Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Albert Camus
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2681 / 146
Cập nhật: 2017-08-30 02:58:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Một Lập Luận Phi Lý - Phi Lý Và Tự Sát
hỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc, đó là sự tự sát. Đánh giá xem cuộc sống đáng sống hay không đáng sống cũng chính là trả lời cho câu hỏi có tính nền tảng của triết học. Tất cả những câu hỏi khác – đại loại như có phải thế giới có ba chiều hay không, hay liệu trí tuệ nên được phân thành chín hay mười hai phạm trù – đều xếp sau. Chúng là những trò chơi; muốn tham gia thì người ta cần phải trả lời câu hỏi đầu tiên trước đã. Và nếu quả đúng như tuyên bố của Nietzsche, rằng một nhà triết học phải lấy chính mình làm gương cho điều mình rao giảng thì mới xứng được tôn trọng, thì ta có thể thấy rằng câu trả lời cho câu hỏi đó thật hệ trọng, vì nó sẽ dẫn đến một hành động dứt khoát rõ ràng. Đây là những sự thật mà ta có thể cảm nhận bằng con tim; nhưng chúng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thêm thì tâm trí của ta mới hiểu rõ được.
Nếu phải cân nhắc xem liệu vấn đề này có cấp bách hơn vấn đề khác hay không, tôi sẽ căn cứ vào những hành động hệ quả mà nó đưa tới. Chẳng hạn tôi chưa bao giờ thấy ai chết khi đưa ra luận chứng về bản thể cả. Galile thấu hiểu một chân lý khoa học vô cùng quan trọng, nhưng ông đã dễ dàng chối bỏ nó ngay khi mạng sống của mình bị đe dọa. Xét theo một nghĩa nào đó, ông đã làm đúng1. Chân lý ấy không đáng để ông chịu bị thiêu sống. Cho dù trái đất quay quanh mặt trời hay ngược lại thì cũng chẳng đáng quan tâm. Thành thật mà nói, đó là chuyện phù phiếm. Tôi cũng thấy nhiều người chết bởi họ cho rằng cuộc sống không đáng sống. Nghịch lý thay, tôi cũng thấy có những người bị giết vì những quan niệm hoặc ảo tưởng cho họ một lý do để sống (những gì được coi là lý do để sống cũng chính là lý do tuyệt vời để chết). Chính vì vậy tôi đi đến kết luận rằng câu hỏi cấp thiết nhất là: “ý nghĩa cuộc sống là gì?”. Vậy làm thế nào để trả lời câu hỏi này? Khi xét tới các vấn đề quan trọng (ý tôi là các vấn đề có thể đẩy người ta đến cái chết hoặc làm tăng lòng ham sống), có lẽ chỉ có hai phương thức tư duy: phương pháp của La Palisse2 và phương pháp của Don Quixote. Chỉ khi cân bằng được thực chứng và niềm phấn hứng, ta mới đạt được đồng thời xúc cảm và sự sáng suốt. Có thể thấy rằng, trước một vấn đề quá tầm thường và nặng về cảm xúc, phép biện chứng học kinh điển và uyên bác phải nhường bước trước lối tư duy đơn giản hơn bắt nguồn đồng thời từ cách lập luận theo lẽ thường tình và sự thấu hiểu.
Vấn đề tự sát chưa bao giờ được xét tới, ngoại trừ với tư cách là một hiện tượng xã hội. Còn ở đây ngay từ đầu chúng ta đã quan tâm đến mối liên quan giữa suy nghĩ của cá nhân và hành động tự sát. Hành động ấy được chuẩn bị lặng thầm giữa cõi lòng, như quá trình tạo tác một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Bản thân người (tự sát) cũng không hề ý thức về quá trình đó. Đơn giản là trong một buổi tối nào đó anh ta bóp cò súng hay nhảy lầu. Nhân vụ một người quản lý chung cư tự tử, người ta kể với tôi rằng năm năm trước anh ta mất đứa con gái, và kể từ đó anh đã chuyển biến ngày càng tệ hại, và rằng nỗi đau đó đã “gặm mòn” anh ta. Khó có thể tìm ra từ nào chính xác hơn. Quá trình tư duy bắt đầu đồng thời với quá trình tự hủy hoại. Xã hội bên ngoài hầu như chẳng liên quan gì với với những khởi nguồn như thế. Con sâu vốn ẩn trong trái tim con người. Đó là nơi phải tìm kiếm nó. Ta phải lần theo và thấu hiểu trò chơi chết chóc này, từ sự sáng suốt khi đang tồn tại cho đến cuộc thoát li khỏi ánh sáng dương gian.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động tự sát; nói chung, những nguyên nhân hiển nhiên nhất lại không phải là những nguyên nhân mạnh mẽ nhất. Chúng ta hiếm khi quyết định tự sát sau một quá trình suy xét kỹ lưỡng (tuy nhiên không loại trừ giả định này). Nguồn cơn của bi kịch hầu như không bao giờ kiểm chứng được. Báo chí thường nói về “nỗi đau riêng” hoặc “tâm bệnh không thể lành”. Những giải thích này nghe ra cũng hợp lý. Nhưng phải chăng một người bạn của con người tuyệt vọng đã cư xử vô tâm với anh ta vào đúng cái ngày không may đó. Người bạn ấy chính là kẻ có lỗi. Sự vô tâm đó đủ để làm bùng phát tất cả những nỗi hờn oán và chán chường chất chứa trong tâm can người quá cố.
Nhưng nếu quá khó để chỉ ra đâu là khoảnh khắc chính xác, bước chuyển mình vi tế khi tâm trí con người lựa chọn cái chết, thì ta có thể làm một việc dễ dàng hơn, đó là suy luận về các hậu quả hàm chứa trong hành vi tự sát. Theo một nghĩa nào đó, giống như trong kịch mêlô, tự sát nghĩa là thừa nhận. Thừa nhận rằng cuộc sống đã làm ta thấy quá tải, hoặc ta không thể hiểu nổi nó nữa. Tuy nhiên, ta không nên đi quá xa trong những suy luận như vậy mà hãy cứ diễn đạt theo cách nói nôm na hằng ngày thì hơn. Tự sát đơn giản đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng “sống mà phải nhọc nhằn đến thế thì chẳng đáng”. Sống, tất nhiên không bao giờ là dễ dàng.
Vì nhiều lý do, ta cứ phải tiếp tục những hành vi mà quá trình tồn tại đòi hỏi. Trong đó lý do đầu tiên là thói quen. Tự nguyện chết hàm ý rằng ta đã nhận ra – cho dù có thể chỉ là cảm nhận theo bản năng – tính chất lố bịch của nếp sống theo thói quen đó, hay sự thiếu vắng một động lực đủ sâu sắc để tiếp tục tồn tại, tính chất điên rồ của những lo toan hằng ngày, và sự vô nghĩa của việc chịu đựng.
Vậy thì, cái cảm giác khôn lường đã tước đoạt từ trí não trạng thái thiếp ngủ vốn cần để sống tiếp là gì? Một thế giới được duy trì nhờ những lý do tệ hại dù sao vẫn là cái thế giới quen thuộc. Nhưng mặt khác, trong một vũ trụ đột nhiên bị tước hết những ảo tưởng và ánh sáng, con người cảm thấy xa lạ, một người lạ. Như con người tha hương tuyệt đường vì anh ta chẳng còn chút ký ức nào về chốn quê nhà đã mất lẫn niềm hy vọng về một miền đất hứa. Cuộc phân ly này giữa con người và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và màn kịch của anh ta chính xác là cảm giác về sự phi lý. Tất cả những người lành mạnh đều từng nghĩ đến việc tự sát; và dù không thể giải thích sâu thêm, chúng ta vẫn có thể thấy được rằng có mối liên kết trực tiếp giữa cảm giác đó và nỗi mong mỏi hướng tới cái chết.
Chủ đề của tiểu luận này chính là mối quan hệ giữa sự phi lý và tự sát, tiểu luận cũng bàn xem đến chừng mực chính xác nào thì tự sát là một giải pháp cho sự phi lý. Về nguyên tắc, có thể lập luận rằng đối với một người không lừa dối bản thân, thì điều anh ta tin là đúng phải quyết định hành động của anh ta. Do đó, niềm tin vào cái phi lý của kiếp tồn tại phải điều khiển hành vi của anh ta. Cũng là chính đáng khi đến đây quý vị hỏi cho rõ và không kèm vẻ thống thiết giả tạo, rằng liệu khi kết luận như vậy thì có cần loại trừ ngay không xét kiểu tình trạng mập mờ khó lý giải ở một số người hay không. Vâng, tất nhiên ở đây tôi đang bàn đến những người có xu hướng hòa hợp với bản thân họ.
Một khi đã được diễn tả rõ ràng ra, vấn đề này xem ra vừa đơn giản lại vừa khó giải quyết. Nhưng thật sai lầm nếu cho rằng câu trả lời cho những vấn đề đơn giản cũng giản đơn chẳng kém, và rằng cái hiển nhiên mang hàm ý hiển nhiên. Nếu vận dụng tiên nghiệm và lật ngược cách diễn đạt vấn đề, là chỉ xét xem người ta sẽ tự sát hay không tự sát, thì có vẻ như ta chỉ có hai giải pháp triết học, là giải pháp trả lời “có” hoặc giải pháp trả lời “không”. Như vậy thì quá dễ dàng. Nhưng cũng phải tính đến những người không chịu kết luận mà cứ tiếp tục đặt câu hỏi. Nói kiểu châm biếm nhẹ nhàng một chút, thì những kẻ loại này chiếm đa số. Tôi cũng thấy rằng có những người trả lời “không” mà hành động như thể họ nghĩ là “có”. Trong thực tế, nếu tôi chấp nhận tiêu chuẩn mang màu sắc nhất nguyên của Nietzsche, thì thật ra những người ấy đều nghĩ là “có” theo cách này hoặc cách kia. Mặt khác, thường những người tự sát lại có niềm tin chắc chắn về ý nghĩa cuộc sống. Những mâu thuẫn loại này vẫn luôn luôn tồn tại, thậm chí là nổi rõ hơn cả, vì ở đây suy luận logic xem ra mới là điều cầu mà khó có. Việc so sánh lý thuyết triết học và hành vi của những người tuyên xưng theo thuyết ấy chẳng phải chuyện mới mẻ gì. Nhưng phải chỉ ra rằng, trong số những nhà tư tưởng từ chối gán cho cuộc sống một ý nghĩa nào đó, chẳng có ai vì khẳng định logic của mình mà thực sự khước từ cuộc sống cả, ngoại trừ Kirilov trong văn học, hay “truyền kỳ” về Peregrinos, hay giả thuyết của Jules Lequier, ông chấp nhận logic của mình đến mức độ có thể từ chối cuộc đời. Ý kiến của Schopenhauer thường được người ta trích dẫn để mà cười, vì ông này ca ngợi việc tự sát trong khi ung dung sống đời êm ấm. Tự sát đâu phải là chủ đề để đùa cợt. Tỏ thái độ không nghiêm túc trước một vấn đề bi kịch kể ra cũng không phải tội lỗi gì quá trầm trọng, nhưng nó cũng phần nào giúp ta đánh giá một con người.
Trước bao nhiêu mâu thuẫn và mù mờ như vậy, phải chăng ta đành đi đến kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa quan điểm của một người về cuộc sống và hành động rời bỏ cuộc sống của người đó? Cũng không nên quá nghiêng theo hướng suy luận này. Sự gắn bó của một người với cuộc sống có cái gì đó mạnh hơn tất cả mọi thứ tệ hại trên đời. Thể xác tự nó cũng có năng lực phán đoán sáng suốt như tâm trí, và nó biết co lại tránh bị hủy diệt. Chúng ta hình thành thói quen sống trước khi đạt được thói quen suy nghĩ. Trong cuộc đua mỗi ngày mỗi đẩy nhanh chúng ta về phía cái chết, cơ thể vẫn luôn kiên định xu hướng ấy của nó. Nói một cách ngắn gọn, bản chất của mâu thuẫn đó nằm trong cái mà tôi sẽ gọi là hành động tránh né, bởi vì nó xấp xỉ khái niệm lãng hướng tâm tư của Pascal. Tránh né là trò chơi bất biến. Hành động điển hình của tránh né, sự thoái thác chết người cấu thành chủ đề thứ ba của tiểu luận này, chính là hy vọng. Hy vọng về một cuộc đời khác mà người ta hẳn “xứng đáng” được sống, hoặc trò tự phỉnh mình của những kẻ không đặt lẽ sống ở bản thân cuộc sống, mà ở ý tưởng vĩ đại nào đó vượt lên trên cuộc sống, tinh lọc cuộc sống, gán cho nó một ý nghĩa, và phản bội lại nó.
Như vậy là tất cả đều góp phần khiến mọi sự càng thêm lẫn lộn.
Và cho đến nay, các nỗ lực đổ ra cũng không phải là lãng phí, người ta làm xiếc với ngôn từ và vờ tin rằng việc không gán cho cuộc sống một ý nghĩa tất yếu phải dẫn đến nhận định rằng cuộc đời này không đáng sống. Thật ra là đâu nhất thiết phải áp cùng một thước đo cho hai nhận định đó. Chỉ cần không để chính mình lầm lạc bởi những bối rối, những phân ly và sự không nhất quán như đã đề cập bên trên. Người ta phải gạt tất cả mọi thứ sang một bên và đi thẳng vào thực tế vấn đề. Người ta tự sát bởi vì cuộc sống là không đáng sống: đó chắc chắn là một chân lý, nhưng là một chân lý vô ích bởi nó vốn là sự thật hiển nhiên. Nhưng phải chăng điều đó (hành động tự sát) xúc phạm đến sự tồn tại? Phải chăng sự cự tuyệt dứt khoát sự sống đó bắt nguồn từ cái thực tế là cuộc sống không có ý nghĩa? Có phải sự phi lý của cuộc sống đòi hỏi người ta tìm lối thoát qua niềm hy vọng hoặc hành động tự sát – ấy chính là điều ta phải làm rõ, chúng ta cần phải gạn lọc, truy tận ngọn ngành, và làm sáng tỏ trong khi gạt sang một bên tất cả những phần còn lại. Liệu có phải Sự Phi Lý đẩy người ta đến cái chết không? Vấn đề này phải được ưu tiên suy xét hơn những vấn đề khác, đứng ngoài tất cả các phương pháp tư duy và các trò luyện tập của tâm trí vô tư. Sắc thái ý nghĩa, mâu thuẫn và phương pháp tâm lý mà một tâm trí “khách quan” luôn vận dụng cho tất cả các vấn đề không có chỗ trong cuộc theo đuổi và niềm đam mê nghiên cứu vấn đề này. Ở đây chỉ cần một lối tư duy không theo lẽ thường, hay nói cách khác là tư duy hợp lý (logic). Điều đó chẳng dễ dàng gì. Tư duy hợp lý thì quá đơn giản. Nhưng theo đuổi cái hợp lý đến tận kỳ cùng hầu như là bất khả. Do vậy những người tự sát thường đi theo khuynh hướng cảm xúc của họ. Suy tư về tự sát cho tôi cơ hội nêu lên vấn đề duy nhất mà tôi quan tâm: liệu có tồn tại một logic đưa đến cái chết hay không? Tôi không thể biết chính xác điều đó nếu tôi không theo đuổi tới cùng lập luận mà ở đây tôi đã chỉ ra nguồn gốc của nó. Tôi làm việc này không phải với niềm đam mê bồng bột khinh suất, mà dưới ánh sáng duy nhất của các bằng chứng. Tôi gọi đấy là lập luận về sự phi lý. Nhiều người đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này. Tôi vẫn chưa biết liệu họ có tiếp tục theo đuổi nó hay không.
Khi Karl Jaspers phát hiện ra rằng không thể nào hướng thế giới này thành một thể thống nhất, ông đã kêu lên: “Sự hạn chế này dẫn tôi quay về chính bản thân mình, nơi tôi không còn có thể rút lui ra đằng sau quan điểm khách quan mà tôi chỉ đang là người đại diện nêu lên, nơi mà cả bản thân tôi lẫn sự tồn tại của những người khác đều không còn trở thành đối tượng nghiên cứu của tôi nữa”. Sau bao nhiêu người trước, đến lượt ông gợi lên hình ảnh những bãi sa mạc khô cằn, nơi mà tư tưởng đã chạm tới những giới hạn của nó. Đã bao nhiêu người thử, đúng thực vậy, họ đã tha thiết muốn vượt qua khỏi những giới hạn đó biết chừng nào! Tại cái ngã rẽ cuối cùng đó, nơi tư duy ngập ngừng dao động, nhiều người đã đến, bao gồm một vài kẻ tầm thường nhất. Rồi họ bỏ lại cái từng là thứ quý giá nhất với mình: cuộc sống. Những người khác, những chúa trùm về tư tưởng, cũng từ bỏ như vậy, nhưng họ kích khởi sự tự sát của tư duy trong cuộc nổi dậy nguyên sơ nhất của nó. Nỗ lực thực sự của họ là lưu lại ở đó, nói đúng hơn là lưu lại trong chừng mực có thể, để nghiên cứu kỹ lưỡng đám thực bì kỳ quặc nơi miền xa xôi đó. Sự ngoan cường và nhạy bén là những khán giả có đặc quyền xem cuộc trình diễn phi nhân này, xem sự phi lý, hy vọng và cái chết đối thoại với nhau. Rồi sau đó tâm trí có thể phân tích những bóng hình trong vũ điệu vừa nguyên sơ vừa tinh tế đó trước khi minh họa lại và làm chúng hồi sinh.
Thần Thoại Sisyphus Thần Thoại Sisyphus - Albert Camus Thần Thoại Sisyphus