If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 147 / 39
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Con Chuột Lông Vàng
hi tôi kể câu chuyện về con chuột này thì chính tôi cũng chưa một lần nhìn thấy nó. Cả làng tôi cũng chưa ai nhìn thấy. Nhưng cũng như tôi, mọi người đều tin là con chuột có thật. Người duy nhất nhìn thấy con chuột là ông Lẫm Cùi. Ông chính là người đã săn lùng nó suốt cả đời. Cuối cùng thì ông thất bại và chuốc lấy cái chết. Một đêm như mọi đêm ông đi đặt bẫy chuột và sáng ra người ta thấy xác ông nổi ở đầm sen đầu làng. Có người cho rằng ông bị cảm, ngã xuống đầm mà chết. Nhưng hầu hết người dân làng tôi lại cho rằng ông bị con chuột lông vàng ám hại, vì cái đầm sen của làng chỗ sâu nhất cũng chỉ đến ngang ngực, mà ông là người có vứt ra biển chưa chắc đã việc gì.
Làng tôi tên xưa gọi là làng Chùa, tuy bây giờ trong khai sinh, trong lý lịch người ta đều đề là sinh quán Hoàng Dương, nhưng dân làng tôi đi đâu bị khảo cũng xưng là người làng Chùa. Gọi là Chùa vì trước kia những ngôi chùa chiếm một phần ba làng. Đầu những năm sáu mươi, ở làng có chiến dịch phá chùa. Người ta tuyên truyền là phá đi tư tưởng mê tín dị đoan để xây dựng nông thôn mới, tiếp cận với thời đại khoa học kỹ thuật. Ngày phá chùa thực sự là ngày hội của làng. Lũ trẻ chúng tôi cũng náo nức chờ đợi ngày ấy. Rồi cái ngày ấy đến. Thanh niên là lực lượng xung kích. Cánh nam giới lăm lăm cuốc, xẻng, xà beng, búa chim. Còn phụ nữ thì kìn kìn quang gánh. Nhưng tôi nhớ nhất là ông Lẫm Cùi. Người làng tôi gọi vậy chứ ông đâu bị cùi hủi gì. Chỉ vì đôi ống chân ông lúc nào cũng sần sùi, tấy đỏ. Khi bước đi thì thôi, chứ cứ dừng lại là ông ngồi thụp xuống gãi lấy gãi để. Mặt ông vẹo sang một bên, mồm há hốc, mắt lờ đờ như người say thuốc lào. Ông là người miền Nam tập kết, lấy vợ làng tôi. Nghe nói trước kia ông bị tù Côn Đảo nhiều năm cùng với một số cán bộ cao cấp bấy giờ. Sau đó ông vào bộ đội và trở thành thương binh. Hàng năm cứ đến Tết Nguyên đán là ông ăn mặc chỉnh tề, ngực đeo đầy huân chương, đi khắp làng. Ngày phá chùa ông hăng hái lắm. Ông phăng phăng vác những pho tượng Phật to lớn, uy nghi ném xuống ao chùa. Từ dưới ao tăm phật sùng sục nổi lên. Lũ trẻ con chúng tôi cùng nhau gào thét: Phật chết đuối, phật chết đuối, chúng mày ơi!. Mỗi lần ném xong một ông Phật xuống ao, ông Lẫm Cùi lại bước đi hùng dũng như một hiệp sĩ vừa chém gục kẻ thù. Hai bàn chân ông to bè nện xuống đất thình thịch. Đôi mắt ông sáng lên kiêu hãnh.
Những năm tôi đang theo học phổ thông làng tôi có nhiều chuột lắm. Có lẽ địa hình làng tôi là nơi thuận tiện cho việc cư trú và sinh sôi của loài chuột. Làng tôi nằm kề sông Đáy. Làng chia làm hai phần. Một bên là nhà cửa với những lối ngõ sâu hút mọc đầy cây duối, cây dâm bụt. Và cả những khu vườn nửa như vườn cây ăn quả lưu niên, nửa như vườn hoang. Quanh làng được bao bọc bởi đồng lúa và những gò đất cao mọc đầy những bụi tầm xuân, bụi cây gai và dứa dại. Còn suốt dọc bờ đầm, bờ ao cỏ mọc um tùm và những cây ổi hoang quấn đầy dây leo. Xuyên qua những bụi cây trên khắp bờ ao, gò đất và những bờ rào là những con đường mòn nhỏ. Đấy là những con đường riêng của lũ chuột. Những con đường kín đáo, trơn lì và khá sạch sẽ. Dài dọc những con đường ấy là những viên phân chuột nâu sẫm và rắn như đất nung, tỏa một mùi tanh nồng nặc đến nôn mửa. Đến mùa lúa chín hay mùa thu hoạch khoai ngô, chuột từ những con đường mòn ùa ra tấn công. Nếu bạn ngủ ngoài đồng, nửa đêm tỉnh giấc, bạn sẽ nghe thấy tiếng chuột phá đồng rào rào. Tiếng chuột gọi nhau, cắn chí nhau nheo nhéo cả đêm. Người làng tôi đã dùng mọi biện pháp để xua đuổi chúng như gõ mõ, đốt lửa và mang cả chó, mèo ra ruộng. Nhưng tất cả những biện pháp ấy chỉ có tác dụng được mấy đêm đầu, sau đó thì vô hiệu. Nhiều nhà nhốt mèo vào trong một chiếc lồng đặt giữa ruộng. Lũ chuột tấn công vào mèo và mèo sợ hãi kêu gào hoảng hốt. Hết mùa, lũ chuột tấn công vào làng. Đêm đêm, nghe tiếng chuột chạy qua sân, chạy trên mái nhà rình rịch. Vịt gà bị mất. Trứng gà đang ấp trong ổ cũng bay đi. Thúng mủng, bao tải, hòm xiểng bị chuột cắn tung. Có nhiều người trong lúc ngủ say bị chuột cắn chân, cắn tay. Có đứa bé mới sinh được vài ngày bị chuột cắn đứt cả của quý. Lũ mèo trong làng bất lực và kinh hoàng. Cứ đêm xuống là chúng bám sát lấy người không dám mò ra khỏi cửa. Có một đêm tôi tỉnh giấc vì tiếng mèo gầm gào. Qua cửa sổ nhìn ra sân, dưới ánh trăng vằng vặc tôi thấy một đàn chuột cống lông trụi gần hết đang vây quanh con mèo nhà tôi. Con mèo rúm ró ngồi sệt xuống nền sân gạch xoay tròn không dám tấn công và cũng không dám bỏ chạy.
Trong lúc các gia đình đang hoang mang trước nạn chuột thì ông Lẫm Cùi xuất hiện như một vị anh hùng với một loại bẫy chuột được chế tạo đơn sơ bằng tre nhưng lợi hại vô cùng. Dân làng ùa vào giúp ông gấp rút sản xuất loại bẫy này. Chỉ sau đó vài ngày ông Lẫm Cùi đã có trong tay gần ba trăm cái bẫy. Khi trời xâm xẩm tối thì ông đặt bẫy, và sáng dậy sớm thu bẫy về. Sáng nào hàng xóm cũng đến nhà ông để chứng kiến thắng lợi của ông. Một đống chuột lớn đổ giữa sân bê bết máu, tanh ngòm. Sau khi uống xong ấm trà đặc và hút gần hết chục điếu thuốc lào, ông Lẫm Cùi bắt đầu phân loại chuột. Ông chọn những con chuột đồng to bằng bắp chân, béo múp để làm thịt. Số còn lại ông băm nhỏ để nuôi gà vịt hoặc nấu cùng bèo cám cho lợn nái. Phải nói rằng món thịt chuột đồng nướng thật tuyệt vời. Ai đã một lần ăn, tôi cam đoan không bao giờ quên được. Nhà tôi ở cùng xóm với ông, nên tôi thường được thưởng thức món đặc sản ấy. Ông dùng nước nóng già làm lông chuột. Sau đó dùng rơm nếp đã được vò thật rối, thật mềm mà thui. Những con chuột được thui vàng rộm, căng tròn, tỏa mùi thơm lựng. Rồi ông rửa sạch và đợi cho thật ráo nước mới mổ. Chuột đã rửa xong không được để dính một giọt nước lã. Nếu dính nước lã thịt chuột sẽ tanh như máu chuột tươi, không làm cách nào chữa được.
Ông nhồi vào bụng con chuột một thứ gia vị tổng hợp gồm sả, riềng, lá nghệ non thái chỉ, vừng rang giã nhỏ, dấm thanh và ớt tươi bỏ hạt. Sau đó ông xoa muối tiêu vào da chuột rồi lấy lá chanh quấn từng lớp kín, và dùng than lõi ngô nướng. Thịt chuột nướng phải ăn nóng với tương gạo nếp đặc sánh với gừng giã nhỏ cùng một thứ rau ghém gồm: lá chanh non, lá đinh lăng, chuối xanh lát mỏng và măng tay tre ngâm với nước tương trong. Tất nhiên phải có một bình rượu trắng đựng trong hũ sành được chôn lâu ngày dưới chân ông Táo. Còn dân làng tôi cứ đếm đầu chuột mà thưởng công cho ông. Người cho ông bơ lạc, đấu gạo, người cho ông quả bầu, mớ rau. Lũ trẻ chúng tôi đi đánh dậm về thường cho ông mớ tép hay vài chục con cua. Nhưng chiến công của ông mỗi ngày một giảm. Lũ chuột tinh quái phát hiện ra thứ vũ khí tiêu diệt một số lớn họ hàng nhà chúng. Trên mỗi con đường mòn và trước mỗi cửa hang, chúng luôn luôn cảnh giác trong mỗi bước đi. Một thời gian sau thì chúng đùa bỡn với cả thứ vũ khí của ông. Chúng dùng đuôi làm cho những thanh đòn bẫy sập xuống. Tuy nhiên, làm như vậy có nhiều con vẫn bị thiệt hại. Nhiều con mất hẳn cả cái đuôi. Chúng đổi phương pháp bằng cách cắn vào những que củi ở bẫy. Những ngày đầu ông Lẫm Cùi nghĩ có đứa trẻ nào đó trêu chọc ông. Ông rình bắt và phát hiện ra tội phạm là lũ chuột. Ông thay đổi hình dáng bẫy và bôi mỡ chuột vào đó, đồng thời bôi cả vào tay mình để lũ chuột không phát hiện được hơi người. Nhưng rồi cũng chỉ một thời gian ngắn, những phương pháp mới nhất của ông cũng bị lũ chuột phát hiện. Chỉ còn lại những con chuột ngờ nghệch, hoặc là những con quá tham ăn và liều lĩnh mới bị sa bẫy. Những con không bị sa bẫy càng ngày càng tinh quái và táo tợn. Chúng không chỉ kiếm ăn ban đêm mà cả ban ngày. Thỉnh thoảng người làng nhìn thấy hàng chục con chuột bơi ròng ròng từ bờ ao này sang bờ bên kia. Người ta thấy lũ chuột ngồi vắt vẻo như một đàn khỉ tí hon trên những cây ổi hoang. Một điều tệ hại hơn là lũ chuột đã cảm hóa không ít những con mèo trong làng. Bởi vì hầu như lũ mèo bị đói, nên lang thang kiếm ăn khắp xó xỉnh trong làng ngoài đồng. Một vài con đã phát hiện ra cái gò lớn ngoài làng bên cạnh đầm sen. Chúng phát hiện ra ở đó có rất nhiều thức ăn. Đó là số thức ăn bầy chuột chưa sử dụng hết. Nào là những quả trứng gà dập vỏ. Nào là những con cá ăn dở. Đôi khi cả cổ cánh của một con gà xấu số. Chính ở đó mèo và chuột gặp nhau. Lúc đầu chúng gầm gừ nhau. Lũ mèo không làm gì được bầy chuột vì đường đi lối lại của lũ chuột quá lắt léo. Hơn nữa mèo lại đang quá đói và bầy chuột quá đông. Chúng còn ăn uống bên nhau, mặc dù vừa nhai chúng vừa liếc nhau cảnh giác. Cũng chính vì những con mèo kia mà ông Lẫm Cùi đã phát hiện ra hang ổ của lũ chuột.
Vào một đêm trăng, ông mò ra gò đất bên đầm sen. Và ở đó ông gặp một cảnh tượng hãi hùng. Ngay những phút đầu ông run lên, dọc sống lưng lạnh buốt. Trên mỏm đất cao nhất của gò đất ông nhìn thấy một con chuột khổng lồ. Thoạt đầu ông không nhận ra đó là một con chuột. Nó ngồi trên mỏm đất như người, mặt ngửa lên trời tru những tiếng trầm đục. Quanh nó là một bãi đất rộng nhung nhúc đủ loại chuột lớn bé. Những tấm lưng chuột lông mượt trườn nhấp nhóa dưới trăng, nhìn thật quái đản. Mỗi khi con chuột chúa (ông Lẫm Cùi cả quyết con chuột khổng lồ ấy là con chuột chúa) cất tiếng kêu thì cả bầy chuột ngửa cổ lên nhìn và kêu theo với đủ giọng chuột. Bỗng con chuột chúa quay lại phía ông đánh mũi kịt kịt. Tất cả đàn chuột con đều quay lại nhìn theo hướng con chuột chúa đánh hơi. Ông Lẫm Cùi vội vàng bỏ chạy. Ông cảm thấy lũ chuột đang rầm rập chạy theo sau ông và cười rú lên. Sáng sau ông dẫn đầu một đoàn người làng tôi đến gò đất. Họ mang theo rơm, cuốc, thuổng và những cái bẫy chuột. Chỉ loáng họ đã tìm thấy những con đường mòn chạy dưới những bụi cây dại. Họ phát quang bụi rậm. Một cái cửa hang chuột lộ ra to như miệng cống. Mọi người kinh ngạc nhìn. Xung quanh cửa hang và bên trong đầy lông và xương gà. Từng chồng vỏ trứng gà mốc đen bên cạnh từng lớp xương cá. Họ chất rơm củi trước cửa hang và đốt. Họ dùng những chiếc quạt để quạt khói vào hang. Khói chui sâu vào hang chính và luồn đi mọi ngóc ngách. Một lúc sau, khói phun ra từ những miệng hang nhỏ. Cả cái gò đất như đầu một con quái vật khổng lồ với hàng trăm lỗ mũi phì phì phun khói. Lũ chuột con, gọi là chuột con thôi chứ con nào con ấy chừng bắp chân, sặc khói lao ra tua tủa. Mãi đến trưa mọi người vẫn không thấy con chuột chúa đâu. Họ mệt mỏi lau mồ hôi nhìn ông Lẫm Cùi.
- Thế nào ông Lẫm, con chuột chúa của ông đâu? Chắc ông nhìn gà hóa cuốc rồi.
Ông Lẫm Cùi đứng nhìn gò đất im lặng. Lúc này trông ông như một vị tướng chỉ huy trận đánh thất bại. Ông bước nặng nề đến trước hang chuột khổng lồ. Trong đầu ông hiện lên một ý nghĩ kiên quyết tiêu diệt con chuột chúa.
Những ngày sau đó ông lang thang đến những nơi nghi con chuột chúa có qua lại để tìm dấu vết. Nhưng ông không hề tìm được gì. Một hôm, khi ông đang thất vọng và nghi ngờ thần kinh của mình thì ông nhặt được một chiếc lông. Ông cho đó là lông con chuột chúa. Chiếc lông to và dài như một chiếc chông. Chiếc lông vàng óng tỏa ra một mùi khen khét. Ông mang chiếc lông cho mọi người xem.
- Nó là một con chuột lông vàng - Ông Lẫm Cùi đứng giữa sân nói với giọng quả quyết - Con chuột này đã sống ở đây có lẽ đến hàng chục năm. Không dễ gì bắt được nó nhưng tôi đã có cách.
Mọi người im lặng. Hàng ngày họ tập trung ở nhà ông Lẫm Cùi vào buổi tối bàn tán về con chuột.
- Tôi cho là - Một cụ già trong làng nói - Con chuột này là nguyên nhân làm cho làng ta đói kém và bệnh tật. Nếu trị được nó thì tất không còn chuyện mùa màng bị thất bát, không còn chuyện những đứa trẻ con làng ta chết vì những bệnh quái gở. Và, khi con chuột chúa chết rồi thì giống chuột phá hoại khác cũng không còn.
Đêm đêm ông Lẫm Cùi mò mẫm dọc bờ đầm.
Trong lúc đó dân làng đang giúp ông làm những cái bẫy khổng lồ. Và cứ sau mỗi bước đi của ông, ông nghe thấy có tiếng chân thình thịch phía sau. Ông ngoảnh lại thấy con chuột đang đi sau ông to như một con chó. Ông dừng lại. Nó cũng dừng lại và ngồi xuống nhìn ông, răng nó nhe ra và từ cổ họng nó phát ra một âm thanh khùng khục. Ông và con chuột im lặng nhìn nhau. Nó không dám tấn công ông bằng răng nanh và móng vuốt. Ông cũng không dám tấn công nó bằng con dao trong tay. Nhưng một thời gian sau con chuột biến mất. Những cái bẫy khổng lồ được giăng khắp ngả. Nhưng sớm sớm ông chỉ nhận lại những cái bẫy không, hoặc có hôm trong bẫy là con mèo đói nhà ai đó chết nhăn răng.
Rồi đến một hôm ông phát hiện ra đường đi mới của con chuột. Trên con đường mới mở ấy còn in đậm những vết chân to như vết chân chó. Trên con đường ấy có cả đôi ba chiếc lông vàng óng. Ông mừng quá và hồi hộp lần theo dấu chân con chuột. Thật bất ngờ, con đường ấy lại dẫn ông đến bên bức tường của nhà ông Phát. Ông Phát là người đằng họ nhà vợ ông Lẫm Cùi. Ông Phát đã về hưu. Nghe nói trước đó ông Phát làm một chức gì to lắm. Con cái ông ở hết ngoài tỉnh. Trước khi về hưu, ông Phát xây một ngôi nhà lớn có tường chắc bao bọc xung quanh ở đầu làng bên cạnh đầm sen. Ông Phát nói ông muốn những năm cuối cuộc đời được về sống trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Cũng đã đôi ba lần ông Lẫm Cùi đi qua cổng nhà ông Phát và được ông Phát mời vào nhà uống nước. Họ thường ngồi uống trà trên bộ ghế trúc dưới giàn thiên lý. Bên trong nhà ông Phát đẹp lắm. Cái gì cũng đắt tiền. Từ tấm rèm trúc cho đến những chậu sứ trồng hoa và cây cảnh, bể cá vàng có bóng điện màu chạy bằng ắc quy. Nhưng cái mà ông Lẫm Cùi mê nhất là đôi chó Đức. Đôi chó hùng dũng và vạm vỡ như một đôi ngựa chiến.
- Thế ông bà cho chó ăn gì mà nó béo khỏe thế? Ông Lẫm Cùi thực thà hỏi.
- Ấy, cũng thỉnh thoảng mua cho nó mớ tép, mớ tôm của bọn trẻ đánh dậm - Bà Phát nhanh nhảu trả lời thay chồng - Còn thì... mình chẳng có mà ăn nói gì đến chó. Vợ chồng tôi có thích thú gì đâu. Các anh chị nhà này gửi từ tỉnh về nhờ nuôi hộ.
- Ấy này, ông bà mà cho nó ăn chuột thì còn to lớn nữa - Ông Lẫm Cùi hào hứng - Tôi đang săn con chuột chúa. Có lẽ hôm nào ông bà cho mượn một buổi. Cứ phải hai con chó này mới trị nổi con chuột kia.
- Úi giời! Cái thứ chó cảnh này trông to béo thế thôi chứ chân cẳng yếu ớt lắm. Chạy được một quãng là thở hồng hộc - Bà Phát bĩu môi.
"Thế mà bây giờ..." ông Lẫm Cùi thầm nghĩ và cúi xuống bên cái hang to đen ngòm dưới chân tường. Thế mà bây giờ con chuột lông vàng dám đào chân tường vào nhà ông Phát. Phải tiêu diệt con chuột này. Trong đầu ông Lẫm Cùi bừng bừng ý nghĩ ấy. Ông thận trọng thò bàn tay vào cái hang lạnh. Bàn tay ông run run chạm vào thành hang và ông thấy đất rung lên nhè nhẹ từng đợt. Ông vội vàng nằm xuống áp tai vào mặt đất và nhận thấy âm thanh của một vật gì đó đang cào bới lòng đất. Đúng rồi! Ông thầm kêu lên, đúng là tiếng móng chuột đang đào hang. Ông nghĩ và cười. Thế là con chuột đã đến ngày tận số.
Bây giờ ông sẽ lấp kín cửa hang bên này bức tường. Rồi ông trèo qua bức tường vào nhà để gọi ông bà Phát cho hai con chó giúp sức. Con chuột sẽ không có đường chạy vì xung quanh kín cổng cao tường. Ông luống cuống và ngã từ trên mặt tường xuống vườn. Khi ông ngồi dậy thì giật mình nhận ra trước mặt mình là ông Phát và đứa con trai cả của ông. Bố con ông Phát cũng giật mình kinh hoàng. Họ không kịp phản ứng và đứng trơ như tượng. Qua ánh sáng của bóng đèn chạy bằng ắc quy từ hiên hắt ra ông Lẫm Cùi nhận thấy hai bố con ông Phát đang đào một cái hố trong vườn sát chân tường. Bỗng ông Lẫm Cùi thấy hoảng sợ vì hành động của mình. Đang đêm tối sao mình lại vào địa phận nhà người ta bằng cách như vậy. Chính vợ chồng ông Phát vẫn thường mời ông Lẫm Cùi vào nhà uống trà sen với lời lẽ hết sức lịch sự và quý trọng cơ mà. Chính vì thế mà lúc này ông Lẫm Cùi càng thấy lúng túng và hoảng sợ. Ông cứ ngồi nguyên như vậy trên đất mà nhìn bố con ông Phát. Ông Phát cũng không nói gì. Đôi mắt ông nhìn xoáy vào ông Lẫm.
- Dạ... dạ, thưa ông, con chuột... Ông Lẫm Cùi cố gắng giải thích - Vâng, thưa ông... con... con chuột... ấy.
Đến bây giờ, giữa cái năm cuối cùng của thập kỷ tám mươi này mà người làng tôi vẫn tin là con chuột vàng ấy có thật và đang sống. Họ lý giải rằng bây giờ vẫn đầy chuột. Mùa màng vẫn thường xuyên bị thất bát. Lúa gạo trong chum, trong hồ nhà họ vẫn bị lũ chuột cắn phá, moi móc vơi đi và trong làng vẫn có những đứa trẻ chết bởi những bệnh quái gở. Mỗi lần người làng tôi nói về con chuột và cái chết của ông Lẫm Cùi thì ông cụ Hoàn, đã chín mươi tuổi, người già nhất làng tôi vẫn nói:
- Ngày xưa ông Lẫm Cùi thua một con chuột lông vàng bởi vì chỉ một mình ông ấy tìm diệt nó. Muốn giết được con chuột chúa ấy để trừ diệt hết lũ chuột thì cả làng phải hợp sức đồng tâm với nhau thì chuyện ấy mới thành.
Dĩ nhiên cho đến nay ngoài ông Lẫm Cùi người làng tôi vẫn chưa ai nhìn thấy mặt con chuột kỳ lạ ấy.
Làng Chùa, tháng 7 năm 1989
Tập Truyện Ngắn Nguyễn Quang Thiều Tập Truyện Ngắn Nguyễn Quang Thiều - Nguyễn Quang Thiều Tập Truyện Ngắn Nguyễn Quang Thiều