Nếu bạn chưa từng nếm mùi thất bại, tất bạn chưa gặp thử thách thực sự.

Dr Porsche

 
 
 
 
 
Tác giả: Albert Camus
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2681 / 146
Cập nhật: 2017-08-30 02:58:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tự Sát Triết Học
ảm giác phi lý không phải toàn bộ khái niệm về sự phi lý, mà đặt nền móng cho sự phi lý, chỉ có vậy. Cảm giác phi lý không bó hẹp trong khái niệm ấy, ngoại trừ trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi nó đưa ra nhận xét về vũ trụ. Tiếp sau đó, cảm giác phi lý có cơ hội tiến xa hơn. Nó vẫn sống; hay nói cách khác là trừ khi nó chết hẳn, còn nếu không nó sẽ được ánh chiếu lại. Như vậy là, nó gắn với những chủ đề chúng ta đã tổng hợp lại ở đây. Tôi không quan tâm đến những tác phẩm hay tư tưởng, việc phê bình những thứ ấy xin dành cho lúc khác, nơi khác; ở đây tôi chỉ để tâm phát hiện điểm chung trong kết luận của những tác phẩm và tư tưởng đó. Có lẽ chưa khi nào các tư tưởng lại khác nhau đến vậy. Nhưng ta vẫn nhận ra được rằng chúng khởi đầu ở những bối cảnh tinh thần giống nhau như hệt. Và cho dù dấn vào những lĩnh vực tri thức khác nhau, nhưng tiếng thét chấm dứt hành trình của chúng đều vang lên theo cùng một cách. Rõ ràng là các nhà tư tưởng chúng ta vừa nhắc trên đây đi theo một xu hướng chung.
Không hề là chơi chữ khi nói rằng cái xu hướng chung ấy nhuốm mùi chết chóc. Sống dưới áp lực ngột ngạt đó, người ta buộc phải đi khỏi hoặc trụ lại. Quan trọng là tìm hiểu được người ta rời đi như thế nào và nếu trụ lại thì là vì sao. Đây là cách tôi xác định vấn đề tự sát và những điều đáng quan tâm có thể rút ra được từ các kết luận của triết học hiện sinh.
Nhưng trước tiên tôi muốn tạm vòng tránh khỏi con đường trực tiếp. Cho đến nay chúng ta đã khoanh vùng được định nghĩa về sự phi lý từ bên ngoài. Tuy nhiên người ta vẫn có thể đặt câu hỏi khái niệm đó rõ ràng đến mức nào và trực tiếp mổ xẻ nó, để một mặt khám phá ý nghĩa của nó, mặt khác tìm hiểu những hệ quả liên đới từ nó.
Nếu tôi buộc cho một người vô tội một tội ác ghê gớm, nếu tôi nói với một người sống rất đạo đức rằng anh ta thèm muốn cô em gái ruột, thì anh ta sẽ trả lời rằng cáo buộc ấy là phi lý. Sự phẫn nộ của anh ta ẩn chứa khía cạnh hài hước trong nó. Nhưng nó cũng đồng thời chứa đựng lý trí nền tảng. Khi đáp trả như vậy, con người đạo đức ấy chỉ rõ sự mâu thuẫn giữa hành động tôi gán cho anh ta và các nguyên tắc suốt đời anh ta tuân thủ. “Điều đó là phi lý” có nghĩa là “Chuyện đó là không thể nào”, cũng có ý là “Điều đó thật mâu thuẫn.” Nếu tôi nhìn thấy một người đàn ông chỉ có thanh gươm trong tay mà tấn công cả nhóm người có mang súng máy, tôi sẽ cho rằng hành động của anh ta là phi lý. Nhưng tôi thấy phi lý chỉ vì ý định của anh ta và cái thực tế anh ta phải đối mặt bất cân xứng; vì tôi nhận thấy mâu thuẫn giữa sức mạnh thực sự anh ta có và mục tiêu anh muốn đạt được. Tương tự như vậy, chúng ta coi một nhận định nào đó là phi lý khi đối chiếu nó với điều được thực tế khẳng định rõ ràng. Và cũng như vậy, phi lý phô bày khi so sánh hậu quả của một lập luận như thế với thực tế hợp lý mà người ta muốn dựng nên. Trong mọi trường hợp tương tự, từ trường hợp đơn giản nhất cho đến phức tạp nhất, khoảng cách giữa hai vế trong phép so sánh của tôi càng xa thì độ phi lý càng lớn.
Có những cuộc hôn nhân phi lý, những thách thức phi lý, những thù oán phi lý, những sự im lặng phi lý, những cuộc chiến tranh phi lý, và thậm chí cả những hiệp ước hòa bình phi lý. Trong mỗi trường hợp, sự phi lý đều bắt nguồn từ phép so sánh. Như vậy ở đây tôi đang chứng minh rằng cảm giác về sự phi lý không sinh ra khi chỉ khảo sát kỹ lưỡng một sự kiện hoặc cảm tưởng nào đó, mà nó bùng lên từ sự so sánh giữa một sự kiện bị tách rời với bối cảnh của nó và một thực tế cụ thể; giữa một hành động và ngoại giới vượt quá tầm của nó. Phi lý, về bản chất, là một cuộc phân ly. Nó không nằm trong các yếu tố được so sánh; nó được sinh ra từ sự đối đầu giữa chúng.
Do đó, trong trường hợp đặc biệt này và trên bình diện trí tuệ, tôi có thể nói rằng Phi lý không ở trong con người (nếu ẩn dụ như thế có ý nghĩa), cũng không sẵn ở ngoại giới, mà trong sự hiện diện cùng nhau của con người và ngoại giới. Cho đến thời điểm này nó là mối dây duy nhất liên kết hai bên. Còn nếu nói theo kiểu trình bày sự việc thuần túy, thì tôi biết những gì con người muốn; tôi biết những gì ngoại giới hiến cho anh ta, và bây giờ tôi có thế nói thêm rằng mình cũng biết những gì liên kết anh ta và ngoại giới. Tôi không cần phải đào sâu hơn nữa. Một sự đảm bảo duy nhất nhu vậy đã đủ cho ai đang tìm kiếm. Giờ người đó phải nhận lấy mọi hệ quả từ nó.
Hệ quả trước mắt cũng chính là một nguyên tắc của phương pháp. Bộ ba kỳ quặc vừa được đưa ra ánh sáng theo cách trên chắc chắn không phải là một phát hiện đáng ngạc nhiên. Nhưng nó giống dữ liệu của kinh nghiệm ở chỗ: cả hai đều vô cùng đơn giản đồng thời vô cùng phức tạp. Về mặt này, điểm khác biệt đặc trưng đầu tiên của phi lý chính là nó không thể phân chia. Phá hủy một vế trong phép so sánh nghĩa là phá hủy toàn bộ. Không có phi lý tồn tại bên ngoài tâm trí con người. Như vậy, giống như mọi thứ khác, sự phi lý kết thúc với cái chết. Nhưng cũng không có phi lý nằm ngoài thế giới này. Và cũng bởi tiêu chí cơ bản này mà tôi coi khái niệm về phi lý là quan trọng, có thể đứng đầu trong danh sách các sự thật tôi công nhận. Nguyên tắc của phương pháp được nói đến bên trên lại xuất hiện ở đây. Nếu tôi đánh giá một điều nào đó là đúng thì tôi phải bảo vệ nó. Nếu tôi cố gắng giải quyết một bài toán, thì ít nhất tôi không được dùng cái phương pháp cực đoan là bỏ hẳn đi một thành tố trong đầu đề. Đối với tôi, cứ liệu duy nhất là sự phi lý. Điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện duy nhất trong quá trình tìm hiểu của tôi là bảo vệ chính cái điều vắt kiệt tôi, cũng là tỏ sự tôn trọng những gì mà tôi cho là quan trọng trong nó. Tôi vừa định nghĩa phi lý như là cuộc đối đầu và đấu tranh không ngừng.
Rồi khi theo đuổi logic phi lý này cho tới tận kết luận của nó, tôi phải thừa nhận rằng cuộc đấu tranh đó hàm ý sự vắng mặt hoàn toàn của hy vọng (vốn chẳng thể làm gì để lấp đầy nỗi tuyệt vọng), một sự từ chối liên tục (không được nhằm lẫn nó với sự từ bỏ), và một sự không thỏa mãn có ý thức (không được so sánh nó với nỗi bất mãn do chưa cân nhắc chín chắn). Mọi thứ phá bỏ, lấy đi, hoặc gạt đi các yêu cầu này (mà đầu tiên là sự đồng lòng thỏa hiệp khiến cuộc phân ly không thành) đều làm tan nát sự phi lý và làm giảm giá trị quan điểm có thể đưa ra tiếp theo đó. Sự phi lý có ý nghĩa chỉ trong chừng mực nó không nhận được sự đồng tình.
***
Như vậy, có một thực tế rành rành xem ra hoàn toàn phải lẽ: rằng con người luôn luôn là một nạn nhân của những sự thật mình nhận ra. Một khi đã thừa nhận chúng, anh ta không thể tự giải thoát khỏi chúng. Người ta phải trả một giá nhất định cho sự thật. Người ta một khi đã ý thức được về sự phi lý thì mãi mãi sẽ bị ràng buộc với nó. Một người không có hy vọng và ý thức được tình trạng đó của mình không còn thuộc về tương lai. Điều đó là tự nhiên. Mà việc anh ta cố thoát khỏi vũ trụ do chính mình tạo dựng cũng tự nhiên không kém. Tất cả những điều trên có ý nghĩa chỉ nhờ nghịch lý này. Một số người, bắt đầu từ việc phê bình chủ nghĩa duy lý, đã thừa nhận xu hướng phi lý. Để thấy rõ về vấn đề này, cách hiệu quả nhất là xem xét kỹ lưỡng cách thức họ xây dựng những kết quả của mình.
Nếu chỉ xét trong các lý thuyết triết học hiện sinh, tôi thấy rằng không có lý thuyết nào gợi ý đào thoát. Thông qua một lập luận kỳ lạ, bắt nguồn từ sự phi lý trên đống đổ nát của lý trí, trong một vũ trụ đóng kín dành cho con người, những triết lý hiện sinh này thần thánh hóa chính cái điều đã nghiền nát chúng và tìm ra lý lẽ để đặt hy vọng trong chính cái điều đã ép chúng đến kiệt cùng. Các triết lý đó đều tìm niềm hy vọng gượng gạo đó trong tôn giáo. Điều này quả đáng chú ý.
Tôi sẽ chỉ phân tích làm ví dụ một số chủ đề gần gũi với quan điểm của Chestov và Kierkegaard. Nhưng Jaspers cũng cho ta một ví dụ điển hình cho thái độ này, dù dưới hình thức bị bóp méo. Chính vì thế quan điểm của các vị còn lại rõ ràng dễ thấy hơn. Jaspers không thấu tỏ được cái siêu việt, không lường được độ sâu của kinh nghiệm, và ý thức được rằng vũ trụ đảo lộn khi con người cảm nghiệm sự thất bại. Ông sẽ đạt được bước tiến nào, hoặc ít nhất rút ra được kết luận từ đó? Jaspers không đóng góp gì mới. Ông đã không tìm thấy gì trong quá trình trải nghiệm ngoài lời thú nhận về sự bất lực của mình, cũng không có cơ hội luận ra bất kỳ nguyên tắc thỏa đáng nào. Nhưng rồi đột nhiên, không cần bất kỳ sự chứng minh nào, như ông từng tự thừa nhận, ông đột nhiên cùng lúc khẳng định cả cái siêu việt, bản chất của kinh nghiệm, và ý nghĩa phi thường của cuộc sống khi ông viết: “Vượt ngoài mọi lời giải thích và diễn giải, thất bại của con người báo hiệu sự hiện hữu của siêu việt, chứ không phải là sự thiếu vắng nó, không phải vậy sao?” Đột nhiên bị thúc đẩy bởi lòng tự tin mù quáng của con người, ông lý giải cho tất cả mọi điều, mà ông định nghĩa là “sự thống nhất không thể tưởng tượng của cái chung toàn thể và cái cụ thể.” Như vậy sự phi lý trở nên thần thánh (theo nghĩa rộng nhất của từ này) và sự vô năng lực thấu hiểu của con người lại trở thành một hiện hữu soi rọi mọi điều. Lập luận này không có tiền đề logic nào. Tôi gọi nó là một bước nhảy. Và nghịch lý thay, cũng có thể hiểu rằng sự khăng khăng của Jaspers, lòng kiên nhẫn vô chừng của ông chỉ biến cái siêu việt thành điều không thể thấu tỏ được. Nói đơn giản hơn, cái định nghĩa ấy càng trống rỗng, thì cái siêu việt càng trở nên thực với ông, vì niềm đam mê tận tụy ông dành để khẳng định nó tỷ lệ thuận với khoảng cách giữa năng lực giải thích của ông và sự không thể lý giải của thế giới lẫn của trải nghiệm. Như vậy xem ra Jaspers càng cay đắng phá hủy những định kiến của lý trí thì ông càng giải thích thế giới một cách triệt để hơn. Vị tông đồ mang tư tưởng bị hạ nhục này sẽ tìm thấy ở tận cùng của sự chà đạp đó các phương tiện phục hồi sự tồn tại ở tột cùng chiều sâu của nó.
Lâu nay những tư tướng nhuốm màu sắc tâm linh thần bí đã khiến ta quen thuộc với những phương kế như vậy. Chúng chính đáng không kém bất kỳ quan điểm trí tuệ nào khác. Nhưng lúc này tôi áp dụng quy trình như khi xem xét một vấn đề nghiêm túc. Nghĩa là không đánh giá trước giá trị chung của quan điểm này hoặc tác dụng giáo dục của nó, mà tôi chỉ xét xem liệu nó có đáp ứng được các điều kiện tôi đặt ra cho bản thân mình, và liệu nó có phản ánh mối xung đột mà tôi quan tâm hay không. Bây giờ xin trở lại với Chestov. Có một nhận xét rất đáng quan tâm của ông được thuật lại như sau:
“Giải pháp duy nhất đúng”, ông nói, “chính ở nơi mà óc phán đoán của con người không tìm thấy giải pháp. Nếu không, chúng ta có cần gì từ Thượng đế? Chúng ta tìm về với Thượng đế chỉ để mong đạt được những điều bất khả. Còn những điều có thể thực hiện được, thì con người đủ sức tự giải quyết.” Nếu có một cái gọi là triết học Chestov, tôi có thể nói câu trên khái quát cho các quan điểm của ông. Rồi để kết luận những phân tích hùng hồn của mình khi phát hiện ra sự phi lý cơ bản trong mọi hiện hữu, Chestov không nói: “Đây là sự phi lý”, mà là: “Đây là Thượng đế: chúng ta phải nương dựa vào đấng ấy ngay cả khi không thể quy ngài vào bất kỳ phạm trù lý trí nào của chúng ta.” Để loại trừ khả năng có thể gây nhầm lẫn, triết gia người Nga này thậm chí còn ám chỉ rằng Thượng đế này có lẽ là chứa đầy hận thù oán ghét, khó hiểu và mâu thuẫn; nhưng bộ mặt của ngài càng ghê tởm thì ngài càng khẳng định rõ quyền lực của mình. Sự vĩ đại của ngài nằm chính ở sự thất thường bất quy tắc. Bằng chứng ngài tồn tại chính là sự vô nhân tính của ngài. Người ta phải nhảy vào ngài và nhờ bước nhảy vọt ấy mà giải phóng bản thân khỏi những ảo tưởng lý trí. Như vậy, đối với Chestov, việc chấp nhận phi lý diễn ra cùng lúc với sự xuất hiện của phi lý. Nhận thức về phi lý phát triển thành thái độ chấp nhận nó, và toàn bộ nỗ lực suy nghĩ logic của ông là để đưa nó ra ánh sáng, đế cùng lúc niềm hy vọng lớn lao gắn với nó tuôn trào. Xin nhắc lại rằng thái độ nhìn nhận này hoàn toàn hợp thức, chưa bàn đến đúng sai. Nhưng ở đây tôi đang kiên trì xoáy vào một vấn đề duy nhất và tất cả các hệ quả của nó. Tôi không phải xét đến khía cạnh cảm xúc của một tư tưởng hoặc một hành động của đức tin. Tôi còn có cả đời để làm điều đó. Tòi biết rằng một nhà duy lý hẳn sẽ thấy khó chịu trước quan điểm của Chestov. Nhưng bản thân tôi ngả về quan điểm của ông hơn các vị kia, và tôi chỉ muốn biết ông ta có trung thành và nhất quán với các điều răn của sự phi lý hay không.
Bây giờ, nếu thừa nhận rằng phi lý là điều trái ngược của hy vọng, thì có thể thấy là tư tưởng hiện sinh cho phép Chestov tiền giả định về phi lý, nhưng ông chứng minh nó tồn tại chỉ để gạt nó đi. Tư duy lắt léo như vậy quả là trò quỷ thuật trong cảm xúc của tay pháp sư cao cường. Mặt khác khi Chestov đặt sự phi lý theo cách hiểu của ông đối lập với đạo đức và lý trí hiện tại, ông gọi đó là sự thật và cứu chuộc. Do đó, về cơ bản, định nghĩa về phi lý của Chestov đã có sự tán thành của ông trong đó. Còn nếu thừa nhận rằng tất cả sức mạnh của khái niệm phi lý nằm trong cách thức nó đi ngược lại với những hy vọng cơ bản của chúng ta, nếu cảm thấy rằng để tiếp tục duy trì, sự phi lý phải không được chấp thuận; thì rõ ràng nó đã mất đi khía cạnh thật sự của nó, tính người của nó và cả tính cách tương đối của nó để nhập vào một thể vĩnh hằng đồng thời chứa đựng cả hai điều: viên mãn và không thể thấu hiểu. Nếu có sự phi lý, thì nó ở trong vũ trụ của con người. Thời điểm khái niệm ấy biến thành tấm ván để dậm nhảy vào vĩnh hằng, nó đã không còn kết nối với sự sáng suốt của con người nữa. Phi lý không còn là bằng chứng mà con người biết chắc chắn dù không chấp thuận nó. Cuộc đối đầu bị lảng tránh. Con người hòa nhập với phi lý và trong sự hiệp thông đó làm biến mất đặc trưng cơ bản của phi lý, đó là sự đối lập, sự xé rách và phân ly. Bưóc nhảy vọt này là một lối thoát. Chcstov, người rất thích trích dẫn nhận xét của Hamlet: “Thời gian trôi trật khỏi dòng”, viết về bước nhảy ấy với một niềm hy vọng nguyên thủy chừng như chỉ thuộc về riêng ông. Vì nó không mang ý nghĩa như Shakespeare từng đặt vào lời Hamlct. Cảm giác say sưa trước sự không thể lý giải cũng như tiếng gọi từ nước thiên đàng đã đẩy trí tuệ sáng suốt của ông xa khỏi sự phi lý. Với Chestov lý trí là vô dụng nhưng hãy còn cái gì đó vượt xa ngoài lý trí. Còn đối với một trí óc thực sự nhìn thấu sự phi lý, thì lý trí là vô dụng và không có gì vượt ngoài nó nữa.
Bước nhảy vọt này ít nhất có thể soi sáng cho chúng ta biết thêm một chút về bản chất thật sự của sự phi lý. Chúng ta biết rằng nó không có giá trị gì trừ khi đặt trong trạng thái cân bằng, khi nó nằm trong phép so sánh chứ không phải trong một vế nào của phép so sánh ấy. Mà khéo làm sao Chestov lại chỉ nhấn mạnh vào một vế và phá vỡ thế cân bằng ấy. Ta chỉ thấu tỏ được niềm khao khát hiểu biết và nỗi hoài vọng về cái tuyệt đối khi ta hiểu biết và lý giải được nhiều điều khác trước đó. Phủ nhận lý trí một cách tuyệt đối là vô ích. Nó vẫn hiệu quả trong giới hạn của nó. Nó chính thực là một phần trải nghiệm của con người. Do lý trí mà ta muốn tìm hiểu rõ ràng mọi thứ. Nếu chúng ta không thể hiểu rõ mọi thứ như mong muốn, nếu sự phi lý được sinh ra, thì nó phải được sinh ra ở đúng ngay điểm gặp nhau của lý trí có hiệu quả nhưng bị giới hạn và những điều không thể lý giải không ngừng trỗi dậy. Giờ khi Chestov chống lại những khẳng định theo kiểu triết học Hegel đại loại “sự chuyển động của hệ mặt trời tuân theo các định luật bất biến và những định luật này là lý tính của nó,” khi ông hăng hái cố lật ngược quan điểm duy lý của Spinoza, thì thực ra trong quá trình đó ông lại đang làm nổi rõ lên cái hư huyễn trong mọi lý lẽ. Rồi từ đó, ông chuyển sang khẳng định rất “ngọt” rằng sự không thể lý giải vượt trội hơn tất cả. Nhưng quá trình chuyển đổi này không phải rạch ròi dễ thấy. Vì ở đây có sự ảnh hưởng của giới hạn và cấp độ. Các quy luật tự nhiên có ý nghĩa trong một giới hạn nhất định, còn khi vượt ngoài những giới hạn ấy chúng quay lại chống chính bản thân chúng, thế là sự phi lý ra đời. Hoặc những quy luật ấy tỏ ra hiệu quả khi dừng ở cấp độ mô tả sự vật hiện tượng, chứ không phải ở cấp độ lý giải sự vật hiện tượng.
Tất cả đều bị hiến sinh cho điều không thể lý giải, đòi hỏi hiểu biết rành rõ tận tường mọi sự bị gạt đi, cái phi lý cũng biến mất cùng một vế trong phép so sánh của nó. Con người phi lý không làm như trên. Anh ta thừa nhận cuộc đấu tranh, không hoàn toàn bác bỏ lý trí, và thừa nhận những gì không thể lý giải. Anh ta lướt mắt nhìn bao quát mọi thông tin trong suốt quá trình trải nghiệm của mình, và ít khả năng là anh ta sẽ thực hiện cú nhảy trước khi biết rõ. Anh ta chỉ đơn giản biết rằng, nhận thức tỉnh táo không chừa chút dư địa nào cho hy vọng.
Những gì ta thấy được trong quan điểm của Leo Chestov được thể hiện, thậm chí còn rõ ràng hon, trong quan điểm của Kierkegaard. Quả là rất khó chỉ rõ nhận định của ông trong những tác phẩm có tiếng là khó hiểu ông để lại. Nhưng, dù những tác phẩm của ông chịu bao phản bác, dù ông ẩn mình sau bao nhiêu bút danh, bao nhiêu câu chữ lắt léo hay hài hước, thì ta vẫn có thể cảm thấy trong các tác phẩm đó, như nó vốn thế, một dự cảm (đồng thời là sự lĩnh hội) về một sự thật mà rốt cuộc bùng lên trong các tác phẩm cuối cùng: Kierkegaard cũng đã thực hiện bước nhảy của đức tin. Thời thơ ấu của ông đã bị phủ bóng đậm nét bởi đạo Thiên Chúa, đến cuối đời ông lại cũng trở về với khía cạnh khắc nghiệt nhất của nó. Cũng vậy, đối với ông, mâu thuẫn và nghịch lý trở thành tiêu chuẩn của người tu hành. Ồng phê phán sự lạc lối của đạo Thiên Chúa đương thời, thế nhưng điều Kierkegaard muốn đạt được rõ ràng chính là sự hy sinh thứ ba mà thánh Ignatius Lovola kêu gọi: “Sự hy sinh trí tuệ”
Ý nghĩa này của “bước nhảy” thật kỳ quặc, nhưng không làm chúng ta ngạc nhiên thêm chút nào nữa. Ông coi sự phi lý là tiêu chuẩn của thế giới khác, trong khi nó đơn giản chỉ là phần lắng lại của kinh nghiệm về thế giới này. “Trong thất bại của mình,” Kierkegaard nói, “người tín hữu tìm thấy niềm vui chiến thắng.”
Tôi không quan tâm quan điểm đó liệu có liên quan tới bài thuyết giảng hào hứng nào của ông không. Tôi chỉ muốn biết sự trình diễn và bản chất của phi lý có đủ chứng minh cho chính nó hay không, về điểm này, tôi biết rằng là không. Khi xem xét lại nội hàm ý nghĩa của phi lý, ta hiểu rõ hơn cái cách thức đã truyền cảm hứng cho Kierkegaard. Giữa sự không thể lý giải của thế giới và nỗi hoài vọng về sự phi lý đang trỗi dậy, ông không duy trì được trạng thái cân bằng. Ông không tôn trọng đúng mực mối quan hệ vốn cấu thành cảm giác phi lý, nói chính xác là như vậy. Vì biết chắc rằng mình không thể thoát khỏi cảm giác không lý giải được, ông muốn ít nhất tự cứu mình tránh khỏi nỗi hoài vọng mãnh liệt mà dường như ông cho là vô ích và không hàm ẩn điều gì. Nhưng nếu nhận định của ông đúng về điểm này, thì sự phủ định của ông không thể đúng. Nếu ông lấy sự tuân phục cuồng tín thay thế cho tiếng kêu phản kháng của mình, thì ngay khi đó ông sẽ bị đẩy tới bước tự bịt mắt mình, không thấy được sự phi lý từ trước đến thời điểm ấy vẫn soi sáng cho ông, và quay ra thần thánh hóa điều chắc chắn duy nhất ông nắm được từ lúc ấy về sau: sự không thể lý giải được. Như trong thư của đức cha Abbe Galiani gửi bà d’Epinay, điều quan trọng không phải là được chữa lành, mà là sống chung với bệnh tật của mình. Kierkegaard muốn được chữa lành. Được chữa lành là mong muốn điên cuồng của ông, thể hiện xuyên suốt tập nhật ký của ông. Toàn bộ nỗ lực trí tuệ của ông là nhằm thoát khỏi mâu thuẫn trong thân phận con người. Ta càng thấy nỗ lực ấy mãnh liệt hơn khi trong những lời tự thoại, ông vẫn thường xuyên nhận ra sự hư huyễn của nó, như thể nỗi kính sợ Chúa hay lòng mộ đạo đều không thể cho ông cảm giác bình yên. Rồi cuối cùng sau nhiều lần miễn cưỡng lảng tránh, ông trao cho điều không thể lý giải một diện mạo, và gán cho Chúa những thuộc tính của phi lý: bất công, không theo lớp lang bài bản, và không thể hiểu nổi. Một mình trí óc của ông cố công áp chế những nhu cầu khuất lấp của trái tim con người. Vì không có thứ gì được chứng minh, tất cả mọi thứ đều được minh chứng.
Quả thực, Kierkegaard có chỉ cho chúng ta thấy con đường ông đi. Tôi không muốn đề nghị bất cứ điều gì ở đây, nhưng làm sao khi đọc các công trình của ông mà không nhận ra các dấu hiệu của một sự cắt xén gần như cố ý của linh hồn ấy, để cân xứng với sự cắt xén phải chấp nhận trước sự phi lý? Đây là chủ đề lặp đi lặp lại trong tác phẩm Nhật ký. “Cái tôi thiếu là một sinh vật cũng tuân theo số phận con người… Nhưng thế thì hãy cho tôi một xác thân.” Và đây nữa: “Ôi! Nhất là trong thời thanh thiếu, tôi đã không được trao cho thứ gì để được là một con người, thậm chí chỉ trong sáu tháng… những gì tôi thiếu, về cơ bản, là một thân xác và hoàn cảnh vật lý để tồn tại.” Rồi ở một nơi khác, vẫn là ông tiếp nối tiếng rao truyền của hy vọng đã vang qua nhiều thế kỷ khiến bao con tim lay động dập dồn, ngoại trừ trái tim của con người phi lý. “Nhưng đối với người Thiên Chúa giáo cái chết chắc chắn không phải là kết thúc mọi điều, nó hứa hẹn đưa lại cho ta vô vàn hy vọng, hơn nhiều so với hy vọng cuộc đời này đưa lại, ngay cả khi cuộc sống tràn đầy sức khỏe và sinh lực.” Hòa giải thông qua một trung gian đầy bê bối vẫn cứ là hòa giải. Có lẽ nó để cho người ta tìm được hy vọng trong phạm trù trái ngược của nó, là cái chết. Nhưng ngay cả khi do đồng tín niệm mà ngả theo quan niệm này, thì cũng cần nói rõ rằng bước đi siêu nghiệm đó cũng không giúp đạt được gì. Điều đó vượt quá tầm vóc nhân sinh, như từ người ta vẫn thường nói, do đó phải là siêu nhân mới làm được. Nhưng phần suy luận “do đó” này là thừa. Cái logic ấy vốn không chắc chắn. Cũng chưa có sự kiện thực tế từng xảy ra để có thể dự báo điều đó dựa trên kinh nghiệm và chứng cứ. Tôi chỉ có thể nói rằng, trong thực tế, điều đó vượt qua tầm vóc con người của tôi. Và nếu không rút ra kết luận phủ định nào từ nó, thì ít nhất tôi cũng không muốn dựng nên bất kỳ điều gì dựa trên nền tảng mình không hiểu được. Tôi muốn biết liệu mình có sống được với những gì mình biết, và chỉ những điều mình biết thôi hay không. Phải, tôi được nhắc nhở rằng điều hứa hẹn đó diễn ra với điều kiện là trí tuệ phải hiến sinh niềm tự hào của nó, và lý trí phải cúi mình. Nhưng dù có tôi nhận ra những giới hạn của lý trí, tôi cũng không vì vậy mà phủ nhận nó, tôi chỉ thấy rõ sức mạnh tương đối của nó. Tôi chỉ muốn dừng ở giữa con đường này, nơi mà trí tuệ hãy còn minh mẫn rõ ràng. Ví như, không có gì sâu sắc hơn quan điểm Kierkegaard rằng tuyệt vọng không phải là một thực tế mà là một trạng thái: trạng thái tột cùng của tội lỗi. Vì tội lỗi vốn cách xa Chúa Trời. Sự phi lý, một trạng thái siêu hình của con người có ý thức, không dẫn dắt ta đến với Chúa Trời. Hay có lẽ sẽ rõ ý hơn nếu tôi liều diễn ý theo cách táo bạo như thế này: phi lý là tội lỗi nằm ngoài sự phán xét của Chúa Trời.
Vấn đề ở đây là sống trong trạng thái phi lý mà tôi biết nó hình thành từ đâu; tâm trí và thế giới này co kéo lẫn nhau mà không thể gắn bó với nhau. Tôi đòi hỏi được biết quy luật của cuộc sống ở trạng thái đó, thế rồi tôi nhận được lời đề nghị thôi hãy bỏ qua nền tảng dựng lên nó, phủ định một trong hai vế của cuộc sự đối lập đau đớn đó, và hãy cam chịu chấp nhận. Tôi đặt câu hỏi về những gì liên quan đến tình trạng mà tôi nhìn nhận là của mình; tôi biết nó hàm ẩn nhiều điều tối tăm khó hiểu và sự vô tri; thế rồi tôi được đảm bảo ràng sự vô tri ấy sẽ giúp làm sáng tỏ mọi điều, và cái u minh ấy chính là ánh sáng soi rọi cho tôi. Nhưng rõ ràng không hề có lời đáp trả cho điều tôi muốn biết, những khuyến dụ hùng hồn xúc động ấy không thể che giấu các nghịch lý khỏi mắt tôi. Trong tình cảnh đó, hẳn người ta đành phải quay đi. Kierkegaard có thể lớn tiếng cảnh báo rằng: “Nếu con người không có ý thức bất diệt, nếu ở đáy tất cả mọi thứ, chỉ có độc mỗi một lực lượng hoang dại sục sôi sản sinh ra vạn vật, từ cái lớn lao tới cái nhỏ bé tầm thường, trong cơn bão của những đam mê tăm tối, nếu đỡ lót dưới tất cả mọi thứ chỉ là sự trống rỗng vô tận không đáy, thì cuộc sống sẽ là gì khác ngoài nỗi thất vọng?” Tiếng kêu này không ngăn được con người phi lý. Tìm kiếm sự thật đâu phải là tìm kiếm điều ta kỳ vọng. Nếu để tránh né câu hỏi cứ khiến ta không yên rằng “Cuộc sống là gì?”, mà ta phải nuốt đám hoa hồng ảo tưởng như con lừa, thì tâm trí phi lý không muốn nhượng bộ ảo tưởng dối lừa, chẳng thà chấp nhận lời đáp không sợ hãi của Kierkegaard: “tuyệt vọng”. Một tâm hồn cả quyết sẽ luôn có cách chịu đựng được mọi chứ mà nó xem xét.
***
Ở đây tôi mạn phép gọi quan điểm hiện sinh này là sự tự sát triết học. Nhưng cách gọi đó không phải lời đánh giá, mà chỉ để tiện nhắc đến quá trình tư duy vận động phủ định chính nó, và hướng tới vượt quá chính nó ở mức độ phủ định tự thân tột cùng. Vói người theo thuyết hiện sinh sự phủ định là Thượng đế của họ. Nói cho chính xác, vị thượng đế này chỉ được duy trì thông qua sự phủ định lý trí con người. Nhưng, cũng giống như người tự sát có thể chết theo nhiều cách thức không giống nhau, thần thánh trong tâm niệm mỗi người mỗi khác. Có nhiều cách để thực hiện bước nhảy, điều quan trọng cốt lõi là phải nhảy. Những phủ định nhằm cứu chuộc này, những chống đối tối hậu phủ nhận chướng ngại chưa thể nhảy qua này, hoàn toàn có thể nảy sinh từ cảm hứng tôn giáo, cũng như từ tư duy lý trí theo trình tự (đây cũng là nghịch lý mà lập luận này muốn chỉ ra). Họ luôn kêu đòi sự vĩnh hằng, và chỉ duy nhất vì nó mà họ thực hiện bước nhảy.
Cần nhắc lại rằng lối lập luận trong tiểu luận này loại trừ toàn bộ thái độ tinh thần phổ biến nhất trong thế kỷ Khai Sáng: thái độ hòng lý giải cả thế giới dựa trên nguyên tắc lý trí bao trùm tất cả. Một khi đã chấp nhận rằng thế giới này là rõ ràng chắc chắn, thì có quan điểm rõ ràng về nó âu cũng là điều tự nhiên. Quan điểm ấy thậm chí có thể coi là chính đáng, nhưng không liên quan đến lập luận của chúng ta ở đây. Mục tiêu của chúng ta là làm sáng tỏ những bước đi của tâm trí, bắt đầu từ triết lý về sự thiếu vắng ý nghĩa trong thế giới này, cho đến bước tận cùng là tìm ra ý nghĩa và chiều sâu trong nó. Phần lâm ly nhất trong những bước này là cái lõi tôn giáo trong bản chất; nó được thấy rõ ràng trong nội dung bàn về những điều không thể lý giải. Nhưng nghịch lý nhất và quan trọng nhất chắc chắn là phần quy gán những lý lẽ đầy lý trí cho một thế giới vốn ban đầu được hình dung là không có bất kỳ nguyên tắc nào định hướng. Không thể nào đạt được kết quả mà chúng ta quan tâm nếu không trước hết xét qua thành tựu mới này của tinh thần hoài vọng.
Ớ đây tôi sẽ chỉ xem xét khái niệm “Ý hướng” được Husserl và các nhà hiện tượng học làm cho trở nên thịnh hành. Tôi đã có nhắc qua về nó. Thoạt kỳ thủy, phương pháp (hiện tượng học) của Husserl phủ định quy trình kinh điển của lý trí. Xin nhắc lại, tư duy không phải là quá trình hợp nhất hay tạo ra vẻ bề ngoài quen thuộc cho sự vật hiện tượng dưới vỏ bọc là một nguyên tắc phổ quát nào đó. Tư duy là quá trình học hỏi lại tất cả một lần nữa cách nhìn để thấy, để tập trung ý thức, để dành cho mọi hình ảnh ghi nhận được một vị trí đặc quyền. Nói cách khác, hiện tượng học từ chối giải thích thế giới, mà chỉ muốn đơn thuần mô tả những trải nghiệm có thực. Nó thừa nhận tư duy phi lý ngay trong lời khẳng định ban đầu rằng chỉ có nhiều chân lý chứ không có sự thật. Làn gió nhẹ buổi tối hay bàn tay đặt lên vai tôi lúc này, tất cả đều ẩn chứa chân lý của nó. Ý thức soi tỏ nó bằng cách chú ý đến nó. Ý thức không tự tạo nên đối tượng để lý giải, nó chỉ đơn thuần tập trung chú ý; và nếu mượn kiểu diễn đạt hình tượng của triết gia Bergson thì ý thức giống như chiếc máy đèn chiếu đột nhiên tập trung vào một hình ảnh nào đó. Chỉ khác là sự tập trung của ý thức vào các hình ảnh không theo kịch bản như hình phát trên máy chiếu, mà chỉ là một chuỗi minh họa liên tiếp mà không mạch lạc. Trong cái máy chiếu ấy, mọi hình ảnh đều được dành đặc quyền. Ý thức tạm thời ngưng đọng khi trải nghiệm các đối tượng nó đang chú ý vào. Ý thức cô lập các đối tượng nhờ năng lực kỳ diệu của nó. Từ lúc ấy trở đi, các đối tượng ấy đã vượt ngoài mọi phán xét đánh giá. Đây chính là cái “ý hướng” đặc trưng cho ý thức. Nhưng thuật ngữ cụ thể ấy không hàm ý bất kỳ kết luận tối hậu nào; người ta chỉ lấy ra phần ý nghĩa “chỉ phương hướng” của từ ấy: nó chỉ như phép đo vẽ cho ta một ý niệm bên ngoài để dễ hình dung mà thôi.
Thoạt nhìn, quan điểm này xem ra không có gì trái với tinh thần phi lý. Rõ ràng ở đây tư duy khiêm tốn khoanh mình trong việc mô tả những gì nó từ chối giải thích. Cái kỷ luật mà tư duy chủ tâm khép mình vào ấy, nghịch lý thay, lại khiến cho trải nghiệm trở nên giàu có, sâu sắc lên, và thế giới tái sinh với tất cả vẻ rườm rà của nó, đó đều là những quy trình phi lý. Ít nhất thoạt nhìn ta thấy vậy. Các phương pháp tư duy, trong trường hợp này hay bất kỳ trường hợp nào khác, luôn luôn khoác lên hai diện mạo, một là tâm lý và cái kia là siêu hình. Theo đó, chúng ẩn giấu hai sự thật. Nếu hành động có chủ tâm nêu trên chí đại biểu cho một quan điểm tâm lý, theo đó thực tế bị vắt kiệt chứ không được lý giải, thì thật ra không có gì cách biệt nó với tinh thần phi lý. Nó chỉ nhằm liệt kê ra những gì nó không thể vượt qua. Nó chỉ khẳng định rằng dù không có bất kỳ nguyên tắc nền tảng thống nhất nào, thì tư duy vẫn có thể thỏa thích mô tả và nhận thức được mọi khía cạnh của trải nghiệm. Và những chân lý nhận thức tìm được ứng với mỗi khía cạnh nói trên, về bản chất, thuộc phạm trù tâm lý. Nó chỉ đơn giản chứng nghiệm cho “điều đáng quan tâm” mà thực tế cung cấp. Đó là một cách thức tỉnh thế giới đang im ngủ, làm cho nó trở nên sinh động trước tâm trí. Nhung nếu ai đó cố gắng đi xa hơn nữa và đặt một nền tảng lý tính cho ý niệm về chân lý đó, nếu ai đó tuyên bố rằng bằng cách này, anh ta khám phá ra được “bản chất cốt lõi” trong từng đối tượng của tri thức, thì anh ta đồng thời đào lại vực thẳm ngăn cách nó với kinh nghiệm. Đối với một tâm trí phi lý, điều đó không thể hiểu nổi. Giờ chính cái dao động giữa sự khoanh mình khiêm tốn và sự đoan chắc mới là điều đáng chú ý trong quan điểm ý hướng này, và hơn bất kỳ điều gì khác, vẻ lờ mờ này của tư tưởng hiện tượng học là minh họa tốt nhất cho lập luận phi lý.
Phát biểu tương tự của Husserl về “bản chất cốt lõi nằm ngoài thời gian” được chủ tâm đưa ra xem xét có mang hơi hướng Plato. Tất cả không thể được lý giải bởi chỉ một, mà phải bởi tất cả. Tôi thấy không có sự khác biệt. Hẳn nhiên, những ý niệm hay những tinh chất cốt lõi mà ý thức “tạo dựng” nên cuối mỗi quá trình mô tả (thành phần) của thế giới chưa phải là mẫu hình hoàn hảo. Nhưng có thể khăng định rằng chúng trực tiếp hiện diện trong mỗi một dữ kiện của nhận thức. Không còn nữa một ý niệm duy nhất giải thích tất cả mọi thứ, mà là vô số bản chất cốt lõi làm nên ý nghĩa cho vô số các đối tượng. Thế giới chạm điểm kết ngưng, nhưng đồng thời cũng được chiếu rọi sáng bừng. Thuyết duy thực Plato nhuốm màu trực cảm, nhưng nó vẫn là quan điểm hiện thực. Kierkegaard đã bị nuốt chửng trong Thượng đế của chính mình; Parmenides nhận chìm tư duy vào Nhất Thể. Ở đây tư duy tự ném mình vào một tôn giáo đa thần trừu tượng. Nhưng chưa hết: những ảo giác và hình ảnh tưởng tượng cũng thuộc về thế giới của “các bản chất cốt lõi ngoài thời gian”. Trong thế giới mới của các ý niệm, loài nhân mã nghiêng mình bắt tay với người thị dân bình thường.
Đối với con người phi lý, có một sự thật lẫn nỗi cay đắng trong ý kiến thuần túy thuộc phạm trù tâm lý rằng tất cả các khía cạnh của thế giới đều có vị trí đặc quyền. Nói mọi thứ đều có đặc quyền tương đương với nói rằng tất cả mọi thứ đều ngang nhau. Nhưng khía cạnh siêu hình của sự thật đó đã bị đẩy đi quá xa đến nỗi trong một phản ứng nguyên sơ, con người phi lý cảm thấy mình có lẽ gần với Plato hơn. Anh ta được truyền cho ý tưởng rằng, mọi hình ảnh đều được tiền giả định có một bản chất cốt lõi mang đặc quyền ngang nhau. Trong thế giới lý tưởng vô cấp bậc này, quân đội hẳn gồm toàn các tướng quân. Chắc chắn trong đó sự siêu việt đã bị loại bỏ. Nhung đột nhiên một thay đổi đột ngột trong tư duy mang trở lại cho thế giới một dạng nội tại chắp vá, tù đó khôi phục chiều sâu của vũ trụ.
Tôi có nên lo ngại rằng mình đã đưa đi quá xa một chủ đề vốn được những người tạo ra nó xem xét với sự thận trọng lớn hơn nhiều? Ở đây tôi chỉ xin đọc những nhận định này của Husserl, nghịch lý rành rành nhưng cũng vô cùng chặt chẽ hợp logic, nếu như ta thừa nhận điều ông nêu ra trước đó: “Điều gì là thật sẽ là sự thật tuyệt đối, tận trong cốt lõi; sự thật là một, là đồng nhất với chính nó, nhưng những đối tượng cảm nhận được nó lại không đồng nhất, có thể là con người, quái vật, thiên thần hay các đấng thần linh.” Tôi không thể phủ nhận hồi kèn chiến thắng của lý trí vang ra từ câu đó. Những khẳng định từ tiền đề đó có ý nghĩa gì trong thế giới phi lý? Cảm nhận của một thiên thần hay một thần linh không có ý nghĩa đối với tối. Cái bối cảnh phát sinh hình học nơi lý trí thần thánh ân chuẩn cho tôi đó luôn không thể nào hiểu nổi đối với tôi. Cũng ở đó, tôi thấy rõ được một bước nhảy, và mặc dù chỉ được thực hiện một cách trừu tượng, nhưng dù sao đối với tôi, nó vẫn có nghĩa là quên lãng những gì tôi không muốn quên. Khi sau đó Husserl thốt lên: “Nếu tất cả các khối lượng chịu lực hấp dẫn mà biến mất, thì định luật hấp dẫn vẫn không bị phá bỏ, mà chỉ đơn giản là không còn lại bất kỳ cái gì có thể ứng dụng định luật đó nữa,” tôi biết rằng mình phải đối mặt với sự an ủi siêu hình. Rồi nếu muốn tìm ra nơi tư duy rời khỏi con đường thực chứng, tôi chỉ cần phải đọc lại lập luận tương cự của Husserl về tinh thần: “Nếu có thể chiêm ngưỡng rõ ràng những định luật chính xác chi phối các quá trình (hoạt động) tinh thần, thì hẳn chúng ta cũng sẽ thấy là chúng vĩnh cửu và bất biến như những định luật cơ bản trong lý thuyết khoa học tự nhiên. Do đó chúng có giá trị, ngay cả khi không phát sinh bất kỳ hoạt động tinh thần nào.” Ngay cả khi tinh thần không tồn tại thì các định luật của nó vẫn tồn tại! Tôi nhận ra một sự thật tâm lý mà Husserl muốn biến thành một quy tắc hợp lý: sau khi phủ nhận năng lực kết nối của lý trí con người, ông dùng phương cách ấy để nhảy tới Lý trí vĩnh cửu.
Luận điểm sau đó của Husserl về một “vũ trụ cụ thể” không làm tôi bất ngờ nữa. Nên khi đọc thấy rằng tất cả các bản chất cốt lõi không phải đều là hình thức mà một số chúng là vật chất, rằng loại đầu tiên là đối tượng của logic và loại thứ hai là đối tượng của khoa học, thì đây thuần túy chỉ là cách định nghĩa. Lại nghe rằng sự trừu tượng chỉ biểu lộ một phần của vũ trụ cụ thể, mà trong chính nó cũng không có sự nhất quán. Chính từ những chỗ không vững trong các luận điểm trên mà tôi có thế làm sáng tỏ những nhầm lẫn trong đó. Vì những điều trên có nghĩa rằng đối tượng cụ thể mà tôi chú ý đến, bầu trời này, sự phản chiếu của làn nước trên tà áo này, tự nó bảo lưu hơi thở hiện thực đã bị sự chú ý của tôi tách riêng ra khỏi thế giới. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng những điều trên cùng có thể mang nghĩa rằng bản thân chiếc áo khoác này cũng có tính phổ quát, có bản chất cốt lõi đặc thù hẳn hoi, và nó thuộc về thế giới ý niệm. Rồi tôi nhận ra rằng ở đây chí đơn thuần thay đổi thứ tự của quá trình. Thế giới này đã không còn nhận ánh phản chiếu từ một vũ trụ vượt cao hơn nó, mà thiên đường của ý niệm giờ hiện ra trong vô vàn hình ảnh trên thế giới này. Với tôi, chẳng có gì thay đổi. Thay vì nếm được ý vị của sự rõ ràng cụ thể, vốn là ý nghĩa của hoàn cảnh sống của con người, thì tôi tìm thấy thuyết duy lý được thả cương đến độ có thể tự thân khái quát hóa được sự cụ thể ấy.
***
Chẳng ích gì mà ngạc nhiên trưác nghịch lý hiển nhiên dẫn dắt tư tưởng đến chỗ tự phủ định nó, theo hai con đường đối nghịch là hạ thấp lý trí hay tôn vinh lý trí. Từ vị thượng đế trừu tượng của Husserl đến thiên chúa rực rỡ của Kierkegaard, khoảng cách không phải là quá lớn. Lý trí và bất duy lý đều đưa đến chủ trương như nhau. Để đến với sự thật, đường đi cũng có vai trò nhưng không quan trọng lắm; ý chí quyết đi đến nơi là đủ. Triết gia trừu tượng và triết gia tôn giáo cùng khởi hành từ nỗi trăn trở như nhau, và nâng đỡ cho nhau trong cùng một nỗi bất an. Tuy nhiên, cốt yếu là họ đều ra sức lý giải. Ở đây nỗi hoài vọng mạnh hơn tri thức. Điều quan trọng là tư tưởng thời đại thấm đẫm trong một thứ triết học về sự vô nghĩa của thế giới và đồng thời chia rẽ nhiều nhất ở phần kết luận. Nó dao động liên tục giữa một bên là sự lý giải thực tế theo hướng duy lý cực đoan, hòng muốn chia nhỏ tư tưởng đó thành các chân lý chuẩn mực; còn bên kia là quan điểm cho rằng về sự bất duy lý cũng cực đoan không kém, có xu hướng thần thánh hóa nó. Nhưng sự phân ly này chỉ hiển nhiên rành rõ ở vẻ ngoài. Còn thực ra đây là sự hòa giải, và trong cả hai trường họp ta đều có thể thực hiện cú nhảy. Người ta vẫn luôn nghĩ lầm rằng khái niệm về lý trí là khái niệm một chiều. Thật ra, cho dù có muốn khắt khe chặt chẽ tới đâu, thì khái niệm này vẫn không hoàn toàn vững chắc, cũng như những khái niệm khác. Lý trí mang một khía cạnh rất con người, nhưng nó cũng có thể hướng về phía thần thánh. Kể từ thời Plotinus, người đầu tiên làm nó hòa hợp được với xu hướng vĩnh cửu, lý trí đã học được cách né khỏi phạm trù yêu chuộng nhất những nguyên tắc của nó, tức sự mâu thuẫn, để nhập vào trong nó yếu tố lạ thường nhất và cũng thật kỳ diệu. Nó là một công cụ của tư duy chứ bản thân không phải là tư duy. Trên tất cả, tư duy con người chính là nỗi hoài vọng của anh ta.
Cũng giống như lý trí từng làm dịu được cơn u sầu của Plotinus, giờ nó cung cấp những phương tiện để nỗi thống khổ hiện đại tự nguôi ngoai trong cái phông nền vĩnh hằng quen thuộc. Tinh thần phi lý ít được may mắn như thế. Vì đối với nó, thế giới không duy lý đến thế mà cũng không bất duy lý đến thế. Thế giới này không thế lý giải được, chỉ có vậy. Với Husserl lý trí không có giới hạn cuối cùng. Ngược lại, phi lý phải thiết lập giới hạn cho mình bởi nó không có khả năng làm nguôi dịu được nỗi thống khổ nó mang. Kierkegaard độc lập khẳng định rằng chỉ cần một giới hạn duy nhất là đủ để làm tan đi nỗi khổ đó. Nhưng phi lý không đi tới đó. Với nó giới hạn đó chỉ hướng tới những tham vọng mà lý trí muốn đạt được. Luận điểm về sự bất duy lý, theo như các nhà hiện sinh quan niệm, chính là lý trí trở nên bối rối và trốn tránh bằng cách phủ nhận chính nó. Còn phi lý là lý trí sáng suốt biết lưu ý nhận biết những giới hạn của mình.
Chỉ khi đến cuối con đường khó khăn này, con người phi lý mới nhận ra những động cơ thực sự của mình. Khi so sánh giữa nhu cầu nội tại cấp bách của mình và viễn cảnh chờ đón mình, con người phi lý đột nhiên cảm thấy muốn quay đi. Trong vũ trụ của Husserl thế giới trở nên rõ ràng, thế nên nỗi khao khát về sự quen thuộc, nơi trái tim con người nương náu, trở nên vô dụng. Còn trong sự khải huyền của Kierkegaard, trước hết ta phải từ bỏ mong muốn thấu hiểu rõ ràng thế giới nếu muốn thỏa mãn mong muốn đó. Hiểu biết về tội lỗi không nhiều (nếu không thì ai ai cũng giữ được mình vô tội) bằng niềm mong muốn hiểu biết về tội lỗi. Thật sự, đó là tội lỗi duy nhất mà con người phi lý cảm thấy nó cấu thành cả lỗi lầm lẫn sự vô tội của anh ta. Anh ta được bày trước mắt một giải pháp, trong đó mọi mâu thuẫn trong quá khứ trở thành trò luận chiến đơn thuần. Nhung đó không phải là con đường anh ta từng trải nghiệm những mâu thuẫn ấy. Sự thật trong chúng phải được bảo toàn, chính ở trạng thái không được thỏa mãn. Con người phi lý không muốn nghe lời rao truyền.
Lập luận cúa tôi muốn trung thành với bằng chứng đã khuấy động nó lên. Bằng chứng đó là phi lý. Đó là cuộc phân ly giữa tinh thần khát khao hiểu biết và thế giới gây thất vọng cho nó; giữa nỗi hoài vọng của tôi về trạng thái thống nhất, vũ trụ bị phân mảnh này và cái mâu thuẫn mà nối kết chúng lại với nhau. Kierkegaard đè nén nỗi hoài vọng của tôi, còn Husserl gom họp lại vũ trụ đó. Đó không phải điều tôi mong đợi. Vấn đề là sống và tư duy với những phân liệt đó, là biết phân biệt phải chấp nhận hay khước từ. Không thể che lấp phi lý hay đè nén sự phi lý bằng cách bỏ đi một trong hai vế phương trình cân bằng của nó. Điều quan trọng là phải biết ta có sống chung được với nó hay không, hay mặt khác, liệu theo logic ta có buộc phải chết vì nó hay không. Tôi không quan tâm đến tự sát triết học bằng sự tự sát đơn thuần. Tôi chỉ muốn thanh tẩy nó khỏi nội hàm cảm xúc và hiểu được logic của nó, tính toàn vẹn của nó. Bất kỳ vị trí tiếp cận nào khác đều hàm ý sự lừa dối tâm trí phi lý và sự rút lui của tâm trí trước khi nó được đưa ra ánh sáng. Husserl tuyên bố đi theo khát khao được thoát khỏi “thói quen thâm căn cố đế là sống và tư duy trong hoàn cảnh dễ chịu mà bản thân tương đối biết rõ,” nhưng bước nhảy cuối cùng đã phục hồi trong ông sự vĩnh cửu và nguồn an ủi của nó. Bước nhảy ấy không đại diện cho mối nguy hiểm tột cùng như Kierkegaard hằng mong. Sự nguy hiểm ấy, ngược lại, chỉ nằm trong cái chốc lát vi tế ngay trước bước nhảy. Có thể trụ lại ở đỉnh cao ngất ngưởng đến chóng mặt đó là sự vẹn toàn, phần còn lại là sự lẩn tránh. Tôi cũng biết rằng chưa bao giờ sự bất lực truyền cảm hứng và giúp đạt được sự hòa hợp đáng kinh ngạc như trong trường hợp của Kierkegaard. Nhưng nếu giá như sự bất lực ấy quả có một vị trí nào trong cảnh quan vô tư của lịch sử, thì nó vẫn không là gì trong lập luận mà giờ ta đã biết được nhu cầu bức thiết của nó.
Thần Thoại Sisyphus Thần Thoại Sisyphus - Albert Camus Thần Thoại Sisyphus