Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23: Phó Mặc…
Ưu sầu tràn ắp, tôi đi dần vào giấc ngủ chập chờn năm canh.
Sáng hôm sau, khi tôi bừng mắt dậy, mặt trời đã mọc. Những tia nắng bình minh rực rỡ xuyên qua cửa sổ nhà trọ như truyền sinh lực vào cho tôi.
Phải rồi, người trai, tấm thân nam nhi đâu được nằm đây mà sầu héo lo âu, phiền muộn. Sự âu sầu này, có giải quyết được những khó khăn sinh tử trước mắt không? Chắc chắn là không! Tôi bật dậy, tắm rửa, đi ăn sáng, rồi đi ra bờ hồ, bên đường Lý Thái Tổ, phía bên kia nhà Thủy Tạ.
Tôi đi xuôi mãi xuống đến những ki-ốt giải khát. Tôi mua một chai bia Trúc Bạch, loại này khá hơn bia Hà Nội, tuy vẫn nhạt phèo so với bia 33 của Sài Gòn.
Tìm một bàn sát mé hồ, một ly bia, một bao thuốc lá, tôi ngồi đăm chiêu nhìn ra hồ, chẳng cần để ý đến những cái “đuôi”. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ từ giữa hồ thổi tới, đưa theo cái dìu dịu của ban mai mùa Hè, làm tinh thần tôi sảng khoái. Tôi ngồi cân nhắc, suy lý, tính toán.
Sớm hay muộn Hà Nội sẽ bắt, vậy khai báo như thế nào? Tôi nhìn lại toàn bộ sự việc, cái gì có thể che giấu, cái gì không thể che giấu. Điều gì phản gián Hà Nội đã biết và sẽ phải biết về tôi. Dù sau này, chúng có người nằm trong Cục tình báo Sài Gòn. Cứ loại điều này, bổ sung điều kia, dần dần tôi hình thành một nội dung như sau:
Tôi dẹp ngay “vỏ bọc 2 và 3”. Hai vỏ bọc này thật ấu trĩ, Cộng Sản không thể tin được. Nếu khai ra bằng đường biển và ngày thuyền sẽ ra đón tại điểm đổ bộ, Cộng Sản sẽ bắt tôi đến điểm hẹn, đánh tín hiệu để hải thuyền vào đón. Sẽ làm cho bao nhiêu chiến hữu khác bị rơi vào bàn tay đầy máu của kẻ thù, sẽ bao nhiêu gia đình nữa khổ đau mất cha, mất chồng, mất anh em. Thà chết, dứt khoát không thể làm thế được! Vậy, nếu bị bắt, tôi sẽ khai là đi đường bộ, do đó chỉ cần moi óc tìm ra những hình ảnh liên quan. Cũng may, tôi đã ra bờ sông Bến Hải, lại có nghiên cứu kỹ Quốc Lộ 1 từ Vĩnh Linh tới Hà Nội. Vậy, dựa vào đó khai. Để phòng hờ những di chứng sau này, tôi về nhà trọ, tôi phải tháo cả chiếc túi con dấu tài liệu tôi đã khâu bên trong quần đùi.
Dùng “vỏ bọc 4” là duy nhất. Theo dõi sư đoàn 308 phòng thủ thủ đô Hà Nội, do tướng Vương Thừa Vũ là Sư Trưởng. Do thi cử nhiều lần không đậu, lại chán chường xã hội miền Nam, vì thế, khi có người giới thiệu, tôi cứ đi. Dù trong lòng rất sợ, vì muốn có chút tiền để giúp đỡ cha mẹ già yếu, nên liều. Nghĩa là ở cái thế bắt buộc phải đi. Do đấy, khi tới Hà Nội, tôi chẳng làm gì cho chính quyền miền Nam. Nhớ cảnh cũ thời thơ ấu, nên chỉ đi loanh quanh khắp Hà Nội chơi. Tôi sẽ kể hết sự thực: ra tới Kỳ Anh gặp Phùng Văn Trí, v.v…về tới Hà Nội làm những gì, đi những đâu…đều khai hết, chỉ bỏ những chi tiết liên quan đến tài liệu “M”, “X”, và thư cha Hoàng Quỳnh. Dứt khoát là không hề biết có người theo dõi mình.
Lúc đó, tôi ngây thơ tính toán là mình cứ khai rằng chả làm cái gì và giữ đúng lời khai như vậy, tù bất quá 3, 4 năm. Khi được thả ra, nếu có điều kiện sẽ trốn về Nam.
Với đầu óc hãy còn ấu trĩ về Cộng Sản của một thanh niên 24 tuổi như vậy, nên tôi yên tâm hơn, và lại bắt đầu đi chơi, muốn bao giờ bắt thì bắt.
Ngay chiều hôm ấy, tôi đi xe điện lên Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, thăm con đường Cổ Ngư.
Tôi xuống xe điện chỗ đầu Quan Thánh, vào chùa Quan Thánh xem. Những viên gạch cổ lát ở sân chùa, nhiều viên đã bể vỡ, cỏ rêu ở kẽ mọc tùm lum. Toàn bộ cái sân to, chỉ còn là mầu xanh rì của rêu cỏ với từng đống lá khô mục nát. Nơi đây, hẳn khi xưa đã in bao nhiêu vết chân của nhà sư Tuệ Chiếu, bây giờ đã về nơi cát bụi.
Tôi rời chùa, rẽ ra con đường Cổ Ngư (giờ gọi là đường Thanh Niên). Ngày xưa, nơi đây là chỗ hẹn hò của trai gái Hà Thành thanh lịch, cũng như khách nhàn du. Đông nhất là vào những buổi cuối tuần, với những hàng bánh tôm, thịt bò khô nổi tiếng Hồ Tây. Giờ đây, Cổ Ngư vắng tanh, trên đường, hai bên hồ gió lộng, thỉnh thoảng đôi ba chiếc xe đạp, hoặc một chiếc xe bò chậm chạp, lê theo bước chân của một bác dân nghèo đang gò lưng phía trước.
Tôi lững thững thả bước đi mãi, tai nghe tiếng bì bõm của sóng nước hồ Trúc Bạch bên phải và Hồ Tây bên trái vỗ vào bờ. Cũng vẫn hàng phượng vĩ đỏ ối lắc lư với tiếng ve sầu rả rích. Kia là chùa Trấn Võ. Tôi lại nhớ đến bà Huyện Thanh Quan, rồi Cao Bá Quát:
Trấn Quốc hành cung cỏ dãi dầu.
Chạnh lòng cố quốc nghĩ mà đau…
Lên quá tí nữa là “Petite Đồ Sơn” với bao nhiêu kỷ niệm thơ ngây của buổi thiếu thời. Xa nữa là Nghi Tàm, Quảng Bá, với những cây ổi quen thuộc ngày nào. Bây giờ ra sao, nơi quê hương của Thị Lộ mỹ miều? Cảnh Hồ Tây thật quyến rũ hồn du khách. Chẳng hiểu những cái “đuôi” của tôi có cảm nhận thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, trên mảnh giang sơn cẩm tú của Tổ Quốc Việt Nam này không? Mặt Hồ Tây bao la trắng xóa một vùng, lúc này chỉ gợi lên trong tôi một nỗi lạc lõng chơ vơ:
“Mênh mông, không một chuyến đò ngang,
Lang thang, núi bạc mây chiều …”
Chiều đã xuống dần, mặt trời cũng đi ngủ. Một vài con cò trắng cất cánh bay về phương trời xa.
Tôi quay lại, trở về, lòng mang mang nặng trĩu.
Cứ như vậy, những ngày sau, tôi đi hết về phía này, lại về phía kia của Hà Nội. Cũng nhiều cảnh, nhiều tình huống tệ nạn xã hội xảy ra trên đường làng, đường phố. Tôi nghĩ rằng không cần kể dài dòng nữa. Tuy vậy, có một sự việc nhỏ đến lúc này vẫn còn hằn trong óc tôi.
Chiều ấy, tôi đi xe điện xuống vùng Văn Điển. Tôi đang thả mắt nhìn đồng quê hai bên đường, tầu điện đỗ lại một bến phụ, vài người khách lên xuống. Một bác nhà quê, quần áo nâu hai, ba miếng vá, đi chân đất, gánh một gánh củi cành. Bác vội vàng hấp tấp ôm hai bó củi lên tàu, vừa đẩy gọn vào góc, vừa hổn hển thở. Tàu chạy, anh bán vé từ phía đầu toa đi xuống, ngoắc tay ra hiệu cho bác đưa tiền lấy vé. Vì gần cuối đoạn đường rồi, nên chỉ phải trả 5 xu. Bác nhà quê ngước đôi mắt toét nhèm sợ sệt nhìn anh bán vé, chừng hơn 20 tuổi, hai tay bác vuốt hai túi áo:
- Xin anh cho em qua một đoạn đường, trời tối rồi, nặng quá, em cả người không còn một đồng xu nào!
Tên bán vé, quắc mắt sừng sộ:
- Xuống ngay!
Khi tàu đỗ ở một bến kế, tên bán vé dùng chân hất đẩy bó củi xuống đường. Bác nhà quê, riềm mắt đỏ choét, cố gò người kéo bó củi lại, miệng cứ nài nỉ:
“Lạy anh, anh thông cảm cho em!”.
Mọi người trên tàu cũng nhìn với con mắt ái ngại, nhưng họ vẫn đứng yên. Tôi thấy 5 xu quá bé nhỏ, chả lẽ tôi bảo, để tôi mua cho. Tôi vẫn im lặng, vì tôi đã có chủ định. Đến một bến tiếp, tàu đỗ, hai bên đường vắng vẻ, vẫn toàn ruộng lúa, thấy bác xuống, tôi cũng định xuống theo. Nhưng, rất nhanh, tôi đã kịp giữ lại, vì còn hai cái “đuôi” ở trên tàu, bởi vậy, tôi vất nhẹ một tờ giấy 5 đồng, tôi đã gấp nhỏ lại từ trước vào túi áo bác. Bác thoáng nhìn thấy, thì tàu đã chạy rồi. Tay cho vào túi, bác nhìn theo tàu với đôi mắt mở to, ngạc nhiên và xúc động, trong bóng mờ của buổi chiều tàn.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen