You are a child of the sun, you come from the sun, and that is something true with the Earth also... your relationship with the Earth is so deep, and the Earth is in you and this is something not very difficult, much less difficult then philosophy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 43
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 45
on Thúy thắc mắc hỏi mẹ:
- Lạ quá me ơi! Con xuống nhà các dì chơi, thấy nhà nào cũng toàn sách ngụy nhạc ngụy không hà! Cô giáo bảo con về nhà thấy còn cuốn sách ngụy nào thì lấy đem nộp cho phường. Cô còn la con không cho hát bài “Tuổi mười ba” nữa. Sao lạ vậy me.
Nam nói:
- Tại các dì các chú cách mạng muốn đọc cho biết trong mình ra sao. Các dì các chú đọc để nghiên cứu đó con.
- “Nghiên cứu” là gì hở me?
- Thì như việc ba con làm đó.
- Nhưng con thấy ba có nhiều sách cũ như các dì các chú đâu!
- Ba để ở sở, còn các dì các chú đem về nhà.
Con Thúy có vẻ chưa thỏa mãn, nhưng nó không hỏi nữa. Nó than:
- Con thích hát mấy bài cũ hơn. Bài “Tuổi mười ba” này, bài “Ông trăng” này. “Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo”. Sao vậy me?
Nam bật cười:
- Con tìm bác Phạm Duy mà hỏi.
- Bác nào vậy me? Có ở khu này không?
- Không. Bác Phạm Duy đặt ra bài “Ông trăng” đó. Bác đi Mỹ rồi.
- Sao bác đi Mỹ vậy me?
- Cái con này! Con cứ hỏi tại sao tại sao hoài. Bác không thích ở đây thì bác đi Mỹ.
- Sao bác không thích ở đây?
- Lại sao! Chuyện người lớn con không hiểu đâu. Lo học bài đi.
Con Thúy lại than:
- Học môn Văn chán quá me ơi. Tụi con trai khoái lắm, tụi nó thích cái thằng nhỏ người Thượng núp bắn một viên đạn mà xỏ xâu luôn mười thằng lính ngụy. Con gái thì không thích. Cứ “bắn, bắn” hoài.
Nam nói:
- Con không được nói “thằng lính ngụy”. Cậu Ngữ, cậu Lãng cũng là lính ngụy đấy. Con quen miệng lỡ lời, cậu Lãng giận.
- Nhưng trên trường họ bảo phải gọi tụi ngụy là “thằng”. Thằng Mỹ, thằng Diệm, thằng Thiệu, thằng Kỳ.
- Họ dặn gì mặc kệ họ. Họ lớn tuổi con phải gọi bằng “ông”.
- Không được đâu me ơi. Cô giáo bảo phải gọi “thằng” hết, phải căm thù đế quốc. Cô giáo dặn không được đọc sách ngụy, nghe nhạc ngụy.
Chợt nét mặt con Thúy rạng rỡ hẳn lên. Nó khoe:
- Chiều hôm qua con qua nhà dì Thắng được dì mở cassette cho nghe nguyên một cuộn băng của Thái Hiền. Bên đó dì có nhiều nhạc ngụy lắm me! Có mấy cuộn băng của Thái Thanh với Khánh Ly, me muốn mượn con mượn cho.
Nam gạt đi:
- Thôi, con qua bên đó chơi, dì Thắng có hỏi gì con nói không biết. Đừng nói tới cậu Lãng, cậu Ngữ nghe không.
- Dì hỏi chuyện ba me con có nói không?
Nam lo âu hỏi:
- Dì Thắng có hỏi à? Hỏi gì?
- Để con nhớ coi. Hôm trước xa dì hỏi có phải trước kia me định tự thiêu phải không?
- Thật à? Con trả lời sao?
- Con có biết gì đâu mà trả lời. Chuyện đó có thật hở me?
- Không có đâu. Con lo học bài đi. Để me lo đi nấu cơm rồi còn soạn giáo án.
Nhờ con, Nam biết được nếp sống của nhiều gia đình trong chung cư, ngoài những gia đình cùng từng lầu ngày nào cũng phải giáp mặt: nhà nào vừa sắm được cái tivi 19 inches, chú nào vừa tậu được cái xe gắn máy hiệu Honda, dì nào cằn nhằn với chồng là tại sao gia đình bên cạnh cũng cùng một thu nhập như mình mà bên đó sắm được bộ salon đẹp hơn, dì nào phân bì là tại sao chồng mình cũng là đảng viên kỳ cựu cũng có chân trong Hội Nhà Văn mà ông bạn tầng dưới xoay được cái nhà đẹp trên Phú Nhuận chuẩn bị dọn ra ở riêng. Cái thế giới phức tạp của chung cư qua lời kể của con Thúy cũng đầy cả hỉ nộ ái ố dục, không đúng với những bài văn mà Nam giảng dạy ở lớp về mẫu người mới xã hội chủ nghĩa.
Tuy vậy, Nam thấy cái thế giới đàn bà ấy vẫn có gì sống động, dễ thương. Nó là cuộc đời gần gũi, quen thuộc, dễ giải thích. Nàng thấy thế giới đàn ông mới khó hiểu, đáng ngại.
Nam nhận ngay ra điều đó trong bữa tiệc mừng tân gia, đồng thời cũng là lễ “tuyên bố” tình trạng vợ chồng giữa Nam và Tường.
Để tránh đụng chạm, hôm ấy khách được mời chỉ gồm toàn dân “cách mạng”: những người làm việc với Tường ở ban duyệt sách, một số bạn cũ của Tường thời tranh đấu hiện làm việc tại Sài gòn, và những cán bộ hiện ở trong chung cư. Số khách lên khoảng gần ba mươi người. Diện tích căn phòng trước hẹp, nên Tường và Nam khuân cả bộ salon ra hành lang, bày thức ăn và nước uống, rượu bia xuống sàn nhà để khách ngồi quây quần bên nhau mới đủ chỗ. Theo thông lệ, đáng lý tiệc chỉ đơn giản có bánh kẹo và nước trà, nhưng Nam muốn bữa ăn thịnh soạn hơn một chút, bằng cách nấu một soong cà ri gà ăn với bánh mì và đưa tiền cho Tường xin mua ở cửa hàng quốc doanh một ít bia hơi.
Tuy toàn dân “cách mạng” nhưng không ai bảo ai, khách tự động tụ họp thành nhóm riêng: nhóm đàn ông và nhóm đàn bà, nhóm cán bộ gốc Bắc và nhóm gốc miền Nam. Nhóm gốc miền Nam lại phân ra hai nhóm nhỏ hơn, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 rồi hồi kết về hoạt động trên rừng ngồi xa nhóm từng sống ở thành thị nhưng vì nhiều lý do đã vào Khu như trường hợp Tường và ông Trang.
Trong các nhóm ấy, cung cách ăn uống chuyện vãn đùa cợt của nhóm Bắc chính hiệu bảy mươi hai phần dầu là thoải mái nhất. Họ có phong thái tự tín tự nhiên như là chủ nhà. Nhóm tập kết ăn nói cũng thoải mái, nhưng trong lối ca tụng đời sống trù phú của quê hương miền Nam có cái gì quá đáng, như muốn nhắn nhủ cho nhóm thứ nhất biết rằng sinh lực của đất nước nằm ở đây, có được căn nhà này, ăn được bữa ăn này, uống được ngụm bia này là nhờ phù sa mầu mỡ của sông Cửu long, chứ không phải nhờ “những cánh đồng năm tấn” của Thái bình. Nhóm thất thế nhất là nhóm “nhảy núi” của Tường. Họ ăn nói dè dặt, tránh không góp vào những câu chuyện bàn luận về văn chương cũ, đứng ngoài không dám xông vào những tranh đua về quyền lợi, cái gì cũng nói hàng hai để người nghe không thể biết mình đang nghĩ gì.
Bữa tiệc diễn ra không vui mà cũng không tẻ nhạt, ăn uống vừa đủ ngon và no, câu chuyện hàn huyên giới hạn trong khuôn thước chung chung ai cũng chấp nhận được. Các bà lần lượt ra về. Thức ăn đã hết, nhưng bia vẫn còn nhiều. Đàn ông ở lại thanh toán cho hết món đồ uống quí giá. Thế bắt buộc các nhóm nhỏ phải ngồi gần nhau hơn, và dần dần bắt đầu có những va chạm.
Nam nhớ tối hôm đó Nhã cầm ly bia tới gần ông Trang vỗ vai ông nhà văn lớn tuổi nhất trong bữa tiệc và nói:
- Hôm qua tôi có hội ý với đồng chí Sáu Chiến. Chúng tôi nhất trí với nhau là mặc dù còn rất nhiều hạn chế, anh vẫn được xếp vào dòng văn học tiến bộ ở đô thị. Những cái hạn chế là tất nhiên thôi. Không thể tránh được. Phải đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn của các anh hồi đó mới hiểu vì sao các anh mắc phải những khuyết điểm ấy. Nhìn một cách khoa học khách quan, thì đặt các anh vào một dòng như thế quả có hơi cường điệu. Vì các anh ít quá. Xem lại thì chỉ được vài cuốn của Vũ Hạnh, Lưu Nghi, người vào Khu thì có anh, Lê Vĩnh Hòa, Thủy Thủ, Trần Quang Long… Sau này có thể kể thêm hoạt động của tờ Tin Văn nhưng đó là “tác phẩm” của Nguyễn văn Bỗng, bảo là do các nhà văn tiến bộ đô thị thì hơi ép. Anh thấy không, ít ỏi quá, gọi là suối sợ còn chưa ổn, chứ nói gì tới dòng này dòng nọ.
Tường nghe Nhã nhắc tới Vũ Hạnh, chợt nhớ hỏi Thắng:
- Tôi vừa đọc tờ Văn Nghệ Quân Đội kỳ này thấy có cái truyện ngắn của một người ký tên là Vũ Hạnh. Đọc nội dung truyện mới thấy người viết là một bộ đội trẻ, không phải ông Vũ Hạnh trong này. Sao anh ta mới viết đây mà không tìm bút hiệu nào khác nhỉ?
Thắng cười:
- Việc gì phải tìm. Biết đâu Vũ Hạnh là tên thật của anh ta. Còn muốn cho độc giả khỏi lầm lẫn, thì chính ông Vũ Hạnh trong này phải đổi bút hiệu khác chứ.
Ông Trang đã bực vì giọng kẻ cả ban ơn của Nhã, nghe Thắng nói, ông không dằn cơn giận được nữa. Những điều ông ấm ức lâu nay, mượn rượu ông xổ ra hết. Ông vừa nói vừa chửi thề. Ông phạm đủ thứ húy. Ông bảo Nhã đừng đem Sáu Chiến ra hù ông, ông đéo ngán thằng nào cả, năm mươi tuổi đầu có chết cũng là vừa, sống mà nghe bọn nhóc tì lên mặt dạy đời còn khổ gấp trăm gấp vạn lần chết. Ông bảo không in sách cho ông thì ông để đó lâu lâu lấy ra đọc chơi, ông viết rồi đọc một mình thì muốn gì viết nấy khỏi sợ bọn lý luận phê bình vạch lá tìm sâu, tác phẩm in ra rồi ăn ngủ không yên, vì ngay ngáy lo có thằng xấu miệng ton hót xuyên tạc. Ông bảo cả đám cách mạng trong ruột đều thích đọc sách ngụy thích nghe nhạc ngụy, thằng nào cũng bê “sách vở đồi trụy” về nhà cả đống, mà ở chỗ công khai chính thức, thằng nào cũng làm bộ chê bai coi đó là thuốc độc nguy hiểm. Ông bảo nhiều đứa viết báo làm thơ hô hào tôn trọng bảo vệ tài sản Nhà nước mà dời nhà đi tháo đem theo từng ổ khóa, cây đinh, cho tới những thứ đắt tiền hơn như bóng đèn, quạt máy.
Ông chạm lung tung. Cả phòng ngồi chết lặng không biết phải phản ứng thế nào. Tường nói vài câu giải hòa bị ông quạt lại, bảo Tường cũng học đòi viết theo bài bản. Nam phải nhờ bà Trang qua can thiệp, ông Trang mới dần dần nguôi giận. Bà Trang dìu chồng về rồi, những người còn lại đều ngượng nghịu lúng túng, không biết phải nói gì với nhau trước khi chia tay. Nam chứng kiến từ đầu chí cuối, từ đó sợ không muốn dây vào những phức tạp của thế giới đàn ông.
° ° °
Cái tin Nam suýt tự thiêu trong vụ tranh đấu Phật giáo không ngờ giúp Nam được nhiều cảm tình trong chung cư. Không biết ai đã tung tin ấy ra. Nhất định không phải Tường. Về sống chung với nhau, hai vợ chồng đều tránh né không muốn nhắc tới thời kỳ đó, âm thầm coi là một vết thương chưa lành hãy lặng lẽ để cho trôi giạt vào quên lãng.
Các bà vợ cán bộ có dịp là đem chuyện đó ra hỏi Nam. Họ đến ở đây từ nhiều nguồn khác nhau, theo lời họ kể thì cuộc sống trong quá khứ của họ cũng có nhiều gian truân thử thách. Có người là nữ thanh niên xung phòng nằm bờ ngủ bụi nhiều năm ở Trường sơn, bây giờ bệnh sốt rét vẫn còn hành hạ họ chưa biết lúc nào mới dứt. Có người vừa lấy chồng thì đã xa chồng suốt mười năm, nếu biến cố tháng Tư năm 1975 không xảy ra thì không biết tới bao giờ họ mới thấy được mặt chồng. Có người cũng đã từng là nữ du kích sống dưới địa đạo suốt cả tháng, tới nay dáng đi vẫn còn khòm vì lúc nào cũng sợ đầu mình chạm phải một cái gì. Nhưng những nguy hiểm họ trải qua đều là nguy hiểm chung, họ gặp phải mà khỏi cần phải tự lo đối phó. Họ phản ứng hành động theo đám đông. Trường hợp Nam làm cho họ tò mò. Cách tự vận để biểu lộ một thái độ chính trị, một mình phải lựa chọn cho sự sống cái chết của mình, những điểm đó khiến cho Nam trở thành kỳ bí hấp dẫn. Nam càng chối họ càng tò mò, về sau thấy có lợi, Nam cứ lửng lơ để dễ dàng hơn trong các đối xử với những người ở chung.
Đối với nam giới, Nam cũng được đối đãi thoải mái hơn Tường. Nàng không liên hệ gì tới chuyện viết lách, không phải là một mối đe dọa cho họ. Nói gì với Nam họ yên tâm, khỏi phải lo âu những hậu quả về sau.
Sau buổi tiệc tối hôm ấy, lúc Tường đã đi làm và Nam chưa tới giờ đi dạy, cả ông bà Trang đều qua xin lỗi Nam về chuyện không vui đêm hôm trước. Ông Trang không cải chính những điều mình lỡ nói, chỉ lấy làm tiếc là ông nói quá thật ở một chỗ không thích họp và không đúng lúc, lại thêm vì say ông đã nói với một giọng thiếu văn hoa. Ông đưa riêng cho Nam hai cái truyện ngắn tâm đắc mà ông chưa hề gửi cho báo nào, vì theo ông nói, có gửi cũng không ai dám cho phổ biến. Cả hai truyện đều lấy khung cảnh là Sài gòn sau ngày 30-4, nhân vật chính là một nhà văn xưng “tôi”.
Truyện đầu tiên mô tả cảnh sống ở một chung cư mà Nam thích thú nhận ra đúng chung cư nàng đang ở. Một hôm đang ngồi viết bài, nhà văn nghe có tiếng chân người mang dép lẹp xẹp đi ngoài hành lang, rồi tiếng gõ cửa. Ông ra mở cửa phòng, thấy một bà già trầu rặt Nam bộ đang xách một cái giỏ nặng đứng thở dốc vì phải leo đến ba vòng cầu thang mới tìm ra được địa chỉ.
Sau một vài phút ngỡ ngàng vì chưa nhận ra nhau, hai người mừng rỡ ôm chầm lấy nhau. Ủa, thằng Tư đó hả, mầy mặc đồ Sài gòn tao tưởng ông nào. Ủa, má Bảy, làm sao má biết con ở đây. Nhà văn “thằng Tư” cách đây năm năm về công tác tại làng của má Bảy, ngày ngày ngồi viết vẫn được má Bảy nấu giùm nồi cơm, kho giùm trách mắm. Thằng Tư viết cái giống gì mà viết hoài má Bảy không hiểu được, nhưng cứ coi cái mặt nhăn nhó đăm chiêu của nó, má Bảy nghĩ nó đang viết những gì thiêng liêng lắm, có ích lắm, chữ nó viết cũng quí như là cuốn kinh Phật trên chùa, như là cuốn sách thuốc của thầy Năm Liễn ngoài phố Chệt. Một tháng sau, quân đội Mỹ hành quân càn quét qua làng, cơ quan thằng Tư phải vội vã rút đi, thằng Tư chạy thoát thân bỏ lại cái hộp sắt đựng đạn lâu nay thằng Tư vẫn dùng để đựng bản thảo. Má Bảy nghĩ tới công lao nhọc nhằn của thằng Tư, tìm mọi cách giấu cái hộp sắt để chờ ngày thằng Tư trở lại. Phải chờ tới năm năm má Bảy mới biết thằng Tư đã về lại Sài gòn. Tìm hỏi đủ mọi chỗ, má Bảy mới gặp được đúng người ghi cho má Bảy địa chỉ của thằng Tư ở đường Công lý. Hai má con cười nói rộn ràng nhắc lại kỷ niệm xưa. Má than những đứa ngày xưa má giấu trong nhà đem cơm xuống tận hầm bí mật cho ăn bây giờ nó làm lớn không thèm nhìn má, có chuyện cần nhờ nó còn nạt nộ. Má mở cái giỏ lác cột dây chuối ra, trả hộp bản thảo cho thằng Tư, rồi má nhờ thằng Tư chở má ra bến xe cho kịp về chăm sóc lũ cháu.
Đêm đó, nhà văn thức suốt đêm để đọc lại những bản thảo cũ. Càng đọc ông càng buồn vì thấy giá trị tập bản thảo không xứng với công giữ gìn và lòng trân trọng của má Bảy. Ông đốt hết xấp bản thảo, còn cái hộp sắt thì ông để trên bàn viết như một câu châm ngôn.
Truyện thứ hai cũng xảy ra tại Sài gòn. Sau ngày giải phóng, nhà văn gặp lại một người bạn thiếu thời. Hồi đó hai cậu bé ở gần nhau, tuổi xấp xỉ như nhau, lại có cùng một cái mê là mê bắn chim. Người bạn bắn ná cao su giỏi hơn cậu nhỏ sau này trở thành người viết truyện, nên giao cho “tôi” phận sự ra đồng moi đất sét về nắn bi làm đạn. “Tôi” không bắn hay, nhưng cái tài nắn bi cũng tới lắm. Viên nào cũng tròn vo, viên đạn bật ra khỏi ná cao su bay thẳng tới đích rất chính xác.
Bốn mươi năm xa nhau từ dạo ấy, mỗi đứa có một đời sống riêng, tình cờ gặp nhau lại ở Sài gòn hai đứa trẻ đã trở thành hai ông già đầu bạc. Tuy vậy họ vẫn xưng hô “mày tao” như hồi còn đi bắn chim. Người có tài thiện xạ hỏi nhà văn bây giờ làm gì. Nhà văn bẽn lẽn thú nhận mình làm nghề viết lách. Người bạn cười: “Té ra mầy cũng y chang như hồi nhỏ. Mầy bắn không giỏi nên mầy chuyên nắn bi cho thằng khác bắn”. Nhà văn buồn rầu than: “Hồi tao đi theo mầy đỡ hơn bây giờ. Tao nắn bi tròn, mà mầy bắn ná cao su cũng chì. Còn bây giờ tao gặp toàn những thằng bắn dở mà cứ đổ thừa tao nắn bi méo. Tóc tao bạc nhiều hơn tóc mầy là vì vậy”.
Nam thích truyện ngắn sau hơn truyện trước. Nam nói:
- Em thích truyện “Hòn bi” của anh hơn. Nó ngắn, gọn. Buồn quá!
Ông Trang nói:
- Đó là bản tóm tắt đời tôi.
- Anh đã thử gửi đăng chưa?
- Ai mà đăng. Mấy ông biên tập lo thủ thân đời nào dám cho đăng những chuyện như thế này. Những thằng bắn dở là dở khi nhắm những cái đích lớn ở xa kìa. Còn cái đích gần nằm dưới chân mình thì tụi nó bắn giỏi lắm. Không bắn trúng sao được. Nó mới đưa ná lên, đã có một bọn phụ lực kéo dây cao su cho nó, một bọn nữa tới túm lấy nạn nhân giữ thật yên cho nó nhắm, thì không trúng sao được.
Nam cười nhớ tới chuyện dạy văn của mình:
- Em dạy văn cũng gặp nhiều cái khó nghĩ. Có nhiều cuốn chương trình bắt dạy kỹ, toàn những cuốn được giải thưởng lớn, nhưng thú thật với anh, em đọc chẳng thấy cái gì hay cả. Gượng gạo thế nào ấy. Em cứ theo những điều đã học được trước đây ở Văn khoa Huế phân tích ra, thì thấy nguyên nhân chính là các tác giả cứ cố nhồi nhét vào tác phẩm những mục tiêu tuyên truyền, con người và cuộc đời thật bị bỏ quên. Hồi học đệ ngũ, mỗi lần đọc truyện Lục Vân Tiên là bọn con gái tụi em cứ đem đoạn Lục Vân Tiên sợ hãi ngăn không cho Kiều Nguyệt Nga ra khỏi xe để cảm ơn cứu tử mà giễu. Anh nhớ đoạn đó không? Đoạn Vân Tiên hốt hoảng nói:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra.
Nàng là phận gái ta là phận trai.
Đọc nhiều cuốn truyện của Cách mạng hiện nay em thấy nhiều đoạn gượng gạo y như vậy. Bọn ngụy thì ôi thôi, đanh ác, nham hiểm, say rượu, khát máu, không ra cái giống người. Còn nhân vật Cách mạng chính diện thì đủ các nết tốt. Anh Trang, em hỏi anh câu này anh đừng giận nhé, đọc lại những truyện anh đã cho đăng báo, anh có thấy hay không? Như cái truyện gì đăng trên báo Văn Nghệ tháng trước. Truyện ông chủ tịch huyện nhất định không chịu ở trong căn nhà lầu của cơ quan, tối nào cũng vác võng ra nằm thủ thỉ với anh em du kích đang làm nhiệm vụ an ninh ngoài rừng.
Ông Trang lúng túng nói:
- Em cứ coi như đó là một viên bi anh nắn cho một thằng bắn dở. Quên nó đi.
Nam thích thú, hỏi dấn thêm:
- Tới lúc nào thì anh cho phép ông chủ tịch huyện đó có một vài cái tật lặt vặt? Chẳng hạn ông đang ngồi chủ trì một cuộc họp, đang nói, tự nhiên ông ta ngưng lại, nhíu mày rồi hắt hơi ách xì một cái, làm cả hội trường cười ầm lên.
Nam tưởng câu hỏi đùa sẽ làm cho ông Trang cười ầm lên, mất hết vẻ lúng túng. Nhưng không. Ông Trang suy nghĩ một lúc, rồi nghiêm chỉnh đáp:
- Có lẽ còn lâu lắm. Cho đến bây giờ, nếu viết như vậy chỉ mới dám viết tới cán bộ đảng viên cấp phường, cấp xã. Tới cấp huyện là tốp, thấy bảng cấm mà cứ phóng tới là có chuyện. Nam cứ coi những tranh hí họa chỉ trích các hiện tượng tiêu cực trên báo thì biết. Mấy thằng thợ vẽ đó khôn lắm. Cứ đem mấy bà buôn thúng bán bưng và dân chợ trời ra giễu cho chắc ăn. Giễu kẻ yếu thì an toàn hơn chọc kẻ mạnh. Tối hôm qua tôi quá lời, thế nào cũng gặp rắc rối. Thật đáng tiếc.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương