Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 43
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
oàn xe lại khởi hành, đội ngũ màu sắc cũng hỗn loạn vô trật tự như hôm trước. Những chiếc xe du lịch hoặc xe Lam 3 bánh bị liệt máy bỏ xác trên đồng cỏ khá nhiều, lướt lên đoạn đầu hầu hết chỉ còn các xe nhà binh. Không khí chiến tranh cũng đậm hơn so với hôm qua. Người lính nào cũng súng cầm tay, những khẩu đại liên gắn trên xe đều lắp sẵn đạn, xạ thủ ở thế sẵn sàng. Địch đã tập trung quân và bắt kịp đoàn di tản phục kích lữ đoàn thiết giáp hộ tống, thì chắc chắn đã có những lực lượng khác nằm chờ ở đâu đó giữa đám rừng già mênh mông ngút ngàn để đánh vào khúc giữa chặt đôi con rắn khổng lồ, hoặc đập nát đoạn đầu.
Không khí càng căng thẳng hơn khi những chiến sĩ Biệt động quân thất trận không giải vây được Buôn mê thuột, sau khi rã ngũ đã bằng mọi cách chạy theo đoàn di tản, và tối hôm qua, họ đã bắt kịp. Sau khi tan hàng, số quân nhân còn sống sót tìm về được hậu cứ, và cùng với các đồng ngũ ở Tiểu đoàn 25, Tiểu đoàn 27 và Tiểu đoàn 28 Biệt động quân Biên phòng, họ ngơ ngác nhận được tin cả dân lẫn quân suốt dọc cao nguyên đã ồ ạt kéo nhau rút về miền biển, bỏ họ ở lại. Họ chạy theo đoàn di tản với tâm trạng cay đắng, bất mãn. Tụi tao giơ lưng đỡ đạn cho tụi bây thoát thân trước à? Tụi tao đâu phải là con cờ thí! Sau nhiều ngày đêm băng rừng, họ bắt kịp đoàn.
Một toán Biệt động quân đi trên chiếc Jeep không biết luồn lách cách nào vượt được lên phía trước. Khẩu đại liên M-60 vẫn còn gắn lên cái chân đế sắt trên chiếc Jeep không mui. Người tài xế vừa lái xe vừa bóp còi liên tục, trong khi hơn mười quân nhân khác trên xe lăm lăm hờm sẵn súng, nòng chỉa thẳng ngang tầm người ở gần. Chiếc Jeep ấy bóp còi qua mặt xe ông Vinh và Ngữ thì bị một chiếc GMC phía trước chặn mất lối đi. Khẩu M-60 nhả hai loạt đạn bắn chéo lên trên đầu những người ngồi trên chiếc GMC để ra lệnh nhường đường. Ba quân nhân trên chiếc GMC nổi giận, vừa định chụp súng thì một loạt đạn M-60 khác bắn lướt lên đầu họ. Nhìn ra bộ đồ rằn ri Biệt động quân của những người ngồi trên chiếc Jeep, ba quân nhân kia lo ngại, hạ súng xuống, một người chạy lại đập mạnh vào ca-bin GMC nói lớn gì đó cho tài xế nghe. Chiếc GMC chạy giạt sang lề đường, hàng bánh phía trái suýt sụp vào cái rãnh chạy sát lề, chiếc xe nghiêng hẳn nhưng may không bị lật. Đàn bà con nít trên GMC kêu khóc lo sợ.
Chiếc Jeep qua mặt, còi vẫn bóp inh ỏi để giành đường.
Đoàn xe chạy thêm được hơn một tiếng đồng hồ với tốc độ không nhanh hơn đi bộ bao nhiêu, thì phải dừng lại. Đã quen với nhịp đi nhịp đứng thất thường, không ai còn thêm thắc mắc vì sao phía trước lại dừng. Một số bà mẹ dẫn con xuống đường cho chúng đi tiểu hay đại tiện. Đã bắt đầu có những toán nhỏ dân thường dắt nhau đi bộ, trẻ dìu già, anh cõng em, mẹ nách con lôi thôi lếch thếch, lũ nhỏ bị dầm nắng da đỏ hỏn và mặt mày lừ đừ như say rượu. Xe nào cũng chật như nêm nên không ai buồn nghĩ tới chuyện cho những người đi bộ quá giang. Và có lẽ họ đã xin quá giang nhiều lần mà không ai cho, nên họ cứ âm thầm lầm lũi đi, lặng lẽ chịu đựng.
Đoạn xe dừng bánh nằm ở một cái trảng rộng, cây cối không cao quá đầu người còn phần lớn mặt đất cỏ tranh bao phủ. Rút kinh nghiệm lần băng đồng tai hại hai hôm trước, không có chiếc xe nào dám lách khỏi đoàn xe chạy ra khỏi con đường đất đỏ. Nắng vẫn gắt. Trên không, hai chiếc trực thăng bay lượn nhiều vòng quan sát tình hình phía dưới. Phi hành đoàn dường như muốn chế giễu số phận những người di tản đường bộ, cho trực thăng hạ thật thấp, chao lượn nhiều lần, đến nổi người ta thấy rõ viên phi công đeo một cái kính mát miệng phì phèo điếu thuốc, còn người lính xạ thủ thì mặc một cái áo jacket màu xanh không phải đồ nhà binh.
Anh hạ sĩ lái xe ngắm hai chiếc trực thăng bay lượn thong dong, chợt ao ước:
- Tụi nó đậu xuống cho mình quá giang, thì đã lắm nghe ông thầy!
Đại úy Vinh cười đáp:
- Mày nghèo mà ham! Mày mang ba bông mai bạc chưa chắc nó đã chịu rước mày. Tụi nó đậu xuống là tiêu tùng.
Có lẽ cảnh bay lượn trên làm khá nhiều người ngứa mắt, nên có một loạt súng nổ chỉ thiên lúc một chiếc trực thăng bay sà xuống. Rồi hai ba loạt đạn khác nối tiếp. Hai chiếc trực thăng lo sợ bay vút lên cao, rồi dần dần mất hút về hướng đông.
° ° °
Đoàn xe dừng lại một giờ, rồi hai giờ hơn. Mọi người bắt đầu sốt ruột, lao xao hỏi nhau, phỏng đoán đủ thứ nguyên do. Từng toán đi bộ vẫn lầm lũi bước. Nhiều chiếc xe nhà binh của Biệt động quân liều lĩnh lấn tới, và vì xe trước dừng không nhúc nhích được tay lái để tránh đường, nên tài xế những chiếc xe Biệt động quân đành phải chạy bừa qua những đám cỏ tranh, bất chấp những bất trắc.
Hai chiếc GMC và một chiếc Dodge ngụp lặn giữa biển cỏ tranh vượt qua chỗ xe Đại úy Vinh đậu, bên trái. Một chiếc Dodge khác cũng liều lĩnh băng đồng phía bên phải. Rồi điều mọi người chờ đợi đã tới: Một chiếc GMC bị sụp hố, cỏ tranh cao lấp mất những gì xảy ra nhưng từ đoàn xe, người ta thấy chiếc Dodge chạy trước dừng lại, rồi từ chỗ chiếc GMC bị nạn, một đụn khói đen tỏa lên, sau đó lửa bùng cao. Lá cỏ tranh bị nắng hong khô mau chóng bên lửa, làm lan rộng đám cháy ban đầu ra nhanh. Nhiều bóng người chạy túa ra từ đám khói lửa mịt mùng. Tiếng bàn tán nổi lên huyên náo. Bà mẹ Thượng sĩ Hạp đứng dựa vào hông chiếc Jeep nhìn đám cháy loang rộng, lo lắng hỏi:
- Tội nghiệp quá! Không biết có ai bị chết cháy không? Làm sao ra cứu họ chớ?
Chị vợ Thượng sĩ Hạp thì nói:
- Không biết trên xe có đàn bà con nít không? Xe lật thế này…
Ngữ hỏi bạn:
- Mình chạy ra thử coi!
Đại úy Vinh nhìn ngọn lửa, lắc đầu, buồn rầu nói:
- Không còn làm gì được. Coi kìa, ngay chiếc Dodge ở gần cũng lo chạy tránh lửa.
Rồi ông nhìn đồng cỏ tranh hai bên, nói tiếp:
- Cỏ tranh gần đường thưa thớt, nhất định lửa không lan được tới đoàn xe.
Ngữ ray rứt nói:
- Thời thế kỳ cục! Chúng ta bị đẩy tới chỗ chỉ còn biết tự lo lấy thân. Có lẽ bây giờ nếu mình gục xuống ngay vệ đường cũng không ai cứu.
Giọng ông Vinh chua chát:
- Đúng. Đêm hôm trước trên đoạn đường từ chỗ ông tới Phú túc, nhiều người chạy Honda bị nạn nằm ngay dưới ánh đèn cả đoàn xe mà cũng không ai buồn dừng lại cứu người bị nạn. Mà ngừng xe lại cũng không được. Ai cũng chỉ lo tự thoát thân mà thôi!
Anh hạ sĩ tài xế bấy giờ mới bạo dạn chen vào câu chuyện của hai sĩ quan:
- Mấy ông lớn làm trước, thì nhỏ bắt chước. Không phải lỗi mình! Họ lên máy bay vù một tiếng đồng hồ chớ mấy. Hiện mấy ổng đang nhậu với sò huyết Cam ranh. Sò huyết Cam ranh ngon hết chê, ông thầy biết không?
Xe phía trước chuyển bánh. Những người xuống đường tránh hơi nóng trong xe vội vã leo lên chỗ cũ, tiếng ơi ới gọi nhau vang khắp nơi. Bận rộn lo khởi hành nên không ai còn quan tâm tới số phận những người bị nạn nữa. Vả lại, khói đám cháy bắt đầu loãng dần, chỗ bị nạn không còn ngọn lửa mà chỉ có một đụn khói xám lờ lững bốc lên rồi tan nhanh dưới nắng và gió.
Đoàn xe bò chậm rãi độ gần hai giờ nữa thì dừng lại chuẩn bị nghỉ qua đêm. Mọi người lục đục nhảy ra khỏi xe lo tìm chỗ nhóm lửa và chỗ ngả lưng.
Cả gia đình Thượng Sĩ Hạp trở về chỗ chiếc Dodge-4 đậu. Chị Hạp lo rửa mặt mũi cho lũ con, chị thấm nước cái khăn bẩn, tiết kiệm từng giọt nước suối chứa trong can, cố gắng lau sạch mồ hôi và bụi đường cho mấy đứa nhỏ. Bà mẹ thì chạy đi quơ lá khô và củi rừng nhóm lửa. Phía trước, lại có vài loạt súng. Đã quá quen với những tiếng đạn bất ngờ như vậy, cả lũ nhỏ lẫn hai người đàn bà không hề thắc mắc hay lo âu gì, ai tiếp tục việc nấy. Chỉ đến lúc ngay phía lân cận có nhiều tiếng cãi cọ, bà cụ mẹ Thượng Sĩ Hạp mới ngửng lên tìm hiểu. Bốn người lính mặc đồ trận rằn ri, người nào cũng lăm lăm khẩu M-16 trên tay tiến về phía chiếc Dodge, lấy giày đá mạnh vào hông xe, hỏi lớn:
- Ai là chủ cái xe này?
Thượng sĩ Hạp đang đi tiểu chỗ lùm cây gần đó, vội gài nút quần, chạy lại nói:
- Tôi đây! Các bạn cần gì?
Một người lính Biệt động quân nhìn thượng Sĩ Hạp chầm chập, nhất là cái phù hiệu binh chủng Quân cảnh trên tay áo của viên thượng sĩ, rồi nói:
- Đù mẹ lính kiểng hả! Lính thành phố ưa lái xe hụ còi giựt le với lính trận thứ thiệt hả! Mở bửng xe ra coi!
- Nhưng các anh muốn gì?
Một người lính lên đạn lách cách, chửi thề:
- Đù mẹ hỏi muốn gì hả? Muốn bắn nát óc mày ra. Mở bửng xe ngay không? Tụi bây ở thành phố lo chạy trước, đứa nào cũng mang đồ ăn theo phủ phê. Gạo sấy đồ hộp đâu, mang ra đây!
Chị Hạp nãy giờ sợ quá, líu lưỡi không nói được, bây giờ mới hoàn hồn, vội vàng tới bên chồng, trả lời hộ:
- Dạ, các anh để tui đem ra. Có đồ hộp với một ít gạo mang theo cho các cháu. Xin nhường lại các anh một ít.
Chị Hạp nhanh nhẹn leo lên xe. Người lính vừa giơ súng dọa Thượng sĩ Hạp nói lớn:
- Mở bửng xe coi còn nhiều hay ít.
Anh Hạp bình tĩnh trở lại, biết phải làm gì trong hoàn cảnh này, vội đến phụ vợ đẩy cái then khóa hạ bửng xe xuống. Bốn người lính đến gần soi mói nhìn đống đồ đạc lộn xộn trong xe. Chị Hạp nói:
- Tụi tui chỉ còn một ít gạo, và mấy lon cá hộp.
Họ lấy cả bốn bịch gạo sấy và năm hộp cá đựng trong cái hộp giấy Ration C mang đi. Khi toán lính đã sang xe khác, anh Hạp mới lo lắng hỏi vợ:
- Lấy gì cho lũ nhỏ ăn đây?
Chị Hạp nheo mắt làm hiệu cho chồng, ánh mắt vui. Thượng Sĩ Hạp biết vợ mình đã giấu được một ít lương thực lúc nhanh nhẹn trèo lên xe giả vờ cố mở cái bửng nặng nề.
° ° °
Hai gia đình đi trên chiếc Dodge do thượng sĩ Hạp lái lâu nay vẫn nhóm bếp riêng, chiều nay cũng vậy. Họ tìm chỗ cách xa chỗ gia đình ông thượng sĩ để bày đồ ăn ra, khác với những hôm trước, vì các bà vừa trải qua một trận đôi co kịch liệt. Sau khi nhóm lính khuân đi mất một số lương thực, chị Hạp gọi các bà nội trợ kia lại, đòi họ phải chia đều phần lương thực bị mất với gia đình chị. Những bà kia không chịu, bảo chị Hạp nộp cho họ thì chị Hạp phải lãnh phần mất. Chưa kể nhờ chị lo phần ăn uống của ông thầy nên được chia lấn hơn họ từ đầu. Các bà to tiếng háy nguýt nhau kịch liệt trước đôi mắt ngơ ngác của lũ nhỏ, các ông chen vào bị các bà gạt phăng ra. Đại úy Vinh cuối cùng phải đứng ra can thiệp, đồng ý giải pháp công bằng của chị Hạp. Những bà khác thế là bắt đầu tỏ thái độ bất hợp tác. Họ dọn ăn ở chỗ thật xa, nói bóng nói gió tới tư cách ông thượng sĩ. Ông Hạp giận quá, la lớn:
- Tôi lái xe cho các người, các người phải nể mặt tôi chớ!
Câu nhắc nhở quả nhiên có hiệu quả. Nhưng chiến tranh lạnh vẫn tiếp tục.
Ngữ im lặng ngồi chồm hổm trên tấm bạt nhà binh, ăn uể oải. Ngữ cố ăn ít để nhường phần cho lũ con Thượng sĩ Hạp. Chúng đang đói, ăn nhiều quá mức thường. Ngữ vẫn áy náy mỗi lần ăn chung vì biết mình chỉ chạy lấy thân không mang được gì, ăn bám vào lương thực người khác không biết đến lúc nào. Đại úy Vinh cố an ủi bạn là phần lương thực của ông đủ cho cả Ngữ, Ngữ khỏi áy náy gì, nhưng Ngữ vẫn không thôi áy náy, nhất là bữa ăn chiều nay. Bữa ăn buồn tẻ rồi cũng qua. Ngữ rủ ông Vinh:
- Tụi mình tìm chỗ trải tấm bạt nằm hút thuốc.
Ông Vinh đồng ý ngay. Viên đại úy nhìn quanh rồi nói:
- Tìm chỗ nào gần để tối ngủ ở đó luôn. Đi xa gần đêm lại phải tìm chỗ khác. Lớ xớ nát thây như cái ông ở Kontum.
Ngữ trỏ về phía bụi cây gần vạt cỏ tranh cách chỗ hai người đứng chừng ba mươi thước, nói:
- Chỗ kia được đấy.
Họ ôm tấm bạt dỉ đất đỏ và nước mưa đi về phía lùm cây. Từ vị trí mới, họ nhìn được một đoạn uốn khúc của đoàn xe, người lúc nhúc di động quanh những chiếc xe chen chúc nhau, không chiếc nào cùng cỡ hoặc giống chiếc nào. Điểm chung là chiếc xe nào cũng bám đầy bụi đỏ. Ngữ trỏ về phía một chiếc xe cần cẩu công binh đậu ở khúc quanh của tỉnh lộ, cười hỏi bạn:
- Ông có nhận ra cái gì họ treo trên đầu cần cẩu không?
Đại úy Vinh nheo mắt cố nhìn một lúc, chợt phá lên cười:
- Tình cảnh này mà chúng nó đùa được, cũng lạ. Cái xú-chiên phải không?
- Ừ Dostoievsky nói cái cười cứu rỗi nhân loại, thật đúng.
- Ông nhớ sai be sai bét hết. Dos nói cái đẹp cứu nhân loại chứ không phải cái cười. Nhưng nếu ông ấy nói cái cười, cũng đúng. Ngẫm ra mọi sự đều là trò bông phèng hết! Không có gì có lý cả, việc gì phải lấy làm nghiêm trọng. Nguyễn văn Vĩnh trách “An Nam ta cái gì cũng hì”. Bậy! Nhờ cái gì cũng hì mà An Nam ta mới vượt qua được bao nhiêu tai họa. “Mọi sự hì một tiếng, mất hết cả nghiêm trang”. Bậy nữa! Có thứ chó gì đáng nghiêm trang đâu. Cái gì cũng tức cười hết. Ông mà thấy bộ điệu các xếp lớn nghiêm nghị ba hoa về “nghĩa vụ thiêng liêng của người chiến sĩ” trong những ngày gần đây thì chỉ có cười hì hì là yên chuyện. Các ngài bảo phải “tử thủ”, trong khi vợ con các ngài đang leo lên máy bay “thủ” trước. Các ngài rướn cổ bậm môi giơ năm tay lên thề sát cánh với “anh em chiến hữu” đến giọt máu cuối cùng, thế rồi trong lúc anh em chiến hữu bận lo đào sâu công sự, chùi lại súng, quay lại đã thấy các ngài mất dạng rồi. Không hì, chắc phát điên lên hết.
Ngữ buồn rầu nói:
- Tôi cũng vậy. Lúc giật mình quay lại, các xếp đã bỏ đi đâu hết trơn. Nếu cứ theo cái đà này, tôi sợ tự mình tan rã chứ Việt cộng chúng nó cũng chẳng cần phải đánh đấm nhiều. Đoàn di tản này sẽ như trận lũ cường toan, tràn tới đâu là ở đó tiêu. Nếu bao nhiêu quân, bao nhiêu vũ khí này mà đứng lại, trí súng quay nòng ra ngoài sẵn sàng ăn thua đủ, thì Việt cộng đem đến vài ba sư đoàn chưa chắc đã làm nên cơm cháo gì. Tôi chán lắm. Hình như vận nước sắp hết rồi!
Ông Vinh ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói:
- Nếu tụi mình về được vùng duyên hải mà tình hình ở đó ổn định, thì chưa tới nỗi. Còn nếu do ảnh hưởng dây chuyền ở đâu cũng quan lớn chạy trước dân chạy sau, thì hết thuốc chữa. Tôi mong Qui nhơn không tán loạn như Pleiku. Tán loạn thì không hiểu bà xã tôi xoay xở làm sao với mấy đứa nhỏ.
- Tôi cũng mong vậy. Không biết mấy đứa em tôi ngoài đó lo nổi cho bà già không. Ngược lại, chắc mấy ngày nay gia đình tụi mình mất ăn mất ngủ không hiểu hai đứa mình sống chết ra sao. Cảm ơn ông rất nhiều. Không có ông xoay hộ, chỉ nghĩ tình cảnh hai mẹ con Quỳnh Trang trong đoàn di tản này… Mấy hôm nay đầu óc tôi chai như đá, căng thẳng quá thành ra như tê dại đi. Nhiều lúc không hiểu mình đang nghĩ gì.
- Ông có nghĩ tương lai tụi mình ra sao nếu sụp đổ thật hay không?
- Chưa nghĩ tới. Chỉ mong không đến nỗi tệ như vậy.
- Còn nếu kỳ này chúng nó thắng?
- Lúc bấy giờ số phận của hai mươi mấy triệu người đổi thay chứ đâu phải chỉ riêng mình. Ôi thôi, chưa gì đã nghe bàn om sòm về chuyện cắt đất, phân lại ranh giới. Khi thì nói ranh giới là đèo Hải Vân. Khi thì bảo đường 19. Bây giờ lại đồn là đèo Cả. Hồi sáng, lúc ông tới nói chuyện với tay đại úy công binh, tôi nghe một ông trung sĩ Quân pháp bảo đài BBC tối qua có nói là dân Huế rục rịch kéo nhau vào Đà nẵng, còn Qui nhơn, Tuy hòa thì đã bắt đầu đổ vào Nha trang. Đà nẵng, Nha trang sẽ trở thành hai cái túi người càng ngày càng căng phồng, không biết chừng ngay lúc này gia đình ông và gia đình tôi đã vào Nha trang rồi. Rút kinh nghiệm năm 1972, lần này người ta lo xa, chạy trước thì thuê được xe với giá rẻ, đường lại không bị kẹt.
Hai người im lặng hồi lâu. Rồi Ngữ nghe Đại úy Vinh thở dài, và giọng nói ông trầm, buồn:
- Có chuyện gì thì tôi kẹt lắm. Tôi không thể để cho tụi nó bắt được. Mấy năm làm việc ở trại giam Phú quốc, ông hiểu? Ngay hồi đó, họ đã bắn tiếng dọa tôi rồi. Huống chi bây giờ… Ông thì tôi nghĩ không đến nỗi gì.
° ° °
Sáng nay đoàn xe mở đường làm việc sớm hơn thường lệ. Sương đêm vừa tan, đoàn xe đã chuyển bánh. Xe cộ người ngợm lại một lần xáo trộn hỗn tạp. Những xe quen chạy bên nhau hôm qua không còn. Hai chiếc Jeep và Dodge Quân cảnh chạy giữa những chiếc xe lạ hoắc, phía trước là một chiếc GMC dân với lính chen chúc nhau không biết xuất xứ thuộc binh chủng nào, ở đâu. Phía trước nữa là một chiếc Jeep màu xanh mui trắng của cảnh sát. Phía sau áp sát bửng chiếc Dodge là chiếc Renault đầu bằng của hãng chuyên chở hành khách Phi Long, trên xe dân và lính ngồi chen lẫn lộn. Trên mui xe, nhiều quân nhân Biệt động ngồi, súng đạn đầy mình. Sau nữa là xe cần cẩu hôm trước có người chơi nghịch.
Ngữ ngạc nhiên không hiểu vì sao số Biệt động quân trong đoạn đầu đoàn xe chỉ trong một đêm đã gia tăng quá mau. Hình như bằng mọi cách, những binh sĩ thuộc binh chủng này đã lấn tới trước, và họ đã thành công. Họ bám, đu vào bất cứ chiếc xe nào đi đoạn đầu.
Chiếc Phi Long dễ bám vào hông xe hay ngồi lên trần nên đầy đặc Biệt động quân đã đành. Cả chiếc xe cần cẩu thiếu tiện nghi vẫn có nhiều Biệt động quân quá giang. Quần áo họ ăn mặc cẩu thả, có thể là dấu vết của trận giải vây Buôn mê thuột thất bại, hoặc do thời gian tan hàng băng rừng đuổi cho kịp đoàn. Có người chỉ giữ lại cái mũ đỏ, niềm hãnh diện của binh chủng. Có người mặc áo rằn ri nhưng quần dân sự, hay ngược lại. Và cũng như hôm qua, chiếc xe nào có chở Biệt động quân thì tự nhiên trở thành có thế lực, lấn đường qua mặt hoặc húc đít cảnh cáo không ai dám cãi.
Đoàn xe chạy được hơn một tiếng đồng hồ thì phải dừng lại. Người ta ùa nhau nhảy khỏi xe để đi tiểu hoặt tránh không khí hôi hám, đi lại cho giãn gân cốt. Những toán đi bộ vẫn lầm lũi chịu đựng số phận bất hạnh của mình. Ít ra là có hai người bị thương không hiểu do nguyên nhân nào được thân nhân khiêng bằng võng đi bộ. Cảnh tượng thương tâm, nhưng người ta chỉ tò mò bàn tán chứ không ai chịu nhường chỗ để chở người bị nạn. Lòng trắc ẩn quá phiền hà, tốt hơn hết là làm ngơ, cố không nghĩ tới.
Xe lại chạy. Anh hạ sĩ tài xế từ phía sau chạy về, thở dốc vì mệt và sợ không về kịp thời. Anh mặc một cái áo rằn ri Biệt động quân. Đại úy Vinh trố mắt hỏi:
- Đổi áo cho người ta hồi nào vậy? Sao không giặt đi đã rồi hãy mặc. Tôi còn cái áo sạch kia, chú, để tôi lái thay áo đi?
Anh hạ sĩ đề máy cho xe chạy, rồi hãnh diện quay hỏi xếp:
- Đại úy thấy em chì không? Em nhanh tay lắm mới tranh được của quí này đó.
Đại úy Vinh trề môi:
- Cái áo bẩn ơi là bẩn thế mà quí nỗi gì?
- Đổi cái đồng hồ Seiko 5 đấy, ông thầy!
Cả Ngữ, ông Vinh lẫn đám đàn bà con nít phía sau xe đều ồ lên ngạc nhiên. Mọi người nhao nhao hỏi. Anh tài xế đáp:
- Ông thầy không thấy xe nào có lính Biệt động thì chạy khỏe hay sao? Mình phải xoay cái áo, cho xe khác khỏi ăn hiếp. Mua mũ hay quần thì rẻ hơn, nhưng em cứ mua cái áo cho chắc. Quần thì ngồi lọt trong xe, ai thấy!
Thảo nào!
Bây giờ Ngữ mới hiểu vì sao số Biệt động quân tăng nhanh ở quanh đây, cũng như hiểu vì sao cách ăn mặc của họ tùy tiện cẩu thả quá. Ông Vinh cười, vỗ vai người tài xế:
- Chịu, mày giỏi. Nhưng ai tinh mắt biết liền mày là đồ giả. Lính Biệt động không lái xe cho Quân cảnh.
Anh hạ sĩ chợt nhớ điều gì, thấp giọng nói:
- À, ông thầy nói em mới nhớ. Mình nên tìm cách che phù hiệu Quân cảnh đi, ông thầy! Lính tráng không ai ưa Quân cảnh, cũng như dân không ai thương được mấy ông cảnh sát.
Ông Vinh thấy thuộc cấp của mình nói đúng. Nhưng vì tự ái, ông im lặng, mặt dàu dàu.
° ° °
Xe vẫn chạy nhưng càng ngày tốc độ càng chậm lại, bánh nhích lên từng chút. Chiếc Jeep của Đại úy Vinh đến nơi mới hiểu vì sao lưu thông bị nghẽn. Trước mặt họ là một con suối cạn, xe vượt qua được không cần cầu nhưng trong khi bờ bên này dốc thoai thoải thì bên kia suối là một dốc cao, hết con dốc con đường lại qua một khúc ngoặc gấp. Công binh mở đường dùng xe ủi san phẳng địa thế nhưng cả hai bờ dốc đều gồ ghề lồi lõm, bất thường, xe nào qua suối cũng phải qua từng chiếc và chạy thật chậm. Phía bên kia, một chiếc GMC nằm chỏng gọng ngay bên vệ đường, mười chiếc bánh cao su bám đầy đất đỏ phơi ra dưới nắng, lườn xe móp méo, đuôi xe còn gác choán một phần đường nhưng vẫn có chỗ trống cho các chiếc xe đi sau lách qua được. Hỏi chuyện mới biết tai nạn xảy ra chỉ nửa giờ trước. Chiếc GMC chở quân cụ nặng đang lên dốc thì hư số phụ, bị tuột dốc. Tài xế nhanh nhẹn nhảy ra kịp, còn chiếc xe thì lật nhiều vòng trước khi nằm ghếch lên bờ suối.
Đại úy Vinh quay về phía anh hạ sĩ, lớn giọng ra lệnh:
- Chỗ kia đất trống, cho xe đậu lại đi.
Người tài xế đang chuẩn bị cho chiếc Jeep xuống dốc, vội đạp thắng quay lại hỏi xếp:
- Sao vậy Đại úy?
- Cứ đậu lại đằng kia. Cậu cởi cái áo Biệt động ra đi. Quân cảnh có việc phải làm rồi.
Anh hạ sĩ vâng lệnh xếp. Đại úy Vinh nhảy xuống xe, chạy ngược phía sau ra hiệu cho Thượng Sĩ Hạp cũng cho lách chiếc Dodge ra khỏi hàng đến đậu trên bãi trống.
Ngữ thắc mắc không hiểu ông bạn định làm gì. Cả các lính Quân cảnh trên chiếc Dodge đều lo lắng, nhìn theo những chiếc đi sau đang được nhường đường chuẩn bị vượt suối với vẻ mặt vừa tiếc nuối vừa bực dọc. Đại úy Vinh gọi sáu người lính Quân cảnh lại, ra lệnh:
- Cái dốc nguy hiểm bên kia mà không có ai điều khiển lưu thông thì kẹt ở đây cả đám, chỉ còn chờ Việt cộng chúng nó tới hốt trọn. Một chiếc GMC nào đó tuột thắng nữa là kẹt đường. Chúng ta tạm dừng ở đây, đứng ra điều hành lưu thông chờ cho toán Quân cảnh khác tới thì giao việc cho họ, rồi lên đường.
Rồi giọng ông Vinh đanh lại, hỏi lớn:
- Ai có ý kiến gì không?
Sáu người lính tuy buồn rầu, nhưng không ai nói gì. Ông Vinh ra lệnh:
- Mặc đồng phục và đeo phù hiệu Quân cảnh vào. Ba người ở bên này với tôi, Thượng sĩ Hạp dẫn ba người qua điều khiển lưu thông bên kia. Tài, Mễn, Lưu ở đây. Tất cả những người khác theo Thượng sĩ Hạp.
Đám lính vội vàng trở lại xe thay đồ. Vợ con thân nhân và những người quá giang bu lại hỏi, rồi tụ thành từng nhóm ngồi bàn tán, lâu lâu hướng về phía ông Vinh. Ngữ biết bạn mình đang là đề tài của câu chuyện. Đại úy Vinh làm ngơ như không để ý vẻ bực dọc của họ, phân công cho ba người lính Quân cảnh đã ăn mặc tề chỉnh đến chờ lệnh. Tiếng còi điều khiển lưu thông nổi lên nghe vui tai, hơi kỳ dị vì bất ngờ.
Viên đại úy trở lại chỗ Ngữ đứng. Ngữ cố giấu sự cảm động khâm phục bằng giọng giễu cợt, hỏi bạn:
- Máu tự ái binh chủng của ông nổi lên, phải không?
- Sao ông hỏi vậy?
- Vụ cái áo.
- Hiểu như vậy cũng có phần đúng. Nhưng…
- Ông làm như vậy là phải! Ông phản ứng nhanh và đúng lúc hơn tôi. Ông hợp với nghiệp lính.
Nét mặt ông Vinh rạng rỡ hẳn lên. Mấy sợi râu mép rung rung khi ông cười lớn. Nhưng ông muốn hãm bớt đà sung sướng, trỏ chiếc xe cần cẩu lúc ấy đang chúi mũi xuống dốc, nói:
- Nếu nói được bọn lái chiếc cần cẩu này cho họ chịu ở đây chờ cứu những chiếc xe tai nạn, thì không sợ kẹt đường nữa.
Ngữ lắc đầu:
- Còn lâu họ mới chịu dừng lại.
- Tôi cũng nghĩ thế. Họ chịu dừng lại, thì cuộc di tản này thành công. Quan trọng cũng giống như các quan lớn chịu ở lại không trốn chạy trước vậy. Nhưng thôi, thời thế như thế, biết làm sao!
Chiếc xe cần cẩu đã qua khỏi suối, và đang lên dốc. Từ bên này nhìn sang, Ngữ thấy bên kia ông thượng sĩ quân cảnh đang ra hiệu cho tài xế chiếc xe điều khiển tay lái thế nào cho cái cần cẩu khỏi vướng lúc sắp bò lên chỗ đường ngoặc. Đám lính và dân đi theo xe lục tục lội qua suối, phòng xa sợ chiếc xe nặng tuột dốc nên đứng thành nhóm ở mô đá cạnh đường.
Chiếc xe đã khuất sau khúc ngoặc. Đám người đứng ngồi lộn xộn ở mô đá vừa định leo dốc tiếp tục hành trình thì Thượng sĩ Hạp đến nói với họ gì đó, không hiểu hai bên tranh cãi điều gì, chỉ thấy mấy người lính mặc đồ rằn ri vung tay đá chân giận dữ. Đại úy Vinh lo lắng, muốn qua can thiệp, thì bên kia mọi sự dường như giải quyết êm đẹp. Đám người tản ra, tìm chỗ trú nắng giống y những người quá giang xe Quân cảnh bên này.
Đại úy Vinh qua bên kia suối độ nửa giờ, lúc trở lại vui mừng khoe với Ngữ:
- Tài thật. Ông Hạp ra lệnh cho chiếc xe cần cẩu đậu lại để cứu cấp những xe bị nạn, khi nào chiếc cần cẩu khác đến thế thì mới được đi. Khó thế, mà họ chịu nghe, phục lắm! Ông thấy lính binh chủng tôi thế nào?
Ngữ cười trước vẻ hãnh diện của bạn, đáp gọn:
- Nhất rồi!
- Chứ còn gì nữa!
- Ít ra là nhất được lúc này. Về sau ra sao chưa biết!
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương