Người mà cố gắng rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với người không cố gắng gì cả và thành công.

Lloyd James

 
 
 
 
 
Tác giả: Hugh Laurie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Gun Seller
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1495 / 11
Cập nhật: 2017-05-20 08:59:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Sáu
iờ đã điểm, mà người chưa tới.
WALTER SCOTT
Tôi nằm viện trong thời gian đủ ăn bảy bữa, dù thế là lâu hay chóng. Tôi xem ti vi, uống thuốc giảm đau, cố giải tất cả các ô chữ đang giải dở dang đằng sau bìa báo Woman’s Own. Và tự vấn vô số câu.
Đầu tiên là, tôi đã làm gì? Sao tôi lại ở trên đường đi của viên đạn, bắn ra bởi một người tôi không biết, bởi những lý do mà tôi không hiểu nổi? Ở đó có gì cho tôi? Ở đó có gì cho Woolf? Ở đó có gì cho O’Neal và Solomon? Tại sao những ô chữ bị bỏ dở? Do những bệnh nhân đã khỏi bệnh, hay đã chết, trước khi họ làm xong? Hay là họ tới bệnh viện rồi bị cắt đi nửa não, và đó có phải là bằng chứng về trình độ của bác sĩ phẫu thuật không? Ai đã xé bìa của các tạp chí và tại sao? Liệu câu trả lời cho câu “không phải phụ nữ” (3) có thật là “đàn ông” không?
Và trên hết, tại sao hình ảnh Sarah Woolf lại được dán vào mặt trong tấm cửa tâm trí tôi, khiến mỗi lần tôi mở nó ra, để nghĩ điều gì đó - chương trình ti vi buổi chiều, hút thuốc ở phòng vệ sinh cuối khu, gãi một ngón chân ngứa - thì cô luôn ở đó, mỉm cười và cau có với tôi cùng một lúc? Ý tôi là, lần thứ một trăm rồi, đó là người phụ nữ mà tôi chắc chắn mình không yêu.
Tôi nghĩ Rayner có thể trả lời được ít nhất một vài trong số những câu hỏi đó, bởi vậy nên, khi tự thấy mình đã đủ khỏe để đứng dậy đi loanh quanh, tôi mượn một bộ quần áo dài rồi lên tầng tới khu Barrington.
Khi Solomon nói với tôi rằng Rayner cũng ở trong viện Middlesex, tôi đã ngạc nhiên, ít nhất là trong một lúc. Nghe có vẻ trớ trêu, rốt cuộc thì cả hai chúng tôi đều bị đem đi sửa trong cùng một hiệu, sau tất cả những gì chúng tôi đã trải qua cùng nhau. Nhưng sau đó, như Solomon đã chỉ ra, chẳng còn nhiều bệnh viện sót lại ở London vào lúc này, và nếu như anh bị đau khi đang ở bất kỳ nơi nào về phía Nam Watford Gap, rất có thể anh sẽ tới bệnh viện Middlesex, không sớm thì muộn.
Rayner nằm ở một phòng riêng, đối diện với bàn y tá, được nối dây với đủ thể loại hộp đang kêu bíp bíp. Hai mắt ông ta nhắm lại, có thể là đang ngủ cũng có thể do hôn mê, đầu bọc trong một cái băng gạc lớn. Và ông ta mặc bộ pyjama giả vải flanen màu xanh dương, nó khiến cho ông ta nom như một đứa trẻ, có lẽ lần đầu tiên trong rất nhiều năm. Tôi đứng cạnh giường ông ta một lúc, lòng tràn đầy thương cảm, cho tới khi một y tá xuất hiện hỏi tôi muốn gì. Tôi nói rằng tôi muốn rất nhiều thứ, nhưng sẽ hài lòng nếu được biết tên của Rayner.
Bob, cô nói. Cô đứng cạnh tôi, tay đặt trên núm cửa, muốn tôi ra khỏi đó, nhưng còn chần chừ vì bộ quần áo tôi mặc.
Tôi xin lỗi, Bob, tôi nghĩ thầm.
Ông ta đã ở đó, chỉ để làm những việc đã được phân công, những việc mà ông ta được trả lương để làm, thế rồi một thằng ngu ở đâu tới nện ông ta bằng bức tượng Phật cẩm thạch. Đúng là họa vô đơn chí.
Tất nhiên tôi biết Bob cũng chẳng kém cạnh gì. Ông ta thậm chí cũng không hẳn là kẻ đi bắt nạt kẻ kém cạnh đó. Nói chính xác nhất, ông ta là đại ca của cái kẻ chuyên bắt nạt cái kẻ chuyên bắt nạt kẻ kém cạnh. Solomon đã lục tìm hồ sơ của Rayner ở Bộ Quốc phòng, và phát hiện ông ta từng bị đuổi khỏi Đội Pháo binh Hoàng gia vì buôn chợ đen - tất cả mọi thứ từ dây buộc giày quân dụng tới xe bọc thép Saracen tuồn qua cổng doanh trại dưới tay Bob Rayner - nhưng dù thế, tôi là người đã đánh ông ta, vì vậy tôi thấy thương cảm ông ta ít nhiều.
Tôi đặt phần nho còn lại mà Solomon mang cho tôi lên bàn gần giường ông ta, rồi bước ra.
Những người đàn ông đàn bà mặc áo choàng trắng đã cố ép tôi ở lại bệnh viện thêm vài ngày, nhưng tôi lắc đầu và nói với họ rằng tôi khỏe rồi. Họ tặc lưỡi, bắt tôi ký một số giấy tờ, rồi chỉ cho tôi cách thay gạc và bảo tôi hãy quay lại đây ngay nếu như cảm thấy nóng hay ngứa ở vết thương.
Tôi cảm ơn sự chu đáo của họ, và từ chối khi họ đề nghị dùng xe lăn. Đằng nào thì cũng thế, bởi vì thang máy đã ngừng hoạt động.
Rồi sau đó tôi khập khiễng lên xe buýt về nhà.
Căn hộ của tôi vẫn ở nguyên chỗ cũ, nhưng dường như nhỏ hơn so với tôi nhớ. Chẳng có lời nhắn nào trong điện thoại và chẳng có gì trong tủ lạnh ngoại trừ nửa cốc sữa chua tự nhiên và một cọng cần tây mà tôi thừa hưởng từ người ở đấy trước đó.
Ngực tôi đang đau, như người ta đã nói trước, bởi vậy tôi tới ghế sofa nằm xem ngày đua ngựa ở Doncaster trên ti vi, với một con lật đật Tôi Chắc Tôi Đã Từng Nhìn Thấy Con Gà Gô Ấy Đâu Đó Trước Kia to đùng ở khuỷu tay.
Hẳn là tôi đã gà gật một lúc, và chuông điện thoại làm tôi thức giấc. Tôi ngồi dậy thật nhanh, nhăn nhó vì chỗ đau ở nách, và với tay lấy chai whisky. Rỗng không. Tôi thấy vô cùng khó chịu. Tôi nhìn đồng hồ rồi nhấc ống nghe. Tám giờ mười, hoặc hai giờ kém hai mươi. Tôi không thể nói chính xác được.
“Ông Lang phải không?”
Đàn ông. Người Mỹ. Tiếng lạch cạch, tiếng vo vo. Tiếp tục đi, tôi biết cái giọng này. “Vâng.”
“Ông Thomas Lang?” Biết rồi. Đúng, Mike, tôi gọi tên giọng nói đó sau năm giây. Tôi lắc đầu để cố đánh thức mình, và cảm thấy có gì kêu lạch cạch.
“Xin chào ông, ông Woolf,” tôi nói.
Im lặng ở đầu dây bên kia. Và rồi: “Ông đã khỏe hơn nhiều rồi, tôi nghe được thế.”
“Không hẳn,” tôi nói. “Thế à?”
“Mối lo lớn nhất trong đời tôi là không có chuyện gì để kể cho con cháu nghe. Tôi có thể nói rằng chuyện của tôi với gia đình Woolf đủ để kể cho chúng nghe tới năm chúng mười lăm tuổi.”
Tôi nghĩ mình vừa nghe thấy ông ta cười, nhưng cũng có thể chỉ là một tiếng lách cách trên đường dây. Hoặc cũng có thể là đội của O’Neal vừa kích hoạt con rệp điện tử của họ.
“Nghe này, Lang,” Woolf nói, “tôi muốn chúng ta gặp nhau ở đâu đó.”
“Tất nhiên là ông muốn rồi, ông Woolf. Để tôi xem nào. Lần này ông sẽ yêu cầu tôi thực hiện một vụ cắt ống dẫn tinh cho ông mà không cần báo trước. Tôi đoán có đúng không?”
“Tôi muốn giải thích, nếu như ông thấy không có vấn đề gì. Ông thích đồ ăn Ý không?”
Nghĩ về cọng cần tây và cốc sữa chua, tôi nhận ra rằng mình thích ăn đồ Ý ghê gớm. Nhưng có một vấn đề ở đây.
“Ông Woolf,” tôi nói, “trước khi ông nói địa điểm, hãy chắc chắn rằng ông có thể đặt chỗ cho ít nhất mười người nhé. Tôi có cảm giác đây sẽ là một bữa tiệc đông người đấy.”
“Cái đó thì được,” ông ta vui vẻ nói. “Ông có một cuốn sách hướng dẫn du lịch ngay cạnh điện thoại đấy.” Tôi nhìn xuống bàn và thấy một quyển bìa mềm màu đỏ. Hướng dẫn du lịch London của Ewan. Trông mới tinh, và dĩ nhiên không phải do tôi mua. “Nghe kỹ này,” Woolf nói, “tôi muốn ông giở trang hai mươi sáu, mục thứ năm. Gặp ông ở đó ba mươi phút nữa.”
Có tiếng ồn ồn ở đầu dây bên kia khiến trong thoáng chốc tôi cứ nghĩ ông ta đã gác máy, nhưng giọng ông ta lại cất lên. “Lang à.”
“Vâng?”
“Đừng để quyển sách lại trong căn hộ của ông.” Tôi hít một hơi thở sâu và mệt mỏi.
“Ông Woolf này,” tôi nói, “tôi có thể ngu ngốc, nhưng tôi không ngu ngốc đâu.”
“Đó là điều tôi hy vọng.”
Đường dây đã bị ngắt.
Mục thứ năm trang hai mươi sáu trong quyển sách của Ewan hướng dẫn cách xài tiền ở khu Đại London là “Giare, 216Roseland, WC2, Ital, 60 pp điều hòa nhiệt độ, Visa, Mast, Amex”. Liếc qua quyển sách là đủ thấy Ewan khá tằn tiện với mô típ ba chiếc thìa của ông ta, bởi vậy ít nhất tôi cũng có thể trông chờ một bữa ăn đâu ra đấy.
Vấn đề tiếp theo là làm sao tới đó mà không kéo theo một đoàn chục nhân viên công vụ mặc áo mưa nâu. Tôi không chắc là Woolf có thể làm điều tương tự, nhưng nếu như ông ta đã cất công nghĩ tới trò sách hướng dẫn, mà tôi phải thừa nhận tôi thích trò ấy, thì hẳn ông ta sẽ biết cách đi đứng sao cho không bị người lạ làm phiền.
Tôi ra khỏi căn hộ, đi tới cửa chính. Mũ bảo hiểm của tôi vẫn ở đó, ngự trên đỉnh đồng hồ xăng, cùng với một đôi găng tay da đã vẹt. Tôi mở cửa, ngó đầu ra phố. Không có bóng dáng đội mũ nỉ nào đang tựa cột đèn liền thẳng người dậy và búng điếu thuốc không đầu lọc đi. Nhưng mà nói cho ngay, thật ra tôi không nghĩ mình sẽ thấy cảnh đó.
Cách năm mươi thước về bên trái tôi thấy một chiếc Leyland màu xanh lá đậm với cái ăng ten bằng cao su thò ra trên mái, và bên phải, phía bên kia đường là một cái lều sọc đỏ trắng của thợ sửa đường. Cả hai đều có vẻ vô hại.
Tôi rụt đầu vào trong nhà, đội mũ, đeo găng và lấy chìa khóa ra. Tôi nhẹ nhàng mở hộp thư ở cửa trước, lấy cái điều khiển từ xa dành cho chuông báo động xe đặt ngang hàng với rãnh khe thư, bấm nút. Chiếc Kawasaki bíp một tiếng cho thấy chuông báo động đã được tắt, tôi bèn mở cửa và phóng thẳng xuống phố sao cho nhanh nhất trong chừng mực nách tôi cho phép.
Con xe nổ máy ngon lành ngay lần đầu, xe Nhật thường đều vậy cả, cho nên tôi gạt ti, lên số một và nhả côn. Tôi cũng đã trèo lên xe rồi, nhưng cứ nói ra vậy luôn nếu như anh đang lo tôi chưa làm chuyện ấy. Khi vượt qua chiếc xe màu xanh sẫm hẳn tôi đang phóng khoảng bốn mươi dặm một giờ, và tôi thoáng khoái trá nghĩ rằng rất nhiều tay đội mũ trùm đầu ở đó đang dộng cùi chỏ vào thứ này thứ nọ mà nói “Chết tiệt”. Khi tới cuối con phố tôi có thể thấy trong gương chiếu hậu ánh đèn một chiếc xe đang bám theo. Đó là một chiếc Rover.
Tôi rẽ trái vào đường Bayswater với vận tốc xấp xỉ vận tốc giới hạn, và dừng ở một đèn giao thông mà suốt bao năm qua chưa bao giờ bật xanh mỗi khi tôi tới gần. Nhưng tôi chẳng lấy đó làm phiền. Tôi nghịch găng tay và mũ lưỡi trai một lát, cho tới khi nhận thấy chiếc Rover bò vào làn đường bên trong, tôi liếc nhìn khuôn mặt để râu ngồi sau tay lái. Tôi muốn nói với anh ta, thôi về nhà đi bởi vụ này sẽ làm anh xấu hổ lắm đấy.
Khi đèn chuyển sang màu hổ phách, tôi đóng van gió hết cỡ và vặn van xăng tới khoảng năm ngàn vòng/phút, rồi ngả người về phía trước tì lên bình xăng để ấn bánh trước xuống. Tôi nhả côn khi đèn về màu xanh và cảm thấy bánh sau khổng lồ của chiếc Kawasaki quẫy điên cuồng từ bên này sang bên kia như đuôi một con khủng long, cho tới khi nó tìm được chỗ bấu cần thiết để phóng tôi vút tới trên đường.
Hai giây rưỡi sau tốc độ đã là 60 dặm/giờ và hai giây rưỡi sau nữa tất cả đèn đường đều nhòe vào nhau, thế là tôi không nhớ tay tài xế chiếc Rover trông thế nào nữa.
Giare là một chỗ vui nhộn đến lạ, với những bức tường trắng và nền nhà gạch vọng âm biến mọi lời thì thầm thành tiếng quát tháo và mỗi tiếng cười thành một tiếng rống.
Một ả tóc vàng mặc đồ Ralph Lauren với cặp mắt to nhận lấy mũ bảo hiểm của tôi và chỉ cho tôi tới một bàn gần cửa sổ. Tôi ngồi xuống rồi gọi một cốc nước khoáng cho mình và một cốc lớn vodka cho chỗ đau ở dưới nách. Trong khi chờ Woolf tới, để giết thời gian, tôi có thể lựa chọn giữa một đằng là cuốn sách hướng dẫn của Ewan còn một đằng là thực đơn. Thực đơn trông có vẻ dài hơn một chút, bởi vậy tôi chọn nó.
Món đầu tiên chiến đấu dưới cái tên “Món nướng Tarroce, với khoai tây Benatore” và trọng lượng ấn tượng: gần tám ki lô gam. Cô tóc vàng mặc Ralph Lauren đi tới hỏi tôi có cần giúp chọn món không, tôi liền nhờ cô giải thích khoai tây là cái gì. Cô không hề cười.
Tôi vừa mới bắt đầu hiểu phần miêu tả về món thứ hai, có lẽ là món kho kiểu Anh em nhà Marx nếu tôi không lầm, thì nhác thấy Woolf ở cửa, tay khư khư giữ một cái va li trong khi anh bồi cởi áo khoác cho ông ta.
Và rồi, đúng lúc nhận ra rằng bàn này dành cho ba người, tôi thấy Sarah Woolf hiện ra từ sau lưng ông ta.
Tôi ghét phải nói ra điều này: cô trông quyến rũ lắm. Cực kỳ quyến rũ. Tôi biết nói thế là sáo rỗng, nhưng có những lúc anh nhận ra rằng tại sao sáo rỗng lại trở thành sáo rỗng. Cô mặc bộ váy lụa xanh đơn giản, và, ở trên người cô, bộ váy làm đúng những gì mà mọi áo váy sẽ làm nếu chúng có cơ hội được khoác lên cô - nằm nguyên ở những nơi chúng phải nằm yên và chuyển động ở những nơi ta muốn nhìn thấy chuyển động. Gần như mọi con mắt đều nhìn theo khi cô đi về phía bàn, và cả phòng im lặng khi Woolf đẩy ghế cho cô ngồi xuống.
“Ông Lang,” Woolf lớn nói, “rất vui là ông đã tới.” Tôi gật đầu với ông ta. “Ông biết con gái tôi chứ?”
Tôi liếc sang Sarah, cô đang nhìn xuống khăn ăn của mình, cau mặt. Kể cả khăn ăn của cô ấy nhìn cũng thích hơn khăn ăn của bất cứ ai.
“Vâng, tất nhiên,” tôi nói. “Để tôi xem nào. Wimbledon? Henley? Đám cưới của Dick Cavendish? Không, tôi nhớ ra rồi. Ở đầu nòng súng, đó là nơi chúng tôi gặp nhau gần đây nhất. Rất vui được gặp lại cô.”
Đó vốn là một câu thân thiện, thậm chí bông đùa, nhưng khi cô vẫn không ngẩng lên nhìn tôi, câu nói đó dường như vón cục thành một thứ mang tính công kích, tôi ước giá như tôi cứ im miệng và chỉ cười thôi. Sarah chỉnh bộ dao nĩa theo một kiểu mà hẳn theo cô nhìn sẽ thích mắt hơn.
“Ông Lang,” cô nói, “tôi đã nghe theo lời khuyên của bố tôi là đến đây xin lỗi ông. Không phải vì tôi nghĩ tôi đã làm gì sai, mà bởi ông đã phải chịu đau đớn dù ông không đáng phải chịu. Và tôi hối tiếc vì điều đó.”
Woolf và tôi chờ đợi cô tiếp tục, nhưng dường như đó là tất cả những gì chúng tôi được nghe lúc này. Cô chỉ ngồi đó, lục lọi trong túi xách cốt để không phải nhìn tôi. Có vẻ cô đã tìm được một số thứ, kể cũng lạ, bởi vì túi của cô khá nhỏ.
Woolf vẫy phục vụ, rồi quay về phía tôi. “Ông đã xem thực đơn chưa?”
“Mới liếc qua thôi,” tôi nói. “Tôi nghe nói món nào ông gọi cũng rất ngon.”
Người phục vụ tới và Woolf nới lỏng cà vạt một chút. “Hai martini,” ông ta nói, “nguyên chất nhé, còn...”
Ông ta nhìn tôi và tôi gật đầu.
“Vodka martini, “ tôi nói. “Cực khô. Sấy khô, nếu anh làm được.”
Người phục vụ quay đi, và Sarah bắt đầu nhìn xung quanh, như thể cô cảm thấy chán rồi. Những đường gân ở cổ cô nhìn thật đẹp.
“Thế, Thomas này,” Woolf nói. “Có phiền không nếu tôi gọi ông là Thomas?”
“Không sao,” tôi nói. “Dù gì đó cũng là tên của tôi.”
“Tốt. Thomas. Trước hết thì, vai của ông thế nào rồi?”
“Tốt,” tôi nói, và ông ta có vẻ nhẹ cả người. “Tốt hơn nhiều so với nách của tôi, tôi bị bắn vào đấy mà.”
Cuối cùng, cô quay đầu nhìn tôi. Hai mắt cô mềm dịu hơn nhiều so với toàn bộ phần còn lại của cô vốn đang vờ tỏ ra mềm dịu. Cô cúi đầu một chút, giọng cô nhỏ và không tròn tiếng.
“Tôi nói với ông rồi, tôi xin lỗi,” cô nói.
Tôi rất muốn đáp lại lời gì đó, một lời thật dễ nghe, nhã nhặn, nhưng đầu óc tôi đâm ra trống rỗng. Lặng một lúc, và khoảng lặng đó có thể trở thành tệ hại nếu như cô không mỉm cười. Nhưng cô đã mỉm cười, và máu tôi dường như đột ngột dâng lên, đập dồn vào hai tai, nhỏ xuống mọi thứ rồi chảy tràn ra. Tôi cười lại với cô, và chúng tôi cứ nhìn nhau như thế.
“Tôi nghĩ chúng ta phải nói là mọi việc lẽ ra đã có thể tệ hơn,” cô nói.
“Tất nhiên là vậy,” tôi nói. “Nếu như tôi là người mẫu nách quốc tế thì có khi phải nghỉ việc vài tháng cũng nên.”
Lần này thì cô cười to, cười to thực sự, và tôi cảm thấy mình vừa giành được tất cả huy chương Olympic trên thế giới.
Chúng tôi khai vị với một chút xúp đựng trong cái bát to bằng căn hộ của tôi, rất ngon. Chúng tôi nói những chuyện bình thường. Hóa ra Woolf cũng mê đua ngựa, tôi đã từng xem một trong các con ngựa của ông ta đua ở Doncaster buổi chiều hôm đó, bởi thế chúng tôi tán gẫu một chút về đua ngựa. Khi món thứ hai được mang ra, chúng tôi đang chấm phá thêm vài nét cuối cùng của chủ đề vừa tròn ba phút về sự thất thường của thời tiết nước Anh. Woolf ngoạm đầy miệng thứ gì đó gồm thịt rưới nước xốt, rồi chấm chấm miệng.
“Thế, Thomas,” ông ta nói, “tôi đoán có một vài chuyện ông muốn hỏi tôi?”
“Chà, đúng vậy.” Tôi cũng lấy khăn chấm chấm miệng.
“Tôi không thích dò đoán, nhưng ông nghĩ mình đang làm cái quái gì thế?”
Có một tiếng hít mạnh vào ở bàn bên cạnh, nhưng Woolf không hề nao núng và Sarah cũng vậy.
“Được,” ông ta nói và gật đầu. “Câu hỏi thích đáng đấy. Trước hết, bất chấp những gì ông được nghe từ người của Bộ Quốc phòng, tôi không liên quan gì đến ma túy. Không gì cả. Trước kia tôi từng chích một ít penicillin, nhưng chỉ thế thôi. Chấm hết.”
Hừm, rõ ràng điều đó không hay cho lắm. Không hay chút nào. Nói “chấm hết” ở cuối một điều gì đó không có nghĩa là việc đó không thể tranh cãi.
“Ồ, vâng,” tôi nói, “xin ông bỏ qua cho cái thói chua cay cũ rích chán phèo này của người Anh chúng tôi, nhưng chẳng phải đây là trường hợp ‘ông muốn nói gì chẳng được’ hay sao?” Sarah nhìn tôi vẻ cáu kỉnh, và đột nhiên tôi thấy hẳn mình đã hơi quá đáng. Nhưng rồi tôi nghĩ, việc quái gì chứ, gân cổ có đẹp hay không thì cũng có những chuyện cần nói thẳng ra ở đây.
“Tôi xin lỗi vì đã khơi ra vấn đề thậm chí trước khi ông bắt đầu,” tôi nói, “nhưng tôi nghĩ chúng ta tới đây để nói chuyện thẳng thắn, bởi vậy tôi nói chuyện thẳng thắn.”
Woolf cắn một miếng đồ ăn nữa và mắt vẫn nhìn vào đĩa, mất vài giây tôi mới nhận ra rằng ông ta đang để cho Sarah trả lời.
“Thomas,” cô nói, và tôi liền quay sang nhìn cô. Đôi mắt cô to tròn, di chuyển từ bên này vũ trụ sang bên kia vũ trụ. “Tôi từng có một người anh trai. Michael. Hơn tôi bốn tuổi.”
Ồ, ngạc nhiên chưa. Từng có.
“Michael chết hồi học năm thứ nhất Đại học Bates. Do thuốc kích thích, thuốc an thần, ma túy. Anh ấy mới hai mươi tuổi đầu.”
Cô dừng lại, và tôi phải nói. Điều gì đó. Bất cứ điều gì.
“Tôi rất tiếc.”
Hừm, còn nói gì khác được chứ? Dai quá? Đưa giùm lọ muối? Tôi nhận ra rằng mình đang gập người xuống bàn, đang cố hòa mình với nỗi mất mát của họ, nhưng chẳng có tác dụng gì. Đối với một chuyện như thế, anh là người ngoài cuộc.
“Tôi nói với ông điều đó chỉ bởi một lý do,” cuối cùng thì cô nói. “Là để ông thấy rằng bố tôi,” nói đến đây cô quay lại nhìn Woolf trong khi ông ta vẫn cúi đầu, “không tài nào lại liên quan đến chuyện buôn ma túy, cũng như ông ấy không thể bay lên mặt trăng vậy. Chỉ thế thôi. Tôi dám đem mạng sống của mình đánh cược điều đó.”
Chấm hết.
Trong một lúc, chẳng ai trong bọn họ nhìn nhau, hay nhìn tôi.
“Vâng, tôi rất tiếc,” tôi nói lần nữa. “Tôi vô cùng tiếc.” Chúng tôi cứ ngồi thế hồi lâu, một ki ốt nhỏ im lặng mọc lên ngay giữa trung tâm một quán ăn ồn ào, rồi đột nhiên Woolf quay ra cười, và dường như lấy lại toàn bộ sự hoạt bát.
“Cảm ơn, Thomas,” ông nói. “Nhưng cái gì đã qua cũng qua rồi. Đối với Sarah và tôi, chuyện này đã cũ và chúng tôi phải đối diện với nó đã lâu. Giờ đây, có phải ông muốn biết vì sao tôi yêu cầu ông giết tôi?”
Một người đàn bà ở bàn bên cạnh quay sang nhìn Woolf, cau mày. Không lẽ nào ông ta lại nói điều đó. Có thể không nhỉ? Bà ta lắc đầu và quay lại với con tôm hùm.
“Thật ngắn gọn thôi,” tôi nói.
“Ồ, rất đơn giản,” ông ta nói. “Tôi muốn biết ông là người thế nào.”
Ông ta nhìn tôi, miệng mím lại thành một nét ngang thẳng đẹp.
“Tôi biết,” tôi nói, mà thực ra chẳng biết gì sất. Tôi nghĩ một khi mình yêu cầu ai đó nói thật ngắn gọn thì đây là thứ mình nhận được đây. Tôi chớp mắt vài lần, rồi ngả người ra sau ghế và cố nhìn ra trước.
“Sao không gọi điện hỏi ông hiệu trưởng cũ của tôi?” Tôi nói. “Hoặc bạn gái cũ chẳng hạn? Chẳng phải điều đó là quá vớ vẩn hay sao?”
Woolf lắc đầu.
“Không vớ vẩn chút nào,” ông ta nói. “Tôi đã làm tất cả những việc đó.”
Thật là sốc. Một cú sốc thật sự. Tôi vẫn còn ngượng vì đã ăn gian ở kỳ thi môn Hóa bậc O và giành được một điểm A trong khi các ông thầy nhiều kinh nghiệm dự đoán phải là điểm F. Tôi biết rằng một ngày nào đó trò này sẽ bị phanh phui. Tôi biết thế.
“Thật à,” tôi nói. “Tôi thế nào?”
Woolf mỉm cười.
“Cũng được,” ông ta nói. “Vài cô bạn gái cũ nói ông là đồ bỏ đi, còn lại thì đều tốt đẹp cả.”
“Tốt quá,” tôi nói.
Woolf tiếp tục, như thể đang đọc từ một bản danh sách. “Ông thông minh. Ông can trường. Ông trung thực. Có sự nghiệp hoành tráng trong Đội cận vệ Scotch.”
“Scots,” tôi nói, nhưng ông ta lờ đi và cứ tiếp tục.
“Và trên tất cả, theo quan điểm của tôi, là ông đang túng bấn.”
Ông ta lại mỉm cười, điều này làm tôi khó chịu.
“Ông đã bỏ sót việc vẽ vời của tôi,” tôi nói.
“Thế nữa ư? Quả là một người đàn ông rất oách. Điều duy nhất tôi cần biết là liệu có mua được ông không.”
“Rồi,” tôi nói. “Và bởi thế có năm mươi ngàn đô.”
Woolf gật đầu.
Sự việc bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tôi biết rằng đến một thời điểm nào đó tôi nên thuyết một bài đanh thép về việc tôi là ai, và họ nghĩ họ là cái thá gì mà chọc ngoáy chuyện tôi là người thế nào, và ngay khi vừa dùng món bánh pudding tôi đã trở lại đúng là con người tôi - nhưng dường như cái khoảnhkhắc thích hợp đó không quay trở lại nữa. Bất chấp cái lối ông ta đối đãi với tôi, cộng với chuyện ông ta thọc mũi vào các bản nhận xét về tôi ở trường, tôi vẫn không tài nào buộc mình ghét Woolf cho được. Có gì đó ở ông ta khiến tôi thích. Và cả với Sarah, nữa. Những đường gân đẹp đẽ.
Cho dù thế thì thêm một chút nữa cũng chẳng hại gì.
“Để tôi đoán nhé,” tôi nói, nhìn Woolf nghiêm khắc. “Một khi nhận ra rằng không thể mua chuộc tôi, ông sẽ càng cố làm chuyện đó.”
Ông ta thậm chí không hề ấp úng.
“Chính xác,” ông ta nói.
Đó. Chính là nó, giờ là giây phút thích hợp. Một quý ông có những giới hạn của ông ta, và tôi cũng vậy. Tôi vứt khăn ăn xuống mặt bàn.
“Chuyện rất hấp dẫn,” tôi nói, “và tôi nghĩ nếu tôi là một loại người khác thì chắc tôi thậm chí sẽ nghĩ người ta đang tâng bốc mình. Nhưng ngay lúc này, tôi thật sự phải biết tất cả những chuyện này là gì. Bởi vì nếu ông không nói với tôi, ngay bây giờ tôi sẽ rời cái bàn này, rời khỏi cuộc sống của các người, và thậm chí có thể cả đất nước này.”
Thấy Sarah đang nhìn mình nhưng tôi vẫn dán chặt mắt vào Woolf. Ông ta đang lùa miếng khoai tây cuối cùng vòng quanh đĩa của mình và đẩy nó xuống một vũng dầu. Nhưng rồi ông ta bỏ nĩa xuống và bắt đầu nói rất nhanh.
“Ông biết về Chiến tranh vùng Vịnh chứ, ông Lang?” Ông ta hỏi. Tôi không biết điều gì đã xảy ra với Thomas, nhưng không khí hẳn nhiên đã thay đổi phần nào.
“Có, thưa ông Woolf,” tôi nói. “Tôi có biết về Chiến tranh vùng Vịnh.”
“Không, ông không biết. Tôi dám đánh cược tất cả những gì tôi có rằng ông không hề biết cái điều chết tiệt trước nhất về Chiến tranh vùng Vịnh. Có biết thuật ngữ ‘tổ hợp công nghiệp - quân sự’ không?”
Ông ta nói như một tay tiếp thị, cố tìm cách nào đó ép buộc tôi, và tôi muốn hãm cho mọi thứ chậm lại. Tôi hớp một ngụm rượu dài.
“Dwight Eisenhower,” cuối cùng tôi trả lời. “Vâng, tôibiết thuật ngữ đó. Tôi đã từng là một phần của tổ hợp đó, nếu như ông nhớ.”
“Dù rất tôn trọng ông nhưng tôi vẫn phải nói, ông chỉ là một phần rất nhỏ của nó, ông Lang ạ. Quá nhỏ - xin thứ lỗi cho tôi vì nói thế - nhỏ quá nên không thể tự biết mình là một phần của nó.”
“Tùy ý ông,” tôi nói.
“Giờ hãy thử đoán xem thứ hàng hóa nào quan trọng nhất thế giới. Quan trọng tới nỗi việc sản xuất và thông thương của mọi loại hàng hóa khác đều phụ thuộc vào nó. Dầu mỏ, vàng, thực phẩm, ông chọn cái nào?”
“Tôi có cảm giác rằng ông sẽ nói với tôi đó là vũ khí,” tôi nói. Woolf chồm người qua bàn, quá nhanh và quá xa về phía tôi đến độ tôi không ưa nổi.
“Đúng thế, ông Lang,” ông ta nói. “Đó là ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới, và mọi chính phủ đều biết điều ấy. Nếu ông là chính trị gia, và ông dính vào công nghiệp sản xuất vũ khí, dưới bất kỳ hình thức nào, thì sáng mai khi tỉnh giấc ông không còn là chính trị gia nữa. Trong một vài trường hợp, có thể sáng mai ông không còn tỉnh dậy được nữa. Dù ông đang cố làm luật sở hữu vũ khí ở bang Idaho, hay đang cố ngăn cản việc bán F-16 cho không quân Iraq. Ông giẫm vào chân họ, họ sẽ giẫm lên đầu ông. Chấm hết.”
Woolf lại ngồi xuống ghế và gạt mấy giọt mồ hôi trên trán.
“Thưa ông Woolf,” tôi nói, “tôi thấy rằng chuyện này cóthể lạ lẫm đối với ông, tại nước Anh này. Tôi thấy rằng hẳn chúng tôi đã làm ông kinh ngạc về đất nước của những anh nhà quê, những người chỉ mới có bình nước nóng lạnh trước hôm ông bay sang, nhưng dù thế, tôi phải nói với ông rằng tôi đã nghe những chuyện như thế nhiều lần trước đây rồi.”
“Ông hãy cứ nghe đã, được chứ?” Sarah nói, thế là tôi đã khuấy lên một chút giận dữ trong giọng cô rồi. Khi tôi nhìn cô, cô nhìn lại tôi chằm chằm, đôi môi mím chặt.
“Ông đã bao giờ nghe tới Stoltoi Bluff chưa?” Woolf hỏi. Tôi quay lại với ông ta.
“Stoltoi... chưa, chắc là chưa.”
“Cũng chẳng sao,” ông ta nói. “Anatoly Stoltoi là tướng Hồng quân. Tổng chỉ huy trưởng dưới thời Khrushchev. Đã dành cả sự nghiệp của mình để làm cho nước Mỹ tin rằng người Nga có số tên lửa nhiều hơn họ những ba mươi lần. Đó là nghề của ông ấy. Đó là công việc của cả đời ông ấy.”
“Công việc đó mang lại hiệu quả chứ gì?”
“Đối với chúng tôi thì đúng thế.”
“Chúng tôi là...?”
“Lầu Năm Góc biết điều đó là nhảm nhí từ đầu tới cuối. Biết đấy. Nhưng điều đó không ngăn trở họ sử dụng nó để biện hộ cho sự tăng cường vũ trang lớn nhất mà thế giới từng được chứng kiến.”
Có thể là tại rượu, nhưng tôi có cảm giác tôi đang chậm hiểu một cách tệ hại tất cả những điều này.
“Phải rồi,” tôi nói. “Vậy chúng ta hãy cùng làm gì đó về chuyện này nhé? Tôi để cái máy thời gian của tôi ở đâu rồi nhỉ? Ồ, tôi biết rồi, thứ Tư tuần sau.”
Sarah xì nhẹ một tiếng rồi nhìn chỗ khác, và có thể cô đúng - có thể tôi đang không nghiêm túc - nhưng, lạy Chúa, những chuyện này rồi sẽ đi đến đâu chứ?
Woolf nhắm mắt lại một lát, cố gom sự kiên nhẫn từ đâu đó.
“Ông nói xem nào,” ông ta chậm rãi nói, “công nghiệp vũ khí cần cái gì nhất?”
Tôi gãi đầu một cách đầy ý thức trách nhiệm. “Khách hàng?”
“Chiến tranh,” Woolf nói. “Xung đột. Rắc rối.”
Ồ, đây rồi, tôi nghĩ. Cái luận thuyết đã xuất hiện.
“Tôi hiểu rồi,” tôi nói. “Ông đang cố nói với tôi rằng Chiến tranh vùng Vịnh đã được châm ngòi bởi các nhà sản xuất vũ khí?” Thú thực, tôi đang cố nói một cách lịch sự nhất trong khả năng mình.
Woolf không trả lời. Ông ta chỉ ngồi đó, đầu hơi nghiêng sang một bên, nhìn tôi như tự hỏi liệu cuối cùng mình có kiếm nhầm người hay không. Tôi thì thậm chí chẳng phải băn khoăn gì.
“Không, nghiêm túc đấy,” tôi nói. “Có phải đó là điều ông đang nói với tôi không? Ý tôi là, tôi thực sự muốn biết ông đang nghĩ gì. Tôi muốn biết tất cả những chuyện này là thế nào.”
“Ông có xem đoạn phim họ đã chiếu trên ti vi không?” Sarah nói, trong khi Woolf vẫn tiếp tục quan sát. “Bom thông minh, hệ thống hỏa tiễn Patriot, tất cả những thứ đó?”
“Tôi có xem,” tôi nói.
“Thomas ạ, nhà sản xuất các vũ khí đó đang sử dụng đoạn phim ấy để quảng cáo tại rất nhiều hội chợ vũ khí trên khắp thế giới. Con người thì đang chết dần chết mòn, còn họ thì sử dụng chúng vì mục đích thương mại. Thật bẩn thỉu.”
“Đúng,” tôi nói. “Đồng ý. Thế giới này thật tồi tệ, thế nên chúng ta thà sống trên Sao Thổ còn hơn. Nhưng cụ thể là nó ảnh hưởng tới tôi như thế nào?”
Trong khi cha con Woolf đưa mắt nhìn nhau đầy ẩn ý, tôi cố gắng một cách cùng cực để che giấu lòng thương cảm lớn lao mà tôi dành cho họ. Hiển nhiên họ đang dấn thân vào những lý thuyết, những mưu đồ rùng rợn mà rất có thể sẽ khiến họ phải dành những năm tháng đẹp nhất của đời mình để cắt những bài báo, dự thuyết trình về những vị trí ẩn mình khả dĩ khi thực thi nhiệm vụ ám sát, và tôi chẳng thể nói gì để làm họ thay đổi cái vận mạng họ đã chọn. Điều tốt nhất có lẽ là đưa cho họ vài đồng tiền mua keo dán rồi đường ai nấy đi.
Tôi đang suy nghĩ mông lung, gắng tìm ra một cụm từ nhã nhặn để cáo từ, thì thấy Woolf kéo cái va li - giờ ông ta đã mở nó, lôi ra một xấp ảnh bóng loáng cỡ 25 x 20 xăng ti mét.
Ông ta đưa cái ảnh trên cùng cho tôi, tôi liền cầm lấy.
Đó là ảnh một chiếc trực thăng đang bay. Tôi không thể ước lượng kích thước của nó, nhưng nó không giống như bất cứ loại nào tôi từng thấy hay nghe nói. Nó có hai động cơ chính nằm cách nhau khoảng vài chục phân trên một trụ duy nhất và không có động cơ ở đuôi. Khoang chở người có vẻ ngắn hơn so với toàn thân máy, và chẳng hề có ghi ký hiệu nào. Nó được sơn đen.
Tôi nhìn Woolf chờ một lời giải thích, nhưng ông ta chỉ đưa cho tôi một ảnh nữa. Bức ảnh chụp từ trên cao, bởi thế nên bao gồm cả hình nền, và điều làm tôi ngạc nhiên nhất: đó là khung cảnh một thành phố. Cũng vẫn chiếc máy bay đó, hoặc một chiếc giống thế, đang lượn giữa hai khối tháp vô danh, và tôi có thể thấy chiếc trực thăng này rất nhỏ, có lẽ chỉ có một ghế ngồi duy nhất.
Bức ảnh thứ ba thì chụp gần hơn nhiều, cho thấy một chiếc trực thăng trên mặt đất. Dù có là gì đi nữa, chiếc này chắc chắn là loại quân dụng, bởi vì có một khối những thứ dữ dằn treo trên giá vũ khí chạy dọc thân phía sau buồng lái. Những quả rốc két Hydra 70 li, tên lửa không đối đất Hellfire, súng máy nòng 0,5 và hàng đống thứ khác nữa. Đó là một món đồ chơi lớn, cho những anh chàng to xác.
“Ông lấy những tấm ảnh này từ đâu vậy?” Tôi hỏi.
Woolf lắc đầu.
“Điều đó không quan trọng.”
“Ồ, tôi lại nghĩ là quan trọng,” tôi nói. “Trực giác mách bảo tôi rằng, thưa ông Woolf, lẽ ra ông không nên có những tấm ảnh này.”
Woolf nghiêng đầu trở lại, như thể là cuối cùng ông ta đã đánh mất sự kiên nhẫn với tôi.
“Không quan trọng là từ đâu,” ông ta nói. “Vấn đề ở đây là đối tượng. Đây là một loại máy bay rất quan trọng, ông Lang. Tin tôi đi, rất quan trọng.”
Tôi tin ông ta. Tại sao lại không chứ?
“Chương trình LH của Lầu Năm Góc đã được triển khai từ mười hai năm nay,” Woolf nói, “đang cố tìm giải pháp thay thế cho loại Cobra và Super-Cobra mà không quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã sử dụng kể từ chiến tranh Việt Nam.”
“LH?” Tôi ngập ngừng thăm dò.
“Trực thăng hạng nhẹ,” Sarah trả lời, với cái vẻ như nói, “tưởng tượng mà, xem có người lại không biết điều đó cơ chứ.” Woolf bố tiếp tục nói.
“Chiếc máy bay này là giải pháp cho chương trình đó. Nó là sản phẩm của tập đoàn Mackie, được thiết kế để sử dụng trong các chiến dịch dẹp bạo loạn. Khủng bố. Thị trường cho nó, ngoài đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc, còn có cảnh sát và quân đội ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng với giá hai triệu rưỡi đô la cho mỗi cái, thật khó để người ta quyết định.”
“Đúng thế,” tôi nói. “Tôi có thể hiểu được.” Tôi lại liếc nhìn những bức ảnh và cố nặn ra điều gì đó thông thái để nói. “Tại sao lại có hai động cơ? Nhìn có vẻ hơi phức tạp.” Tôi thấy họ nhìn nhau, nhưng không biết cái nhìn đó có nghĩa gì.
“Ông không biết chút nào về máy bay trực thăng phải không?” Cuối cùng Woolf hỏi.
Tôi nhún vai.
“Chúng rất ồn,” tôi nói. “Tai nạn rất nhiều. Chỉ có thế.”
“Chúng bay chậm lắm,” Sarah nói. “Chậm, vì thế dễ gặp nguy hiểm trên chiến trường. Loại trực thăng tấn công hiện đại này có thể bay với vận tốc khoảng hai trăm năm mươi dặm một giờ.”
Tôi đang định nói rằng như thế có vẻ khá nhanh đối với tôi, thì cô tiếp tục: “Một chiếc máy bay chiến đấu hiện đại sẽ vượt qua một dặm trong vòng bốn giây.”
V ì không gọi bồi bàn yêu cầu mang giấy nháp và bút chì ra nên tôi chẳng có mảy may cơ hội nào để tính xem nó nhanh hơn hay chậm hơn hai trăm năm mươi dặm một giờ, bởi thế tôi chỉ gật đầu và để cô tiếp tục.
“Điều làm hạn chế tốc độ của một chiếc trực thăng thông thường,” cô nói chậm lại, cảm nhận được sự băn khoăn của tôi, “là chỉ có một động cơ.”
“Đương nhiên,” tôi nói và lại ngồi vào ghế để tiếp tục nghe bài giảng rất ấn tượng của Sarah, có rất nhiều điều cô nói đã vụt qua đầu tôi, nhưng cái cốt yếu, nếu như tôi hiểu đúng, có vẻ là như thế này:
Thiết diện của cánh quạt trực thăng, theo Sarah, ít nhiều tương đương với thiết diện cánh của máy bay phản lực. Hình dáng của nó tạo ra một độ chênh áp suất không khí giữa bề mặt phía trên và bề mặt phía dưới, tạo ra một lực nâng. Tuy nhiên, nó khác với cánh của máy bay phản lực ở chỗ là khi trực thăng di chuyển về phía trước, không khí đi qua cánh quạt xoay theo chiều tiến nhanh hơn so với khi nó đi qua cánh quạt xoay theo chiều lùi. Điều đó tạo ra lực nâng không đều ở hai phía của trực thăng, và trực thăng càng bay nhanh thì lực nâng càng mất cân bằng. Cuối cùng thì “cánh quạt lùi” sẽ thôi không tạo ra lực nâng nào nữa, và trực thăng sẽ nằm ngửa bụng lên mà rơi xuống đất. Điều đó, theo Sarah, là một khía cạnh tiêu cực.
“Ở Mackie họ làm thế này: họ đặt hai động cơ trên cùng một trục, quay theo hai hướng ngược nhau. Cân bằng lực nâng ở cả hai phía, có khả năng tăng gần gấp đôi vận tốc. Cũng không có phản ứng xoáy, do đó không cần có động cơ đuôi. Nhỏ hơn, nhanh hơn, cơ động hơn. Biết đâu chừng cỗ máy này sẽ có khả năng vượt trên bốn trăm dặm một giờ.”
Tôi gật đầu chậm rãi, cố tỏ ra mình bị ấn tượng, nhưng không thấy ấn tượng cho lắm.
“Ồ, tốt đấy,” tôi nói. “Nhưng tên lửa cá nhân đất đối không Javelin có thể đi được gần nghìn dặm một giờ.” Sarah nhìn lại tôi chằm chằm. Làm sao tôi dám thách thức cô về mấy món kỹ thuật này cơ chứ? “Ý tôi là,” tôi nói, “mọi chuyện cũng chẳng thay đổi nhiều lắm. Nó vẫn là một chiếc trực thăng, vẫn có thể bị bắn rơi. Nó không phải là bất khả chiến bại.”
Sarah nhắm mắt một giây, băn khoăn xem phải nói như thế nào thì cái thằng đần này mới hiểu được.
“Nếu như tay điều khiển tên lửa SAM không đến nỗi xoàng và được huấn luyện tốt, lại sẵn sàng chiến đấu thì anh ta có cơ hội,” cô nói. “Chỉ một cơ hội duy nhất. Nhưng điểm mạnh của cỗ máy này là mục tiêu không có thời gian để chuẩn bị. Nó sẽ giội xuống đầu anh ta trong khi anh ta còn đang dụi mắt ngái ngủ.” Cô nhìn tôi chằm chằm. Ý như hỏi, giờ anh đã hiểu chưa? “Hãy tin tôi, ông Lang,” cô tiếp tục, trừng phạt tôi vì tội xấc láo, “đây là thế hệ trực thăng chiến đấu tiếp theo.” Cô hất cằm về phía những tấm hình.
“Đúng thế,” tôi nói. “Ok. Thế thì hẳn họ phải hài lòng lắm.”
“Đúng vậy, Thomas,” Woolf nói. “Họ rất hài lòng với loại này. Hiện giờ, người ở Mackie chỉ có một vấn đề duy nhất.”
Ai đó hiển nhiên sẽ phải hỏi “là gì?”
“Là gì?” Tôi hỏi.
“Chẳng ai ở Lầu Năm Góc tin rằng nó sẽ hoạt động cả.”
Tôi suy nghĩ một chốc.
“Họ có thể yêu cầu một chuyến bay thử chứ? Bay xung quanh tòa nhà đó vài lần chẳng hạn?”
Woolf thở một hơi dài, và từ hành động đó tôi nhận ra rằng, cuối cùng thì, sau khoảng thời gian vừa rồi, chúng tôi đang gần đến câu chuyện chính của buổi tối hôm nay. “Điều sẽ giúp bán được cỗ máy này,” ông ta nói chậm rãi, “cho Lầu Năm Góc, và cho năm mươi không lực khác trên khắp thế giới, là cảnh nó chống lại một hoạt động khủng bố tầm cỡ.”
“Đúng,” tôi nói. “Ý ông là họ phải chờ Thế vận hội Munich tới?”
Woolf vẫn ung dung từ tốn, chuẩn bị câu chốt hạ sao cho thật nặng cân.
“Không, tôi không có ý như thế, ông Lang,” ông nói. “Tôi muốn nói rằng họ sẽ tạo ra một Thế vận hội Munich.”
“Tại sao ông lại nói với tôi tất cả những điều này?”
Chúng tôi giờ đang ngồi trong quán cà phê, và các bức ảnh đã được bỏ lại vào trong kẹp tài liệu.
“Ý tôi là, nếu như ông đúng,” tôi nói, “và về phương diện cá nhân, tôi sẽ bị tắc ở ngoài đó ‘nếu’ như tôi bị thủng lốp và không có lốp dự phòng - nhưng nếu như ông đúng thì ông định làm gì với cái đó? Viết bài gửi Washington Post? Esther Rantzen? Hay thế nào?”
Cả hai Woolf đều im lặng, và tôi không biết chắc tại sao. Có lẽ họ nghĩ chỉ cần đưa ra lý thuyết thôi là đủ - và tưởng là ngay khi nghe thấy nó tôi sẽ nhảy dựng lên, mài sắc cái đĩa đựng bơ và gào lên đòi giết chết những kẻ sản xuất vũ khí - nhưng đối với tôi chẳng thế nào là đủ cả. Làm sao mà đủ được?
“Ông có nghĩ bản thân mình là một người tử tế không, Thomas?”
Câu đó được bật ra từ Woolf, nhưng ông ta vẫn không nhìn tôi.
“Không, tôi không nghĩ thế,” tôi nói.
Sarah nhìn lên.
“Thế thì thế nào?”
“Tôi nghĩ bản thân mình là một người cao ráo,” tôi đáp. “Một người nghèo. Một người có cái bụng đầy căng. Một người có xe máy.” Tôi ngừng, và cảm thấy mắt cô đang nhìn tôi. Ý như “Tôi không biết ông hiểu ‘tử tế’ nghĩa là thế nào.”
“Tôi cho là chúng tôi có ý đứng về phía các thiên thần,” Woolf nói.
“Chẳng có thiên thần nào cả,” tôi nói nhanh. “Tôi xin lỗi, nhưng không có thiên thần đâu.”
Không khí như lắng xuống, trong khi Woolf gật đầu chầm chậm cơ hồ thừa nhận điều đó, đúng vậy, đó là một quan điểm, nó chỉ ngẫu nhiên là một quan điểm gây quá nhiều thất vọng, rồi Sarah thở dài và đứng dậy.
“Thứ lỗi cho tôi,” cô nói.
Woolf và tôi rục rịch trên ghế, nhưng Sarah đã đi qua nửa nhà hàng trước khi chúng tôi đứng dậy được. Cô lướt về phía một người bồi bàn, thì thầm gì đó với anh ta, gật đầu khi anh ta trả lời, sau đó bước về phía cổng tò vò ở phía cuối phòng.
“Thomas này,” Woolf nói. “Để tôi nói thế này nhé. Một vài người xấu đang chuẩn bị làm một vài điều xấu. Chúng ta có cơ hội để ngăn họ lại. Anh sẽ giúp chúng tôi chứ?” Ông ta ngừng. Và tiếp tục ngừng.
“Này ông, câu hỏi vẫn còn đó,” tôi nói. “Ông định làm gì? Hãy nói với tôi. Có vấn đề gì với báo chí? Hoặc với cảnh sát? Hoặc với CIA? Thôi nào, chỉ cần lấy danh bạ điện thoại, bỏ vài đồng xu, thế là chúng ta có thể giải quyết chuyện này.”
Woolf lắc đầu bực tức, ấn các đốt ngón tay xuống mặt bàn. “Ông đã không nghe tôi, Thomas,” ông ta nói. “Tôi đangnói về sự quan tâm ở đây. Những mối quan tâm lớn nhất trên thế giới. Tài chính. Đừng nói chuyện tài chính với một cái điện thoại và vài lá thư lịch sự gửi cho ông Nghị của ông.”
Tôi đứng dậy, người hơi lảo đảo do tác động của rượu. Hoặc của cuộc nói chuyện.
“Ông đi à?” Woolf hỏi, vẫn không ngẩng đầu lên. “Có thể,” tôi nói. “Có thể.” Thực tình tôi không biết mình sẽ làm gì. “Nhưng tôi sẽ vào nhà vệ sinh trước đã.” Và chắc chắn đó là điều tôi muốn làm lúc đó, bởi vì tôi đang bối rối, và bởi vì tôi thấy đồ sứ sẽ giúp cho tôi suy nghĩ tốt hơn.
Tôi bước chầm chậm ngang qua nhà hàng về phía cổng tò vò, đầu tôi vang lên tiếng lạch cạch của đủ thứ hành lý cá nhân sắp xếp lộn xộn có thể rơi xuống đầu làm bị thương hành khách - và tôi đang làm gì đây ngay cả khi đang nghĩ về lúc cất cánh, lúc máy bay chạy lấy đà trên đường băng, và khởi đầu của những hành trình? Tôi phải thoát ra khỏi chuyện này, thoát ra thật nhanh. Nội việc xử trí mấy bức ảnh đó thôi cũng đủ ngu ngốc rồi.
Tôi rẽ vào cổng tò vò thì thấy Sarah đang đứng ở một hốc tường đặt máy điện thoại trả tiền. Cô đứng quay lưng lại phía tôi, đầu hơi cúi về phía trước, gần như tì hẳn vào tường. Tôi đứng đó một lúc, ngắm nhìn cổ cô, tóc cô, hai vai cô, và phải, không sao, hình như tôi cũng liếc nhìn cả mông cô nữa.
“Chào,” tôi nói, một cách ngu ngốc.
Cô quay lại, và trong chớp nhoáng tôi nhìn thấy sự sợ hãi thật sự trên mặt cô - vì cái gì thì tôi hoàn toàn không biết - rồi cô mỉm cười và gác ống nghe.
“Vậy là,” cô nói, và bắt đầu bước về phía tôi. “Anh nhập đội chứ?”
Chúng tôi nhìn nhau một lúc, rồi tôi cười lại, nhún vai, và dợm nói từ “ồ”, cái từ mà tôi luôn nói mỗi khi bí từ. Và anh sẽ thấy, nếu như anh thử việc này ở nhà, nó sẽ tạo thành âm “ô”, anh phải chúm môi lại như đang bĩu môi - rất giống như khi anh tạo khẩu hình để huýt sáo. Hoặc có lẽ là khi hôn nhau.
Cô hôn tôi.
Cô hôn tôi.
Điều tôi muốn nói là, tôi đang đứng đó, môi chúm, óc nhúm, còn cô thì chỉ bước tới đưa lưỡi mình vào miệng tôi. Trong một thoáng, tôi đã nghĩ có thể cô vấp vào ván sàn nên đã thè lưỡi ra như một phản xạ - nhưng có vẻ không giống thế lắm, và dù sao, một khi đã lấy lại thăng bằng rồi thì sao cô lại không rút lưỡi vào?
Không, chắc chắn là cô đang hôn tôi. Giống như trong phim. Không giống như trong cuộc đời tôi. Trong một vài giây tôi đã quá ngạc nhiên, và bị mất phương hướng, không biết phải làm gì, bởi vì đã quá lâu rồi một chuyện như thế này mới xảy ra với tôi. Trên thực tế, nếu như nhớ không nhầm, tôi là một người hái ô liu dưới triều đại Rameses III khi chuyện đó xảy ra, và tôi không chắc chắn mình đã đối đầu với nó thế nào.
Cô có vị của kem đánh răng, rượu, nước hoa, và thiên đường trong một ngày đẹp trời.
“Anh nhập đội chứ?” Cô lại hỏi, và xét qua sự rành rọt của lời cô nói tôi nhận ra rằng hẳn một lúc nào đó cô đã rụt lưỡi về rồi, mặc dù tôi vẫn còn cảm thấy nó, trong miệng, trên môi, và tôi biết tôi sẽ luôn luôn có thể cảm thấy nó. Tôi mở mắt ra.
Cô đang đứng đó, nhìn tôi, và đúng, đó chắc chắn là cô. Đó không phải là người bồi bàn, hay cây treo mũ.
“Ồ,” tôi nói.
Chúng tôi quay lại bàn thì thấy Woolf đang ký tên vào hóa đơn thẻ tín dụng, và có lẽ một vài điều khác cũng đang xảy ra trên thế giới, nhưng tôi không chắc lắm.
“Cảm ơn vì bữa tối,” tôi nói, như một con rô bốt.
Woolf vẫy tay và cười toe toét.
“Rất hân hạnh, Tom,” ông ta nói.
Ông ta vui mừng vì tôi nói “được”. Từ “được” trong câu“được, tôi sẽ nghĩ về điều đó”.
Nói chính xác, tôi sẽ nghĩ cái gì thì không ai có thể nói ra một cách chính xác, nhưng chừng đó đủ để làm thỏa mãn Woolf, và tạm thời tất cả chúng tôi đều có lý do để thấy hài lòng. Tôi cầm cái kẹp tài liệu lên và bắt đầu lật giở các tấm ảnh một lần nữa, từng tấm từng tấm một.
Nhỏ, nhanh, và dữ dội.
Sarah cũng hài lòng, tôi nghĩ vậy, mặc dù cô đang cư xử như chẳng hề có gì nhiều nhặn đã xảy ra ngoài một bữa ăn lịch sự và một chút chuyện trò về thời đại mới.
Dữ dội, nhanh và nhỏ.
Có lẽ, đằng sau cái vẻ điềm tĩnh đó đang có một vực xoáy tình cảm sục sôi, và cô chỉ đang giữ cái nắp bên trên, bởi vì bố cô đang ngồi đó.
Nhỏ, nhanh, và dữ dội.
Tôi thôi không nghĩ về Sarah nữa.
Khi mỗi hình ảnh của cái thiết bị ác nghiệt này lướt qua mắt tôi, tôi dường như cảm thấy bản thân mình từ từ tỉnh thức từ một cái gì đó, hoặc một nơi nào đó. Thức dậy thấy mình đang ở trong một thứ gì khác hoặc một nơi nào khác. Nghe thật kỳ lạ, tôi biết, nhưng đặc tính nổi bật của cỗ máy này - vẻ xấu xa của nó, tính hiệu quả tối giản của nó, cái nhẫn tâm tột cùng của nó- dường như thấm qua giấy ảnh mà xuống thấu tay tôi, làm máu tôi mát lạnh. Có lẽ Woolf cũng nhận ra cảm giác của tôi.
“Nó không có tên gọi chính thức,” ông ta nói, chỉ tay về phía mấy tấm ảnh. “Nhưng tạm thời nó được gọi bằng cái tên Máy bay Kiểm soát Đô thị và Cưỡng chế Thi hành Luật pháp.”
“UCLA,” tôi nói, một cách bâng quơ.
“Ông cũng biết đánh vần à?” Sarah nói, gần như nở một nụ cười.
“V ì thế cái tên được đặt cho mẫu này...” Woolf nói.
“Là?”
Không ai trong bọn họ trả lời, nên tôi ngước lên nhìn, và thấy Woolf đang đợi cho tới khi tôi bắt gặp ánh mắt ông ta.
“Sau Đại học,” ông ta nói.
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm