Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.

Pablo Picasso

 
 
 
 
 
Tác giả: Hugh Laurie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Gun Seller
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1495 / 11
Cập nhật: 2017-05-20 08:59:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hai Mươi Ba
hông có Đông hay Tây, Biên giới, Giống nòi, hay Ngày sinh tháng đẻ khi hai người đàn ông mạnh mẽ đứng trực diện nhau, dầu mỗi người đến từ một góc thế gian.
RUDYARD KIPLING
Đừng tới Casablanca mà mong nó giống trong phim.
Trên thực tế, nếu như anh không quá bận rộn, và lịch trình cho phép, đừng nên đến Casablanca.
Người ta thường nhắc đến Nigeria và những nước có bờ biển lân cận như là cái nách của châu Phi; như thế thật không công bằng, bởi vì con người, văn hóa, phong cảnh và bia ở cái khu vực đó của thế giới, theo trải nghiệm của tôi, thuộc hàng đầu. Tuy nhiên, đúng là khi nhìn vào bản đồ, một mắt mở ti hí, trong một căn phòng tranh tối tranh sáng, chơi trò chơi Đoạn Bờ Biển Này Gợi Cho Bạn Hình Ảnh Gì, thì anh có thể nói rằng, đúng, Nigeria có hình dạng ang áng như cái nách.
Nigeria thật không may mắn.
Nhưng nếu Nigeria là cái nách thì Maroc là bả vai. Và nếu Maroc là bả vai thì Casablanca là một nốt ruồi xấu xí to đùng màu đỏ trên bờ vai đó, kiểu như nó xuất hiện trong một ngày ta cùng vị hôn thê quyết định ra bãi biển. Cái kiểu nốt ruồi cọ đau vào dây đeo áo ngực hay dây đeo quần tùy giới tính của người đeo, và làm ta tự nhủ từ rày trở đi quyết phải ăn thật nhiều rau tươi.
Casablanca là một thành phố công nghiệp núc ních, uể oải; một thành phố của bụi bê tông và khói dầu diesel, nơi ánh sáng mặt trời dường như làm nhạt đi màu sắc hơn là nhuộm màu lên cảnh vật. Chẳng có cảnh gì đáng ngắm, ngoại trừ nửa triệu người nghèo khổ đang vật lộn với cuộc sống tại những khu nhà lụp xụp bằng bìa các tông và tôn dập, nhìn vào là anh sẽ muốn gói ghém đồ đạc nhảy lên máy bay ngay tức khắc. Như chỗ tôi được biết, nó thậm chí còn không có lấy một viện bảo tàng.
Có lẽ anh nghĩ rằng tôi không thích Casablanca. Có lẽ anh cảm thấy tôi đang cố thuyết phục anh đừng thích nó, hoặc làm anh suy nghĩ lại; nhưng thật ra đó không phải chuyện của tôi. Chỉ là, nếu như anh cũng giống như tôi - và cả cuộc đời anh ngồi nhìn ra cửa quán rượu, quán cà phê, khách sạn, hay cửa kính phòng khám răng nơi anh đang ngồi, hy vọng rằng Ingrid Bergman sẽ tới, nhẹ nhàng trong bộ váy dài màu sữa, nhìn thẳng vào anh, đỏ mặt, ngực phập phồng như để cảm ơn Chúa trời rằng rốt cuộc thì cuộc sống đã tìm thấy một chút ý nghĩa - nếu như có một chút nào trong ba cái chuyện đó còn đang ngân nga trong anh, thì rồi anh sẽ thấy Casablanca là một nỗi thất vọng vô hạn.
Chúng tôi đã tự chia thành hai nhóm. Da Trắng và da Ô liu.
Francisco, Latifa, Benjamin và Hugo vào nhóm Ô liu, trong khi Bernhard, Cyrus và tôi vào nhóm Trắng.
Điều này nghe có vẻ lỗi thời. Thậm chí gây sốc. Có lẽ anh đang mải hình dung rằng tổ chức khủng bố là một tập hợp những người bình đẳng về cơ hội, và những sự phân biệt dựa trên màu da không có chỗ trong chúng tôi. Hừm, trong thế giới lý tưởng, có lẽ khủng bố là như thế. Nhưng ở Casablanca, mọi thứ lại khác.
Anh không thể tản bộ trên đường phố của Casablanca với làn da sáng màu.
Hoặc, ít nhất là anh có thể, nhưng chỉ khi anh đã chuẩn bị để đương đầu với một lũ nhốn nháo khoảng chừng năm mươiđứa trẻ, chúng gọi, chúng gào, chúng chỉ trỏ, chúng cười cợt, và cố gắng bán cho anh những đồng đô la Mỹ, giá cả tốt, tốt nhất, và cả hashih nữa.
Nếu như anh là du khách da trắng, anh hãy cứ chấp nhận thế thôi. Hiển nhiên rồi. Anh cười đáp lại, anh lắc đầu và nói La, shokran (Không, cám ơn), thế là chúng càng cười dữ hơn, la dữ hơn, càng chỉ trỏ, và như thế lại kéo thêm năm mươi đứa trẻ khác nhập hội nối đuôi theo sau anh, và tất cả bọn chúng, thật đáng ngạc nhiên thay, cũng có những giá cả hời nhất cho những đồng đô la Mỹ - tóm lại, anh hãy cứ cố gắng mà tận hưởng những trải nghiệm đó. Dù sao, anh là một du khách, trông anh xa lạ và có phần kỳ cục, biết đâu anh còn mặc quần soóc và một chiếc áo Hawaii lố bịch, thế thì tại sao chúng lại không chỉ trỏ vào anh chứ? Tại sao một chặng đường gần năm mươi mét tới một cửa hàng thuốc lá lại không mất đến bốn lăm phút, làm ách tắc phương tiện giao thông từ mọi hướng, và làm muộn giờ xuất bản của tờ tin tức buổi chiều Maroc chứ? Suy cho cùng, đó chính là lý do để anh đi nước ngoài. Là được ra ngoài.
Đó là nếu như anh là một du khách.
Nếu, ngược lại, anh đi nước ngoài để đánh chiếm một tòa đại sứ Mỹ bằng các loại vũ khí tự động, để có thể bắt vị đại sứ và nhân viên của ông ta làm con tin, đòi mười triệu đô la tiền chuộc và đòi thả ngay lập tức hai trăm ba mươi tù nhân lương tâm, rồi rời đi trên máy bay phản lực cá nhân, sau khi đã gài lại tòa nhà sáu mươi cân thuốc nổ dẻo C4 - nếu như đó là điều anh đã suýt khai vào mục Mục đích Viếng thăm trong tờ khai hải quan nhưng cuối cùng lại thôi, bởi vì anh là một tay chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, người không dễ dàng vấp ngã như thế - thì thành thực mà nói, anh có thể đi mà không bị lũ trẻ chỉ trỏ nhòm ngó trên phố.
Bởi thế nhóm Ô liu có nhiệm vụ cảnh giới, trong khi nhóm Trắng chuẩn bị cho cuộc tấn công.
Chúng tôi chiếm một ngôi trường bỏ hoang ở quận Hay Mohammedia. Có thể trước đây nó là một vùng ngoại ô đẹp, cỏ mọc xanh tươi, nhưng giờ đây không còn thế nữa. Cỏ từ lâu đã bị những tấm tôn từ những nhà đang xây đè lên, rãnh thoát nước được đào hai bên đường, và đường là cái mà người ta sẽ làm sau cùng. Lạy Đức Allah nhân từ.
Đây là một khu nghèo, đầy những người nghèo, nơi thực phẩm tệ hại và khan hiếm, và nước sạch là câu chuyện để các bậc phụ lão kể cho con cháu nghe trong những đêm dài mùa đông. Cũng không có nhiều người già đến thế ở Hay Mohammedia. Nơi đây, tuổi già là tuổi của những người bốn mươi lăm tuổi, rụng hết cả răng, thanh thản uống thứ trà bạc hà ngọt tới nhức đầu, đây được coi là một tiêu chí để đạt mức sống trung bình.
Ngôi trường đó là một tòa nhà lớn. Cao hai tầng, quay ba mặt, xây xung quanh một cái sân xi măng, nơi những đứa trẻ hẳn đã từng chơi đá bóng, hoặc cầu nguyện, hoặc học những cách quấy rầy người châu Âu; còn bao quanh phía ngoài là một bức tường năm mét, bị đục thủng bởi một cánh cửa thép duy nhất dẫn ra sân chơi.
Đó là nơi chúng tôi lên kế hoạch, luyện tập, và nghỉ ngơi. Và có những cuộc tranh cãi kịch liệt với nhau.
Ban đầu thường là những cái nhỏ nhặt. Những cáu giận bất chợt từ chuyện hút thuốc, chuyện ai là người uống cốc cà phê cuối cùng, chuyện ai sẽ ngồi ghế đầu của chiếc Land Rover hôm nay. Nhưng rồi dường như dần dần chúng trở nên xấu đi.
Đầu tiên tôi bỏ qua những cái đó để tập trung tư tưởng, bởi vì chúng tôi đang chơi một trò lớn hơn ở đây, lớn hơn nhiều, nhiều hơn so với bất cứ thứ gì chúng tôi đã từng làm. Nó làm cho Mürren dường như là một miếng bánh mà không có hạnh nhân.
Hạnh nhân ở Casablanca là cảnh sát, và có lẽ họ có việc phải làm với những căng thẳng, những hờn dỗi, những cãi cọ.
Bởi vì họ ở khắp mọi nơi. Họ có đủ hàng chục thể loại hình dạng, tầm vóc, với hàng chục đồng phục khác nhau đại diện cho hàng chục quyền lực và chức trách khác nhau, và hầu hết đều có chung một sự thực rằng, nếu anh liếc nhìn họ theo cái lối họ không thích, họ có thể sẽ làm anh không thể ngóc đầu lên được trong suốt cả cuộc đời anh.
Lấy thí dụ, tại cổng mỗi đồn cảnh sát ở Casablanca đều có hai người đứng gác với hai khẩu súng máy.
Hai người. Súng máy. Tại sao?
Anh có thể đứng đó cả ngày, và anh có thể thấy rõ ràng những người đó chẳng bắt lấy một tên phạm tội, chẳng dập tắt một cuộc bạo loạn, chẳng đập tan một cuộc xâm lăng bởi thế lực thù địch nước ngoài nào - thực ra, họ chẳng làm bất cứ điều gì để cho cuộc sống của một người dân Marốc bình thường trở nên tốt đẹp hơn.
Tất nhiên, cái người đã quyết định chi tiền cho những người này - cái người đã ký sắc lệnh rằng đồng phục phải được thiết kế bởi các nhà may thời trang ở Milan, rằng kính chống nắng của họ phải thuộc loại có dây đeo quanh đầu - có thể sẽ nói: “Chà, tất nhiên là chúng tôi chẳng hề bị xâm lược bởi vì chúng tôi có hai người đứng bên ngoài tất cả các đồn cảnh sát với súng máy và quần áo chật tới hai cỡ”. Và anh sẽ phải cúi đầu rời khỏi văn phòng, đi giật lùi, bởi vì không có cách gì để có thể đương đầu được với thứ logic như thế.
Cảnh sát Maroc là biểu tượng của chính quyền đất nước này. Thử tưởng tượng nhà nước là một gã to lớn trong một quán bar, và quần chúng như một tay nhỏ thó ở cùng trong quán bar đó. Gã to lớn có hình xăm ở bắp tay, và gã hỏi tay nhỏ thó: “Mày làm đổ bia của tao phải không?”
Cảnh sát Maroc chính là cái hình xăm đó.
Và với chúng tôi, họ hẳn nhiên là một vấn đề. Quá nhiều sắc quân, quá nhiều lính trong mỗi sắc quân, quá mạnh trong trang bị vũ khí, quá mức trong tất cả mọi thứ.
Có lẽ bởi vì thế mà chúng tôi có phần trở nên nóng nảy. Có lẽ bởi thế mà năm ngày trước đây, Benjamin - vốn ăn nói nhẹ nhàng, thích chơi cờ vua, và đã từng có ý định trở thành một giáo sĩ Hồi giáo - lại gọi tôi là thằng khốn nạn chó chết.
Lúc đó chúng tôi đang ngồi xung quanh bàn trong phòng ăn, ăn món thịt hầm tajine do Cyrus và Latifa nấu, và không ai muốn nói gì. Nhóm Trắng đã dành cả ngày để dựng mô hình kích thước thật mặt trước của tòa lãnh sự, chúng tôi đã mệt mỏi, và còn ngửi thấy mùi gỗ.
Cái mô hình giờ đang đứng phía sau chúng tôi, giống như trong tiết mục kịch câm ở trường, thi thoảng lại có ai đó ngẩng lên khỏi đĩa thức ăn mà nhìn nó, băn khoăn tự hỏi liệu nó có phải là thật hay không. Hoặc là, đã nhìn nó rồi, họ có phải nhìn một cái nào khác nữa hay không.
“Mày là một thằng khốn nạn chó chết,” Benjamin nói, nhảy dựng lên và đứng đó, siết nắm đấm rồi lại mở ra.
Một khoảng im lặng. Cần một lúc để cho mọi người nhận ra rằng anh ta đang nhìn ai.
“Anh vừa gọi tôi là gì?” Ricky hỏi, thẳng người lên một chút trên ghế - một tay khó mà nổi giận ngay, nhưng là kẻ thù kinh khủng một khi đã nổi giận.
“Mày nghe thấy rồi đấy,” Benjamin nói.
Trong một thoáng tôi không chắc anh ta sẽ đánh tôi hay sẽ khóc.
Tôi nhìn Francisco, đợi anh ta bảo Benjamin ngồi xuống hoặc đi ra ngoài, hoặc làm việc gì đó, nhưng Francisco chỉ nhìn lại tôi và tiếp tục nhai.
“Tôi đã làm gì anh thế?” Ricky quay lại phía Benjamin nói.
Nhưng anh ta chỉ tiếp tục đứng đó, nhìn trừng trừng, siết chặt hai nắm đấm, cho tới khi Hugo đứng lên mà nói món thịt hầm thật là tuyệt. Tất cả mọi người đều biết ơn, đều nói, đúng, món hầm rất tuyệt, lại không quá mặn nữa. Tất cả mọi người, trừ tôi và Benjamin. Anh ta trừng trừng nhìn tôi, tôi trừng trừng nhìn lại, và dường như chỉ mình anh ta biết được điều đó có nghĩa là gì.
Rồi anh ta quay gót đi về phía đại sảnh, và sau một lúc chúng tôi nghe thấy tiếng cánh cổng sắt kèn kẹt, rồi tiếng động cơ chiếc Land Rover vang lên.
Francisco vẫn đang nhìn tôi.
Năm ngày sau, Benjamin cố gắng cười với tôi một vài lần, và giờ chúng tôi đã sẵn sàng bắt đầu. Chúng tôi đã phá mô hình, gói ghém hành trang, xóa bỏ các dấu vết và cầu nguyện. Không khí thực sự khá là phấn khích.
Buổi sáng ngày mai, lúc chín giờ ba mươi lăm, Latifa sẽ đến xin cấp visa ở tòa đại sứ Mỹ. Lúc chín giờ bốn mươi, Bernhard và tôi sẽ có cuộc hẹn với ông Roger Buchanan, tham tán thương mại. Lúc chín giờ bốn mươi bảy, Francisco và Hugo sẽ tới với một xe đẩy đựng bốn thùng nhựa nước khoáng, hóa đơn ghi tên Sylvie Horvath tại phòng lãnh sự.
Sylvie thực sự đã gọi chở nước đến - nhưng không phải các thùng nước đựng trong sáu hộp các tông.
Và vào lúc chín giờ năm mươi lăm, dao động thêm một vài giây, Cyrus và Benjamin sẽ lao chiếc Land Rover vào tường phía Tây của tòa lãnh sự.
“Thế để làm gì?” Solomon hỏi.
“Cái gì để làm gì?” Tôi hỏi lại.
“Cái Land Rover.” Anh ta lấy bút chì ra khỏi miệng mà trỏ xuống bản vẽ. “Các anh sẽ không thể đi xuyên qua tường như thế được. Đó là tường bê tông cốt thép dày sáu mươi mốt phân, còn có cả hàng cọc chắn ở đó nữa. Thậm chí dù các anh có xuyên qua được thì nó cũng làm cho tốc độ giảm ngay lập tức.”
Tôi lắc đầu.
“Chỉ là tiếng động thôi,” tôi nói. “Họ tạo ra một tiếng động lớn, đè cái còi xuống, Benjamin ngã ra khỏi ghế lái, máu me be bét trên áo, và Cyrus gào người ta gọi cứu thương. Chúng tôi sẽ thu hút càng nhiều người tới phần phía Tây của tòa nhà càng tốt, để xem xem tiếng động đó là gì.”
“Họ có cứu thương không?” Solomon hỏi.
“Tầng trệt. Kho thuốc gần cầu thang.”
“Có ai được đào tạo không?”
“Tất cả nhân viên Mỹ của đại sứ quán đều đã tham dự khóa đào tạo, nhưng dường như Jack là người đảm trách.”
“Jack?”
“Webber,” Tôi nói. “Vệ sĩ tòa lãnh sự. Mười tám năm phục vụ trong Hải quân. Mang một khẩu Beretta 9 ly chuẩn ở hông bên phải.”
Tôi dừng lại. Tôi biết Solomon đang nghĩ gì.
“Thì sao?” Anh ta hỏi.
“Latifa mang một bình xịt Mace,” tôi nói.
Anh ta viết ra một điều gì đó - nhưng chậm rãi, như thể biết rằng điều mình đang viết ra cũng chẳng tạo nên khác biệt nhiều lắm.
Tôi cũng biết điều đó.
“Cô ấy cũng mang một khẩu Micro Uzi trong túi áo khoác nữa,” tôi nói.
Chúng tôi đang ngồi trong chiếc Peugeot mà Solomon đã thuê, đỗ ở một chỗ đất cao gần La Squala - một nơi đổ nát, vào thế kỷ mười tám đã từng là một kho lớn chứa các khẩu pháo chính trông ra bến cảng. Thực là một nơi đẹp để thưởng ngoạn phong cảnh ở Casablanca, nhưng cả hai chúng tôi đều không thưởng thức nhiều lắm.
“Giờ điều gì sẽ xảy ra?” Tôi hỏi trong khi châm một điếu thuốc với cái bảng đồng hồ của Solomon, gọi là bảng đồng hồ là bởi lúc lôi nó ra thì hầu như tôi đã làm nó bung bét cả cùng với cái bật lửa, và tôi phải mất một lúc để lắp các thứ lại với nhau. Tôi rít một hơi, cố thổi khói ra khỏi cửa sổ xe, nhưng không được thành công lắm.
Solomon vẫn đang nhìn xuống những ghi chép của mình.
“Hừm, có lẽ,” tôi nhắc anh ta, “có lẽ sẽ có cả một lữ đoàn cảnh sát Maroc và CIA núp trong trục thang máy. Và có lẽ, khi chúng tôi bước vào, họ sẽ thò đầu ra nói các anh đã bị bắt. Và có lẽ, Lưỡi gươm Công lý và tất cả những ai đã từng dính líu tới nó không lâu sau đó sẽ hiện diện tại một tòa án cách cái rạp chiếu phim này chừng hai trăm mét. Và có lẽ, tất cả những chuyện này sẽ xảy ra mà không có ai bị trầy vi tróc vẩy gì.”
Solomon hít một hơi thật sâu, rồi thở ra chầm chậm. Sau đó anh ta bắt đầu xoa bụng, tôi không thấy anh ta làm vậy cả hàng chục năm rồi. Chứng loét ruột của Solomon là thứ duy nhất có thể khiến anh ta thôi nghĩ về công việc.
Anh ta quay lại nhìn tôi.
“Tôi sẽ bị điều về nhà,” anh ta nói.
Chúng tôi nhìn nhau một lúc. Rồi tôi phá lên cười. Tình cảnh này thật ra không tức cười, chính xác là thế - tiếng cười chỉ đột nhiên phát ra từ miệng tôi.
“Tất nhiên rồi,” cuối cùng tôi nói. “Tất nhiên là anh sẽ được chuyển về nhà. Hoàn toàn hợp lý.”
“Này, Thomas,” anh ta bắt đầu, và tôi có thể nhìn thấy trên mặt anh ta rằng anh ta ghét điều đó như thế nào.
“Cảm ơn ông vì đã làm việc tốt, ông Solomon,” tôi nói, bắt chước giọng của Russell Barnes. “Chúng tôi muốn cảm ơn vì sự chuyên nghiệp, sự gắn bó và trách nhiệm của ông, chúng tôi sẽ tiếp nhận công việc từ đây, nếu như ông không cảm thấy phiền. Ồ, như thế thật tuyệt hảo.”
“Thomas, hãy nghe tôi.” Anh ta đã gọi tôi là Thomas hai lần trong ba mươi giây. “Hãy thoát ra khỏi chuyện này. Hãy từ bỏ, được chứ? “
Tôi cười anh ta, càng làm cho anh ta nói nhanh hơn.
“Tôi có thể đưa anh tới Tangier,” anh ta nói. “Anh sẽ tự tới Ceuta, rồi đi phà sang Tây Ban Nha. Tôi sẽ gọi cảnh sát địa phương, bảo họ đỗ một xe ở phía ngoài tòa đại sứ, toàn bộ mọi thứ sẽ đổ bể. Chưa có chuyện gì xảy ra cả.”
Tôi nhìn vào mắt Solomon, và thấy tất cả những rắc rối ở trong đó. Tôi thấy anh ta cảm thấy tội lỗi và xấu hổ - tôi thấy một đoạn ruột loét ở trong mắt anh ta.
Tôi lẳng mẩu thuốc ra khỏi cửa sổ.
“Thật nực cười,” tôi nói. “Đó là điều mà Sarah Woolf đã muốn tôi làm. Cô ấy đã nói hãy từ bỏ. Đến những bãi biển đầy nắng, xa khỏi những thứ CIA điên rồ.”
Anh ta không hỏi tôi đã gặp cô khi nào, hoặc tại sao tôi lại không nghe lời cô nói. Anh ta đang quá bận rộn với vấn đề của chính mình. Vấn đề đó là tôi.
“Thế nào?” Anh ta nói. “V ì Chúa, Thomas, hãy làm như thế đi.” Anh ta với tay sang nắm lấy tay tôi. “Toàn bộ chuyện này thật điên rồ. Nếu như bước vào trong tòa nhà đó, anh sẽ không thể sống sót mà ra ngoài được. Anh biết điều đó mà.” Tôi chỉ ngồi đó, làm cho anh ta tức điên lên. “Chúa ơi, anh chính là người đã nói điều đó. Anh cũng là người đã biết tất cả từ đầu.”
“Ồ, thôi nào, David. Anh cũng đã biết mà.”
Trong khi nói, tôi theo dõi khuôn mặt anh ta. Anh ta đã có một phần trăm giây cau mày, hoặc há hốc miệng ngạc nhiên, hoặc hỏi rằng anh đang nói cái gì đó, nhưng anh ta đã không nói. Ngay sau khi cái phần trăm giây đó qua đi, tôi biết, và anh ta biết rằng tôi biết.
“Bức ảnh chụp Sarah và Barnes cùng nhau,” tôi nói, và mặt Solomon vẫn ngây ra. “Anh biết ý tôi là gì. Anh đã biết rằng chỉ có một lời giải thích cho nó.”
Cuối cùng anh ta cụp mắt xuống, nới lỏng bàn tay đang nắm cánh tay tôi.
“Làm thế nào hai người đó lại đến với nhau sau khi những chuyện như thế xảy ra?” Tôi nói. “Chỉ có một lời giải thích duy nhất. Đó không phải là sau đó. Mà là trước đó. Bức ảnh được chụp trước khi Alexander Woolf bị bắn. Anh biết Barnes đang làm gì, và anh biết, hoặc có lẽ đã đoán được Sarah Woolf đang làm gì. Chỉ là anh đã không nói với tôi.”
Anh ta nhắm hai mắt lại. Nếu như anh ta đang xin tha thứ thì điều đó đã không được nói to, và không phải là từ tôi.
“Giờ UCLA ở đâu?” Sau một lúc tôi hỏi. Solomon lắc đầu nhè nhẹ.
“Tôi không biết bất cứ một thiết bị nào như thế,” anh ta nói, hai mắt vẫn nhắm.
“David...” Tôi bắt đầu, nhưng Solomon cắt ngang lời. “Thôi mà,” anh ta nói.
Thế nên tôi để cho anh ta nghĩ bất cứ điều gì phải nghĩ, và quyết định bất cứ điều gì anh ta phải quyết định.
“Tất cả những điều tôi biết, thưa ông chủ,” cuối cùng Solomon nói, và đột nhiên giọng anh ta nghe lại giống như ngày xưa, “là một máy bay vận tải quân sự của quân đội Mỹ đã hạ cánh xuống căn cứ Gibraltar RAF trưa hôm nay, dỡ xuống một lượng phụ tùng cơ khí dự trữ.”
Tôi gật đầu. Solomon đã mở mắt. “Số lượng nhiều chừng nào?”
Solomon hít một hơi dài nữa, muốn nói tất cả mọi thứ ra một lần.
“Một người bạn của một người bạn của một người bạn ở đó nói rằng có hai thùng, mỗi thùng có kích thước áng chừng dài sáu mét, rộng ba mét, cao ba mét, được áp tải bởi mười sáu hành khách nam giới, chín người trong số họ mặc đồng phục, những người đó ngay lập tức lấy các thùng ra mang đến một nhà chứa máy bay ở cạnh hàng rào đã được để dành riêng cho họ.”
“Barnes?” Tôi hỏi.
Solomon nghĩ một thoáng.
“Tôi không dám chắc, thưa ông chủ. Nhưng anh bạn đó cho rằng anh ta có lẽ đã nhận ra một nhân viên ngoại giao Mỹ trong toán tùy tùng đó.”
Ngoại giao cái con c... Ngoại giao gì cái loại chó đẻ đó.
“Theo anh bạn đó,” Solomon tiếp tục, “còn một người rất khác biệt mặc đồ dân sự.”
Tôi ngồi thẳng dậy, cảm giác như mồ hôi đang đổ ra từ lòng bàn tay mình.
“Khác biệt thế nào?” Tôi hỏi.
Solomon ngả đầu về một bên, đang cố nhớ lại tất thảy các chi tiết. Như thể anh ta bắt buộc phải làm thế.
“Áo khoác đen, quần kẻ sọc đen,” anh ta nói. “Anh bạn đó cho rằng ông ta nhìn giống như một người bồi bàn khách sạn.”
Và cái vẻ sáng lạn trên nước da. Cái sáng lạn của đồng tiền. Cái sáng lạn của Murdah.
Đúng, tôi nghĩ. Quần anh tụ hội đã đủ.
Trong khi chúng tôi lái xe quay lại trung tâm thành phố, tôi diễn giải cho Solomon nghe về điều tôi sắp làm, và điều tôi cần anh ta làm.
Thi thoảng anh ta gật đầu, không thích thú một chút nào, mặc dù hẳn anh ta phải nhận ra rằng tôi cũng không hứng thú gì lắm.
Khi chúng tôi tới tòa lãnh sự, Solomon lập tức chậm lại, rồi cho chiếc Peugeot từ từ lượn vòng quanh khu nhà, cho tới khi chúng tôi ngang với hàng cây có gai. Chúng tôi nhìn lên những cành cao tán trải rộng của nó một lúc, rồi tôi gật đầu với Solomon, thế là anh ta bước ra mở ngăn hành lý.
Trong đó có hai gói. Một hình chữ nhật, kích thước khoảng bằng một chiếc hộp để giày, cái kia hình ống, dài gần mét rưỡi. Cả hai đều bọc giấy dầu. Chẳng có đánh dấu, không có số xê ri, cũng không có hạn sử dụng.
Thấy rằng Solomon không thực sự muốn chạm vào chúng, tôi liền cúi vào tự lấy những gói đó ra.
Anh ta đóng cửa xe lại và khởi động máy trong khi tôi bước về phía bức tường tòa đại sứ.
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm