"It is possible to live happily in the here and the now. So many conditions of happiness are available - more than enough for you to be happy right now. You don't have to run into the future in order to get more.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Chọn Điểm Đổ Bộ…
au khi đã tập sử dụng thuần thục bút chì mật. Tôi bắt đầu phải nghiên cứu về phương tiện ra ngoài Bắc, và địa điểm tôi sẽ xâm nhập.
Ngay từ giai đoạn đầu, khi tôi mới tiếp xúc với ông Cẩn cũng như sau này gặp Hoàng Công An. Các ông đều nói, tôi sẽ phải đi dự một khóa huấn luyện về dù. Nhưng dần dần ít tháng sau; có thể do những diễn biến của điều kiện phòng thủ Bắc, Nam. Hoặc vì lý do gì khác tôi không rõ. Ông Phan nói rằng tôi sẽ ra Bắc, với bao nhiêu đại hình thiên nhiên phức tạp. Tụi Cộng Sản không thể giăng người ra canh gác suốt ngày đêm được. Hơn nữa, hiện nay hải quân của tụi Việt cộng hầu như rất yếu. Tầu tuần tiễu của chúng chỉ quanh quẩn gần bờ. Ít khi chúng dám lảng vảng ra ngoài khơi.
Theo ý kiến của Cục, chính tôi phải chọn vùng tôi sẽ đổ bộ. Vì như vậy, ít nhiều tôi đã quen thuộc địa hình, địa vật, bớt ngỡ ngàng hơn ở một vùng lạ. Đối với tôi, đây cũng là một vấn đề hơi nan giải. Vì khi ở miền Bắc, tôi còn quá bé; không biết được, hoặc nhớ được một vùng biển nào rõ ràng cả. Dĩ nhiên, điểm đổ bộ phải ở một vùng hoang vắng, xa thủ đô Hà Nội, nơi có địa bàn hoạt động của tôi. Tôi nghĩ ngay đến Đồ Sơn. Kỳ Hè 1953, tôi theo một số bạn bè xuống bãi biển Đồ Sơn Hải Phòng tắm, đến chiều tối mới về Hà Nội.
Khi tôi vừa nêu lên địa điểm Đồ Sơn, cả ba người: An, Dale và Brown đều lắc đầu, hoặc xua tay. Đó là cửa biển Hải Phòng, Cộng Sản canh gác rất cẩn mật, gắt gao; không thể đổ bộ được. Tôi moi óc nghĩ mãi, mới nhớ ngày xưa, khi tôi còn học tiểu học ở quê nhà (lúc ấy tôi mới lên 10), có lần nhà trường tổ chức cắm trại ở một miền rất xa, đó là Cồn Vạn. Chúng tôi phải đi qua một con sông rất to, sau này, tôi biết là sông Đáy. Tôi chỉ nhớ mơ hồ chỗ đó mọc rất nhiều thông, như rừng vậy.
Tôi tìm trên bản đồ chi tiết. Sau một lúc, tôi xác định được vị trí. Brown và Dale hẹn sẽ trả lời tôi sau. Họ còn nghiên cứu thẩm tra. Khoảng 3 ngày sau, họ đến cho tôi biết, vùng đó không thể đổ bộ được. Phía ngoài miền biển đó có đất bồi và những bãi sình lầy, lún thụt lẩn ra ngoài biển đến 5- 6 cây số. Hơn nữa, chỗ rừng thông phía bên trong. Hiện là mấy nông trường lớn, đã và đang xây dựng.
Với quãng đời thơ ấu của tôi, tôi chỉ biết có nơi đó, nên cuối cùng tôi nói:
- Tùy ở trên chọn cho tôi một địa điểm nào gần đấy, khoảng vài chục cây số cũng được. Tôi sẽ mò mẫm tìm vào quốc lộ Một để về Hà Nội.
Mấy ngày sau, Brown đến chỉ cho tôi trên bản đồ lớn. Chi tiết một vùng, thụt lùi về phía Nam:
Chỗ này đã được sưu tra, xác định, cách khoảng 30 cây số so với vùng Bình biết. Nằm giáp ranh giữa hai huyện Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình và huyện Nga Sơn của tỉnh Thanh Hóa.
Tôi còn đang quan sát để nắm được một cách khái niệm về những tuyến đường, và những điểm chuẩn của khu vực, Brown lại nói tiếp:
- Nơi đấy là khu rừng non, dài hàng mấy cây số, lau sậy um tùm. Do đó, khi Bình đổ bộ lên, nếu thấy mệt mỏi có thể nghỉ ngơi tùy ý hàng tuần cũng được.
Nghe Brown nói vậy, tôi cũng yên tâm. Tuy nhiên, nhìn trên bản đồ, gần vùng đổ bộ. Trên đường về quốc lộ Một, có một con sông không to lắm. Tôi hơi băn khoăn, chỉ chỗ sông tôi sẽ phải vượt qua, hỏi:
- Chỗ này có cầu không?
Theo quan điểm của tôi khi ấy. Kế hoạch của một công tác bao gồm nhiều khâu. Nhiều khi chuẩn bị kỹ những khâu lớn, khâu khó khăn; nhưng đôi khi chính những việc nhỏ, rất vạch vãnh, lại quyết định sự thành bại. Chẳng hạn, điệp viên chỉ cần qua khúc sông ấy không có cầu, đò. Phải mò mẫm thăm hỏi, để rồi bị bắt ngay chỗ đó. Như vậy, những chuẩn bị chính yếu công phu ở Hà Nội để làm gì?
Tôi đã phát biểu ý kiến này với họ. Sau khi Hoàng Công An dịch lại, mắt Brown sáng lên, nhìn tôi vừa gật đầu, vừa nói:
- Đó là một ý kiến cần thiết, rất hay!
Họ hẹn sẽ trả lời sau, câu hỏi này. Thật là nhanh, tôi không ngờ. Chỉ 3 ngày sau, Brown và Dale đưa đến cho tôi 16 tấm không ảnh loại 40×60 phân. Hình chụp rõ ràng khu vực tôi yêu cầu. Con sông có một chiếc cầu và rất nhiều thuyền bè lớn nhỏ trên sông. Đồng thời cả hình quốc lộ Một và đường xe lửa từ Thanh Hóa về đến Hà Nội.
Lúc đó, chính sự việc này đã làm cho tinh thần tôi được nâng cao thêm qua hai yếu tố:
* Tin tưởng kỹ thuật khoa học chụp hình mà Hà Nội chưa biết.
* Ý niệm được mức độ quan tâm đến công tác của Cục cũng như của Mỹ.
Thời gian này càng gần tới ngày đi, một ngày đi đầy rẫy những hiểm nguy đang đợi chờ. Với muôn ngàn tình huống đang đợi chờ. Với muôn ngàn tình huống chưa biết. Nhiều lúc đi trên đường phố Sài Gòn, tôi nhìn cảnh tấp nập náo nhiệt xe cộ của đường phố, Nhìn dòng người quần áo đủ mọi mầu sắc ngược xuôi, với những nét mặt đầy vẻ hân hoan, háo hức nỗ lực đi vào cuộc sống ngày mai; mà tôi biết rằng sẽ đầy hương vị và tình người, tôi bâng khuâng. Tôi nhìn từng mái nhà, từng chòm cây, góc phố quen thuộc. Cảnh vật và con người như luyến lưu, như hẹn ước và cũng như giã từ.
Tâm trạng của người sắp từ giã cảnh sống này để đi vào đất địch. Như là đi sang một thế giới khác với những cảnh đời hoàn toàn xa lạ và những tình huống bất trắc, bạn bè thân thuộc không ai hay.
Càng gần ngày đi, tôi càng nhiều lần về với bố mẹ và các em.
Bố ơi! Mẹ ơi! Các em bé bỏng thương yêu ơi!
Những lúc vui đùa hàn huyên với các em. Nhìn dáng thơ ngây, hồn nhiên thân mật của các em. Tự nhiên, một nỗi niềm đã nén chặt trong lòng tôi, như muốn trỗi dậy đầy vơi. Để rồi thì, chỉ còn là những cái nhìn đắm đuối, nghẹn lòng như thần căn dặn: Rồi đây nếu anh ra đi không trở lại. Các em hãy thay anh trông nom, săn sóc bố mẹ. Ai có hỏi anh, các em hãy nói: Anh đã đi xa để trả nợ quê hương rồi, nhé! Nhưng, cả hai đứa em gái và một đứa em trai của tôi thật vô tình. Chúng vẫn cứ cười vui, đùa bỡn với tôi như thường. Các em không biết rằng trong lòng tôi sóng gió tơi bời. Thôi đành! Thời gian sẽ nói rõ với các em những gì lòng tôi muốn nói lúc này.
Buổi chiều cuối cùng, trước ngày lên đường, dù công việc chuẩn bị bề bộn. Tôi vẫn quyết dành ra hai tiếng về thăm bố mẹ và các em một lần nữa.
Khi tôi về, chỉ có bố tôi ở nhà, mẹ tôi đã đi nhà thờ chầu. Các em, đứa xin phép đến nhà bạn, đứa xin phép đi xem phim, không còn đứa nào ở nhà. Cảnh nhà vắng vẻ càng làm tăng nỗi niềm đang đè nâng tim tôi. Bố tôi, tuổi đã gần ngũ uần, dáng dấp còn nhanh nhẹn, cường tráng như người 40, nhờ vẫn thường xuyên ôn luyện quyền thuật. Người tưởng tôi về thăm nhà như mọi khi, nên người chỉ quan tâm nhắc nhở tôi một câu, mà người vẫn nói, ngay khi tôi còn nhỏ: “Văn ôn, võ luyện, mày phải thường xuyên luyện tập, để tay chân cứng chắc; tinh thần minh mẫn.”
Đến đây, tôi phải trình bày vài nét sơ lược về bố tôi. Khi chưa di cư, còn ở ngoài Bắc. Ông là một võ sư nổi tiếng của huyện. Có lẽ trong đời võ nghiệp, ông đã nhiều lần phải gục mặt, uất hận trước đối thủ. Vì vậy, người đã kỳ vọng vào đứa con trai đầu lòng. Mong rằng sau này nó sẽ làm được những điều mà người chưa, hoặc không làm được trong ngành võ thuật. Ngay từ khi tôi mới lọt lòng mẹ (bố mẹ kể chuyện lại.) Người đã ngâm, tắm tôi nhiều lần bằng những bài thuốc gia truyền, mà người đã dày công sưu tầm được. Người đã bắt tôi, một đứa bé 3 - 4 tuổi, tập đứng Trung bình tấn, Xà tấn, Đình tấn; tập những bài Quý Châu, Mai hoa và Hùng quyền; bắt đứa bé đó phải chịu bao nhiêu khổ luyện suốt mùa Đông rét mướt, cũng như những ngày Hè nóng nực; năm nay qua năm khác. Khi tôi 10 tuổi, người đã gửi gấm tôi cho nhiều võ sư mà người cho là có thực tài. Vị võ sư cuối cùng là Lã Giang Sơn (1948) với hỗn danh “Bạch Tượng.” một danh thủ có hạng của Trung Hoa. Âu đó cũng là một cơ may, cơ thể dẻo dai của tôi, sau này mới chịu đựng nổi những gian khổ trong cái nghiệp chướng của đời tôi.
Tôi nhìn vào đồng hồ đã một tiếng rồi, mãi không thấy mẹ tôi đi chầu về. Tôi đang băn khoăn chưa biết phải nói với bố tôi như thế nào, may quá, bố tôi đã bỏ lên lầu; tôi vội vàng xin phép để ra gặp mẹ tôi ở nhà thờ.
Trên đường đi, tôi miên man nghĩ đến mẹ tôi. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao hình ảnh người mẹ vẫn đậm nét hơn hình ảnh của người bố ở trong tôi. Khi tôi vào đến cuối nhà thờ, nhìn thấy dáng mẹ tôi đang quỳ, tay lần tràng hạt, miện lẩm bẩm đọc kinh, đôi mắt người vươn cao trên bàn thờ, một mối xúc động đã dồn ứ trong tim tôi. Nhà thờ chỉ còn lại mươi ông già, bà cả ở lại cuối buổi chầu. Tôi tiến lên quỳ cạnh mẹ tôi. Người quay lại mở to mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Ôi! Mắt mẹ tôi nhìn bao la mênh mông như đại dương! Tôi cảm thấy như bé nhỏ lại trong cái nhìn của bà mẹ. Mẹ ơi! Ôi, tình mẫu tử! Tôi nghĩ rằng, tất cả những ngôn từ đẹp nhất, cao quý nhất của loài người cũng không diễn tả hết được sự cao quý thiêng liêng của tình mẫu tử. Mẹ tôi biết là tôi có việc muốn gặp, nên người làm dấu thánh giá rồi hai mẹ con ra khỏi nhà thờ.
Vừa ra đến ngoài, người đã hỏi ngay, giọng băn khoăn:
- Mày lại có chuyện gì, lại về thế?
Chắc người thấy dạo này tôi về nhà luôn. Tôi nhìn xuống bàn tay mẹ tôi vẫn lần cỗ tràng hạt. Lòng tôi nghẹn lại. Làm sao tôi nói được, tôi về giã từ để đi vào nơi đầy bất trắc đang chờ đợi (có thề thuyền bị đắm ở biển khơi, bị công an, bộ đội kẻ thù bắt ngay trên biển và rồi trong đất liền. Có thể, còn lắm chông gai trên đất địch…) Mẹ ơi! Con sắp chia xa cùng mẹ. Có thể chẳng bao giờ con còn được nhìn thấy mẹ nữa.
Có lẽ vì thái độ của tôi, mẹ tôi cảm thấy một chuyện gì bất thường, nên người đặt tay lên vai tôi, giọng lo lắng:
- Con có chuyện gì, hãy nói thực với mẹ đi!
Chỉ một phút yếu lòng khiến mẹ tôi phải lo sợ, tôi vội vàng tươi nét mặt và cười toét:
- Có gì đâu, mẹ! Con về nhà không thấy, nên ra đây gặp mẹ. Vậy thôi!
Nét mặt lo âu của mẹ tôi biến ngay, người đập vào tay tôi mắng yêu:
- Bố mày, thế mà làm tao hết hồn!
Rồi mẹ tôi nói tiếp:
- Chủ nhật này, mày về đưa tao sang khu Bàn Cờ thăm bà bạn nhé!
Tôi chợt hiểu, lại vấn đề cô Nga, Thu Nga. Đã nhiều lần, bố mẹ tôi muốn tôi lập gia đình với con gái của bà bạn này. Làn nào tôi cũng khất lần với lý do sự nghiệp vẫn chưa thành, v…v…Điều chính khiến tôi, thoái thác là, tôi tự nghĩ, trong khi đất nước đang chia hai, xẻ ba, tôi không thể vội vã tìm chuyện ấm êm. Hơn nữa, đã thích nghiệp gió sương, tôi không được quyền làm bận rộn cuộc đời của một người khác. Tôi vẫn thích những câu thơ của Lưu Trọng Lư:
Em là gái trong song cửa
Anh là Mây bốn phương trời.
Anh theo cánh gió chơi vơi,
Em vẫn nằm trong nhung lụa.
Tôi hiểu, ngày Chủ nhật tôi không có lý do gì để từ chối ý kiến của mẹ. Vả lại, chủ trương của tôi là trước khi ra đi, tôi không muốn làm một điều gì, dù nhỏ nhặt, để phật ý mẹ tôi. Cho nên, sau khi mẹ tôi nói, tôi chỉ vâng nhẹ một tiếng. Tiếng “vâng” như còn nằm trong cuống họng. Nếu tinh ý, mẹ tôi sẽ nhận ra tiếng “Vâng” rụt rè đó của tôi. Nhưng có lẽ người cho rằng tại nói đến nhà cô Nga, nên tôi mới ngập ngọng như vậy. Người đã không biết rằng, rồi đây, mãi mãi tôi vẫn không thực hiện được lời hẹn của người. Đứa con trai của người đã ra đi biền biệt, không về. Để rồi mấy chục năm sau, đứa con trai đó may sống sót, mang được tấm thân về, mọi vấn đề, từ đất nước, đến con người, đều đã đổi thay, tang thương, vũng thành đồi.
Ánh nắng chiều phía Tây đã nhạt dần. Không gian cảnh vật cũng đổi mầu tím sậm. Dùng dằng mãi, cuối cùng tôi cũng phải chào và xin phép mẹ về trường. Bất chợt, tôi cầm lấy tay mẹ tôi, nghẹn ngào muốn nói: “Lạy mẹ con đi,” nhưng không thốt ra thành lời. Đúng là chân bước đi mà đầu còn ngoảnh lại. Tôi đã ngoảnh lại nhiều lần nhìn bóng dáng nghiêng nghiêng đã thẫm mầu của người phía sân cuối nhà thờ cho tới khi bị khuất hẳn.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen