Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Hugh Laurie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Gun Seller
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1495 / 11
Cập nhật: 2017-05-20 08:59:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Một - Một
áng nay, tôi thấy một người không muốn chết.
P. S. STEWART
Thử hình dung anh phải bẻ gãy tay ai đó.
Phải hay trái không quan trọng. Quan trọng là phải bẻ, bởi vì nếu không bẻ... ờ thì thực ra cũng chẳng vấn đề gì. Cứ cho là nếu anh không bẻ thì sẽ có hậu quả xấu đi.
Vậy câu hỏi của tôi là: anh sẽ bẻ thật nhanh - rắc, ối chà, xin lỗi, để tôi giúp anh với cái xương gãy ngay tức thì kia - hay anh sẽ nhẩn nha trong vòng tám phút, thi thoảng mới mạnh tay lên một tí, cho tới khi tất cả những hoa cà hoa cải, những nóng và lạnh quyện vào nhau khó chịu đến vô cùng?
Đúng vậy. Tất nhiên rồi. Lựa chọn đúng đắn, lựa chọn duy nhất hẳn là làm cho xong đi càng nhanh càng tốt. Bẻ cái tay, nốc vài ngụm rượu, và lại trở thành công dân tốt. Chẳng thể có câu trả lời nào khác.
Trừ khi.
Trừ khi, trừ khi, trừ khi.
Nếu như anh căm ghét cái kẻ bị bẻ tay kia thì sao? Ý tôi là thực sự ghét hắn ta, vô cùng ghét hắn ta.
Đó chính là điều mà lúc này tôi phải tính tới.
Tôi nói “lúc này”, có nghĩa là khi đó, là cái khoảnh khắc mà tôi đang miêu tả; cái khoảnh khắc nhỏ, nhỏ khốn kiếp ấy, trước khi cổ tay tôi bị kéo quặt tới gáy và xương cánh tay trái tôi gãy ra ít nhất thành hai đoạn lủng lẳng, rất có khả năng là nhiều hơn.
Cái tay mà chúng ta vừa nói đến, anh thấy đó, là tay tôi. Nó không phải là một cánh tay trừu tượng, triết học. Những xương đó, da đó, những lông tay, rồi cả cái sẹo nhỏ màu trắng ở đúng cùi tay do quệt vào góc lò sưởi từ hồi ở trường tiểu học Gateshill, tất cả đều thuộc về tôi. Và giờ là lúc tôi phải cân nhắc khả năng kẻ đứng đằng sau tôi, kẻ đang bóp chặt cổ tay tôi mà bẻ ngược dọc sống lưng theo một tư thế gần như tình tứ, hắn căm ghét tôi, vô cùng căm ghét tôi.
Hắn cứ giữ cái tay thế mãi.
Họ hắn là Rayner. Tên không rõ. Dù sao tôi đã không thể biết và bởi thế tôi đoán chắc là anh cũng không nốt.
Tôi đồ rằng hẳn phải có ai đó, ở đâu đó biết tên của hắn - đã từng rửa tội cho hắn bằng cái tên đó, đã từng gọi hắn xuống ăn sáng bằng cái tên đó, đã từng dạy hắn phải đánh vần nó như thế nào - và một người nào khác ắt đã từng gọi tên hắn trong quán bar để mời hắn làm vài cốc, hay đã từng thì thào cái tên đó trong lúc làm tình, hoặc giả đã viết nó vào một ô trong tờ khai bảo hiểm thân thể. Tôi biết chắc chắn họ đã làm tất cả những điều đó. Chỉ có điều khó mà hình dung ra, thế thôi.
Tôi áng chừng Rayner hơn tôi mười tuổi. Thế tốt thôi. Chuyện đó chẳng vấn đề gì cả. Tôi có quan hệ tốt, thân mật - không liên quan tới chuyện bẻ tay - với rất nhiều người hơn tôi mười tuổi. Những người lớn hơn tôi mười tuổi nhìn chung là đáng kính trọng. Nhưng Rayner còn cao hơn tôi bảy phân, nặng hơn khoảng hai chục ký, và ít nhất hơn tôi tám đơn vị trong thang bạo lực. Hắn xấu xí hơn cả cái bãi đỗ xe, với cái sọ to trụi tóc chỗ hóp vào chỗ phình ra như một quả bóng nhét đầy que trong ruột và cái mũi chiến binh phẳng dẹt, trông như thể một dải đồng bằng quanh co khúc khuỷu do ai đó cầm bút chì bằng tay trái, hoặc tệ hơn, bằng chân trái, vẽ lên mặt hắn vậy.
Và Chúa ơi, cái trán mới đã làm sao. Bao nhiêu gạch, dao,chai lọ và những thứ vụ ẩu đả đầy đủ lý do khác, theo thời gian đã táng vào cái mặt phẳng căng đét đó mà không hề gây hư hại gì, chỉ để lại những vệt lõm mờ giữa các lỗ chân lông sâu hoắm, lưa thưa. Chúng là những lỗ chân lông sâu nhất và thưa nhất mà tôi đã từng thấy trên da người, khiến tôi nhớ đến khu lỗ gôn của sân gôn địa phương ở Dalbeattie vào cuối mùa hè khô hạn, dài dặc năm 76.
Giờ chuyển sang hai bên đầu. Tai của Rayner rõ đã bị cắn rời từ lâu và rồi lại được phết vào cái thành đầu ấy, bởi vì cái tai trái toàn toàn bị lộn ngược trên xuống dưới hay trong ra ngoài, hoặc là một kiểu gì đó khiến ta phải nhìn chăm chú vào hồi lâu rồi mới nghĩ ra “ồ, đó là cái tai”.
Và trên hết, Rayner mặc áo khoác da màu đen bên ngoài áo đen cổ lọ, nói thế cho rõ nếu anh vẫn chưa hình dung rõ.
Nhưng hẳn anh đã mường tượng rõ được hắn. Kể cả khi Rayner quấn lụa mỏng quanh người và cài hoa lan sau mỗi vành tai, người qua đường yếu bóng vía cũng vẫn sẽ nộp tiền cho hắn trước, sau đó mới băn khoăn tự hỏi liệu mình đã từng nợ hắn hay chưa.
Thực tế là tôi chẳng hề nợ tiền hắn. Rayner thuộc một nhóm riêng mà tôi chẳng nợ nần gì cả, và giá như chuyện giữa chúng tôi tốt đẹp hơn một chút thì có lẽ tôi đã gợi ý cho hắn và nhóm của mình đeo chung một loại cà vạt đặc biệt giúp nhận diện nhau. Kiểu hoa văn hình dấu thánh chẳng hạn.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, chuyện giữa chúng tôi không tốt đẹp gì.
Có lần, huấn luyện viên chiến đấu cụt một tay tên là Cliff (vâng, đúng vậy - ông ta huấn luyện đánh nhau tay không, và chỉ có một tay thôi - đời lắm khi thế đấy), đã bảo tôi rằng sự đau đớn là điều mà người ta tự gây ra cho bản thân mình. Người khác làm mọi thứ với anh - họ đánh anh, họ đâm anh, họ cố bẻ tay anh - nhưng nỗi đau là do chính anh. Bởi thế,Cliff ông huấn luyện viên đã từng ở Nhật hai tuần và luôn cảm thấy mình có bổn phận phải nhồi nhét những thứ vớ vẩn kiểu như vậy trong các giờ học, khẳng định, chúng ta luôn có sức mạnh để kiềm chế nỗi đau đớn của bản thân. Ba tháng sau, Cliff bị một mụ góa năm mươi lăm tuổi giết chết trong một vụ ẩu đả tại quán rượu, bởi thế tôi không còn cơ hội cùng ông ta kiểm chứng điều đó.
Đau đớn là một sự kiện. Nó xảy tới với anh, và anh đương đầu với nó theo mọi cách có thể.
Điều duy nhất tốt cho tôi là, cho tới giờ, tôi chưa hề rên la.
Chẳng phải là dũng cảm gì, anh hiểu không, đơn giản là tôi chưa đạt được mức đó. Cho tới lúc này, Rayner và tôi đã quần nhau giữa các bức tường và đồ đạc, trong im lặng đẫm mùi mồ hôi của giống đực, chỉ thỉnh thoảng có một tiếng gằn gừ để thấy rằng cả hai đều đang tập trung. Nhưng giờ đây, cùng lắm là năm giây nữa thôi tôi sẽ xỉu đi hoặc cuối cùng cái xương sẽ rã ra - giờ là thời khắc lý tưởng để tôi tung ra một chiêu thức mới. Và âm thanh là tất cả những gì tôi có thể nghĩ ra.
Bởi thế tôi hít sâu qua mũi, ưỡn thẳng người dí sát hết mức vào mặt hắn, nhịn thở trong một khắc, và bật ra thứ mà các võ sĩ Nhật gọi là kiai - hay anh có thể gọi nó là một âm thanh cực lớn, và hẳn đúng như thế, một tiếng thét choáng váng với cường độ thần khốc quỷ sầu, tới nỗi ngay cả bản thân tôi cũng sợ hãi rụng rời.
Quả thật, chiêu thức đó đã tác động mạnh lên Rayner hệt như tôi vừa quảng cáo, bởi vì hắn vô tình dịch người về một bên, nới lỏng khỏi tay tôi trong khoảng một phần mười hai giây. Thế là tôi lấy hết sức bình sinh đập mặt sau đầu vào mặt hắn, cảm thấy sụn mũi của hắn uốn theo hộp sọ tôi, kéo theo một vệt nước trơn như lụa tóe ngang qua da đầu tôi, rồi tôi đánh gót vào háng hắn, chân tôi nạo ngược đùi non hắn trước khi thúc vào đống bùng nhùng phía trên. Khi một phần mười hai giây đó vụt qua, Rayner không còn bẻ tay tôi nữa, và tôi chợt nhận ra, toàn thân mình đẫm mồ hôi.
Tôi lùi ra xa hắn, nhảy trên đầu ngón chân như một con chó St Bernard già nua và nhìn quanh tìm vũ khí.
Đấu trường của cuộc tỉ thí chỉ dài một hiệp mười lăm phút giữa hai đấu thủ nghiệp dư và chuyên nghiệp này là một phòng khách nhỏ, đồ đạc không lấy gì làm trang nhã lắm ở Belgravia. Tay thiết kế nội thất đã làm công việc tởm hết sảy, y như tất cả các tay thiết kế nội thất khác, trăm lần như một, cấm có khác, không ngoại lệ - nhưng ở vào thời điểm đó, sở thích chơi những đồ vật nặng, nhấc được của ông ta hay bà ta hóa ra lại hợp với tôi. Tôi dùng cánh tay còn lành lặn lựa một bức tượng Phật bốn lăm xăng ti mét trên bệ lò sưởi, và nhận ra rằng đôi tai của ông Bụt nhỏ thó này tạo thành một mấu cầm chắc chắn rất vừa ý cho đấu sĩ một tay này.
Rayner giờ đang quỳ, không ngừng nôn mửa lên tấm thảm Tàu khiến nó chuyển màu hẳn đi. Tôi chọn chỗ đứng, lựa tư thế cho vững, rồi vung một cú sấp tay vào hắn, cắm phập góc đế tượng vào khoảng da mềm dưới tai trái hắn. Có một tiếng bẹp mơ hồ, thứ âm thanh chỉ được tạo ra khi thịt người bị đập mạnh vang lên, và hắn đổ vật sang một bên.
Tôi cũng chẳng thèm nhìn xem hắn còn sống không. Nhẫn tâm, có lẽ, nhưng thế là xong.
Tôi quệt mồ hôi trên mặt rồi đi qua hành lang. Tôi cố nghe ngóng, nhưng giả thử có âm thanh nào trong căn nhà hoặc từ ngoài đường phố tôi cũng chẳng thể nghe được, bởi vì tim tôi đang đập thình thịch như máy đầm nền đường. Hoặc có lẽ đang có máy đầm đường bên ngoài thật. Tôi không tài nào chú ý được vì đang mải bận hít hàng tảng khí cỡ bự bằng cái va li vào buồng phổi.
Tôi mở cửa trước và cảm thấy làn gió mát thổi vào mặt ngay. Nó thẩm thấu vào những giọt mồ hôi, làm chúng loãng ra, làm nỗi đau đớn trên cánh tay tôi tan dần đi, làm mọi thứ tan dần đi. Tôi nhắm mắt lại, mặc kệ cho mồ hôi rơi. Đó là một trong những điều tốt đẹp nhất mà tôi từng trải nghiệm. Có thể anh cho rằng đời tôi thật nghèo nàn. Nhưng rồi, anh sẽ thấy, hoàn cảnh là tất cả.
Tôi khép hờ cửa, bước xuống vỉa hè rồi châm một điếu thuốc. Dần dà, một cách nặng nhọc, tim tôi trở lại bình thường, và hồi lâu sau hơi thở cũng thế. Cánh tay tôi đau đớn khủng khiếp, và tôi biết nó sẽ còn đau trong nhiều ngày, nếu không phải trong nhiều tuần, nhưng thật may nó không phải là cánh tay mà tôi đang cầm thuốc hút.
Tôi quay trở vào ngôi nhà thì nhìn thấy Rayner ở đúng chỗ tôi đã bỏ hắn lại, nằm còng queo trên một vũng nôn mửa. Hắn đã chết, hoặc đã bị thương tật nghiêm trọng về thể xác, kiểu gì tôi cũng phải ngồi tù ít nhất năm năm. Mười năm, với thời gian cộng thêm vì tội hành vi xấu. Và điều này, đối với tôi, là rất tệ.
Tôi đã từng ở tù, anh biết không. Chỉ ba tuần, và chỉ là tạm giam thôi, nhưng một khi anh phải ngày hai lần dùng một bộ cờ thiếu sáu con tốt, hai con tượng, và toàn bộ xe, chiến cờ với một gã cổ động viên đội West Ham nói năng gióng một, xăm một chữ “HẬN” trên tay này, một chữ “HẬN” khác trên tay kia, chừng đó anh sẽ thấy biết ơn mỗi thứ nhỏ nhặt nhất mình có ở đời. Tỉ như không phải ở tù.
Tôi đang ngẫm những điều này cùng những vấn đề liên quan khác, và chớm nghĩ tới tất cả các nước nhiệt đới mà tôi chưa có điều kiện tới thăm, thì chợt nhận ra âm thanh đó - một âm thanh nhỏ, cọt kẹt, dịch chuyển, lạo xạo - hẳn nhiên không phải từ tim tôi. Cũng không phải từ phổi tôi, hoặc từ bất cứ phần nào trong cái cơ thể đang rên ư ử của tôi. Chắc chắn âm thanh này từ đâu đó bên ngoài.
Có ai đó, hoặc cái gì đó, đang cố gắng một cách tuyệt vọng để đi xuống cầu thang mà không gây tiếng động.
Tôi để bức tượng Phật vào chỗ cũ, nhặt cái bật lửa để bàn có đế thạch cao hình thù gớm ghiếc rồi đi ra phía cái cửatrông cũng gớm ghiếc nốt. Sao người ta lại làm ra một cái cửa gớm ghiếc được cơ chứ? Anh có thể hỏi thế. Ừ, rõ là sẽ phải tốn công tìm hiểu đấy, nhưng tin tôi đi, những tay thiết kế nội thất hàng đầu có thể nôn ra những thứ kiểu này cho dù chưa kịp ăn bữa sáng.
Tôi cố nén hơi thở lại nhưng không thể, bởi thế tôi vừa chờ đợi vừa hổn hển. Tiếng công tắc điện bật lên ở đâu đó, chờ đợi, rồi tắt đi. Một cánh cửa mở ra, ngừng lại, cũng chẳng có gì ở đó, đóng lại. Đứng im. Suy nghĩ. Thử cái phòng khách.
Có tiếng quần áo sột soạt, tiếng bước chân nhè nhẹ, rồi đột nhiên tôi thấy tay mình nới lỏng khỏi chiếc bật lửa thạch cao, và người tôi tựa về phía sau thở phào nhẹ nhõm.
Bởi vì, ngay cả khi đang trong trạng thái sợ hãi và đau đớn, tôi vẫn sẵn sàng đặt cược mạng sống của mình vào sự thật rằng mùi nước hoa Fleur de Fleurs của hãng Nina Ricci không phải là mùi hương của bạo lực.
Cô gái dừng ở ngưỡng cửa, ngó quanh căn phòng. Đèn đã tắt nhưng các tấm rèm rộng mở cho ánh sáng từ ngoài đường lọt vào.
Chờ cho tới khi ánh mắt cô bắt gặp thân thể Rayner, tôi mới lấy tay bịt miệng cô lại.
Chúng tôi hành động đúng như những quy ước thông thường vốn được Hollywood và giới thượng lưu quy định. Cô ra sức gào lên và cắn vào lòng bàn tay tôi, còn tôi bảo cô hãy yên lặng bởi vì nếu cô kêu lên thì thể nào tôi cũng làm cô đau. Cô đã kêu và tôi đã làm cô đau. Hệt theo quy ước chuẩn mực.
Dần dà, cô cũng ngồi xuống ghế, cái ghế sofa gớm ghiếc, tay cô cầm cốc đựng đầy một nửa cái thứ mà tôi nghĩ là rượu mạnh, nhưng hóa ra lại là rượu táo, còn tôi đứng cạnh cửa, mang trên mặt cái vẻ “Tôi là nhà tâm lý A1” tốt nhất và bảnh nhất.
Tôi có thể lật Rayner lại tư thế giúp hắn hồi tỉnh, để hắn không bị chết nghẹt vì cái đống nôn mửa của mình. Hoặc của ai đó khác, nếu có tình huống ấy. Có thể cô muốn đứng dậy để lật hắn ra, xem hắn có ổn không - gối, vải ướt, băng gạc, và tất cả những thứ khiến cho người ngoài cuộc cảm thấy nhẹ nhõm hơn - nhưng tôi yêu cầu cô cứ ở nguyên đó bởi vì tôi đã gọi xe cứu thương, và tốt hơn hết hãy để cho hắn yên.
Cô bắt đầu run khe khẽ. Đầu tiên là hai tay, chúng nắm chặt cái cốc, sau đó tới khuỷu tay và tới hai vai, và càng lúc càng tệ hơn mỗi khi cô nhìn vào Rayner. Tất nhiên, run rẩy có lẽ không phải là phản ứng bất thường gì khi phát hiện một người chết lẫn lộn với một đống nôn mửa trên chiếc thảm nhà mình giữa đêm khuya, nhưng tôi không muốn cô trở nên tệ hơn. Trong khi lấy chiếc bật lửa thạch cao châm thuốc - vâng, cả ngọn lửa nom cũng gớm ghiếc - tôi gắng thu thập bằng mắt thật nhiều thông tin trước khi những cốc rượu táo làm cô lấy lại can đảm và bắt đầu đặt câu hỏi.
Tôi đã thấy gương mặt cô ba lần ở căn phòng đó: một trong tấm ảnh lồng khung bạc trên bệ lò sưởi, cô đeo đôi kính Ray Ban, ngồi vắt vẻo trên xe cáp treo trượt tuyết; một trong bức sơn dầu cỡ lớn dở tệ, được vẽ bởi một ai đó hẳn không thích cô cho lắm, treo gần cửa sổ; và cuối cùng, chắc hẳn trong bức này trông cô đẹp nhất, là trên chiếc ghế sofa cách tôi ba mét.
Chắc chắn cô chưa đầy mười chín tuổi, đôi vai đầy đặn và mái tóc dài màu hạt dẻ lượn sóng tinh nghịch khuất vào sau gáy. Đôi gò má cao, tròn, hàm chứa một nét phương Đông, nhưng nét phương Đông ấy lại nhanh chóng bị xóa nhòa khi anh nhìn lên đến cặp mắt cũng tròn, to và có màu xám sáng. Chẳng biết vẻ mặt đó có tạo nên chút ý nghĩa gì. Cô vận áo khoác lụa dài màu đỏ, chân đi một chiếc hài trang nhã có đường chỉ vàng đẹp mắt chạy ngang các ngón chân. Tôi liếc quanh phòng, nhưng không thấy chiếc kia đâu. Biết đâu cô chỉ đủ tiền mua một chiếc.
Cô hắng giọng, rồi hỏi, “Ông ta là ai thế?”
Tôi đồ rằng tôi biết chắc chắn cô là người Mỹ ngay từ lúccô chưa mở miệng. Hàm răng đều tăm tắp như thế thì không thể là người nước khác được. Họ kiếm đâu ra những hàm răng như vậy nhỉ?
“Hắn tên Rayner,” tôi đáp, và rồi nhận ra rằng câu trả lời ấy nghe có vẻ thiếu thiếu, bởi thế tôi cho rằng mình nên nói thêm gì đó. “Hắn rất nguy hiểm.”
“Nguy hiểm?”
Trông cô có vẻ lo lắng vì điều đó, như thế cũng đúng thôi. Hình như nỗi lo lắng vừa lướt qua tâm trí cô, cũng như tâm trí tôi rằng, nếu Rayner nguy hiểm như vậy, mà tôi lại giết chết được hắn ta, thế thì theo cấp bậc mà suy ra, tôi là kẻ thậm nguy hiểm.
“Nguy hiểm,” tôi nhắc lại lần nữa, và nhìn mặt cô gần hơn khi cô quay đi. Cô có vẻ đã bớt run, thế là tốt rồi. Hoặc có lẽ những run rẩy của cô đã rơi xuống mức đồng điệu với tôi, thế nên tôi không nhận ra mấy chăng.
“Thế... ông ta làm gì ở đây?” Cuối cùng thì cô hỏi. “Ông ta muốn gì?”
“Thật khó nói.” Dù gì cũng rất khó cho tôi. “Có lẽ hắn muốn vơ tiền, cũng có thể các đồ vàng bạc...”
“Ông nói thế nghĩa là... ông ấy đã không nói gì với ông?” Giọng cô đột nhiên cao lên. “Ông đánh người, mà không hề biết người ta là ai? Không biết người ta đang làm gì ở đây sao?”
Mặc dù đang bị sốc nhưng có vẻ trí óc của cô đã tỉnh táo trở lại.
“Tôi đánh hắn vì hắn định giết tôi,” tôi nói. “Tôi là người như thế đấy.”
Tôi cố tìm một nụ cười xảo trá, rồi khi bắt gặp nó phản chiếu trong tấm gương trên thành lò sưởi, tôi liền nhận ra nó không có tác dụng.
“Ông là người như thế,” cô lặp lại, giọng không mấy thân thiện. “Thế ông là ai?”
Thế đấy. Tới lúc này, tình hình sắp trở nên hay ho đối với tôi rồi đây. Có thể mọi việc sắp đột ngột trở nên tồi tệ hơn nhiều so với thực tế đang diễn ra.
Tôi cố làm ra vẻ ngạc nhiên, và có lẽ thêm một chút tổn thương nữa. “Ý cô là cô không nhận ra tôi ư?”
“Không.”
“Hừ. Lạ thật. Fincham. James Fincham.” Tôi đưa tay ra. Cô không thèm bắt tay, nên tôi chuyển nó thành động tác vuốt tóc hững hờ.
“Đó chỉ là một cái tên,” cô nói. “Nó không cho biết con người ông thế nào.”
“Tôi là bạn của bố cô.”
Cô nghĩ ngợi một lát. “Bạn làm ăn sao?”
“Đại loại thế.”
“Đại loại thế.” Cô gật đầu. “Ông là James Fincham, đại loại là bạn làm ăn của bố tôi, và ông vừa giết một người trong nhà tôi.”
Tôi ngả đầu sang một bên, và cố tỏ ra rằng đúng thế, cuộc đời này nhiều lúc chó chết thế đấy.
Cô lại để lộ hàm răng của mình.
“Chỉ có thế thôi, phải không? Đó là lý lịch của ông à?”
Tôi lặp lại điệu cười xảo trá, cũng chẳng khá hơn tí nào.
“Chờ chút,” cô nói.
Cô nhìn Rayner, rồi thốt nhiên ngồi thẳng lên một chút, như thể có ý nghĩ nào vừa xẹt qua.
“Ông chưa gọi ai cả, phải không?”
Tôi bắt đầu cho rằng, nếu xét kỹ ra, cô hẳn phải khoảng hai mươi tư tuổi.
“Ý cô...” Giờ thì tôi lúng túng.
“Ý tôi là,” cô nói, “sẽ không có xe cứu thương nào tới đây cả.”
Cô đặt chiếc cốc xuống thảm cạnh chân mình, đứng dậy bước về phía cái điện thoại.
“Này,” tôi nói, “trước khi cô làm bất cứ điều gì dại dột...”
Tôi bắt đầu tiến lại phía cô, nhưng cái kiểu xoay tròn đó của cô làm cho tôi thấy có lẽ tốt hơn là nên đứng yên. Tôi không muốn phải gỡ từng mảnh nhỏ của chiếc hộp điện thoại ra khỏi mặt mình trong các tuần lễ tiếp theo.
“Ông đứng nguyên ở đó, ông James Fincham,” cô rít lên với tôi. “Chẳng có gì dại dột cả. Tôi sẽ gọi xe cứu thương, cả cảnh sát nữa. Đây là những thủ tục mà cả thế giới công nhận rồi. Người ta sẽ đến mang theo những cái dùi cui to đùng và sẽ bắt ông đi. Chẳng có gì dại dột hết.”
“Nghe này,” tôi nói, “tôi chưa hoàn toàn thẳng thắn với cô.” Cô quay lại phía tôi và nheo mắt lại. Anh biết ý tôi rồi chứ? Cô nheo mắt theo chiều ngang, không phải chiều dọc. Tôi nghĩ có thể có người nói cô làm mắt mình ngắn lại, nhưng chưa ai từng nói thế cả.
Cô nheo mắt lại.
“Ông nói ‘chưa hoàn toàn thẳng thắn’ là ý quái quỷ gì thế? Ông chỉ nói với tôi hai điều. Theo ý ông thì một trong hai là lời nói dối sao?” Không còn nghi ngờ gì nữa, cô đã xỏ mũi được tôi. Tôi đang gặp rắc rối. Nhưng rồi cô chỉ quay số 9 đầu tiên của ba con chín điện thoại khẩn cấp.
“Tôi tên là Fincham,” tôi nói, “và tôi có biết bố cô.”
“Thế ông ấy hút thuốc hiệu gì?”
“Dunhill.”
“Ông ấy chưa bao giờ hút thuốc lá.”
Có lẽ cô phải gần ba mươi. Kịch kim là ba mươi. Tôi hít một hơi dài khi cô quay số “9” thứ hai.
“Được thôi, tôi không biết ông ấy. Nhưng tôi đang cố giúp ông ấy.”
“Đúng rồi. Ông tới để sửa vòi hoa sen bồn tắm.”
Số “9” thứ ba. Phải chơi con bài quyết định thôi.
“Có người định giết ông ấy,” tôi nói.
Có một tiếng cách nhẹ và tôi nghe thấy tiếng ai đó, ở một nơi nào đó, đang hỏi xem quý khách cần sử dụng dịch vụ gì. Rất từ từ, cô quay lại phía tôi, tay giữ ống nghe xa khỏi mặt mình. “Ông nói gì cơ?”
“Có người đang định giết bố cô,” tôi nhắc lại. “Tôi không biết đó là ai, cũng không biết lý do tại sao. Nhưng tôi đang cố ngăn họ lại. Tôi là người như thế, và đó là những gì tôi đang làm ở đây.”
Cô nhìn tôi với ánh mắt nghiêm nghị một lúc lâu. Tiếng đồng hồ tích tắc đâu đó, một cách gớm ghiếc.
“Người này,” tôi trỏ vào Rayner, “có liên quan đến chuyện đó.”
Tôi có thể thấy rằng cô nghĩ điều đó là không thỏa đáng,vì Rayner khó mà ở vào vị trí đối chọi được với tôi; bởi thế tôi mềm giọng một chút, nhìn quanh vẻ lo lắng như thể tôi cũng đang hoang mang rối bời y như cô vậy.
“Tôi không thể quả quyết rằng hắn đến để giết bố cô,” tôi nói, “bởi vì chúng tôi không có cơ hội mà nói nhiều với nhau. Nhưng không hẳn là không thể.” Cô vẫn nhìn tôi chằm chằm. Nhân viên tổng đài đang nheo nhéo xin chào trong ống nghe và có lẽ đang cố lần theo cuộc gọi.
Cô đợi. Đợi cái gì, tôi cũng không chắc.
“Xe cứu thương,” cuối cùng cô lên tiếng, và vẫn nhìn tôi, rồi quay đi một chút để nói địa chỉ. Cô gật đầu, đoạn rất chậm rãi, rất chậm rãi, bỏ cái ống nghe lên giá và quay về phía tôi. Lại im lặng hồi lâu nên tôi bèn lấy thêm một điếu thuốc và chìa bao thuốc mời cô.
Cô bước về phía tôi rồi dừng lại. Trông cô thấp hơn so với lúc ở đầu kia của căn phòng. Tôi lại cười, và cô rút một điếu thuốc ra, nhưng không châm lửa. Cô từ từ nghịch nó, rồi hướng một đôi mắt màu xám nhìn tôi.
Tôi nói là một đôi. Ý tôi nói là đôi mắt cô ấy. Cô ấy không lấy đôi mắt của ai đó từ trong một cái ngăn kéo để chĩa sang tôi. Cô hướng đôi mắt to màu hạt dẻ, nhợt nhạt của mình về phía tôi. Đôi mắt như vậy có thể khiến một người đàn ông trưởng thành đâm ra lắp bắp. Lạy Chúa, bình tĩnh nào.
“Ông là kẻ dối trá,” cô nói.
Không giận dữ, không sợ sệt. Chỉ nói ra vấn đề. Ông là kẻ dối trá.
“Ồ, đúng,” tôi nói, “nhìn chung thì tôi là thế. Nhưng cụ thể lúc này, rất tình cờ là tôi đang nói thật.”
Cô cứ nhìn chằm chặp vào mặt tôi, như tôi vẫn thường nhìn mình khi vừa cạo râu xong, nhưng dường như cô không lấy thêm được câu trả lời nào nữa ngoài những điều tôi đã nói. Rồi cô chớp mắt, và bằng cách nào đó, có vẻ cái chớp mắt ấy đã làm thay đổi tình hình. Có cái gì đó đã biến mất, hoặc hết sạch, hoặc ít nhất là bớt đi một chút. Tôi bắt đầu thấy thoải mái.
“Tại sao lại có người muốn giết bố tôi?” Cô mềm giọng hơn.
“Thực sự tôi không biết,” tôi nói. “Tôi chỉ mới biết là ông ấy không hút thuốc.”
Cô thẳng người lên, như không nghe thấy tôi nói gì.
“Thế nói tôi nghe xem nào, thưa ông Fincham,” cô nói, “sao ông lại liên quan tới những chuyện này?”
Đây là giây phút khó khăn. Thực sự khó khăn. Vô cùng khó.
“Tôi được người ta thuê,” tôi đáp.
Cô ngừng thở. Tôi nói là cô thực sự ngừng thở. Và trông như thể cô không hề có ý định tái thở nào sau đó.
Tôi tiếp tục, cố bằng giọng càng bình tĩnh càng tốt.
“Có người đã trả tôi rất nhiều tiền để giết bố cô,” tôi nói trong khi cô cau mày vẻ không tin. “Và tôi đã bỏ vụ đó.”
Tôi không nên nói thêm những lời đó. Thực sự không nên nói.
Định luật thứ ba của Newton về Đối thoại, nếu như nó đã từng tồn tại, có lẽ sẽ phát biểu rằng mỗi một lời tuyên bố sẽ ngụ ý cả nó và lời tuyên bố đối nghịch với nó. Nói rằng tôi đã từ bỏ lời chào hàng thì cũng đồng thời gợi ra khả năng là tôi chưa từ bỏ. Tôi không muốn cái thuyết ấy cứ lởn vởn quanh căn phòng vào lúc này. Nhưng cô đã lấy lại hơi thở, bởi thế có thể cô đã không để ý.
“Tại sao?”
“Tại sao gì cơ?”
Mắt trái của cô lộ ra một vệt nhỏ xíu màu xanh lục khi con ngươi nhìn theo hướng Đông Bắc. Tôi đang đứng đó nhìn vào mắt cô, và cố không làm thế, bởi tôi đang trong tình trạng rắc rối đến tệ hại vào lúc này. Trên nhiều phương diện.
“Sao ông lại từ bỏ?”
“Bởi vì...” Tôi dợm nói, rồi dừng lại, vì tôi phải nói điều này ra thật chuẩn xác.
“Gì cơ?”
“Bởi vì tôi không giết người.”
Có một khoảng lặng khi cô nuốt những lời này và khuấy đảo chúng trong miệng vài lần. Rồi cô liếc xéo xác Rayner.
“Tôi nói với cô rồi,” tôi nói. “Hắn bắt đầu trước.”
Cô lại nhìn tôi thêm ba trăm năm nữa rồi vẫn chầm chậm xoay xoay điếu thuốc giữa các ngón tay, đi về phía ghế sofa, hiển nhiên đang suy nghĩ rất lung.
“Thú thực,” tôi nói tiếp, cố kiểm soát bản thân và tình huống. “Tôi là người tốt. Tôi sống ở Oxfam, tôi tái chế báo, và tất cả mọi thứ.”
Cô lại gần xác Rayner rồi dừng lại. “Thế chuyện xảy ra khi nào?”
“Ờ... vừa mới đây thôi,” tôi lắp bắp như một thằng ngố.
Cô nhắm mắt lại một lúc. “Ý tôi là ông nhận được yêu cầu khi nào ấy.”
“À,” tôi nói. “Mười ngày trước đây.”
“Ở đâu?”
“Amsterdam.”
“Hà Lan, phải không?”
Đó là một sự giải thoát. Nó làm tôi thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Thi thoảng được tụi trẻ kính trọng quả là khoái thật. Nhưng anh sẽ không muốn điều đó mọi lúc đâu, chỉ thi thoảng thôi.
“Đúng thế,” tôi nói.
“Ai yêu cầu ông làm thế?”
“Tôi chưa hề gặp ông ta lần nào.”
Cô cúi xuống nhặt cái cốc lên, hớp một ngụm rượu táo và nhăn mặt vì vị của nó.
“Và tôi cần phải tin vào điều này sao?”
“Cái này...”
“Ý tôi là, hãy làm rõ cho tôi,” cô nói, giọng lại gắt lên. Cô hất cằm về phía Rayner. “Chúng ta có một người ở đây, nhưng ông ấy không thể làm chứng cho câu chuyện của ông, và tại sao tôi phải tin ông đây? Bởi vì ông có khuôn mặt đẹp chắc?”
Tôi không thể tự cứu mình. Tôi nên cố làm điều đó, nhưng không thể.
“Tại sao không?” Tôi nói, và cố tỏ vẻ quyến rũ. “Tôi tin những điều cô nói.”
Một sai lầm tệ hại. Thực sự tệ hại. Một trong những lời đánh giá đần độn, lố bịch nhất mà tôi đã nói ra trong suốt cuộc đời dài dặc đầy những đánh giá lố bịch của tôi.
Cô quay lại phía tôi, và đột nhiên trở nên rất giận dữ.
“Ông thôi cái trò chết tiệt đó ngay đi.”
“Tất cả những điều tôi muốn nói...” Tôi nói, nhưng tôi mừng là cô đã ngắt ngang lời tôi, bởi vì thú thực tôi không biết mình muốn nói gì.
“Tôi nói thôi đi. Có một người đang sắp chết ở đây đấy.”
Tôi gật đầu biết lỗi và cả hai đều cúi đầu về phía Rayner, như thể chúng tôi đang tỏ lòng thành kính. Sau đó, cô làm như thể đang gập quyển thánh ca lại, bước lên. Bờ vai cô thả lỏng, và cô đưa cốc về phía tôi.
“Tôi là Sarah,” cô nói. “Ông lấy cho tôi một cốc Coca được không?”
Cuối cùng thì cô cũng gọi cảnh sát, họ tới nơi vừa đúng lúc đội cấp cứu đang cho Rayner lên một cái cáng gấp, hắn có vẻ vẫn còn thở. Chẳng biết xử lý thế nào, họ lôi mọi thứ trên bệ lò sưởi ra rồi kiểm tra bên dưới và làm điệu bộ cứ như đang vội vì còn phải đến nơi nào khác ấy.
Cảnh sát thường là không muốn tiếp những vụ mới. Không phải bởi họ lười biếng mà bởi, cũng như bất kỳ ai khác, họ muốn tìm thấy một ẩn ý, một mối liên hệ trong mớ bòng bong những bất hạnh mà họ đang giải quyết. Nếu như đang trong quá trình truy tìm một thằng choai choai nào đó cạy nắp trục bánh xe, mà lại được gọi tới hiện trường của một vụ giết người tập thể, thì họ không thể đừng kiểm tra xem dưới ghế sofa có cái nắp trục bánh xe nào hay không. Họ muốn tìm thứ gì đó có liên quan đến thứ họ đã từng thấy, để làm cho cái mớ lộn xộn kia có lý một chút. Như thế họ mới có thể tự nói với mình rằng, điều này xảy ra vì điều kia đã xảy ra. Khi không tìm ra mối liên hệ ấy - khi tất cả những gì họ thấy chỉ là một đống những thứ mới phải ghi chép lại, phải lưu vào hồ sơ, những thứ bị mất và được tìm thấy dưới đáy ngăn kéo, rồi lại bị mất, và cuối cùng chẳng gợi lên được tên của ai cả - thì họ đâm ra thất vọng.
Họ rất thất vọng về câu chuyện của chúng tôi. Sarah và tôi đã tập trước những thứ chúng tôi cho là hợp lý và phải biểu diễn đến ba lần trước các sĩ quan cấp bậc tăng dần, cuối cùng kết thúc với một thanh tra còn rất trẻ tự xưng là Brock.
Brock ngồi ở ghế sofa, thi thoảng liếc xuống móng tay mình và gật đầu đầy trẻ trung nghe hết câu chuyện về James Fincham gan dạ, người bạn của gia đình, đang ở trong căn phòng trống tầng một. Nghe thấy tiếng động, lặng lẽ xuống cầu thang để kiểm tra, người đàn ông ác hiểm vận chiếc áo khoác da màu đen và áo cổ chui màu đen, chưa từng gặp bao giờ, đánh nhau, ngã xuống, trời ơi, đập vào đầu. Sarah Woolf, ngày sinh 29 tháng 8 năm 1964, nghe thấy tiếng vật lộn, đi xuống, chứng kiến toàn bộ. Uống chút gì không thanh tra? Trà nhé? Hay Ribena?
Đúng thế, tất nhiên, hoàn cảnh cũng trợ giúp cho chúng tôi. Nếu như kể câu chuyện này tại tòa nhà Hội đồng quận Deptford, có lẽ chúng tôi đã ngay lập tức nằm trên sàn thùng xe cảnh sát, mỏi mồm van xin những gã thanh niên khỏe mạnh đầu đinh dịch mông ra một tí để đầu chúng tôi thoải mái hơn chút ít rồi. Nhưng ở cái khu hào nhoáng và giàu có Belgravia này, cảnh sát có xu hướng tin những gì anh nói hơn. Tôi nghĩ điều đó bao gồm trong thuế của từng địa phương.
Khi chúng tôi ký vào bản khai, họ yêu cầu chúng tôi đừng có làm chuyện gì ngu ngốc kiểu như xuất ngoại mà không thông báo cho cảnh sát địa phương, và đại khái khuyên chúng tôi nên hợp tác trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Hai giờ sau khi Rayner cố gắng bẻ tay tôi, tất cả những gì còn lại của hắn, kẻ không rõ tên, chỉ còn là cái mùi.
Bước ra khỏi căn nhà, tôi cảm thấy cơn đau cứ nhói mạnh theo mỗi bước chân đi. Tôi châm một điếu thuốc và rít trên đường xuống góc phố, ở đó tôi rẽ trái vào một khu chuồng trại rải sỏi xưa kia từng để nhốt ngựa. Rõ ràng, giờ một “ngài” ngựa phải kếch xù thì mới đủ điều kiện sống nơi đây. Song có lẽ cái không khí đặc trưng của trại nuôi ngựa trước đây vẫn bao trùm toàn bộ nơi này, nên việc buộc xích một con mô tô cùng xô lúa mạch và vài cọng rơm dưới bánh sau xe xem ra vẫn hợp pháp lắm.
Cái xe vẫn nằm nguyên chỗ mà tôi bỏ nó lại, nghe thì có vẻ chẳng đáng lưu tâm, nhưng thời buổi này thì có đấy. Đối với người đi xe máy, để xe của mình ở chỗ tối trong hơn một giờ, kể cả có khóa xe và chuông báo trộm, mà khi quay trở lại thấy nó vẫn còn nguyên vẹn, đó quả thực là điều đáng để nói lắm. Nhất là khi đó là một chiếc Kawasaki ZZR 1100.
Tôi không phủ nhận rằng người Nhật đã quá manh động khi tấn công Trân Châu Cảng, và bữa ăn toàn cá mú của họ thì quá nghèo nàn không cần bàn cãi nữa - nhưng trời ơi, họ biết cách làm xe mô tô. Chỉ cần vào số, tăng ga là cặp đồng tử anh đã phọt ngay ra sau gáy. Ừ thì đó chưa hẳn đã là lý do hợp lẽ để mọi người chọn cho mình một phương tiện giao thông cá nhân, nhưng từ khi giành được chiếc xe này trong một ván cờ thỏ cáo, trở về nhà cùng chiến thắng hết sức may mắn chỉ với một lần xúc 4-1 và ba lần liên tiếp xúc được hai quân 6, thì tôi đã rất thích nó. Nó là con xe to màu đen và thậm chí có thể chở vèo một tay lái hạng xoàng sang thẳng thiên hà khác.
Tôi khởi động xe, về ga to đến mức có thể đánh thức dăm ba tài chính gia bụng béo khu Belgravia, và lên đường về Notting Hill. Tôi phải đi từ từ trong cơn mưa, bởi vậy có nhiều thời gian suy ngẫm lại chuyện hồi đêm.
Điều duy nhất đậu lại trong đầu khi tôi vòng vèo trên những con phố đèn vàng trơn nhẫy là lời Sarah, cô bảo tôi dừng “cái thứ chết tiệt” đó lại. Và nguyên do tôi phải dừng lại là vì có một người đang nằm chết trong phòng.
Luật Đối thoại của Newton, tôi tự nhủ, ngụ ý là tôi không cần dừng “cái chết tiệt” đó, nếu như không có người nào nằm chết trong phòng.
Điều đó làm tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi bắt đầu nghĩ sao mình không tìm cách để một ngày nào đó mình và cô ấy được cùng nhau ở trong căn phòng đó, mà không có người nào chết cả, và lúc đó tên tôi không phải là James Fincham nữa.
Tất nhiên tên tôi không phải thế rồi.
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm