Butterflies don't know the color of their wings, but human eyes know how beautiful it is. Likewise, you don't know how good you are, but others can see that you are special.

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12: Bão Tố Ngoài Khơi…
heo quy định, 7 giờ chiều ngày hôm sau. Ngày 28 tháng 4, tôi sẽ xuống hải thuyền đậu ở một nơi riêng biệt bên Biệt khu Hải Quân.
Bên ngoài trời mưa gió. Khung trời Đà Nẵng, chung quanh toàn biển, nên gió thật nhiều. Không gian ẩm thấp, xám xịt. Từng đợt gió mạnh đẩy bạt những hạt mưa nho nhỏ qua khung cửa sổ, hắt vào mãi giường tôi nằm. Cũng chẳng hiểu tại sao, tôi vẫn không muốn đóng khung cửa sổ lại. Cứ nằm đón nhận từng làn hơi ẩm ướt của gió mưa, buông lơi tâm tư bồng bềnh ngược xuôi chìm nổi.
Đã hơn 10 giờ tối, nằm mãi không ngủ được, đầu óc tôi lướt nhanh soát lại tất cả các vật dụng sẽ mang theo. Tôi đã để lại nguyên chiếc va li cồng kềnh với tất cả hành trang của một đời trai độc thân, với bao ân tình kỷ niệm: Từ chiếc đồng hồ đeo tay (đi công tác, tôi đã được cung cấp một đồng hồ khác, loại chống nước của Liên Xô). Chiếc dây chuyền 3 chỉ vàng chưa hề bao giờ đeo. Tiền bạc, toàn bộ giấy tờ; chiếc ví da, cho đến những thư từ, hình ảnh gia đình và bạn bè. Tôi cảm thấy một Đặng Chí Bình như được lột xác, trút bỏ hết tất cả. Nay cả đến hơi hướng của những cảnh đời đầy hương sắc, để trở thành một Lê Viết Hùng, sẽ ngược xuôi trong một cảnh đời khác. Một cảnh đời lầm than cực khổ của những con người lôi thôi lếch thếch. Làm việc như những con vật, quần quật suốt ngày đêm.
Tâm tư tôi đang chìm đắm trong những cảnh sống của khung trời miền Bắc đang đợi chờ, chợt văng vẳng một giọng hát nho nhỏ cao vút đâu đây: “…Mai anh đi rồi, làm sao em ngăn được, thà vui cho trót đêm nay…” Tôi giật mình, bâng khuâng. Câu hát trùng với hoàn cảnh của tôi làm sao! Không hiểu ai đó lại ca vào đúng lúc này? Không thể dằn được sự tò mò. Tôi bật dậy, tiến tới cửa sổ, nhô hẳn đầu ra ngoài nghe ngóng. Tôi xác định được tiếng hát ở lầu trên. Chẳng rõ nguyên nhân nào thúc đẩy, tôi mở cửa, nhẹ chân rón rén lên lầu, bước dần lại căn phòng vẫn còn tiếng hát lả lơi nho nhỏ. Tôi dựa tường, yên lặng lăng nghe. Giọng ca có lúc như nghẹn ngào than van, nhưng có lúc lại vút cao, lanh lảnh tràn đầy mộng ước.
Nhìn đồng hồ, đã gấn 11 giờ đêm, tôi cảm thấy đứng như thế này là một hành động bất nhã. Chỉ vì một bản hát nào đó tôi không biết tên, đã hợp đúng tâm trạng của tôi. Lần bước xuống hẳn dưới nhà. Người bồi và ông quản lý, đang ngồi hút thuốc nói chuyện, thoáng thấy tôi xuống, đều đứng dậy, tưởng tôi cần việc gì. Đắn đo một lúc, tôi hỏi:
- Này, trên phòng 12, ai hát hay thế nhỉ?
Người bồi tên là Lụa, đẩy hẳn cái ghế ra, quay lại. Mắt sáng lên nhìn tôi, giọng Quảng Nam săn đón:
- Trời ơi! Hôm nay thầy mới hỏi, cô là em nuôi tên là Dạ Lý Hương, ca sĩ tài tử đó! Nếu thầy muốn làm quen, mai cháu sẽ giới thiệu cổ cho thầy. Cồ nổi tiếng là cao kỳ, nhưng với thầy, cháu thấy hai người hợp lắm. Cháu bảo đảm, ăn chắc!
Tên Lụa nói líu lo một hồi, cướp hết cả lời ông quản lý. Tôi nghĩ, phần vì hoàn cảnh và điều kiện không cho phép, phần vì còn đang phải dấn thân vào những phương trời giông bão. Không được quyền đa mang những chuyện bận tâm, nên tôi nghiêm hẳn nét mặt, cố nói giọng thật lạnh lùng:
- Cảm ơn anh! Cô ấy đã làm tôi mất ngủ, vì hát giữa đêm khuya!
Nói xong, tôi trở lên phòng, trước 4 con mắt mở to của họ. Lúc này, tiếng hát đã im bặt, nhưng lời ca và giọng hát ấy đã theo tôi về phương trời miền Bắc xa xôi, suốt dài theo năm tháng. Nhất là vào những đêm mưa buồn, không ngủ.
5 giờ chiều hôm sau, Phan đến đưa tôi sang biệt khu Hải Quân. Khi đến gần, một chiếc thuyền đâu khuất trong một vụng nhỏ vắng vẻ. Tuy Phan chưa nói, nhưng qua một số hiện tượng, tôi đã hiểu, đó là chiếc thuyền tôi sẽ đi. Nhìn bề ngoài, chiếc thuyền trang bị như một thuyền đánh cá ở các vùng ven biển. Nhưng theo Phan nói, máy móc được thiết kế thật tốt, có thể chạy từ 10 đến 12 hải lý một giờ. Lúc Phan dẫn tôi xuống thuyền, tôi đã thấy lố nhố 5, 6 người, đa số là thanh niên, mặc toàn quần áo nâu. Hai người làm tôi chú ý hơn cả, đó là một ông già chừng 50-55 tuổi. Dáng mặt đen ròn mạnh khoẻ. Và một người khoảng 40 tuổi mặc may ô tay còn cầm cái mỏ lết, vừa chui từ hầm tầu lên. Thân hình anh ta trông lực lưỡng, to, cao với những bắp thịt cuồn cuộn, chắc nịch như một lực sĩ.
Sau khi cả 6 người dưới thuyền có mặt đầy đủ, Phan chỉ ông già rồi quay lại tôi:
- Đây là bác thuyền trưởng.
Rồi Phan chỉ tiếp anh chàng có thân hình to lớn, khi nãy:
- Đây là anh thợ máy.
Sau đó, Phan khoa tay nói rằng, những người còn lại đều là thủy thủ. Theo lệnh Phan, một anh chạy lên chỗ xe “díp” mang vật dụng của tôi xuống thuyền. Tôi thấy các anh, các bác dưới thuyền, người nào cũng đen xạm, rắn chắc, khoẻ mạnh. Họ đều là người Công Giáo, vì tôi thấy ai cũng đeo tượng Chúa. Và nhất là ở mé thuyền, mấy cỗ tràng hạt còn đang rung rinh theo đà lắc lư của con thuyền. Tất cả đều là người miền Trung. Khi cả Phan và tôi đã chui vào trong khoang thuyền, Phan quay lại hỏi toàn thể:
- Tất cả những đồ cần thiết đã chuẩn bị đầy đủ chưa, anh em?
Bác thuyền trưởng dõng dạc trả lời:
- Thưa đủ!
Phan hất hàm về phía anh thợ máy:
- Tình trạng máy móc thế nào?
Anh ta trả lời, giọng Quảng Bình chắc nịch:
- Thưa, bình thường!
Bây giờ, Phan mới hướng về tôi, nói với toàn thể những người dưới thuyền:
- Đây là ông cán bộ, đi công tác đặc biệt. Các anh em có trách nhiệm phải đưa ông đến điểm đổ bộ đã quy định. Suốt trên đường đi đến mục tiêu, ông có toàn quyền bảo thuyền quay lại, các anh em phải theo lệnh.
Nghe Phan nói, tôi hiểu, nếu lúc đó, bắt đầu vào thực tế, tôi mất tinh thần, tôi sợ, (một điệp viên vào đất địch mà sợ hãi, dứt khoát chỉ làm hư việc,) thì quay về là đúng. Nếu không, đôi khi còn tác hại hơn, không thể nào mà lường được. Anh sợ, anh quay về, chỉ có một điều hại là công tác chưa thi hành được, chứ địch chưa biết gì cả, và anh chỉ bị kỷ luật như đã định mà thôi, chứ nếu anh đã sợ mà anh cứ vào đất địch, chắc chắn anh sẽ không hoàn thành được công tác và dễ bị địch phát hiện. Địch sẽ khai thác những tài liệu anh mang theo, sự di hại còn to lớn biết chừng nào.
Sau đó, tôi theo Phan lên bờ, Phan đặt tay lên vai tôi, thân mật:
- Tinh thần của “toa” thế nào?
Tôi mỉm cười, đập mạnh vào tay Phan một cái, đùa cợt:
- Đấy, tinh thần tôi đấy!
Phan siết chặt tay tôi, rồi không biết Phan nghĩ thế nào, tự nhiên dang tay ôm chặt tôi, không một lời từ giã, hẹn gặp lại hay chúc thành công. Đó cũng là cá tính của Phan khi chia tay.
Trời đã chập choạng, thuyền bắt đầu rời bến. Xa xa, thành phố Đà Nẵng đã lên đèn. Hơn một tuần lễ ở đây, tôi chưa biết nhiều về Đà Thành, vậy mà tôi cũng thấy vương vấn bâng khuâng. Tôi có cảm tưởng con thuyền rời xa dần khung trời tươi sang để đi sâu vào vùng đen tối mịt mù. Thực sự, con thuyền đã khởi hành lúc 7 giờ chiều, trời còn sáng, để đi dần vào màn đêm. Và từ một vùng yên tĩnh trên sông Hàn, để tiến dần vào vùng sóng gió của biển khơi. Con thuyền đã bắt đầu lắc lư, vật vã với những vạt sóng bạc đầu vùng cửa biển.
Tôi đứng dựa mui thuyền. Đã gần nửa đêm, bầu trời rất thấp, hàng trăm ngàn vì sao nhấp nháy. Tôi đưa mắt nhìn một vòng chung quanh. Tôi có cảm tưởng, bầu trời như một chiếc vung khổng lồ úp xuống mặt nước bao la cùng chiếc hải thuyền cô độc, đang âm thầm rẽ song. Giữa mầu xám xịt mênh mông của biển khơi, là những tảng trắng đục của những lớp sóng bạc đầu trông như đá hoa cương. Chiếc thuyền nhấp nhô nghiêng ngả, đập vào đầu những ngọn sóng, gây lên những tiếng bộc bạch chắc nịch. Làm cho con thuyền rung lên, phát ra những tiếng cọt kẹt…cọt kẹt…
Dù tôi đã uống trước hai viên thuốc chống say sóng do Phan đưa, thế mà tôi vẫn thấy người nôn nao khó chịu. Tôi đành phải chui vào trong khoang nằm nghỉ. Đang vật vờ nửa thức nửa ngủ, tôi bỗng nghe tiếng rổn rang, nặng chình chịch của ông thuyền thưởng:
- Buộc lá cờ vàng, đen lên!
Dù người rất mệt vì say song và đã nôn ói hai ba lần, tôi vẫn phải cố bò lên xem chuyện gì. Trời đã sáng, mọi người đang hướng nhìn về phía mặt trời mọc. Một chiếc tầu mầu trắng toát, cách xa khoảng chừng 5 cây số, đang chĩa mũi về chiếc hải thuyền. Quá xa, và cũng do ánh nắng, tôi không trông rõ mầu cờ của chiếc tầu đó. Thấy anh thợ máy đang quỳ phía mũi thuyền, dán mắt vào chiếc ống nhòm. Tôi cố lần ra, khẽ đặt tay vào vai anh. Anh quay lại, hơi ngạc nhiên khi thấy tôi, anh tươi nét mặt:
- Tầu của ta, không sao!
Rồi anh trao ống nhòm cho tôi. Qua ống nhòm, tôi đã nhìn rõ mầu cờ vàng ba sọc đỏ phía cuối tầu. Và, đó cũng là lúc chiếc tầu đang chuyển mũi về phía trái, tức vào bờ. Tôi nhớ chiều hôm trước, lúc ở biệt khu Hải Quân. Phan đã đưa cho ông thuyền trưởng mấy loại giấy tờ, nói là khi nào có tầu của ta kiểm soát, xuất trình giấy lệnh công tác đặc biệt của trung ương. Nhưng, sao lại còn phải kéo lá cờ hiệu, con con mầu đen vàng? Tôi vào hỏi ông già, thì ra đó cũng là mật hiệu của thuyền đi công tác đặc biệt nữa. Mật hiệu này, luôn luôn thay đổi, có khi hàng ngày, có khi hàng tuần.
Mặt trời đã lên cao, nền trời trong xanh, mặt biển thật yên lành. Tuy vậy, phần vì bị nôn mửa, phần vì tôi không hề ăn uống gì, nên người rất mệt. Mặc dù cảnh biển trời rất đẹp, thật hùng vĩ, nhưng tôi vẫn phải chui vào khoang nằm.
Tôi nằm chập chờn, lúc tỉnh lúc mê, nhưng tôi vẫn theo dõi được những diễn tiến của con thuyền. Khoảng gần trưa, thái độ của mọi người có vẻ thận trọng, dè dặt hơn. Cứ 5, 10 phút, lại một người mang ống nhòm ra phía mũi thuyền quan sát một vòng. Từ ông già thuyền trưởng, cho đến các anh thủy thủ, ai nấy đều trầm tư im lặng, ít nói chuyện hẳn đi. Tôi hiểu, con thuyền đã đi vào vùng biển cùa miền Bắc.
Ánh nắng đã nhạt dần, một ngày nữa đã trôi qua. Tôi đã biết, từ bác thuyền trưởng đến các anh thủy thủ, trước đây họ đều là dân chài lưới chuyên môn ở Nghệ An. Họ đã chối bỏ bạo quyền vô nhân, khát máu Cộng Sản, di cư vào miền Nam. Họ là những người dân hiền lành chất phác, suốt đời chỉ biết cặm cụi làm ăn. Họ đã ra đi thoát khỏi bàn tay sắt máu của lũ cộng. Họ tìm đến được thế giới tự do. Nhưng, họ còn thấy trách nhiệm của họ với những bà con, thân thuộc còn ở lại, nên họ đã tình nguyện làm công việc này, để góp phần nhỏ bé, giới hạn do cuộc sống đơn giản, ít học thức của họ. Do đấy, tình cảm thương yêu đồng bào, đồng chí thật chân phương thắm đượm gần gũi. Thấy tôi bị say sóng, không ăn uống gì được, người nào cũng săn sóc, giúp đỡ như ruột thịt anh em. Họ nấu từng bát cháo nóng, đưa từng hộp dầu cao với những cử chỉ thật đậm đà, gần gũi, làm tôi vô cùng xúc động. Lại một đêm nữa trôi đi bình lặng.
Sáng hôm sau, mặt trời phía Đông loé sáng được hơn một tiếng đồng hồ, thì mạn phía Tây Bắc, từng cụm mây đen to tướng đùn lên, dần dần che lấp cả bầu trời. Không khí tự nhiên oi nồng khác thường. Mặt biển óng 1ên mầu vàng nhợt.
Mấy ngày này, tôi chỉ húp được sữa, ngồi một lúc hoa mày chóng mặt, tôi lại phải nằm. Gần về chiều, trời vẫn oi ả, giữa biển khơi mà im gió như trong buồng. Nét mặt mọi người đều lộ vẻ lo âu với những hiện tượng không bình thường của thiên nhiên.
Đột nhiên, một anh thủy thủ tay đang cầm ống nhòm ở mũi thuyền, quay lại mặt nhớn nhác, tay chỉ trỏ phía xa xa, miệng nói léo nhéo, nghe không rõ, vì tiếng máy nổ ồn ào. Mọi người, ngay cả tôi, linh cảm thấy một điều bất thường. Dù mệt, tôi cũng cố cùng mọi người đổ xô ra phía mũi.
Xa xa, từ phía trái, tức phía trong bờ, có hai chấm đen đang tiến dần về phía chiếc thuyền. Tôi giằng lấy ống nhòm từ tay anh thủy thủ. Rõ ràng hai chiếc ca nô đen xì. Vì còn quá xa, nên chưa trông rõ cờ hiệu, nhưng ai cũng hiểu rằng, còn chệch vào đâu được nữa, đó chính là ca nô của bộ đội hải quân biên phòng của Cộng Sản. Không nói ra, nhưng mặt người nào cũng tái đi, lấy cái gì để chống đỡ bây giờ? Chịu trận, như con cá đã nằm trên thớt. Tôi liếc nhanh những vật dụng mang theo, tay tôi sờ trong người, mân mê mấy bọc tài liệu con con. Đầu tôi loé lên quyết định, phút cuối cùng sẽ gửi chúng vào lòng biển cả. Dứt khoát, bằng mọi giá không để tài liệu này lọt vào tay kẻ thù.
Những bước chân chạy khẩn trương rầm rập. Những tiếng nói to dằn mạnh của mấy ngưòi í ới:
- Mở tốc lực tối đa!
- Bẻ lái chạy theo hướng phải!
- Bỏ lưới lên mui, căng ra!
Hai chấm đen càng lúc càng to, càng rõ ra. Qua bản thân mình, tôi hiểu rằng trống ngực của mỗi người đều tăng nhịp đập theo tiếng máy tầu.
Sau khi những xốn xang chuẩn bị của mỗi người tạm ổn, tuy không ai bảo ai, nhưng cứ thỉnh thoảng, mọi người lại quay nhìn về phía hai chấm đen với những đôi mắt trắng nhợt. Anh thợ máy chui vào khoang, lấy bức hình Đức Mẹ treo cao lên phía vách thuyền. Rồi cũng không ai bảo ai, trừ ông già thuyền trưởng đang lái thuyền, mọi người, anh thợ máy và các thủy thủ, đều ngồi xếp chân bằng tròn làm dấu, nguyện kinh. Tôi cũng ngồi dậy đọc kinh cùng mọi người. Tiếng cầu kinh râm ran theo tiếng máy vang rền. Tuy đọc kinh, nhưng thỉnh thoảng một cái đầu, lại ngoảnh về phía hai chấm đen, lúc này đã to bằng hai con trâu mộng.
Mây đen mù mịt, trời càng thẫm dần. Bỗng nhiên pằng, pằng, pằng pằng! Bốn tiếng súng như xé màng tai mọi người, làm cả 7 cái đầu đều quay về phía hai chấm đen một lượt. Tiếng đọc kinh càng to, càng cấp bách hơn. Mọi người đọc kinh “dọn mình chịu nạn.” Khoảng cách của hai chiếc ca nô và chiếc thuyền càng lúc càng ngắn lại. So sức máy của con thuyền với sức máy của hai chiếc ca nô, tôi có cảm tưởng như sức chạy của con gà đối với hai con chó sói.
Đột nhiên, một làn chớp xanh lè nháng lên. Một tiếng nổ làm rung rinh mặt biển, rồi như tiếng gầm của đại bác, rền vang ngang dọc trên bầu trời. Những hạt mưa lạch tạch ngoài mũi, trên mui thuyền. Gió bắt đầu lồng lộn nổi thổi. Sóng cuồn cuộn nổi lên, mưa gió xoáy mịt mù. Chiếc thuyền dựng lên, ngụp xuống, nhấp nhô giữa muôn ngàn núi sóng. Biển trời gầm rú át cả tiếng đọc kinh và tiếng máy của thuyền. Mọi người đều nhìn lại, hai chiếc ca nô đã mờ mịt trong gió mưa.
Thoát cái nạn kẻ thù, lại gặp cái nạn cuồng phong, bão tố của biển khơi. Thuyền đã bẻ lái quay về hướng cũ, vì khi nãy sợ quá nên đã chạy ra hướng đại dương. Mưa bão càng cuồng loạn, tiếng đọc kinh càng lớn. Nhiều lúc, tôi tưởng như chiếc thuyền chìm nghỉm, hoặc vỡ tan ra từng mảnh. Ngồi trong khoang mà mọi người ướt đẫm. Cả chiếc thuyền, chẳng chỗ nào còn khô. Người tôi lúc xô sang góc này, lúc đập vào góc kia. Bác già thuyền trưởng đang xệch miệng gò người đẩy lái thuyền. Một cơn sóng đánh trùm lên, đánh bật văng bác váo trong góc. Ba anh thủy thủ đổ xô ra, một người đỡ bác, hai người kia chộp lẹ vào cần tay lái. Bác già đã vươn ngay dậy được, xông đến tiếp tay cho hai anh thủy thủ đang nghiêng ngả với chiếc bánh lái.
Người tôi lạnh run, mệt lả, vì mấy ngày không ăn. Tôi tưởng chắc phen này sẽ về lòng đại dương, chấm dứt một cuộc đời chìm nổi mưa gió.
Chừng nữa giờ sau mưa tạnh, gió dịu dần, biển khơi đất trời nguôi cơn giận. Màn đêm đã bao phủ cả bầu trời. Tôi đưa mắt nhìn khắp chung quanh, chỉ một mầu xám xịt, chẳng còn thấy bóng dáng hai con trâu điên đâu nữa. Chính chúng cũng đã phải chạy thoát thân, và có lẽ chúng nghĩ rằng, chiếc thuyền bé nhỏ của chúng tôi hẳn đã làm mồi cho cá biển.
Thuyền chạy được 5-6 giờ nữa, lúc này đã gần 12 giờ đêm. Trời lại bắt đầu nổi gió, và mưa cũng trở lên đầy hạt. Gió thật mạnh, quay cuồng, gió quất vào những khe ngách con thuyền. Gầm rít lên như muốn xé tan con thuyền bé nhỏ, cô đơn, giữa sự giận khùng của đại dương bao la.
Trận bão này thật là khủng khiếp. Người nào cũng phải ôm ghì lấy khung thuyền. Ai cũng thấy nếu lỏng tay, không bị gió dữ thì cũng bị những cơn sóng thần sầu như trái núi hất tung người xuống biển. Chung quanh, mọi người chỉ còn nghe thấy tiếng ầm ầm của sóng gió thét gào. Tiếng máy thuyền như im bặt. Có chăng đây đó, thỉnh thoảng là tiếng kêu Chúa, hoặc gọi cha mẹ, ré lên rồi tắt ngủm trong màn đêm.
Giữa lúc cái sống và cái chết ở cạnh nhau này, tôi thấy ông già thuyền trưởng vung cánh tay như vẫy tôi, miệng của ông há to, tôi không nghe thấy tiếng gọi. Tôi vận sức, nắm chặt khoang thuyền, lết lần từng bước về phía ông. Tôi cảm thấy, ông gọi tôi chắc có việc nan giải. Phần vì người ướt như chuột trong cống, lạnh run, phần khác vì sức tôi quá yếu (hai ngày hai đêm không ăn) nên tôi trượt chân, chới với tưỡng đã lao xuống biển nếu tôi không nhanh tay, chộp được một cái cọc ở mé thuyền và cùng lúc đó, hai anh thủy thủ vồ được hai chân tôi kéo lại.
Có lẽ, vì thấy quá nguy hiểm, nên ông già thuyền trưởng vừa gào, vừa ra hiệu cho hai anh thủy thủ khác ra giữ lái thuyền thay ông. Khi ông và tôi đã bò vào được trong khoang, ông nhìn tôi giọng hổn hển ngắt quãng vì rét và vì mệt:
- Đã đến điểm đổ bộ rồi. Chỗ này còn cách bờ khoảng 20 cây số. Với kinh nghiệm chài biển của tôi, trời đang giông bão thế này, nếu thuyền vào bờ, sẽ bị đắm. Vì thông thường, sóng cách bờ 5-10 cây số dữ dội hơn ngoài biển khơi nhiều. Cơn bão hiện nay chưa biết bao giờ sẽ dứt. Vậy hoàn toàn do cán bộ quyết định đi vào hay đi … về?
Thật là một vấn đề nan giải giữa sống và chết. Bao nhiêu công lao khó nhọc, đã đến đây, chả lẽ quay về? Để có thể quyết định được dứt khoát, tôi hỏi lại ông:
- Hay bỏ neo tại đây, chờ hết bão ta vào?
Ông cười, miệng méo xệu, trong khi ba anh thủy thủ mở to mắt nhìn tôi như nhìn một con quái vật. Cuối cùng, ông già nói gằn giọng như ông đang cãi nhau:
- Không thuyền nào bỏ neo ở giữa biển, dù có bỏ neo cũng không tới, mà nếu có tới, trời đang gió bão thuyền sẽ lướt đi theo sóng không đứng yên. Đậu lại, hoặc chết máy lúc này thì chỉ một cơn sóng cũng chìm nghỉm. Chưa nói, nếu sáng mới hết bão, lúc đó ban ngày, đậu đây, chẳng khác nào chiếc mồi mời tầu công an ra mang vô.
Tôi nhìn ông, tuy mệt và rét mà ông vẫn phải nói nhiều, nói dài. Ông đã gợi hết đường ngõ cho tôi rồi. Vì vậy, sau một phút đắn đo, tôi khoát tay, dõng dạc hai tiếng:
- Quay về!
Óc tôi lướt nhanh, nếu chỉ một mình tôi, sống chết cũng vào, vì đã đi thì dứt khoát chẳng quay về. Nhưng ở đây, còn 6 sinh mạng nữa, mỗi người là một chùm liên hệ gia đình, tôi không được quyền liều lĩnh.
Ba anh thủy thủ cùng ngồi trong khoang nghe tôi nói quay về, mắt họ sáng lên, ngực họ như xẹp xuống vì được xì hơi ra. Ông thuyền trưởng quay lại phía lái, chụm hai bàn tay trước mồm làm loa, gào to:
- Bẻ lái quay về miền Nam. Phải coi chừng chiều gió và sóng.
Các anh thủy thủ đúng là đi biển có kinh nghiệm. Chiếc thuyền nhẹ lướt, quay nghiêng, rồi trực chỉ mũi về hướng Nam. Bây giờ, thuyền lại xuôi gió và sóng. Riêng tôi, vì mệt mỏi và những suy tư, nặng chĩu trong lòng, tôi nằm liệt ở trong khoang, chẳng muốn biết gì nữa ở bên ngoài. Tôi nằm thiếp dần, mê man. Sáng hôm sau, trời yên biển lặng, tôi vẫn chỉ mơ mơ màng màng, rồi tôi lại thiếp đi. Mãi cho tới khi anh thợ máy lay tôi dậy. Tôi nhìn miệng anh nói, nhưng giọng Nghệ An thật khó nghe, có lẽ vì mệt quá nên tai tôi ù lên chăng? Thấy tay anh cầm bát cháo con con đang bốc khói, và qua ánh mắt, tôi hiểu anh muốn bảo tôi cố ngồi dậy húp bát cháo này! Thái độ của anh, đã xoa dịu phần nào những nỗi niềm nặng chĩu u buồn trong lòng tôi. Tôi chống tay ngồi dậy, đón nhận tình anh. Tôi chỉ biết nhìn anh bằng ánh mắt biết ơn.
Bên ngoài, ánh nắng chiều đã xiên khoai vào khoang thuyền. Sau khi húp hết được bát cháo nóng, người tôi như thêm phần sinh khí. Tôi bò dậy, chui ra ngoài mũi thuyền, ngồi dựa vào mui. Tôi đưa mắt nhìn ra phía chân trời xa xa, nơi có miền Nam thân yêu đang đợi chờ. Đột nhiên, một ý nghĩ len vào hồn, làm tôi tư lự đăm chiêu. Tôi đã bỏ dở công tác phải quay về. Đường đi không đến, dù rằng chẳng phải do mình muốn, tôi vẫn cảm thấy như có áng mây buồn vương vấn trước mắt.
Cảnh chiều tàn trên đại dương làm cõi lòng tôi sầu nặng. Thêm nữa, đây vẫn còn là đất địch, nên tôi lại chui vào khoang.
Một đêm, một ngày nữa trôi qua. Đến đêm thứ năm, kể từ ngày đi, thuyền mới về vĩ tuyến 17, đến phần đất của miền Nam tự do. Như đã nói trên, vì mang một tâm sự không vui, phần khác vì say sóng không ăn uống gì được, làm người càng mệt, nên trên suốt đường về tôi cứ nằm li bì. Mãi tới gần nửa đêm, tôi nghe loáng thoáng nhiều tiếng ồn ào quát tháo. Một vài vệt đèn “pin” chiếu lấp loáng vào trong khoang thuyền. Một chiếc tầu tuần nào đó thuộc Hải Quân của ta, đến kèm sát để hỏi giấy tờ, dù thuyền đã đánh tín hiệu bằng đèn “pin” trước rồi. Một chiếc ca nô nhỏ, trên lố nhố một số người, cặp vào phía mũi thuyền. Tôi không muốn họ nhìn thấy, tôi kéo chiếc chăn đơn che mặt và vẫn nằm yên. Một lúc sau, thuyền lại tiếp tục đi. Mờ sáng hôm sau, thuyền về tới bến cũ trong Biệt Khu Hải Quân.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen