Thất bại lớn nhất là thất bại trong việc cố gắng.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 色彩を持たない多崎つくると、彼の巡礼の年 Shikisai Wo Motanai Tazaki Tsukuru To, Kare No Junrei No Toshi
Dịch giả: Uyên Thiểm
Biên tập: Nhật Trường
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2233 / 237
Cập nhật: 2021-09-28 03:26:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
uối tuần, Tsukuru đến bể bơi ở phòng tập. Phòng tập cách căn hộ chung cư của gã khoảng mười phút đạp xe. Tốc độ bơi sải của gã luôn cố định, gã bơi một nghìn năm trăm mét từ ba mươi hai đến ba mươi ba phút. Nếu có tay bơi nào nhanh hơn, gã sẽ dạt sang bên nhường anh ta vượt lên trước. Đua tốc độ không hợp với tính cách của Tsukuru. Ngày hôm đó cũng như mọi lần, gã tìm lấy một tay bơi có nhịp độ tương đương, rồi bơi vào cùng làn với người này. Đó là một thanh niên gầy gò. Cậu ta đội mũ bơi đen cùng với quần đen loại dùng cho thi đấu và đeo kính.
Bơi giúp giải tỏa những mệt mỏi tích tụ trong cơ thể, làm mềm những bắp cơ căng cứng. Ở dưới nước, gã cảm thấy thư thái hơn ở bất cứ nơi nào khác. Nhờ bơi hai buổi một tuần, mỗi buổi chừng nửa tiếng, mà gã luôn duy trì được sự cân bằng ổn định giữa cơ thể và tinh thần. Hơn nữa, nước cũng là nơi thích hợp để suy nghĩ. Một khi đã quen với nhịp vận động, gã có thể để cho tư duy tự do bay nhảy trong đầu, giống như là thả lũ chó ra đồng cỏ vậy.
“Bơi đem lại cảm giác dễ chịu chỉ sau bay trên trời.” Có một lần gã giải thích với Sara như vậy.
“Cậu từng bay trên trời rồi à?” Sara hỏi.
“Chưa.” Tsukuru đáp.
Sáng hôm đó, gã hầu như chỉ nghĩ đến Sara trong lúc bơi. Gã hình dung ra khuôn mặt nàng, hình dung ra cơ thể nàng và nghĩ về việc đã không thể hòa làm một với nàng. Rồi gã nhớ lại một vài câu nói của nàng. “Có một cái gì đó khiến cậu cảm thấy chưa thỏa đáng vẫn đang tắc nghẽn bên trong cậu, làm cho dòng chảy tự nhiên vốn có bị chặn lại,” nàng bảo.
Có thể là như vậy, Tsukuru nghĩ.
Tazaki Tsukuru đang có một cuộc đời thuận lợi, chẳng gặp vấn đề gì đặc biệt. Rất nhiều người vẫn nghĩ thế. Tốt nghiệp trường công nghệ danh tiếng, vào làm cho công ty đường sắt và hiện đang giữ một chân chuyên môn ở đó, luôn nhận được sự đánh giá ổn định trong công ty về tác phong làm việc, được cấp trên tin cậy. Không phải lo lắng về kinh tế, được thừa kế một tài sản kha khá sau khi cha mất. Sở hữu căn hộ chung cư một phòng ngủ tại một khu dân cư thuận tiện nằm gần trung tâm thành phố. Không nợ nần. Hầu như không uống rượu, không hút thuốc, cũng không có sở thích nào tốn kém. Hay nói đúng hơn, hầu như không dùng đến tiền. Cũng chẳng phải gã tằn tiện hay sống theo lối khổ tu, chỉ đơn giản là gã không nghĩ ra cách để tiêu tiền. Gã không cần đến ô tô, một vài bộ quần áo là đủ. Thỉnh thoảng có mua sách hoặc CD, nhưng chẳng đáng là bao. Về chuyện ăn uống, gã thích tự mình nấu nướng hơn là đi ra ngoài, drap giường cũng do gã tự giặt, rồi tự là.
Nhìn chung, gã kiệm lời và không giỏi giao tiếp, nhưng nói vậy không có nghĩa là gã sống cô độc. Trong cuộc sống thường ngày, ở một mức độ nào đó, gã có thể hành động sao cho phù hợp với xung quanh. Gã không chủ động ra ngoài tìm kiếm đàn bà, nhưng cũng chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn bạn tình. Độc thân, mặt mũi không đến nỗi nào, tính tình nhũn nhặn, ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng. Vì thế luôn có ai đó tự động tìm đến với gã. Hoặc không thì mọi người xung quanh sẽ giới thiệu cho gã những phụ nữ độc thân mà họ biết (Sara cũng là một trong các đối tượng mà gã quen theo cách đó).
Ba mươi sáu tuổi, thoạt nhìn cứ tưởng như gã đang hưởng thụ cuộc sống độc thân một cách tao nhã. Cơ thể khỏe mạnh, không có mỡ thừa, nên gã chưa từng mắc một chứng bệnh nào. Hẳn những người bình thường sẽ nghĩ: đúng là một cuộc đời không vấp váp. Mẹ và các chị gã cũng luôn nghĩ thế. “ Thằng này ấy à, mày chả bao giờ nghĩ đến chuyện lấy vợ đâu, vì cuộc sống độc thân thoải mái quá đấy mà.” Họ nói vậy với Tsukuru. Thế rồi cuối cùng, họ chẳng còn nhắc đến chuyện mai mối nữa. Tất cả các đồng nghiệp của gã cũng nghĩ thế nốt.
Quả thật cho tới lúc này, cuộc đời Tazaki Tsukuru chẳng thiếu thốn thứ gì. Gã chưa bao giờ cảm thấy đau khổ vì không có được điều mình muốn. Song mặt khác, theo những gì gã nhớ, gã cũng chưa một lần nếm trải sự sung sướng sau khi đã phải vật lộn khổ sở để có được cái mà mình thật sự muốn. Bốn người bạn gã may mắn gặp được hồi lớp mười có lẽ là điều giá trị nhất trong số những gì gã có. Nhưng nó không phải do gã lựa chọn bằng ý chí của mình, mà giống như một món quà từ trên trời tự nhiên rơi vào tay gã. Và rồi đã từ lâu lắm – cũng theo cái cách chẳng liên quan gì đến ý chí của gã – gã đã mất nó. Hoặc đã bị thu hồi.
Sara là một trong số ít những thứ gã thèm muốn. Tuy chưa đi đến một sự xác tin vững chắc, song gã thật sự bị hớp hồn bởi người phụ nữ hơn mình hai tuổi ấy. Mỗi lần gặp nàng, lòng thèm muốn càng trở nên thôi thúc. Và giờ đây, để có được nàng trong tay, gã nghĩ mình sẵn sàng hy sinh nhiều thứ. Thật hiếm khi gã có được cảm xúc thuần khiết, mãnh liệt thế này. Mặc dầu vậy – tại sao nhỉ – khi thời cơ đến, thì mọi chuyện lại không diễn ra suôn sẻ. Đã xuất hiện thứ gì đó chẹn mất dòng chảy. “Cậu cứ thong thả cũng được mà. Vì tôi có thể chờ” Sara đã nói thế. Nhưng câu chuyện chắc chắn không đơn giản như vậy. Con người luôn không ngừng chuyển động và thay đổi vị trí mỗi ngày. Cái gì sẽ xảy ra tiếp theo là điều không ai biết được.
Tsukuru lộn đi lộn lại giữa hai bể bơi dài hai mươi lăm mét với một nhịp độ vừa phải trong lúc mông lung nghĩ về những điều như thế. Hơi nghểnh mặt sang bên, hớp một hơi ngắn rồi từ từ thở ra dưới nước. cái chu trình đều đặn ấy đã dần chuyển thành tự động sau mỗi lần tăng cự ly bơi. Số sải tay cần thiết để đi hết một chiều bể bằng đúng như nhau. Gã chẳng cần làm gì khác ngoài việc để mặc mình thuận theo nhịp điệu ấy và đếm số vòng bơi.
Được một lát, Tsukuru chợt nhận ra lòng bàn chân của cậu thanh niên bơi cùng lần với gã ở đằng trước nhìn rất quen. Như một cặp song sinh với lòng bàn chân của Haida. Gã bất giác nuốt khan, hành động này khiến gã hụt hơi. Gã hít phải nước từ đằng mũi, và phải mất một lúc lâu sau mới có thể vừa bơi vừa điều hòa nhịp thở. Bên trong cái lồng bằng dẻ xương sườn, quả tim đang phát ra những tiếng lanh canh gấp gáp.
Không thể sai được, đó chính là lòng bàn chân của Haida, Tsukuru nghĩ. Độ lớn, hình dạng và cả cách đạp chân đơn giản mà chắn chắn đều y hệt, hình thù của những bọt khí do cú đạp tạo ra trong nước cũng y hệt, giống như chuyển động của chân, những bọt khí cũng nhỏ, mềm và thư thái. Ở bể bơi của trường đại học, gã lúc nào cũng bơi sau Haida và ngắm nhìn đôi bàn chân ấy. Tựa như một người lái xe trong đêm không bao giờ rời mắt khỏi ánh đèn hậu của chiếc xe đi phía trước. hình dạng của chúng đã khắc sâu vào ký ức gã một cách sống động.
Tsukuru ngừng bơi, lên khỏi bể và ngồi trên bục xuất phát chờ tay bơi đó vòng ngược lại.
Nhưng đó không phải Haida. Do vướng mũ và kính bơi nên gã không thấy rõ mặt, nhưng nếu quan sát kĩ thì chiều cao của người này nhỉnh hơn và cơ vai cũng vạm vỡ hơn so với Haida. Phom cổ cũng hoàn toàn khác. Vả lại, độ tuổi nhỏ hơn nhiều. Có lẽ mới đang là sinh viên đại học. Trong khi Haida bây giờ chắc chắn đã xấp xỉ ba mươi lăm.
Mặc dù biết là nhầm người, nhưng nhịp tim của Tsukuru mãi vẫn chưa bình thường trở lại. Gã ngồi xuống hàng ghế nhựa bên thành bể, mê mải ngắm nhìn những động tác của tay bơi không quen biết. Một lối bơi gọn ghẽ, đẹp mắt. Tư thế về tổng thể rất giống với Haida, thậm chí có thể nói là giống như đúc. Không làm bắn nước, cũng không gây ra những tiếng động thừa thãi. Khuỷu tay vung lên không trung nhịp nhành và đẹp mắt, sau đó nhẹ nhàng đưa lại xuống nước bắt đầu từ ngón cái, tuyệt đối không hấp tấp. Duy trì một sự tĩnh lặng hướng nội là chủ đề cơ bản của kiểu bơi này. Song dù cách bơi có giống nhau đến thế nào thì đó cũng không phải Haida.
Cuối cùng, cậu thanh niên ngừng bơi, lên khỏi mặt nước, tháo kính và mũ bơi màu đen ra, lấy khăn tắm lau sồn sột mái tóc ngắn rồi đi đâu mất. Một chàng trai có khuôn mặt góc cạnh, toát ra dáng vẻ khác hẳn với Haida.
Tsukuru từ bỏ ý định bơi tiếp, vào phòng thay đồ và tráng người. Sau đó lên xe đạp trở về căn hộ, ăn sáng đơn giản và trong lúc ấy gã nghĩ: Haida có lẽ cũng là một trong những thứ đang tắc nghẽn trong mình.
Gã không gặp khó khăn gì khi xin nghỉ phép để đi Phần Lan. Số ngày phép của gã hầu như không được dùng đến, nên vẫn đầy ứ như một đống tuyết đông cứng dưới mái hiên. Ông sếp chỉ hỏi lại với vẻ mặt ngờ vực: “Phần Lan?” Tôi có người bạn hồi cấp ba đang sống bên đó nên muốn sang thăm, gã giải thích. Với lại, tôi nghĩ sau này cũng chẳng có mấy cơ hội được đi Phần Lan.
“Phần Lan thì có gì nhỉ?” Ông sếp hỏi
“Sibelius(21), phim của Aki Kaurismaki, Marimekko, Nokia, Muumin.” Tsukuru liệt kê những thứ chợt nảy đến trong đầu.
Ông sếp lắc đầu, có vẻ như ông chẳng hứng thú với bất kỳ điều gì trong số ấy.
Tsukuru gọi điện cho Sara và quyết định lịch trình cụ thể sau khi tham khảo kế hoạch các chuyến bay thẳng từ Narita đi Helsinki. Hai tuần nữa gã sẽ rời Tokyo, lưu lại Helsinki bốn đêm, rồi quay trở về Tokyo.
“Cậu sẽ liên lạc với Đen trước khi đi chứ?” Sara hỏi
“Không, tôi định sẽ không báo trước, giống như đã làm vậy ở Nagoya.”
“Phần Lan xa xôi hơn Nagoya nhiều. Quãng thời gian đi lại hai chiều cũng dài. Ngộ nhỡ cậu tới nơi rồi mới biết cô ấy đã đi nghỉ hè ở đảo Mallorca từ ba hôm trước, chẳng hạn như thế thì sao.”
“Nếu có chuyện đó thì tôi đành chấp nhận. Tôi sẽ thong dong thăm thú Phần Lan rồi trở về.”
“Tất nhiên nếu cậu đã tính thế thì thôi.” Sara nói. “Nhưng mất công đi xa thế, cậu không định ghé qua một vài nơi khác à? Stalin hoặc là Sainst Petersburg, cũng chẳng cách mấy đoạn đường.”
“Không sao, Phần Lan là đủ rồi.” Tsukuru đáp. “Tôi sẽ bay từ Tokyo đi Helsinki, ở lại đó bốn đêm rồi về.”
“Tất nhiên là cậu có hộ chiếu rồi chứ?”
“Tôi đã gia hạn sẵn để có thể dùng đến bất cứ lúc nào theo yêu cầu của công ty hồi mới vào. Họ bảo biết đâu có thể phải đi công tác nước ngoài nhưng cho đến giờ nó vẫn mới tinh.”
“Ở thành phố Helsinki thì nhìn chung chỉ cần tiếng anh là đủ, nhưng tôi không hiểu tình hình sẽ thế nào nếu đi sang các vùng khác. Công ty tôi có một văn phòng nhỏ ở Helsinki để làm chỗ trú chân cho các đoàn công tác. Tôi sẽ liên lạc và báo trước với họ về việc của cậu, cậu hãy ghé qua đó nếu có gì không hiểu nhé. Ở văn phòng có một cô gái người Phần Lan tên là Olga, tôi nghĩ cô ấy sẽ giúp được cậu.”
“Cảm ơn cô.” Tsukuru nói.
“Ngày kia tôi có công việc phải đi Luân Đôn. Khi nào đặt được vé máy bay và khách sạn ở Helsinki, tôi sẽ gửi cho cậu thông tin chi tiết qua email, cả địa chỉ và số điện thoại của văn phòng công ty tôi ở Helsinki nữa.”
“Tôi hiểu.”
“Này, cậu định sang tận Helsinki, vượt qua cả vùng bắc Cực để gặp cô ấy mà không hẹn trước thật đấy à?”
“Dở hơi quá chăng?”
Nàng cười. “Tôi thì tôi thích dùng từ ‘liều lĩnh’ cơ.”
“Nhưng tôi có cảm giác cách đó sẽ đem lại kết quả tốt hơn. Tất nhiên xét cho cùng, đó chỉ là một thứ giống như linh cảm.”
“Vậy thì chúc cậu may mắn.” Sara nói. “À, hay là trước đó mình gặp nhau đi? Đầu tuần sau tôi từ Luân Đôn về rồi.”
“Chưa được.” Tsukuru nói. “Tất nhiên tôi cũng muốn gặp cô. Nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu để đến sau khi tôi đi Phần Lan về.”
“Đó là một thứ giống như linh cảm?”
“Đúng. Một thứ giống như linh cảm.”
“Cậu là kiểu người tin vào linh cảm?”
“Không, tôi nghĩ là không có chuyện đó. Vì từ xa xưa đến nay tôi hầu như chưa bao giờ hành động theo linh cảm. Cũng giống như chưa bao giờ làm nhà ga theo linh cảm ấy mà. Vả lại, tôi cũng không biết có thể gọi là linh cảm hay không, chỉ đơn giản là tôi bất chợt cảm thấy vậy mà thôi.”
“Nhưng nói tóm lại, lần này, cậu cảm thấy sẽ tốt hơn nếu làm như thế? Bất kể đó là linh cảm hay vì cái gì.”
Tsukuru nói. “Hôm trước, trong lúc bơi ở bể tôi đã suy nghĩ rất nhiều chuyện, về cô, về Helsinki. Nói thế nào nhỉ, giống như là lội ngược dòng trực giác vậy.”
“Trong lúc bơi?”
“Vì trong lúc bơi, tôi suy nghĩ mạch lạc hơn.”
Sara im lặng một quãng ngắn, như để bày tỏ sự thán phục. “Tựa như lũ cá hồi”
“Tôi không rõ lắm về cá hồi.”
“Cá hồi đi qua một chặng đường rất dài. Theo sự dẫn lối của thứ gì đó đặc biệt.” Sara nói. “Cậu đã xem ‘Chiến tranh giữa các vì sao’ chưa?”
“Hồi còn nhỏ.”
“Hãy bước đi cùng Thần lực.” Sara nói. “Để đừng thua lũ cá hồi.”
“Cảm ơn cô. Chừng nào quay về từ Helsinki, tôi sẽ liên lạc.”
“Tôi chờ.”
Sau đó cuộc gọi chấm dứt.
o O o
Nhưng Tsukuru đã bất ngờ nhìn thấy Sara vài ngày trước khi lên máy bay đi Helsinki, song Sara không biết điều này.
Chiều hôm đó, gã quá bộ tới khu Aoyama để mua ít quà mang đi, vài món đồ xinh xắn cho Đen và sách tranh Nhật Bản cho các con cô. Có thể kiếm những thứ như vậy trong vài cửa hàng nằm ngay phía sau đại lộ Aoyama. Sau khi mua sắm mất cả tiếng đồng hồ, gã thấy cần nghỉ ngơi chốc lát nên vào một quán cà phê ốp kính trông ra đại lộ Omotesando. Gã ngồi xuống chiếc bàn cạnh cửa sổ, gọi cà phê và sandwitch salad cá ngừ rồi ngắm nhìn quang cảnh đường phố đang nhuộm trong ánh trời chiều. Phần đông những người đi qua trước mặt gã là các đôi trai gái. Nhìn họ sao mà hạnh phúc. Tất cả dường như đang hướng về một nơi nào đó đặc biệt, một nơi có niềm vui nào đó đang chờ sẵn. Cảnh tượng ấy khiến lòng gã càng lúc càng trở nên im lìm, bất động, một tâm trạng tịch mịch tựa như đám cây cối đã đóng băng, trong một đêm đông không có gió. Song ở đó hầu như không chứa đựng nỗi đau nào. Trải qua chiều dài năm tháng, Tsukuru đã chai sạn với những tâm ảnh ấy, tới mức chẳng còn cảm thấy chút gì đau đớn.
Tuy vậy, không phải Tsukuru không áo ước giá như Sara đang ở đây cũng mình. Nhưng đành chịu thôi, vì chính Tsukuru đã từ chối gặp nàng. Đó là điều gã mong muốn. Gã đã tự làm đông cứng những cành nhánh trơ trụi của mình trong buổi chiều hè khoan khoái này.
Tsukuru không dám chắc cái “trực giác” ấy có thật đáng tin cậy? Hay thực chất chẳng phải trực giác hay cái gì hết, mà chỉ là sự hoang tưởng vô căn cứ? Sara bảo: “Hãy bước đi cùng Thần lực.”
Tsukuru ngẫm nghĩ một lúc lâu về việc lũ cá hồi phải vượt qua một chặng đường dài dưới mặt biển tối tăm theo sự dẫn lối của bản năng hoặc trực giác.
Đúng vào lúc ấy, hình dáng Sara bỗng lọt vào tầm mắt Tsukuru. Nàng mặc đúng chiếc váy liền cộc tay màu xanh bạc hà hôm trước, đi giày đế cao màu nâu nhạt, đang xuôi xuống con dốc thoai thoải hướng từ đại lộ Aoyama về phía Jinggumae. Tsukuru nín thở, bất giác chau mày. Vì gã không mấy tin nổi đó là cảnh tượng của hiện thực. Trong mấy giây, gã cứ ngỡ hình dáng nàng là một ảo ảnh tinh xảo do trái tim cô độc của mình tạo ra. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, đó chính là Sara bằng xương bằng thịt, của thực tại. Tsukuru bật dậy khỏi ghế theo phản xạ, suýt chút nữa thì hất đổ cái bàn. Cà phê trào ra đĩa. Song gã lại lập tức thả mình xuống ghế dù chưa đứng lên hẳn.
Đi cùng nàng là một người đàn ông trung niên. Một người đàn ông tầm thước, thân hình rắn rỏi, vận jacket sẫm màu, thắt cà vạt tím than với những chấm nhỏ cùng áo sơ mi xanh lơ. Mái tóc cắt tỉa gọn gàng đã pha ít sợi bạc. Tuổi suýt soát năm nhăm. Cằm tuy hơi nhọn, nhưng khuôn mặt có duyên. Trên nét mặt dễ nhận thấy một vẻ điềm tĩnh, chừng mực vốn có ở một vài kiểu đàn ông trong độ tuổi ấy. Hai người thân mật nắm tay nhau bước đi trên phố. Tsukuru dõi mắt trông theo hình bóng hai người qua vách kính, để mặc cho miệng mình hơi há ra. Tựa như một người bỗng nhiên cấm khẩu khi vừa nói được nửa từ. Họ chậm rãi bước ngang qua trước mặt Tsukuru, song Sara hoàn toàn không đưa mắt về phía gã. Nàng đang say sưa nói chuyện với người đàn ông, nên dường như mọi sự vật xung quanh chẳng lọt được vào mắt. Ông ta nói một câu gì đó rất ngắn, và Sara phá lên cười hết cỡ, tới mức để lộ cả hàm răng.
Rồi họ dần bị nuốt chửng vào dòng người đông đúc trong buổi chiều nhạt. Mãi lâu sau, Tsukuru vẫn còn dõi qua vách kính về phía hai người vừa khuất dạng với một niềm hy vọng mong manh, rằng biết đâu Sara sẽ vòng trở lại. Có thể nàng bỗng giật mình nhận ra Tsukuru đã ở đó, nên quay lại để giải thích sự tình, nhưng chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Chỉ thấy những con người với vô vàn gương mặt, trong vô vàn bộ dạng đi qua trước mặt gã mà thôi.
Gã sửa lại tư thế ngồi trên ghế, nuốt một ngụm nước đá. Bên ngực trái nhói đau như vừa bị cứa bởi một con dao nhọn. Gã cảm thấy như có dòng máu nóng chảy ra. Có lẽ là máu. Lâu lắm rồi gã mới thấy đau như thế, có lẽ là sau lần bị bốn người bạn thân ruồng bỏ vào mùa hè năm thứ hai đại học. Gã nhắm mắt, bồng bềnh trong cái thế giới của niềm đau đó hồi lâu, tựa như thả cho cơ thể mình nổi trên mặt nước. Đau vẫn còn tốt hơn không, gã tự nhủ. Không thể đau nữa mới thực sự gay go.
Vô số âm thanh hòa trộn làm một, biến thành một tiếng rít chói tai trong màng nhĩ. Đó là một tiếng rít đặc biệt chỉ có thể nghe thấy trong sự im lặng thẳm sâu bất tận, không phải thứ âm thanh dội tới từ bên ngoài, mà là thứ âm thanh do chính gã phát ra từ bên trong phủ tạng của mình. Là con người, bất cứ ai cũng mang trong mình một âm thanh đặc trưng như thế nhưng hầu như chẳng có cơ hội được nghe thấy nó trên thực tế.
Lúc mở mắt ra, gã cảm thấy hình dạng của thế giới đã thay đổi ít nhiều, cái bàn nhựa, tách cà phê màu trắng kiểu dáng đơn giản, nửa miếng bánh sandwich chưa ăn hết, chiếc đồng hồ cũ hiệu TAG Heuer đeo nơi cổ tay trái (kỷ vật của cha gã), tờ báo buổi chiều đang đọc dở, hàng cây ven đường, cửa sổ trưng bày phía đối diện đang tăng dần độ sáng. Tất cả, từng chút một, dường như đang trở nên méo mó, dị dạng. Những đường nét nhòe nhoẹt, đã không còn tạo được cảm giác lập thể, tỉ lệ xích cũng hoàn toàn sai lệch. Gã hít thở sâu mấy lần, từng chút một xoa dịu cảm xúc.
Nỗi đau trong lòng mà gã đang cảm thấy không bắt nguồn từ sự ghen tuông. Gã hiểu ghen tuông là như thế nào. Gã từng nếm trải cảm giác nóng hổi ấy một lần duy nhất trong mơ. Cảm giác khi ấy vẫn còn vẹn nguyên trong cơ thể gã. Gã biết nó khốn khổ và vô vọng đến nhường nào. Nhưng thứ mà gã đang cảm thấy lúc này không phải sự khổ sở kiểu đó mà chỉ là niềm cay đắng, niềm cay đắng như khi bị bỏ lại một mình chơ vơ dưới đáy một cái hố sâu và tối. Nhưng rốt cục, nó chỉ đơn giản là sự cay đắng, và chứa đựng trong nó, không gì khác hơn là một nỗi đau cơ học. Tuy nhiên, Tsukuru lại cảm thấy đó là một điều may mắn.
Thứ đang dày vò gã nhiều nhất lúc này không phải là việc Sara nắm tay người đàn ông khác đi trên phố, cũng không phải cái khả năng rằng có thế sau đó nàng sẽ quan hệ tình dục với ông ta. Lẽ dĩ nhiên, hình dung ra việc nàng cởi đồ và lên giường với người đàn ông khác ở đâu đó là một chuyện khó khăn đối với Tsukuru. Gã đã phải khá nỗ lực để xua đi cảnh tượng đó khỏi đầu mình. Nhưng Sara là một người phụ nữ tự lập ba mươi tám tuổi, nàng vẫn độc chân và tự do. Nàng có cuộc đời của nàng. Cũng giống như gã có cuộc đời của gã. Nàng có quyền đi với ai nàng thích, đến nơi nào nàng thích và làm việc gì nàng thích.
Mà thay vì thế, cái làm Tsukuru bị sốc chính là vẻ mặt rạng ngời không giấu nổi của Sara lúc đó. Nàng đã cười rất to, sáng bừng cả khuôn mặt khi nói chuyện với người đàn ông ấy. Những lúc ở cùng Tsukuru, nàng chưa bao giờ có được vẻ mặt cởi mở và thoải mái đến vậy, chưa từng dù chỉ một lần. Những biểu cảm của nàng khi ở trước Tsukuru, trong bất cứ trường hợp nào, cũng đầy tỉnh táo và kiểm soát. Điều đó khiến Tsukuru cảm thấy chua xót và đau lòng hơn hết thảy.
Gã về phòng, chuẩn bị cho chuyến đi Phần Lan. Mặc lòng, miễn là có việc gì đó để động tay động chân thì sẽ khỏi phải suy nghĩ. Nói thì nói vậy chứ hành lý cũng chẳng có gì nhiều nhặn. Ít quần áo để thay trong vài ngày, túi nhỏ đựng những đồ vệ sinh cá nhân, quần và kính bơi (chúng luôn nằm sẵn trong cặp xách của gã dù đi bất cứ đâu), ô gấp, chỉ chừng ấy, tất cả đều vừa xoắn trong một chiếc túi đeo chéo mang theo vào khoang hành khách. Gã còn không có máy ảnh. Ảnh thì giúp ích được gì? Cái gã cần là những con người bằng xương bằng thịt, là những ngôn từ sống động.
Chuẩn bị xong đâu đó, gã lấy ra tập đĩa than “Những năm hành hương” của Liszt đã lâu rồi không nghe. Bộ ba chiếc LP do Lazar Berman trình bày. Những chiếc đĩa Haida bỏ lại mười lăm năm về trước. Gã vẫn giữ cái máy quay kiểu cũ hầu như chỉ vì một lý do duy nhất là để nghe chúng. Gã đặt đĩa số một lên mâm quay, hạ kim xuống mặt thứ hai.
“Năm thứ nhất: Thụy Sĩ”. Gã thả mình xuống ghế xô pha, nhắm mắt, lắng tai nghe nhạc. “Le Mal du Pays” là khúc số tám trong tập tác phẩm, nhưng lại nằm ở phần đầu của mặt thứ hai trên đĩa. Gã thường bắt đầu nghe từ khúc nhạc cho đến khúc số bốn “Bài sonetto số bốn mươi bảy của Petrarca” trong quyển “Năm thứ hai: Ý”. Tới đó thì hết một mặt đĩa, kim tự động nhấc lên.
“Le Mal du Pays”, bản nhạc ưu sầu lặng lẽ ấy, từng chút một, đã đem đến những đường nét rõ ràng cho nỗi niềm cay đắng vô định hình đang bao bọc lấy trái tim gã. Như thể cơ man những hạt phấn hoa li ti đang bám lên bề mặt một sinh vật vô hình lẩn trốn trong không khí, khiến cho hình dạng tổng thể của nó âm thầm hiện ra trước mắt. Cuối cùng, cái sinh vật lần này có hình dạng của Sara, Sara trong tấm váy liền thân cộc tay màu xanh bạc hà.
Cảm giác nhức nhối trong lồng ngực tái phát. Không phải một cơn đau quặn, mà là kí ức của một cơn đau quặn dai dẳng.
Phải chấp nhận chứ biết làm sao, Tsukuru tự nói với chính mình. Chẳng qua chỉ là một thứ vốn đã trống rỗng lại trở về trống rỗng mà thôi. Gã có thể kêu ai? Mọi người đến bên gã, kiểm tra xem gã trống rỗng đến mức nào, và khi đã kiểm tra xong, họ liền biến đi đâu mất. Sau đó, sẽ chỉ còn lại một mình Tazaki Tsukuru trống rỗng, hoặc càng trống rỗng hơn. Đơn giản thế thôi, chẳng phải sao?
Tuy nhiên, thi thoảng mọi người vẫn bỏ lại những kỷ vật nho nhỏ. Thứ Haida bỏ lại là một tập đĩa than “Những năm hành hương” được đựng trong hộp này. Cõ lẽ cậu ta đã cố ý để chúng lại trong phòng Tsukuru chứ nhất định không phải vô tình bỏ quên. Và Tsukuru yêu những bản nhạc đó. Chúng nối liền với Haida, và với Trắng, tựa như những huyết mạch cố kết ba con người rời rạc lại với nhau. Tuy bé nhỏ đến mong manh, nhưng trong huyết mạch ấy, dòng máu nóng đỏ vẫn đang chảy. Sức mạnh của âm nhạc đã làm nên chuyện đó. Mỗi lần nghe chúng, nhất là mỗi lần đắm mình trong “Le Mal du Pays”, gã sẽ hình dung ra hai con người ấy một cách sống động. Đôi khi, gã còn cảm thấy như thể họ đang ở ngay bên cạnh mình và se sẽ thở.
Hai con người ấy, vào một thời điểm nào đó, đã đi khỏi cuộc đời Tsukuru. Không một lý do, và quá sức đường đột. Không, không phải đi khỏi, mà có lẽ đúng hơn là cắt đứt và bỏ lại gã. Khỏi phải bàn cãi, điều đó làm tổn thương trái tim Tsukuru và vết thương đó cho đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng chung quy, họ mới là những kẻ bị tổn thương theo đúng nghĩa, hoặc phải chịu thiệt thòi hơn Tazaki Tsukuru. Thời gian gần đây, Tsukuru bắt đầu nghĩ vậy.
Có lẽ mình là một con người rỗng tuếch, không có nội dung, Tsukuru nghĩ. Thế nhưng chính vì thiếu đi cái bên trong, nên dù ngắn ngủi, vẫn có những người tìm thấy một chốn nương thân ở trong đó. Như thể loài chim đêm đơn côi muốn tìm một nơi trú chân an toàn lúc ban ngày, dưới vòm mái một ngôi nhà bỏ hoang nào đó. Có lẽ là vì lũ chim thích cái không gian trống rỗng, tù mù và yên tĩnh ấy. Nếu vậy, đáng lẽ ra Tsukuru nên vui mừng vì mình rỗng không mới phải chứ.
Âm thanh cuối cùng của “Bài sonetto số bốn mươi bảy của Petrarca” biến mất vào thinh không, đĩa than dừng lại, kim tự động nhấc lên, tay cần di chuyển sang ngang về phía giá đỡ. Sau đó, gã một lần nữa hạ kim xuống đoạn đầu tiên vẫn trên mặt đĩa đó. Kim khẽ trượt trên rãnh, Lazar Berman lặp lại bài diễn tấu, một cách vô cùng tinh tế, và đẹp đẽ.
Sau khi nghe đi nghe lại mặt đĩa đó hai lần, Tsukuru thay sang bộ pyjama, lên giường và tắt đèn đầu giường. Một lần nữa gã thầm cảm tạ vì cái điều đang đè nặng trong lòng gã chỉ là sự cay đắng say thẳm, chứ không phải cái trĩu nặng của sự ghen tuông. Bởi nếu không, nó chắc chắn sẽ cướp mất giấc ngủ từ tay gã.
Cuối cùng, giấc ngủ cũng tìm đến, bao bọc lấy gã. Tuy chỉ diễn ra trong vài giây, nhưng gã có thể cảm nhận được sự mềm mại quen thuộc lan khắp cơ thể. Đó cũng là một trong số ít những điều mà Tsukuru thầm biết ơn vào buổi tối ấy.
Trong giấc ngủ, gã nghe thấy tiếng chim đêm.
Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương - Haruki Murakami Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương