Sự khác biệt giữa thất bại và thành công là giữa làm gần đúng, và làm thật đúng.

Edward Simmons

 
 
 
 
 
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 147 / 39
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Người Đàn Bà Tóc Trắng
ần đầu tiên trong đời tôi đi đưa một đám ma rất dài nhưng không hề có một tiếng khóc. Chỉ có tiếng kèn bát âm réo rắt buồn thảm tựa tiếng khóc của con người thuở chưa có ngôn ngữ như bây giờ. Đám ma cũng không có điếu văn. Trong làng có một người chuyên viết điếu văn cho các cụ già khi về cõi tiên. Thế mà khi bà Nhim chết, người viết điếu văn đành chịu bó tay. Chôn cất bà Nhim xong, tôi từ ngoài đồng trở về tạt qua ngôi nhà của người quá cố. Tôi đứng lặng hồi lâu nhìn ngôi nhà. Thuở còn là học trò trường làng, tôi và lũ bạn học thường lẻn vào vườn nhà bà Nhim ăn trộm ổi chín. Ngôi nhà lúc nào cũng thâm u như chùa. Sân gạch rộng thênh thang lác đác lá ổi, lá mít, lá bưởi rụng. Chiếc giếng khơi không biết đào từ thuở nào, nước bốn mùa trong như mắt mèo và lạnh nhức tay. Suốt cuộc đời bà Nhim sống ở đó. Hầu như chẳng mấy khi bà ra khỏi ngôi nhà ấy. Bà là người đàn bà góa chồng từ năm mười bốn tuổi. Gia đình chồng bà giàu lắm. Bây giờ nhìn nhà cửa, vườn tược còn lại người ta đều dễ dàng nhận thấy điều đó. Cả gia đình nhà chồng bà người nào cũng xanh bợt như da nhái bén. Sau khi chồng bà chết, những người trong gia đình chồng bà cũng lần lượt mất theo. Cũng từ ngày ấy tóc bà đổ trắng cho đến lúc bà tạ thế ở tuổi tám mươi lăm. Tóc của bà lạ lắm, trong và cứng như cước câu. Suốt đời bà Nhim không làm ruộng. Bà bán chuối, mít, ổi, đu đủ chín trong khu vườn rộng của mình mà sống cho đến hết đời. Ngoài ra bà là người duy nhất trong vùng biết làm thuốc cao để bán. Bà đựng cao trong một cái hũ sành mà người ta thường dùng đựng mắm tôm. Hễ trong làng trẻ con bị sưng nhọt, lên quai bị hay nổi hạch đều dùng cao của bà. Người bệnh dán cao và chỉ sau một đêm mủ ở nhọt được hút sạch vào cao. Bà quết cao vào miếng lá mít được cắt tròn như đồng năm xu. Bởi vậy người ta gọi thuốc cao của bà là cao mít. Khách hàng của bà đông lắm. Thậm chí ở cả những vùng quê rất xa. Ngay cả khi trạm xá xã được thành lập với nhiều loại đông tây y thì thuốc cao của bà vẫn bán chạy như tôm tươi. Bà cứ thế sống một mình không cần ai giúp đỡ. Người làng tôi đồn đại biết bao nhiêu chuyện về bà đến nỗi chúng tôi đôi khi cảm thấy bà như một mụ phù thủy trong truyện cổ.
Năm bà ngoài bảy mươi thì có một người nữa đến với bà. Đó là một cô bé ăn mày. Nó gõ cửa nhà bà một chiều đông rét mướt để xin ăn. Bà nhìn nó bằng đôi mắt trong và lạnh như nước giếng khơi trong vườn.
- Bố mẹ mày đi đâu mà mày đi ăn xin?
- Thưa bà, bố mẹ cháu chết cả rồi.
- Thế mày ở với ai?
- Cháu chẳng ở với ai cả, cháu đi ăn mày suốt năm.
- Tên mày là gì?
- Tên cháu là Nhút.
- Tên với tuổi. Tao đặt tên mày là Gừng cho nó ấm. Ở đây với tao, tao nuôi.
- Cháu đội ơn bà. Cháu xin ở lại hầu bà.
- Tao không cần người hầu. Nhưng phải nghe lời tao. Tổ tiên cha mẹ mày ác quá hay cũng đần độn nên giờ mày phải đi ăn xin. Vào đi, người hôi như chuột. Ra giếng mà tắm.
Từ ngày ấy Gừng ở với bà Nhim. Hằng ngày nó quét dọn nhà cửa, sân vườn và lấy trái cây để bán. Hàng tháng nó chỉ ra khỏi nhà vào những phiên chợ. Cũng như bà Nhim, nó sống âm thầm như một bóng ma. Tuổi con gái của nó cũng âm thầm lớn theo. Một hôm nó ngồi bên hiên nhà bới chấy cho bà. Bà chợt đẩy nó ra và nói:
- Mày tanh lắm. Đến tuổi rồi đấy. Cởi quần ra, tao xem.
Nó ngoan ngoãn làm theo lời bà như hàng ngày quét nhà, chặt củi, lấy trái cây vậy.
- Bỏ đấy - Bà vơ nắm tóc cuộn lại và bảo: - Ra giếng rửa đi.
Một hôm trên đường đi chợ về, Gừng gặp Mô. Mô là người làng làm nghề đánh xe bò. Người Mô nhỏ nhưng rắn như tre đực. Mô ghìm bò đi chậm và bảo Gừng:
- Đặt thúng lên đây cho đỡ mỏi này.
Gừng liếc nhìn Mô rất nhanh rồi lại cắm cúi đi, không trả lời một câu.
- Không ai lấy tiền đâu mà sợ. Người làng cả đấy.
Gừng vẫn im lặng cắm cúi đi. Mô nhảy xuống đất giằng lấy cái thúng trên đầu Gừng đặt vào xe. Gừng gắt lên:
- Trả thúng đây. Chả phải nhờ.
Mô nhe hàm răng xỉn khói thuốc lào cười rồi nhảy phốc lên xe. Mô ngồi quay lại phía sau, chân buông thõng xuống đất. Gừng hấp tấp bước theo.
- Cũng ở Chùa à? Gừng lên tiếng.
- Ừ, cùng xóm đấy. Bán mít cho tôi mà không nhớ à.
- Ai để ý mà nhớ.
- Thế thì bây giờ để ý.
- Hứ, hơi đâu.
- Lên đây mà ngồi này. Êm hơn ô tô chứ lị.
Mô nói và dừng xe lại. Gừng ngượng ngập trèo lên. Con bò lại đủng đỉnh bước lên mặt đê làng.
- Sao chẳng thấy đằng ấy đi chơi xóm gì cả. Ở suốt ngày trong nhà buồn chết.
- Bà không cho đi. Mà cũng chẳng biết chơi với ai.
- Sang nhà tôi.
- Hứ. Gừng lườm Mô, mặt đỏ ửng.
- Cho đằng ấy này - Mô móc trong túi một quả thị nhỏ như quả trứng gà đưa cho Gừng - thị nhỏ thơm phải biết.
Gừng đón lấy quả thị và đưa lên mũi hít nhè nhẹ. Mô nhìn vào ngực áo nâu của Gừng, người nao nao. Đến đầu làng Mô nhảy xuống và nhấc giúp Gừng chiếc thúng lên đầu.
- Phiên tới có đi không? Mô hỏi.
- Chả biết. Gừng vừa nói vừa vội vã đi.
Buổi tối, khi đi qua chỗ Gừng, bà Nhim chợt dừng lại kịt kịt mũi và nói:
- Mày mua thị đấy à?
- Vâng. - Gừng nằm trên giường trả lời.
- Tiền đâu mà mày mua - Bà rít lên- Con gái thích mùi thơm là hư đốn đấy. Để đâu rồi? Đưa đây!
Vừa hỏi bà vừa lật đầu giường Gừng lấy quả thị và ném mạnh vào tường. Quả thị vỡ nát. Gừng ngồi dậy thẫn thờ. Trong đêm, hương thị thơm đậm, thơm quấn mãi trong nhà. Gừng chợt nhớ đến Mô. Mặc dù cô chưa biết tên anh. Đêm ấy là đêm đầu tiên trong đời Gừng thao thức mãi mới ngủ. Phiên chợ tới. Mô chờ Gừng. Khi thấy Gừng đội thúng từ dốc chợ đi lên, Mô chạy vội xuống đỡ thúng cho Gừng. Họ như thân thiết từ lâu rồi. Sau khi chiếc xe bò chuyển bánh Mô móc túi đưa cho Gừng một chiếc gương nhỏ bằng lòng bàn tay.
- Tôi mua cho Gừng đấy. Gừng soi mà chải tóc.
Gừng cầm chiếc gương nhỏ đưa lên. Lần đầu tiên cô được nhìn thấy gương mặt mình. Gừng đỏ mặt. Cô vội ấp chiếc gương vào ngực. Cô nhìn sang Mô thẹn thùng nói:
- Gớm xóc chết người ta mà cứ bảo êm.
Buổi chiều Gừng ra bờ giếng. Cô kín đáo lấy chiếc gương nhỏ ra soi. Cô vừa ngỡ ngàng, vừa thích thú với gương mặt mình trong gương. Cô cười. Cô bĩu môi. Cô chun mũi. Cô thì thầm trò chuyện với chính mình. Bỗng cô giật mình nhận thấy sau gương mặt mình trong gương có một gương mặt khác, một gương mặt già quăn queo, tóc bạc trắng. Cô hoảng hốt quay lại, bà Nhim đang đứng nhìn cô. Cô sợ hãi giấu chiếc gương sau lưng.
- Hừ, thật không ngờ. Đồ ăn xin ăn mày mà cũng ngắm vuốt. Con gái soi gương trộm là đồ lẳng lơ. Mày đưa cái gương đây. Đưa!
Vừa nói bà vừa sấn tới giằng chiếc gương. Gừng không hề chống cự. Chưa bao giờ trong đời cô có ý thức chống cự người khác. Bà Nhim ném mạnh chiếc gương xuống nền gạch lát bên bờ giếng.
Chiếc gương vỡ vụn.
- Đồ gian dối - Bà Nhim trì triết - Tao đưa tiền cho mày đi chợ. Mày bớt gạo, bớt muối để mua gương. Mày không nhớ mày là kẻ đầu đường xó chợ ngửa tay xin ăn à. Tao cấm mày không được ăn uống gì ba ngày để trừ vào tiền mày mua gương. Nhớ chưa!
- Bà! Gừng kêu lên. Giọng cô đầy nước mắt - Cháu không lấy tiền của bà.
- Mày có của riêng chắc?
- Người ta cho cháu.
Bà Nhim mở to đôi mắt nhìn cô. Bao nhiêu năm nay bà đinh ninh rằng Gừng không biết ai ngoài bà. Bà là người không hề thân thiện với ai, và bà cũng không muốn cho Gừng thân thiện với ai. - À ra thế. Mày đã biết theo trai rồi đấy. Từ nay mày không được bước ra khỏi nhà.
Nói rồi bà bước đi. Gừng nấc lên.
Những ngày sau đó bà Nhim gọi mua những thứ cần thiết ở ngay cửa ngõ. Đêm đêm, Gừng hay tỉnh giấc, cô thấy nhớ con đường đê tới chợ. Cô nghe thấy tiếng bánh xe bò lăn đâu đây. Tiếng Mô quát con bò và mùi cỏ tái hăng hăng trong thùng xe. Cô ngồi lặng trong bóng đêm ngột ngạt và bí ẩn đến hoảng sợ. Cô lẻn ra khỏi nhà ngồi xuống thềm hiên. Cô quên đi tất cả những gì thuộc về quá khứ. Từ ngày bố mẹ cô mất, cô chưa lần nào thắp một nén hương. Chưa bao giờ cô có ý nghĩ đi khỏi nơi đây. Trước kia trên mặt đất này cô chỉ biết có hai người, cô và bà Nhim. Bây giờ thêm một người nữa, đó là Mô. Lúc này cô ước được ngồi trên thùng xe bò của Mô và đi, đi mãi.
- Mày ra đây làm gì? - Tiếng bà Nhim chợt vang lên từ bóng tối sau cánh cửa gỗ đã bị mọt ăn rỗng.
Gừng giật mình. Một lát sau cô mới trấn tĩnh lại. Cô không trả lời bà.
- Chỉ có mèo cái đêm hôm mới chờ đợi như thế này. Con gái mà hay tỉnh giấc là đồ... đồ...
Nói đến đó bà Nhim im lặng đi vào. Gừng thấy rét run lên. Gừng cảm thấy bà Nhim có mặt ở mọi nơi mà Gừng đến. Hình như không phải có một bà Nhim mà có hàng trăm, hàng ngàn bà Nhim. Bà như một ngọn gió của âm ty cứ mỗi lần chờm qua cô lại làm cô sởn gai ốc.
Một buổi cô đang nhặt củi ở góc vườn thì chợt có tiếng gọi cô từ vòm lá cây phủ sát bờ tường.
- Gừng ơi! Gừng.
Gừng tròn mắt kinh hãi, vòm lá xào xạc và gương mặt Mô ló ra. Gừng thở phào và nhoẻn miệng cười.
- Sao Gừng không đi chợ nữa. Tôi đợi mãi.
- Bà không cho đi. Bà cấm. Gừng thì thào.
- Tôi nhớ Gừng quá.
- Thế à - Gừng hỏi lại như ngớ ngẩn - tôi cũng nhớ.
- Mai là phiên chợ Tía. Gừng đi nhé.
- Không được đâu. Bà cấm.
- Thích thì đi, sợ gì.
- Tôi ở nhờ, ăn nhờ. Tôi chẳng dám làm gì theo ý tôi cả. Tôi buồn lắm.
- Mình còn trẻ, mình tự làm lấy mình ăn chứ có nhờ ai đâu mà lo. Nếu Gừng muốn tôi đăng ký ruộng cho mà cấy.
- Thôi xuống đi kẻo ngã. - Gừng nói và thở dài - xuống đi. Tôi phải vào đây. Bà lại gọi bây giờ.
- Gừng ơi! Giọng Mô run lên - Tôi muốn nói chuyện với Gừng. Tối nay Gừng ra đây nhé. Vào lúc trăng lên ấy.
- Không. Không được đâu.
- Nếu Gừng không ra tôi lẻn vào nhà đấy.
- Đừng làm thế. Bà biết thì tôi sống thế nào được với bà.
- Tôi nhớ Gừng. Tôi muốn nói chuyện với Gừng. Gừng không thích nói chuyện với tôi à?
- Có... nhưng không được đâu - Gừng nói và vội vã ôm đống củi đi vào.
Trước khi Mô tụt xuống đất còn dặn với theo:
- Tối tôi trèo vào đấy. Gừng đợi tôi nhé.
Đêm ấy trăng sáng lắm. Ánh trăng chui qua khe cửa gỗ cũ hắt vào nơi Gừng nằm. Gừng hồi hộp, Gừng linh cảm thấy Mô đang sốt ruột chờ Gừng ở góc vườn. Góc nhà tối om và im ắng đến lạnh buốt. Gừng cảm thấy từ khoảng tối đen ngòm kia bà Nhim đang nhìn Gừng. Hai con mắt bà trong đêm sáng như hai mảnh lân tinh. Gừng quay mặt vào tường nhắm mắt để cố quên đi lời hẹn tha thiết của Mô đang vang lên bên tai Gừng. Đêm càng trôi đi trăng càng sáng, và tiếng Mô hẹn cứ gấp gáp kêu gọi Gừng. Cuối cùng Gừng run rẩy ngồi dậy. Cô ngồi yên lặng bên mép giường rất lâu. Cuối cùng cô quyết định ra góc vườn để gặp Mô. Vừa gặp Gừng, Mô đã cầm lấy tay Gừng và ôm chầm lấy cô. Gừng không hề có một cử chỉ chống cự nào. Cô chấp nhận hành động của Mô như ngày trước cô chấp nhận ở lại nhà bà Nhim. Bởi cuộc đời cô quá nhiều bất hạnh và quá cô đơn. Cô im lặng và tựa vào lòng Mô. Cô thấy ấm áp. Bất chợt cô nhận thấy trăng đẹp quá.
- Gừng ơi...
- Dạ.
- Tôi muốn cưới Gừng.
-...
- Tôi muốn Gừng về ở với mẹ con tôi.
- Đừng nghĩ đến tôi mà khổ. Tôi không cha không mẹ, không nhà không cửa. Tôi chỉ là kẻ ăn mày ăn xin.
- Gừng đừng nói thế mà đau lòng tôi. Tôi yêu Gừng. Mẹ tôi bảo Gừng là người nhân hậu lắm.
- Mẹ làm sao mà biết tôi.
- Mẹ nhìn thấy Gừng đôi lần. Mẹ bảo nhìn con mắt thì biết người ấy lành hay ác.
- Thế à? Mẹ bảo thế à?
Nói đến đó Gừng chợt quay người lại phía Mô. Cô gục đầu vào vai Mô. Cô nấc lên. Cô cố kìm tiếng khóc. Bởi thế tiếng khóc cô méo đi.
- Anh ơi! Gừng kêu lên. Tiếng kêu âm thầm như chỉ để cho Mô nghe thấy. Tiếng kêu vỡ ra như đã bị nén chặt trong cõi lòng đầy cô đơn, đau khổ gần hai chục năm của cô. Mô ghì chặt Gừng vào lòng mình. Mô hôn lên mặt Gừng. Những cái hôn vụng về đến thương hại.
- Gừng ơi... chúng mình lấy nhau, Gừng nhé.
Gừng vừa khóc vừa gật đầu. Trong ngôi nhà âm u, lạnh lẽo này, trong cuộc đời tưởng mãi mãi như một dòng nước đục này, Gừng còn mong gì hơn một người bạn như Mô, với một tình cảm ấm áp chân thật như thế của Mô, Gừng không có khái niệm về sự trinh tiết như những người con gái khác. Gừng chỉ biết những gì Gừng có là của Mô. Gừng cảm thấy hai cánh tay Mô như hai cánh võng mềm mại đang dịu dàng đỡ lấy cơ thể cô. Gừng vẫn khóc. Cô thấy tiếng lá khô đang giãn ra dưới tấm lưng cô. Cô thấy ánh trăng đêm như một dòng nước đang tan chảy trên da thịt cô. Bỗng cô run lên. Cô thấy một dòng sông lấp lánh ánh mặt trời ấm nóng đang cuộn Mô và cô vào một niềm cực lạc.
Một đêm cô tỉnh giấc. Cô thấy bụng mình nhói đau. Cô không rõ ràng hiểu được điều ấy và cô hoảng sợ. Cô ngồi dậy và bước ra ngoài. Sương khuya loáng ướt trên sân gạch. Đến đầu nhà cô thấy trong bếp có ánh lửa. Cô lén bước lại gần và nhận ra bà Nhim đang đun một nồi gì đó. Trong ánh lửa bếp chập chờn, cô nhận thấy trên một tàu lá chuối tươi là những con cóc đã bị lột da. Mùi cóc tanh xộc vào mũi, vào họng cô. Cô thấy chóng mặt và buồn nôn. Cô vội vã ngồi xuống. Nghe tiếng động bà Nhim quay ngoắt ra cửa:
- Ai? Bà hỏi và một tay cầm đèn dầu còn tay kia cầm cành củi đang cháy bước ra. Khi nhận ra Gừng bà rít lên:
- Đồ ăn cháo đái bát. Tao đánh cho mày chừa cái thói rình mò người khác. Nói rồi bà cầm cành củi đang cháy quất túi bụi vào cô. Gừng ôm lấy đầu. Cô không kêu một tiếng.
Cái thai trong bụng cô ngày một lớn dần lên. Cô cố ém giữ cũng không giấu được bà Nhim. Một bữa ngồi ăn cơm bà nhận ra điều đó. Bà bỏ bát xuống mâm nhìn cô chằm chằm và nói:
- Bụng mày làm sao thế kia? Đứng dậy tao xem.
Gừng ngừng ăn. Cô ngồi im không nói.
- Đứng dậy. - Bà Nhim thét lên.
Gừng nhìn bà rồi chống tay từ từ đứng dậy. Bà Nhim bước lại gần cô. Cô như một con chim đã kiệt sức trước một con mèo già. Con mèo bước những bước ma mãnh đến trước cô. Con mèo đưa bàn chân đầy móng cứng lên lưng con chim bé bỏng. Con chim nằm ép xuống đất run rẩy.
- Giỏi thật. Gái không chồng mà chửa thì giỏi thật. Nhưng mày đã làm nhơ bẩn nhà tao. Sự nhơ bẩn ấy đã giết tao.
Nói đến đó bà Nhim bật khóc. Lần đầu tiên trong những tháng năm sống với bà Nhim, Gừng thấy bà khóc. Bao nhiêu sự sợ hãi và căm ghét bỗng tan biến trong cô. Giờ đây cô hoang mang trước tiếng khóc của bà. Cô bỗng thấy thương bà và cô òa khóc theo. Một lúc sau bà Nhim thôi khóc. Bà lấy vạt áo lau nước mắt. Bà vào nhà thắp ngọn đèn dầu và lọm cọm trèo từng bậc thang lên cái gác xép làm bằng những cây tre đực già đen bóng. Bà mở chiếc hòm gỗ to bốn góc được bít bằng đồng thau. Bà lôi một chiếc bình sứ nhỏ từ trong hòm ra. Bà giữ chặt cái bình sứ trong tay và ngồi bệt xuống sàn gác mà thở.
Năm bà mười hai tuổi thì bà đi làm dâu nhà người. Chồng bà là con trai độc nhất của một gia đình giàu có nhất vùng. Bà chỉ sống với chồng được hai năm. Sau khi chồng mất thì những người trong gia đình cũng lần lượt đi theo. Ông bố chồng bà là người cuối cùng ra đi. Đêm trước ngày từ giã cõi trần thế, ông gọi bà vào giường ông nằm và nói:
- Ta chỉ ở cõi trần thế một đêm nay nữa thôi. Bởi vậy ta gọi con vào mà khuyên bảo đôi điều trước lúc ra đi. Ta không phải là người mang dòng máu Việt. Tuy rằng dòng họ ta đã mấy đời sinh sống trên mảnh đất này. Ông tổ ta là người họ Vũ. Nhà thờ tổ nay còn ở Triều Châu. Ta không nhận được tin tức gì, nhưng thần giao cách cảm cho ta biết họ hàng ta bên ấy thịnh vượng ra sao. Nay con đã là người họ Vũ, khi chết linh hồn phải về với tổ tiên họ Vũ. Chắc tổ tiên ta có việc nên mới gọi chồng con và đến nay gọi ta trở về bên ấy. Rồi có ngày chồng con trở lại cõi trần đoàn tụ cùng con. Từ nay về sau con phải ở lại ngôi nhà này mà trông coi, hương nến. Con giữ lấy nghề thuốc cao cổ truyền mà sinh sống, nhớ là không được truyền cho ai. Con không cho bất cứ kẻ nam nhi nào lưu lại ngôi nhà này. Nếu có kẻ đàn bà nào khốn khó mà nhân hậu thì cho nương lại để có người trò chuyện sớm hôm. Nếu con để cho da thịt của lũ đàn ông chạm vào bất kỳ người đàn bà nào sống trong ngôi nhà này thì lúc đó con phải về với tổ tiên họ Vũ mà tạ tội.
Nói rồi ông sai bà Nhim lấy từ chiếc hòm gỗ một chiếc bình sứ trắng. Ông ta cầm lấy chiếc bình và đổ ra một thứ bột trắng như bột thạch cao và pha lẫn một chén rượu trắng. Ông cầm chén rượu đưa cho bà Nhim và nói:
- Con hãy uống thứ thuốc này. Nó sẽ giúp con giữ được lòng trinh tiết với chồng và lòng thờ kính tổ tiên họ Vũ. Khi có kẻ ăn lộc họ Vũ mà làm ô họ Vũ thì con cho họ uống thuốc này để họ quên đi những ước muốn ma quỷ mà thờ kính tổ tiên ta.
Bà vừa khóc vừa đưa chén thuốc lên uống. Sáng hôm sau thì ông bố chồng mất. Sau khi làm ma cho bố chồng xong, bà lăn ra ngủ mê mệt suốt ba ngày. Sau đó tóc bà cứ bạc dần và chỉ một thời gian ngắn tóc bà đổ trắng xóa. Sau khi đoạn tang chồng và những người trong gia đình nhà chồng, bố mẹ đẻ của bà sai người nhà đến khuyên nhủ bà trở về quê. Nhưng bà không hề nghe một lời khuyên nào và nói:
- Tôi đã là người họ Vũ. Khi còn sống tôi phải thờ họ Vũ. Khi chết tôi về với tổ tiên họ Vũ. Làm người đàn bà phải biết thủ tiết với chồng và thờ kính tổ tiên nhà chồng.
Mới vừa đấy mà đã mấy chục năm trời. Nay bà lại mở chiếc hòm gỗ này. Khi phải mở chiếc hòm bà biết đã đến ngày bà phải về với tổ tiên họ Vũ. Bà đã cho Gừng nương lại ngôi nhà này vì thấy Gừng là kẻ khốn khó và nhân hậu. Gừng đã được bà nuôi nấng. Trong ý nghĩ bà Nhim thì Gừng là người ăn lộc họ Vũ và cô đã làm ô họ Vũ. Theo lời dặn của người bố chồng từ mấy chục năm trước kia, bây giờ bà phải cho Gừng uống thứ thuốc gia truyền mà quên đi những ước muốn ma quỷ.
Nhưng khi bà Nhim mang chiếc bình sứ xuống nhà thì Gừng không còn ở đấy nữa. Bà chạy khắp nơi tìm Gừng. Khi bà Nhim nhìn Gừng bằng đôi mắt chưa bao giờ cô thấy và khi bà Nhim trèo lên gác xép, nơi chưa một lần Gừng thấy bà lên đó thì Gừng linh cảm thấy một điều gì đó không bình thường sắp xảy ra. Cô hoảng sợ. Cũng lúc ấy đứa bé trong bụng cô đang đạp mạnh mẽ, và những cơn đau sung sướng của người mẹ lại làm cô hoảng sợ. Cô không biết chạy đi đâu ngoài ý nghĩ đi tìm Mô. Tuy ở cùng xóm nhưng chưa bao giờ cô đến nhà Mô và những gia đình khác. Khi đến sân nhà Mô cô dừng lại. Tất cả sự lạ lùng trong nỗi sợ hãi bây giờ của cô giống như cái cảm giác xưa kia khi mỗi lần cô đến trước cổng ngõ của một gia đình nào đó xin ăn. Mô luống cuống chạy ra đón cô. Bà mẹ Mô chau mày nhìn cô một thoáng rồi bà giục Mô đưa cô vào nhà. Bà ngồi xuống hỏi thăm cô ân cần như một người mẹ đối với con gái. Rồi bà đi xuống bếp nhóm lửa đun nước. Mô ngồi gần lại Gừng hơn.
- Có chuyện gì vậy em? Mô lo lắng hỏi.
- Em sợ... Gừng nói. Giọng cô nghẹt trong hơi thở.
- Đừng sợ gì cả, anh nói với mẹ về chuyện chúng mình rồi. Mẹ thương lắm.
Lúc đó, trong chiếc sân gạch rộng thênh thang bà Nhim gào thét gọi Gừng. Khi thấy chiếc cửa ngõ như suốt đời đóng im lìm này đã mở tung thì bà tru lên khóc. Bà xiêu vẹo đi về phía sau vườn. Tất cả sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh đến nghi ngờ của bà trước kia không còn nữa. Bây giờ bà đi như một chiếc lá khô đang dạt theo từng cơn gió. Đêm xuống, bà đốt hương và quỳ trước bàn thờ nhà chồng hầu như suốt đêm. Đôi mắt lạnh và trong như nước giếng khơi của bà giờ đục trắng. Và suốt những ngày sau bà nằm liệt trên giường.
Vào một buổi chiều, Gừng quay lại ngôi nhà khi nghe tin bà Nhim ốm nặng.
Bàn chân Gừng run lên khi cô bước vào đến chiếc sân gạch quen thuộc. Gió buổi chiều thổi những đám lá khô dạt từ góc sân này đến góc sân kia. Tiếng lá khô lăn trên sân gạch nghe như tiếng một bầy trẻ con đang xao xác gọi mẹ. Gừng bước từng bước một đến chiếc giường nơi bà Nhim nằm. Ngôi nhà tối lạnh và xông lên mùi ẩm mốc của vôi tường đã quá cũ. Chỉ có một vệt sáng duy nhất của nắng chiều chiếu qua ô cửa nhỏ vào nhà. Bà Nhim nằm như một tàu chuối khô trên giường. Mái tóc trắng đổ vung vãi.
- Bà ơi! Gừng run gọi. Hai bàn tay cô ấp lên ngực mình như sợ hãi - Bà, bà ơi.
Không có tiếng trả lời dù chỉ là một tiếng ú ớ, không một tiếng của mình và cả như một hơi thở. Chỉ có ngôi nhà im ắng và vệt nắng chiều đang nhợt nhạt dần dần. Gừng ngồi xuống mép giường và cầm lấy cánh tay bà. Cô cảm thấy bàn tay như một cành củi cháy dở đã nguội lạnh. Một lát sau cô đứng dậy xuống bếp rửa nồi nấu cháo.
Sáng hôm sau đột nhiên bà Nhim tỉnh hẳn tựa như người ngủ dậy thường ngày. Gừng gọi bà. Bà nhìn cô một lúc lâu rồi mới thì thào:
- Con đỡ bà dậy một chút.
Gừng đỡ bà ngồi dậy. Cô để bà dựa vào lòng mình.
- Con xin lỗi bà. Con bỏ bà đau ốm thế này. - Nói thế rồi cô khóc.
- Con trốn... đi... như thế... là... đúng. Nếu không... thì... Nói đến đó bà Nhim thở hổn hển - Bây giờ con mở cái hòm gỗ kia... lấy cho bà... bộ... quần áo... trắng.
Gừng đỡ bà nằm xuống và lấy bộ quần áo bằng lụa trắng.
- Con thay quần áo cho bà.
Gừng khẽ khàng cởi bộ quần áo cũ bằng vải đen và mặc cho bà bộ quần áo lụa trắng mà lần đầu tiên cô nhìn thấy. Tấm thân bà Nhim mỏng như tờ giấy và trắng như thạch cao.
- Con ơi! Chợt bà Nhim gọi Gừng - Con sống với ta từng ấy năm nhưng con không biết gì về ta cả. Ở đây, cái làng Chùa này cũng chẳng ai biết rõ về ta. Trước kia ta cũng là một người con gái như con. Ta được ăn học và thạo việc gia đình. Nhưng gia đình ta đã gả chồng cho ta khi ta chưa hiểu gì về cuộc đời cả. Ta có chồng, nhưng thực ra ta vẫn là người đàn bà trinh tiết. Chồng ta là người ốm yếu và bệnh tật. Cứ đêm xuống ông ta lại ngồi trên chiếc ghế khảm mà lầm rầm những điều gì đó. Sau khi ông ta chết, bố chồng ta đã nhiều lần đòi chung chạ với ta. Nhưng ta không cho. Ông ấy không cho ta trò chuyện hay thăm hỏi bất cứ người nào ở làng này. Đêm đêm, ông ấy vào ngồi trong giường ta mà nói những điều ma quỷ cho đến tận khi gà gáy canh ba. Tất cả những điều ông ấy nói ta không làm sao hiểu được, ta chỉ thấy sợ hãi mà thôi. Khi ông ấy sắp chết, ông ấy bắt ta uống một thứ thuốc gia truyền...
Bà Nhim chợt ngừng nói. Đôi mắt bà mở to, tưởng chỉ thêm một chút nữa là đôi mắt ấy vỡ tung ra. Đôi mắt đục trắng của bà nhòe ướt:
- Và... sau khi ta uống thứ thuốc đó vào người, ta không còn là ta nữa. Tóc ta cứ thế mà đổ trắng, nhưng không hề rụng. Ta dần dần mất đi tính nết của một người đàn bà. Nhìn thấy đàn ông ta kinh tởm, nhìn thấy đàn bà ta căm ghét. Ta cũng không hiểu tại sao ta cho con ở lại với ta. Nhưng đúng là ta đã nhìn thấy đôi mắt con hôm ấy, đôi mắt mà không một ai trong gia đình nhà chồng ta có được. Mãi sau này ta mới hiểu được nỗi đau của ta... vì thế mà ta đã trút lòng đau khổ và căm thù người khác vào con. Khi con có chửa thì nỗi bất hạnh, đau thương của đời ta cào xé hơn bao giờ hết. Ta quyết định giết con... con ơi, thật đấy... ta định giết con đấy.
Bà Nhim bật khóc. Bà khóc như một đứa trẻ.
Gừng cũng òa khóc theo. Lúc này cô thấy bà Nhim như bà cô. Trong ký ức xa vời và buồn bã của cô hiện về hình ảnh người bà nhân hậu và tội nghiệp. Khi bà Nhim ngừng khóc thì cũng là lúc bà tắt thở.
Gừng gào thét gọi bà. Tiếng cô dội lên trong ngôi nhà âm u và ẩm mốc. Ngoài sân gió thổi mạnh. Tiếng lá khô lăn trên sân gạch như tiếng trẻ con xào xạc gọi mẹ.
Khi cô chạy trốn khỏi nhà bà Nhim trong đầu cô chỉ có một ý nghĩ là chạy đi tìm Mô. Bây giờ bà Nhim đã chết, cô cũng chỉ có một ý nghĩ là chạy đi tìm Mô. Gừng thảng thốt lao ra cửa, thì vừa lúc từ ngoài ngõ Mô và bà mẹ anh cũng đang bước vội về phía cô.
Làng Chùa, Hà Đông, 3-1990
Tập Truyện Ngắn Nguyễn Quang Thiều Tập Truyện Ngắn Nguyễn Quang Thiều - Nguyễn Quang Thiều Tập Truyện Ngắn Nguyễn Quang Thiều