Love is like a roller coaster,

Once you have completed the ride,

you want to go again.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 43
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
gữ về Sài gòn được hai ngày thì Trung tá Thanh cũng về. Buổi sáng hôm đó đài Sài gòn đọc thông cáo của Bộ Tổng tham mưu ra lệnh cho tất cả quân nhân rã ngũ của Quân đoàn 1 và 2 hiện ở thủ đô phải đến Tổng tham mưu trình diện. Ngữ còn dùng dằng chưa biết tính sao thì ông Thanh đến. Ông dựng chiếc Suzuki đen bên lề trước hiệu trà, bước vào cửa thì gặp bà Thanh Tuyến. Bà không nhớ mặt ông Thanh, mừng thầm có được một ông khách mở hàng bề thế. Ông mặc quân phục chỉnh tề, cổ áo đeo hai hoa mai bạc. Bà hỏi:
- Trung tá cần trà hay cà phê?
Ngữ đang chơi trò lắp hình với con nghe mẹ vợ nói chuyện với một trung tá, tò mò ngửng lên nhìn. Ánh sáng ngoài đường chiếu vào căn phòng không bật điện nên Ngữ chỉ nhìn được bóng dáng một người mạnh khoẻ và thấp. Trung tá Thanh biết Ngữ chưa nhận ra mình, nên lên tiếng trước:
- Thưa không, tôi đến thăm Trung úy Ngữ. Cậu không nhận ra tôi à?
Ngữ đứng bật dậy. Trung tá Thanh có ốm đi đôi chút, nhưng vẫn mạnh khỏe vững chãi.
Họ ríu rít hỏi chuyện nhau, Quỳnh Trang cũng từ nhà dưới chạy lên, mừng đến chảy nước mắt. Ông Thanh không trả lời được hết các câu hỏi, cười xin lỗi và quay hỏi Ngữ:
- Cậu đi trình diện không?
Quỳnh Trang chen ngay vào chuyện đàn ông, hỏi lại viên trung tá:
- Có cần trình diện không anh? Em nghĩ…
- Cần chứ. Tôi rẽ lại đây rủ Ngữ đi luôn.
Quỳnh Trang cố cãi:
- Nhưng mình thuộc Quân đoàn 2.
Trung tá Thanh cười:
- Thì họ gọi quân nhân Quân đoàn 2 đi trình diện. Cô đừng lo. Có tôi, cậu Ngữ không đi lạc đâu.
Ngữ cười, đáp:
- Trung tá chạy lạc thì có, Ngữ rút lui có đội ngũ đàng hoàng.
Quỳnh Trang thất vọng nhưng cố dặn:
- Trình diện xong anh về đây ăn cơm với tụi em. Tiệc mừng anh đấy!
- Được, tôi sẽ dẫn lính của tôi về giao nguyên si cho cô. Đừng lo.
Hai người đèo nhau trên chiếc Suzuki đến Tổng tham mưu. Ngữ nóng ruột cứ chồm ra phía trước hỏi cho rõ con đường thoát hiểm của xếp:
- Trung tá biết vụ tụi Y Drak nổi loạn chứ?
- Biết nhưng chậm, liên lạc về Tiểu khu không được, biết là tiêu rồi. Tụi này cố bắt kịp đoàn di tản, cậu biết không?
- Thế à, sao không gặp Trung tá?
- Anh em Dù họ thấy dồn nhau một đống đi ngờ ngờ như thế chỉ làm bia thịt cho cộng sản, nên một số không nhập đoàn tìm đường rừng mà đi. Cậu tới Tuy hòa hôm nào?
- Hôm 29.
- Vậy là đi chậm hơn tụi này.
- Nhưng sao Trung tá về đây chậm vậy?
Trung tá Thanh cười:
- Tại mấy ông có máu Lương Sơn Bạc đi cùng. Chạy tới Phan rang họ bảo chạy như vậy đủ nhục rồi, phải tìm chỗ lập chiến khu chơi lâu dài với Cộng sản. Có anh quê ở Phan rang nói có cái chiến khu cũ tên quái quỉ gì đó mà một thời đám đệ tử ông Diệm định làm căn cứ địa, đề phòng bọn thân Pháp chơi xấu. Dùng dằng bàn cãi cả tuần lễ, cuối cùng cũng tan hàng.
- Trung tá về đường bộ?
- Không. Đi tàu. Cướp ghe ra tàu lớn, nó lại không ghé Vũng Tàu, mà chạy ra Phú quốc. Từ Phú quốc lại trở ngược vô Rạch giá. Đi xe đò thấy dưới đó còn yên. Nếu cụ giáo già tìm được tay tướng nào khá, hy vọng còn giữ được hai vùng còn lại.
- Trung tá lạc quan quá!
- Tại sao không? Đấy là một cuộc thử thách. Một cuộc sàng lọc. Bọn bất tài nhân dịp này tháo chạy, mình loại được một ký sinh trùng lâu nay làm suy nhược đất nước. Số chịu ở lại chiến đấu không phải ít, chỉ cần lãnh đạo giỏi. Nhất là làm sao phục hồi được niềm tin.
Thấy Trung tá Thanh lạc quan quá về tình hình, Ngữ không muốn làm ông buồn. Chàng chuyển qua chuyện khác:
- Họ gọi mình trình diện làm gì vậy?
- Ơ! Cậu nầy lính tráng mà hỏi dớ dẩn. Đáng lý không cần ra thông cáo, mình về được là phải tự động trình diện. Không nói tới chuyện tinh thần trách nhiệm hay cái gì cao xa khác. Cứ nói tới cái khôn ngoan trong thời buổi loạn lạc đi. Không trình diện, lỡ sau nầy yên, họ sẽ tìm những con dê tế thần để đổ lỗi. Họ sẽ bảo tụi mình đào ngũ trong thời chiến. Đoành! Không biết chừng tử tội bị hành quyết là tôi với cậu, chứ không phải mấy ngài đã ra cái lệnh di tản ngu xuẩn kia đâu! Mình lên để có bằng chứng là “em còn có mặt ở đây, em trình diện xếp đàng hoàng. Xếp giao việc thì em làm. Không có công việc thì em về hú hí với vợ con, chờ địch nó vào em lại đi trình diện để nhận công”
Ngữ bật cười vì cái giọng bông đùa thoải mái của Trung tá Thanh. Chàng ao ước được như ông. Cái gì rắc rối phức tạp rồi ông cũng biến thành đơn giản, vừa tầm. Được việc thì vui rồi tìm cách làm cho việc sau khá hơn. Không được việc, thôi bỏ đi Tám, thua keo nầy ta bày keo khác. Ngữ thì ngược lại. Cái gì chàng cũng gậm nhấm, nhai lại trăn trở, tìm kiếm đủ mọi mặt. Nhiều khi phải phát biểu trước đám đông, không khí buổi họp làm cho Ngữ phấn khởi, trở nên hăng hái, hùng biện. Nhưng sau buổi họp, nhớ lại từng lời đã thốt ra, Ngữ thường thấy có cái quá đáng ở chỗ này, cái giả tạo ở chỗ kia, cái không tưởng ở chỗ nọ. Ngữ đỏ mặt vì xấu hổ. Sau khi cùng với ông Thanh xin đi khỏi Tiểu khu Bình Định, Ngữ nằm cả tuần ôn lại những điều mình làm, chỉ thấy thiếu sót, sơ hở, ấu trĩ, vụng về, trong lúc thật ra Ngữ cũng chẳng làm được gì nhiều. Người đáng buồn là Trung tá Thanh thì ông lại chẳng buồn phiền gì. Ông thơ thới ra đi, và coi việc đi Phú bổn là một thử thách hứng thú mới.
Hai người đến Tổng tham mưu lúc mười giờ mà các văn phòng vẫn còn vắng vẻ. Sĩ quan trực chưa tới, anh trung sĩ thư ký ngồi hút thuốc phì phà, vừa nhả khói vừa ơ hờ lật qua xấp báo ngày hôm trước. Bộ chỉ huy của một quân đội đang ở trong cảnh dầu sôi lửa bỏng mà sao có không khí nhàn nhã thanh bình như ở một trung tâm dưỡng quân.
Anh trung sĩ từ chối không cho Trung tá Thanh và Ngữ ghi danh vào sổ trình diện, bảo phải chờ ông đại úy trưởng phòng. Hỏi lúc nào Đại úy tới, anh ta đáp lơ lửng:
- Ông mới chạy đâu đó, cứ ngồi chờ đi!
Trung tá Thanh rủ Ngữ ra câu lạc bộ tìm ly cà phê. Ở đây đông đúc hơn. Các sĩ quan làm việc ở Tổng tham mưu tụ họp gần đủ ở đây, nhất là các cấp úy. Họ tụm năm tụm ba bàn tán thời sự sôi nổi. Đề tài hấp dẫn nhất là vụ ông Thiệu, ông Khiêm đã bay qua Đài bắc đêm hôm trước. Một ông đại úy nói mỉa:
- Ổng tuyên bố trên truyền hình là trở về làm lính với các chiến hữu để ăn thua đủ với Cộng sản, sao bây giờ lại đi. Ổng qua Đài loan giúp mấy ông Tàu lấy lại Hoa lục chắc!
- Đài loan có ổng cố vấn thì lấy lại Hoa lục mấy hồi!
Một ông trung úy nói:
- Nghe đồn thằng chả chở theo tới mười sáu tấn vàng.
Người ngồi bên cạnh gạt ngang:
- Mười sáu tấn vàng chứ có phải cái xú chiêng của bà Thiệu đâu mà giấu mang đi không ai biết. Với lại báo nói máy bay Mỹ chở ổng đi mà. Tụi Mỹ thật đểu. Làm bộ như quân tử Tàu đem máy bay chở ổng đi cứu mạng ổng, thật ra là để lấy lại bao nhiêu thứ bị mất cắp. Dám ổng xuống phi trường Đài bắc chỉ còn trần xì bộ áo quần mặc trên người lắm!
- Mày khéo lo bò chết trắng răng! Thằng chả thâm lắm, không phổi bò như cha Kỳ. Thiếu gì tiền bạc thằng chả đã gửi trước ở các ngân hàng bên Thụy Sĩ.
- Ông già Hương chịu chơi giao quân đội cho cha Kỳ chắc chả làm được nhiều trò ngoạn mục. Cha Viên nghe nói đã dông rồi. Chỗ đó hiện trống. Cha Kỳ ngồi vào đó được lắm.
- Ông già Hương dân Nam kỳ quốc không ưa tướng Bắc kỳ rau muống đâu. Ông nhà giáo nên lại càng không ưa kiểu ăn nói bạt mạng của ông Kỳ. Tao tưởng tượng nếu hồi trước ông Kỳ học lớp cụ giáo, chắc là cụ giáo cho ông tướng râu kẽm zéro hạnh kiểm.
- Mẹ kiếp! Thời thế nầy mà để cho mấy anh giáo “quốc văn giáo khoa thư” chống gậy điều quân chơi nhau với cộng sản, thì không sớm thì muộn cũng sụm. Tụi mình không lo xa như mấy ông lớn, có ngày hối không kịp. Này, sao mấy ngày nay không thấy mặt ông đại tá bên ông?
- Ổng bận quân vụ. Còn ông trung tá bên ông đâu? Hôm qua tao gặp ổng ở bên Bộ tư lệnh Không quân.
- Mày qua bên đó làm gì?
- Ờ, đi thăm thằng bạn học cũ không được sao?
Trung tá Thanh ngồi hút thuốc lắng nghe hết những lời bàn tán. Ông uống cạn tách cà phê, bảo Ngữ:
- Mình đi!
Ngữ thấy ông định lấy ví trả tiền, vội nói:
- Để Ngữ trả cho. Hồi sáng được vợ phát lương. Chuyện lương bổng của mình ra sao, Trung tá?
Ông Thanh nhét ví trở lại túi quần, cười đáp:
- Cậu lên Phú bổn mà lãnh.
Trong khi Ngữ đếm tiền trả hai tách cà phê và bao thuốc lá, ông Thanh lật tờ báo hôm qua để trên mặt bàn gần đó. Nguyên trang trước là bài tường thuật các trận mở màn ở phòng tuyến Xuân lộc, với nhiều hình ảnh đi kèm. Ông chăm chú đọc cho hết rồi mới rời câu lạc bộ. Nét mặt ông vui. Ngữ hỏi:
- Trung tá cười cái gì vậy?
Ông Thanh không trả lời thẳng:
- Cậu thấy không. Khi những người lính thấy không còn gì để mất nữa, phải dừng lại để chiến đấu, thì họ chiến đấu ra trò. Sư đoàn 18 một mình cầm cự với ba sư đoàn Bắc Việt, nhưng để rồi cậu coi, chưa chắc tụi nó chọc thủng được phòng tuyến này. Cậu thấy không, không phải chỉ còn bọn chết nhát. Thắng hay thua trận cuối này, còn tùy thuộc vào nhiều điều. Nhưng dù có thua, cũng phải làm sao cho ra cái giống người!
° ° °
Họ được sự vụ lệnh đi bổ sung cho Sư đoàn 18. Viên thiếu tá giao quân vụ lệnh nói với Trung tá Thanh, nhưng nhắm chung cả hai người:
- Tình hình khẩn cấp lắm. Nếu quí vị đến trình diện ở Bộ Chỉ huy Sư đoàn ngay chiều nay thì quá tốt. Chậm nhất là sáng mai quí vị phải có mặt dưới đó, để họ còn phân bố công tác cho quí vị.
Ngữ hơi ngạc nhiên vì cái giọng trang trọng khách sáo của viên thiếu tá.Trung tá Thanh không nói gì, nhận thay giấy tờ cho cả Ngữ. Ra khỏi Tổng tham mưu, ông cười nói với Ngữ:
- Hắn hơi có vẻ kịch. Làm như đưa bọn mình qua sông Dịch để hành thích Tần Thủy hoàng không bằng. Thế nào, cậu định đi ngay hôm nay hay để sáng mai? Sáng mai nhé?
Ngữ đáp gián tiếp:
- Thế nào các bà cũng cằn nhằn.
- Cậu còn bù khú được mấy ngày thỏa thích, chứ tôi…
Ông Thanh ngưng không nói hết câu. Ông tự thấy so bì như vậy không phải! Ông chuyển sang việc khác:
- Ngày mai tôi lấy cái Suzuki này chở cậu đi luôn. Cái xe cũ tưởng bết, ai ngờ chạy mạnh lắm. Bây giờ tôi chở cậu về trả cho Quỳnh Trang.
- Trung tá ở lại ăn cơm không?
- Thôi. Tôi còn phải về sống với vợ con thêm một buổi cho trọn.
Ông Thanh bỏ Ngữ lên hè phố trước hiệu trà, rồi rồ ga chạy nhanh về phía bến xe buýt. Quỳnh Trang đã dọn sẵn bữa tiệc thịnh soạn ở nhà chờ đãi ông Thanh. Thấy Ngữ về có một mình, nàng hỏi:
- Trung tá đâu?
- Ổng về rồi.
- Ơ kìa, mình mời ông ấy dùng cơm trưa mà.
Ngữ định cho biết việc nhận nhiệm vụ mới, nhưng ngại ngùng không nói ngay được. Ngữ lúng túng giải thích:
- Ổng nhận lời em rồi mới nhớ là chị Thanh đã bảo ông phải về buổi trưa đi thăm bà mẹ chị ấy dưới Đakao. Bà cụ mệt nặng.
Quỳnh Trang không tin, lo lắng hỏi:
- Hay anh làm gì cho ảnh giận?
- Có làm gì đâu. Thầy me đâu rồi?
- Me nằm trong phòng. Còn thầy thì…
Đến lượt Quỳnh Trang lúng túng ngưng ngang câu đang nói. Nàng không muốn cho Ngữ biết là lúc Ngữ và ông Thanh vừa đi xong, Diễm có tới tìm ông Thanh Tuyến. Nàng về trở lại Sài gòn đón ông bà Bỗng, và đang gặp rắc rối vì chưa tìm ra phương tiện trở ra đảo. Không biết còn cầu cứu ai, Diễm đòi chiếc Simca đã cho người bạn đến chở Ông Thanh Tuyến đi, để ông giúp thử tìm cách ra Phú quốc với bất cứ giá nào. Quỳnh Trang phần nào thấy vui khi nhìn vẻ mặt xơ xác lo lắng của Diễm, đôi mắt hớt hải đôi môi tái không tô son của Diễm, mái tóc bù rối không xịt keo của Diễm, dáng đi tất tả mất hết vẻ đài các đỏm dáng trước kia của Diễm. Nhưng đồng thời nàng cũng lo ngại Diễm không đi được. Quỳnh Trang không thắc mắc về ông Thanh nữa, bảo chồng:
- Anh vào mời me ra dùng cơm.
- Con đâu?
- Em cho nó ăn rồi. Bây giờ đã một giờ chiều. Nó kêu đói đòi ăn trước.
Bà Thanh Tuyến chỉ hỏi qua loa cho có chuyện về ông Thanh. Bữa ăn buồn bã, vì mỗi người đều có nỗi lo riêng.
° ° °
Quỳnh Trang òa khóc như con nít, vừa mếu máo vừa nói:
- Em đã bảo, anh đi trình diện làm chi! Anh về đây được, họ có biết đâu! Cứ nằm nhà chờ lúc nào yên ra trình diện, khai là mình bị lạc ở ngoài Tuy hòa bây giờ mới về được Sài gòn, họ không có quyền gì hạch hỏi anh cả. Họ bỏ rơi anh đến nỗi anh chạy bán sống bán chết mới về được với vợ con, về được mấy ngày anh lại dại dột lên xưng xưng là tôi có mặt đây, có cần sai bảo tôi việc gì nữa không. Việc gì? Họ chỉ muốn đẩy anh vào chỗ chết, che đạn mặt sau cho họ yên tâm leo lên máy bay chạy thoát. Sao họ ngồi cả đống ở Tổng tham mưu mà họ không ra Sư đoàn 18 tăng cường mà bắt anh ra? Họ…
Ngữ cắt lời vợ:
- Em nói cái gì lạ vậy? Mình là lính thì phải nghe lệnh.
- Chứ họ không phải lính à? Ông Thiệu ông Khiêm không phải lính à? “Hãnh diện trở về làm chiến sĩ…” Trời! Ổng nói trên truyền hình rõ ràng mà bây giờ ổng chạy mất rồi. Em dám cá với anh là mấy ông tướng hiện giờ đang leo lên máy bay hay là trên đường ra phi tnrờng rồi. Chỉ có anh với anh Thanh dại dột mới ngoan ngoãn lãnh sự vụ lệnh xuống Sư đoàn 18.
- Nói như em thì ai đánh giặc bây giờ? Phải có người nầy người khác chứ!
Quỳnh Trang to tiếng vì giận:
- Chỉ có người khôn kẻ dại thôi.
Thấy Ngữ bậm môi lại,Quỳnh Trang biết mình chạm quá nặng vào tự ái của chồng. Nàng hạ giọng:
- Em lo cho anh nên phải nói. Anh phải nghe lời em, ít nhất là nghe lời em lần này. Em biết anh rất kính phục anh Thanh, anh Thanh làm cái gì anh cũng thấy hợp lý hết. Em dám chắc hiện giờ anh Thanh cũng đang bị chị ấy cằn nhằn. Các anh xem thường đàn bà, cho là em ích kỷ. Nhưng lần này anh nghĩ lại đi, em có lý của em. Chẳng còn bao lâu nữa, mọi sự ngã ngũ. Ai thắng ai bại chưa biết, nhưng chắc chắn là chiến tranh chấm dứt. Em không muốn mất anh, vào những ngày cuối cùng. Em…
Quỳnh Trang lại bật khóc.
Ngữ đến cạnh giường, ngồi xuống kéo vợ ôm vào lòng. Quỳnh Trang ban đầu còn cưỡng lại, nhưng sau đó để cho chồng ôm trong đôi tay, người mềm nhũn vì yếu đuối, khổ sở. Giọng Ngữ đều đều rót vào tai nàng:
- Những điều em vừa nói đều đúng cả. Theo lẽ thường, khôn ngoan hơn hết là trốn được cứ trốn, chờ tình hình ngã ngũ ra sao rồi hẳn hay. Nhưng em đã quá hiểu tính anh. Anh là người cứ hay soi gương để nhìn con người mình. Làm điều gì không phải, anh cứ áy náy, ân hận không yên. Trốn? Nếu làm được việc đó, anh đã trốn về Sài gòn với em từ hồi tháng ba, khỏi phải chạy bán sống bán chết để rồi cuối cùng cũng phải về đây. Em thử nghĩ coi, nếu hồi đó anh về Sài gòn với em, anh có yên tâm khi nghe tin Pleiku mất, Phú bổn mất hay không? Anh có dám nhìn lại mặt anh Thanh hay không? Người khác có thể tha thứ cho anh, nhưng anh không tha thứ cho anh được. Anh sẽ khinh anh suốt đời.
Quỳnh Trang ngửng lên nói:
- Hồi đó khác bây giờ.
- Ừ, thì có khác. Nhưng cái hèn nhát chạy trốn lúc đó và chạy trốn bây giờ không khác gì cả. Anh thà làm kẻ dại chứ nhất định không làm một kẻ hèn.
Quỳnh Trang đưa tay xô nhẹ Ngữ ra, nhìn thẳng vào mắt Ngữ. Mặt nàng nghiêm và buồn hiu. Nàng biết không thể lay chuyển được Ngữ, Quỳnh Trang đứng dậy nói:
- Em khổ vì cái tính…cái tính…của anh.
Nàng không tìm ra một tĩnh từ vừa phải để nói đúng tính của Ngữ. Nàng yêu cái tính đó, nhưng cũng khổ sở vì cái tính đó. Nàng không thể nặng lời với chồng, dù biết nếu Ngữ chịu sống bình thường hơn, có lẽ nàng may mắn hạnh phúc hơn.
Suốt buổi chiều, Quỳnh Trang không nói năng gì, nàng cũng tránh không nhìn thẳng vào mắt Ngữ. Nàng lẳng lặng đi thu xếp quần áo và một vài thứ cần thiết cho chồng. Bà Thanh Tuyến biết chuyện, gọi con gái vào phòng bà, hai mẹ con rủ rỉ nói chuyện riêng với nhau, Ngữ không hiểu họ nói những gì. Ông Thanh Tuyến đi cả buổi chiều và buổi tối không về nhà. Ngữ buồn rầu dẫn con đi bộ xuống Ngã Bảy nhìn xe cộ qua lại. Sinh hoạt trên đường phố vẫn hối hả rộn rịp, mặc dù tiếng súng từ mặt trận Xuân lộc lâu lâu dội về tận thủ đô, và trên trời lúc nào cũng có tiếng trực thăng bay tuần trên không phận.
Ngữ về nhà, gặp vợ đang đứng thơ thẩn trước cửa như cố ý chờ chồng con. Ngữ xót xa thấy Quỳnh Trang tiều tụy buồn bã quá. Quỳnh Trang đưa cho Ngữ sợi dây chuyền có tượng Phật:
- Me bảo anh đeo cái dây chuyền nầy. Mai mấy giờ anh Thanh tới?
Ngữ nói giờ hẹn. Quỳnh Trang thở dài, đưa tay cho con nắm dẫn con vào nhà trước chồng.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương