Có người biết cách biến những trở ngại trong cuộc đời mình thành những bệ phóng, nhưng cũng không ít người lại biến chúng thành những viên đá chắn lối đi.

R. L Sharpe

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 43
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 46
áu tháng sau ngày ngọn cờ Mặt trận Giải phóng phất phơ lần đầu trên nóc dinh Độc lập, Ngô mới xin được giấy phép về miền Nam thăm gia đình. Trong nửa năm nôn nao ấy, Ngô được mọi người quen thân chiều đãi vồn vã, khác hẳn với sáu năm sống thui thủi từ 1969 tại thủ đô.
Không cần chờ đợi lâu, chỉ vài tuần lễ sau ngày 30-4 đã có những người từ miền Nam về Hà nội. Ôi thôi họ có đủ thứ chuyện kể làm quà. Họ như người mới đi tham quan nước ngoài về. Không, còn hơn thế nữa. Đi tham quan các nước “xã hội chủ nghĩa anh em” trở về Hà nội có nhiều chuyện lạ để kể, nhưng cái hay cái lạ chỉ có trên đầu lưỡi, còn ngoài ra không thấy con người may mắn ấy mang được những món xa xỉ nào quan trọng. Một nghiên-cứu-sinh đi học ở Mátcơva, ở Đông Đức về chỉ mang theo được cái đài, cái đầu máy may, cái xe đạp ngoại, một ít sách vở. Những người vừa từ miền Nam ra Hà nội sang trọng hơn nhiều. Tiêu chuẩn tối thiểu là ai cũng có bên nách cái đài ba bốn băng, cái đồng hồ tự động, cặp kính mát và cây bút máy Parker. Người lanh hơn có thể mang về chiếc xe gắn máy Nhật hình dáng đẹp lại chạy khoẻ hơn loại xe mô tô con của Đông Đức. Người đi xa ba hoa nói chuyện miền Nam: ở đâu cũng nhà cửa san sát, nhà nào mỗi người tối thiểu cũng có một chiếc xe đạp, hàng hóa thực phẩm ê hề, một cửa hiệu tạp hóa ở phố quận nhiều hàng và đủ hàng hơn cửa hàng bách hóa tổng hợp trung ương.
Những người cẩn thận tế nhị thì mang được về toàn những món quà thực dụng: cái ống cao su cho bà vợ hứng nước ở vòi nước công cộng, cái ống bơm xe đạp và lọ keo tốt cho ông cha sửa xe đạp ở đầu đường, tập giấy trắng cho thằng con làm vở học khỏi hại mắt, cái mở lon đồ hộp gọn nhẹ cho những ông bạn có số tiêu chuẩn cao.
Những cán bộ công nhân viên gốc miền Nam đột nhiên được các cô các bà đối xử vồn vã, thân ái hơn nhiều, nhất là lúc họ sắp được phép về Nam thăm gia đình. Khác với các cán bộ bộ đội gốc Bắc về phép, những người gốc Nam về thăm nhà thường được gia đình bà con xúm lại cho đủ thứ quà cáp, đồ đạc mang về Hà nội nhiều gấp mười lần những thứ quà cán bộ gốc Bắc đem về. Ai trở ra cũng khuân theo vô số vải vóc quần áo, quà biếu cho người thân kẻ sơ, hầu hết được thân nhân góp nhau mua cho chiếc xe gắn máy, cái radio, cái tivi, chiếc đồng hồ Seiko 5, cái máy ảnh… Công tử Hà nội kém thớ thấy rõ.
Ngô vừa nắm được cái giấy phép về Nam thì những cô bạn gái đã lấy chồng hay ế chồng tấp nập tìm tới khu nhà tập thể Ngô ở. Người nhờ Ngô mua giùm cho cái nồi cơm điện. Người nhờ tìm hộ một ít đồ lót phụ nữ. Người nhờ mua vải. Người nhờ hỏi thăm giá một cái máy khâu. Ngô gật đầu suốt, lấy giấy ghi cẩn thận những ai nhờ mua món gì. Dĩ nhiên không ai nhớ gửi theo tiền để nhờ Ngô mua hộ.
Tuy vậy Ngô cũng hưởng trước được đôi chút lộc nhỏ mọn của chiến thắng. Về thăm nhà sau sáu năm xa cách thì phải có chút quà cáp nào đó mới coi được, tuy theo thư Diễm gửi ra cho anh, Ngô biết gia đình mình cũng không đến nỗi nào. Ngô lúng túng không giải quyết được chuyện quà cáp, vì chàng không có tiền. Dù có tiền cũng không biết mua ở đâu. Những cô bạn quí nghe Ngô nói liền họp nhau lại giúp đỡ Ngô ngay. Họ mượn sổ tiêu chuẩn cán bộ cao cấp mua hộ Ngô hai bọc kẹo cứng, ba hộp sữa, hai cái áo mai-dô hiệu Đông Xuân, hai đôi dép nhựa loại phụ nữ và một cái mũ cối lợp vải tốt. Tiền để mua những món quà hiếm quí ấy do chị bạn nhờ Ngô mua giùm cái máy khâu xuất trước. Thấy mình là người duy nhất chịu xuất vốn, chị ta dẫn Ngô đi xem tận mắt cái máy khâu chị thích, căn dặn kỹ lưỡng cách thử máy, y như rằng thế nào Ngô cũng khuân cái máy khâu ra cho chị.
Còn lại là chuyện di chuyển từ Hà nội vào Sài gòn. Về chuyện này Ngô cũng được những cái may bất ngờ.
Ở đài phát thành nơi Ngô làm việc, chàng chơi thân với một anh chàng tốt nghiệp kỹ sư ở Đông Đức về ngành vô tuyến truyền tin. Gia đình Thận ở ngay phố hàng Đào, trong căn phố gạch lợp ngói cổ kính mà thời Pháp thuộc nghe nói đó là nơi nam thanh nữ tú ở chốn ngàn năm văn vật tụ họp vì chỉ ở đó mới bày bán những thứ vải vóc, quần áo, nữ trang, đồ xa xí phẩm đắt tiền vừa nhập cảng từ Paris sang. Căn phố có lầu không biết thời xưa huy hoàng ra sao, nhưng bây giờ đã cũ nát, cảnh sống chen chức ồn ào luộm thuộm vì hầu như toàn thể đại gia đình Thận đều ở đấy, năm anh chị em Thận là năm gia đình lớn nhỏ tổng cộng tới bốn mươi hai người chen chúc trong một căn nhà lầu bề ngang năm thước chiều sâu mười chín thước. Vợ chồng Thận và hai đứa con được khoanh cho một khoảng diện tích chưa đầy hai mươi thước vuông, ngăn cách với gia đình cô em kế và ông anh kế bằng những tấm màn vải đã ố cũ. Chuyện sống chật chội không có gì đáng kinh ngạc trong nếp sống của Hà nội. Ngô chỉ kinh ngạc là do đâu, bằng cách nào mà đại gia đình ấy còn giữ được căn nhà của tổ phụ, và bằng cách nào họ đã tìm cách sống chung được với nhau.
Năm 1969 mới ra Hà nội tuy quen thân với Thận nhưng chàng ít tới phố hàng Đào thăm bạn. Ngoài những gặp gỡ tiếp xúc tại đài phát thanh, họa hoằn lắm họ mới cùng nhau đi xem một cuốn phim mới, một vở kịch của đoàn Kịch nói Trung ương, uống với nhau một cút rượu lậu, ăn với nhau một bữa thịt chó bán chui. Nhưng từ hồi Tường cùng phái đoàn văn nghệ sĩ miền Nam từ khu Trị Thiên ra thăm Hà nội, tình bạn giữa Ngô và Thận khắng khít hơn.
Hồi đó Tường được tiếp đón trọng thể, ồn ào, như là một trí thức trẻ đô thị miền Nam giác ngộ cách mạng. Ra Hà nội lần đầu, Tường cũng được Đài Phát thanh Hà nội phỏng vấn nhưng chương trình phát thanh này chỉ nhắm vào dân miền Nam, báo chí thủ đô chỉ chạy một cái tin nhỏ và không nhắc gì tới tên Tường. Ra lần thứ hai trong phái đoàn văn nghệ sĩ Mặt trận Giải phóng, Tường được đối xử biệt nhãn hơn. Báo chí phỏng vấn riêng Tường, bài tường thuật dài đăng gần một phần tư trang báo lớn. Ảnh Tường xuất hiện trên báo Đảng, báo văn nghệ, báo thanh niên, báo công đoàn, báo phụ nữ, kể cả các báo của ngành giáo dục nữa. Có tay phóng viên người Hà nội đọc tiểu sử Tường thấy Tường sinh ở Hà nội năm 1939, đã ví von bảo rằng “Hà nội vừa mở năm cửa ô mừng đón một đứa con lưu lạc suốt ba mươi năm, nay đã trở về”.
Cũng nhờ đọc báo mà Điển, ông anh cả của Thận mới nhận ra Tường là bà con gần với mình. Ông Thanh Tuyến với ông Điển là anh em thúc bá, ông Điển (và dĩ nhiên cả Thận) gọi ông Thanh Tuyến bằng anh. Theo ông Điển kể thì hai anh em ruột (là cha ông Thanh Tuyến và cha ông Điển) đều là dân buôn bán lớn ở Hà nội trước đây. Ông em có cửa hiệu vải vóc mỹ phẩm lớn nhất phố hàng Đào, còn ông anh (cha của ông Thanh Tuyến) cũng có một hiệu buôn thực phẩm lớn ở phố Huế. Sau này ông anh bỏ nghề xoay sang làm thầu khoán, nhờ đó ông Thanh Tuyến khi mới từ vùng kháng chiến dinh tê về Hà nội đã được cha giao coi sóc một số vụ thầu xây cất, và tự tay gây dựng được một số vốn liếng, kinh nghiệm riêng, trước khi di cư vào Nam.
Được nhận họ nhận hàng giữa không khí tiếp đón niềm nỡ như vậy, tất nhiên Tường rất hớn hở. Ông Điển dẫn Tường về thăm lại căn nhà cũ của tổ phụ ở phố Huế, nay đã trở thành trụ sở công an khu phố. Họ không được vào bên trong, hai chú cháu đứng bên này đường nhìn qua mái ngói mục chằm vá bằng những mảnh tôn cũ, và khoảng tường trước loang lở được phủ bằng một lớp nước vôi màu cháo lòng. Tường cũng không tha thiết mấy với căn phố cũ nát ấy. Trước khi di cư vào Nam, già đình Tường ở Hà đông, trong một ngôi nhà chung quanh có vườn nhãn rộng yên tĩnh, cách xa đường cái quan khoảng vài chục thước. Kỷ niệm buổi ấu thời trong trí nhớ Tường chỉ là những mảng hình ảnh lờ mờ, không có gì tha thiết quen thân: một buổi câu cá lén ở bờ hồ Hoàn kiếm, lần đánh nhau với thằng bạn cùng lớp ở công viên Bờ Hồ, buổi tối đi xem phim Tarzan, ông già người Tàu bán lạc rang… Tất cả chỉ có bấy nhiêu.
Tường và Ngô đến nhà Thận ăn cơm, đánh đô-mi-nô, kháo chuyện một cách tự nhiên thành thật không phải giữ gìn khách sáo gì. Nhưng ở Hà nội ít lâu thì Tường nghe nhiều người xì xầm về ông Điển. Họ hỏi tại sao Tường quen chi với ông Điển. Họ thắc mắc muốn biết rõ ông Điển tìm Tường hay là Tường đi tìm ông, và nếu ông Điển chủ động nhận họ hàng với Tường, thì ông đã nhờ vả gì chưa? Tường ngạc nhiên, tìm hiểu thì mới biết ông Điển là một “nhân vật” nổi tiếng trong giới làm ăn chui. Cái tài xoay xở của ông đã tới trình độ siêu việt, cơ quan công an, thương nghiệp, mậu dịch, vật tư… ghét ông lắm nhưng không làm gì ông được, vì họ vẫn phải nhờ vả tới ông. Họ không nói rõ chi tiết, nhưng chỉ tóm tắt bằng một câu: “Cậu nghĩ xem: gia đình tư sản bị cải tạo, một tay lão xoay xở thế nào mà căn lầu phố hàng Đào lấy lại trọn cho anh em ở, mấy đứa em đứa nào cũng học đại học, có đứa còn đi học ở nước ngoài, tiền bạc rủng rỉnh. Chỉ có lão Điển mới làm được thôi!”
Tường thấy họ nói đúng. Từ đó về sau cho tới ngày về Nam, Tường không đến thăm gia đình ông Điển nữa. Cũng không bao giờ hở môi nhắc tới những người bà con hiện sống ở thủ đô.
° ° °
Thận được cử vào Nha trang tiếp quản đài phát thanh này vào tháng trước, thì tháng sau ông Điển xoay được giấy phép vào Nam thăm em. Thực ra nếu ông muốn, thì ông vào Nam lúc nào chẳng được. Nhưng ông đi Nam lần này với một kế hoạch lớn trong đầu, nên ông muốn cái gì cũng hợp pháp. Ông định đi thăm qua ba thành phố: Nha trang, Đà lạt và Sài gòn, để chọn một quê hương mới cho đại gia đình. Ông đã chán nếp sống thiếu thốn chật chội của Hà nội. Tuổi ông đã già, óc hiếu thắng, óc phiêu lưu đã bớt, ông muốn sống giữa những cành cây xanh, tiếng bồ câu gù và những nụ cười thân thiện. Trong ba chỗ, ông đặt hy vọng vào Sài gòn nhiều nhất. Ông biết phần ông thì ở Nha trang hay Đà lạt hợp hơn. Nhưng còn lũ nhỏ! Càng sống ở những chỗ hẻo lánh càng phải chịu đựng nạn cửa quyền. Ông biết rõ điều đó. Những gì ông làm, nếu ở tỉnh nhỏ hoặc rủi hơn nữa ở cấp huyện cấp xã, có thể ông đã bị tù mọt gông mà không kêu ca đâu được. Chỉ có Hà nội mới là đất dụng võ cho ông. Nay thì Hà nội bị xuống cấp, ông muốn vào Sài gòn.
Đúng lúc đó Ngô được phép về Nam thăm gia đình. Ông Điển mừng quá, rủ Ngô cùng đi cho vui. Ông bao luôn tiền đường cho Ngô, chỉ nhờ Ngô vào Sài gòn thì dẫn ông đi thăm những chỗ cần thăm, sau đó đưa ông ra bến xe để ông trở ngược ra Nha trang thăm em.
Vừa về tới Sài gòn, Ngô dẫn “ông vua chui Hà nội” lên bàn giao ngay cho ông bà Thanh Tuyến để có thì giờ hưởng cái vui đoàn tụ.
Ngô cảm thấy xót xa khi gặp lại ba mạ và em gái. Họ thay đổi quá nhiều. Diễm viết thư cho Ngô mách “ba cách mạng dữ lắm, em và mạ vừa buồn cười vừa lo”. Ngô về Sài gòn quả tình thấy ông Bỗng có “cách mạng” thật, nhưng không “dữ lắm” như lời Diễm kể.
Gần mười năm mới gặp lại cha, Ngô thấy ông Bỗng già đi nhiều. Tóc ông thưa thớt và bạc gần hết, cần cổ ốm lộ hầu, vai so lại trong cái áo bộ đội ông thích mặc khi ra khỏi nhà. Dáng đi chậm chạp, mệt mỏi. Ngô nhớ thời trước cha mình thường mặc bộ đồ khaki đồng phục của nhân viên hỏa xa, đầu đội mũ két, thân thể không cao lớn nhưng gọn ghẽ trong bộ quần áo đủ có cái uy để làm khiếp sợ những hành khách đi xe lửa mà không mua vé hoặc những chị buôn hàng chuyến mà không biết điều. Bây giờ ông bơi trong bộ quần áo nhăn nhúm rộng thùng thình, và mặc dù lời ông nói có nhiều danh từ tĩnh từ vĩ đại, ông vẫn cứ thấp bé, yếu ớt, nhỏ nhoi.
Ngô về đúng vào lúc ông Bỗng đang ở vào một tình trạng khó khăn. Guồng máy chính quyền cấp thấp dần dần được tổ chức chặt chẽ hơn, một thượng úy công an đã được đưa lên nắm Đồn Công an Phường để trực tiếp quán xuyến chỉ dẫn kiểm soát công việc bên Ủy ban Nhân dân và các đoàn thể. Bên Ủy ban Phường, đã có những cán bộ gốc Củ chi về nắm các chức vụ then chốt. Ông Bỗng vốn đã là một thứ “quốc vụ khanh, bộ trưởng không giữ bộ nào” bây giờ cảm thấy mình đang bị cho ra rìa, việc giao cho ông chỉ là những việc vặt không xứng với tuổi tác và trình độ học thức của ông. Ngô về kịp lúc để ông có thêm một bằng chứng cụ thể về thành tích cách mạng của mình, mặc dù ông biết những dân nằm địa đạo suốt mấy năm liền nghe ông khoe thành tích ở tù mấy tháng họ chỉ nhếch mép cười khinh bỉ.
Lấy cớ đi đăng ký tạm trú cho Ngô, ông dẫn con ra trụ sở phường, lên Đồn Công an giới thiệu với tất cả mọi người. Ông khoe cái mũ cối chính gốc, sản xuất tại Hà nội “trái tim của tổ quốc”.
Tay thượng úy công an gốc Nghệ an có vẻ chẳng sợ mấy cái mũ cối Hà nội. Anh là người sinh trưởng tại quê hương Bắc, là dân thang mộc ấp, Hà nội dù là trái tim đập cho cả nhân loại sống đi nữa đã thấm gì so với nơi Bác ra đời. Viên đồn trưởng công an khinh khỉnh lật qua lật lại cái giấy phép của Ngô như ngờ vực đây là giấy giả, xẳng giọng hỏi:
- Tại sao đồng chí được nghỉ phép đến cả tháng?
Ngô bực mình, trả miếng:
- Đó không phải là công việc của anh. Cho phép nghỉ bao nhiêu ngày là quyền thủ trưởng của tôi.
Viên đồn trưởng ngước lên, bất ngờ nghe được một câu không êm tai chưa hề được nghe từ hồi vào Sài gòn. Đôi mắt nghề nghiệp đo lường đối tượng. Anh ta chùn bước trước đôi mắt không kém hung dữ và kiên quyết của Ngô. Viên đồn trưởng dịu giọng nói:
- Xin lỗi, tôi chỉ hỏi để hỏi vậy thôi. Chúc đồng chí gặp lại gia đình được nhiều điều vui.
Ra khỏi Đồn Công an, ông Bỗng sợ quá, gắt con:
- Mày tính nào vẫn tật nấy. Mới về đã gây sự với hắn, thế nào hắn cũng làm khó dễ chuyện bán nhà của con Diễm.
Ngô nói:
- Ba đừng sợ. Con sống ngoài đó bao nhiêu năm, con biết. Đối với tụi nó, mình càng nhún chúng nó càng ăn hiếp. Một là đánh phủ đầu tụi nó như con vừa làm, hai là nắm được cái tẩy của tụi nó để nếu cần đem ra dọa. Ba phải nói chuyện nhiều với bác Điển. Tiếc quá, tối hôm qua về khuya sáng nay lại chở bác lên Lý Thái tổ nên con không để ba có dịp nói chuyện nhiều với bác ấy. Bác ấy sống sót nhờ nắm đủ cái tẩy của những thằng như thằng dân Nghệ này.
Từ đó ông Bỗng không dám đem Ngô đi khoe với cán bộ nữa. Ông ngay ngáy chờ đợi những điều không vui. Ông chỉ lo hão. Viên đồn trưởng công an gặp lại ông chẳng những không thay đổi cách cư xử, mà có phần còn nhã nhặn hơn trước. Được dịp, ông phóng đại rằng con trai mình có tài vẽ, ra Hà nội mỗi lần cần chân dung Bác để tặng cho các phái đoàn các nước xã hội chủ nghĩa anh em đến thăm thủ đô, đích thân các đồng chí lãnh đạo phải tới nhờ Ngô giúp đỡ. Hiệu quả thấy rõ. Ông học được từ con một bài học khôn. Và đó là món quà đoàn tụ quí giá nhất Ngô đem về cho cha.
° ° °
Hồi bị giam ở lao Thừa phủ, mỗi lần thăm nuôi, Ngô có gặp mẹ và em gái. Lần cuối cùng nhận đồ thăm nuôi chuẩn bị ăn Tết Mậu Thân, chỉ có bà Bỗng vào thăm con chứ không có Diễm. Hôm đó, Ngô nhớ nét mặt mẹ hớn hở, vì bà tin rằng đây là lần thăm nuôi cuối cùng, thế nào sau Tết con trai bà cũng được phóng thích do công lao vận động của chàng rể tương lai. Từ đó tới nay đã tám năm. Suốt tám năm lưu lạc, mỗi lần nhớ mẹ Ngô cố tránh không muốn nhớ tới hình ảnh người mẹ khóc thầm bên thạp gạo sắp hết, hay hình ảnh người vợ ngồi gục đầu lên đầu gối chịu đựng cơn giận dữ của chồng. Chàng chỉ còn muốn nhớ mẹ qua một hình ảnh đáng nhớ: nét mặt hớn hở của mẹ hôm Tết Mậu Thân.
Bà Bỗng cũng đón con trở về bằng nét mặt hớn hở của tám năm trước, nhưng đôi mắt bà lũng sâu, giọng nói của bà đã thều thào, biểu lộ cái vui cũng là một thứ cố gắng, cũng như muốn khóc cho ra nước mắt. Ngô thấy mẹ héo hon già cỗi, lòng xót xa. Và thấy mình bất hiếu. Phải tìm cách về Sài gòn để giúp đỡ, hầu hạ an ủi mẹ. Phải về đây với bất cứ giá nào. Lần đầu tiên Ngô thấy có lẽ từ đây đến cuối đời, cái việc quan trọng nhất là ở bên mẹ, lo cho miếng ăn giấc ngủ của mẹ, gắng hết cách làm cho mẹ cười, làm cho mẹ hết lo âu, sợ hãi. Những cái còn lại đều là phù phiếm.
Tuy tự thấy việc mình làm có vẻ “tuồng”, Ngô vẫn đi nấu nước sôi, đục lon sữa Hà nội mình đem về pha một ly bưng tới gần mẹ nói:
- Mạ biết rồi, ngoài đó nghèo, thiếu thốn. Con không có quà cáp gì quí giá để biếu mạ. Mạ uống cho con ly sữa này. Con…
Ngô quên mất cái ý tưởng “tuồng” vừa có, thực sự xúc động, bàn tay bưng ly sữa run run, cổ nghẹn không nói thêm được phần cuối câu. Bà Bỗng cũng xúc động. Bà thút thít khóc, nhận ly sữa của con nhưng không uống vội, nhìn đứa con trai xa cách đã tám năm mà nước mắt rưng rưng. Bà rán hớp một ngụm sữa cho con vui lòng.
Ngô nhắc:
- Mạ uống hết đi. Ngoài đó những hôm nằm một mình nhớ nhà, con không quên được hôm mạ thăm con lần cuối ở lao Thừa phủ. Hôm đó mạ vui, cười nói hoài.
Bà Bỗng uống thêm một hớp sữa nữa, hỏi Ngô:
- Sao kỳ Tết đó con không về nhà?
- Ở lao Thừa phủ ra, con tìm cách về thăm nhà mà không được. Có lúc con ở ngay bên khu cư xá giáo sư đại học, cách nhà mình chỉ một quãng sông. Con đã làm cho ba mạ khổ nhiều. Mạ giận con không?
Bà Bỗng vội nói:
- Không. Con có làm gì cho mạ buồn đâu. Nhiều lúc mạ hối hận, vì trước kia mạ cưng thằng Ngọc hơn con.
- Lâu nay mạ có tin tức gì của nó không?
- Không. Mạ giấu không dám cho ai biết có con trai đi Mỹ. Mà thôi, mạ coi như không có nó trên đời. Con đã nghe con Diễm kể chưa?
- Chuyện gì vậy mạ? Khi hôm về khuya con chưa nói chuyện nhiều với nó. Sáng nay nó lại đi sớm. Chiếc ô-tô-con của ai vậy mạ?
- Ô-tô-con là cái gì?
- Con quên, cứ nói theo kiểu ngoài Bắc. Chiếc xe hơi đậu trước nhà đó.
Giọng bà Bỗng đầy hãnh diện:
- Của con Diễm đó. Ba mày lấy cho mấy ông cán bộ mượn, xe bị hư hết họ mới chịu trả. Con Diễm tốn khối tiền mới sửa lại đấy.
Ngô thắc mắc:
- Em nó làm gì mà giàu thế? Lúc nhỏ nó… à, chuyện chồng con nó ra sao hở mạ?
- Rắc rối lắm. Con hỏi em nó kể cho nghe. Còn con, ra ngoài đó có nhắm được đám nào không? Mạ chỉ mong con yên bề vợ con, là hết lo gì nữa. Ba mạ sống khổ cực đã quen, thiên hạ sao thì mình vậy.
Ngô lại hỏi:
- Chứ thằng Ngọc nó làm bác sĩ mà lâu nay không giúp đỡ gì ba mạ à?
Bà Bỗng thở dài lắc đầu. Ngô nói:
- Mạ phải hỏi nó chứ. Ba mạ nhịn ăn nhịn mặc cho nó học Y khoa, ra trường đi làm nhiều tiền nó phải trả hiếu chứ.
- Thôi, con ơi. Càng học nhiều càng ích kỷ. Ba mạ sống được cho tới nay là nhờ con Diễm. Cái số em con nó lận đận. Nhiều hôm thấy nó thức khuya dậy sớm, mạ thưong quá. Số mạ nhờ con gái.
Nói dứt câu, bà Bỗng chợt thấy mình lỡ lời. Bà vội tiếp:
- Con rán xin đổi về đây với ba mạ. Con Diễm nó tính rồi. Nó sắp bán cái nhà này để dời qua ở Xóm Chùa cho yên tịnh. Nhà bên đó có vườn giống như nhà mình ngoài Ga Huế. À, trên đường về đây con có ghé Huế không?
- Dạ không. Chuyến ra thế nào con cũng ghé Huế. Mạ, uống cho hết ly sữa đi. Mạ đi chợ chưa? Con thích đi chợ với mạ, như hồi nhỏ mạ dẫn con đi chợ Đông ba. Ủa, mạ còn giữ bức tranh của con à?
Ngô đứng dậy hồi hộp ngắm lại bức tranh vẽ Diễm treo ở góc tưòng tối.
Bà Bỗng nói:
- Ừ. Nó đi vòng vòng rồi cuối cùng trở về nhà. Mạ cho thằng Ngữ, thằng Ngữ đem lên Pleiku rồi lại gửi cho bạn bè ở Sài gòn giữ giùm. Nó sợ con Trang ghen. Sau ngày “tụi nó” vào, bạn thằng Ngữ đem trả, thằng Ngữ mang xuống đây cho lại con Diễm.
Ngô cười:
- “Tụi nó” là con đó mạ. Con nói giỡn. Chiều nay con phải đi một vòng thăm lại bạn bè. Hồi sáng con chỉ gặp bác Thanh Tuyến gái, con vội đi chưa nói chuyện nhiều. Chưa gặp Quỳnh Trang để hỏi tin thằng Ngữ. Con cũng chưa gặp thằng Tường. Mạ đi chợ chưa? Mạ đi chợ với con đi.
° ° °
Người làm Ngô kinh ngạc nhất là Diễm. Từ đứa em gái Ngô bắt làm người mẫu để vẽ bức tranh hồi trước tới thiếu phụ sắc sảo lanh lẹ ngày nay, khoảng cách là thứ gì bí hiểm khó hiểu. Diễm mỉm cười đứng yên cho anh nhìn mình với cặp mắt ngỡ ngàng. Diễm đổi khác đến nỗi Ngô thấy không còn dấu vết gì của cô em gái ngày xưa.
Phần Diễm cũng có ý muốn “biểu diễn” để thích thú nhìn thấy anh ngơ ngác. Chiều hôm đó vừa về nhà, Diễm đã đề nghị chở anh đi một vòng phố cho biết “Sài gòn hoa lệ”.
Ngô nói:
- Em làm như anh là dân Bắc chính cống mới vào Nam lần đầu vậy. Hồi trước anh đã vào thăm Sài gòn một lần. Năm 1964.
Diễm trề môi:
- Hồi 1964 Sài gòn đã ra cái gì đâu. Bây giờ khác trước nhiều lắm. Tiền Mỹ đổ vào, nhà cửa mọc lên như nấm. Mấy ông Cách mạng vào làm tiêu điều, nhưng vẫn còn là Hòn Ngọc Viễn Đông như thường. Em chở anh đi một vòng, anh mới thấy.
Diễm giục anh đi ra xe. Nhìn chiếc Simca 1000, Ngô nói:
- Không ngờ em sang như vậy. Hồi trước trông chiếc Toyota của bác Thanh Tuyến, anh nghĩ chắc chẳng bao giờ gia đình mình được ngồi lên chiếc xe hơi, không ngờ em…
- Loại nầy xấu lắm, em mua hớ định đổi chiếc khác thì tụi nó vào. Xe Simca bị chê vì bộ hộp số. Thua xa loại Peugeot hoặc Citroën, còn tiện nghi thì không bằng một góc xe hơi Nhật. Đáng lý em mua loại xe có số tự động lái cho khỏe, đã đi tìm hỏi đại lý hãng Peugeot…
Ngô đứng ngắm nghía chiếc xe không chịu mở cửa vào ngồi ở ghế trước, thắc mắc hỏi em:
- Anh thấy chiếc xe này thật giống với loại xe của các ông lớn ngoài đó. Phải rồi. Giống y những chiếc Lada. Đầu xe cũng vuông như thế nay. Cả thân xe cũng vậy.
Diễm cười, mở cửa xe vào ngồi trước tay lái:
- Nếu vậy anh phải lên xe đi một vòng với em. Anh ăn mặc thế lại ngồi xe Lada, thế nào họ cũng nghĩ em có quen với ông lớn.
Diễm cố ý đưa anh đi xem toàn những nơi sang trọng chắc chắn năm 1964 chưa hề có ở Sài gòn: Tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc lập, rạp xi nê Rex, thương xá Tam đa, đưa anh vào ăn ở nhà hàng Tài Nam, kêu cho anh món thịt bê nấu theo lối Pháp, gọi rượu chát loại chính gốc Bồ đào nha, món nào cũng đắt tiền. Nhưng điều đó chưa làm cho Ngô kinh ngạc cho bằng cách tiếp đãi vừa thân mật vừa cung kính của quản lý, hầu bàn lẫn bồi bếp của nhà hàng. Qua lối nói của họ, Ngô thấy ngay Diễm là một khách thường xuyên và hào phóng của họ. Ngô hỏi Diễm:
- Em muốn làm cho anh ngợp phải không?
Diễm cười:
- Phải. Em làm y như mọi người, khi có thân nhân từ ngoài Bắc vào. Em nghe nói dân ngoài đó đua nhau vào Nam thăm thân nhân, phải không anh? Em không nói những người Nam về thăm gia đình. Em muốn nói những người Bắc kia! Họ vào càng sớm càng tốt, vì vào lúc đầu bà con bạn bè trong này còn có của, xin cái gì họ cũng cho. Bị thua, họ tự an ủi là tuy tao thua nhưng tao giàu hơn mày, mày phải xin tao tức là tao chưa thua. Đấy, cái tâm lý nó buồn cười như vậy đấy. Em biết, nhưng em cũng mắc phải các lẩm cẩm đó.
Ngô nhìn em, nhận xét:
- Diễm học đâu cái lối sắc mắc phân tích rắc rối vậy? Trước kia em đâu có thế.
Diễm hớn hở đáp:
- Học của anh Ngữ đấy. Nhiều hôm ảnh và em chơi trò quan sát một người qua đường nào đó, rồi đoán thử vì sao họ làm như thế, như thế…
Ngô kinh ngạc hỏi:
- Em thường gặp Ngữ à?
Diễm biết mình nói hớ, vội đáp:
- Trước khi ảnh đi học tập, em có lên nhà bác Thanh Tuyến chơi. Em hùn hạp làm ăn với bác Thanh Tuyến mà.
Ngô không hỏi tiếp, nhưng biết em gái giấu mình rất nhiều điều. Ngô nói:
- Anh về đây mà phải mang theo một lá sớ dài những thứ bạn bè nhờ mua hộ. Ôi thôi, đủ thứ hầm bà lằng. Chỉ nhờ miệng thôi, không ai chịu nhớ gửi kèm tiền nong gì cả.
Diễm cười lớn, hỏi:
- Có nhiều cô nhờ anh không?
- Khối. Họ nhờ anh mua cả đồ lót nữa.
- Như vậy là dấu hiệu tốt. Khi đàn bà đã nhờ đàn ông mua giùm cả quần áo lót, có nghĩa là giao tình đã thân mật rồi đó. Có cô nào sắp về làm dâu nhà mình không?
Ngô củng vào đầu Diễm, nói:
- Cái con này. Lúc nhỏ mày không lý sự như bây giờ.
Diễm thun vai lại làm ra vẻ sợ cái gõ của anh, rồi nói:
- Mai anh đưa lá sớ của anh cho em xem, em liệu nếu không quá nhiều tiền, em sẽ tìm mua cho anh đem ra lấy điểm với các cô Hà nội. Biết đâu nhờ vậy mà có cô bằng lòng bỏ nhà theo anh vào làm dâu miền Nam.
Diễm đổi ra nét mặt nghiêm trang, nói với Ngô:
- Nhất định anh phải về đây cho mạ vui. Em thương mạ lắm, nhưng em chạy cả ngày ngoài đường, đôi lúc về thấy mạ ngồi một mình, tội quá. À, ăn xong em chở anh đi xem cái nhà em sắp đưa ba mạ qua ở. Khu yên tịnh lắm. Anh lập gia đình rồi, về ở chung với ba mạ tìm vật liệu nhẹ làm thêm một cái xưởng vẽ ở sau vườn y như hồi ở Huế. Chốc nữa anh qua đó sẽ thấy. Khu vườn đẹp lắm. Anh mặc sức mà vẽ!
° ° °
Diễm đậu xe bên này cầu, rồi đưa anh qua chiếc cầu gỗ cong vắt qua con kinh nước đen. Ngô thích quá, đứng giữa cầu ngắm mãi cảnh cây cối xanh um hai bên bờ kinh. Một cây cầu gỗ hình cung. Vài gốc dừa. Cái quán lá. Một đoạn sông rạch. Những cảnh quá quen thuộc trong những bức tranh dân gian rẻ tiền một thời Ngô khinh bỉ xem thường, cho đó là những khuôn mẫu nhàm chán của những tay thợ vẽ thiếu tài năng. Không ngờ qua một giai đoạn đời nhiều thăng trầm, bây giờ Ngô lại thấy chính cái mộc mạc đơn giản ấy lại có một sức cuốn hút quyến rũ đặc biệt. Vài người cưỡi xe gắn máy qua cầu bóp còi giục Ngô nhường lối. Ngô phải qua hết cây cầu, theo em bước vào một con đường đất rợp bóng lá. Ngô sảng khoái hít đầy phổi mùi lá non và mùi đất bấy lâu đã quên.
Căn nhà ở Xóm Chùa thật đúng với mơ ước của Ngô. Diễm mở khóa cổng trước, đưa Ngô đi dạo một vòng quanh vườn rồi mới mở cửa cho anh xem bên trong căn nhà.
Sợ anh chê, Diễm nói:
- Em mua nhà cốt để lấy đất, chứ căn nhà này, phải sửa sang nhiều mới ở được. Phải làm trần, lót gạch hoa, cái nền này tệ quá phải đào lên làm lại hết.
Ngô nhìn quanh, nói:
- Ngoài Hà nội cái nhà thế này phải chứa ít nhất là bốn gia đình. Hình như có ai đang ở đây phải không?
Ngô trỏ vào cái giường còn xộc xệch chăn gối. Diễm nói:
- Lâu lâu buổi trưa em ghé lại đây nghỉ. Phải có mặt ở đây, không họ lại nghĩ nhà vắng chủ, tịch thu mất. Em đăng ký hộ khẩu ở phường này đấy. Thằng Đồn trưởng Công an bên nhà mạ ghét em lắm mà không làm gì em được, vì em có phải là dân của nó đâu. Anh gặp nó chưa?
- Có phải cái tay thượng úy người Nghệ?
- Chính nó. Nó bắn tiếng dọa em nếu cứ buôn bán linh tinh có ngày nó bắt nhốt.
- Thôi, quên nó đi. Nhà cầu ở đâu, Diễm?
- Anh đi phía này. Chỗ có cái cửa sơn xanh.
Ngô mắc tiểu, vội vã đi về phía nhà cầu. Lúc đến trước bồn rửa mặt nhìn vào gương vuốt lại tóc, Ngô thấy trong cái ly nhựa màu xanh lơ có hai cái bàn chải đánh răng, một cái lớn còn mới dùng chưa nhiều, một cái nhỏ đã cũ, xơ ni lông bàn chải đã mòn. Ngô cầm cái bàn chải lớn lên ngắm nghía, nhớ lúc nãy vào xem phòng ngủ thấy hình như dưới gầm giường có đôi dép Nhật đàn ông. Ngô thắc mắc không hiểu Diễm đang sống chung với ai.
Trở ra, Ngô giả vờ đi xem nhà lần nữa, thấy đúng dưới gầm giường có hai đôi dép Nhật. Chàng nhìn Diễm cười nói linh hoạt một cách thoải mái tự nhiên, nhưng Ngô thấy em gái có một phần đời riêng biệt ở ngoài phạm vi hiểu biết của chàng, một phần bí ẩn lạ lùng, hư hư thực thực chẳng khác nào giọng Diễm xướng ngôn trên đài Mẹ Việt Nam mà Ngô phải thu âm hết để phân tích nội dung và tìm cách đối phó theo lệnh của cấp trên.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương