Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 744 / 5
Cập nhật: 2017-08-25 12:50:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
rong chuyện tình cảm, buồn nhất trên đời là khi ta yêu một người mà người chẳng yêu ta. Đến khi người yêu ta thì ta lại nhận ra rằng ta chẳng còn yêu người nữa.
Tình yêu là một trò đuổi bắt.
*
“Hồi trước chị có một chiếc xe đạp màu xanh, đúng không?”.
“Đúng rồi. Nó đưa chị đi học suốt mấy năm sinh viên”.
Tôi trả lời, và bất ngờ ngẩn người ra. Làm sao Hạc biết tôi từng có một chiếc xe đạp màu xanh, trong khi tôi chưa từng nói chuyện với cô ấy quá năm phút và chưa từng nhắc về chiếc xe ấy?
“Sao em biết?”.
Hạc vặn một lọn tóc mượt dài trong những ngón tay trắng xanh mảnh khảnh.
“Em cũng không biết. Tự nhiên em thấy nó trong đầu. Em thấy chị đi xe đạp xanh trên đường”.
Trong bữa cơm trưa ở nhà Bến Bình, tôi được giới thiệu làm quen với ba người đàn ông. Người lớn tuổi nhất là bố chồng Bến Bình. Thoạt nhìn không ai nghĩ ông ấy là quan chức cấp cao, nổi tiếng hét ra lửa trong tỉnh. Tôi nghĩ ông giống một cụ ông hiền lành có thú chơi tao nhã là chim cảnh. Trong khuôn viên nhà họ treo duy nhất một lồng chim cảnh. Cái lồng trống không. Bến Bình ghé tai tôi nói nhỏ: Bố chồng cô vừa mất đi con chim yêu quý nhất của mình. Ông ta đau lòng vì mất nó còn hơn đau lòng vì mẹ chết. Từ đó đến nay không con chim quý nào khiến ông ta nguôi nhớ con chim đã mất. Ông vẫn để chiếc lồng không, đợi một ngày kia một con chim định mệnh nào đó có phước được hưởng lộc trời, trở thành hoàng hậu của chiếc lồng quý.
“Chiếc lồng quý nhường nào?”.
Bến Bình cười tít mắt.
“Chị không hình dung được đâu”.
Thôi được, tôi cũng không muốn hình dung, tôi chẳng muốn quan tâm đến họ. Tôi chỉ muốn mau chóng rời khỏi ngôi nhà của họ. Nghe nói dân chơi chim tiêu dao thường treo duy nhất một cái lồng chim trong vườn, và chủ của cái lồng ấy là con chim quý nhất mà họ có thể sở hữu. Treo nhiều lồng chim trong vườn chỉ có thể là dân chơi chim sành sỏi, vừa chơi chim vừa bán mua trao đổi. Còn nếu treo quá nhiều lồng chim trong vườn, thì không phải là dân chơi sành điệu, cũng chẳng tiêu dao, mà là người buôn chim cảnh…
Người đàn ông thứ hai là chồng Bến Bình. Anh ta là giáo viên, một mẫu người vui vẻ.
Người thứ ba trẻ nhất, là em chồng Bến Bình. Anh ta tên là Tản, một anh chàng có đôi mắt đa tình.
Trong bữa cơm, tôi có nghe họ nhắc đến Hạc. Hạc là chị gái của Bến Bình. Họ không phải đã được sinh ra và lớn lên ở Cẩm Xuyên. Bố mẹ họ buôn bán và tậu đất, xây nhà, định cư ở đó.
Khi đưa tôi về nhà, Hải Đường cho biết thêm: Năm hai mươi tuổi, Hạc yêu một chàng trai ở bên kia biên giới. Mối tình rất mãnh liệt nhưng không thành, và từ đó cô ấy luôn nghĩ mình là chim. Sau tai nạn từ trên cây rơi xuống, gia đình để cô ấy sống một mình trong căn phòng của dãy nhà trên đồi, nơi tôi vừa đến ở trong căn phòng bên cạnh. Dãy nhà này trước đây thuộc về quyền quản lí của một lâm trường. Nay lâm trường giải thể, nó được địa phương cho thuê, vì nó khá xa với trung tâm thị trấn, nên khách du lịch có lai vãng xứ này thì cũng ít biết đến nó.
“Để cô ấy sống một mình như vậy có ổn không?”.
Câu hỏi của tôi có vẻ thừa. Nếu không ổn thì họ đã đưa cô gái về từ lâu. Sau cú sốc tình yêu tan vỡ, ngoài việc nghĩ mình là chim ra thì hiện giờ Hạc khá bình thường. Cô sống một mình và phụ thuộc hoàn toàn vào sự chu cấp của bố mẹ. Hải Đường nói gia đình Hạc là một trong số những người ít ỏi giàu có nhất Cẩm Xuyên. Ở xứ núi, nhưng sự giàu có của họ có thể sánh với đại gia ở thành phố. Họ có thừa khả năng gả chồng cho cô ấy. Nhưng Hạc không hề mở lòng.
Tôi, vì ý nghĩ do Hải Đường gieo vào đầu, nên đinh ninh rằng một cô gái tâm thần như thế, ngoài việc trồng hoa hồng và xem kiến chạy ngoài hiên thì cuộc sống thực sự rất u ám. Nhưng khi bước chân vào căn phòng ấy theo lời mời của cô, tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Căn phòng sạch sẽ, tiện nghi, với những bức tranh phong cảnh thơ mộng trên tường, bình hoa tươi trên bàn và từ giàn stereo một bản nhạc hiện đại đang buông một giai điệu trữ tình.
Chính tại căn phòng, với chén trà xanh veo, Hạc đã hỏi tôi vể chiếc xe đạp.
“Chị Hàm Yên, tại sao chị không lấy chồng?”.
Tôi không nghĩ Hạc lại đề cập đến vấn đề hôn nhân trong buổi nói chuyện thân mật đầu tiên giữa hai chúng tôi như vậy.
“Không. Chỉ là chị chưa gặp người nào đem lại cho chị cảm giác về một sự gắn bó lâu dài”.
“Chị phụ thuộc vào cảm giác à?”.
Tôi hơi sững vì câu hỏi đó, nhưng nó rất thật.
“Chị sống phụ thuộc vào cảm xúc. Chị có một trực giác rất đặc biệt. Nó luôn đúng trong những trường hợp cần phải báo trước một tin xấu. Chị không bao giờ tin mình hạnh phúc. Vì thế, đối với chị, hạnh phúc rất mong manh”.
Hạc tiếp tục vuốt mái tóc suôn dài. Lâu rồi tôi chưa gặp người con gái nào có mái tóc dài và đẹp như thế.
Tôi chưa bao giờ để tóc dài. Một mái tóc dài luôn gợi tôi nghĩ tới sự ràng buộc. Song Hào, người yêu cũ của tôi nói cậu ấy yêu tôi chính vì mái tóc chấm vai rất trẻ con của tôi. Sau này, khi đã chia tay nhau, tôi và Hào vẫn chơi với nhau như những người bạn tốt. Rồi Hào có người yêu mới. Một cô gái có mái tóc dài. Có phải vì mái tóc dài đó mà Hào say mê cô ấy không? Tôi không quan tâm đến điều đó. Nếu cậu ấy yêu tôi vì mái tóc ngắn chấm vai, thì tình yêu đó sẽ chết khi tôi để tóc dài hơn, hay cắt ngắn hơn. Nhiều khi nghĩ lại điều đó, tôi không sao khiến mình không thể cười thầm. Tình yêu không có lí do để đến, cũng chẳng cần lí do để ra đi. Niềm vui mà tình yêu mang lại rất ảo, nhưng nỗi buồn thì rất thật. Nỗi buồn ở lại lâu hơn những thứ khác trên đời.
Trời bắt đầu đổ cơn mưa tiếp theo của mùa mưa đằng đẵng xứ Cẩm Xuyên. Cửa sổ căn phòng của Hạc mở to. Những bụi nước mưa bắn vào, đậu kín trên mặt bàn, trên thân những chiếc cốc sứ trắng muốt và những bông hồng trong lọ. Đồi thông phía sau nhà chìm trong mưa.
Kí túc xá trường đại học của tôi nằm tít trên đồi thông. Một đồi thông thơ mộng. Đó là một trường đại học đào tạo nhiều chuyên ngành, và chúng tôi học về Lâm nghiệp, một chuyên ngành chủ đạo của trường. Tôi không biết ai có sáng kiến trồng trên ngọn đồi ấy toàn thông. Có lẽ thông là một loài cây đẹp. Vì thế, trường đại học của tôi nổi tiếng với đồi thông. Vì đồi thông rất đẹp, con đường trải nhựa từ chân đồi lên đến đỉnh đồi cũng rất đẹp, nên chất chứa trong lòng nó cũng rất nhiều chuyện tình đẹp thời sinh viên. Hết thế hệ sinh viên này đến thế hệ sinh viên khác, họ yêu nhau.
Nhưng rồi những cái chết, những cái chết mỗi năm một nhiều lên, cho đến khi con đường lên đồi thông chính thức bị khóa lại.
Tôi và Song Hào yêu nhau chính vào lúc nhà trường quyết định cho khóa cánh cổng của con đường dẫn lên đỉnh đồi. Kí túc xá của Hào nằm lưng chừng đồi, ngay sát cánh cổng bị khóa ấy. Vào những ngày làm việc nhóm, chúng tôi ngồi trong phòng nhìn ra đồi thông. Đồi thông là nơi duy nhất trong thị trấn luôn tỏa mù sương sau những cơn mưa, bất kể là mưa mùa nào. Bọn sinh viên đàn anh đàn chị bảo đó là vì đồi thông chứa quá nhiều oan hồn của những người chết trẻ. Chết vì tình.
Không ai thắc mắc rằng trước khi những người trẻ lên đồi thông treo cổ tự tử, sương mù có xuất hiện sau những ngày mưa gió.
Tôi mười chín tuổi, không hiểu vì sao người ta lại có thể chết vì tình. Tình yêu ghê gớm đến thế, sao người ta luôn tìm cách để yêu và được yêu?
Tôi không còn trầm lặng như khi còn nhỏ. Nhưng không một cuộc vui nào níu chân tôi lâu được. Những dịp sinh nhật, những đêm hội diễn hay bất kì một cuộc vui nào, tôi cũng không thể để mình chịu đựng lâu. Bạn tôi thường thấy tôi trở về nhà trước khi cuộc vui tàn, thậm chí nó mới chỉ bắt đầu, hoặc còn dang dở.
“Sao cậu về sớm thế?”.
Họ hỏi và tôi trả lời: “Tớ nhớ sự yên tĩnh”.
Song Hào thường trộm vuốt tóc tôi mỗi khi cậu ấy đi ngang qua. Thế hệ sinh viên những năm đó không chuộng mốt tóc ngắn chấm vai. Hầu như tất cả các cô gái đều cắt tóc đuôi cá rồi buông xõa. Khi họ đi từ khu kí túc trên đồi xuống học đường, những mái tóc ấy bay nhẹ như mây. Trường đại học của chúng tôi lúc nào cũng rất nhiều gió.
Cảm giác bàn tay vuốt nhẹ lên mái tóc mình luôn đọng lại trong tim tôi rất lâu. Tôi không hiểu tại sao Hào không vuốt mái tóc ngang lưng của những cô gái khác, và tôi không biết rằng cái cảm giác bàn tay vuốt nhẹ trên tóc đọng lại rất lâu ấy chính là khởi đầu của thứ tình cảm rất đẹp, mà sau này người ta gọi nó chung chung là tình yêu.
Tại sao Hào yêu tôi, một cô gái thích chìm thật sâu trong nỗi buồn, trong khi đó Hào lại rất sôi nổi, năng động và luôn có rất nhiều cô gái cả thầm lặng lẫn công khai thương nhớ. Tôi luôn hỏi câu đó trong lòng, nhưng chưa bao giờ hỏi Hào.
“Mình yêu cậu. Yêu mãi mãi”.
Để chính thức mối tình đầu, Hào đã nói như vậy. Lúc đó, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi chính là: “Tình yêu à? Thứ đó liệu có thuộc về ta”.
Tại sao ý nghĩ đó lại xuất hiện trong đầu tôi vào chính giây phút ấy. Tôi không sao hiểu được. Đến khi hiểu được thì tôi đã chìm rất sâu xuống đáy của nỗi buồn.
Mối tình đầu kéo dài suốt bốn năm đại học. Trong vòng bốn năm đó, một lần mẹ Hào lên chơi và Hào giới thiệu tôi với bà ấy. Người đàn bà thành thị không quá giàu nhưng hiện đại nhìn tôi như thể con trai bà ấy yêu tôi là cái phước tôi phải tu bảy đời mới có được. Tôi cười nhạt trong lòng. Tôi chỉ tu được có sáu đời rưỡi thôi. Nên có chăng chỉ là kiếp trước chúng tôi đã nợ nhau và kiếp này phải trả, đến một quãng nào đó là hết nợ. Tôi không có một cảm giác về sự gắn kết lâu dài nào với Hào, dù tôi yêu cậu ấy.
Mẹ Hào hỏi tôi rằng hai đứa đã làm chuyện vợ chồng bao giờ chưa. Tôi lắc đầu. Bà nhìn tôi như muốn nuốt sống. Tại sao? Bây giờ chuyện đó không có gì ghê gớm cả. Nếu không làm chuyện đó khi còn thanh xuân và với người mình yêu thì thật là ngu xuẩn. Rồi sau đó bà trách con trai ngốc nghếch.
Hào dĩ nhiên muốn làm chuyện đó từ lâu rồi. Khi cậu ấy chuyển nụ hôn từ môi xuống cổ tôi, bàn tay cậu ấy lần tìm, lập tức ý nghĩ về sự thiếu ràng buộc, về sự mong manh của hạnh phúc, về sự mơ hồ của cảm giác gắn bó dài lâu, về những cái chết trẻ trên đồi thông lại tràn vào tâm trí tôi, ngốn ngấu trái tim tôi, và quả thực là một hình ảnh khác nữa, tôi nghĩ đó mới là sự quyết định: hình ảnh Phố ngồi chơi một mình với đàn kiến trong sân, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cậu ấy, với đôi vai bé nhỏ, cái gáy đáng yêu đó. Lập tức tôi đẩy Hào ra, dứt khoát và mạnh mẽ. Tôi không giải thích gì cả, và dĩ nhiên Hào rất buồn.
Tại sao tôi luôn nghĩ về Phố, với hình ảnh lần gặp đầu tiên như đóng đinh vào kí ức ấy mỗi khi Hào muốn làm chuyện vợ chồng với tôi, và vì thế tôi đã từ chối, hết lần này đến lần khác.
Đầu năm học cuối thời đại học của tôi, không hiểu sao nhà trường lại cho mở cánh cổng đi lên đỉnh đồi thông. Tôi lần đầu tiên cùng Hào lên đồi thông sau khi cánh cửa được mở, trong khi những sinh viên khác đã từ lâu lén lút lên đó chơi rồi. Con đường trải nhựa rất đẹp, uốn rất mềm theo thế đất. Mặt đường ngập lá thông rụng. Tôi và Hào tay trong tay ngắm hết thân cây này đến thân cây khác ven đường. Cây thông nào cũng bị cạo nhẵn vỏ ở một vài nơi trên thân. Và trên khoảng thân cây đã cạo lớp vỏ xù xì ấy, người ta, những đôi tình nhân đã khắc tên nhau lên đó. Những cái tên được khắc trong những khung hình trái tim. Rất nhiều… rất nhiều…
“Không biết những người này giờ có hạnh phúc không? Họ có được ở bên nhau mãi mãi như đã khắc tên lên cây này không nhỉ?”.
Ý nghĩ về những người đó thực sự ám ảnh tôi. Họ hẳn là tin vào sự vĩnh cửu của tình yêu lắm nên mới tự tin khắc tên nhau lên cây như một lời thề nguyện như thế chứ. Nhưng tại sao người ta vẫn treo cổ để chết?
Đám sinh viên bảo, trước khi cánh cổng lên đồi thông bị khóa theo lệnh của hiệu trưởng, đã có nữ sinh treo cổ chết trên cây thông ven đường, cây thông ấy khắc đầy những lời thề hẹn yêu đương. Rất có thể cô ấy treo cổ trên chính cái cây cô và người yêu đã khắc tên thề hẹn đó.
“Mình không biết. Chắc là cũng có người được ở bên nhau. Cậu có muốn khắc tên chúng ta lên đây không?”.
Hào hỏi tôi, và cậu ấy nhanh tay lôi con dao nhỏ ở cái bấm móng tay ra, nhanh nhảu chạy đến bên một cây thông to gần sát với con đường.
“Đừng”.
Tôi thốt nhiên ngăn. Hào khựng lại, nhìn gốc cây thông chăm chú, rồi nói rất nhỏ.
“Ừ nhỉ, biết ngày mai thế nào mà thề hẹn. Nhỡ mai mình chết thì sao”.
Khi Hào nói câu đó, đột nhiên tôi cảm thấy trái tim mình nhói đau. Lúc đó tôi hiểu rằng, ngày mai sẽ không còn giống như ngày hôm nay nữa.
Kì thực tập bắt đầu. Trong những câu chuyện xa xôi người ta bóng gió nói cho tôi biết về một cô gái rất xinh thầm yêu Hào. Hào luôn được những cô gái xinh trong trường trộm yêu. Cậu ấy là một chàng trai nổi bật. Hào có thích cô ấy không? Hình như có, nhưng vì không nỡ làm tôi tổn thương, nên…
Tôi không có cảm giác về một sự gắn bó dài lâu với Hào, nhất là sau chuyến đi chơi trên đồi thông ấy. Tôi nghĩ không nên ràng buộc nhau bởi sự lo lắng giống như lòng thương hại. Lòng tự tôn không cho phép trái tim tôi yếu mềm. Và tôi nói chia tay.
Tôi rất buồn. Cách duy nhất để quên đi nỗi buồn là lao vào học. Một cách rất cổ điển nhưng khá hiệu quả với tôi. Không một lần tôi viết thư cho Hào. Không một lời hỏi thăm xa xôi về Hào. Không một lần nghe lại những bài hát kỉ niệm của thời yêu nhau. Tôi không một lần ngoảnh lại.
Ngày chúng tôi bảo vệ tốt nghiệp. Trong đêm liên hoan chia tay, Hào tìm tôi.
“Yên ơi. Cậu có còn muốn đi cùng mình đến hết con đường hạnh phúc không?”.
Tôi im lặng rất lâu. Hào chờ đợi rất lâu dưới gốc ngọc lan tỏa hương thơm ngào ngạt. Có thể tôi không cần mất nhiều thời gian như thế để trả lời câu hỏi đó. Dù câu trả lời chỉ đơn giản là: “Mình rất muốn. Nhưng không thể được”.
Hào khóc. Và tôi, chỉ khi về nhà trọ, vùi mặt vào gối, tôi mới biết lẽ ra mình nên khóc thật nhiều.
Mãi một năm sau tôi mới coi Hào như một người bạn bình thường, và chúng tôi đã đối với nhau rất tốt. Rồi Hào có người yêu. Cô gái có mái tóc dài. Tôi vẫn để mái tóc ngắn chấm vai, như cả đời tôi sẽ không bao giờ thay đổi nó.
Theo Đuổi Theo Đuổi - Phạm Thanh Thúy Theo Đuổi