To sit alone in the lamplight with a book spread out before you, and hold intimate converse with men of unseen generations - such is a pleasure beyond compare.

Kenko Yoshida

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2089 / 56
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
nh Lý đã sang Đống Năm mua bộ trống đồng. Hôm giao bộ trống đồng cho nhi đồng thôn dưới, anh giao luôn cả quyền chỉ huy nhi đồng Tường An cho Khoa. Thằng Huệ không phản đối. Khoa đề nghị, thôn dưới giữ trống đồng nửa tháng, thôn trên nửa tháng, và Huệ được đánh trống cái, mỗi lần dự đại hội xã, huyện. Huệ bèn thích Khoa ngay. Hai đứa trở thành bạn thân. Anh Lý lên Phú Thọ họp hành gì đó, vài tháng sau mới về. Nhi đồng Tường An ăn tết bằng bộ trống đồng. Tiếng trống nô nức của một thời trẻ dại, của một thời không có hai lần trong lịch sử. Suốt ngày, suốt đêm, nhi đồng tập họp tại sân đình đánh trống, nghe trống. Tiếng trống thay tiếng pháo mừng xuân. Làng xóm rộn ràng lây với nỗi vui của trẻ nhỏ. Khoa dạy bạn bè tập trống. Nó hứa sẽ rủ bọn Đại Đồng đá bóng thi, và đuổi bọn này khỏi ngôi chùa cũ của Tường An.
- Chúng mình phải tập trống, ở chùa cũ, làng mình.
Nhi đồng Tường An phấn khởi lắm. Chúng nó phục Khoa sát đất. Khoa hát hay, đàn hay, trống hay, kịch hay, trận giả hay, chiếm giải thi đua liên miên. Nhờ Khoa khuyến khích kiếm tiền gây quỹ, nên Tường An đã sắm nổi bộ trống đồng.
Khoa hãnh diện vừa vừa thôi. Điều làm nó hãnh diện nhất, là những bà thím, bá bác, bà cô, bà dì của nó đã thoát nạn mù chữ, từ các lớp học đáng nhớ đời đời, ở từ đường họ Vũ. Học trò của Khoa biết đánh vần cả rồi. Nghỉ tết xong, ra giêng, học thêm vài tháng, họ sẽ đọc được các truyện Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, và các tờ thông cáo. Họ hết bị lội bùn. Khoa không biết tương lai họ ra sao. Chắc chắn, một mai kháng chiến thành công, Khoa về thị xã, Liên về Hà Nội, Khoa và Liên viết thư thăm họ, họ sẽ đọc rành rẽ, sẽ cầm bút trả lời thầy giáo, cô giáo của họ, năm xưa.
Niềm vui mới của Khoa rộn rã hơn tiếng trống đồng, là tình bạn thắm thiết giữa nó và Liên. Con Liên lạ ghê. Nó tản cư về Tường An sớm hơn Khoa, mà nó chỉ chơi với cu Đường. Gần đây, nó chơi thân với Khoa. Cu Đường mải mê tập kịch, đánh trống, Khoa phải thay nó, đưa Liên về nhà, mỗi tối Liên đi coi lịch. Có Liên, có lớp học, có bộ trống đồng, Khoa bỗng quên thị xã êm đềm. Đôi khi, Khoa quên cả Vũ. Khoa muốn sống mãi, ở quê nhà, muốn suốt đời làm nhi đồng, muốn đêm nào cũng khoác vai Liên, đi trên con đường đất tắm ướt ánh trăng, nghe tiếng thầm tình tự của gió và lá. Cuộc đời không gợn một chút ưu phiền. Cuộc đời bằng phẳng, cho nhũng giấc mơ lướt êm. Cuộc đời của những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi tiếng hát câu ca và mộng anh hùng.
Cuộc đời quê nhà Khoa, tưởng không còn nơi nào bằng. Có cầu Chờ. Có bến Đợi. Cầu Chờ, Liên đã ngồi, Khoa đã ngồi bên nhau. Bến Đợi, Khoa đã đến, Liên chưa đến. Ngày nào đó, Khoa sẽ đứng một mình, ở cầu Chờ, chờ Liên; sẽ đứng một mình, ở bến Đợi, đợi Liên. Bấy giờ, hai đứa đã lớn. Lớn thì phải xa nhà như Vũ. Và, nếu Khoa hiểu, lớn thì còn phải buồn, phải khóc như Vũ, Khoa sẽ không thích lớn, sẽ thù ghét sự lớn khôn. Không có bấy giờ, không bao giờ có bấy giờ. Chỉ có bây giờ. Bây giờ, muốn là được, hẹn là gặp. Bây giờ, là trời xanh, mây trắng, nắng hiền, gió ngoan. Bây giờ, chẳng cái gì đe dọa nổi cuộc sống thần tiên, làm tan loãng mùi hoa bưởi, hoa cau, hoa lý, kể cả những tiếng súng đại bác, từ Nam Định, đêm đêm, vọng sang.
Hôm mồng hai tết, Liên qua nhà Khoa chơi. Mẹ Khoa nắm tay Liên, kéo Liên vào lòng, vuốt ve tóc Liên. Mẹ Khoa bảo Liên cười. Rồi, mẹ khen:
- Cháu giầu quá, có những hai đồng tiền, bác không thèm mừng tuổi cháu nữa.
Mẹ Khoa ấn ngón tay lên hai má Liên:
- Đồng tiền bên phải, để dành nuôi con. Đồng tiền bên trái, để dành trả nợ cho chồng.
Liên xấu hổ. Con bé cúi mặt, cắn móng tay. Mẹ Khoa gọi Khoa lại gần. Mẹ nói:
- Cháu thấy chưa, thằng Khoa mặt vuông chữ điền, đồng tiền không có.
Liên ngước ngó Khoa. Hai đứa mỉm cười. Cả buổi sáng, Liên ở nhà Khoa. Đến chiều, cô giáo Liên và thầy giáo Khoa đi thăm học trò. Mùa xuân đẹp quá. Tháng giêng ngon, ngon tuyệt vời. Khoa ngỡ cuộc đời thôn ổ sẽ ngon mãi như tháng giêng. Tháng giêng qua cho tháng hai tới.
Và, tháng hai, tiếng súng đại bác vọng sang nhiều hơn, lớn hơn. Chính phủ ban hành lệnh tiêu diệt chó. Nạn nhân đầu tiên của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, là chó. Cũng là nạn nhân của cách mạng nữa. Giết chó là yêu nước. Du kích làng xung phong giết chó chạy rông, làm thịt đánh chén. Nhi đồng phải học tập, thi đua giết chó. Chủ tịch Tường An giải thích:
- Quân ta len lỏi đêm tối, rình giặc Pháp, chó nó sủa ầm ỹ, giặc Pháp sẽ biết chỗ quân ta nấp, sát hại quân ta.
Nhi đồng chất vấn:
- Thưa ông chủ tịch, làng ta còn yên ổn.
Ông chủ tịch vung tay:
- Chuẩn bị. Hậu phương luôn luôn chuẩn bị. Giặc Pháp thính tai vô cùng. Nghe chó làng ta sủa, bên kia Nam Định, nó câu đại bác sang chết hết. Hồ chủ tịch dạy thế.
Hồ chủ tịch đã dạy thì khó sai. Loài chó, kẻ thù của kháng chiến, gặp đại họa. Chó lớn, chó nhỏ, chó con, chó mới đẻ đều bị mã tấu du kích chặt ngang thây. Không có nhà nào được nuôi chó. Chó chết đã có chính phủ thay chó, canh gác trộm cướp. Nếu nhà nào cố tình nuôi chó, du kích sẽ khám xét, và giết ngay tại chỗ. Một tháng liền, ở làng Tường An, người ta hạ chó đánh chén ồn ào. Ai không nỡ giết con vật trung thành với chủ, đành an ủi chó nhà mình vài câu, rồi đánh đuổi nó đi. Du kích rượt theo, xung phong giết. Du kích ăn thịt chó mãi đâm ra chán, chó bị giết chết ngổn ngang, thối om. Du kích căm thù chó cực độ. Mã tấu vung lên, cả đàn chó sơ sinh, mắt vừa kịp mở nhìn du kích căm thù, bị chặt mỗi con thành hai khúc.
Tiền tuyến, bộ đội anh dũng giết giặc Pháp. Hậu phương, du kích anh dũng giết giặc chó. Dân làng thương chó, chứ không thương giặc, dễ chừng, thương chó hơn thương du kích. Chó dâng hiến trọn vẹn đời sống của nó cho dân quê. Mỗi nhà một con chó. Nuôi chó tới ngày chó già, chó chết, đem chôn. Phải bán chó, để bọn lái chó đến tận nhà, tìm cách luồn cái tròng tre xiết chặt cổ chó, nghe chó ấm ứ không thành tiếng, nhìn mắt chó đầy căm hờn, người ta bùi ngùi, xúc động. ít ai đang tay giết chó nhà mình ăn thịt. Lý do bán chó cho hàng thịt chó, hay giết có ăn thịt, thường là vì nhà nghèo, hay chó ốm. Nay, chẳng có lý do gì, chó vô tội bị coi như giặc thù, nên dân làng ngấm ngầm oán trách cụ Hồ và kháng chiến. Giặc Pháp còn ở mãi Nam Định, sao vội ban lệnh tiêu diệt chó? Tự thuở khai thiên lập địa, chưa ai biết, chưa ai được nghe kể chuyện, trước khi đánh giặc, phải giết hết chó.
Thành ra, cuộc thi đua giết chó đã không hào hứng bằng các cuộc thi đua diệt chuột, diệt dốt… Du kích chiếm giải thi đua giết chó. Những con chó thoát chết sống đời lẩn trốn, hễ thấy bóng dáng du kích, sủa một thôi, rồi cúp đuôi chạy. Thuở thanh bình ngày xưa, hễ tết đến, là chó gặp nạn vài hôm. Pháo nổ vang trời, chó sợ chạy văng mạng ra đồng. Bọn trộm chó rình sẵn, đập chết, đem về làm thịt đón xuân. Chó chết chẳng đáng bao nhiêu. Bây giờ, chó chết mới thê thảm. Máu chó đọng từng vũng trên đường làng, ngõ xóm. Chó chết cả họ hàng, gia quyến. Chó làng Tường An đã chết hết, trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Chó chết cho cách mạng thành công.
Những con chó sống đời lẩn trốn, dần dà, hiểu số phận mình. Chúng không dám sủa, dù chỉ nhìn trăng sủa vu vơ. Thoạt đầu, chúng mò về nhà chủ, kiếm thức ăn. Chủ thương, dành phần cơm để sẵn, ở góc vườn. Chủ khuyên chúng đừng lai vãng gần, bị du kích rình giết chết. Chúng lầm lũi bước, và không bao giờ trở về ăn phần cơm để sẵn cho mình nữa. Đêm bỗng trở nên cô quạnh. Làng xóm thiếu tiếng chó sủa, y hệt, bãi tha ma.
Nhò có tiếng trống đồng, đêm bớt ghê rợn. Tiếng trống đồng, những đêm kịch, những lớp Bình dân học vụ, những bài hát làm dân làng nguôi ngoai chuyện giết chó là yêu nưóc. Sang hạ, đạn đại bác của giặc đã câu tới bên đây sông Hồng, tức là câu tới huyện Thư Trì. Chính phủ ban lệnh rào làng kháng chiến. Nhi đồng hát vang bài Khúc ca giữ làng 1, mới được học tập:
Về đây canh gác giữ yên mùa màng
Về đây kháng chiến chúng ta rào làng
Tiếng đàn banjo của Khoa lại vê ròn rã bài hát mới toanh:
Làng tôi xanh bóng tre
Chiều lắng tiếng chuông ngân
Tiếng chuông chùa làng rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Vấn vương tiếng sáo diều trên bờ đê
Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà
Ngày giặc Pháp phá làng diệt thôn
Từ ra đi ôm mối căm hờn
Lòng tôi còn thấy buồn thương
Từ khi quân Pháp qua
Chiều vắng tiếng chuông ngân
Phá tan đình chùa xưa
Làng tôi theo đoàn quân du kích
Cướp ngay súng quân thù trả thù xưa… 2
Bài hát khiến dân làng bớt ghét du kích, trong cuộc xung phong tiêu diệt chó hồi tháng hai. Lòng thù ghét dồn hết cho quân thù xâm lăng.
… Bắc Sơn không bóng người dưới thôn
Giặc Pháp tàn ác dầy xéo
Từng xác lụt đất máu xương
Nhà đốt cầm dáo cầm súng
Dân quân vùng ra sa trường… 3
Trẻ thơ chưa biết nói cũng đưọc ru ngủ bằng thù hận:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giặc Pháp có thương dân mình 4
Làng thôn lại sôi động thi đua rào làng kháng chiến. Những bất bình nhỏ mọn bị quên vội vàng. Mỗi nhà đóng góp một cây tre già. Nhà nào đóng góp nhiều hơ, thì chiếm giải thi đua. Chỉ mất nửa tháng, làng được rào kín, bằng những cây tre già. Hai chiếc cổng làng vững chắc tua tủa chông nhọn. Dưới hàng rào, là giao thông hào. Hàng rào dầy, chó chui không lọt. Giặc Pháp khó lòng vào làng. Dân quân, du kích tập tành ráo riết. Lựu đạn đeo lủng lẳng. Thỉnh thoảng, rơi xuống đường mà không nổ! Mã tấu sáng ngời. Dây mìn đeo trên vai. Quan trọng lắm. Du kích tập gài mìn. Câu chuyện du kích Chỉ Bồ và Ba Ra, kể trên sân khấu, kích thích ý chí chiến đấu. Quân Pháp đến làng Chỉ Bồ, ở miền bể. Anh du kích ngồi canh ngủ gật. Pháp nó xí xa xí xố, lay cột chòi, anh ta mới vụt tỉnh. Mắt nhắm, mắt mở, anh du kích Chỉ Bồ ném lựu đạn xuống, quên rút kíp. Giặc Pháp cười vang, tung lên trả. Anh du kích lại ném. Ném ba lần, mà lựu đạn không nổ, để giặc qua làng Ba Ra. Tầu giặc bị khê giữa dóng sông, giặc bắt trọn ổ du kích Ba Ra đẩy tầu ra bể. Đẩy tầu xong, mới chạy báo bộ đội. Bộ đội tới, giặc đã rút mất. Cáu sườn, bộ đội viết thơ chế nhạo du kich Chỉ Bồ:
Hoan hô du kích Chỉ Bồ
Ném ba lựu đạn Tây vồ cả ba
Và, du kích Ba Ra:
Hoan hô du kích Ba Ra
Giặc đến chẳng đánh lại ra đun tầu
Thơ chê bai du kích Chỉ Bồ, Ba Ra đầy tường đình, miễu. Du kích Chỉ Bồ, Ba Ra xấu hổ. Lần sau, giặc quen mùi mò tới, du kích Chỉ Bồ và Ba Ra đánh tan giặc, đốt cháy tầu, và xóa hết những câu thơ mỉa mai. Du kích làng Tường An quyết noi gương đánh giặc, đốt tầu. Các người anh em hùng hồn vô cùng. Nhi đồng dẫn đầu, trống đánh nhịp hai bốn, du kích hát bài quen thuộc:
Anh em trong đoàn quân du kích
Cùng vác súng lên đường…
Tháng trước, du kích tàn sát chó anh dũng quá, có người nhại mấy câu, xui thằng nhi đồng Khởi hát láo:
Anh em trong đoàn quân Phúc Khánh 5
Cùng vác gánh lên đường
Gắp đi, gắp đi
Băng qua đường qua bãi
Gắp bao giờ đầy gánh
Rồi xuống chợ liền…
Thằng Khởi bị khai trừ khỏi nhi đồng. Người xúi nó là con ông tiên chỉ, sợ bị bắt lên xã cảnh cáo, bỏ làng lên tận Giai, Lạng kiếm ăn. Đời sống, hình như, không còn buông thả nữa. Nó khép dần, khép dần. Khép không tiếng động. Đến nỗi, chẳng ai rõ bóng tối khởi sự từ hàng rào, đánh đai cuộc đời thôn ổ. Những con cá vẫn nhởn nhơ, không biết rằng, mình nhởn nhơ trong chiếc chậu. Đêm khuya, cổng làng đóng chặt. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, đề phòng Việt gian lợi dụng cơ hội lẻn vào làng. Du kích canh gác cẩn mật. Qua cổng làng đêm khuya, dù cầm đèn cũng bị mời về. Sinh hoạt làng nào, làng ấy hay. Những đêm kịch làng bên, bộ đội diễn, thèm xem lắm, mà đành ở nhà. Sợ quá nửa đêm, du kích không mở cổng.
Khoa chưa đủ khôn, để nhìn thấy lớp khói buồn lãng đãng bay, trên con đường đất ngập ánh trăng của nó. Khẩu hiệu chuẩn bị tổng phản công giải thích rõ ràng công việc tiêu diệt chó, rào làng kháng chiến. Chuẩn bị đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi thân yêu. Giặc Pháp bị tiêu diệt, đời sống lại buông thả như cũ. Người tản cư về thôn quê hồi cư về thành phố, từ giã đời áo nâu. Cuộc đời sẽ muôn mầu, muôn vẻ. Cuộc đời ấy bớt kham khổ, và rất đáng sống. Người thôn quê ở lại với luống cầy. Vùng trời êm ả không còn tiếng máy bay, tiếng đạn đại bác quấy phá. Diều no gió, nuốt dây, lên cao. Sáo diều vi vu thơ mộng. Và, tiếng trống chèo mủa xuân quyến rũ hơn cả bao giờ. Cổng làng thôi đóng kín mỗi đêm. Dình hết là sân khấu diễn kịch chống Pháp. Tam cúc điếm, tổ tôm điếm, tưởng đã chết, sẽ sống dậy. Sẽ sống dậy cả những ngọn trung bình tiên, những keo vật tranh giải một mảnh lụa đào. Sẽ sống dậy tất cả, một mai, khi kháng chiến thành công.
Dân làng tin thế. Niềm tin thật đôn hậu và ngây thơ. Không ai buồn cả. Khoa cũng chẳng buồn. Vì, Liên có buồn đâu? Và, Khoa biết gì mà buồn! Khoa hồn nhiên, để lịch sử dẫn vào mơ ước.
--------------------------------
1 Khúc ca giữ làng, nhạc và lời của Canh Thân, sáng tác ngoài kháng chiến, và đổi lời mới khi tác giả về tề, thành Khúc ca mùa hè.
2 Trích Làng tôi, của Văn Cao.
3 Trích Bắc Sơn, của Văn Cao.
4 Trích nhạc Phạm Duy. Về tề đổi thành Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời TRọC PHÚ có thương dân mình…
5 Làng Phúc Khánh có hai thôn: Phúc Khánh thượng và Phúc Khánh hạ. Phúc Khánh thượng nhiều người làm quan. Phúc Khánh hạ thì chuyên nghề gắp phân. Thời kháng chiến, du kích bắng nhắng nên bị ghét và bị ví như dân cặp kè. Bài này nhại bài Du kích quân.
Thằng Khoa Thằng Khoa - Duyên Anh Thằng Khoa