When you reread a classic you do not see more in the book than you did before; you see more in you than was there before.

Clifton Fadiman

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Muller Daddy
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2691 / 69
Cập nhật: 2019-04-01 08:32:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đống Gạch - Truyện Ngắn
hiếc xe nhà binh lùi sát vào rào dây thép gai. Thùng xe sau nâng cao, dốc ngược. Những phiến gạch cũ từ thùng xe đổ xuống rào rào, bụi hồng bốc lên mù mịt.
Người tài xế điều khiển cho thùng xe hạ xuống bình thường, đoạn lái xe ra đường, phóng thẳng về phía cổng đồn.
Buổi sáng cuối đông, sương mù còn phủ mờ trên bầu trời trắng đục.
Tiếng kèn chào cờ từ phía đồn vọng lại. Lá cờ tam tài từ từ kéo lên, phất phới trên nóc lô cất. Bụi gạch hồng lúc này đã dịu xuống và sương mù cũng tan dần.
Tôi vén tay áo lên xem đồng hồ, tám giờ kém mười, đi dạy học là vừa.
Tôi gọi hàng bún riêu trả tiền bữa ăn sáng rồi cắp cặp ra ngoài. Tôi quấn thêm một vòng khăn len quanh cổ, kéo cái phẹc mơ tuya áo bờ lu dông cho gió lạnh khỏi lùa vào người.
Tôi mới về đây ngồi dạy học được hơn tháng nay. Một thị trấn nhỏ thuộc quyền kiểm soát của quân đội viễn chinh Pháp, vùng Tề, nhưng cũng là vùng xôi đậu. Nổi tiếng có nhiều Việt Minh trà trộn. Không đêm nào tôi không nghe tiếng súng đại liên nổ giòn ở phía đồn lính. Thỉnh thoảng vài căn nhà trong làng bị đạn lạc bốc cháy. Buổi sáng hôm sau tôi nghe tiếng khóc của đàn bà, trẻ con có thân nhân bị chết. Cảnh đó diễn ra rất thường, nên chỉ trong vòng mười ngày tôi quen, coi như chuyện đương nhiên trong thời buổi chiến tranh.
Giá như những lúc khác tôi đã nhớ Hà Nội và khao khát về đó. Nhưng tôi đang muốn đi cho khuất mắt, bất cứ nơi nào, miễn là không phải nhìn lại Hà Nội. Tôi nhờ một người bạn xin giấy tờ cho tôi vào Nam. Sài Gòn có lẽ đối với tôi dễ chịu hơn. Tôi chưa thấy Sài Gòn bao giờ, nhưng tôi nghe nói đẹp lắm, người dân lại hiền hòa chân thật. Tôi chán ngấy Hà Nội, Hà Nội gắn liền với hình ảnh người yêu tôi nay đã thuộc về người khác, nên tôi nhất quyết xa lánh và quên đi. Trong khi chờ đợi tôi xuống đây dạy học qua ngày.
Những ngọn gió lạnh buốt xương từ thượng Lào thổi sang làm mùa đông năm nay lạnh hơn bao giờ hết. Suốt ngày trời u ám, ngoài giờ dạy học tôi la cà trong những hàng bán rượu lẻ nhắm rượu quên sầu. Những cô gái bán quán ở đây xấu kinh khủng, phần đông lấy Tây đen gạch mặt làm chỗ dựa. Họ cũng phấn sáp lụa là, cũng hách dịch ra vẻ bà, nhưng tôi thấy có một vẻ gì kệch cớm, con đượi vẫn hoàn con đượi.
Có thể tôi quá khó tính, quá khích trong tình trạng hiện tại của xứ sở. Chiến tranh dai dẳng, chán ngấy, tôi không theo phe nào, đứng ngoài nhìn vào như một kẻ bàng quan. Tôi dửng dưng và cố tránh sao cho khỏi bị lôi kéo vào cuộc chiến phi lý giữa hai khối Thực Dân và Cộng Sản.
Ở vùng Pháp chiếm đóng, tôi trốn lính, thây kệ sự đe dọa thường xuyên của họ. Tôi chai lỳ trước mọi lời tuyên truyền yêu nước, tự do no ấm của phe Cộng mang danh nghĩa kháng chiến. Bao nhiêu là hồn tử sĩ gió ù ù thổi, mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. Chết lúc này thật vô lý, tôi phải bảo vệ từ ngón chân đến ngón tay. Kẽm gai không thể làm xước da tôi, nói chi đến chuyện ôm bom ba càng. Nghĩa là tôi ích kỷ, tôi sống cho mình hoàn toàn, chẳng có tí ti lý tưởng nào. Thất tình đau khổ, tôi bỏ Hà Nội đi biệt tăm, chờ một chuyến đi xa. Xuống đây tôi bị chiến tranh vây quanh.
Có thể một ngày nào đó chính tôi là nạn nhân không chừng? Mạng người như con ngoé, nếu phải chết như vậy thì vô lý quá Tôi chẳng là cái quái gì hết, nhưng cần sống, sống qua cuộc chiến này.
Cái nhìn của tôi chạm vào đống gạch bên đường, đống gạch đó cao ngất. Nhưng chỉ qua một đêm, sáng hôm sau tôi thấy hết nhẵn.
Chiếc xe nhà binh GMC quen thuộc lại đến đổ đống gạch khác. Tôi vẫn thắc mắc về đống gạch đó, không lẽ lính viễn chinh và lính liên hiệp Pháp ăn gạch thay bánh mì, cơm. ý tưởng dí dỏm đó làm tôi mỉm cười một mình.
Tôi đến lớp học hơi muộn, nhìn xuống đám học trò có vài ngoe mà chán. Chúng lấm lét nhìn tôi, cái nhìn vừa ngu độn vừa sợ sệt.
Tôi lật sổ điểm gọi một đứa lên đọc bài. Nó lễ phép trình cuốn vở bẩn lem nhem, đứng khoanh tay, mắt lấm lét nhìn xuống những ngón chân bết bùn khô cứng. Tôi không buồn giở vở ra xem nữa, nói cộc lốc:
- Đọc bài!
Tên học trò tằng hắng, như lên dây đàn cò, ê a chán mới răn ra được một câu: "Nước Việt Nam a... a... Nước Việt Nam a... a..." Nó nhắc đi nhắc lại mãi điệp khúc đó như một cái hát mòn kim, tôi gắt:
- Nước Việt Nam làm sao?
Tên học trò bấn lên, rồi không biết tại sao nó bật Nước Việt Nam hình cong như chữ "ét sì", chia làm ba miền: Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt. Phía bắc giáp Trung Hoa, phía đông giáp biển Nam Hải, phía nam giáp mũi Cà Mâu, phía tây a... a... giáp nước Tầy...
Tôi đập cái thình xuống bàn:
- Láo, thuộc bài không?
Tên học trò mặt tái mét, trời lạnh mà mồ hôi nó toát ra trán, nó cuống lên:
- Nước Việt Nam sống bằng nghề làm ruộng và có bốn ngàn năm văn hiến.
Lần này tôi nổi nóng thật sự, tôi vụt cho cu cậu ba cái thước kẻ:
- Cút, dê rô!
Lũ học trò ngồi dưới cười ồ, tên đọc bài sợ bị phạt năn nỉ:
- Thầy cho con đọc lại.
- Không hôm nào tao thấy mày thuộc bài hết, tại sao?
Tên học trò vẫn sợ sệt tìm cách chống chế.
- Dạ, đêm qua Việt Minh vào làng thu thóc nên con không học được, tảng sáng vừa giở sách ra thì Tây đồn càn, con sợ quá trốn xuống hầm.
Lý do chính đáng quá, tôi nhún vai gấp cuốn sổ điểm:
- Thế thì học hành quái gì nữa.
Tôi nhìn xuống đám học trò ngồi co ro:
- Tụi bay nên về cày ruộng còn có ích hơn, hoặc đi lính cho Tây hoặc theo Việt Minh ôm bom ba càng. Rồi tôi thấy mình không được bỏ nhiệm vụ của nhà mô phạm nên hỏi một lần nữa cho yên tâm:
- Đứa nào thuộc bài?
Không bàn tay nào giơ lên. Tôi lật cuốn Việt Sử cho học trò chép và cầm cuốn sách đi xuống hàng ghế học trò:
- Hôm nay thầy dậy các em bài Trịnh Nguyễn phân tranh. Đó là thời kỳ đen tối nhất của nước ta, nội chiến kéo dài cả trăm năm. Các vua chúa phong kiến tham quyền cố vị, vì quyền lợi riêng ru nên dân tình khổ sở. Ngoài Bắc có chúa Trịnh, trong Nam có chúa Nguyễn. Cả hai xưng hùng xưng bá mỗi người một phương. Gian thần lộng hành, tham quan ô lại nhũng nhiễu dân tình ngoài phủ huyện. Ngoài Bắc có loạn Tam Phủ, Kiêu Binh. Trong Nam, thừa tướng Trương Phúc Loan chuyên quyền làm nhiều điều tàn bạo khiến dân tình đồ thán...
Tôi đang nói thao thao bỗng nghe một tiếng nói nhỏ ở bàn học trò:
- Mình sắp học đến hoàng đế Quang Trung rồi.
Tôi ngừng lời quay lại:
- Dân tình khổ sở thì phải có minh quân ra đời. Nhưng danh tướng có mấy ai sống đến bạc đầu. Số mạng nước mình phải chịu điều nghiệt ngã, một tiểu nhược quốc hẩm hiu thay... Chúng ta có bốn ngàn năm lập quốc viết sử toàn bằng máu, nhưng chúng ta đã hưởng được gì? Mọi bất hạnh đều trút lên đầu lên cổ dân tộc nhỏ bé này. Nhưng tôi nói gì thế? Tôi không muốn các em nhiễm tư tưởng yếm thế, phó mặc. Chúng ta đi tìm, chờ đợi thời cơ. Theo lẽ tuần hoàn của trời đất thì hết suy phải đến thịnh. Dù là cái thịnh ngắn ngủi, nhưng chính nó là nguồn sống cho dân tộc này vươn lên và trở nên bất diệt..
Tôi đi đi lại lại quanh lớp học, ngẩng nhìn lên mái ngói xiêu vẹo, nhìn đám học trò lem luốc, tôi ngậm ngùi.
Giọng tôi thấp xuống, trở thành lời tâm sự, dù chúng không hiểu gì:
- Tôi chán cái cuộc chiến này, tôi thú thật với các em như thế. Không phải tôi không yêu nước, mà vì tôi chỉ muốn không đổ máu vô lý cho bất kỳ chủ nghĩa nào. Với thứ chiến tranh phi chính nghĩa đó tôi có quyền đứng ngoài mà không xấu hổ chút nào. Tôi có quyền nói với các em điều đó, vì tôi từng vác súng lên rừng kháng chiến sốt rét đến vàng da. Tôi không chịu được sự phỉnh phờ lừa bịp, bọn thực dân Pháp với chiêu bài tự do, quốc gia cũng không hơn gì... Tôi quay ra ngoài trời u ám. Lớp học im phăng phắc, đến đỗi tôi nghe thấy cả tiếng lá bàng rụng ngoài sân.
Phía trước cửa lớp học có một cây bàng trụi lá giơ những cành khô cong queo in lên nền trời trắng đục. Một nóc tháp chuông nhà thờ vươn cao, chóp đỉnh có cây thánh giá mảnh mai, phía sau là lô cốt, ngọn cờ tam tài bay phấp phới. Tôi nghe xa xa tiếng đại bác nổ ầm vọng vế. Tiếng chuông nhà thờ thường rung lên bất thường trong đêm sau hồi súng bên thanh nổ phía cầu Tôi hoang mang về những hồi chuông đó không kém gì hoang mang về chuyện đống gạch vơi lại đầy mỗi ngày.
Tôi quay nhìn vào lớp học, giở sách, nói:
- Thôi các em chép bài đi?
Tôi giở tấm điện tín của Uyển ra xem lại:
- "Về Hải Phòng ngay - stop - giấy tờ đã xong - stop - đã lấy vé tầu thủy".
Việc trước tiên là tôi thu dọn hành lý, chẳng có gì ngoài va ly quần áo và ít sách vở. Xong, tôi tới thanh toán tiền nong với nhà trọ. Tôi phải tới trường học nói chuyện với ông hiệu trưởng tìm người khác thay thế tôi và nhân thể lấy nốt số tiến còn lại. Tuy chúng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cũng giúp tôi thanh toán nổi tiền xe, tiền ăn đường từ đây về Hải Phòng.
Ông hiệu trưởng tiếp tôi ở phòng khách. Hương trà tươi thơm, chát làm người tôi tỉnh táo. Buổi sáng cuối đông trời lạnh lạ lùng. Ông hiệu trưởng ngồi thu tay trong bọc. Trông dáng dấp nhỏ bé của ông, tôi bỗng thấy tội nghiệp. Ông nhìn tôi hấp háy sau cặp kính trắng, gọng được nối lại bằng sợi dây thép:
- Vậy thầy nhất định đi sáng nay đấy phỏng?
Tôi đặt ly trà xuống bàn:
- Dạ phải!
Ông kéo chiếc điếu bát đến gần, châm lửa hít một hơi thuốc lào, nhả khói mù mịt:
- Đường từ đây về đến Hải Phòng cũng nguy hiểm lắm đấy, tụi Vẹm giật mìn luôn xoành xoạch, hôm rồi có một đoàn công voa Tây bị phục kích chết ráo. Chỉ khổ cái thằng dân cứ đưa lưng ra mà chịu. Cha bố cái chiến tranh, khổ ơi là khổ, thời buổi làm ăn gì cũng khó. May bà nhà tôi còn buôn bán, chứ không cứ gọi là chết đói. Cái trường của tôi chỉ kiếm đủ tiền hút thuốc lào, học trò có đâu mà dạy. Cũng phải đến dẹp thôi, lớp học tôi làm chuồng bò, chuồng lợn, sân trường rào lại nuôi gà.
Tôi ngồi nói chuyện với ông hiệu trưởng khá lâu để chờ bà vợ ông đi chợ về mới có tiền. Khi tiễn tôi ra cửa, ông nắm chặt tay tôi nói lời chí tình:
- Thầy đi chắc chẳng bao giờ còn trở lại chốn quê mùa này. Vào Nam nếu thầy làm ăn khấm khá thì viết thư cho tôi, tôi cũng vào. Xưa kia các cụ mình cứ bỏ xứ đi là điều nhục nhã, nhưng ngày nay khác phải không thầy?
Tôi nhìn ra lớp học, lũ trò nhỏ thập thò ở cửa lớp nhìn tôi. Nhìn chúng, tôi thấy lòng mình se lại, chẳng gì tôi cũng để lại đây ít nhiều kỷ niệm. Tôi giơ tay lên vẫy chúng:
- Thầy đi các em nhé!
Chúng nhao nhao chào tôi và chúc tôi lên đường bình an. Tâm hồn chúng mộc mạc ngu đần, dậy chúng nhiều khi tôi tức uất vì sự ngu dốt của chúng, nhưng nghĩ lại tôi thấy thương chúng nhiều hơn là ghét bỏ. Tôi nói với ông hiệu trưởng:
- Chưa biết bao giờ tôi mới trở lại đây, có lẽ phải hết chiến tranh.
Ông hiệu trưởng dường như còn quyến luyến nên tiễn tôi ra tận cổng:
- Chúc thầy lên đường bình an, hai giờ chiều có chuyến xe lên Phòng đấy, thầy liệu thu xếp thì giờ kẻo trễ. Tiếc là hôm nay thầy đi gấp quá không kịp mời thầy bữa cơm xoàng.
Tôi buông tay ông hiệu trưởng:
- Cám ơn cụ, thôi cụ vào đi, cho tôi gửi lời chào cụ bà, hai cụ đối với tôi như vậy là quí hóa lắm rồi. Tôi men theo cánh đồng, qua cầu rồi tới thị trấn.
Con sông ở đây rộng, nước chảy xiết, uốn khúc vòng vèo tới một miền xa thẳm nào đó. Suốt ngày trên cầu có lính gác, hai bên bờ sông rào kẽm gai, dân chúng vùng này không được phép lai vãng gần bờ, không một con thuyền nào qua lại ngoài mấy chiếc tầu tuần tiễu của quân đội viễn chinh. Cầu trước kia xây bằng xi măng, nhưng hồi mới kháng chiến Việt Minh phá sập. Bây giờ công binh Pháp làm lại bằng sắt và những tấm ván ghép. Điều đặc biệt nhất là cầu chỉ có một bên tay vịn. Nhiều hôm đi qua cầu, tôi nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn mà thấy rợn cả người, chóng mặt lao đao.
Tôi tới thị trấn khoảng trưa, trời bớt lạnh, cảm thấy đói nên rẽ vào hàng cơm. Tôi ngồi ăn, vô tình lại nhìn ra đống gạch cao nghệu.
Tôi thắc mắc về đống gạch cả tháng rồi. Hay là quân viễn chinh xây thêm một đồn nào đó. Tôi tò mò hỏi vài người ở đây lâu năm, họ trả lời không biết. Có người khuyên tôi đừng tò mò, không nghe và không thấy là tốt hơn hết.
Hai giờ trưa, hành lý tôi sẵn sàng. Chiếc xe hàng ngừng lại.
Tôi lên xe, thị trấn lùi lại phía sau, đống gạch khuất bên một khúc rẽ. Giã từ. Tôi nói thầm. Bây giờ thì hết thắc mắc, tôi nghĩ đến Hải Phòng, con tầu biển đưa tôi ra vịnh Hạ Long, men theo hải phận rẽ sóng tiến về phương Nam.
Tôi tưởng tượng đến Sài Gòn hoa lệ, hòn ngọc Viễn Đông, những cánh đồng lúa vàng cò bay thẳng cánh, những chàng công tử Bạc Liêu hào hoa phong nhã nức tiếng phong lưu mà tôi nghe đồn đại, những nàng con gái Cần Thơ, da trắng như ngà, mắt bồ câu, hơi thở thơm mùi nước dừa. Tôi tưởng tượng về miền Nam đủ thứ trong giấc ngủ lơ mơ.
Cửa kính xe đóng kín, nhưng tôi vẫn run lên vì lạnh. Hành khách ngồi trong xe phần nhiều là đàn bà nhà quê, họ có vẻ yên phận chịu đựng. Có những xe nhà binh chở đầy lính chạy ngược lại, người tài xế phải lái xe dạt vào bên đường. Anh ta luôn miệng càu nhàu vì đường xấu, ổ gà, sống trâu.
Trời về chiều, xe hàng xọc xạch cố mở hết ga để kịp đến nơi an toàn. Xe đang chạy bỗng một chiếc xe nhà binh chạy ngược chiều ra hiệu cho ngưng lại. Hành khách trong xe nhao nhao bàn tán:
- Chắc khám giấy?
Không, hình như có chuyện gì xảy ra phía trước.
Xe nhà binh ngưng lại, người lính Việt nhảy xuống, nói chõ vào trong xe hàng:
- Không đi được đâu, xe trước mới bị mìn chết vô khối.
Nói xong anh ta nhảy bíu lên xe, xe nhà binh đi ngược trở lại. Anh tài xế thở phào:
Thôi ngủ lại ở đây đêm nay vậy, chỉ còn hai chục cây số nữa là đến Phòng. Thật tội vạ... Mấy người đàn bà hình như quen thuộc với cảnh này nên chỉ than thở qua loa, lấy lệ rồi tìm chỗ nằm ngả lưng.
Trời xụp tối, tôi mang cơm nắm ra ăn đỡ dạ. Ngồi mãi trên xe cũng chán, tôi leo xuống tìm chỗ đi tiêu. Người lơ xe dặn:
- Nhớ đừng đi xa, quanh quẩn ở đây thôi.
Tôi gật đầu, đi xuống bờ ruộng cách xe hàng không quá trăm thước. Sau khi đi tiêu xong, tôi toan trở lại xe, bỗng có bóng người trong bóng tối nhô ra:
- Ai, đứng lại!
Một cảm giác kinh hoàng chạy dọc sống lưng.
Tôi run run giơ tay lên, qui lát đạn xoành xoạch. Không phải Việt Minh, một tiểu đội hỗn hợp vừa lính Tây, lính ta. Người lính cầm súng ngắn đến bên tôi lục soát khắp người:
- Mày ở đâu ra?
Tôi ở xe hàng kia, tôi đi tiêu!
Thình lình một báng súng nện hự vào ngực tôi:
- Nói láo, mày là Việt Minh phải không?
- Dạ không, tôi lên Hải Phòng, tôi có đủ giấy tờ.
Thằng lính ta quay lại nói nhố nhăng gì đó với thằng chỉ huy Tây, rõ ràng tôi nghe gã chỉ huy nói tha tôi tôi khấp khởi mừng.
Nhưng gã lính Việt quay lại nhìn thẳng vào mặt tôi. Trong bóng tối nhá nhem tôi nhìn thấy đôi mắt gã long lanh:
- Quan bảo đưa mày về đồn điều tra!
Tôi há miệng cãi:
- Quan nói tha tôi rồi!
Gã dộng thêm một báng súng nữa vào ngực tôi:
- Á à mày biết tiếng Tây phải không? Mày lại dám giỏi hơn cả ông nữa kia à! Mày khinh ông thì mày chết con ạ! Tôi bị đạp ngã khụy. Gã lính Việt ra lệnh cho hai tên lính khác tới xốc nách tôi. Chúng trói nghiến tôi lại nhét giẻ vào họng, bịt mắt:
- Mang nó ra xe! Cái đồ lên giọng học thức đó thì cho chết!
Tôi hoàn toàn không trông thấy gì, bước đi chệnh choạng trên đất ruộng khô nứt, đi một quãng khá xa. Hai thằng lính luôn mồm càu nhàu:
- Có đi hẳn hoi không, ông lại dộng thêm cho mấy báng súng nữa bây giờ.
Lần này thì chết thật rồi, họ không để cho tôi giải thích một câu. Những hình ảnh loáng thoáng chạy qua đầu tôi rất nhanh. Mộng đi Nam tiêu tan, nhưng tôi vẫn còn hy vọng, may ra về đồn, tôi được phép giải thích. Tôi có cảm giác mình bị nhấc bổng, ném vào một thùng xe lúc nhúc những con người, hình như họ cũng bị bịt mắt. bịt miệng và trói giật cánh khuỷu như tôi Tôi ngửi thấy mùi hôi hám của những chiếc áo nâu lâu ngày không giặt, mùi bùn đất, tai nghe tiếng thở phì phò, mệt nhọc.
Xe chuyển bánh, giật ngã chúng tôi, những người đồng cảnh ngộ không quen, không kêu ca. Xe chạy băng băng, bất kể ổ gà đường xóc, chúng tôi bị nhồi, bị tung lên, dập xuống, thân thể tôi đau nhừ. Tôi không biết xe đưa chúng tôi đi đâu, tai nghe tiếng gió ù ù và mặt se lại vì lạnh. Số phận tôi sẽ ra sao, điều đó không thể biết được. Thời buổi này mạng người như cỏ rác, phe nào cũng có thể giết người. Tôi buồn vì mình thành nạn nhân một cách phi lý. Những ý nghĩ lan man trong đầu tôi, những hình ảnh gần nhất lần lượt hiện ra. Xe đi chậm lại, hình như rẽ vào một nơi nào đó đông người.
Chúng tôi được móc giẻ trong miệng ra, xuống xe, tháo băng mắt. Bên trong một đồn lính, chúng tôi bị dồn vào một góc.
Tôi nhìn quanh, đồng bào tôi tất cả. Họ run sợ nhìn những người lính cầm súng rồi nhìn nhau:
- Đây là đâu?
Tất cả đều lắc đầu, lúc này tôi thấy mình cần phải thưa thốt. Tôi gọi người lính:
- Ông ơi, cho tôi thưa chuyện.
Người lính đi lại:
- Mày muốn gì?
- Tôi muốn gặp ông xếp để thưa chuyện tôi bị bắt oan.
Tên lính thuận tay giáng liền một báng súng vào miệng tôi:
- Hỗn, quan nào thèm nói chuyện với mày, câm miệng ngay, ông thì đánh hộc máu mày ra.
Tôi ngồi im thúc thủ, lúc này tôi mới nhận ra mình không có quyền làm người. Tôi nhìn lên lô cốt, ánh đèn pha quét thủng màn đêm âm u. Chiếc đồng hồ vẫn đeo ở tay tôi, kim dạ quang chỉ đúng ba giờ sáng. Đám đông quanh tôi thì thào hỏi nhau:
- Nó làm gì mình nhỉ?
- Ai biết, hồi chiều chúng bị phục kích chết mấy đứa, chúng bắt mình làm con tin. Cùng lắm là giết bọn mình chứ gì. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, tội cái thằng dân, sống với Việt Minh cũng khổ, về Tề cũng khốn nạn. Chết là rảnh, tôi chả sợ gì, chỉ lo cho vợ con.
Anh chàng cao gầy, có vẻ cán bộ Việt Minh thừa dịp tuyên truyền:
- Nhân dân ta thà chết vinh hơn sống nhục, đảng và nhà nước ghi công anh hùng liệt sĩ. Không có sự dã man tàn bạo của thực dân Pháp thì...
Tôi nổi giận, ném một câu cộc cằn vào mặt gã:
- Câm mẹ nó cái mõm thối của mày lại, chúng mày chỉ được cái họng...
Đám đông gần kề cái chết nhao nhao hưởng ứng lời nói của tôi. Tên cán bộ im bặt ngồi một xó. Tôi bực mình vì mình bị chết quá sớm, bị chết mà chưa được hưởng hết tuổi trẻ.
Cái rét cuối đông làm chúng tôi ngồi co rúm lại với nhau, đến năm sáu chục người chớ không ít. Tiếng xe tăng mở máy rầm rầm. làm chúng tôi choàng tỉnh, mở mắt thật to nhìn. Xe tăng ra ngoài cổng đồn, tiếng máy xa dần.
Một lát sau những người lính gác thúc chúng tôi đứng lên:
- A lê? Dậy! Đến giờ rồi!
Một chiếc xe nhà binh khác mở máy. Chúng tôi bị dồn lên thùng xe.
- Chúng mang mình đi đâu nữa đây?
Một người nào đó nói nhỏ vào tai tôi:
- Chúng bắt mình đi đắp đường, may ra chuyến này mình được thả về.
Nghe xong câu nói, lòng tôi nhóm lên một tia hy vọng. Anh chàng đó nói cũng có lý. Xe chạy ra ngoài cổng đồn, trong bóng tối mờ mờ tôi nhận ra lần lần nơi ở quen thuộc mà tôi mới bỏ đi lúc hai giờ chiều. Vậy ra mình lại bị tụi chúng đưa về nơi cũ, nóc chuông nhà thờ thị trấn, các hàng ăn và đường phố lầy lội. ánh đèn pha trên lô cốt quét từng vệt dài vào bóng tối. Sao lại đống gạch?
Người lính ra lệnh cho chúng tôi xuống xe, gã hét:
- Mỗi đứa lượm sáu cục gạch!
Sao lại chỉ có sáu cục gạch? Tôi tự hỏi. Chắc chắn những người khác cũng cùng một ý tưởng như tôi. Tất cả đều thi hành theo mệnh lệnh. Xong xuôi chúng tôi bị giong đi. Đống gạch hết nhẵn, có người thiếu phải xin thêm bạn đồng cảnh một hai cục. Có lẽ đắp đường thật.
Tôi khư khư ôm sáu cục gạch. Nhưng tôi vẫn thắc mắc, sao chỉ có sáu cục gạch? Chúng tôi bị giong đến chân cầu thì dừng lại, bị lùa vào một đám:
- Tất cả đủ gạch chứ?
- Dạ đủ!
Một người lính khác phát cho mỗi người năm cái túi bao cát, bắt chia gạch bỏ vào trong đó, bốn túi bốn cục và một túi hai cục. Mọi người nhìn nhau ngơ ngác, không ai hiểu gì, nhưng vẫn phải thi hành lệnh. Người lính giục:
- Mau lên
Chúng tôi răm rắp làm theo lệnh, đeo túi gạch hai cục vào cổ, tứ chi bốn cục. Tôi nghe dưới chân cầu nước xoáy ầm ầm.
Tôi chợt hiểu, hoảng hốt la lên:
-Tôi oan các quan ơi!
Cả bọn hình như cũng vỡ lẽ ra, họ kêu rầm rĩ:
- Lạy các quan tha cho con, con còn mẹ già vợ đại con nhỏ. Trăm lạy ngàn lạy các quan.
Những chiếc báng súng đập như tưới lên mình mẩy chúng tôi. Tôi nhìn thấy chiếc xe tăng đậu sừng sững giữa cầu, khẩu đại liên trên tháp xe đen ngòm chĩa xuống. Túi bao cát đựng gạch treo lủng lẳng trên cổ tứ chi tôi. Chúng tôi bị dẫn từng tốp mười người ra đứng ở cầu, lưng quay ra sông, phía không có tay vịn. Lúc này chúng tôi không còn kêu ca nữa. Vô ích, chúng nó sắp sửa làm thịt chúng tôi. Tôi lấy làm lạ khi gần kề cái chết mình lại trở nên bình tĩnh lạ lùng. Có lẽ những nạn nhân kia cũng đồng tư tưởng như tôi. Hình ảnh dĩ vãng hiện ra trong đầu rất rõ và rất nhanh.
Người lính bắn súng liên thanh từ pháo tháp xe tang nhẩy nhanh xuống, bước cồm cộp qua mặt chúng tôi, tiếng giầy đinh sắc đanh buốt óc. Hắn tới lục soát, móc trong túi các nạn nhân bất cứ thứ gì có thể lấy được thồn đầy vào hai túi quần "trây di".
Mồ hôi tôi toát ra lấm tấm trên trán, tôi không run lên vì lạnh mà vì sợ, tôi sắp lìa cõi thế, tôi không theo đạo nào để có bài kinh đọc lúc lâm chung. Dưới chân cầu nước xoáy ầm ầm. Ai có thể ngờ được tôi chết một cách nhục nhã như thế này. Ông hiệu trưởng chắc đã ngủ say và yên chí tôi đến Hải Phòng từ hồi chiều. Còn Khanh, nàng đang nghĩ gì, đang mơ thấy gì chắc chắn không còn nhớ đến tôi. Trời lạnh này, đệm chăn ấm áp. Hà Nội! Hải Phòng! Sài Gòn! Tôi nghĩ đến tên các thành phố mà lòng bỗng sót sa. Bên tai tôi văng vẳng tiếng học trò đọc bài: "Nước Việt Nam hình cong như chữ S. chia ra làm ba miền: Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt..."
Nước mắt tôi chảy ràn rua trên má, tôi cúi đầu nhìn xuống chân mình.
Gã bắn súng liên thanh đi tới, tiếng giầy gõ cồm cộp trên ván cầu khô khan, nặng nề. Tiếng động đó xoáy cuồn cuộn trong đầu tôi như tiếng sóng. Chỉ còn một cơ hội chót, tôi nói liệu dẫu có phải ăn thêm hai ba cái báng súng trước khi chết:
- Tôi còn chiếc đồng hồ vàng, ông tháo giùm, tôi là thầy giáo ở thị trấn này, chiều nay đi lên Hải Phòng, chẳng may bị các ông bắt lầm...
Gã bắn súng liên thanh đứng dừng lại, bàn tay hộ pháp của hắn nâng mặt tôi lên, nhìn:
- Thật không? à, à! Tôi nhận ra rồi, anh dạy trường làng.
Tôi cũng nhận ra hắn, hắn vẫn thường đến quán uống rượu với lũ Tây gạch mặt. Có một lần hắn cụng ly với tôi và nhờ tôi dậy đứa nhỏ con của mụ nhân tình hắn. Hắn cười, kéo thốc tôi ra:
- Anh mà không nói, tôi đâu có biết, đứng đó để tôi xét lại trường hợp anh. Nhanh nhẩu cái mồm như thế là may đấy. Thấy tôi được tha, đám nạn nhân lại nhao nhao:
- Lậy quan tha cho con, con oan.
Gã cai đội bắn súng liên thanh không đếm xỉa đến những lời xin xỏ đó. Gã leo lên ổ súng máy ngồi dạng háng. Hắn còn ngoái cổ xuống nói với tôi:
Anh nhờ lính cởi gạch ra cho, muốn chết chìm à?
Tiếng đạn nổ giòn đinh tai nhức óc. Tôi nghe thấy những tiếng thét ghê rợn, tiếng xác người rơi xuống sông lõm bõm, tiếng sóng vỗ vào mạn gầm cầu và mùi khói súng khét lẹt.
Tôi nhắm nghiền mắt cho đến khi tiếng súng ngưng. Tiếng gã bắn súng liên thanh hét to:
- Xong rồi, về!
Gã nhảy xuống xe, xoa tay khoan khoái:
- Chết mát mẻ nhé! A men!
Tên lính đi theo chiếu đèn pin xuống chân cầu, chạy lại báo cáo:
- Thưa xếp chìm hết!
- Ừ phải chìm chứ, nổi thế chó nào được? Thôi rút!
Lúc đó tiếng chuông nhà thờ bỗng nhiên đổ hồi.
Gã bắn súng liên thanh gầm lên:
- Điếc tai quá, mai tao phải mang súng ra bắn xập cái gác chuông mới được. Bảo bao nhiêu lần rồi mà cái ông cố đạo đó không nghe. Tim tôi còn đập thình thịch, gã bắn súng liên thanh kéo thốc tôi lên xe:
- Sợ không?
Tôi gật đầu, khi đi qua đống gạch tôi nói:
- Bây giờ tôi hiểu tại sao đống gạch lại vơi đầy.
Gã nhìn tôi đe dọa:
- Muốn sống thì câm họng!
***
Tôi đã câm họng suốt mười lăm năm nay. Bây giờ tôi mới nói ra điều đó. Nói cho tất cả mọi người biết đống gạch tại sao vơi lại đầy. Bao nhiêu sông ngòi Việt Nam còn giấu bao nhiêu bí ẩn.
Tất cả những dòng sông chẩy ra biển cả.
1962
Thân Phận Ma Trơi Thân Phận Ma Trơi - Nguyễn Thụy Long Thân Phận Ma Trơi