He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 31: Nghĩa “Bình Xuyên”…
ể làm sáng tỏ phần nào cuộc đời của Nghĩa. Tôi xin tường thuật lại sự việc cũng dính dáng đến một đoạn đời của tôi và một góc bối cảnh ngang ngửa của quê hương…
Sự việc xẩy ra vào khoảng tháng 8 năm 1954 tại Bệnh Viện Bình Dân, khi ấy là đường Général Lizé (đường Phan Thanh Giản Sài Gòn sau này). Giai đoạn đó, bệnh viện vừa mới xây xong nên chính quyền, tạm thời dùng làm trại tiếp đón đồng bào di cư từ Bắc vào Nam theo hội nghị Genève.
Như tôi đã nói đến phần đầu. Tôi, một thanh niên 16 tuổi mới vào thành đô. Ngay ngày đầu, sống giữa cái ồn ào, hỗn tạp, xô bồ của giòng người đủ mọi thành phần tại bệnh viện này, chẳng biết cuộc đời mình sẽ trôi dạt về đâu.
Lúc đó, tuy mới 16 tuổi, nhưng nhờ thích thể dục thể thao, nên người tôi trông cũng nẩy nở cứng rắn. Tôi cũng đã đấm đá nhiều, vì bị ảnh hưởng của phong trào “càn” của học sinh Hà Nội thời 53-54. Khi vào Sài Gòn, tôi mang theo một lạng vàng, đúc thành một cục. Tôi luôn luôn để trong một cái túi nhỏ, khâu kín ở bên trong quần lót. Giữa lúc đó, tôi gặp một “băng” 3 cậu cũng là học sinh “càn” ở Ngõ Huyện Hà Nội: Tuyển, Luân, An, độ 16, 17 tuổi, trốn nhà vào Sài Gòn, và cũng chẳng quen biết ai như tôi. Trông cậu nào cũng ngổ ngáo, dữ tướng, tay to, ngực nở. Thôi thì cùng hội, cùng thuyền, 4 đứa thường nằm chung với nhau một chỗ. 3 cậu kia thuộc loại không cần ngày mai, có đồng nào tiêu hết đồng ấy, lần lượt đồng hồ, rồi quần áo cũng bán dần.
Giai đoạn này, theo nguyên tắc từ Tổng Ủy Di Cư. Mỗi đồng bào, mỗi ngày được cấp phát 4 đồng rưỡi, nhưng tên trưởng trại Nhuận, cũng giống như nhiều người khác, mang sẵn trong mình dòng máu tham nhũng, thối nát của một bối cảnh lịch sử đất nước lúc bấy giờ, nên y đớp hết. Gia đình đồng bào nào không có thân nhân ở ngoài, không có tiền riêng mang theo, đều lâm vào cảnh thiếu đói. Cũng vì thế, khi Tuyển, Luân và An gặp tôi, các cậu đang ngang ngửa từng ngày, nằm queo từ sáng đến chiều, không có gì trong bụng. Tôi thông cảm, nên lúc thì tôi nói có 200 đồng, lúc thì bảo mới gặp người quen xin được 100 đồng… để các cậu có cái ăn. Khốn một điều là các cậu thuộc loại tiêu tiền không cần tính. Hai trăm đồng nếu mua cơm bữa ăn, 4 người dè xẻn cũng được cả tuần lễ, hoặc mươi ngày. Đây lại vào hiệu gọi phở xào, uống bia, nên chỉ một ngày là nhẵn. Tôi thấy cứ như thế này thì làm sao mà kham cho nổi, nên cũng đành nhiều khi phải nhịn đói cùng nhau, dù tôi có tiền. Họ biết thế, nên tôi đi đâu họ cũng không bỏ rời. Nhiều lúc, chính tôi cũng đói quá không chịu được, tôi lại phải vờ gặp được người quen cho tiền.
Giữa cảnh sống dở chết dở đó. Mà đồng bào lại cứ kéo vào ùn ùn. Nằm la liệt đầy cả lối đi, lẫn trong nhà xí, bẩn thỉu, hôi thối, nhưng không còn chỗ. Vì là bệnh viện mới xây, chưa có giường, phản nên tất cả đều nằm xuống nền nhà. Có chiếu, có vải trải ra thì tốt, nếu không, phủi sạch nền mà ngả lưng, chật như nêm cối.
Buổi sáng ra, 4 tên, trông ngoài thì có vẻ „cậu”, nhưng trong bụng cậu nào cũng có cuộc biểu tình kịch liệt. Chưa biết lấy cái gì cho vào, để dẹp các cuộc biểu tình này. Giữa phòng người đầy ắp chen ra, chen vào. Bất chợt tôi nhìn thấy một anh Trung Úy, quần áo là thẳng tắp, đội mũ sĩ quan, huy hiệu vàng chóe hình nước Việt Nam. Trông anh đầy phong độ, hồng hào đẹp trai, cao khỏe. Mắt tôi chạm mắt anh sĩ quan đó, cùng sáng lên ngỡ ngàng. Tôi ngỡ ngàng vì đây là Nghĩa. Tôi nhớ không lầm, chỉ mới cách đó 6 tháng trước, Nghĩa còn đứng gác soát vé cho rạp hát Kim Chung ở Hàng Bạc Hà Nội. Thường vẫn nể “pha vơ” cho tôi vào xem “cọp”; thế mà giờ đây lại đeo lon Trung Úy, loại Trung Úy rất hách.
Nghĩa lúc đó khoảng 28, 29 tuổi. Trước thế và cảnh này, thôi mình tạm thời làm đàn em vậy! Tôi và Nghĩa cùng chạy lại bắt tay nhau rối rít. Tôi mừng khác, và Nghĩa mừng khác, nhưng cuối cùng hai cái mừng đều gặp nhau ở một điểm: “Giải quyết cái mình muốn”. Nghĩa vồn vã:
- Bình vào bao giờ đấy? Bố mẹ có vào không?
Tôi hân hoan:
- Em vào một mình, ông bà “bô” sẽ vào sau.
Nghĩa chỉ về phía Tuyển, Luân, An:
- Bạn của Bình đấy à! Cũng như Bình chứ?
Tôi gật và nhìn lên lon, lên mũ của Nghĩa. Hiểu ý, Nghĩa hạ giọng:
- Nói thực với Bình, tôi có ông chú làm Đại Tá trong Bình Xuyên, vì thế, tôi vào, được đề bạt đặc biệt. Tôi đã biết Bình, ngang tàng như Bình ở đấy rất hợp. Bình Xuyên là một đảng lớn. Sài Gòn, Chợ Lớn hầu như do toàn quyền kiểm soát của Bình Xuyên. Cảnh sát, công an đều do Bình Xuyên nắm giữ. Quân Đội Quốc Gia, không có một cá nhân nào, từ Tướng trở xuống dám ho he nói động đến Bình Xuyên. Nói động đến là “củ” liền. Riêng với Bình, tôi sẽ về nói với chú tôi trả cho Bình Thiếu Úy. Chúng ta là người Bắc, phải có “băng” với nhau. Khi Bình đã vào Bình Xuyên mang lon Thiếu Úy rồi, sẽ được phát cho một cái đầu hổ, dấu hiệu của đảng.
Nghĩa vạch luôn trong ve áo cho tôi nhìn. Một cái đầu hổ bé tí, đường kính độ 2 phân, bằng đồng, sơn màu xanh xám, đúc rất sắc sảo; cái mồm há ngoác đỏ lòm, giơ mấy cái răng nanh trắng hếu. Nghĩa nói tiếp:
- Bất cứ Bình căm tức, thù ghét thằng nào bên quân đội Quốc Gia, từ Đại Úy trở xuống, Bình cứ “nốc ao” nó tự do. Nếu thua Bình chỉ lật ve áo giơ dấu hiệu của đảng, sẽ có nhiều người chung quanh (người của đảng) xông vào đánh thằng đó chết tươi ngay. Còn nếu Bình cảm thấy không đủ sức đánh nó, hãy vờ rủ nó về gần cầu chữ “Y”, Bình rút súng ra cho nó một phát, rồi chạy sang bên kia cầu, sẽ bảo đảm an toàn.
Nghe Nghĩa nói, và với cái nhìn thực tế của tôi lúc đó ở Sài Gòn, tôi thừa nhận lời Nghĩa nói có giá trị. Ngay trong bảng đá khắc tên những ân nhân tặng tiền xây bệnh viện Bình Dân, cũng thấy tên Lê Văn Viễn đứng đầu. Đâu đâu, người Sài Gòn, Chợ Lớn cũng nể sợ Bình Xuyên. Tướng, Tá của quân đội Quốc Gia cũng nể, bởi vì Bình Xuyên có đoàn ám sát cảm tử khát máu.
Lúc đó, tôi chỉ là một thanh niên mới lớn, nhìn cuộc đời còn đầy ấu trĩ; hơn nữa, vì cái tính ngang tàng thích đấm đá, phải nói Bình Xuyên là đất dụng võ. Do đấy, tôi đồng ý ngay. Nghĩa rất hớn hở:
- Thế còn mấy người bạn của Bình thì sao?
Muốn có thời gian bàn thảo, trước khi quyết định, tôi nói:
- Để em hỏi, chắc các bạn cũng thích như em.
Nghĩa nói có việc bận một chút và bảo tôi nửa giờ nữa, ra gặp Nghĩa ở trước bệnh viện.
Tuyển, Luân, và An khi biết sự việc đã mừng quýnh, trước hết giải quyết cái dạ dầy đã. Thế là cả 4 tên đều đồng ý lát nữa ra gặp Nghĩa.
Khi gặp Nghĩa, 3 cậu cũng cứ rối rít anh anh, em em coi như đây là một cơ hội ngàn năm đổi hướng cuộc đời. Theo hẹn ước, 8 giờ sáng hôm sau, Nghĩa sẽ đem xe tới đón. Ngày và đêm hôm đó, chúng tôi bàn tán ồn ào. Lòng tôi cũng hân hoan phấn chấn, cho nên, tôi vờ vào nhà cầu. Khi ra, tôi đưa ra một tờ 200 đồng, mặt dầu dầu tình cảm:
- Tao chỉ còn duy nhất 200 đồng này, tao định cất kỹ phòng hờ. Vậy, chúng ta phải ăn dè, tối nay 50 đồng, sáng mai 50 đồng, còn 100 đồng thì đưa cho thằng Luân, ở lại trên này, giữ 2 cái va-li: một của tao, và một của 3 chúng mày.
Quay lại phía thằng Luân, tôi căn dặn:
- Chúng ta chưa biết rõ Bình Xuyên thế nào, vậy cứ xuống người không đã. Nếu có gì không thích, chuồn ra dễ dàng hơn; còn nếu thấy “hẩu”, ba bốn ngày sau, chúng tao sẽ ra đón mày vào.
Tôi bàn như vậy, chúng nó thấy hợp lý nên đồng ý ngay, Vả lại, từ ít lâu nay chúng nó vẫn thường nghe theo ý kiến của tôi.
Sáng hôm sau, mãi 8 giờ Nghĩa mới lái xe “díp” đến, theo sau là một xe Dodge 4, do một Trung sĩ lái. Khi chỉ thấy có 3 chúng tôi, Nghĩa nhìn tôi hỏi ngay:
- Còn anh kia nữa đâu?
Đã dự trù trước nên tôi tình cảm:
- Anh Nghĩa à, lẽ ra 4 chúng em cùng đi một lượt, nhưng vì còn 3 người bạn nữa ở Hà Nội sắp tới, chúng em để Luân ở lại chờ, đón rồi cùng vào luôn.
Nhìn thấy tôi vẻ hoan hỉ, Nghĩa cũng tin tưởng, nên y gật đầu:
- Được!
Từ hôm qua tới nay, tôi đã hiểu Nghĩa lên các trại đón tiếp đồng bào di cư, để dụ dỗ người vào Bình Xuyên. Tùy theo tầng lớp và loại người, Nghĩa hứa hẹn nào phát ruộng, cho đi học, vào hãng xưởng làm việc, làm văn phòng, vào Bình Xuyên có nhiều quyền lợi v.v… Mục đích càng đón được nhiều người, càng tốt. Nhất là những gia đình, có vợ chồng con cái. Dân có đông, thế mới mạnh, lực mới lớn.
Cùng lên xe Dodge 4 với chúng tôi, có hai gia đình của mấy anh Địa Phương Quân, bồng bế cả vợ con. Nghĩa đặt tay lên vai tôi:
- Bình và các anh em về trước, tôi bận chút việc, sẽ về sau.
Xe Dodge chuyển bánh, chúng tôi chưa hề biết gì về chung quanh Sài Gòn. Nhất là vùng Bình Xuyên, và ngay cả hai tiếng “Bình Xuyên” cũng đầu tiên trong cuộc đời nghe thấy. Chúng tôi thấy xe chạy vòng vèo mãi. Khi xe qua một chiếc cầu, mà sau này tôi biết là cầu chữ “Y”. Tôi thấy ngay giữa cầu, một chòi gác rất xinh xắn, một Quân Cảnh cũng giầy, ghệt, găng tay, mũ sắt trắng, nhấc cây chặn đường xe qua. Xe đi qua một khu phà lớn gồm nhiều phố xá với cái cổng to mang 3 chữ lớn: “TỔNG HÀNH DINH”. Nhìn thoáng bên trong, cũng cột cờ, lính tráng đi lại. Hai khẩu đại bác 105 ly còn mới toanh, với hàng dẫy xe GMC. Tôi có cảm nghĩ, như thế này có khác gì quân đội Quốc Gia! Xe đi qua khu Tổng
Hành Dinh, rồi đi mãi qua một số phố xá, đến khu ruộng đồng. Tới chỗ có mấy căn nhà to, có hàng rào giây thép gai, có lính gác, xe đi tuột vào trong.
Chúng tôi xuống xe. Mấy gia đình, hòm xiểng chăn màn, bồng bế nhau vào ngồi một chỗ, còn chúng tôi đi lang thang trong sân chờ Nghĩa về. Điều đầu tiên làm cho tôi suy nghĩ mãi, là ở giữa sân có hai cột cờ cao, sơn trắng với hai lá cờ đang tung bay phất phới: Một lá cờ ba sọc Quốc Gia, còn lá cờ kia là cờ đỏ sao vàng. Chỉ khác với cờ Việt cộng là có một nền vuông mầu xanh bọc chung quanh ngôi sao. Tại sao cờ Bình Xuyên lại như vậy?
Tôi băn khoăn và muốn tìm hiểu. Tôi lân la làm quen với một anh lính nhỏ. Được biết anh là liên lạc của Trung úy Tư, Trưởng đồn, người miền Nam, và Trung úy Nghĩa là phó. Anh có tên là “Ba Nhỏ”. Qua một số chuyện trò, Ba Nhỏ rất thích chúng tôi. Anh tỏ vẻ hiểu biết, chỉ ra phía cột cờ:
- Mới cách đây mươi bữa, ở chỗ đó xử tử hai tên do thám của Hòa Hảo!
Tôi mở to mắt ngạc nhiên. Anh nói tiếp như chứng minh:
- Ở đây, bắn chết người là thường!
Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng những điều Ba Nhỏ nói chuyện đã làm cho tôi suy nghĩ không ít. Gần trưa cũng không thấy Nghĩa về. Một người lính ra gọi chúng tôi vào một ngôi nhà lớn. Trong nhà rộng thênh thang, những tranh ảnh treo chung quanh tường, chứng tỏ là một nơi huấn luyện quân đội. Mãi trong cùng, nơi một số bàn làm việc, có một Trung úy, một Chuẩn úy và một Trung sĩ. Tên Trung úy hỏi tên chúng tôi. Sau khi biết chúng tôi là người của Nghĩa, chờ Nghĩa về giải quyết, y chỉ ghi tên chúng tôi để làm sổ ăn. Cuối cùng, một tên Trung sĩ ra hiệu:
- Bây giờ các anh ra ngoài chờ. Trung úy Nghĩa có thể chiều mới về. 12 giờ trưa các anh ra Câu Lạc Bộ Sĩ Quan ăn cơm.
Chúng tôi ra sân, mắt nhìn nhau đều sáng lên, nhất là Tuyển và An. Hai cậu được giải quyết ngay cái khâu dạ dầy, mà lại ở Câu Lạc Bộ Sĩ Quan cơ. Đúng trưa, theo Ba Nhỏ chỉ, chúng tôi đến Câu Lạc Bộ ở gần mé sông. Câu Lạc Bộ gì mà làm tôi ngạc nhiên. Một cái nhà lá dài, trống trơn, không vách, dọc theo ở giữa nhà là những tấm gỗ ghép lại thành một cái bàn dài. Một thúng cơm nhỏ để chỏn vỏn trên bàn, bên cạnh là một bát canh to đầy nước, trong có ba con cá mòi nhỏ, nấu muối. Tôi thử một tí nước tanh đến buồn nôn. Cơm vàng lợt, nguội tanh, có mấy vừng cơm nhão như cháo đặc. Tôi không thể ăn nổi. An và Tuyển vì đói nên cố gắng ăn. Phần tôi, vì trong người vẫn còn tiền, hơn nữa, lúc lang thanh trong trại, tôi đã nhìn thấy nơi gia đình binh sĩ có một hàng cơm nhỏ, nấu ngon lành. Nên, tôi bảo An, Tuyển hãy thông cảm, tôi ra ăn mấy đồng cơm hàng. Buổi chiều cũng không gì hơn, Tuyển và An vẫn phải cố gắng nuốt, vì cơm còn khê nữa.
Chúng tôi cứ lang thanh trong khu vực trại. Để xem thế nào, một lần, chúng tôi coi như không để ý, thả bước về phía cổng trại để ra đường. Một anh Trung sĩ chạy ra, lịch sự:
- Các anh thông cảm, hãy đi vào trong. Khi làm giấy tờ xong tha hồ muốn đi đâu cũng được.
Như vậy là chúng tôi coi như bị giam lỏng rồi. Mãi gần tối, Nghĩa mới về, chúng tôi tíu tít chạy lại đón ngay khi xe díp vào sân, còn chưa tắt máy. Nghĩa cũng tỏ ra rất hưng phấn, tươi tỉnh. Nghĩa cũng hiểu rằng, tuy chúng tôi nhỏ tuổi, nhưng là người đang đi học, có ít nhiều hiểu biết, và cũng ngang tàng bạt mạng. Vậy, nếu thu phục được chúng tôi, cũng có nhiều điều lợi. Nghĩa nói là bận lắm, dù vậy tối nay Nghĩa sẽ xuống ngủ với chúng tôi, để gọi là anh em hàn huyên tình nghĩa.
Chúng tôi được dẫn vào một căn nhà lớn khác. Trong trại, có hai căn nhà to. Theo Ba Nhỏ, đây là hai cái kho của tụi Nhật ngày trước. Căn nhà chúng tôi ở có 4 dẫy sàn rộng thênh thang. Ở mỗi góc, lèo tèo dăm gia đình, hoặc là Địa phương quân hay nông dân miền Bắc. Vì biết có Trung úy Nghĩa xuống ngủ, nên mấy tên lính chuẩn bị quét dọn phía đàng góc này, rồi trải chiếu v.v…
Trời đã tối, mãi 8 giờ Nghĩa mới xuống. Tên Ba Nhỏ vì thấy vui cũng xuống nằm. Nghĩa huênh hoang chuyện trò có vẻ rất tự mãn về mình, chúng tôi cũng đẩy đưa câu chuyện cho qua. Tôi hiểu, hiện nay đồng bào di cư đang vào nhiều, Nghĩa có trách nhiệm mời đón, càng được nhiều, uy tín càng lớn.Trong lúc Nghĩa nói chuyện, thỉnh thoảng trên mái ngói cao tít, tiếng một con cắc kè rống vang lên trong căn nhà rộng, làm cho câu chuyện cũng ngập ngừng. Một ngọn đèn 60 watts treo lủng lẳng ở giữa, toàn căn nhà vẫn tối om, chỉ có một đốm sáng lửng lơ là ngọn đèn. Vì thế, nghe tiếng cắc kè kêu, chúng tôi đều cảm thấy hoang vắng gợi sầu. Tỏ vẻ bực bội, Nghĩa sai tên Ba Nhỏ lên phòng cầm cho y cái đèn “pin”. Một lúc sau Ba Nhỏ cầm đèn pin về. Chờ lúc cắc kè kêu, Nghĩa chiếu lên mái, nó nằm chếch ở một cái xà gỗ. Nghĩa đưa đèn cho tôi rọi, rồi rút khẩu súng ngắn ở bên hông, lên đạn. Mọi người đều đứng hết cả dậy hồi hộp theo dõi. Một tiếng nổ chát chúa vang ngân lên trong đêm khuya, làm giật mình mọi người. Đạn chả trúng cắc kè, nhưng làm tung ra mấy viên ngói, rơi xuống sàn gỗ rào rào.
Từ đấy, chú cắc kè cũng im bặt; nhưng Nghĩa thì tỏ ra nghênh ngang, truớc sự thán phục của Tuyển, An và Ba Nhỏ. Đối với tôi, nhìn việc này, tôi thấy đây là một việc làm hỗn độn, chỉ có trong một cái đảng lộn xà ngầu.
Sáng hôm sau, 8 giờ, một tiểu đội bồng súng, một Thiếu úy người Bắc hô chào cờ. Có cả Nghĩa và chúng tôi. Hai người lính đều trang nghiêm kéo hai lá cờ lên. Tên Thiếu úy vừa hô nghỉ xong, chưa kịp hô giải tán, Nghĩa đã tiến đến người Thiếu úy:
- Yêu cầu Thiếu úy đưa trả cái “permission” cho tôi!
Người Thiếu úy trẻ, nhưng thấp hơn Nghĩa, quay lại:
- Tôi đã nói với anh là “permission” do Đại tá cấp cho tôi. Chỉ Đại tá mới có quyền thu lại.
Nghĩa chỉ tay vào mặt người Thiếu úy, sừng sộ:
- Anh có đưa “permission” cho tôi không?
Người Thiếu úy, mặt tím bầm lại, hai hàm bạnh ra gằn giọng:
- Nghĩa à, mày đừng lên chân, vì trên vai mày có hai vạch…
Mắt long lên sòng sọc. Nghĩa cởi phăng ngay áo ra, phô bộ ngực và cánh tay nở nang, quay lại quẳng chiếc áo về phía tôi, lẹ tay tôi bắt lấy. Nghĩa đi đến gần người Thiếu úy, chỉ tay:
- Khánh! Một, mày có đưa không? Hai, mày có đưa không?
Khánh liếc nhìn chung quanh, 12 người lính và chúng tôi, rồi nhìn Nghĩa, nghiến răng lắc đầu:
- Không thể…
Y mới nói được hai tiếng “không thể” thì “bốp”, một cái “crochet” ghim ngay vào quai hàm. Tôi chỉ thấy Khánh đưa một tay lên bịt miệng, rồi đổ nằm dài xuống sân cát.
Nghĩa rút khẩu súng ngắn đeo bên hông ra, lên đạn, chĩa vào Khánh đang nằm im lìm giữa sân. Y đi chung quanh, môi bậm lại. Trước những con mắt mở to của 12 người lính và 3 chúng tôi, chừng 3 phút sau, Khánh từ từ bò dậy, mở tay ra, máu đầy tay, chảy dài đỏ thắm chiếc áo lính. Y quay lại Nghĩa, nói trong tiếng gầm gừ:
- Nghĩa à, đời còn dài!…
Rồi cứ để máu chảy như vậy, chậm chạp y đi ra khỏi cổng.
Nghĩa đến tôi lấy áo, rồi quay lại phía 12 người lính hô: “Giải tán!”. Nghĩa đi về phía văn phòng trước cái mồm còn há hốc của An.
Sau đó, qua Ba Nhỏ tôi được biết: Khi hội nghị Genève ký kết, Khánh đang học dở lớp sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức. Khánh cùng một số sinh viên sĩ quan khác đã trốn ra khỏi trường khi đất nước chia đôi. Rồi thì, tình hình biến đổi, Khánh muốn trở lại trường sợ sẽ bị ghép vào tội đào ngũ. Giữa lúc lông bông trên các ngả đời, thì Khánh gặp Nghĩa, quen cũ từ Hà Nội. Trước đây Khánh vẫn khinh Nghĩa là thằng vô học, nhưng bây giờ, cờ đến tay Nghĩa, Khánh đành theo lời hứa hẹn của Nghĩa về Bình Xuyên làm Thiếu úy. Được Đại tá cấp cho một giấy phép đi về giữa Sài Gòn và Bình Xuyên. Khánh từ đó, đi về thả cửa không cần có ý kiến của Nghĩa nữa. Nghĩa tức, muốn thu lại giấy phép nhiều lần, nhưng Khánh nhất định không đưa.
Cái điều chính yếu là Khánh, ngưòi có học, cứ nhìn Nghĩa bằng con mắt coi thường người kém học. Nghĩa thì đã mặc cảm từ trước, nên thường hậm hực nhau. Với tôi, đó cũng là một sự việc nữa đã nói rõ về Bình Xuyên. Giai đoạn này, trong khu vực BX, thì tất cả mọi người từ lính tới quan, tới dân chúng, mỗi khi nói tới Lê Văn Viễn, đều kêu là “Ngài”: “Ngài đã đi Pháp rồi!”, “Ngài đã ký lệnh rồi!”, v.v…
Được biết. Ở đây thanh toán nhau là chuyện cơm bữa. Mạng người ở BX chẳng có giá trị gì. Chính ngay buổi chiều ấy, Nghĩa đã nói thẳng với tôi, khi thấy tôi lửng lơ không chịu đưa giấy tờ để làm thủ tục:
- Các anh có tài, chúng tôi rất hoan nghênh và rất cần sự góp sức góp tài của các anh. Ngược lại, các anh lừng khừng ương ngạnh, bắn bỏ ngay, chúng tôi ở đây không thiếu đạn.
Khi ấy, phần còn ít tuổi, phần khác tôi đã hiểu gì rõ ràng về đất nước đâu, cho nên tôi có ý niệm: Một thanh niên, nếu có lý tưởng với quê hương, dân tộc, vào bưng biền theo Việt Minh; nếu chỉ vì tiền tài và danh vọng, hãy vào lính Quốc Gia. Còn dứt khoát, không thể ở với Bình Xuyên, tôn thờ cá nhân của Lê Văn Viễn, của một đạo quân hổ lốn, coi mạng người rẻ như bèo. Tôi quyết tâm, dù Tuyển và An vừa dỗ dành vừa đe dọa tôi:
- Thôi, anh em mình đã vào đây, chúng tao cũng vì theo mày. Bây giờ chúng tao đã đưa giấy tờ rồi, mày hãy ở lại cho có anh có em.
- Đó, mày thấy anh Nghĩa đấy, mày mà để anh ấy ghét thì thật là nguy hiểm. Chúng tao cũng chẳng vui gì…..
Chúng nó đã đưa hết giấy tờ cho Nghĩa rồi. Phần tôi, tôi nói giấy tờ để trong va-li, vài ngày nữa, tôi sang Sài Gòn đón Luân sẽ đưa sau.
Ba, bốn ngày sau, một buổi chiều, bỗng một chiếc GMC đi vào sân trại, chở theo đầy xe người lố nhố người lớn trẻ con. Chúng tôi chạy ra nhìn lên, thấy thằng chó chết Luân với cả hai chiếc va-li.
Tên Nghĩa đi xe díp theo sau, chỉ tay bảo Luân đưa va-li của tôi xuống, rồi y ra hiệu cho tôi mở ra lấy giấy tờ. Quá bất ngờ, lúng túng, tôi đành phải mở va-li. Tơi cứ vờ lục lọi tìm kiếm trước con mắt lừ đừ của Nghĩa. Một lúc, tôi quay lại hỏi to Luân:
- Trên đó, mày có mở va-li của tao không? Sao không thấy giấy tờ của tao?
Thấy thái độ của tôi như vậy, Nghĩa nghiêm giọng:
- Tôi rất quý Bình, nhưng với điều kiện là Bình phải nghe lời tôi. Tôi cho Bình đến sáng mai 8 giờ, nếu không có giấy tờ cho tôi, lúc đó đừng trách gì tôi cả!
Tôi xách va-li vào trong nhà về chỗ nghỉ, lòng ngập đầy giận uất thằng Luân. Hỏi nó, nó bảo:
- Nghĩa nói là chúng mày bảo đưa va-li vào. Tao biết gì!
Chính tôi đã dặn nó, khi nào tôi lên đón nó mới đi. Nhưng thôi, trách nó làm gì. Tối hôm đó, tôi thật lo lắng. Cả 3 đứa đều khuyên tôi, đã trót thế này thì cứ đưa giấy tờ, rồi tính sau. Tôi nghĩ, không đơn giản như vậy. Đưa giấy tờ, nghĩa là tôi đã đồng ý gia nhập đảng Bình Xuyên. Hôm trước, Nghĩa đã nói thẳng là đã vào đây rồi, chỉ có cách duy nhất là phục tùng gia nhập, sẽ có mọi quyền lợi. Muốn ra bây giờ, không được nữa, vì đã biết nhiều chuyện của họ. Nó cũng đã nói thẳng, đã bao nhiêu thằng vào đây rồi trốn, đều không thoát. Rồi nó trừng mắt, khoa tay trước chúng tôi:
- Nếu muốn trốn, hãy nhớ kỹ, đừng ở Việt Nam, dù ở đâu Bình Xuyên cũng tìm ra. Có trốn ra ngoại quốc, thì đừng đến nước Pháp, ở Pháp BX cũng tìm ra thanh toán.
Mấy ngày trước, tôi đã lân la nói chuyện với 4 người lính gác bốn góc trại. Có người nói bên kia con sông này là Chợ Lớn; nửa tháng trước đây có bắn chết một người, đang đêm bơi qua sông để trốn sang Chợ Lớn. Dù bao nhiêu đe dọa, tôi vẫn nâng cao quyết tâm. Trong mấy ngày lang thang trong trại, tôi đã mò mẫm và tìm hiểu được về đảng BX này như sau:
Xuất thân là một đảng cướp, chuyên môn bắt cóc tống tiền những ngưòi có máu mặt, và cũng biết ve vãn chính quyền cai trị. Nhờ thời thế và khả năng khôn ngoan, dưới thời Pháp thuộc, Viễn đã có hàng trung đoàn quân sĩ tay chân trong địa thế sâu hiểm Rừng Sát. Pháp không thể tiêu diệt được, đành chiêu hồi và chịu điều kiện là Viễn vẫn cứ ở cứ khu BX và Rừng Sát. Nhật đảo chính Pháp, cũng chưa hoặc không đủ thời gian để tiêu diệt BX, nên vẫn chấp nhận để BX ở cứ khu cũ.
Nhưng tới Việt Minh, con hổ mang bành Hồ Chí Minh núp sau chiêu bài: Độc Lập, Hạnh Phúc, Tự Đo, Cách Mạng, Nhân Dân, Tổ Quốc, v.v…những danh từ mới lạ đó có sức hấp dẫn cuốn hút mọi người, nên đã lôi cuốn được Viễn. Viễn lúc đó trong tay có gần 2 trung đoàn với vũ khí đầy đủ, đã đi theo tiếng gọi cứu nước của cái gọi là “chính quyền cách mạng” để chống Pháp. Với Cộng Sản thì trước sau tất cả mọi đảng phái, tổ chức cũng như cá nhân phi Cộng Sản, dần dần chúng đều tiêu diệt; nhưng, với âm mưu thủ đoạn tinh vi, lúc nào trước tiên Cộng Sản cũng ve vãn mồi chài liên kết, hoặc cô lập kẻ thù “phụ” để diệt kẻ thù “chính”, sau đó, dần dần lần lượt mới hỏi đến các chú ngu xuẩn là kẻ thù…”phụ”.
Trong giai đoạn liên kết, Cộng Sản ca tụng hết lời, hứa hẹn cam kết mọi vấn đề.
Nếu Viễn tỉnh táo, tự hỏi mình có thể trở thành một tên Cộng Sản được hay không? Dù cho Viễn lúc đó có quyết tâm bằng mọi giá để nhập hàng ngũ Cộng Sản, theo nguyên tắc của Cộng Sản, chúng cũng không bao giờ tin. Chúng không bao giờ tin dùng một ai, nếu người đó không do chính chúng đào tạo khi cón tay trắng, chưa có một việc làm nào ngược lại với chúng, chưa được hưởng những thú ăn chơi nhàn hạ của xã hội tư bản, v.v… Nói cho cùng, trách Viễn cũng là trách oan, vì cho tới ngày nay, sau gần 40 năm, vẫn còn đầy rẫy những đảng phái, tổ chức, cá nhân, những học giả uyên thâm, những nhà tu lỗi lạc,…Thậm chí, ngay những quân nhân Tướng, Tá đã từng vào sinh ra tử, hàng chục năm cầm súng chống cộng, mà vẫn còn mơ hồ với Cộng Sản nữa là Viễn thời đó.
Cộng sản khi ấy thổi Bình Xuyên lên tận mây xanh. Chú bé con bị người lớn xui ăn cứt gà đã đem hết khả năng, xông pha nơi hòn đạn mũi tên đánh Pháp để lập công. Khoảng 1946-47, Cộng Sản có bài hát thổi Bình Xuyên: “Bình Xuyên, … Bình Xuyên oai hùng muôn năm!…”
Nhưng, có thể lúc đó kinh nghiệm lãnh đạo của Cộng Sản chưa được tinh vi lắm, nên đã để tình huống gây ra một vấn đề. Vào thời đó, trong Nam và Trung có hai đơn vị nổi tiếng với những chiến công đánh Pháp là đơn vị của tướng Nguyễn Bình và của tướng Viễn. Lúc đó, Cộng Sản chỉ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chưa có Trung tướng. Để khích lệ và dụ dỗ, tuy không tuyên bố, nhưng Cộng Sản vẫn ngầm để cho Bình và Viễn hiểu mình sẽ là Trung tướng với điều kiện, phải có những chiến công diệt Pháp ai hơn ai. Với đầu óc và bản chất là một tên tướng cướp, lại luôn có một ám sát đoàn rành nghề. Có thể theo suy lý của Viễn, Viễn cho rằng, sở dĩ Bình lập được nhiều chiến công chống Pháp là vì dưới tay có nhiều người tài. Vậy, không gì bằng, một mặt vẫn công đồn, hoặc phục kích để đánh Pháp, mặt khác hoàn toàn bí mật, cứ tìm những ngưòi tài ba dưới quyền của Bình để thủ tiêu. Giai đoạn này, bên phía Bình, hết ông tiểu đoàn Trưởng này mất tích, lại đến ông Tham Mưu phó kia biến mất; tình báo lắm mới phát hiện xác đã rữa thối trong rừng. Những chiến sĩ thủ túc của những người bị mất tích dần dần đã hiểu chính Bình Xuyên là thủ phạm. Họ căm phẫn tột độ. Đã có một số chứng cớ cụ thể, Bình cũng vô cùng căm phẫn, đã bí mật báo cáo với trung ương.
Chúng ta đã biết, Bình là con ruột của Cộng Sản, trong khi Viễn chỉ là loại kẻ thù “phụ”, nhưng giai đoạn đó, Hồ già và trung ương cũng đang điên đầu với Pháp và nhiều vấn đề nội bộ cũng như ngoại giao khác; nếu giải quyết vấn đề này, vừa mất đi một lực lượng chống Pháp, lại còn mất thêm một lực lượng đi đánh Bình Xuyên, cho nên Hồ già rất lúng túng, cứ khất lần hòng tìm ra phương kế tốt hơn. Trong khi đó, tình trạng những cán bộ tài năng dưới quyền Bình bị mất tích cứ tiếp diễn. Những chiến sĩ dưới quyền Bình bị mất tích cứ tiếp diễn. Những chiến sĩ dưới quyền Bình không thể chịu đựng được sự chờ đợi mãi trung ương giải quyết nữa. Họ đòi phải trả thù, nếu không, họ không chịu đi chiến đấu. Trước lòng sục sôi hận thù của các chiến sĩ, Bình dù là người nghiêm túc chấp hành trung ương, trong lòng cũng bầm gan tím ruột. Nên, một đêm âm u tịch mịch, trời không trăng sao, chính Viễn và hầu hết quân lính duới quyền Viễn cũng không thể ngờ, đơn vị của Bình đã bất ngờ công kích một trận với ngọn lửa sục sôi, đã diệt sạch đơn vị của Viễn. Viễn chỉ còn hơn 100 tàn quân, vượt bao nhiêu cửa thần sầu chạy thoát thân. Không còn đường thứ hai, Viễn chỉ còn con đường duy nhất là trở về đầu Pháp. Pháp đã hiểu, và cũng cần, vì thế lại cho Viễn về cứ điểm Rừng Sát và Bình Xuyên. Sau đó, Bình trở thành Trung tướng.
Chuyến này, kẻ tử thù của Viễn là Bình. Nhưng, trước hết Viễn phải gây dựng lại cơ đồ, sau mới tính giải quyết mối thù bất cộng đái thiên. Nhưng may thay, Nguyễn Bình đã bị giết bí mật trên đường trở về Hà Nội theo lệnh của Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, ngọn lửa hận thù của Viễn mới nhỏ dần, và Viễn quay ra “cũng” làm chính trị, nhưng là chính trị kinh tế xôi thịt, mà chúng ta đã thấy…
Một vài ngưòi lính có lần nói với tôi:
- Trong Rừng Sát hiện nay (1954), đôi khi chúng tôi đi hành quân, gặp Cộng Sản là thường. Nhưng, hai bên mặc kệ nhau, không xâm phạm đến nhau.
Như đã trình bầy về lá cờ ở trên, cái hình vuông mầu xanh là để chỉ sự việc rời trong rừng ra. Cũng qua lá cờ, ta thấy tên Viễn từ trong đáy lòng y hãy còn mơ tưởng già Hồ là chính nghĩa.
Xin trở lại vấn đề của tôi và Nghĩa. Đêm hôm đó, lòng tôi đầy lo lắng, nên giấc ngủ cũng không yên. 8 giờ sáng ngày hôm sau, sẽ là giờ hẹn cuối cùng của Nghĩa ra cho tôi. Cả đêm suy nghĩ mà vô kế khả thi, đành để sáng mai, ra sao thì ra, trong khi các bạn chỉ muốn tôi ở lại.
Mãi 7 giờ sáng hôm sau, tôi mới dậy, lấy khăn mặt và thuốc đánh răng ra mé sông rửa mặt như mọi sáng. Vì rửa mặt nên tôi cởi đồng hồ tay bỏ lại va-li. Tôi đang rửa mặt, lúc đó khoảng 7 giờ 30, một chiếc GMC từ ngoài cổng vào đỗ ở sân. Một người ra hô gọi tất cả mọi người mới vào đi lên Tổng Hành Dinh để trình diện và khám sức khỏe. Tôi không còn kịp cất khăn mặt và bàn chải, bèn đút luôn vào túi quần, rồi trèo lên xe vì Tuyển, Luân và An đang ở trên xe gọi, vời rối rít.
Xe đến Tổng Hành Dinh. Mọi người ngồi chờ đông chật một cái phòng rộng, lần lượt đợi khám. Tôi lửng lơ ra chỗ chuồng hổ, xem con hổ đang ăn. Cùng đứng xem với tôi có một anh tên là Hiệu, nghe anh nói chuyện. Anh cũng ở trường sĩ quan Thủ Đức trốn ra, nghe theo Nghĩa vào BX, nhưng bây giờ, anh không muốn nữa. Thấy thời cơ có thể, tôi nháy anh Hiệu theo tôi, lững lờ lân la ra phía cổng. Ở cổng có một người lính gác, nhưng đứng trong chòi, phía sau không nhìn thấy y. Tôi nhìn trước sau, chưa biết tính kế gì đi ra, sợ nó hỏi giấy. Còn đứng lớ ngớ ngoài này, bất ngờ mà Nghĩa ở trong phòng ra nhìn thấy, Nghĩa sẽ biết ngay là chúng tôi định chuồn. Lúc ấy, chưa biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Giữa lúc tiến thoái lưỡng nan, tôi chợt thấy ngoài cổng, phía bên kia đường có một hàng bán mía và mấy lọ kẹo, tôi rút túi lấy ra 5 đồng đưa cho Hiệu (Hiệu chả có đồng bạc nào), nói to cốt để người lính gác nghe thấy:
- Này, từ sáng chưa ăn, đói quá, cậu chạy ra hàng mua hai tấm mía đi!
Hiệu cầm tiền chạy ra (có ý với tên lính gác là còn một người nữa trong này, nếu nó nghi ngờ, hỏi giấy), chọn một tấm. Khi Hiệu cầm tấm thứ hai, tôi nói to, vọng sang bên kia đường:
- Lấy tấm kia cơ mà!…
Tôi cứ bảo “tấm kia, tấm kia!”, hai bên nói ra, nói vào, tên lính gác ở giữa. Cuối cùng, tôi vừa chạy ra vừa nói:
- Cóc khô, lấy tấm này!…
Khi tôi ra đến hàng mía, hai thằng mắt la mày lém, liếc ngang, liếc dọc, vừa lúc đó may sao một chiếc xích lô máy chạy tới đổ một người khách ở chéo một góc. Liếc nhìn về phía chòi gác, người lính thờ ơ, đang nhìn đi đâu, chúng tôi chạy ngay đến chỗ bác xích lô máy:
- Chạy sang Chợ Lớn!
Bác quay lại:
- Mười đồng!
Tôi nói trả bác 15 đồng, với điều kiện bác chạy thật nhanh và chạy về phía dưới, nghĩa là trở lại phía trại của tôi, bởi vì phía cầu chữ “Y” xe nào ra cũng bị hỏi giấy tờ, đó là Tổng Hành Dinh.
Xe chạy bụi mù, lại không có mui, tôi cứ phải vờ lấy khăn mặt lau mắt để che mặt, sợ bất ngờ gặp tên lính quen, nhất là lúc xe qua trại cũ, anh lính gác thế nào cũng biết mặt. Tôi cứ kêu bụi quá, cúi gầm xuống, lấy khăn mặt ngoáy lỗ tai để che phía bên. Xe chạy qua, thoát nạn! Qua sông là ổn rồi, mới thấy tiếc cái va-li, cái đồng hồ, nhất là bao nhiêu tấm ảnh kỷ niệm, cả phim từ hồi bé ở Hà Nội. Nhưng chọn giữa cuộc đời ở lại u tối và các thứ đó, đành phải xa lìa chúng.
Xe sang tới Chợ Lớn, Hiệu cảm ơn và chia tay với tôi. Tôi vào ngay tiệm phở chén một bát. Bây giờ tay không, chả biết đi đâu, chẳng một ai quen biết. Lang thangmãi gần tối, Sài Gòn rộng bao la, nhưng tôi chả có chỗ nào dung thân. Tôi lại nghĩ đến bệnh viện Bình Dân, nơi đó đông đúc đầy người, tối cứ vể đấy ngủ, ban ngày sẽ chuốn nơi khác.
Tối hôm đó tôi về bệnh viện Bình Dân thực, vì chẳng còn chỗ nào để đi. Tôi vào mãi phía trong, lại gặp một số thanh niên và đồng bào đang bàn tán, ngày mai họ vào Bình Xuyên. Từ chuyện mình vừa trải qua, tôi nghĩ đến các thanh niên khác, không thể để họ chôn vùi vào một nơi đen xấu như vậy, cho nên tôi nói thẳng cho họ biết là tôi vừa ở Bình Xuyên trốn ra, mất hết cả va-li quần áo, v.v… Ai nghe cũng sợ hết hồn, anh nào cũng lắc đầu lè lưỡi, cảm ơn tôi.
Được hai ngày không có gì xảy ra, tôi bắt đầu chủ quan. Mọi khi dậy là đi sớm, tối 9 giờ mới mò về. Tôi cũng tin vào mắt mình, nếu thoáng thấy Nghĩa là tôi lủi vội. Sáng hôm nay, tôi dậy muộn, cũng nằm gần mấy anh bạn mới. Mải chuyện vui với mấy anh, đột nhiên, tôi nhìn thấy trước mắt mình (lúc đó, tôi đang ngồi dựa tường, nhìn xuống nền, giữa hành lang đầy người) một đôi giầy đen bóng loáng, đôi ống quần vàng ka ki Mỹ là thẳng tắp. Tôi từ từ nhìn lên, tim tôi bóp lại; Nghĩa! Nghĩa đang đứng chống hai tay cạnh sườn nhìn tôi bằng đôi mắt lạnh băng. Tôi liếc sang mấy anh bạn mới, họ đều lủi mất, chắc họ cũng biết ngay đấy là Nghĩa. Tôi đứng bật dậy, tỏ vẻ mừng rỡ, một tay cho vào túi quần sau như lấy ví:
- À, anh Nghĩa! May quá, em cứ sợ không có giấy tờ đưa cho anh, anh sẽ giận, em nhớ là đã gửi một người bạn, nên phải lên đây lấy. Em đã lấy được rồi. Bây giờ, anh cho em về dưới đấy với.
Nghĩa cứ lừ lừ nhìn tôi, không nói một lời. Một lúc, Nghĩa nhìn ra phía ngưòi cảnh sát đang gác như định gọi vào để bắt tôi (cảnh sát cũng của Bình Xuyên). Tôi vội nói:
- Không cần thiết anh Nghĩa à! Chính em thích Bình Xuyên lắm. Nhất là gần anh, bây giờ em đi theo anh về ngay mà.
Y nhìn tôi một lúc, rồi ra ý bảo tôi đi trước, y theo sát ngay sau. Đành vậy! Khi gần ra tới cửa bệnh viện, tôi thấy từ trong một căn buồng chéo phía trước mặt tôi đang đi tới, trên một chiếc ghế bố xanh, một cô gái chừng 20, 21 tuổi, có sắc đẹp căng đầy, đang ngồi chải, hong mái tóc đen huyền nhìn ra. Vô tình gặp mắt Nghĩa, cũng đang nhìn về phía cô, cô nàng cười. Nghĩa cũng toét miệng ra. Thôi thì trai anh hùng, gặp gái thuyền quyên! Bốn mắt nhìn nhau, hai lòng mở cửa. Thế là Nghĩa bảo tôi đứng đó chờ y một tí. Tôi cũng nháy mắt ra vẻ tán đồng. Nghĩa rẽ vào, tôi đứng cạnh đấy. Cô ả thấy Nghĩa vào, lại e thẹn cúi đầu, Nghĩa lại càng ngất ngây. Tôi thấy vẻ mặt Nghĩa đờ đẫn. Dịp may một thuở ngàn năm, thôi thì 36 chước, chước nào tối ưu? Tôi lủi lẹ!
Như vậy, giai nhân ấy, vô tình đã cứu tôi một hướng đời!
Từ đấy cho tới khi tôi phải lên tít trại định cư Hà Nội, Hố Nai Biên Hòa, chẳng bao giờ tôi dám bén mảng đến bệnh viện Bình Dân nữa. Mãi khi Bình Xuyên bị đập tan tành, tôi cũng không hiểu số phận Nghĩa ra sao, và các bạn tôi: Tuyển, Luân và An thế nào?
Cho tới 1960, tình cờ tôi gặp lại An, bây giờ là cán bộ thẩm cung ở Bình Dương. An có nói, Nghĩa lên Đại úy, và sau vụ Bình Xuyên, Nghĩa bị mất tích, không biết sống chết thế nào. Còn Tuyển, hiện nay đang làm ở tòa báo VNTP. Tôi định đến thăm Tuyển nhưng chưa có dịp nào.
………….
Riêng sau ngày tôi gặp Nghĩa ở Hỏa Lò, đến khi tôi phải đi các trại trung ương, tôi vẫn có ý thăm hỏi về Nghĩa. Mãi về sau, đến năm 1976, khi đó tôi ở trại trung ương số II Phong Quang, Yên Bái, tôi gặp hai thanh niên tội hình sự đã từng sống với Nghĩa gần 3 năm ở trại giam Vĩnh Quang. Theo họ nói, Đại Úy Nghĩa là một người lao động nổi tiếng khỏe nhất trại. Nghĩa thường gánh mỗi bên quang 40 viên gạch thô (gạch chưa nung), như vậy sức nặng thường từ 90 ký đến một tạ. (Chắc Nghĩa cũng bị cuốn hút vào sự thúc đẩy, khích lệ thi đua cải tạo là mê hồn trận của Cộng Sản). Vào năm 1972, Nghĩa bị ho lao, thỉnh thoảng cứ nôn ra máu, kiệt sức dần mà không có thuốc, không có gì bồi bổ, nên Nghĩa đã chết vào một đêm Đông mưa dầm gió Bấc, chấm dứt một kiếp đời xuôi ngược nổi trôi.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen