In books lies the soul of the whole Past Time: the articulate audible voice of the Past, when the body and material substance of it has altogether vanished like a dream.

Thomas Carlyle

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 43
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
áy bay của hãng Air America do USAID thuê bao chở gia đình Diễm ra Phú quốc hôm 26-4. Cả vợ chồng Ngọc lẫn Diễm ra sức thuyết phục năn nỉ,nhưng ông Bỗng dứt khoát ở lại, không di tản theo hai con. Buổi chiều sau những bữa nhậu quên đời ông thường say. Không phải rượu không cho ông đi Mỹ. Nỗi hận tích lũy bảy năm nay, bảy năm thất nghiệp, bảy năm nhớ tiếc tiếng còi tàu, bảy năm nằm mơ những mái ga, bảy năm từng đêm thao thức nghe tiếng bánh sắt điểm nhịp mỗi lần lăn qua mối nối của các thanh đường rầy, nỗi hận đó mạnh hơn rượu. Ông nói như quát vào mặt con gái:
- Mày giàu có nhờ chúng nó thì bây giờ chạy theo bám đít chúng nó đi. Tao không đi đâu hết. Chúng nó bỏ tù tao, sa thải tao. Bây giờ tao nhập phường với chúng nó à?
Diễm khóc, cố năn nỉ:
- Ba, họ vào đây mình không sống được đâu. Ba nhớ hồi Mậu Thân không? Có những người không làm gì cả cũng bị giết. Bác Văn hiền lành như vậy cũng bị chôn sống. Con lạy ba, ba mạ đi với con.
- Sao mày biết họ chết oan? Mày có biết rõ họ không mà dám bảo họ hiền lành? Ban ngày làm thầy giáo, ban đêm làm mật vụ cho cảnh sát, làm sao mày biết.
Nghe cha tàn nhẫn xúc phạm đến ông Văn, Diễm giận tràn hông không nói được nữa. Mặt ông Bỗng đỏ gay, ông cũng giận, đôi môi thâm run run như người sắp phát cuồng. Diễm và Ngọc biết không thể nói gì thêm với cha được, xuống bếp năn nỉ với bà Bỗng. Bà khóc lắc đầu. Bà nói:
- Ba mày không đi đâu. Các con cứ đi đi. Phần mạ, mạ mong được gặp lại thằng Ngô. Qua bên đó, các con nhớ thư từ đều đặn cho mạ yên tâm.
Cha mẹ không chịu đi, những dự tính của Diễm bị sụp đổ. Nàng biết cuộc hôn nhân gượng gạo giữa nàng và Mân đã tới hồi chấm dứt. Cuộc đổi đời chung là cơ hội để cả hai vợ chồng dứt khoát đổi thay đời riêng. Cả Mân lẫn Diễm đều ngầm thỏa thuận như vậy.
Xe buýt đến đón họ đưa ra sân bay. Quanh Diễm có gia đình Ngọc, gia đình bên Mân, gia đình vợ Ngọc. Lên máy bay, hai mẹ con Diễm được nhường nhịn, bảo bọc, dành cho mọi ưu tiên. Nhưng từ lúc xe nhà binh đưa họ từ sân bay Phú quốc về trại tạm trú, Diễm mới bắt đầu thấm thân phận lẻ loi. Mới bắt đầu thấy thiếu cha mẹ.
Trại tạm trú nằm cách bờ biển chừng hai cây số, vốn là một doanh trại của Tiểu đoàn 14 Quân cảnh, gồm những dãy nhà xây dài và rộng không có tiện nghi như nước hay cầu tiêu, chỗ nấu nướng. Đám bà con di tản được đưa vào ở chung trong các dãy nhà đó, từng gia đình trải chiếu quây màn làm chỗ ngủ. Các bà nội trợ chịu khó đi bộ hay xin quá giang xe chở nước, ra chợ mua chiếu, nồi niêu soong chảo, khăn, xà phòng, dép nhựa hoặc các thức ăn. Ai nấy phải tự túc lấy việc ăn uống trong thời gian chờ đợi, đài Mẹ Việt Nam chỉ liên lạc với các đơn vị quân đội đồn trú trên đảo xin cung cấp nước đủ cho việc nấu nướng ăn uống mà thôi. Muốn tắm giặt, phải kéo nhau ra biển hoặc tới hồ nước ngọt gần trại.
Vừa tới căn nhà tạm trú, Diễm đã thấy giá trị của mình sút kém. Gia đình bên vợ của Ngọc chọn một khoảng trống cách xa chỗ Diễm đặt hai cái xách tay của mình, ngầm đưa ra một tín hiệu mới. Lặng lẽ mà dứt khoát định khoảng cách. Mân xách đồ đạc cho vợ con từ trên GMC xuống, là vội chạy đi đâu mất cả nửa tiếng đồng hồ. Trở lại, Mân phải kiên nhẫn nghe vợ phàn nàn về nhân tình thế thái thêm nửa giờ đồng hồ nữa. Diễm thấy bên gia đình Ngọc ra khu bán đồ tạp hóa nằm dọc hai bên đường đất đỏ ngoài trại mang về đủ thứ, nóng mặt tự ái, bảo chồng trông con ra chợ khuân về đủ thứ cần thiết và không cần thiết. Diễm mua mà không cần trả giá, vì nghĩ số tiền lớn mình mang theo chẳng bao lâu nữa chỉ là những xấp giấy lộn. Khệ nệ mang xách đủ thứ về trại, Diễm không thấy Mân đâu. Thằng Thuận ngồi khóc mếu máo, nước mắt đầm đìa. Bà bạn làm ở phòng kỹ thuật của đài đang cố dỗ cho nó nín khóc mà không được. Diễm quẳng mớ đồ mới mua lên chiếu, chạy tới bên con. Nàng tức giận hỏi bà Dung:
- Ông Mân nhà tôi đi đâu bỏ thằng nhỏ vậy chị?
Bà bạn đáp:
- Ông vừa chạy đi đâu đó. Thằng nhỏ ban đầu chơi banh với thằng Tèo nhà tôi, sau tự nhiên kêu “má” om sòm, dỗ mấy cũng không nín.
Diễm mím môi lại. Bà Dung sơ hở để cho nàng biết Mân đã bỏ con đi chơi từ lâu. Vì tự ái, Diễm không nói gì, chỉ dỗ cho con nín khóc, rửa mặt mũi cho con rồi bầy những thứ mua được ra. Ngọc qua thăm em, Diễm gằn giọng hỏi anh:
- Các người bên đó tránh không muốn dây tới con hủi này phải không?
Ngọc lúng túng nhìn em, nhỏ giọng nói:
- Sao em ăn nói kỳ cục vậy! Gia đình bên đó đông, phải chọn chỗ rộng gần cửa một chút. Hay em dọn qua cho có anh có em.
- Không thèm. Không còn anh em gì với nhau hết!
- Ơ, sao tự nhiên em giận anh.
Diễm giận quá, giọng bắt đầu run:
- Tôi biết các người chỉ cần tôi cho đến lúc có chỗ ngồi trên máy bay. Bước được lên đảo, các người bắt đầu sợ mẹ con tôi theo ăn bám. Tôi nói cho các người biết, chưa chắc các người đem được nhiều tiền bằng tôi đâu. Chưa biết ai sẽ phải ăn bám ai.
Ngọc năn nỉ:
- Em nói nhỏ một chút, người ngoài họ nghe được, cười cho. Em hiểu lầm rồi.
- Tôi đâu phải đứa ngu. Liếc sơ một cái, tôi hiểu liền.
Thấy nét mặt của anh thảm hại quá, Diễm dịu giọng hỏi:
- Anh có thấy ông Mân đâu không?
- Không. Chắc chạy đi đâu đó. Hay là anh ấy đi lấy nước?
- Hai cái xô đựng nước em mới mua về kia, lấy gì đựng mà đi hứng nước?
- Em cần, anh đi lấy nước cho!
Diễm định từ chối, nhưng nghĩ lại, nghiêm mặt gật dầu. Nàng không còn thiết đến nấu nướng gì nữa, lấy ổ bánh mì mới mua về, đục lon sữa đặc đổ ra chén. Hai mẹ con chấm bánh mì vào sữa cố ăn cho đỡ đói. Diễm giận, nuốt không vô.
° ° °
Trời đã tối. Mấy ngọn đèn bóng trong căn nhà dài không đủ sáng, từng gia đình phải mua thêm nến thắp. Cảnh vợ chồng con cái xúm quanh một ngọn đèn ấm cúng của thiên hạ càng làm cho Diễm cảm thấy lẻ loi, tủi thân. Diễm giận mình, giận người, giận đời. Nhìn con nằm chèo queo ngủ mê mệt trên chiếu, mắt Diễm mờ lệ. Nàng gục mặt vào đầu gối, vai run run theo tiếng nấc. Mân về lúc nào Diễm không hay. Lúc nhớ nước mắt làm hoen lớp phấn trên má, ngửng đầu lên định lấy cái khăn mỏng chặm nhẹ nước mắt và thôi không nên khóc nữa, Diễm đã thấy Mân ngồi bên cạnh. Diễm giận dữ hỏi:
- Anh bỏ đi chơi đâu bây giờ mới về?
Như đã chuẩn bị sẵn, Mân bình tĩnh đáp:
- Em ra ngoài kia anh nói cái này.
- Chuyện gì?
- Chuyện quan trọng. Đi, con ngủ rồi, không sao đâu!
Đột nhiên Diễm cảm thấy sợ, sợ cái gì, nàng chưa hiểu rõ. Nàng lờ mờ đoán Mân sắp nói những điều không vui. Diễm cảm thấy yếu đuối.
Hai người dẫn ra ngồi trên bậc tam cấp gần cửa ra vào. Đêm đen dày. Gió biển thổi tới, đưa theo hơi lạnh và mùi rong tanh tao. Diễm cảm thấy ngầy ngật, muốn nôn giống như thời có mang ngửi phải mùi tanh của cá. Ông Mân chờ vợ ngồi xuống xong, mới chậm rãi nói:
- Anh phải cho em biết ngay từ bây giờ, để hai đứa mình dễ tính về sau. Vẫn là chuyện anh với Diễm đã đồng ý với nhau trước khi đi. Diễm muốn tự do. Anh cũng vậy. Anh không oán hận gì Diễm, không nợ nần gì Diễm. Ngược lại, Diễm cũng không nợ nần gì anh. Chúng ta đã rất sòng phẳng với nhau suốt mấy năm nay. Cho nên anh cũng muốn sòng phẳng, thẳng thắn với Diễm ngay từ bây giờ. Diễm đã biết là gần đây anh “đi lại” với Trang-Bích-Vân. Anh đề nghị em làm một cuốn băng cho Trang Bích Vân mà em nhận, anh rất cảm động. Em không ghen. Mà không ghen vì không yêu anh. Anh biết. Anh đã tìm cách vận động riêng và đưa được Trang Bích Vân ra đây. Vân di chuyển máy bay sau chuyến hai đứa mình. Anh đã phụ Vân một tay tạm dọn dẹp xong chỗ ăn chỗ ngủ trong căn nhà kia.
Ông Mân dừng lại dò phản ứng của Diễm. Thấy Diễm im lặng nhìn thẳng vào bóng đêm trước mặt, ông Mân yên tâm, nói tiếp:
- Từ tối nay, anh ở hẳn bên đó.
Diễm cảm thấy đau nhói ở tim, nhưng nàng cố ngồi thẳng người như cũ. Chờ mãi chưa thấy Diễm nói gì, ông Mân rụt rè hỏi:
- Anh có làm em buồn không?
Diễm vội đáp:
- Không. Mình đã nói trước với nhau rồi.
Mân yên tâm, vui vẻ nói:
- Em thật đáng phục. Anh chỉ tiếc là em không yêu anh.
Diễm sợ ngồi nghe Mân nói thêm những lời mơn trớn, mình sẽ không cầm được nước mắt, nên bậm môi dằn xúc động, hỏi:
- Anh có cần nói thêm gì không?
- Chỉ có bấy nhiêu. Em cần anh giúp gì không? Đã mua xô đựng nước chưa? Anh có mua đôi dép Nhật cho em…
Diễm gạt ngay:
- Tôi có rồi. Để đôi dép cho cô “ca sĩ vườn” của anh!
Diễm đứng dậy, bỏ Mân ngồi lại, trở vào căn nhà tạm với con.
° ° °
Ngày hôm sau, sinh hoạt trong trại có vẻ bình thường, nhàn nhã, không còn hối hả khẩn trương như thời gian căng thẳng chờ đi ra Phú quốc. Đời sống chung đụng ở một khu doanh trại thiếu tiện nghi buộc những người đàn ông phải tự nguyện đứng ra xây dựng những tiện ích chung, trong khi phái nữ thu vén xếp đặt lại nơi ăn chốn ở.
Lớp trai tráng lo đào hố rác, chặt cây làm bàn ăn công cộng dọc theo dãy nhà, khơi rãnh thoát nước ở chỗ đặt xe bồn. Trẻ con thích thú kéo nhau đi tắm biển. Cảnh rộn rịp ổn định chỗ tạm trú làm cho mọi người lạc quan trở lại. Họ nghĩ đã ra tay tính chuyện ăn ở lâu dài thế này có nghĩa là tình hình chưa đến nỗi tồi tệ, một là Sài gòn còn cầm cự được khá lâu, hai là sẽ có một giải pháp chính trị nào đó để họ khỏi phải lưu vong, ở Phú quốc vài tuần máy bay Air America lại chở họ về đất liền. Không hy vọng sao được, khi bộ phận kỹ thuật đã cho lắp ráp máy móc để lập đài phát tuyến ngay trên đảo. Có người nói đùa:
- Không biết chừng bọn mình sắp thành dân Đài loan đây!
Món đồ được nam giới cưng quý nhất trên đảo là cái máy thu thanh. Hễ có một đám ba bốn người đàn ông ngồi túm tụm nhau thì lúc nào bên cạnh họ cũng có cái máy thu thanh đang mở cao âm độ.
Khoảng xế trưa, toàn trại náo động vì có tin loan bốn giờ chiều hôm ấy tổng thống Thiệu sẽ nói chuyện trực tiếp với “quốc dân đồng bào” qua đài truyền hình và đài truyền thanh. Các chức sắc xoay xở giỏi đã chạy đến những chỗ có tivi ngồi chờ. Kém vế hơn thì canh giờ mở đài Sài gòn. Đi đâu cũng nghe bàn tán huyên náo về những gì ông Thiệu sắp nói.
- Chắc ổng sắp từ chức.
- Cái thằng mặt dày đó bây giờ chưa chịu từ chức thì chờ tới lúc nào!
- Nghe nói ông Kỳ sắp đảo chánh. A ha! Ông tướng râu kẽm chịu chơi này mà lên, thì chắc tụi mình chứng kiến được nhiều cảnh ngoạn mục.
- Bây giờ đảo chánh thì thêm loạn. Chắc Mỹ không để cho đảo chánh đâu. Anh Chàm đó đi thì cụ giáo chống gậy lại lên.
- Cụ giáo nào? Ông Hương ấy à!
- Đã chắc gì lão Thiệu chịu đi. Lão nổi tiếng lì. Đã đi thì lặng lẽ đi, chứ không nói. Đã dám lên tivi “quốc dân đồng bào”, chắc chắn lão phải nắm được thế thượng phong nào đó. Có thể là các phe đã chia xong ghế rồi.
- Này, lỡ có liên hiệp thật, các cậu có dám về không?
- Sao lại về. Mình lập đài ở đây, coi như phòng tuyến đấu tranh chính trị chơi Cộng sản dài dài, sao lại về…
Cứ thế thiên hạ bàn tán huyên thiên, lâu lâu nhìn đồng hồ. Đúng bốn giờ chiều, giọng nói quen thuộc của ông Thiệu vang dội khắp trại. Trừ lũ trẻ còn ham giỡn sóng tắm nắng vọc cát ngoài bãi biển, tất cả người lớn đều dừng mọi công việc tụ họp quanh các máy thu thanh.
Ông Thiệu ứng khẩu một bài nói chuyện dài dòng không cần mạch lạc, nhưng giọng nói còn rắn rỏi thu hút được người nghe. Phải chờ thật lâu, mọi người mới biết đích xác tổng thống đã chịu từ chức.
“…Tôi từ chức để xem sau khi ông Thiệu không còn nữa thì các cuộc thương thuyết có thể đạt được không. Nếu Cộng sản đồng ý thương thuyết thì miền Nam đồng ý thương thuyết. Được vậy là điều may cho quốc gia và toàn thể nhân dân. Và sau khi ông Thiệu đi rồi, nếu miền Nam được viện trợ đầy đủ tức khắc để quân đội chiến đấu, đó là điều may cho quốc gia…”.
Vài người ngứa miệng vừa định lên tiếng bình luận thì những người khác đã suỵt suỵt phản đối, đòi giữ yên lặng để nghe cho hết buổi lễ từ chức được trực tiếp truyền thanh và truyền hình. Cụ giáo già 71 tuổi trở thành tân tổng thống. Giọng cụ đã yếu, cố gắng cất cao cho vững mạnh nhưng nghe cứ hụt hẫng đến thiểu não. Tân tổng thống long trọng thề “chiến đấu cho đến khi tất cả chiến sĩ đều hy sinh hay là mất nước”.
° ° °
Chuyến Air America thứ nhì chở thêm ra Phú quốc một số nhân viên và gia đình nhân viên đài Mẹ Việt Nam chưa kịp đi chuyến đầu của Diễm. Nàng nhận ra được một số nhà văn tên tuổi thỉnh thoảng nàng gặp ở đài, nhưng chưa bao giờ được nói chuyện với họ. Những người mới ra cho biết còn thêm một chuyến nữa mới chở hết những người còn lại. Hỏi thăm tình hình Sài gòn, họ bảo vẫn không có gì lạ. Ngoài phố, thiên hạ vẫn nhởn nhơ. Quán ăn, vũ trường vẫn đông nghẹt. Tin đồn thì thôi khỏi nói: nào phe ông Kỳ nhất định đảo chánh để đẩy lui Bắc quân, nào phe ông Minh đã được cả Pháp, Mỹ, Trung Cộng, Nga Sô ủng hộ để đòi cái ghế tổng thống từ tay cụ giáo già,- và Hà nội cũng chỉ chịu thương thuyết với một mình Big Minh mà thôi. Diễm hoang mang, không hiểu những tiên đoán bi quan của đài BBC đúng hay cảnh thanh bình an nhiên của Sài gòn là đúng. Trong lúc đó, nàng không chịu đựng nổi cảnh lẻ loi. Nhìn quanh, Diễm thấy gia đình nào cũng sum vầy đầm ấm. Ngọc thường qua lại chỗ Diễm để trò chuyện với em, nhưng Diễm ghét cay ghét đắng bộ mặt đăm đăm khó ưa của bà chị dâu.
Ông trưởng phòng biên tập của đài chạy đi hỏi không biết ở đâu, hớn hở trở về báo cho vợ biết là nếu muốn, có thể về Sài gòn đưa thêm thân nhân ra Phú quốc chờ di tản. Diễm nghe tin mừng quá, tìm hỏi ông cố vấn. Ông ta khuyên:
- Về Sài gòn cũng được. Các chuyến bay từ đây về đất liền không chở ai, tôi nói một tiếng phi hành đoàn họ sẵn sàng. Nhưng cô phải suy nghĩ cho kỹ. Tình hình trong đó biến chuyển không biết đâu mà lường. Có thể cứ nhì nhắng thế này cho đến lúc đi đến thương thuyết. Có thể đột ngột tồi tệ đi. Một lần nữa, cô phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Diễm nghĩ tới cảnh sống lạc loài hai mẹ con trên xứ người, khẩn khoản xin về Sài gòn để cầu khẩn van nài ba mạ đi với mình. Diễm sẽ nói hết chuyện lôi thôi giữa mình và Mân. Khi bà Bỗng biết rõ tình cảnh con gái, thế nào bà cũng nóng ruột và nhất định theo Diễm. Ông Bỗng lâu nay chỉ nằm nhà ăn bám vợ con, dù không muốn cũng phải đi.
Diễm gửi con cho vợ chồng Ngọc, về Sài gòn hôm 24. Thằng Thuận khóc không cho vợ Ngọc bồng. Ngọc hỏi:
- Em giao cho ba nó, nó chịu không?
Vợ Ngọc thì nói:
- Tối hôm qua chị nghe đài VOA, họ loan tổng thống Ford tuyên bố với sinh viên Đại học Tulane rằng Mỹ coi chiến tranh Việt Nam như đã chấm dứt. Họ dứt khoát nói trắng như vậy thì cộng sản phải lấy Sài gòn. Em về sợ kẹt đấy. Ba mạ không đi đâu.
Diễm quắc mắt nhìn anh và chị dâu, chỉ thấy họ ích kỷ, ngại không muốn giữ hộ cháu vài hôm mà phải lôi cả tổng thống Mỹ vào nói hộ. Nàng càng nhất quyết về Sài gòn.
Máy bay đáp xuống phi trường Tân sơn nhất vào xế chiều. Trời nóng như thiêu như đốt. Mới sống mấy ngày trên đảo, Diễm thấy choáng ngợp khi bước ra khỏi phi cảng. Xe cộ rộn rịp, người đi lại chen chúc. Không khí rộn rã khác thường, không có dấu vết của một thành phố đang bị vây hãm. Nếu không có những trạm Quân cảnh kiểm soát giấy tờ quân nhân trên các đường vào phi trường, Diễm không nghĩ đến chiến tranh nữa.
Nàng cảm thấy vững tâm, kêu taxi về Khánh hội, không quan tâm tới cái giá quá đắt so với ngày thường. Diễm định bụng về Khánh hội nói chuyện với ba mạ xong sẽ tới nhà người bạn lấy lại chiếc Simca lái đi thăm thêm một số bạn bè, nếu được đãi họ thêm một bữa cơm thịnh soạn ở Tài Nam, rồi mới đưa ba mạ ra đảo.
Ông cố vấn đã dặn Diễm liên lạc ngay với cơ quan Mỹ ông giới thiệu để có phương tiện hàng không trở lại đảo. Ông cũng không ngại gì khi Diễm xin ông cấp cho một giấy thông hành khác, đề tên ông bà Bỗng như là thành phần của số người di tản thuộc đài Mẹ Việt Nam.
° ° °
Diễm năn nỉ cha:
- Ba mạ thương con. Con liều bỏ về đây chỉ vì lo cho ba mạ. Ai cũng ngăn con không nên về. Con liều. Con không đành lòng bỏ ba mạ ở lại. Con với anh Ngọc đi, ba mạ già yếu lại không có bà con gì ở đây làm sao mà sống. Tiền con để lại cho ba mạ rồi có lúc cũng cạn, ba mạ có nghĩ tới không? Con bên đó sống sao nổi khi nghĩ ba mạ khổ cực bên này. Xin ba nghĩ lại, con đã thưa chuyện với mạ. Mạ nói nếu ba đi thì mạ đi. Con van ba.
Ông Bỗng vẫn lập lại lý luận cũ, nhưng hôm nay ông cập nhật hóa thêm một số thời sự ông nghe được qua đài phát thanh:
- Mày bảo tao qua bên đó làm gì! Qua làm mọi cho Mỹ à! Nó cúp viện trợ, tổng thống tụi nó phủi tay nói thôi xong rồi, không còn Việt Nam Việt Niếc gì hết, dân nó vỗ tay rào rào, thì mình qua bên đó nó khinh như khinh bọn ăn mày ăn xin, nhục lắm.
- Ba, ba quên là chính người Mỹ lo cho tụi con đi hay sao. Công chức quân nhân Việt Nam thì phần chính phủ làm sao làm, nhưng hễ ai làm cho Mỹ thì cả chị bếp họ cũng lo cho đi. Nhiều người chỉ quét dọn cho doanh trại Mỹ cũng được di tản. Họ phủi tay thì hơi đâu lo cho mệt.
- Tụi nó sợ bị trở mặt nên mới giả bộ đưa tụi mày ra đảo, tới hồi tụi nó rút tụi mày khỏi chận đường chứ tử tế gì. Mày cứ ra đó mà chờ tàu! Tao nói trước cho biết, khi bị tụi nó bỏ nằm chơ hơ trên đảo thì đừng có than trời trách đất. Mày khôn hồn có ra Phú quốc thì lẳng lặng mà đi, đừng hô hoán ầm ĩ lên, khoe khoang rùm beng rồi trở lại Sài gòn người ta cười cho. Thế thái nhân tình, mày còn dại lắm, chưa hiểu được đâu.
Diễm không sợ mất mặt nữa, đem kể hết chuyện ngoài đảo cho cha nghe, rồi năn nỉ theo lối khác:
- Con ra ngoài đó mới thấy tủi thân. Hai mẹ con con mà không có ba mạ đi theo thì sống sao nổi ở xứ người. Ba nghĩ coi, ba mạ vào đây mọi chuyện tiền nong con lo hết, anh Ngọc có ngó ngàng tới đâu. Ba mạ có ở Phú quốc mới thấy gia đình bên đó ở bạc với con. Họ ỷ giàu, còn anh Ngọc thì sợ nhà vợ một phép.
Ông Bỗng giận dữ hét lên:
- Thằng con bất hiếu bất nghĩa. Biết nó cư xử với em như vậy tao bắt nó ở nhà chăn bò không cho đi học. Mày ra gọi nó về đây cho tao hỏi. Đồ cái bọn nhà giàu chỉ biết có tiền.
Diễm biết mình đã chọn đúng đường, thêm thắt đổ xấu thêm cho gia đình vợ của Ngọc và gia đình ông Mân. Diễm đổ thêm dầu vào lửa:
- Con gửi cháu về đón ba mạ mà không ai thèm nhận. Cuối cùng con phải thuê người giữ hộ. Nó khóc tới khan tiếng, nhưng con nóng ruột về đón ba mạ. Ba, ba gật đầu đi cho con vui. Nếu ra đó ba mạ không đi thì con cũng hầu hạ ba mạ thêm được ít tuần nữa rồi mới xa ba mạ. Ba mạ đã già yếu, biết bao giờ con mới được gặp lại ba mạ.
Diễm bị xúc động vì chính lời của mình. Nàng quặn đau khi nghĩ tới ngày được tin cha mẹ qua đời mà còn lưu lạc ở một chốn xa xôi nào đó, không thể trở về lạy cha mẹ một lạy, thắp lên bàn thờ một vài nén hương.
Bà Bỗng thút thít nói với chồng:
- Con nó nói cũng phải. Hay mình ra Phú quốc ở với con vài ngày, chờ khi nào tụi nó lên tàu mình hãy về. Ông phải ra để rầy la thằng Ngọc. Chỉ có hai anh em đi với nhau, mới tới đảo mà nó đã vô tình như vậy, qua Mỹ còn ra sao nữa.
Ông Bỗng bị vợ con thuyết phục. Ông tìm thêm vài cái cớ vu vơ để chối từ lấy lệ, cuối cùng ông nói:
- Thôi được. Tao với mạ mày ra Phú quốc chơi một chuyến cho biết. Tao sẽ hỏi thẳng bên nhà con Ngọc tụi nó ăn cái giống gì mà cư xử không ra con người.
Diễm đâm ngại, vội nói:
- Thôi ba! Đằng nào cũng là sui gia với nhau. Anh Ngọc nhờ nhõi họ nhiều, ba nói thẳng là phải nhưng khó xử cho ảnh. Có ba mạ ra thế nào họ cũng phải nể gia đình mình. Họ phải nghĩ lại. Con mừng quá. Sáng mai con lên Mạc Đĩnh Chi dành chỗ máy bay. Có thể ngày mai có chuyến bay ra Phú quốc.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương