Books are delightful society. If you go into a room and find it full of books - even without taking them from the shelves they seem to speak to you, to bid you welcome.

William Ewart Gladstone

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11: Sửa Soạn Lên Đường …
heo những quy định thời gian ấy, tôi phải làm một số thủ tục về giấy tờ. Trong đó, tôi phải viết một giấy ủy quyền cho thân nhân.
Đã từ 6, 7 tháng trước, mỗi tháng lương của tôi là 5.000đ không kể công tác phí như thuê nhà, xe cộ.v.v… Vì vậy, nếu vì lý do nào đó mất liên lạc, như bị bắt, chết, v.v… đều được coi như là mất tích, nhà nước sẽ trả lại cho thân nhân 12 tháng lương. Đó, nếu ai đi ra vì tiền, thì 60.000đ là một sinh mạng của một con người.
Thực ra, tất cả những người trong Cục Tình Báo miền Nam đều hiểu, đối với những người ra đi, nếu không vì một lý do nào khác cao đẹp hơn, như non sông, đất nước, thì làm sao số tiền đó có thể mua được họ?
Cục cũng hứa hẹn thật nhiều. Nếu công tác thành công trở về, chính phủ sẽ cho đi nghỉ ở Nhật mấy tháng. Nếu công tác trở về, sẽ v.v… và v.v… Vậy, còn nếu không trở về, thì sẽ được… mất tiêu!
Tôi hiểu đây cũng chỉ là những thủ tục giấy tờ về lương lậu. Vậy mà phải nghe, phải làm những vấn đề này, mặt tôi cứ nóng dần lên. Thật lòng, tôi nghĩ thàt đừng có cái mục này, tôi lại còn thấy lòng nhẹ nhàng thích thú hơn, cho nên tôi rất uể oải, lần thần không muốn viết. Mấy lần tôi định nói thẳng với ông An:
“Hay thôi, không phải viết nữa. Nếu tôi vào đất địch, bị chết, hay bị mất tích, Cục cứ nói như không có tôi.”
Chắc An cũng hiểu những nỗi niềm thầm kín của tôi, nên ông đặt nhẹ tay lên vai tôi, thân mật:
- Tôi hiểu lòng Bình lắm và cả Cục cũng hiểu con người Bình cho nên họ rất quý nể Bình. Bây giờ Bình hãy nghe tôi, viết vài chữ ủy quyền lại cho bất cứ ai như bố mẹ, bạn bè thân thuộc v.v… chỉ là một thủ tục phòng hờ, chứ người ta ra ngoài miền Bắc, đi về chợ ấy như đi chợ ấy, có sao đâu!
Để khỏi phải nói nhiều, tôi ngồi viết nghuệch ngoặc giấy ủy quyền cho bố tôi, tâm tư thầm nghĩ, thôi, nếu có bề gì thì gọi là một chút đền công các đấng sinh thành!
Họ mang đến cho tôi một chiếc ba lô của Nhật, bên trong đựng sẵn một đôi “bốt-đờ-sô” để lội bùn và đi trong rừng, quần áo và một vài trang bị vặt, hầu hết đều sản xuất từ Nhật, riêng cái túi “dết” màu xanh nước biển là của miền Bắc (tôi đoán chắc chiếc túi này của một đồng bào vượt tuyến.) Những thứ trang bị đều dùng để đi từ ngoài biển vào, và sống ở trong rừng, còn quần áo, dép, mũ v.v… để sử dụng trong những vỏ bọc thì chính tôi phải lo liệu lấy.
Tôi nghĩ đến dép “râu” (Bình Trị Thiên.) Nó làm tôi thật vất vả. Tôi phóng xe chạy đôn đáo suốt Tân Định, ông Tạ, Cầu Ông Lãnh tìm mua mà không có. Thậm chí tả kiểu ra đặt thợ làm giầy, họ lại không có nguyên liệu và không biết cách nào. Mãi mới gặp được một ông thợ giày di cư đã từng sống ờ vùng Việt Minh làm cho. Tay ông làm, nhưng mắt ông nhìn tôi đầy thắc mắc. Tôi phải nói đây là một “mốt” mới ra lò của học sinh, của tay chơi. Đi dép râu mà lại ngồi trên solex hay vespa thế mới hách. Ông thợ giầy làm sao có thề hiểu được, nên ông tin quá!
Tôi còn phải đi hớt tóc theo kiểu nông thôn miền Bắc, và ra Cấp mấy ngày phơi nắng cho da ngâm đen. Trong khi tôi phải làm những công việc bình thường này. Đầu óc tôi lửng lơ nghĩ về xã hội và con người trong thời đại ngày nay. Vào đất Cộng Sản, hoạt động tình báo cho thế giới tự do, khổ thật. Phải trở về một dạng anh nông dân, quê mùa cục mịch. Ngược lại, Cộng Sản vào đất tự do hoạt động, thì lại lên “complet,” kính trắng, phong độ hào hoa. Càng ra vẻ trí thức càng dễ hoạt động. Chính một điều này đã đủ nói lên mức sống của hai xã hội; tương phản cảu hai cảnh đời.
Trong ngày ra Cấp với Hoàng Công An; một buổi tôi đang ngồi đôi mắt nhìn ra biển cả bao la về mãi phía chân trời. Tai đang nghe đài phát thanh Hà Nội, thì chợt một giọng the thé của xướng ngôn viên miền Bắc, tuyên bố về phiên tòa xử vụ C- 47. Nghe loáng thoáng, chiếc phi cơ hoạt động tình báo đã xâm nhập bầu trời miền Bắc. Bị bắn rơi tháng 7 năm 1961 ở Cồn Thơi, Ninh Bình, nhiều người đã chết v.v… Còn mấy người sống sót bị thương nặng. Điệp viên Đinh Như Khoa bị 15 năm tù (mới chạm vào đất liền đã bị bắn rơi, chưa hoạt động gì,) phi công phụ Phan Thanh Vân bị 7 năm tù.
Cái tên Phan Thanh Vân nghe thật quen thuộc, nhưng lúc đó tôi không thể nhớ ra vì còn đang bận tâm về việc xử điệp vụ kể trên. Từ vụ án này, giòng suy tư của tôi cứ len lỏi chảy dài, đẩy đưa về công tác của chính mình.
Tôi vào đất địch một mình, tôi phải quyết định nhiều vấn đề với bao cảnh huống khác nhau chưa thề biết trước. Từ ý nghĩ này, tôi cần phải đặt ra giả thuyết về một số tình huống, để hỏi ý kiến giải đáp của Cục. Có như vậy, khi đã ở trong đất địch; tôi nắm vững để dễ dàng, mạnh bão xử lý. Tôi đưa ý kiến này ra với Hoàng Công An, ông ta vồn vã khuyến khích tôi:
- Ý kiến của Bình rất có giá trị thực tiễn. Bình hãy suy nghĩ; đặt ra những trường hợp bất ngờ, tôi sẽ đưa ngay về Cục để đáp ứng yêu cầu của Bình.
Cuối cùng, tôi đã mầy mò viết một bản 30 câu hỏi để đưa về Cục. Thí dụ:
* Nếu trong hai ngày 16 và 18 theo quy ước. Tôi không gặp đối tượng để trao tài liệu M. Vậy tôi sẽ hủy ngay tài liệu M?
* Cũng làm như vậy với Z5 Hoàng Đình Thọ?
* Nếu trên đường trở về, tôi bị ốm nặng, bị kẹt vì tụi công an truy lùng. Hoặc vì lý do nào đó, tôi không thể đến được điểm hẹn theo thời gian quy định, thì sao?
* Nếu bị bắt tù, sau 2 – 3 năm, tôi trốn được về Nam, thì sao? v.v…
Mấy ngày sau, khi 30 câu hỏi của tôi được đưa về Cục. Hoàng Công An trở lại với bác sĩ Harry trả lời:
Trên Cục chỉ giải đáp một số, còn hầu hết những câu hỏi khác để tôi tự quyết định, tùy theo tình hình tại chỗ, sao cho thỏa đáng.
Mãi ngày hôm đó, họ mới trao cho tôi những giấy tờ tùy thân mang theo. Tôi nhìn tờ giấy thông hành mới, với chữ ký phòng công an huyện Vĩnh Linh; thời hạn một tháng. (thời gian công tác của tôi là 25 ngày) tôi đoán rằng, tất cả những giấy tờ đưa cho tôi phải giống hệt như thật. Tôi nhìn, từ con dấu cho đến nét chữ, thật sắc sảo. C.I.A. làm giả, hết chê!
Ngoài mấy bao thuốc lá “Dại Tiền Môn” và hộp quẹt của Trung Cộng (điều này đã nói lên nhiều khía cạnh yếu, kém của C.I.A. và tình báo miền Nam) Anh còn đưa cho tôi 400đ tiền miền Bắc, gồm giấy 5đ, 2đ, 1đ, 5 hào. Bằng cái nhìn về tiền bạc ở miền Nam, tôi cầm 400đ với thái độ không thỏa mãn lắm, vì thấy quá ít ỏi. An đã hiểu ý tôi ngay, nên nói:
- Bình yên tâm, ở trên Cục đã nghiên cứu kỹ. Với 400đ này trong một tháng, Bình có thể bao quát, phòng hờ hết cả. Tiền không thiếu, nhưng nếu Bình mang đi nhiều, đôi khi lại làm ảnh hưởng ngược lại cho công tác. Thông thường, tiêu ở miền Bắc chỉ có giấy 5đ là lớn nhất đấy.
Sau đó, bác sĩ Harry đưa cho tôi một số thuốc bệnh, lọc nước, chống muỗi, và một số hộp lương khô, tăng sức v.v… khi sống trong rừng.
Trước khi về, An còn nhắc tôi xác định lại rõ ràng những quy ước, mật khẩu, tín hiệu v.v…
* * * * *
Ngày 20 tháng 4 năm 1962, ngày tôi rời Thành Đô dịu hiền và nhiều tình nghĩa.
Tôi lên đường theo thời gian và lộ trình quy định như sau:
2 giờ chiều ngày 20/4, tôi sẽ rời Sài Gòn, đáp máy bay ra Huế. Tôi sẽ ở lại đấy 2 ngày để ra Bến Hải nghiên cứu và xác định lại một số địa điểm chính của địa hình bên kia bờ khu quân sự Bắc. Sau đó, ngày 22/4/62, sẽ trở về Đà Nẵng, điểm xuất phát, để đến điểm đổ bộ thuộc Nga Sơn Thanh Hóa.
Buổi sáng ngày 20/4, ở số 62 đường Trần Hưng Đạo, Dale và Brown báo cho biết: Khoảng 12 giờ trưa, sẽ có một nhân vật cao cấp trong ngành của Mỹ ở Sài Gòn, đến chào vả tiễn đưa tôi.
Đúng buổi trưa hôm đó, một người Mỹ to lớn, bệ vệ cùng đến với bác sĩ Harry. Ngay từ lúc ông ta bước vào phòng, tuy tôi không nhìn trực diện, nhưng tôi biết ông ta không rời một cử chỉ thái độ nào của tôi trong lúc tôi cùng Brown, Dale và An chuẩn bị lại một số trang bị của chuyến đi. Qua đôi kính trắng thật to, mắt ông ta vừa lộ vẻ hân hoan tươi sáng, vừa như tò mò quan sát. Tôi chẳng biết ông ta đang nghĩ gì về tôi, nhưng tôi có một điều chắc chắn, ông ta không thể nghĩ được rằng, người thanh niên trước mặt sắp bước vào đất thù của thế giới tự do – có thể sẽ hy sinh cả mạng sống – đã là chủ một hiệu vàng, nghĩa là từng ngồi trên hoặc cạnh đống tiền. Nếu ông ta biết được như vậy, ông ta mới đánh giá được đầy đủ ý nghĩa chuyến đi của tôi. Cuối cùng, ông ta nắm tay tôi thật chặt, chúc tôi thành công và hẹn gặp lại.
Lần lượt sau đó, Dale, Brown, Harry đều bắt tay tôi, nói rằng không thể ra trường bay đưa tiễn, vì lúc đó ờ Sài Gòn rất ít người Mỹ, đi ra đây là điều bất tiện.
Như tôi đã nói, trình độ Anh ngữ của tôi còn thấp, phải nói bằng tay nhiều hơn bằng miệng, đồng thời để hiểu được họ tôi phải dựa vào sự phán đoán là chính. Vì thế, tôi chả nói hết được những điều tôi muốn nói với họ lúc chia tay.
Những thứ dụng cụ trang bị của tôi đều được mang đi trước. 1 giờ 30 tôi và An ra phi trường. Trên đường đi, tôi nhìn lại Đô Thành, có thể là lần cuối, mắt đăm chiêu, lòng ngập ngừng thăm thẳm.
Khi xe tới đường Công Lý, tôi thoáng thấy một anh bạn quen đang song đôi hai chiếc solex cùng với người bạn gái rẽ vào phía đường Yên Đổ. Âm vang của một bài hát quen thuộc từ đâu ùa đến với tôi, như trỗi dậy thành lời:
Rồi đây, mai này ai hỏi đến tên tôi,
Bạn ơi! Hãy nói đã đi xa rồi…
Phải chăng đó là điềm báo trước một lần đi không trở lại? Tôi cũng nghe và thuộc nhiều bài hát, nhưng không hiểu tại sao lúc ấy lại chỉ nhớ mấy câu này!
Suốt từ lúc đó ra phi trường, tôi im lặng không nói một lời, lòng vương vấn nặng nề như cái nóng chiều Hè oi ả của Thành Đô. Tôi liếc nhìn sang An, trong cặp kính trắng, mắt An cũng đăm chiêu như đang nghĩ ngợi điều gì.
Xe tới trường bay, tôi thấy ông Lý và ông Cục Trưởng đã có mặt. Đó là lần thứ ba tôi gặp ông Cục Trưởng. Người ta nói “quá tam ba bận,” chẳng lẽ tôi không còn lần nào gặp ông nữa ư? Mà đúng, sau đó không bao giờ tôi gặp lại ông.
Nhìn hàng ria mép rậm xì to tướng của ông Cục Trưởng, nhất là đôi mắt dù đã được che khuất sau chiếc kính râm mầu đen bóng, tôi vẫn thấy hai luồng nhỡn tuyến phát ra, có thể những ai là đối thủ sẽ không yên lòng khi phải đứng trước cặp mắt ấy.
Thấy tôi xuống xe, ông nhanh nhẹn chạy lại, nắm chặt tay tôi, niềm nở chào đón, sau đó ông ân cần hỏi:
- Trước khi anh ra đi, anh có yêu cầu bất cứ điều gì không?
Tôi bâng khuâng nghĩ ngợi, tôi cần cái gì nhỉ? Nếu tôi ra đi, thành công chẳng nói làm gì, còn như bị bắt, hay bị chết, tôi cần cái gì? Nếu như vậy, tôi chẳng cần cái quái gì cả. Điều tôi cần, tôi hiểu, kể cả chính phủ miền Nam cũng không làm gì được, đó là, nếu tôi bị bắt, tôi cần được cứu ra. Cho nên, nhìn ông ta, tôi cám ơn và lắc đầu. Cuối cùng, khi bắt tay lúc tôi bước lên máy bay, ông Cục Trưởng đặt nhẹ tay lên vai tôi, dịu dàng thân mật:
- Bình đi vào thực tiễn, biết đâu khi thành công trở về. Bình lại mang kinh nghiệm huấn luyện bổ sung cho chúng tôi.
Tôi hiểu, đó cũng chỉ là một câu xã giao để động viên, khích lệ người ra đi thôi. Nhưng, phải thừa nhận rằng, đó là một câu nói có giá trị thực tế của một người có nhãn quan tiến bộ. Tuy nghĩ như vậy, nhưng tôi chỉ cười, không nói gì. Thấy tôi im lặng tư lự, ông Cục Trưởng nói tiếp giọng sôi nổi:
- Nếu Bình đi công tác thành công trở về, tôi sẽ ra tận Đà Nẵng đón Bình ngay khi còn ở trên hải thuyền.
Tôi ngước mắt, nhìn thẳng vào mắt ông, miệng tôi hơi mỉm cười để làm giảm độ căng sắc của mắt mình. Thì ra, tôi chỉ có giá trị khi thành công! Còn lúc này, chỉ là tiễn đưa lấy lệ! Tuy nhiên, nghĩ cho cùng “Đời là thế!” Nên tôi cười to hơn và bàn tay tự nhiên cũng nắm chặt tay ông Cục Trưởng hơn khi từ giã.
Khi tôi và Hoàng Công An xuống trường bay Phú Bài, lại vẫn chính ông Hương lái chiếc xe “díp” dân sự ra đón. Ông đưa chúng tôi về một khách sạn ở Huế.
Hôm sau, chúng tôi lại ra Bến Hải, nhưng lần này dịch về gần phía cầu Hiền Lương. Tôi ngước mắt đăm chiêu nhìn hai lá cờ đang phất phới tung bay trong gió lộng. Một lá đầy mầu máu, sặc mùi tử khí, giết chóc phía bên kia. Và một lá mầu vàng với ba sọc đỏ hiền hòa phía bên này, tự nhiên lòng tôi suy ngẫm. Hai lá cờ đứng bên nhau đang cùng tung bay trước gió dưới cùng một bầu trời Tổ Quốc, thế mà muôn đời không bao giờ có thể sống chung. Chỉ vì một lá cờ muốn trên trái đất này, chỉ còn lại một mầu duy nhất là mầu của nó. Nghĩa là tất cả mọi mầu cờ khác phải bị tiêu diệt. Ai cũng hiểu đó là lá cờ nào rồi.
Sáng ngày 22/4, ông Hương đưa tôi và An trở vào Đà Nẵng.
Đà Thành với thời tiết bốn mùa của Hà Nội năm xưa đây rồi. Cái lành lạnh của cuối Xuân đầu Hè càng làm cho thành Đà thêm nhiều mầu sắc. Xe đã đi sâu vào giữa phố phường. Do thói quen từ trước, tôi không hỏi và cũng không cần biết khi đến Đà Nẵng sẽ ở đâu, và ai sẽ đón. Chính vì vậy, khi xe ngừng lại trên đường Độc Lập, chéo xa xa phía bên kia là một “bar” giải khát, mang cái tên mỹ miều gợi nhớ “Hà Nội,” cả ông Hương và Hoàng Công An đều bắt tay tôi từ biệt, hẹn gặp lại ngày tôi từ bên kia vĩ tuyến trở về. Sau đó, ông Hương chỉ sang quán Hà Nội:
- Bình xách va li váo quán đó chờ, lát nữa sẽ có người đến đón. Từ lúc này, Bình thuộc quyền hạn của người khác.
Vai khoác chiếc ba lô to mầu vàng của Nhật, tay khệ nệ xách chiếc va li, tôi tiến về phía “bar” Hà Nội. Bước chân vào quán, nhìn thấp thoáng qua mấy chậu cảnh hoa lá tốt tươi, tôi thấy bàn này vài sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, bàn kia mấy người Bộ Binh ngồi chung với những người bận Không Quân và thường phục. Sâu phía trong, chỗ sát quầy “buvette” trên những hàng ghế cao, là mấy quân nhân Dù cổ áo óng ánh một vài chiếc mai vàng. Tại một đầu quầy, ba người mặc thường phục, kính trắng đạo mạo, đang ngồi trầm ngâm bên những “phin” cà phê sáng bóng. Quang cảnh trong quán, nổi bật vẫn là ba bộ mặt giai nhân duyên dáng, lả lướt trong những tà áo dài bó chẽn những thân hình căng đầy hương sắc.
Tôi hơi ngỡ ngàng băn khoăn, tiến vào một chiếc bàn trống ở trong góc. Chính cái dáng dấp “không giống ai” của tôi đã làm cho hầu hết những người trong quán đều quay lại với những ánh mắt tò mò. Tôi coi như không biết, lựa thế đặt va li và ba lô. Tôi hiểu đây là một trong những tụ điểm gặp gỡ của những giới son trẻ tài hoa nơi Thành Đà, tuy khác nẻo đường nhưng cùng chung sở thích những âm thanh du dương trầm bổng đưa đẩy bên những mầu sắc mơ hồ chìm nổi chung quanh. Một tà áo mầu hoa khế tiến lại nhỏ nhẹ giọng của đất văn vật ngàn năm:
- Dạ thưa anh dùng gì ạ?
Nghe giọng nói của một giai nhân, tuổi trạc đôi mươi, với bối cảnh của chiếc quán, tự nhiên tôi nổi hứng gió sương:
- Một ly Martel “sếch”, một Capstan.
Khi cô chiêu đãi đưa rượu và thuốc lá ra, nhìn đôi bàn tay thon dài, óng chuốt duyên dáng khẽ để ly rượu trước mặt tôi. Gợi trí tò mò, tôi ngước lên. Đôi mắt long lanh thăm thẳm soi mói nhìn tôi ngập ngừng:
- Chắc anh mới đến Đà Nẵng?
Hơi mỉm cười như để thừa nhận, tôi hỏi lại nhẹ nhàng:
- Thế cô đoán tôi là dạng người gì đến đây?
Cô cũng mỉm cười, liếc nhìn vào chiếc ba lô và va li rồi dè dặt:
- Chắc anh là nhà chuyên môn, tới mỏ than Nông Sơn…?
Đầu tôi gật gật, nhìn cô như tỏ vẻ thán phục. (Lời đoán của cô, làm tôi chợt nhớ đến tên bạn thân của tôi là Lê Đức Bình, hiện cũng đang trông coi mỏ than Nông Sơn, tôi nghĩ nếu có dịp sẽ tạt vào thăm hắn.) Tuy vậy, tôi cũng lơ đãng phà hết khói thuốc, rồi quay lại khẽ cảm ơn cô, lửng lơ để tùy cô suy nghĩ.
Về sau, tôi mới biết cô này tên là Hiếu. Cô cũng là nguyên nhân trong vụ một anh trung úy Thủy Quân Lục Chiến đã tát cảnh cáo một ca sĩ khá nổi danh của Sài Gòn ngay tại “bar” nay hơn một tháng trước đó.
Ngay từ lúc bước vào quán, tôi đã thắc mắc, suy nghĩ không hiểu sao người nào ở trên Cục lại cho hẹn đón tôi ở cái quán này? Chừng nửa giờ sau, thắc mắc của tôi đã được trả lời. Tôi thoáng thấy bóng ai như dáng dấp của Phan, ngồi trên chiếc xe “díp” dân sự chạy tới và đỗ lại chéo phía xa bên kia đường. Người trên xe bước xuống, đúng là Phan. Tôi hơi ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Thì ra từ bốn, năm tháng trước, Phan nói bận công tác xa, chính là ra Đà Nẵng này.
Giữa tôi và Phan đã quen cảnh gặp nhau bất ngờ, tôi thong thả thanh toán tiền, rồi khoác ba lô, xách va li đi ra. Khi tôi vừa khuất xa cửa quán, chiếc “díp” đã chồ tới sát ngay cạnh tôi. Một cái bắt tay thật chặt, bốn mắt mở to, hoan hỷ nhìn nhau.
Trên đường đi, sau những phút hàn huyên của giai đoạn xa cách. Phan quay sang tôi dặn dò:
- Bây giờ “moa” đưa “toa” đến trọ ở một khách sạn. Tên chủ khách sạn là bạn quen của “moa.” “Moa” sẽ giới thiệu “toa” là bạn. Con trai của một chủ tiệm vàng ở Sài Gòn, ra đây tìm địa điểm mở chi nhánh. Như “toa” biết đấy, người ta dự đoán là thành phố này Mỹ sẽ vào nhiều, cho nên con buôn các nơi, nhất là tụi ba Tầu, đang đổ xô về đây làm ăn.
Tiếp xúc với Phan từ lâu, tôi đã hiểu tính làm việc quá phóng khoáng của Phan, nhiều khi trở thành tùy tiện, thiếu sự điều nghiên thấu đáo. Có thể cho tới khi gặp tôi, nhìn lại con người tôi, Phan đã nghĩ ra là tôi cần phải đóng một vai như vậy mới hợp. Tuy biết vậy, tôi vẫn gật đầu đồng ý, vì Phan hiện đang là người chỉ huy trực tiếp của tôi.
Lát sau, xe tới đậu trước khách sạn Hồng Phát, một khách sạn 6 tầng lầu mới xây; tầng một chuẩn bị mở “buvette.” Phan chạy vào một lúc, rồi cùng trở ra với một người đeo kính trắng, đóng bộ đàng hoàng, khoảng 40 tuổi. Phan giới thiệu tôi, rồi chỉ ông đó:
- Đây là anh Yến, chủ khách sạn này, đồng thời anh còn là chủ một khách sạn lớn nữa ở Sài Gòn.
Phan cười, hất hàm về phía tôi, nói với anh Yến:
- Đó, bạn “moa,” “toa” liệu sắp xếp cho một buồng tiện nghi.
Ông Hồng Phát rất niềm nở cởi mở, ông gọi người quản lý ra hỏi một lúc, rồi quay lại nói với tôi:
- Tôi rất vinh hạnh được quen biết anh. Ở đây buồng số 5 là tiện nghi nhất, nhưng một “xừ” đại tá Mỹ đã ở hơn một tháng rồi, hai ngày nữa y đi. Tôi sẽ ưu tiên dành cho anh. Bây giờ, anh hãy ở tạm phòng 8 cùng lầu 3.
Trong khi hai anh bồi mang va li và ba lô của tôi lên lầu, ông Yến tự tay lấy chìa khóa từ ông quản lý, dẫn Phan và tôi lên theo.
Ngay buổi chiều hôm đó và những ngày hôm sau nữa, tôi hơi ngạc nhiên thấy ông Yến hay chuyện trò, tỏ ra thân mật muốn kết thân với tôi. Nào là sẽ hướng dẫn tôi đi thăm thú thành phố, vân vân… và vân vân.
Khi ông đại tá Mỹ rời đi, tôi đã chuyển về phòng số 5. Những buổi gặp Phan và Yến sau này, tôi đã hiểu họ. Phan hiện là người chịu trách nhiệm tung người ra Bắc, gồm Biệt Kích, người Nhái và những người đi lẻ như tôi v.v…Điểm xuất phát là Đà Nẵng. Một mình Phan một chiếc “Cadillac” mới toanh. Đối với thành phố Đà Nẵng nhỏ hẹp này, Phan là người rất có thế lực. Các giới chức từ Tỉnh Trưởng trở xuống đều nể vì. Ông Yến, tức Lương Hồng Yến; người Tầu. Là một thương gia giầu có, chồng của Thái Lệ Chi, một giai nhân của đất thần kinh. Khổ người và dáng dấp bà Chi hao hao giống bà Trần Lệ Xuân. Chính qua người vợ hương sắc này, ông Yến đã lọt qua nhiều cửa chính quyền, để tiến mãi trên bực thang tiền bạc.
Thấy tôi là bạn của Phan, ông ta nghĩ tôi không những là người có tiền bạc, mà còn có thần thế nữa, cho nên ông ta đã hết mình săn đón. Những buổi chuyện trò thân mật, chính ông đã tâm sự:
- Loại chúng mình luôn luôn là đối tượng mà Cộng Sản muốn tiêu diệt!
Qua câu chuyện và cách ăn nói, mặc nhiên ông ta đã nghĩ tôi cũng trong giới giầu sang như ông ta. Tôi cười thầm, tôi chỉ là loại dân nghèo cùng đinh, làm sao được ờ giai cấp giầu sang như ông bạn! Tuy nghĩ thế, vì vỏ bọc, tôi cũng cười tỏ sự đồng tình với ý kiến của ông ta.
Tôi ra Đà Nẵng được 3 ngày, Phan đưa tôi đến một căn nhà ở gần phía cầu Hàn. Ở đây, tôi lại gặp Brown và Dale. Vì có một số diễn tiến mới, hai ông ra đây trực tiếp thông báo cho tôi. Tôi ngồi nghe và sau đó cùng nghiên cứu, thảo luận lại một số vấn đề về tình hình cũng như tin tức. Ngoài ra, hai ông còn cho tôi biết thêm là hải thuyền tôi đi, phía bên ngoài khơi, sẽ có một tầu của hạm đội 7 đi hộ tống. Hoặc, đang có sự nghiên cứu; lần sau. Nghĩa là trong tương lai, sẽ dùng tầu ngầm, khi đến điểm đổ bộ, dùng xuồng cao su, nhẹ nhàng bí mật tiến vào bờ v.v… Phải nói rằng, ngay lúc đó, tôi chẳng hề tin theo lời Phan. Tôi vẫn nghĩ, đó chỉ là những hình thức dùng để động viên, nâng cao tinh thần, tin tưởng cho người đi hoạt động mà thôi.
Tới hai hôm sau, Phan đưa tôi sang phía biệt khu Hải quân, vào một nơi riêng biệt. Dùng “ca nô” chạy ra phía sau ngọn Sơn Trà để thực tập đổ bộ và chôn dấu vật dụng.
Phần vì đêm khuya, sóng gió lớn ở vùng cửa biển. Phần vì lề lối, tác phong làm việc hời hợt, chiếu lệ. Kiểu “cỡi ngựa xem hoa,” nên khi thấy bị ướt át, run lạnh, Phan cũng giục đi về dù tôi chưa làm xong. Tuy cũng có thực tập về hồng ngoại tuyến vài lần, nhưng cũng chỉ là hời hợt thiếu sự mẫn cán thực tế.
Một tuần lễ ở Đà Nẵng, tôi cũng có ý định gặp lại bạn Lê Đức Bình trong mỏ than Nông Sơn. Nhưng rồi công việc bề bộn cho đến phút chót, nên tôi đã không thực hiện được ý định này. Phan thường căn dặn tôi, để tránh nguy hiểm, không nên đi về phía đầu đường Bạch Đằng từ Grande Hotel trở lên. Vì ở đấy, nhiều người Mỹ thường lui tới có thể xẩy ra những vụ lộn xộn gài mìn, gắn lựu đạn v.v… sẽ nguy hiểm cho mình. Trong thâm tâm, tôi hiểu rằng phía ấy là nơi làm việc của cơ quan tình báo. Phan không muốn tôi đến, chứ giai đoạn đó, hầu hết những building mới xây. Thậm chí, ngay khách sạn Hồng Phát, Grand Hotel, v.v… đã đầy rẫy những người Mỹ từ Hạm Đội 7 mặc thường phục vào mướn thuê phòng rồi.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen