My test of a good novel is dreading to begin the last chapter.

Thomas Helm

 
 
 
 
 
Tác giả: Hugh Laurie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Gun Seller
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1495 / 11
Cập nhật: 2017-05-20 08:59:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hai Mươi Hai
ác vị thông thái ở Oxford
Biết tất cả mọi điều cần biết Nhưng không ai biết bằng phân nửa Ông Cóc thông minh.
KENNETH GRAHAME
Phần còn lại của chuyến đi Luân Đôn của tôi bị choán hết bởi những việc chuẩn bị này nọ.
Tôi đánh máy một văn bản dài và khó hiểu, chỉ miêu tả rặt những phần của chuyến phiêu lưu mà trong đó tôi xử sự như một người tốt, thông minh, rồi đưa cho ông Halkerston ở Ngân hàng Quốc gia Westminster tại Swiss Cottage. Văn bản đó dài bởi vì tôi không có thời gian để viết một cái ngắn, và nó khó hiểu bởi vì máy chữ của tôi bị mất chữ cái “d”.
Halkerston trông có vẻ lo lắng, có thể do tôi hoặc do cái phong bì lớn màu nâu tôi đưa cho ông ta, tôi không thể biết được. Ông ta hỏi tôi có chỉ dẫn gì đặc biệt để biết trong những trường hợp như thế nào thì nên mở nó ra hay không, và khi tôi bảo ông ta hãy tự phán xét thì ông ta liền đặt cái phong bì xuống, gọi một người khác vào mang nó tới một phòng chứa chắc chắn.
Tôi cũng đổi phần tiền còn lại trong lần chuyển tiền đầu của Woolf thành séc du lịch.
Tiền rủng rỉnh, tôi liền tới cửa hàng điện tử Blitz ở đường Tottenham Court và dành một giờ với một người đàn ông rất tử tế đội khăn xếp để nói chuyện về tần số vô tuyến. Ông ta đảm bảo với tôi rằng Sennheiser Mikroport SK 2012 là một lựa chọn hoàn hảo, rằng tôi không nên chấp nhận một sự thay thế nào khác, và tôi đã làm như vậy.
Sau đó tôi thẳng hướng Đông ra Islington để gặp luật sư của tôi, ông ta nắm tay tôi lắc lắc và dành ra mười lăm phút để nói với tôi rằng hôm nào đấy chúng tôi lại phải đánh gôn với nhau lần nữa. Tôi bảo ông ta đó là một ý tuyệt vời, nhưng, nghiêm túc mà nói, chúng ta cần phải đánh gôn với nhau một lần trước khi có thể đánh gôn lại với nhau lần nữa, thế là ông ta đỏ mặt đáp hẳn là khi nói vậy ông ta đã nghĩ đến Robert Lang. Tôi nói đúng, hẳn là thế rồi, rồi tiếp tục tiến hành khai và ký một bản chúc thư, trong đó tôi hiến tất cả bất động sản và động sản của tôi cho Quỹ Cứu trợ Trẻ em.
Và rồi, khi chỉ còn bốn mươi tám tiếng trước khi phải trở lại chiến hào, tôi đụng phải Sarah Woolf.
Khi tôi nói tôi đụng phải cô, thực sự tôi muốn nói rằng tôi đã đụng phải cô.
Tôi đã thuê một chiếc Ford Fiesta trong vài ngày để đi loanh quanh Luân Đôn khi tôi ký hòa ước cuối cùng với Đấng cứu thế và Những chủ nợ, và tất nhiên những việc lặt vặt chỉ bắt tôi phải đi tới phố Cork. Bởi vậy, chẳng có mục đích gì cụ thể, tôi rẽ trái, rồi rẽ phải, rồi lại rẽ trái, và thấy mình đã lái xe vượt qua những phòng tranh đã hạ cửa chớp xuống gần hết, vừa lái vừa nghĩ về những ngày hạnh phúc. Tất nhiên, những ngày đó cũng chẳng hạnh phúc hơn đâu. Nhưng đó là những ngày có Sarah, và thế gần như là đủ.
Mặt trời thấp, sáng rực rỡ, và hình như bài “Chẳng phải nàng đáng yêu sao?” đang rền rĩ trên radio trong khi tôi ngoái đầu, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, về phía tòa nhà kính. Tôi quay lại, ngay khi chớp sáng màu xanh từ phía sau một chiếc xe phóng tới trước mặt tôi.
Phóng tới, ít nhất đó là từ tôi có thể sẽ dùng trong tờ khai bảo hiểm. Nhưng tôi nghĩ rằng bước ra, lượn ra, phóng ra hay thậm chí đi ra - bất cứ chữ nào trong số đó cũng gần với sự thực hơn.
Tôi đạp chân phanh, quá trễ rồi, và hốt hoảng nhìn cái bóng màu xanh đầu tiên lùi xa tôi và đứng đó, đấm tay xuống ca pô chiếc Fiesta, trong khi cái hãm xung từ từ trượt tới ống quyển của cái ánh sáng xanh ấy.
Không còn chút khoảng cách nào. Tuyệt đối không. Nếu như cái hãm xung mà bẩn thì có lẽ tôi đã chạm vào cô. Nhưng nó không bẩn, và tôi đã không chạm, điều đó cho phép tôi nhất thời trở nên giận dữ. Tôi mở tung cửa, thò nửa người ra khỏi xe, chuẩn bị nói “Có bị thần kinh không đấy?” thì chợt nhận ra cặp giò mà tôi suýt cán gãy trông rất quen. Tôi ngước lên và thấy rằng tia sáng màu xanh đó có một khuôn mặt, một đôi mắt xám gây sửng sốt khiến lũ đàn ông trở nên lắp bắp, và hàm răng tuyệt vời, những thứ đó giờ đây đang dần hiện ra.
“Chúa ơi,” tôi nói. “Sarah.”
Cô trừng trừng nhìn tôi, mặt trắng bệch. Một nửa đang sốc, và nửa kia cũng đang sốc.
“Thomas à?”
Chúng tôi nhìn nhau.
Và trong khi chúng tôi nhìn nhau, cùng đứng đó trên phố Cork, Luân Đôn, Anh quốc, trong ánh mặt trời rực rỡ, tiếng nhạc ủy mị nỉ non của Stevie Wonder trong xe, mọi thứ xung quanh chúng tôi dường như đã thay đổi theo một cách nào đó.
Tôi không biết nó diễn ra như thế nào, nhưng trong vài giây đó tất cả những người mua sắm, những thương gia, thợ xây, khách du lịch, cảnh sát giao thông, với tất cả những giày dép, áo quần, váy tất, túi xách, đồng hồ, nhà cửa, xe cộ và những khoản vay trả góp, những cuộc hôn nhân, những sở thích và những tham vọng... tất cả đều nhòe đi.
Để lại Sarah với tôi, đứng đó, trong một thế giới rất tĩnh lặng.
“Em ổn không?” Tôi hỏi, sau khoảng một nghìn năm.
Chỉ là nói cho có. Tôi không thực sự rõ tôi có ý gì. Có phải tôi có ý rằng cô ổn vì tôi đã không làm tổn thương cô, hay là ổn bởi vì rất nhiều người đã không làm tổn thương cô?
Sarah nhìn tôi như thể cả cô cũng không biết, nhưng sau một hồi tôi nghĩ rằng chúng tôi đã quyết định sẽ nghi thức hơn một chút.
“Em ổn,” cô nói.
Và rồi, đột nhiên như thể người ta đang trở lại sau giờ ăn trưa, đoạn phim phụ trợ cho chúng tôi lại bắt đầu chuyển động, bắt đầu ồn ào. Tiếng huyên thuyên, tiếng chân bước, tiếng ho, tiếng những thứ rơi xuống. Sarah đang bóp nhẹ tay mình. Tôi quay đầu nhìn nắp ca pô của chiếc Ford. Cô phác một cử chỉ.
“Em chắc chứ?” Tôi nói. “Hẳn là em...”
“Thật mà, Thomas, em ổn.” Ngừng lại một chút, để cô vuốt phẳng lại vạt váy, còn tôi nhìn cô làm điều đó. Rồi cô ngẩng lên nhìn tôi. “Còn anh thì sao?”
“Tôi?” Tôi nói. “Tôi...”
Chà, tới lượt tôi phải nói. Phải bắt đầu ở đâu đây nhỉ?
Chúng tôi tới một quán rượu. Quán Công tước Xứ Lơ Tơ Mơ nào đó, nằm dí ở góc một cái trại ngựa gần quảng trường Berkeley.
Sarah ngồi xuống bàn và mở túi xách tay, và trong khi cô bận rộn với những thứ ở bên trong đó, làm những chuyện của phụ nữ, tôi hỏi xem cô có muốn uống gì không. Cô đáp một cốc whisky lớn. Tôi không thể nhớ liệu người ta có khuyến khích đưa rượu cồn cho người mới bị sốc hay không, nhưng tôi biết mình không thể gọi một cốc trà nóng ở Luân Đôn, thế nên tôi đi tới quầy rượu gọi hai cốc lớn Macallan.
Tôi nhìn cô, nhìn những cửa sổ, nhìn cửa chính. Hẳn bọn họ đang theo dõi cô. Hẳn thế.
Với sự đặt cược của họ vào cô, thật khó mà tưởng tượng họ có thể để cho cô đi rong mà không có người đi kèm. Tôi là một con sư tử, nếu như anh có thể tưởng tượng như thế một lúc, còn cô là con dê được cột trong chuồng. Thật điên khùng khi thả cô đi lang thang.
Trừ khi.
Không ai bước vào, không ai dòm vào trong, không ai đi vượt qua và vụng trộm nhìn từ ngoài vỉa hè vào. Không có gì cả. Tôi nhìn Sarah.
Cô đã kết thúc công chuyện với cái túi xách, giờ cô đang ngồi, nhìn ra giữa phòng, gương mặt cô hoàn toàn trống rỗng. Cô đang ở trong một trạng thái mụ mẫm, suy nghĩ mông lung. Hoặc là cô đang bối rối, giữa những suy nghĩ về mọi chuyện. Tôi không thể biết được. Tôi khá chắc rằng cô biết tôi đang nhìn cô, bởi thế việc cô không nhìn lại là hơi lạ lùng. Nhưng lạ lùng không phải một cái tội.
Tôi lấy đồ uống và quay lại bàn.
“Cảm ơn,” cô nói, đón lấy cốc từ tay tôi và dốc một hơi tất cả vào họng.
“Bình tĩnh nào,” tôi nói.
Cô nhìn tôi một lúc với vẻ thực sự gây hấn, như thể tôi là một người nữa trong một hàng dài rất nhiều kẻ đang chen vào việc của cô, bảo ban cô phải làm gì. Và rồi nhớ ra tôi là ai - hoặc nhớ ra phải vờ như đã nhớ ra tôi là ai - cô liền mỉm cười. Tôi cười lại.
“Mười hai năm ủ trong thùng,” tôi nói một cách vui vẻ, “được cất giữ ở một sườn đồi cao nguyên Scotland, đợi thời khắc quan trọng của nó - rồi ực một cái, thế là xong. Ai muốn trở thành thứ rượu whisky mạch nha không pha kia chứ?”
Tôi đang nói huyên thuyên, hiển nhiên thế. Nhưng trong hoàn cảnh đó, tôi cảm thấy mình có quyền được làm vậy một chút. Tôi đã bị bắn, đã bị đánh đập, đã bị húc bay khỏi xe máy, đã bị giam, đã bị lừa dối, bị đe dọa, bị ngủ cùng, bị đối xử kẻ cả, và bị ép buộc bắn một người tôi chưa từng gặp. Tôi đã mạo hiểm mạng sống của mình trong nhiều tháng, và chỉ vài giờ nữa sẽ lại phải mạo hiểm, cùng với mạng sống của rất nhiều người khác, một vài trong số đó là của những người tôi rất yêu mến.
Và nguyên do của tất cả những điều đó - cái phần thưởng ở cuối chương trình trò chơi trên truyền hình Nhật Bản mà tôi đã luôn hướng tới - giờ đây đang ngồi trước mặt tôi, trong một quán rượu an toàn ấm áp của Luân Đôn, uống rượu. Trong khi ngoài kia người ta đang chạy ngược chạy xuôi, mua khuy áo và bàn luận về thời tiết đẹp một cách bất thường.
Nếu là anh, hẳn anh cũng sẽ nói huyên thuyên.
Chúng tôi quay trở lại chiếc Ford, và tôi lái xe chạy lòng vòng.
Thực ra Sarah vẫn không nói nhiều, có chăng chỉ là cô đảm bảo không có ai theo cô, và tôi nói như thế thật tốt, thật nhẹ cả người, song tôi không tin vào điều đó tẹo nào. Bởi thế tôi lái xe vòng quanh, vừa lái vừa nhìn kính chiếu hậu. Tôi lái xe vào đường một chiều nhỏ hẹp, lên một con đường nhiều cây cối và ít xe đi lại, lạng lách từ làn này sang làn khác trên đường Westway, và không thấy gì cả. Tôi nghĩ, đắt rẻ không thành vấn đề, nên liền lái xe vào rồi đi thẳng ra luôn khỏi hai tòa nhà để xe cao tầng, thế là nếu có xe nào theo đuôi đi nữa thì chúng cũng đành chịu chết. Chẳng còn gì nữa.
Tôi để Sarah ngồi lại xe trong khi bước ra ngoài kiểm tra xem có thiết bị thu phát điện từ không, lần ngón tay vào trong chắn xe và chắn lốp trong khoảng mười lăm phút cho tới khi tôi cảm thấy chắc chắn. Tôi thậm chí còn đỗ xe vài lần, ngắm nghía bầu trời xem có tiếng lạch xạch của chiếc trực thăng cảnh sát nào không.
Chẳng có gì.
Nếu như là một tay cá cược, và có cái gì đó để đặt cược, tôi sẽ đặt cửa chúng tôi không bị bám đuôi, không bị theo dõi.
Riêng chúng tôi trong thế giới tĩnh lặng.
Người ta hay nói bóng tối buông xuống, đêm xuống, màn đêm buông xuống, song với tôi điều đó dường như chẳng bao giờ đúng. Dường như có lần họ nói đêm đã đến. Cứ như là đêm xảy ra. Có lẽ khi nói vậy họ liên tưởng đến hình ảnh mặt trời rơi xuống. Nghe có vẻ cũng đúng, ngoại trừ đáng ra người ta phải nói là ngày xuống. Và nếu đã từng đọc sách, chúng ta biết rằng ngày không lên hay xuống. Nórạng. Trong sách thì ngày rạng còn đêm thì xuống.
Trong đời thực, đêm mọc lên từ mặt đất. Ngày cứ ở đó chừng nào nó còn có thể, tươi tỉnh và háo hức, chắc chắn là người khách cuối cùng rời bàn tiệc, trong khi mặt đất tối dần, bóng đêm rỉ ra ngập quanh mắt cá chân, nuốt chửng mãi mãi đôi kính áp tròng lỡ đánh rơi, làm cho anh lỡ quả bắt bóng cuối cùng của lần ném cuối cùng trong trò chơi cuối cùng.
Đêm mọc lên ở Hampstead Heath khi Sarah và tôi sánh bước cùng nhau, đôi lúc nắm tay, đôi lúc không.
Chúng tôi hầu như bước đi trong im lặng, chỉ lắng nghe tiếng bàn chân của mình trên cỏ, trên đất bùn, trên đá. Những con chim nhạn lẹ làng bay đây đó, vụt như tên bắn vào những rặng cây cao và cây bụi như những kẻ đồng tính lén lút, trong khi những kẻ đồng tính lén lút cứ lẹ làng vụt qua đây đó, chẳng khác nào những con chim nhạn. Có rất nhiều hoạt động ở Heath trong đêm đó. Hoặc có lẽ mọi đêm đều thế. Những gã đàn ông dường như ở mọi nơi, một mình, hai mình, ba mình hay nhiều hơn nữa, bọn họ đang định giá, đang ra dấu, đang mặc cả, đang thực hiện: cắm vào nhau để cho, hoặc nhận, cái một phần triệu giây sạc điện đó sẽ giúp họ trở về nhà và tập trung được vào chuyện Thám tử Morse mà không bị mất ngủ.
Đàn ông là thế, tôi nghĩ. Đó là tình dục nam không bị xiềng xích. Không phải không có tình yêu, nhưng tách bạch khỏi tình yêu. Ngắn, gọn, hiệu quả. Fiat Panda, thực thế.
“Anh đang nghĩ gì thế?” Sarah hỏi, mắt dán chặt xuống đất trong khi bước.
“Về em,” tôi nói, trơn tru.
“Em?” Cô hỏi, và chúng tôi bước đi một lúc. “Tốt hayxấu?”
“Ồ tốt, hẳn nhiên rồi.” Tôi nhìn cô, nhưng cô đang cau mày, vẫn nhòm xuống dưới. “Tất nhiên là tốt,” tôi nhắc lại.
Chúng tôi tới một cái ao, và đứng trên bờ, nhìn, rồi lẳng vài hòn đá xuống, và nhìn chung cảm ơn nó vì một cái cơ cấu cổ xưa nào đó đã hấp dẫn con người đến với mặt nước. Tôi nghĩ về lần cuối cùng chỉ có hai chúng tôi với nhau, trên bờ sông ở Henley. Trước Praha, trước Lưỡi gươm, trước mọi thứ khác.
“Thomas,” cô nói.
Tôi quay lại đối diện với cô, bởi vì đột nhiên tôi có cảm giác rằng cô đã tập điều gì đó trong đầu và giờ là lúc cô nóng lòng muốn lấy nó ra.
“Sarah,” tôi nói.
Cô vẫn nhìn xuống.
“Thomas, anh nói chúng ta đang theo đuổi cái gì?”
Cô ngừng một lúc, và rồi, cuối cùng, ngước mắt lên nhìn tôi - đôi mắt màu xám, to, đẹp - và tôi có thể thấy nỗi tuyệt vọng ở trong đó, sâu bên trong và trên bề mặt. “Ý em là, hãy cùng nhau,” cô nói. “Hãy biến ra khỏi chuyện này.”
Tôi nhìn cô thở dài. Ở một thế giới khác thì làm thế có thể sẽ có tác dụng, tôi tự nhủ. Ở một thế giới khác, ở một vũ trụ khác, ở một thời gian khác, như là hai người hoàn toàn khác, chúng tôi thực sự có thể bỏ mọi thứ lại sau mình, bay tới những hòn đảo ngập nắng ở Caribê, làm tình với nhau, uống nước dứa, không ngừng nghỉ, suốt cả năm.
Nhưng giờ đây, nó chẳng có chút tác dụng nào. Những chuyện tôi cứ nghĩ trong một thời gian dài, giờ đây tôi đã biết; và những thứ tôi đã biết trong một thời gian dài, giờ đây tôi lại không muốn biết.
Tôi hít một hơi dài.
“Em biết được chừng nào về Russell Barnes?” Tôi hỏi. Cô chớp mắt.
“Gì cơ?”
“Tôi hỏi em biết Russell Barnes được chừng nào rồi.”
Cô nhìn tôi một lúc, rồi phá lên cười; cái kiểu tôi vẫn haylàm khi nhận ra mình đang gặp rắc rối to.
“Barnes,” cô nói, nhìn ra xa và lắc đầu, cố xử sự như thể tôi vừa mới hỏi cô thích uống Coca hay Pepsi. “Cái quái gì đã...”
Tôi nắm lấy khuỷu tay cô siết chặt, giật cô quay lại đối mặt tôi lần nữa.
“Em có thể trả lời câu hỏi chết tiệt đó được không?”
Sự tuyệt vọng trong mắt cô giờ đây chuyển thành hoảng hốt. Tôi đang làm cô sợ. Và thành thực mà nói, tôi đang tự làm mình sợ.
“Thomas, em không biết anh đang nói tới điều gì.”
Chà, thế đấy.
Thế là chút hy vọng le lói cuối cùng đã tắt. Lúc cô, đứng đó gần mặt nước khi đêm lên, nói dối tôi, tôi biết mình đã biết.
“Là em đã gọi bọn họ, phải không?”
Cô vùng vằng cố thoát khỏi cái siết tay của tôi một lúc, rồi lại phá lên cười.
“Thomas, anh thật... có chuyện quái quỷ gì với anh thế?”
“Xin đừng, Sarah,” tôi nói, và tiếp tục giữ khuỷu tay cô,“đừng đóng kịch nữa.”
Lúc này, cô đang thực sự trở nên sợ hãi và bắt đầu cố dứt ra. Tôi cứ giữ lại.
“Chúa ơi...” Cô dợm nói, nhưng tôi lắc đầu và cô ngừng lại. Tôi lắc đầu khi cô cau mày với tôi, và tôi lắc đầu khi cô cố ra vẻ sợ hãi. Tôi chờ đợi cho tới khi cô ngừng tất cả những thứ đó lại.
“Sarah,” cuối cùng tôi nói, “hãy nghe tôi. Em biết Meg Ryan, phải không?” Cô gật đầu. “Chà, Meg Ryan được trả hàng triệu đô để làm chuyện mà bây giờ em đang cố làm. Hàng chục triệu đô. Em biết tại sao không?” Cô nhìn lại tôi. “Bởi vì đó là chuyện rất khó làm tốt, và trên thế giới này những người có thể làm được chuyện đó ở khoảng cách này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bởi thế đừng đóng kịch, đừng giả vờ, đừng nói dối.”
Cô mím miệng lại và dường như đột nhiên thả lỏng, bởi thế tôi thả lỏng bàn tay đang nắm ở khuỷu tay cô ra, rồi buông hẳn. Chúng tôi đứng đó như những người trưởng thành.
“Chính em đã gọi bọn họ,” tôi nhắc lại. “Em đã gọi bọn họ đêm đầu tiên tôi tới nhà em. Em đã gọi bọn họ từ quán ăn, vào đêm họ húc tôi bắn khỏi xe.”
Tôi không muốn nói điều cuối cùng, nhưng phải có ai đó nói thôi.
“Em đã gọi bọn họ,” tôi nói, “và họ tới giết bố em.”
Cô khóc trong khoảng một giờ, ở Hampstead Heath, trên ghế, trong ánh trăng, trong vòng tay tôi. Tất cả nước mắt trên thế gian này chảy trên khuôn mặt cô và thấm đẫm vào lòng đất.
Có một lúc cơn khóc trở nên thật dữ dội, thật lớn, và chúng tôi bắt đầu nghe thấy những khán giả ở rải rác xa xa thì thầm bảo nhau gọi cảnh sát, rồi nghĩ tốt hơn cứ kệ thế. Tại sao tôi vòng tay quanh người cô? Tại sao tôi ôm một người đàn bà đã phản bội chính bố đẻ mình, cũng là người đã lợi dụng tôi như một cái khăn chùi tay?
Chịu.
Khi cuối cùng cơn khóc đã bắt đầu lắng dịu, tôi vẫn ôm cô, cảm thấy cơ thể cô giật lên và run rẩy với những tiếng nấc sau khi khóc mà trẻ em thường có.
“Đáng ra ông ấy không phải chết,” đột nhiên cô nói, với một giọng trong, mạnh, điều đó làm tôi tự hỏi có phải nó tới từ một nơi nào đó khác chăng. Có lẽ thế. “Chuyện đó xảy ra không phải do chủ định. Thực ra,” cô lấy ống tay áo lau mũi, “thực ra người ta đã hứa với em rằng ông sẽ ổn. Người ta nói miễn sao ông ngừng lại thì sẽ chẳng có gì xảy ra. Cả ông và em sẽ được an toàn, và cả hai người...”
Cô ấp úng, và với tất cả sự bình tĩnh trong giọng nói của cô, tôi có thể thấy cô đang chết đi vì mặc cảm tội lỗi.
“Cả hai người sẽ sao?” Tôi hỏi.
Cô ngửa đầu ra sau, ưỡn cái cổ dài, dâng cổ họng cho ai đó không phải tôi.
Rồi cô cười. “Giàu có,” cô nói.
Trong một khoảnh khắc, tôi cũng muốn cười. Nó nghe như thể một từ kỳ quặc. Thật là một thứ kỳ quặc. Nghe nó như một cái tên, hoặc một đất nước, hoặc một kiểu xa lát. Cho dù từ đó là gì đi nữa, hẳn nó không thể nào hàm nghĩa là có rất nhiều tiền. Như thế nó chỉ, đơn giản là, quá kỳ quặc.
“Người ta hứa rằng cả hai người sẽ giàu?” Tôi hỏi.
Cô hít sâu và thở dài, rồi nụ cười nhanh chóng nhạt dần như thể nó chưa từng đến.
“Vâng,” cô nói. “Giàu. Tiền. Họ nói cả hai bố con sẽ có tiền.”
“Nói với ai? Cả hai người?”
“Ồ, Chúa ơi, không. Bố sẽ không...” Cô dừng một lúc và toàn thân run rẩy mãnh liệt. Đoạn cô nhướng cằm lên, nhắm mắt lại. “Ông đã đi xa, quá xa, không thể nghe những thứ này.”
Tôi thấy khuôn mặt ông. Vẻ hăm hở, cương quyết, đầy sinh khí. Cái vẻ của một người đàn ông đã dùng cả đời để làm ra tiền, tạo lập con đường của mình, thanh toán các hóa đơn của mình, và rồi, vào đúng lúc, ông ta nhận ra rằng đó không phải là đích của cuộc chơi. Ông nhận thấy cơ hội để sửa lại nó.
Anh có phải là một người tốt không, Thomas?
“Thế rồi họ cho em tiền?” Tôi nói.
Cô mở mắt ra và cười, rất nhanh, rồi lại chùi mũi.
“Họ cho em tất cả. Tất cả những thứ mà một đứa con gái có thể muốn. Tất cả mọi thứ một đứa con gái đã có, thực ra là thế, trước khi bố nó quyết định sẽ mang chúng đi.”
Chúng tôi ngồi như thế một lúc, tay nắm tay, nghĩ và nói về những điều cô đã làm. Nhưng chúng tôi không đi xa lắm. Khi bắt đầu, cả hai chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ phải là câu chuyện lớn nhất, dài nhất, sâu sắc nhất mà cả hai từng nói với một người khác. Gần như ngay lập tức, chúng tôi nhận ra rằng nó không như thế. Bởi vì chẳng có ích lợi gì. Có quá nhiều thứ để nói, như một ngọn núi lớn những lời giải thích cần phải vượt qua, nhưng rồi, không biết sao, chẳng có chút nào trong đó cần phải được nói ra hết cả.
Chính là như thế.
Dưới sự lãnh đạo của Alexander Woolf, công ty Gaine Parker sản xuất lò xo, đòn bẩy, chốt cửa, kẹp thảm, mặt thắt lưng và hàng ngàn thứ lặt vặt khác của đời sống phương Tây. Họ sản xuất những thứ đồ nhựa, những thứ đồ kim loại, những thứ đồ điện tử, những thứ đồ cơ khí, một vài thứ cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, một vài thứ bán cho các nhà sản xuất khác, và một vài thứ cho chính phủ Mỹ.
Điều đó, lúc đầu, rất thuận lợi đối với Gaine Parker. Nếu như có thể làm ra những bệ sứ vệ sinh làm hài lòng người phụ trách nhập hàng của Woolworths, anh sẽ có tiền. Nếu anh có thể làm ra một cái thỏa mãn được chính phủ Mỹ, bằng cách đáp ứng các đòi hỏi trong bản chi tiết kỹ thuật của một bộ bệ xí quân sự - và tôi cam đoan với anh rằng có những thứ như thế, nó có một bản chi tiết kỹ thuật, và tôi có thể đoán chừng bản chi tiết kỹ thuật đó có lẽ phủ kín ba mươi mặt giấy A4 - nếu như anh có thể làm việc đó, chà, anh sẽ có tiền ra tiền vào hàng triệu lần trước mặt.
Như thực tế đã diễn ra, Gaine Parker không sản xuất bệ sứ vệ sinh. Họ làm ra các bộ chuyển mạch điện tử và những thứ thông minh với các bóng bán dẫn. Cũng như không thể thiếu được đối với các nhà sản xuất bộ điều nhiệt cho máy điều hòa, cái chuyển mạch đó cũng xuất hiện trong cơ cấu làm lạnh của một kiểu máy phát điện diesel mới theo yêu cầu kỹ thuật chi tiết của quân đội. Và bởi nó đạt yêu cầu, tháng Hai năm 1972, Gaine Parker và Alexander Woolf trở thành nhà thầu phụ cho Bộ Quốc phòng Mỹ.
Lợi lộc từ hợp đồng này không đo đếm bằng con số. Ngoài việc cho phép, thậm chí khuyến khích Gaine Parker bán ra với giá tám đô một bộ mà ở bất cứ nơi nào khác trên thị trường may lắm cũng chỉ được năm đô, hợp đồng còn như một tem bảo đảm, làm cho khách hàng khắp thế giới muốn mua cái thứ chuyển mạch nhỏ bé thông minh đó vượt qua những đoạn đường rải sỏi để đến cửa nhà Woolf.
Kể từ khi đó, chẳng có gì không ổn có thể xảy ra, và đã không xảy ra điều gì. Chỗ đứng của Woolf trong giới kinh doanh nguyên liệu cứ được nâng dần, nâng dần, và quan hệ của ông với những người cực kỳ quan trọng, những người điều khiển thế giới đó - và do vậy cũng có thể nói là những người điều khiển thế giới này - cũng được nâng lên cùng với nó. Họ cười với ông, đùa với ông và để ông làm thành viên câu lạc bộ gôn St Regis ở Long Island. Họ gọi cho ông vào nửa đêm để tán vặt chuyện này chuyện kia. Họ mời ông đi du thuyền cùng họ ở Hamptons, và quan trọng hơn, chấp nhận lại lời mời của ông. Họ gửi thiệp Giáng sinh cho gia đình ông, rồi gửi quà Giáng sinh, và, cuối cùng, họ bắt đầu mời rượu ông ở những bữa tiệc tối hai trăm ghế của đảng Cộng hòa, nơi chủ đề của nhiều cuộc nói chuyện xoay quanh việc thâm hụt tài chính và sự tái sinh của nền kinh tế Mỹ. Và ông càng lên cao thì càng nhiều hợp đồng tìm đến, và những bữa tối trở nên nhỏ hơn, thân mật hơn. Cho tới khi, cuối cùng, họ chẳng còn gì nhiều để làm với những bữa tiệc chính trị đó nữa. Họ có nhiều việc phải làm với chính trị theo kiểu thông thường, nếu như anh hiểu ý tôi.
Đó là lúc một trong số các bữa tối như thế sắp tàn và một ông trùm công nghiệp, đã chếnh choáng sau vài cốc vang đỏ, nói với Woolf về một tin đồn ông ta mới nghe được. Tin đồn đó rất kỳ quái, và Woolf, tất nhiên, đã không tin. Thực tế, ông thấy nó thật nực cười. Nực cười tới nỗi ông đã quyết định chia sẻ nó với một trong những người đặc biệt quan trọng, vào một trong các cuộc điện đàm giữa đêm thông thường của họ và chợt nhận ra rằng đường dây đã bị ngắt trước khi ông kể đến điểm mấu chốt của câu chuyện.
Cái ngày Alexander Woolf quyết định dấn thân vào tổ hợp công nghiệp quân sự là cái ngày mọi thứ thay đổi. Đối với ông, với gia đình ông, với công việc của ông. Mọi việc thay đổi nhanh chóng, và thay đổi vĩnh viễn. Tỉnh dậy từ giấc ngủ thiu thiu, tổ hợp công nghiệp quân sự đó nâng cái móng vuốt kỳ vĩ, lười nhác của nó lên vả một phát khiến ông bắn ra xa, như thể ông chẳng phải là con người nữa.
Họ hủy bỏ các hợp đồng đã có và rút các hợp đồng tiềm năng trong tương lai. Họ làm phá sản các nhà cung cấp của ông, làm rối loạn công nhân của ông, và điều tra ông về tội trốn thuế. Họ mua cổ phiếu của công ty ông trong vài tháng rồi đem bán trong vài giờ, và khi những chuyện đó chưa đủ cho biết tay, họ cáo buộc ông tội buôn ma túy. Họ thậm chí còn ném ông ra khỏi St Regis, bởi người ta không thay thế một mảng cỏ ở đường bóng lăn sân gôn.
Chẳng chuyện nào trong số đó làm Alexander Woolf bận tâm, vì ông biết ông đã nhìn thấy ánh đèn, và ánh đèn đó màu xanh. Nhưng nó làm cô con gái ông bận tâm, và con quái vật biết điều đó. Con quái vật biết rằng Alexander Woolf đã bắt đầu cuộc đời với tiếng Đức là ngôn ngữ đầu tiên, và nước Mỹ là tôn giáo đầu tiên của ông; rằng ở tuổi mười bảy ông đứng bán móc áo đằng sau một chiếc xe tải, sống một mình trong một phòng tầng hầm ở Lowes, New Hampshire, cả cha và mẹ đã chết và không có nổi mười đô la trong túi. Đó là nơi Alexander Woolf xuất phát, và đó cũng là nơi ông ta sẽ quay trở lại, nếu cái giá là quay trở lại. Với Alexander Woolf, nghèo đói không phải là bóng tối, hay thứ gì xa lạ, hay thứ gì ông phải sợ dù theo bất cứ cách nào. Vào bất cứ thời điểm nào của đời ông.
Nhưng con gái ông thì lại khác. Con gái của ông đã trải qua không gì khác ngoài những ngôi nhà lớn, những bể bơi lớn, những chiếc xe to, sự chăm sóc tận tình của bác sĩ nha khoa, và nghèo đói làm cô sợ muốn chết. Nỗi sợ những thứ xa lạ đó làm cô dễ bị tổn thương, và con quái vật biết điều đó.
Một người đã mang cho cô một nhiệm vụ.
“Thế đấy,” cô nói.
“Tốt đấy,” tôi nói.
Răng cô va vào nhau lập cập, điều đó làm tôi nhận ra chúng tôi đã ngồi ở đây lâu tới chừng nào. Và tôi còn lại bao nhiêu thời gian.
“Tôi nên đưa em về,” tôi nói, và đứng dậy. Thay vì đứng dậy cùng tôi, cô cuộn người sát hơn xuống ghế, hai tay khoanh trước bụng như thể đang đau. Bởi vì cô đang đau. Khi cô nói, giọng nghe cực nhỏ, và tôi phải ngồi xổm xuống cạnh cô mới nghe thấy. Tôi càng thấp xuống, cô càng cúi đầu để tránh nhìn vào mắt tôi.
“Đừng trừng phạt em,” cô nói. “Đừng trừng phạt em vì cái chết của bố em, Thomas, bởi vì em có thể làm chuyện đó mà không cần anh phải giúp.”
“Tôi không trừng phạt em, Sarah,” tôi nói. “Tôi chỉ đưa em về nhà, thế thôi.”
Cô ngẩng đầu lên, lại nhìn tôi, và tôi thấy một nỗi sợ hãi mới đang trượt vào đôi mắt cô.
“Nhưng tại sao?” Cô nói. ”Ý em là, giờ chúng ta ở đây. Cùng nhau. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì. Đi bất cứ đâu.”
Tôi nhìn xuống dưới đất. Cô vẫn chưa hiểu vấn đề.
“Em muốn đi đâu?” Tôi hỏi.
“Điều đó chẳng quan trọng, phải không?” Cô nói, giọng cô lớn dần cũng như sự tuyệt vọng. “Cái chính là chúng ta có thể đi. Ý em là, Chúa ơi, Thomas, anh biết đấy... bọn chúng điều khiển anh bởi vì bọn chúng đe dọa làm hại em, và bọn chúng điều khiển em bởi vì bọn chúng đe dọa làm hại anh. Đó là cách bọn chúng làm. Nhưng giờ nó đã kết thúc. Chúng ta có thể đi đâu đó. Hãy đi khỏi đây.”
Tôi lắc đầu.
“Tôi e rằng giờ chuyện không đơn giản như thế nữa,” tôi nói. “Nếu như nó đã từng thế.”
Tôi ngừng lại nghĩ một lúc, tự hỏi mình nên nói với cô điều gì. Chẳng có gì, đó là điều tôi thực sự nên nói với cô. Nhưng, chết tiệt thật.
“Đây không phải chỉ là chuyện chúng ta,” tôi nói. “Nếu như chúng ta cứ thế bỏ đi, những người khác sẽ chết. Chết vì chúng ta.”
“Những người khác?” Sarah nói. “Anh đang nói gì thế? Những người khác nào?”
Tôi cười với cô, bởi muốn cô cảm thấy dễ chịu hơn, không sợ hãi như thế, và cũng bởi tôi nhớ tất cả bọn họ. “Sarah,” tôi nói. “Em và tôi...”
Tôi lúng túng. “Sao cơ?” Cô nói.
Tôi hít một hơi dài. Chẳng còn cách nào khác để nói điều đó.
“Chúng ta phải làm việc đúng đắn,” tôi nói.
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm