They say love is blind…and marriage is an institution. Well, I’m not ready for an institution for the blind just yet.

Mae West

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 43
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 35
ó thể gọi bữa tiệc chiều hôm đó là bữa tiệc “rửa tay gác kiếm” của những người chiến bại sống sót, tụ họp nhau lần cuối quanh mâm rượu, uống để quên một giai đoạn đời, uống để quên cả những lo âu của một ngày mai chưa biết ra sao.
Trong những người lính có mặt hôm ấy, Tân chồng sắp cưới của Quế là người rời hàng ngũ sớm nhất. Từ một trung úy phế binh, Tân đã trở thành một tay kinh doanh lanh lẹ. Không còn thấy chút dấu vết chiến tranh nào trên người Tân, ngoài cái vết sẹo ở trên đầu gối nhờ nó Tân được giải ngũ. Vết sẹo kín đáo nấp sau lớp vải quần tây ủi thẳng nếp, nên Tân không có vẻ gì “lính” cả. Chiến tranh chiều đãi Tân, và có thể hòa bình cũng chiều đãi Tân.
Số người còn lại phần lớn từ nhiều mặt trận trở về, mỗi người thoát chết một cách: Ngữ trở về từ quốc lộ 7, Lãng gãy súng ở Thuận an rồi tự tìm cách chạy về Sài gòn, ba người lính ở gần đó một người tan hàng sau trận Xuân lộc, một người chạy từ Cần thơ lên, một người là lính hải quân từ Phú quốc về. Mỗi người kể đoạn đường gian nan của mình, lời kể đều có thể trở thành một thiên tiểu thuyết phiêu lưu kỳ thú nếu bọn họ có tài viết.
Không biết do sáng kiến của ai, bữa tiệc rửa tay gác kiếm có một tiết mục khá đặc biệt: đó là hỏa thiêu các tàn tích của chiến tranh. Ngay bên chiếu rượu dành cho đàn ông, dưới bóng khóm trúc, những người lính dự tiệc đã gom hết quần áo, giầy dép, mũ nịt, thẻ bài, thẻ căn cước quân nhân, giấy tờ quân sự còn sót trong nhà đem chất đống. Tiệc mở màn bằng một nghi thức ngoạn mục: tất cả sáu người lính chọn người có cấp bậc cao nhất châm lửa hỏa thiêu đống quần áo giấy tờ đó. Ngữ và ông Tân đều là trung úy, nhưng Tân lớn tuổi hơn Ngữ, được dành cho vinh dự châm lửa thiêng.
Bà Văn lo xa sai Quế múc sẵn hai xô nước đề phòng hỏa hoạn. Cả xóm bu lại xem tiết mục lạ. Giờ phút thiêng liêng đã điểm. Ông Tân run run bật cái Zippo, dí ngọn lửa xanh vào mép một cái áo treillis. Họ quên là vải quần áo lính làm bằng sợi hóa học nên gặp lửa chỉ đụn lại chứ không bắt lửa dễ dàng. Lãng phải rưới thêm lên đống quần áo một ít xăng, ngọn lửa mới bốc cao. Mọi người cảm động nhìn ngọn lửa, không ai nói gì. Giữa cái im lặng xót xa ấy, bất ngờ Lãng cao giọng đọc một lời kinh lạ: “Đốt tàn xác ta, ngọn lửa thánh bốc cháy bùng bùng. Sống đã lấy chi làm sướng. Chết đã lấy chi làm khổ. Hỉ nộ ai sầu rồi cũng trở về theo cát bụi”.
Ngữ biết ngay Lãng cóp một đoạn trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, nhưng những người khác không ai biết, nên họ tưởng Lãng đọc một đoạn kinh Phật. Ngọn lửa bốc cao rồi tàn dần, mùi khét tỏa khắp xóm. Bà Văn không kiên nhẫn được nữa, dội xô nước vào đống lửa còn ngún. Khói lại bốc lên, nhiều người ho sặc sụa. Thế là bữa tiệc giã từ vũ khí bắt đầu.
Mâm tiệc của đám đàn ông ngoài sân ồn ào náo nhiệt bao nhiêu thì trong nhà, bàn tiệc của đàn bà con nít êm đềm lặng lẽ bấy nhiêu. Bà Văn cảm động nhìn cả gia đình đoàn tụ, chỉ ngồi tiếp thức ăn cho cháu nội và cháu ngoại chứ không cầm đũa. Bà bảo nhìn cảnh sum họp an toàn như hôm nay bà đủ no, không muốn ăn gì nữa. Quế, Quỳnh Trang và Nam thì bàn tính chuyện tương lai. Quế lạc quan nhất. Nàng hớn hở nói:
- Mấy ngày nay em với anh Tân đi dò hỏi, mới biết ngoài Bắc cái gì cũng thiếu, đến cái chén đôi đũa cũng thiếu huống chi những thứ như cái radio, cái tivi. Nhiều người có tiền mà chẳng có gì để mua. Đừng tin cái mồm xoen xoét khoe khoang của tụi cán bộ, nói láo hết. Hở một chút là “miền Bắc xã hội chủ nghĩa”. Cứ nhìn cách tụi nó ăn mặc là biết. Anh Tân bảo em tìm hàng đem ra bán ngoài Bắc sẽ lời to.
Nam nói:
- Họ không cho tư nhân buôn bán đâu. Cái gì cũng của Nhà nước. Chị dự mít ting, nghe bà ngồi bên cạnh nói ngoài Hà nội bán nước trà nóng cũng bị công an bắt.
- Chị hỏi anh Tường chưa?
Quỳnh Trang đáp thay Nam.
- Đúng như vậy. Việc buôn bán lớn nhỏ đều có cửa hàng mậu dịch.
Quế trề môi:
- Cửa hàng mậu dịch! Một ông bộ đội nói với em là cửa hàng bách hoá lớn nhất ngoài Hà nội cũng chẳng có gì để bán, bày toàn hàng mẫu cho đẹp mắt mà thôi. Còn thua xa một sạp tạp hóa ở chợ Bến Thành. Dân ngoài đó không mua được gì ở Mậu dịch thì họ mua hàng của mình. Có cấm cũng không được.
Bà Văn thấy con gái bạo gan tính toán chuyện lớn, lên tiếng can:
- Mày đừng ỷ y như thời trước muốn làm gì thì làm. Tính cái gì cũng phải từ từ. Mày phải hỏi thăm thằng Tường cho kỹ.
- Ảnh mà biết gì! Tiếc quá con về trễ chứ không cũng phải “chất vấn” ảnh vài câu.
Nam nói:
- Lãng nó chất vấn ảnh nhiều rồi đấy.
Quế quay hỏi Quỳnh Trang:
- Ảnh có nói chuyện mua bán trên chị sẽ ra sao không?
Quỳnh Trang thành thực đáp:
- Ảnh nói là nên tìm cách dẹp bớt đi, tìm nghề nào sản xuất.
Quế cãi:
- Nghề sản xuất là nghề gì! Nghề nào mà không sản xuất.
Nam nói:
- Buôn bán là làm trung gian kiếm lời, không phải là sản xuất.
- Chị có chồng Cách mạng, thuộc bài dữ.
Thấy chị cau mày, Quế giành nói cho hết:
- Ai bảo buôn bán không phải là sản xuất? Sản xuất ra hàng hóa mà không có bọn này thì hàng hóa bán cho ai. Hàng hóa không bán được thì sản xuất làm gì, chỉ làm đủ xài thôi.
Trang nói:
- Thì Nhà nước phụ trách việc mua bán thay mình.
- Họ ba đầu sáu tay hay sao mà ôn đồm hết mọi việc. Có đi buôn mới thấy hết cái khổ. Chạy ra chỗ mua được hàng tốt hàng rẻ không phải là dễ. Lại còn phải biết ở đâu đang cần thứ gì. Mấy ông cán bộ mặt mũi lúc nào cũng lờ đờ ấy mà lo buôn bán, thì Nhà nước sập tiệm sớm.
Bà Văn nói:
- Họ làm được hay không là việc của họ. Mày trái lệnh, họ còng mày.
Quế không chịu thua:
- Họ có chỗ nhốt hết dân buôn bán hay không hở má? Buôn bán như con với chị Trang lâu nay có tội gì? Họ làm điều phải dân còn nghe, làm quá đâu có được. Thế nào cũng có chỗ cho dân họ thở chứ! Hôm mồng Một anh Tân chở con đi xem bộ đội. Con thấy mấy cậu nhỏ tập đi xe gắn máy, không quen tay ga ngã lăn quay sướt cả đầu gối mà miệng vẫn cười hớn hở. Mấy ông lớn thì ngồi trên xe hơi cứ vênh mặt lên. Anh Tân nói. “Thôi rồi, tụi nó cũng biết ham hưởng thụ như ai, mình còn có đất sống”. Ảnh nói đúng lắm. Tụi nó như nhà tu hết thì mình mới sợ.
Quỳnh Trang nói:
- Chị buôn bán nhưng không có máu liều như em. Nếu họ đã ra lệnh cấm thì chị không dám đi buôn đâu.
Quế to tiếng.
- Ai cấm? Bọn con buôn ngoài Bắc em gặp ở chợ Bến Thành bảo ngoài đó tụi nó cũng ăn hối lộ như máy. Có tiền thứ gì cũng được cả. Chị nghĩ coi, tụi nó chẳng phải cán bộ cán biếc gì cả mà bộ đội vừa chiếm Sài gòn, tụi nó đã có mặt rồi. Ai cấp giấy phép đi đường cho tụi nó? Ai chở tụi nó đi?
Bà Văn ngạc nhiên hỏi:
- Đi đường mà cũng có giấy phép à?
- Làm cái gì cũng phải có công an cho phép.
Quế quay hỏi Nam:
- Anh Tường làm cái gì? Có làm công an không?
- Chị đâu biết. Anh ấy có nói với Trang không?
- Tối hôm qua ảnh nói làm ở cơ quan gì tên hơi lạ chị không nhớ. Cơ quan gì có liên quan tới sách vở báo chí.
- Trời! Lại sách vở.
Bà Văn nói:
- Chút nữa chờ khách họ về hết, các con ngồi tính với nhau coi nên làm cái gì. Má muốn các con làm sao để sống gần nhau, giúp đỡ nương tựa nhau. Các con coi như thất nghiệp hết rồi, phải tính đường xa từ bây giờ.
° ° °
Cuộc họp đại gia đình kéo dài tới mười một giờ đêm vẫn chưa ngã ngũ. Có ba khuynh hướng tất cả: khuynh hướng vui thú điền viên, khuynh hướng kinh doanh buôn bán và khuynh hướng trung dung đứng giữa.
Ông Tân tự biết mình chưa được xem là người trong nhà nên xin về sớm. Phái kinh doanh buôn bán có hai chiến sĩ nhiệt thành là Quế và Lãng.
Trước khi “đại hội” khai mạc, Lãng đã kéo Quế ra sân hỏi riêng:
- Thế nào, chị với anh Tân tìm ra chỗ chưa?
- Mới tìm ra chỗ họ chịu bán sỉ đồng hồ Seiko… nhiều vốn quá, mượn anh Tân cũng được nhưng tao không muốn mượn nhiều.
- Thì em đã nói với chị cho em góp vốn.
- Xì, mày lương phạn bao nhiêu uống rượu không đủ, tiền đâu mà góp.
- Em có tiền thật mà. Không có tiền, nhưng có vàng cũng như tiền vậy.
- Vàng ở đâu mày có?
Quế buột miệng hỏi, và chợt hiểu. Quế thì thào hỏi:
- Má biết mày có vàng không?
- Không.
- Cũng may mày biết khôn chưa cho ai biết. Má mà biết…
Lãng tức giận nhưng không dám lớn tiếng:
- Em lấy bớt của tụi ăn cướp thì có gì là xấu! Chị coi, đời bất công vừa vừa thôi chứ. Tụi em đem mạng sống ra giữ an ninh cho chúng nó làm giàu mà có được gì đâu, phút cuối bị bỏ rơi như những miếng giẻ rách. Em thoát chết được là nhờ phước nhà, trong khi hai vợ chồng thằng đó chạy giặc bằng xe hơi, xe hết xăng ôm cái túi vàng đi không nổi. Tụi em tha mạng cho hai đứa đó là còn tử tế.
- Nhưng hai đứa đó là ai?
- Đâu biết! Gặp cái thằng mặt mâm với con vợ phệ đó ôm đống vàng chạy ra bến Cam ranh, thấy con vợ chạy chân không mà ôm cái xắc chặt cứng trước ngực, tụi em biết liền.
- Rồi tụi bay cướp hết của người ta à?
- Chỉ lấy vàng thôi. Tiền với hột xoàn đồ gì linh tinh cho lại con mụ.
- Mày đi chơi nhơn nhơn ngoài đường vô phúc gặp lại họ…
- Hạng đó mà chạy vào được tới đây thì cũng dư sức đi Mỹ rồi. Mà gặp lại đã sao! Em chỉ lấy lại phần mình theo lẽ công bằng.
- Mày lấy ngang xương như vậy mà bảo là lẽ công bằng. Tụi mày không kề súng vào cổ họ, dễ gì họ chịu đưa.
- Em thề với chị là không cần lấy súng ra dọa. Thấy tụi em quắc mắt, con mụ đã sợ líu lưỡi rồi.
- Má mà biết được thì mày đừng hòng… nhưng liệu mày góp được bao nhiêu?
- Chị cần bao nhiêu?
- Thôi mai hãy tính. Bộ mày tính đi chụp hình dạo sao?
- Tội gì không kiếm chút tiền tiêu. Tụi nó đang ham chụp hình kỷ niệm, phải phạt tụi nó.
Quế cười, lắc đầu. Hai chị em yên tâm, cực lực chủ trương phải sống bám vào Sài gòn để mua bán.
Ngữ bị Lãng chê là già nua, vì chủ trương vui thú điền viên. Ngữ nói với bà Văn:
- Con nghĩ gia đình mình nên về sống ở miệt vườn. Đất trong này mầu mỡ, mỗi năm chỉ cần làm một mùa đã dư ăn chứ không phải vất vả như ngoài Trung. Sông rạch lại sẵn cá tôm. Gia đình mình hùn nhau mua vài mẫu ruộng, đào ao nuôi cá, lấy đất ao đắp vườn trồng cây. Con có đi chơi miệt Mỹ tho, Cần thơ, thấy dân dưới đó sống an nhàn lắm. Đàn ông muốn nhậu là nhậu. Đàn bà cũng thảnh thơi. Chiến tranh hết rồi, muốn đi đâu không sợ bị mìn, phục kích. Má hưởng tuổi già trong lúc son cháu sum vầy, chắc má vui hơn phải sống gần bên cái nhà máy dệt ồn ào này.
Quỳnh Trang không thuộc phái trọng nông nhưng cũng phụ họa chồng:
- Em thấy nếu muốn lập vườn thì nên lên vùng Bảo lộc hoặc Đà lạt. Em đi buôn trà cà phê trên đó, em biết. Khí hậu trên đó mát mẻ quanh năm. Nhiều chủ đồn điền trà hay cà phê trên Bảo lộc đã đi, bà con họ ở lại thế nào cũng muốn bán rẻ bớt một ít, nhiều không quán xuyến nổi. Mình lên mua một khu đã có sẵn trà hay cà phê đang có hoa lợi, chỉ lo chăm bón và thuê người hái trà hái cà phê mà thôi. Nếu muốn mình lập luôn xưởng sấy trà, rang cà phê. Lười thì bán sỉ cho con buôn ở Sài gòn. Em biết hết mọi mối hàng không lo gì cả. Em thích đời sống trên Cao nguyên hơn. Dưới miệt vườn sình lầy dơ dáy lắm.
Bà Văn đồng ý với Ngữ, nhưng lại chọn một quê hương khác.
- Má muốn các con về Ninh hòa quê má. Lâu quá má không về nên không biết bà con còn ai ở đó không. Xe cộ dễ dàng các con đem má về Ninh Hòa một lần cho biết. Má nhớ hồi nhỏ sống ở đó sướng lắm. Vừa có ruộng, vừa có rẫy, lại vừa gần biển tôm cá rẻ. Các cháu lớn lên muốn đi học ở đây cũng dễ, vì nhà gần quốc lộ 1. Má nhớ hồi nhỏ chuyến xe lửa Hà nội Sài gòn chạy qua thường thường đúng lúc gà gáy. Má thức dậy sớm, nhìn các toa xe chạy qua sau vườn mà mơ ước. Ba tụi mày từ ngoài Bắc vào cũng xuống ga Ninh hòa, cách nhà má không đầy cây số.
Quỳnh Trang vừa mới đưa ra ý kiến lên Cao nguyên lập nghiệp đã đổi lập trường, đứng vào phái trung dung với Nam. Nam nói:
- Con thấy chưa biết đời sống ở các nơi ra sao, thì đừng vội, bỏ Sài gòn đi rồi lại tiếc. Nhà mình toàn đàn bà con gái, chỉ có anh Ngữ với thằng Lãng là đàn ông…
Quỳnh Trang nhắc:
- Còn cu Bình của chị nữa.
Nam cười, tiếp:
- Cả hai anh em chưa ai biết làm ruộng làm rẫy, liệu gia đình mình làm nổi không. Chi bằng cứ tạm ở đây, quen buôn bán như chị Trang con Quế thì cứ buôn bán, con thì xin đi dạy, anh Ngữ thế nào trước sau cũng tìm được việc làm…
Lãng cắt lời Nam:
- Liệu tụi nó có để cho hai thằng “ngụy quân” này yên không? Em nghi lắm.
Nam nổi cáu:
- Họ đã làm gì mày đâu mà cứ lải nhải nói hoài.
Lãng đốp chát lại ngay.
- Tụi nó đã làm gì nên trò đâu mà chị bênh chầm chập vậy.
Ngữ chưa kịp nói gì, bà Văn đã can hai con:
- Tụi bây tụ họp nhau để bàn tính chuyện đùm bọc sinh sống với nhau, hay là để dày xéo nhau, hai đứa nói cho tao nghe? Tụi bay chia phe chia phái chém giết nhau bao nhiêu năm chưa đủ hay sao? Dẹp hết chuyện chính trị đi. Tao cấm thằng Lãng không được nói xóc óc con Nam nữa!
Lãng giận dữ nói:
- Má không đứng giữa mà bênh con gái.
Ngữ nạt em:
- Lãng, không được hổn. Không dễ gì gia đình mình được đông đủ như hôm nay. Tụi mình chỉ còn có má, phải giữ làm sao cho má vui. Má đã bảo dẹp là dẹp. Không được nói chuyện rắc rối nữa. Trở lại chuyện cũ đi. Má, mình bàn bây giờ cũng hơi sớm, vì chưa biết chính sách của họ như thế nào. Lãng nó lo cũng phải.
Nam nói:
- Anh Ngữ nói cho lắm rồi cũng bênh thằng Lãng.
- Không phải anh bênh nó. Em phải thông cảm nỗi lo của nó với anh. Nếu họ bỏ tù hai đứa này, thì bao nhiêu chuyện bàn tính đêm nay thành công cốc hết. Còn nếu họ làm như họ hứa, để yên cho mình sống, thì đại gia đình mình nên gắng sống gần nhau để đùm bọc nhau.
Quỳnh Trang nói:
- Em nghĩ nếu họ để cho mình sống, thì cũng nên chia hai ra. Một nửa ở Sài gòn để cho tụi nhỏ học hành, tụi em quen buôn bán thì họ cho buôn bán cái gì mình làm cái đó, kiếm sống qua ngày. Một nửa thì tìm đất cát ở vùng gần đây, như Thủ đức, Lái thiêu, Xuân lộc, để làm ruộng làm rẫy, tiếp tế lúa gạo rau quả cho nửa ở Sài gòn. Mình ở gần nhau cũng dễ tiếp trợ cho nhau, chứ bây giờ em nghĩ lại, thấy về dưới tận Cần thơ lên tận Bảo lộc xa xôi quá.
Bà Văn gật đầu tỏ vẻ thích đề nghị của nàng dâu. Bà nói:
- Con Trang nói phải đấy. Đứa nào ở Sài gòn thì cứ ở Sài gòn, như con Trang con Nam có thể nhờ thằng Tường xin làm công chức, con Quế có thể buôn bán. Thằng Ngữ thằng Lãng họ cho ở đây thì tốt, không cho thì xuống quê làm rẫy cuối tuần đi đi về về. Má sẽ ở dưới vườn với mấy đứa cho yên tĩnh, lâu lâu lên Sài gòn mua sắm thăm mấy đứa.
Quế vỗ tay nói:
- Cuối tuần rảnh mình đi picnic dưới quê cũng thú.
Lãng hỏi:
- Nhưng gia đình mình có sổ gia đình ở Qui nhơn, Sài gòn họ có cho ở không?
Câu hỏi của Lãng làm mọi người chưng hửng, người nọ nhìn người kia. Quỳnh Trang dân Sài gòn hợp pháp nên tự tin hơn, kiếm cách an ủi cả nhà:
- Má à, con nghĩ cả nhà mình đủ điều kiện để được định cư tại đây. Mẹ con Nam thì có anh Tường, anh Ngữ với Lãng làm lính không có tên trong sổ gia đình ở Qui nhơn, bây giờ hết chiến tranh xin ở đâu cũng được. Quế thì theo anh Tân. Má già thì theo các con. Họ không buộc mình phải về Qui nhơn được.
Lập luận của Quỳnh Trang không đủ sức thuyết phục mọi người, nên cái lo cứ bàng bạc trên khuôn mặt mọi người. Lãng nói:
- Thôi hơi đâu mà tính. Tên bay đạn lạc suốt mười năm không chết, bây giờ hết chiến tranh rồi, lo làm gì. Má, ngày mai con ra quân làm thợ chụp hình. Để con lấy cái máy Polaroid chụp cái hình kỷ niệm cả nhà mình đoàn tụ, nghe má.
Ý kiến của Lãng được mọi người tán thành. Bà Văn đang đứng giữa các con và hai cháu, chợt hỏi:
- Rồi mày làm sao? Mày chụp thì hình thiếu mày.
- Má đừng lo. Có automatic. Thúy đứng xê ra một chút cho cậu bấm máy rồi chạy tới chen vào chỗ cháu. Xong chưa? Chuẩn bị: Một, hai, ba.
Lãng bấm máy rồi chạy tới xếp hàng. Tiếng máy chạy rè rè một lúc rồi đèn flash chớp sáng.
Lãng chưa quen sử dụng flash nên mở ống kính thiếu ánh sáng. Bức hình tối tăm, không nhận ra mặt người. Ai cũng cảm thấy lo vu vơ, nhưng không dám nói ra lời.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương