Những nỗ lực của bạn chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu bạn quyết không bỏ cuộc.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6677 / 310
Cập nhật: 2019-05-29 12:36:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Ân Tình
úc ấy, mặt trời đã xế non tây. Hơi nóng đã dần dần dịu. Gió mát đã hiu hiu thổi. Cơm xong, ông Tú sau mang bàn ghế ra vườn hoa ngồi hóng mát ở dưới giàn thiên lý, đợi Điệp sang chơi.
Bỗng có tiếng chó sủa ở mé cổng, ông bèn gọi người nhà ra đón Điệp vào. Nhưng không phải, đó mới là người phu trạm đem đến cho ông tờ báo hàng ngày. Ông mở báo ra coi, xem đến mục thi cử, ông vụt quay vào trong nhà hỏi Lan:
- Bằng Cao Đẳng Tiểu Học là bằng gì con?
- Bẩm thầy là bằng Đíp Lôm ạ!
- Quái, trước tao thấy người ta gọi Đíp Lôm là bằng Thành Chung kia mà?
- Vâng, nhưng bây giờ gọi bằng ấy là Cao Đẳng Tiểu Học.
Rồi ông dò tên các người trúng tuyển, ông đứng phắt dậy, nét mặt mừng rỡ, ngoảnh vào gọi con gái:
- Thằng Điệp đỗ rồi, mày ạ!
Nhưng ông lấy làm lạ, vì thấy mặt Lan vẫn thản nhiên như không. Song vì mãi mừng Điệp đỗ, ông quên ngay cái thái độ lạnh lùng của con, không chú ý đến nữa. Ông nói tiếp:
- Thằng Điệp đỗ cao lắm, nó đỗ thứ tám.
Lan vẫn lãnh đạm như trước, trả lời:
- Đấy là báo đăng thứ tự A, B, C. Chữ đầu tiên là Đ thì người ta xếp lên trên, chứ có phải cao thấp gì đâu! Ngày trước, độ con đỗ bằng Sơ học, thầy cứ mắng mãi con là đỗ thấp, mà khen chị Anh học giỏi đỗ đầu, nhưng có phải thế đâu. Lan với Anh cũng vậy.
- Nhưng, con ạ, ở đây họ in lầm, chữ p đánh chữ n, thành ra tên là Vũ Khắc Điện.
Thấy sự lạ, Lan chạy đến sau lưng cha, nhìn vào tờ báo rồi nói:
- Bẩm thầy, thế là Vũ Khắc Điện đấy ạ!
- Mày đừng trứng khôn hơn rận! Tao còn lạ gì mấy tờ báo hàng ngày, được một tin gì có thể chạy được báo là in quàng in quáng cho chóng xong để tranh nhau xuất bản trước, thành ra chữ lầm be lầm bét! Còn gì lố bịch cho bằng câu ngày trước tao đọc: Tiên sinh đã tả ra hai bài văn, mà chữ t ở tả lại in lầm là chữ y! Thế thì tao quyết đây là Vũ Khắc Điệp.
Lan không dám cãi lời cha, nhưng ái ngại cho cha đã mừng rỡ hão huyền. Nàng đi vào, lấy đồ khâu ta đứng dựa cột hè để làm việc.
Ông Tú được biết tin Điệp đỗ thì cho là tờ báo không còn tin gì đáng xem hơn nữa, ông gấp lại, để trên bàn, rồi nhớ đến cái nét mặt khác thường của con gái ban nãy.
Ông thấy thoạt tiên, Lan nghe tin Điệp đỗ mà lạnh lùng như không, thì ông cho là nghề con gái bao giờ cũng vậy, tính tình kín đáo, đối với cái tin hay dở của người ngoài, dù có can hệ đến thân mình cũng chỉ dám mừng thầm buồn vụng mà thôi, chứ không bao giờ lộ ra sắc mặt, sợ người khác cho là trái phép. Nhưng sao Lan cứ cho là Vũ Khắc Điện, thì ông lấy làm lạ quá. Không biết rằng vì Lan ghét Điệp hay sao, mà không muốn nghe tin Điệp được phần vinh dự như thế? Hay bây giờ Lan chán vì Điệp nghèo mà có ý duỗi ra? Ông lại sực nhớ từ lúc ông đi vắng về, Lan có vẻ rầu rầu, hỏi không nói. Hay Lan thấy tin Điệp nghỉ hè mới về mà buồn chăng? Hay Lan cứ yên trí tin trước rằng Điệp hỏng thi, để lúc nghe đích thực Điệp đỗ được vui bội phần mà lỡ Điệp có hỏng thực, cũng không đến nỗi buồn lắm?
Trong khi ông phân vân nghĩ ngợi về tâm lý Lan thì Điệp đã đứng thập thò ở ngoài cổng.
Điệp đứng mãi ở cổng, đứng mãi, đứng đến mười phút mà không vào. Điệp không vào, không phải là không có cớ.
Một cớ đầu là Điệp sợ đàn chó nhà ông Tú dữ như lũ hùm, mà quan viên mới ở tỉnh về nhà qua hay sợ chó. Song, như mọi khi, thì Điệp gọi người nhà ra đưa vào. Vậy tất không phải vì thế mà Điệp phải đứng suông ở cổng. Một cớ nữa, là có lẽ Điệp phải sắp sẵn câu nói để an ủi ông Tú, và có khi an ủi cả Lan nữa, vì một đôi khi, biết đâu, Lan không ở trong buồng lắng tai nghe câu chuyện của Điệp. Nhưng ông Tú và Lan đều sẵn bụng thương yêu Điệp, thì sự đối đáp cũng không cần đắn đo, dàn thế khó khăn như việc trận, phải dùng nhiều mưu trí, mánh khóe. Và Điệp vào nhà ông Tú sớm phút nào thì được nhìn trộm Lan sớm phút ấy, được ngồi cái ghế mọi khi thỉnh thoảng Lan ngồi, uống được cái chén mọi khi thỉnh thoảng Lan uống, được cầm cái quạt mọi khi thỉnh thoảng Lan cầm. Vậy Điệp còn trù trừ gì mãi mà chẳng gọi người ra trông chó! Ấy là chàng chẳng biết gọi ai, nên phải đứng yên ở đó, chẳng lẽ chàng lại réo tên cái người đứng kia ra đưa chàng vào hay sao?
Điệp ngấp nghé ngoài cổng nhân tiện có dịp được ngắm Lan lâu và tự do, tội gì không hưởng! Nhưng Lan vô tình không biết. Nàng đứng dựa cột vẩn vơ hai mắt nhìn xuống. Điệp thấy Lan độ này đẫy hơn trước, cái tay áo cộc lụa như nịt chẹt lấy cánh tay. Nàng vẫn khâu, mấy ngón tay búp măng thoăn thoắt loay hoay trên mảnh lụa đào. Điệp ngắm mãi, ngắm mãi, bất giác sinh ra buồn, buồn vì nỗi có lẽ mình vô duyên với con người có duyên ấy. Bỗng tự nhiên chàng thấy ngực Lan phồng lên rồi giẹp dần lại, rồi nàng ngừng tay không khâu nữa, nét mặt rầu rầu, hai mắt mơ mộng. Quả là nàng cũng đương vơ vẩn điều chi.
Điệp càng muốn biết Lan nghĩ ngợi gì mà buồn đến thế, hay Lan sực nhớ đến chàng hỏng thi, mà cũng chia cái khổ não chăng? Nếu quả thế, hai người chung một tâm sự, vui vẻ cho Điệp biết là ngần nào! Thì ra có trượt thi thì mới được cái sung sướng ấy. Tự nhiên, chàng tự an ủi, và phấn chấn trong lòng.
Điệp càng nhìn càng thấy yêu Lan, song yêu Lan bao nhiêu, chàng phải cố đè nén cái ái tình đi bấy nhiêu. Chàng thấy mình khôn ngoan, một cách đáng thương hại.
Bỗng Lan vụt nhìn ra cổng. Điệp trông thấy nhưng không đứng lấp đi, cứ chòng chọc hai mắt vào Lan, mà Lan cũng cứ chòng chọc vào hai mắt Điệp. Bốn tầm con mắt như luồng điện, nồng nàn, thẳng thắn, mạnh mẽ, như thấy hết tận đáy lòng nhau. Điệp thấy tâm hồn bay đâu mất cả rồi nao nao thổn thức, suối lệ như cũng bị phiêu động mà tuôn trào ra. Lạ quá, ngay lúc ấy, Lan cũng đổi ra nét mặt lạnh lùng, ngực phồng cao lên rồi lại giẹp xuống. Một lát, Lan lẳng lặng quay gót vào trong nhà.
Điệp đứng ngây người như khúc gỗ mãi mới định thần, bèn lên tiếng gọi đầy tớ.
Ông Tú thấy Điệp vào, mừng rỡ, mở ngay tờ báo ra khoe với Điệp và rủa mãi cái vô ý của bọn thợ nhà in.
Điệp không biết trả lời thế nào cho câu nói đủ sức mạnh kéo lại được cái tâm lý ông Tú từ thái cực nọ đến thái cực kia, bèn tiu nghỉu, khẽ nói:
- Bẩm ông, con hỏng!
Mà Điệp cũng chỉ còn tâm trí để nghĩ ra được mấy tiếng cụt thun lủn ấy mà thôi. Ông Tú kinh ngạc:
- Anh hỏng?
Điệp tái mặt, phào ra được một tiếng:
- Dạ
Rồi hai người ngồi lặng đi...
Nhưng sự yên lặng chỉ là cái dấu chấm lửng chứ chưa là cái dấu chấm hết. Hai người ngồi im lặng như bị biết bao cảm tưởng ngao ngán, nó tranh nhau chui lách vào làm chật ních, làm rối beng cả óc, lấp cả đường không cho câu chuyện khác chen ra.
- Thế thì anh làm thế nào?
Điệp nghe câu hỏi ấy, biết rằng tuy nó chỉ là đoạn kết của những mối cảm tưởng của ông Tú, nhưng chàng cũng đoán ra bao nhiêu nghĩa lý ở chỗ trên. Song, hẳn chàng chẳng trông thấy trong óc ông Tú có một vài sự nghi ngờ về thái độ của Lan ban nãy! Câu hỏi kia chàng đã từng đứt ruột để tự trả lời tách bạch từng khoản mãi lúc đi đường ban trưa, nên bây giờ cũng chỉ chịu thắt nút bằng câu kết:
- Thưa ông, vậy thế thì con biết làm thế nào!
Ông Tú nghe câu đáp nó bao hàm tâm sự của Điệp không tiện nói ra, bèn nói:
- Nhưng đến tháng chín... ? Còn kỳ thi nữa chứ?
- Bẩm vâng.
- Thế thì nó nông nổi quá!
Lời ông Tú nói, thoạt nghe như không cắn vào câu chuyện, nhưng nó cắn vào tư tưởng của ông. Điệp cũng nói một câu cóc nhảy để đuổi theo ông Tú:
- Bẩm nên thế ạ!
Chưa có lần nào ông Tú và Điệp lại hiểu bụng nhau như lần này. Bởi vậy, chuyện nói sau, ta không nghe nói câu nào về sự thi cử nữa. Ông Tú không cần an ủi Điệp, vì biết rằng không khi nào chàng hỏng đến lần thứ hai. Mà dù Điệp có hỏng đến lần thứ hai chăng nữa, nếu chàng buồn thì lời an ủi của ông không thể làm cho chàng vui được, vì chàng vốn sẵn trí lực để đối phó những sự đau đớn ở đời rồi.
Độ tám giờ tối, Điệp xin cáo từ. Ông Tú sai người nhà mang đèn soi đường tiễn Điệp về, và hẹn chiều hôm sau sẽ sang chơi, nói với bà Cử một câu chuyện. Trước khi Điệp vái chào, ông Tú tủm tỉm cười, vỗ vai chàng, nửa thật nửa cợt, bảo:
- Bọn phụ nữ hay thích công danh, anh phải cố gắng mới được nhé!
Điệp về nhà, đem lời ông Tú dặn nói với mẹ, và đoán chắc ông muốn an ủi mẹ, cùng nhắc lời ước xưa về nhân duyên của Điệp và Lan cho yên lòng bà. Nhưng sực nghĩ đến câu nói sau cùng của ông Tú, Điệp thấy chán ngán, bèn xin mẹ cứ nói thẳng cho ông Tú nghe cái ý của mình đã tỏ ra ban chiều. Rồi đêm hôm ấy Điệp lẩn quẩn, vắt tay lên trán, nằm nghĩ ngợi mãi không sao ngủ được. Đến trống canh tư, Điệp quả quyết vùng dậy, thắp đèn viết thư cho Lan, nói thẳng cái ý của mình đã định.
Cô Lan.
Hôm nay tôi xin phép cô cho tôi được giãi bày tâm sự cùng cô. Tuy đây là câu chuyện tôi đã phải nhầu gan nẫu ruột, nhưng tôi đã đắn đo lâu ngày, bây giờ tôi mới dám quyết định, xin cô hiểu bụng cho tôi.
Ngày xưa ông và thầy tôi có giao ước với nhau để cho cô cùng tôi được trăm năm kết nghĩa.
Thầy tôi mất đi, nhà tôi bị sa sút, trong mấy năm trời, cả cơ nghiệp theo vạ nọ vạ kia mà hết sạch, đẻ tôi thì phải đâm ngược chạy xuôi, buôn thúng bán mẹt, thật là vất vả khổ sở. Cái cảnh gia đình tôi, chẳng nói ra, cô cũng hiểu cả.
Nhưng nếu chỉ có hai mẹ góa con côi cố ra sức làm ăn, nuôi nhau, thì hẳn không bao giờ gia đình tôi được êm đềm dễ chịu như ngày nay. May sao, có ông nhà, lấy chỗ tình thân, đi lại trông nom giúp đỡ. Cái công đức ấy, không bao giờ chúng tôi quên được. Đẻ tôi với tôi thường vẫn phàn nàn về điều đó, mà riêng tôi, tôi chỉ mong học hành được kết quả, gọi là khỏi phụ lòng bấy lâu ông săn sóc cho. Nhưng cớ sự đã như thế này, tôi không biết nói thế nào nữa!
Chiều hôm nay, đẻ tôi nói đến chuyện trăm năm của tôi, ngày mai, ông hẹn sang chơi, chắc cũng nhắc đến chuyện ấy. Vì thế tôi viết bức thư này để bộc bạch cùng cô vài ý kiến.
Thưa cô, tôi không ngờ đâu là tôi long đong thế này mà vẫn được ông và cô giữ lời hứa cũ. Nhiều lúc tôi nghĩ đến cô mà tôi tự khuyến khích tôi. Cô thấy tôi nghèo túng quẫn bách quá, cô ngầm giúp cho tiền nong. Cô dùng cách giáp tiếp để khuyên bảo, để an ủi, khi tôi có sự buồn rầu, lầm lỡ. Nói tóm lại cô đối với tôi, thật có bụng hải hà, mà cái bụng hải hà ấy, là do ở tấm lòng cô coi tôi như ruột thịt. Tôi vẫn mong tính đến chữ duyên để đền lại cái tình sâu ân nặng ấy, nhưng khốn thay, nói bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!
Nếu gia đình tôi không đến nỗi túng quẫn lắm, nếu tôi có cái sinh kế chắc chắn, nghĩa là nếu tôi đủ lực làm cho cô được sung sướng thì thề rằng sau này vạn bất đắc sĩ tôi không được cùng cô sánh vai suốt đời, thì quyết không lấy ai nữa! Nhưng mà, than ôi! Cái cảnh ngộ của tôi hiệp nay đã khốn nạn thế này, mai sau ấy cũng vẫn thế mà tôi trông chừng nó lại đuối dần đi mãi, thì thôi, tôi cũng cam lòng chịu tiếng bạc cùng cô.
Tôi viết đến đây mà hai hàng nước mắt ứa ra! Tôi tủi thân bao nhiêu, tôi lại trách phận bấy nhiêu. Hẳn cô cũng biết rằng bao giờ đối với cô, tôi cũng vẫn có lòng yêu quý.
Nhưng chính là vì muốn yêu quý cô mà tôi không dám yêu quý cô, bởi tôi không được yêu quý cô, tại tôi không muốn làm khổ lây đến người tôi yêu quý. Tôi có lương tâm, tôi không nỡ để ái tình thành ra lụy. Vậy vì những lẽ ấy, tôi không muốn cùng cô ăn đời ở kiếp cùng nhau. Tôi muốn cho đời cô được sung sướng nên tôi phải xa cô, tôi mong cô đừng giây với tôi nữa.
Tôi khổ tâm mà cầm bút viết thư này, thật là vì sự bất đắc dĩ tôi đã quả quyết, xin cô hiểu tâm sự cho tôi, mà từ nay đừng mong ước đến chuyện nhân duyên nữa. Cho nên nghĩ đến đời cô, chớ vì lòng cao thượng mà đày đọa nó.
Vậy từ trước đến nay, cô đã cư xử với tôi như bực chị, thì tôi xin nhận cô là chị suốt đời, và xin cô cũng cứ coi tôi như em, đổi sự yêu mến ra sự âu yếm.
Những lời trong thư này, vì trí nghĩ đi nhanh hơn tay viết, cho nên lộn xộn mong rằng cô hiểu bụng tôi mà lượng xét cho.
Đa tạ.
Điệp
Viết xong, Điệp đọc đi đọc lại, rồi mới yên tâm ngủ được. Sáng hôm sau, chàng đánh liều gấp lá thư vào trong tờ nhật trình mượn đằng ông Tú, rồi sai người đưa trả tận tay Lan, và dặn nói mấy câu cho Lan hiểu ý.
Tắt Lửa Lòng Tắt Lửa Lòng - Nguyễn Công Hoan Tắt Lửa Lòng