Trong lúc vươn tới các vì sao, có thể bạn sẽ không thể chạm tay tới ngôi sao nào cả, nhưng chắc chắn một điều chân tay bạn cũng không phải lấm lem vì bùn.

Leo Burnett

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15: Vào Đất Địch…
ã bước chân lên bờ, mà người tôi vẫn còn quay cuồng mệt lả, tôi nằm luôn tại chỗ ngoài bãi cát trắng dăm phút cho lại sức. Bây giờ chỉ còn một mình, tôi nhìn vào phía trong, vẫn đen kịt một mầu, không thấy một hình dáng nhà cửa, cây cối. Tuy người chưa hết rã rượi, nhưng theo cái bản tính tự nhiên của sự sinh tồn, tôi vội vơ chiếc ba lô, tay xách đôi dép râu, chúi đầu tiến vào phía trong, chỗ mầu đen, để ẩn nấp nằm nghỉ. Chứ đây là giữa bải cát trắng lồ lộ, nằm làm sao yên. Chạy được vào chục mét, tôi thấy bãi cát có những khoảng, đốm loang lổ mầu đen. Tôi bước chân lên, thì ra là cỏ! Chẳng biết là thứ cỏ quái quỷ gì mọc trên cát lại toàn là gai, đâm vào chân tôi đau nhói. Vội vàng ngồi xuống, tôi thụt chân vào đôi dép râu, rồi tiếp tục lần mò chạy vào sâu nữa, qua hết bãi cát, đất sỏi càng lúc càng dốc lên. Bỗng, tôi bước hụt chân, cả người lẫn chiếc ba lô nặng chịch đều lộn tùng phèo xuống một hố đầy lá và cành cây khô. Sườn tôi đập vào một hòn đá đau điếng, nhưng vì hốt hoảng, căng thẳng, tôi vẫn thục mạng bò lên khỏi hố. Tôi cứ tưởng chiếc hố là cái bẫy của kẻ thù có gài mìn, nó sắp nổ.
Cứ ôm chiếc ba lô lúi húi xê dịch sâu mãi vào phía trong cho đến một lúc người quá mệt, tôi ngồi thụp xuống, ghé sát mặt đất, căng mắt ra nhìn vào màn đêm đen kịt. Nhìn lên nền trời xam xám, bóng mờ mờ của một cây to trước mặt. Tôi lầm lũi tiến về chiếc cây. Tôi đã tỉnh dần, nhìn đồng hồ đã hai giờ hơn. Trời vẫn tối như mực, giơ bàn tay trước mặt không nhìn thấy. Tôi chỉ còn dùng tai, vểnh lên nghe ngóng. Chỉ nghe những tiếng xào xạc của lá cây lẫn vào tiếng rì rào của sóng biển xa xa.
Dựa gốc cây mươi phút đã đỡ mệt, tôi lần mò lấy tay sờ soạng mặt đất chung quanh, xác định điạ hình, đào chôn những thứ tôi không cần mang theo. Đất cát nên tương đối mềm. Tôi lần mò lấy chiếc xuổng con trong ba lô. Đã mấy lần thực tập chôn giấu vật dụng trong đêm, tôi hiểu điều quan trọng nhất là không để rơi ra ngoài một hòn đất mới nào. Một chiếc túi to may sẵn, bao nhiêu đất cát đào lên, đều đổ vào đấy.
Trong lúc loay hoay làm việc, tôi nghĩ đến các vỏ bọc trong kế hoạch khai báo khi bị rơi vào tay địch mà Sài Gòn đã huấn luyện cho tôi. Ngay từ khi đó, tôi thấy Cục Tình Báo miền Nam đã đánh giá cộng sản thật ngây thơ. Vỏ bọc 2 và 3 làm sao cộng sản tin được. Sài Gòn không thấy làm như vậy sẽ gặp hai khuyết điểm: thứ nhất, nó sẽ không tin vào một vỏ bọc nào hết. Thứ hai, chắc chắn thân tôi sẽ nhừ đòn của chúng. Cho nên, lúc này tôi quyết định bỏ hẳn vỏ bọc 2 và 3. Tôi đã chôn mấy chục lọ thuốc Tây của vỏ bọc 2, cả lương khô, bi đông lọc nước, chiếc máy hồng ngoại tuyến, 200 đồng tiền miền Bắc, thuốc lá “Đại Tiền Môn”, diêm quẹt. Những thứ này xét ra không thực tế, lại vừa kềnh càng lỉnh kỉnh, vừa càng dễ bị phát hiện. Tôi chỉ mang theo hai trăm đồng với một chiếc túi dết, cùng một số quần áo lót, nghĩa là những thứ đã cũ của miền Bắc. Những tài liệu, đựng trong một cái túi tí con, tôi đã khâu phía bên trong quần lót. Tài liệu này, ngay từ khi rời Đà Nẵng tôi đã luôn mang theo trong mình. Dù vậy, tôi vẫn thỉnh thoảng phải cho tay vào sờ, vì đó là linh hồn của chuyến đi.
Vì đã có kinh nghiệm, nên chỉ hơn một tiếng đồng hồ tôi đã chôn giấu hoàn hảo. Làm xong, đưa tay sờ độ dày của lá khô bên cạnh, tôi xoa chỗ chôn vật dụng cho bằng như cũ.
Nhìn đồng hồ 3 giờ 30 phút, quá hồi hộp, căng thẳng thần kinh trong khi làm việc tôi không để ý, bây giờ tôi mới thấy chỗ sườn đau ê ẩm, nhoi nhói. Tôi sờ tay vào không thấy sưng. Tôi tự nhủ, kệ nó, rồi nó sẽ khỏi. Lúc này, tôi mới thấy đói và thấm mệt. Tôi gối đầu lên túi dết, dự định nằm một tý để lấy sức. Vừa mệt, vừa thiếu ngủ tôi thiếp đi lúc nào không hay. Khi tai tôi thoáng nghe tiếng người gọi nhau í ới, tôi giật mình thức giấc. Bò nhổm dậy, tôi mở to mắt, vểnh tai lên, hướng về có tiếng người khi nãy. Tôi nhìn đồng hồ mới 4 giờ 30. Trời vẫn còn tối đen. Tôi ngạc nhiên, hay là tôi mơ. Tôi vẫn nhớ đinh ninh lời ông Phan nói: “Nơi đây có thể nghỉ ngơi hàng tuần thoải mái,” nghĩa là khu vực này không có người ở. Với khả năng thính giác của mình, tôi tin là đã nghe đúng, vì vậy tôi tiếp tục nghe ngóng. Nhưng chỉ là tiếng gió rì rào lẫn vào tiếng xào xạc của vài chiếc lá khô rời cành.
Mãi chả thấy gì, vẫn cái im lặng của đêm trường. Một tiếng cú ở đâu xa rúc lên trong đêm khuya, nghe dài lê thê như tiếng thở than của những kiếp người nhiều cực nhọc gian khổ. Tôi lại nằm xuống như cũ. Chưa được mười phút, đột nhiên một tiếng cười dòn ngặt nghẽo của một người con gái, lẫn vào trong gió làm tim tôi thắt lại. Tôi nhỏm bật dậy, tiếng một người đàn ông nghe rõ mồn một:
- Để cái liềm đấy cho tui!
Không còn nghi ngờ gì nữa, với phản xạ tự nhiên, tôi vội vơ lấy cái túi dết và lủi dần, xa hướng có tiếng nói.
Trời sáng dần, mờ mờ, tôi đã nhìn ra cảnh vật. Ngay chỗ tôi ngồi là một chỗ nghĩa địa, lưa thưa một số ngôi mả, lác đác chung quanh vài bụi cây nhỏ cành lá khô cằn như thiếu nước, bụi nào cao nhất cũng chỉ chừng 2 mét. Cả một khu vực, chỉ có một cây to duy nhất chỗ đêm qua tôi đã lần mò tới được. Lướt tầm mắt về những phía xa xa, bao quanh phía trong, toàn là những lũy tre làng ngang dọc. Như vậy, ở đây thật gần xóm làng!
6 giờ, xa xa phía làng, một đoàn người trai gái, liềm hái đang đi về phía tôi. Nhìn quanh, chẳng còn chỗ nào kín đáo để ẩn núp. Gần chỗ tôi đang đứng, chỉ có duy nhất một bụi cây nhỏ, đường kính chừng 2 mét và cao cũng khoảng 2 mét là cùng. Cấp bách quá rồi, tôi đành chui vào đấy, trong khi đoàn người vẫn đang đi tới. Con đường mòn đi qua chỉ cách chỗ bụi cây tôi nấp chừng 6 mét. Trong bụi lại có một ổ kiến vàng to tướng, kiến bò vào chân, vào người tôi cắn nóng ran. Tôi chỉ dám lấy hai tay xoa khe khẽ, không dám làm mạnh vì sợ rung cành lá.
Khi đoàn người đi ngang qua bụi cây, tôi tường như nghẹn thở. Nếu có ai đó buồn đi tiểu, rẽ vào bụi cây này, ôi thôi, cuộc đời tôi sẽ… đi đứt! Điều làm tôi hoang mang không ít nữa là họ nói tiếng ríu rít như chim, nhiều tiếng tôi không hiểu được. Tiếng Nghệ An tôi đã biết; ở đây, không phải tiếng đó. Như vậy, đây chỉ có thể là Hà Tĩnh. Thực ra, tôi cũng chỉ suy đoán chứ chưa dám khẳng quyết, vì Phan đã nói rõ ràng:
“Chỗ Bình đổ bộ thuộc tỉnh Nghệ An giáp với Hà Tĩnh. Đây là vùng quê hương của họ, họ là thổ công của vùng này. Bình hãy yên tâm!”
Còn một điều nữa, một phần do tinh thần tắc trách của Phan, nhưng phần chính là do tôi. Do tinh thần chủ quan xem thường địch. Tự tin vào khả năng của mình sẽ qua mặt chúng được, cho nên tôi đã không hỏi vùng tôi đến là làng nào, xã nào, huyện nào khi quyết định thay đổi điểm đổ bộ khác. Đó là một khuyết điểm trầm trọng của tôi, người đi vào đất địch để hoạt động.
Nhưng qua thực tế, dù tôi có hỏi kỹ để biết rõ chăng nữa, tôi vẫn bị tình trạng hoang mang như lúc này. Nghĩa là, tôi cảm thấy hải thuyền đã không đưa tôi đến đúng chỗ quy định, mà Phan đã giao ước với họ. Ngồi trong bụi cây, càng suy nghĩ mặt tôi càng nóng lên. Như thế này, thật là đầy cam go, gay cấn: Một người trai Bắc lạ, ở giữa một vùng mà chưa biết đích xác thuộc tỉnh nào, chứ đừng nói làng xóm địa phương.
Lúc này, đoàn người đã xuống ngay một thửa ruộng cách chỗ tôi nấp chừng 200 mét để gặt lúa. Họ cười nói, chuyện trò ầm ĩ. 7 giờ, rồi 8 giờ. Mặt trời chói chang, đỏ như lửa đang bò lên cao từ hướng Đông. Đến đây, tôi mới nhớ lại chiếc mũ cối, vì vội vàng, lại rũ rượi vì say sóng, tôi đã để quên trên hải thuyền. Thật là lúng túng nhiều mặt. Ở trong bụi mãi đâu có được. Trời nắng, khi họ nghỉ gặt, giải lao, họ sẽ kéo vào nơi bóng mát nghỉ ngơi. Tôi bấn cả người lên, ngó ngấp chung quanh. Giá có cách gì bới đất để chui xuống! Phần bị kiến cắn nhiều, lại còn sợ hãi, nên căng thẳng làm tôi tê người đi.
Nhìn lại phía cây to, chỗ tôi chôn giấu vật dụng, cách bụi cây tôi đang nấp chừng 30 mét. Do đêm tối sờ soạng, tôi đã để rơi mấy hòn đất ra ngoài, mà tôi không biết. Hơn nữa, lá phủ ngụy trang chỗ chôn cũng chưa ổn như mình nghĩ. Người tinh ý nhìn thấy, sẽ tò mò, phát hiện ra ngay. Làm sao đây? Đây cũng là chuyện sống chết, tôi phải tìm mọi cách để giải quyết. Tôi lựa một góc khuất do bụi cây che với nơi ruộng của đoàn người đang gặt. Tôi bỏ túi dết lại trong bụi, nằm sấp, bò về phía cây to.
Tôi nhặt những hòn đất vương vãi đút dần vào túi quần, xáo lại những chỗ lá khô cho đồng nhất, rồi tôi bò về bụi, móc những hòn đất bỏ ra.
9 giờ rồi. Mồ hôi tôi ra ướt đẫm áo, vừa vì tinh thần căng thẳng, vừa vì cái nóng oi nồng của mùa Hè. Mới còn sớm mà sao gió thổi từ hướng Tây nồng nực, gió cũng nóng. Lúc này tôi phải quyết định, dù có bị bắt liền tại đây. Muốn hay không tôi cũng phải chui ra ngay khỏi cái bụi cây quỷ quái này. Vì còn một điều gay cấn nữa, khi sớm, vì sợ và vì bị kiến cắn, tôi không để ý. Bây giờ, trời sáng rõ tôi mới thấy trên đầu và chung quanh tôi, toàn là sâu róm! Trong cuộc đời tôi, không hiểu sao loại này tôi ghê sợ nhất. Tôi chẳng biết sợ thứ gì, dù trong rừng gặp hổ hay rắn. Ngay khi còn đi học ở Sài Gòn, có lần tôi đã trèo vào chuồng cá sấu để sờ da nó. Một vài người bạn thân chẳng có thể làm gì được để bắt tôi phải chiều theo ý họ, trừ khi họ có con sâu róm. Chính tên Đặng Trí Hoàn đã cầm một cành điệp có con sâu róm, đuổi tôi chạy dọc suốt mấy phố chung quanh trại học sinh, để xẩy ra một tai nạn giữa hai người đi xe đạp, trên đường phố, đầu năm 1957.
Nghĩ lại lúc ngồi trong bụi cây, bây giờ tôi còn nổi gai ốc lên. Sau này, lúc cộng sản khai thác cung, nếu chúng biết được nhược điểm ấy của tôi, cứ đưa sâu róm dí vào người, không biết lúc ấy tôi sẽ như thế nào. Tôi chui ra khỏi bụi cây ngay! Tay vuốt lại quần áo ngay ngắn, khăn mặt vắt vai, một bên khoác túi dết, tôi đường hoàng đi ra.
Tôi đã có chủ định, cứ phải vào làng. Hiện giờ, tôi chưa xác định được Quốc lộ 1 nằm về hướng nào phía bên trong. Tôi đưa mắt nhìn khắp phía xa xa, trong cái màu xanh bạt ngày của cây và núi, tôi cố chú ý, cũng chẳng thấy vật gì di chuyển. Lúc đó khoảng 9 giờ 30 sáng. Nhìn về phía đoàn người đang gặt, tôi tươi mặt, vừa cười, vừa giơ tay ra hiệu chào và tiến về phía họ. Vài cô gái tự nhiên cười ré lên, tay vẫy vẫy gọi:
- Anh ơi! Đi đâu đấy, xuống đây gặt lúa với chúng em!
Một số thanh niên cũng cười. Tôi cứ tiến bước về phía họ, rồi tay khoắng lên lia lịa, nói to:
- Chào các bạn, vui quá, lúa năm nay có khá không?
Tôi đi đến nữa chừng, rồi vờ chợt xem đồng hồ tay, tôi ngửng lên, tay chỉ về phía làng:
- Chết đã 9 rưỡi rồi, tôi phải vào gặp ông chủ tịch đã!
Mồm nói, chân tôi quay lại phía làng, vừa đi tới vừa ngoái lại, đưa tay vẫy vẫy:
- Chiều nhé, tôi còn ở lại đây đến chiều!
Các cô rối rít léo nhéo, vẫy gọi tôi. Đi dăm chục mét, tôi quay lại cũng vẫy, mấy chiếc bàn tay giữa ruộng cứ giơ mãi lên vẫy tôi. Đã đi xa, qua được “ca” này, tôi cũng thêm phấn chấn tinh thần. Làm sao họ có thể biết được rằng, tôi vừa ngoài biển vào đây đêm vừa qua. Từ nơi bụi cây, dẫn vào làng là một con đường đất đỏ, dài chừng độ 700 mét. Trời nắng chang chang, đầu lại không mang mũ nón, thật là bất tiện. Trên đường đi tới, sẽ càng khó khăn thêm ra.
Vào tới gần làng, tôi thấy trước một chiếc cổng tre là một người đàn ông cởi trần, mặc chiếc quần đùi đen, khoảng năm chục tuổi, ngồi ngay xuống vệ cỏ. Tay ông ta cầm chiếc roi tre, đập đập vào cây khoai nước dưới ruộng như đùa nghịch chơi một mình. Ngay từ xa còn cách khoảng 200 mét, tôi đã thấy lão nhìn phía tôi rồi, thế mà giờ đây tôi đi gần đến, lão vẫn coi như không biết. Thái độ của lão già làm tôi hơi chờn. Theo lẽ thông thường, trong một xóm làng vắng vẻ, thấy một người lạ đi đến, phải trố mắt ra nhìn mãi mới phải. Khi tôi tới, còn độ 2, 3 mét, tôi phải lên tiếng trước xem sao:
- Chào bác, bác ngồi chơi? Cháu vừa ngồi ngoài đó! (tay tôi chỉ về hướng đoàn người đang gặt phía xa) nói chuyện với các anh chị vui quá. Ở ngoài đó cháu mới uống nước đấy, thế mà vào tới đây đã khát rồi. Cháu vào xin bác ngụm nước nhé?
Miệng tôi nói, chân như có vẻ định đi vào cổng. Tôi đã thấy một căn nhà tranh con lụp xụp, với vại nước để bên cạnh chiếc cầu ao bằng 3 thân tre ghép lại. Tôi chào và nói bấy nhiêu lời, mà lão chẳng trả lời tôi một tiếng. Lão ngước nhìn tôi, rồi đứng dậy đi về phía trong làng, nói mấy tiếng cộc lốc:
- Uống nước thì đi theo tui!
Tôi đã tưởng lão câm, bây giờ lão mới nói. Vậy, từ nãy giờ lão là con người tôi đáng sợ. Lão cứ im lặng đi trước, tay vẫn cầm cái roi tre vung vẩy. Tôi phải phá tan cái không khí nặng nề này:
- Vụ mùa năm nay có khá hơn năm ngoái không bác? Năm ngoái cháu về, chỉ thấy tương đối thôi, bác nhỉ?
Im lặng một lúc, rồi lão trả lời tôi, giọng nhát gừng:
- Cũng khá!
Thật khó bắt chuyện! Thôi cứ đành đi theo lão, rồi sẽ tùy cơ ứng biến. Mà lão dẫn đi uống nước xa thế! Mãi gần giữa làng. Tới nơi, tôi nhìn thấy một sân gạch rất rộng, trên đó mấy người đang gò lưng kéo con lăn lúa bằng đá. Mấy đống khoai lang to tướng bên cạnh sân. Mấy thanh niên nam nữ đang chọn khoai từ đống này sang đống kia. Tôi hiểu ngay, thằng cha già này dẫn tôi vào chỗ chết.
Tôi bỏ lão, sà ngay vào chỗ đống khoai to. Tôi trầm trồ khen những củ khoai lớn và hỏi chuyện mấy người thanh niên đó. Tuy tôi nói chuyện, mắt vẫn không rời lão già chó chết. Lão đi vào căn nhà con phía bên kia sân, trong đó, tôi thấy mấy thanh niên mặc quần áo nâu, mấy khẩu CKC dựng ở mé vách. Tôi đoán là du kích! Lão già ghé tai một người nói gì đó, và người này nhìn về phía tôi. Phải chủ động, tôi chào mấy người nhặt khoai, rồi đi về phía nhà du kích. Lão già mắc dịch trở ra đường cũ, về ngay. Khi đi qua sân lúa, tôi cúi xuống nhặt một bông lúa lên nhấm. Tôi biết mấy tên du kích đang theo dõi, không bỏ sót một hành động nào của tôi. Tôi vẫn đủng đỉnh ở giữa sân, toi còn nói như đùa với mấy người kéo lúa:
- Như thế này là đốt giai đoạn đấy!
Tôi và mấy ngưòi ấy cùng cười vang. Tôi vừa đi vào nhà, vừa gật đầu chào mấy anh du kích. Thấy thái độ tự nhiên của tôi, một anh có vẻ là chỉ huy, cầm cái tích sứt vôi, rót vào một trong 3 cái chén mẻ, cáu ghét đen xì, đang để lỏng chỏng trên chiếc bàn mộc bám đầy bụi đất. Anh vừa cười vừa nói:
- Mời đồng chí uống nước!
Tôi cầm chén nước và xách luôn cả tích nữa. Uống hết, tôi rót tiếp, miệng như nói một mình:
“Tại anh Đạt đây! Hôm qua, tôi đã bảo tôi không uống được nữa, anh cứ cố ép, làm từ sáng đến giờ uống bao nhiêu nước. Còn ngủ nhỡ giờ nữa chứ!”
Anh du kích chỉ huy (trong 3 người, tôi chỉ thấy anh ta nói, nên đoán vậy) chừng độ 25 tuổi, nhìn tôi có vẻ hơi ngập ngừng:
- Thế này không phải, đề nghị đồng chí cho chúng tôi xem giấy tờ?
Tôi tươi nét mặt, nhìn anh, tay cho vào túi sau rút ví, miệng nói:
- Hoan nghênh tinh thần cảnh giác cao của các đồng chí!
Tôi mở ví, rút tờ giấy thông hành, nhưng cố ý dềnh dàng cho họ xem thấy bìa giấy nghĩa vụ quân sự, và một số giấy tờ khác. Anh ta cầm xem, tôi coi như không để ý, chỉ tay ra sân nói với hai anh kia:
- Năm nay, vùng mình khá hơn năm ngoái nhiều!
Trong khi đó, tôi thấy thái độ của anh xem giấy tờ có vẻ ngần ngừ. Thực ra, lúc này ruột tôi cũng đang co thắt lại, chả biết giấy tờ có chính xác không, và tình huống này sẽ dẫn tới đâu. Tuy vẫn nhìn ra sân, nhưng tôi không bỏ sót một cử chỉ nào của họ. Tôi thấy anh đó nói nhỏ gì với một anh du kích khác, hình như có nói đến xã trưởng, rồi anh kia nói không có nhà. Sau đó lại nói đến cơ quan, lại nghe hôm nay Chủ Nhật, rồi tôi chỉ nghe thoáng thấy tiếng “Phong”. Lúc tôi quay lại, anh du kích chỉ huy cầm giấy, mỉm cười nói với tôi, có vẻ ngài ngại:
- Tôi đề nghị anh (bây giờ y gọi tôi là anh, vì giấy tờ là học sinh) theo anh này lên gặp ông chủ tịch.
Tôi sáng mắt lên, vẻ ngạc nhiên, nói:
- Có phải lên nhà ông Phong phải không?
Anh đó mở mắt to nhìn tôi, rồi gật đầu. Tôi quay lại, vừa kéo tay anh du kích sẽ dẫn tôi đi, vừa nói to:
- Hay quá! Tôi cũng đang định đến nhà ông ấy đây. Vậy thôi, nào ta đi!
Thái độ này của tôi đã làm không khí cởi mở hơn. Anh du kích cầm giấy tờ đi trước, không mang súng. Tôi thấy tình hình không căng lắm.Trên đường đi, tôi tìm mọi cách để kể chuyện trò vui vẻ với anh du kích. Chủ đích trong lòng, tôi chỉ muốn hỏi anh ta đây là làng gì, xã gì, huyện hay tỉnh gì mà thấy điều kiện không thể cho phép. Đã nhiều lần lên tiếng ngập ngừng lên đến cổ họng, rồi lại đành kìm nuốt xuống, chỉ sợ hở cái đuôi ra thì nguy. Đường trong làng vắng vẻ quạnh hiu, lác đác đây đó vài mái nhà tranh trông lụp xụp tiêu điều lẫn vào lũy tre, nghe thật vắng lặng hiu hắt. Trái ngược với trái tim tôi, đang đập thùm thụp như trống làng vào đám.
Tới gần một chiếc ngõ có cổng gạch, anh du kích rẽ vào, tôi biết ngay là nhà tên chủ tịch (không biết là huyện hay xã). Nhìn vào trong, tôi thấy một cái sân gạch, một bà cụ mặc váy nâu, đang khòm lưng hý hoáy cầm chiếc chổi quét ở góc sân. Hai căn nhà làm nối vào nhau thành hình thước thợ, tuy cũng là nhà tranh nhưng rất khang trang sạch sẽ so với những nhà khác trong làng, vỉa hè bó gạch. Khi vào tới sân, một con chó mực con bé tí từ trong nhà bếp ra hè, đứng ngửng đầu lên sủa húng hắng. Bà cụ vừa ngửng lên, mắt hấp háy nhìn chúng tôi, mồm vừa xùy chó. Tôi sà đến chỗ bà cụ, để một tay lên vai cụ, rồi niềm nở:
- Thưa cụ, cụ còn nhớ cháu không ạ, cụ dạo này có được khoẻ không?
Tôi nói to cho tên du kích cũng nghe thấy. Bà cụ đưa đôi mắt kèm nhèm nhìn tôi ngập ngừng:
- Không dám, chào anh, anh đến chơi!
Trong khi đó, mắt và tâm trí tôi còn đang bám sát từng thái độ, cử chỉ của tên du kích. Đó mới là chính, thái độ của y ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của tôi. Tên du kích bước lên nhà trên, rồi đi vào trong buồng. Tôi hỏi bà cụ:
- Ông Phong còn ngủ à cụ?
Bà cụ nói chậm rãi, một cách mệt nhọc:
- Nó, hôm qua đi họp mãi khuya mới về!
Tôi bỏ bà cụ, lên ngay nhà trên để tranh thủ thời cơ. Khi tôi bước vào nhà, thấy tên du kích đang kéo cái điếu bát định hút thuốc. Tôi chưa từng bao giờ hút thuốc lào trước đây, nhưng bây giờ, để tạo không khí chan hòa quen thuộc, tôi cũng sà đến, vê một điếu và hỏi:
- Ông Phong hãy còn ngủ kia à?
Y đã ngậm miệng vào chiếc se điếu, tay đang bật lửa, nên y chỉ gật đầu. Khi y hút xong, thì một người khoảng 35 tuổi, mặc quần đùi màu xám bộ đội đã bạc, đi chân đất, áo sơ mi cháo lòng, da cũng trắng mai mái (chứng tỏ ít ra nắng) đang ở trong buồng bước ra. Mắt còn ngái ngủ, tay đang cầm tấm giấy thông hành của tôi. Tôi quay lại, mặt tươi lên, lớn tiếng:
- Anh Phong, chà bây giờ còn ngủ kia à? Hôm qua tôi ghé xuống Đạt, uống say quá, bây giờ mới ra đây!
Phong như tỉnh hẳn, mở to mắt nhìn tôi, rồi anh ngập ngừng, ngọ nguậy rồi toét thành nụ cười, giơ tay bắt tay tôi. Ánh mắt anh ta thoáng chút ngỡ ngàng. Chắc anh đang băn khoăn lục óc, chả biết đã gặp anh này ở đâu. Rồi có lẽ đổ tại trí nhớ của mình tồi, mặt anh bình thường trở lại, nói một cách xuề xòa:
- Hôm qua họp khuya quá!
Anh ta để tờ giấy xuống bàn, rồi co hai chân lên, ngồi xổm trên ghế. Tên du kích thấy thái độ của tôi với ông Phong như vậy, nên anh ta chào Phong và tôi trở về sân hợp tác xã. Tay đã cầm điếu thuốc, nên tôi đành kéo cái điếu lại, cố gắng hút. Dù tôi không dám rít mạnh, phải kìm ghê lắm, nếu không thì ho, thế mà cũng say đáo để. Phong kéo điếu, bắt đầu hút. Hết say, mặt tôi xụ hẳn xuống nói như phân trần:
- Đấy, anh xem, trước đây tôi khoẻ như vậy, thế mà gần một năm nay, cứ tự nhiên xây xẩm mặt mày.
Thấy nét mặt y trầm tư, tôi nhẹ giọng vẻ thân mật nói tiếp:
- Anh Phong à, tôi học hành như anh đã biết đấy, rất chăm mà cứ học trước quên sau. Cái bệnh tim chó chết này như vậy. Nhiều lúc tôi không muốn sống nữa.
Phong vẻ cảm động, quay lại nhìn con người phờ phạc mệt mỏi (mấy đêm ngày say sóng, không ăn) của tôi, nói như an ủi:
- Làm gì mà bi quan thế! Có bệnh, khoa học ngày nay tiến bộ chữa, sẽ khỏi.
Tôi cười buồn:
- Thực thế! Mới hôm qua ở bến xe, thấy đông người, tự dưng tôi xây xẩm mặt mày. Nếu không có người đỡ, tôi đã ngất, ngã vỡ đầu rồi. Có cái mũ thì cũng lại để quên trên xe. Anh Chí bí thư đoàn đã giục tôi nhiều lần, thậm chí, chính anh phải xin giấy giới thiệu cho tôi ra Hà Nội chữa bệnh, nhân kỳ hè này.
Phong hút thuốc xong, chả để ý gì đến tấm giấy thông hành để trên bàn. Phong vừa cho chân xuống đất định đứng dậy, vừa nói:
- Này, để tôi gửi tiền mua hộ tôi 3 cục “pin” nhé!
Tôi khẽ đập vào tay y, cười:
- Ồ! Anh lạ! Tôi có tiền đây, để tôi mua về rồi hãy tính. Có cần mua gì nữa không, tôi mua một thể?
Phong nghĩ ngợi một lúc rồi lắc đầu. Tôi chậm rãi nói, như thân tình quen thuộc:
- Lúc về, thế nào tôi chả phải ghé vào đây (nhưng thực ra lúc đó, tôi chưa biết đây là đâu), tôi vừa nói vừa cầm tờ giấy thông hành cho vào ví.
Phong còn tiễn tôi ra hè, bắt tay. Tôi chạy lại chỗ bà cụ, cầm tay bà cụ nói:
- Cụ ơi! Cháu đi đây!
Bà cụ lại ngừng quét, ngửng đôi mắt nhập nhèm:
- Phải, anh đi!
Sau này nhiều lúc nghĩ lại, tôi cũng thấy buồn cười. Phong chờ cái thằng chó chết, mãi chả thấy mua “pin” về. Tôi ra khỏi cổng, thấy con đường trước mặt thì cứ đi, chứ cũng không biết con đường sẽ dẫn đến đâu.
Lúc này đã gần 12 giờ trưa, mặt trời càng chói chang như thiêu đốt. Nóng hừng hực, không một ngọn gió, thế mà lòng tôi mát rượi nhẹ nhàng. Chỉ một chút xíu nữa thôi, thì đời tôi đã tịch ở ngay mảnh đất này, nơi tôi đổ bộ. Cho tới nay, tới lúc tôi đang ngồi viết những giòng nỗi niềm này, tôi cũng vẫn chưa biết rõ ràng đấy là đâu. Trên con đường đất trắng bệch vì lâu ngày không mưa, hai bên toàn là ruộng đã gặt rồi, đất cũng đã khô nứt nẻ. Xa xa ngược chiều, một bà cụ đầu đội bó củi đang đi lại. Giữa cánh đồng vắng buổi trưa, tôi quan sát trước sau chả thấy một bóng người, vì thế khi gặp bà cụ, tôi chào vồn vã:
- Trời ơi! Nắng quá cụ ơi! Các cháu đâu không đi làm cho cụ; mà cụ phải vất vả thế này?
Bà cụ thật già, tội nghiệp! Bà cụ này còn già hơn bà cụ nhà tên chủ tịch. Bà cụ hổn hển nói khi tôi đỡ bó cây thanh hao con khô đã rụng hết lá:
- Chúng nó đi hết rồi. Ngày nào tôi cũng phải vào núi để lấy củi đun bếp.
Thấy bà cụ đã quá già, tôi đánh bạo:
- Cụ ơi, cứ đi thẳng đường này là ra đường cái hở cụ?
Bà cụ quay lại, nhìn về phía xa xa, tay cụ vẩy vẩy:
- Cứ đi một thôi nữa là tới đường cái.
Tôi hỏi tiếp:
- Đường nhựa chứ cụ?
Bà cụ gật đầu. Tôi thấy không nên hỏi thêm nữa, sợ khi bà cụ vào làng, lão Phong hoặc du kích hỏi bà cụ là tên đó hỏi cái gì, bà cụ nói ra thì chết. Tôi phải phòng hờ như vậy, vì chỗ này tuy đã xa làng, nhưng giữa đồng trống, biết đâu chả có những con mắt đang theo dõi. Cẩn tắc vô ưu, không chơi dại! Vì vậy, tôi đỡ bó củi lên đầu cho bà cụ, chào rồi đi lẹ.
Bây giờ tôi mới chú ý, xa xa đã nhìn thấy ô tô chạy. Nhìn trải dài cánh đồng bao la xa tắp, tôi thấy vài người đang đi dưới ruộng khô hướng ra phía đường cái, có người đội cái “rương” mà đỏ cạch. Họ đi tắt qua cánh đồng. Tôi cũng bắt chước họ, xuống ruộng nhắm thẳng phía đường cái, bước tới. Một mình lang thang trên cánh đồng rộng, óc tôi miên man nghĩ ngợi. Tôi nghĩ đến lão Phong chủ tịch. Chắc bây giờ lão đang lục óc xem đã gặp tôi ở đâu! Vậy lão chỉ còn trách cái óc tồi tệ của lão, lão ta đã gặp tôi trong lúc nào đó mà quên rồi. Hội hè họp hành, thiếu gì trường hợp.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen