, Bộ cho phép tội phạm 5 phút để suy nghĩ, tự cứu mạng sống của mình, bằng cách khẩn cấp xin khai báo lại sự thật. Bộ Công An Nhân Dân. Ngày 27 tháng 01 năm 1963…”
Đêm thâu vắng lặng, chỉ có tiếng gió lào xào lẫn với tiếng nỉ non re re re… của côn trùng. Tiếng lên đạn của mấy khẩu CKC nghe rõ mồn một.
Giọng miền Trung lại nổi lên dõng dạc:
- Tên Bình! Bây giờ giữa sống và chết, cho mi 5 phút… Bắt đầu!
Tai tôi ù lên. Đầu tôi như đông đặc lại. Tim tôi như không đập nữa. Tôi nghe như có tiếng o-o kêu ran ran chung quanh. Một thoáng hình ảnh mẹ tôi, một thoáng ân hận về việc Trí. Hình ảnh mẹ tôi, hình ảnh Trí hẫng lên, loãng dần. Trời vào Xuân còn lạnh buốt, vậy mà ở sống lưng tôi như có giòng nước chảy. Hai bàn tay tôi cũng ướt đẫm mồ hôi. Một tiếng quát rổn lên, tim tôi như thắt lại:
- Bốn phút rồi; còn một phút nữa!
Tiếng gì đó kêu ran trong đầu, tôi chờ, tôi lắng nghe mấy tiếng nổ. Người tôi tê đi như không còn cảm giác. Chân tôi như muốn khuỵu xuống, nếu không có cái cột chắc tôi không thể đứng được.
Tôi thấy như hết hơi, không thở được nữa. Chết! Một tiếng “Chấp hành!” dội lên. Tôi tưởng là tiếng súng nổ. Tôi thấy cắn, buốt ở hai bên ngực. Bỗng dưng im lặng, một phút, rồi hai phút, tôi cố lắng nghe, dường như có tiếng thì thào…?! Có người đến cởi dây trói buộc tôi vào cây cọc ra, rồi một giọng người Bắc vang lên:
- Số anh còn sống ít ngày nữa, có lệnh hoãn…..
Chúng lại xốc nách tôi ra xe. Người tôi như không hồn, mềm nhũn ra, mặc chúng lôi kéo, đẩy đưa tôi đi. Trên đường về, trong lúc ngồi trên xe, một giọng nói quen quen, nhưng tôi không thể xác định được là ai:
“Vì một sự việc đặc biệt, anh còn được sống thêm ít ngày nữa…”
Hồn tôi vẫn bồng bềnh, tôi không nói một lời.
Lại về xà lim. Chúng cùm chân tôi xong, mới mở khóa trên, khóa dưới tay tôi. Cuối cùng chúng mới cởi khăn bịt mắt của tôi. Mắt tôi hoa lên với đầy những vòng tròn to nhỏ trước mắt. Tôi chỉ thấy lố nhố mấy người. Tới khi tôi nhìn rõ lại cảnh vật, chúng đã ra ngoài và đóng cửa lại rồi.
Trời vẫn chưa sáng. Tôi cố lựa chân đứng xuống đất, để với lấy hai cái chăn chúng đã ném ở sàn bên. Thấy lành lạnh ở dưới đùi, tôi sờ quần, thấy ướt. Như vậy, đã đái ra quần mà tôi không biết.
Mệt và căng thẳng, tôi nằm xuống đắp chăn. Hồn tôi vẫn lềnh bềnh như đang còn trong một cơn ác mộng. Như vừa từ cõi chết trở về. Tự nhiên, tôi thò tay vào trong áo sờ hai bên ngực. Một nỗi buồn phảng phất, vướng vít trong óc tôi. Sự việc vừa xẩy ra, tôi thấy mình vẫn chỉ là một tên hèn, sợ… chết.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen