To love is to admire with the heart:

to admire is to love with the mind.

Theophile Gautier

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đê Quy
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 119
ào Tháo vượt sông Vị Thủy, suýt nữa mất mạng
Trận chiến Bồ Bản
Tin tức Lưu Hùng bị tống giam nhanh chóng truyền đến Tào doanh, nhưng dường như điều này không nằm ngoài dự liệu của Tào Tháo, ông chỉ khẽ mỉm cười, nói:
— Mã Nhi đã lộ rõ tâm địa phản trắc, bây giờ có thể gửi thư đến Hứa Đô, tống Mã Đằng và hai đứa con hắn là Mã Thiết, Mã Hưu cùng gia quyến vào ngục. Hắn đã không niệm tình cốt nhục, lão phu cũng sẽ giúp hắn công cáo với cả thiên hạ cái danh nghịch thần nghịch tử!
Đây là một cuộc hội bàn đơn giản, chỉ có số ít quan văn võ tham gia, trời bên ngoài ngày càng lạnh, trong đại trướng chỉ đốt một chậu than, mọi người ngồi quây xung quanh. Nhưng không phải ai cũng lạc quan như Tào Tháo, Trưởng sử Trần Kiều vẻ mặt rất trầm ngâm:
— Hai quân giằng co đã mấy tháng nay, tiết trời ngày càng buốt lạnh, cứ kéo dài như vậy chỉ e Tôn Quyền, Lưu Bị sẽ lại có mưu đồ bất trắc. Thừa tướng vẫn nên sớm hạ quyết sách thì hơn.
Tào Tháo bộ dạng không có vẻ gì là vội vã, chỉ quay sang hỏi hai nhi tử của mình:
— Tử Văn, Tử Kiến, theo kiến giải của hai con thì tiếp theo nên làm gì?
— Còn gì phải nói nữa ạ? Khua đao múa kiếm liều mạng với chúng! - Tào Chương đứng phắt dậy, suýt chút nữa làm đổ cả chậu than, - Con không tin đám ô hợp đó có bản lĩnh gì. Hai quân giao tranh, kẻ dũng ắt thắng, con xin lĩnh một đội binh mã làm tiên phong, đến trước trận tiền của đám phản quân khiêu chiến!
Tào Tháo lắc đầu:
— Con không năng dùi mài kinh thư, đọc sách thánh hiền mà chỉ tranh cường hiếu dũng, ham cưỡi ngựa tuốt gươm, là cái dũng của kẻ thất phu, có gì đáng quý? Tốt hơn là hãy trở về nghiền ngẫm kinh thư đi.
Tào Chương thấy phụ thân coi thường mình, định mở mồm biện bạch, lại bị Tào Thực ngăn lại, nhẹ nhàng kéo y ngồi xuống:
— Giết địch một ngàn tổn thất tám trăm, cố sống cố chết để đánh không phải là thượng sách. Phép dụng binh, bảo toàn địch quốc là thượng sách, phá hoại địch quốc là hạ sách; thu hàng địch quân là thượng sách, phá tan địch quân là hạ sách. Cho nên bách chiến bách thắng chưa phải là thiện chiến; không chiến nhưng vẫn khuất phục được kẻ địch mới là thiện chiến.
Tào Tháo mắt sáng lên:
— Vậy theo ý con thì sao?
Tào Thực cười đáp:
— Lưu Hùng tuy đã bị giam, nhưng tâm lý của chúng ắt sẽ loạn. Giờ ta nên phái người phù hợp đến để khuyên dụ, nghĩ cách hóa giải can qua, không chiến mà vẫn khuất phục được kẻ địch.
Ánh mắt Tào Tháo lại ảm đạm: Binh pháp thuộc làu làu, nhưng khi thực dụng lại tỏ ra là con mọt sách. Nghĩ đoạn, ông đưa ánh mắt giễu cợt về phía Giả Hủ, khi đó đang ngồi một góc uống nước:
— Văn Hòa, con ta có ý phái người tiếp tục du thuyết. Ông là danh sĩ quận Vũ Uy, có đại danh ở Tây Châu từ lâu, nếu cần phái người đi thì chẳng có ai thích hợp hơn ông.
Giả Hủ biết ông trêu đùa, cũng mỉm cười đáp:
— Chỉ e tại hạ sống đi, chết về. Đến Lưu Hùng còn bị bắt nhốt, tại hạ đi chẳng phải nạp mạng hay sao? Kẻ mưu phản đang có ý quyết tử, đến tình phụ tử cũng còn không niệm, há lại tha cho tại hạ một mình một ngựa đến nói lời dài ý ngắn? Nếu quả thực được như những lời thâm minh đại nghĩa của công tử, bọn chúng đã không phản loạn. Thiên hạ này cũng không đến nỗi can qua liên miên.
Đừng thấy Giả Hủ hiện giờ trông như một vị tiên sinh ngồi đàm luận thế sự, năm xưa ông ta từng theo phò Đổng Trác, đầu óc không hề cổ lỗ chút nào.
— Xét cho cùng vẫn phải đánh. - Đậu Phụ thở dài, - Quan Trung binh cường tướng mạnh, quen với trường mâu, lại chinh chiến liên miên không dứt. Lần này nếu quân ta giáp chiến với chúng, không chọn quân tiên phong tinh nhuệ thì không thể hạ được.
Tào Chương vừa nghe cần tuyển quân tiên phong tinh nhuệ lại cảm thấy ngứa ngáy, nhưng Tào Tháo lại nói:
— Đánh hay không là ở ta chứ không phải do đám tặc khấu đó. Chúng tuy quen với trường mâu, giả như không thể dùng để đâm được thì cũng chẳng có đất dụng võ, liệu có thể làm gì được ta?
Đậu Phụ tinh thông chính vụ nhưng lại không hiểu nhiều về phép dụng binh:
— Ý của Thừa tướng là...
— Cố nhiên là phải đánh, nhưng không thể đánh bằng mọi giá. Gần đây ta nghe sáu ngàn quân bản bộ của Thành Nghị cũng đã đến Đồng Quan, binh thế của chúng đã đông hơn ta. Nay cần phải tính mưu dẫn dụ, khiến chúng phải chạy theo ta, đến khi chúng mệt thì ta tấn công, nhân lúc chúng lơ là thì đánh úp.Binh pháp có câu: “Phu địa hành giả, binh chi trợ dã. Liệu địch chế thắng, kế hiểm nghi viễn cận, thượng tướng chi đạo dã.”(*)
Nói đoạn Tào Tháo đứng dậy, chỉ tấm bình phong ở phía sau, phía trên của tấm bình phong đó treo một tấm da dê, chính là địa đồ của một dải Đồng Quan:
— Các ngươi xem địa thế nơi này, liệu có diệu kế gì không?
Tâm tư của mọi người khác nhau - Đậu Phụ, Vương Xán không hiểu sách lược, chỉ tròn mắt nhìn tấm bản đồ, ù ù cạc cạc. Tào Thực vắt óc suy nghĩ, hai mắt trợn như sắp rớt ra ngoài, dụng ý của phụ thân y đã lĩnh ngộ, nhưng đến khi nghĩ cách thì vẫn mơ mơ hồ hồ, như có như không. Tào Chương không nhẫn nại như vậy, nhìn một lúc đã ngáp ngắn ngáp dài. Các tướng Hạ Hầu Uyên, Từ Hoảng, Đặng Triển cũng vắt óc suy nghĩ, duy chỉ có Lâu Khuê, Giả Hủ không buồn để ý, một người cúi đầu cười thầm, một người nhíu mày uống nước.
Tào Tháo nhìn Tào Thực bằng ánh mắt trông đợi, hy vọng y có thể lĩnh ngộ điều gì đó, nhưng đợi hồi lâu, người đầu tiên phá tan bầu không khí trầm mặc lại là Từ Hoảng:
— Thắng chắc rồi! Quân ta đồn binh ở đây, nhưng đám tặc kia lại không phòng thủ ở Bồ Bản, vậy là biết chúng vô mưu. Mạt tướng nguyện dẫn tinh binh đến Bồ Bản, ra đòn bất ngờ đột kích địch doanh, ắt sẽ phá được đám tặc khấu kia.
Đấy chính là điều Tào Tháo toan tính - Địa hình nơi này vô cùng kỳ lạ, sông Hoàng Hà chảy từ bắc xuống nam, Vị Thủy đổ từ tây sang đông, hai dòng tụ hội đúng nơi phía bắc Đồng Quan, thiên nhiên hình thành nên một cửa sông hình chữ “Đinh”. Nay hai quân bày trận ở hai bên trái phải của Đồng Quan, đều nằm ở mặt nam Vị Thủy. Nơi này địa hình nhỏ hẹp, đạo lộ hiểm yếu, nếu Tào Tháo không phá địch thì cũng không thể xua quân ra bình nguyên để thi triển tài dụng binh, ngược lại chư tướng Quan Trung nếu không thể phá Tào, cũng không thể chiếm được đất Hoằng Nông, thế nên hai bên giằng co bất động bấy lâu. Chủ ý của Từ Hoàng là chia quân ra mặt bắc, vượt sông Vị Thủy, sau đó lại từ Hoàng Hà, Bồ Bản vượt qua phía tây, đến phía bắc của kẻ địch, như vậy sẽ vòng qua Đồng Quan đến thẳng vùng địch hậu, có thể đại phá thuộc bộ của Hàn, Mã, nhân cơ hội đó đánh bại chúng.
Tào Tháo khẽ gật đầu:
— Hay lắm...
Nhưng đây không phải là câu trả lời của Tào Thực, nên trong lòng ông bỗng thấy hơi hụt hẫng.
— Con cũng đi!
Tào Chương chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, cũng hùa theo phụ họa. Tào Tháo không buồn để ý đến y, quay trở về soái án lấy ra một quyển trúc, đưa cho Tào Thực nói:
— Hiểm hình giả, ngã tiên cứ chi, tất cứ cao dương dĩ đới địch.(*) Con hãy chịu khó tham ngộ chút đi.
Tào Thực cúi đầu đọc kỹ, thì ra là Địa hình thiên của Tô Vũ Tử, ở ngay cạnh bốn chữ “ngã tiên cứ chi”, Tào Tháo dùng bút ghi chú “Địa hình hiểm ích, do bất khả chí vu nhân”, lúc này anh ta mới biết phụ thân sớm đã có tính toán từ trước, chỉ là cố tình thử thách mình, bất giác cảm thấy hổ thẹn:
— Con chỉ biết bàn chuyện binh ở trên giấy, ngày sau nhất định sẽ dùi mài binh pháp nhiều hơn, xin phụ thân ban cho quyển sách này.
— Con cũng muốn đọc!
Tào Chương lại cũng xen vào.
— Ngươi ấy à... hãy đọc Luận Ngữ, Trung Dung trước đi.
Tào Tháo quay lại soái án, rút ra một chiếc lệnh tiễn:
— Từ Hoảng nghe lệnh!
— Có mạt tướng.
— Lệnh cho ngươi dẫn bốn ngàn binh mã lên hướng bắc ngay đêm nay, chiếm lấy bến Bồ Bản!
— Tuân mệnh.
Từ Hoảng đang định bước lên phía trước, còn chưa kịp cầm lấy lệnh tiễn bỗng nghe thấy ngoài trướng có kẻ hô lớn:
— Khoan đã!
Tiếp sau đó rèm trướng vén lên, gió lạnh ùa vào, một viên hãn tướng hằm hằm xông vào bên trong, khôi giáp loạt xoạt quỳ sụp xuống đất:
— Khẩn cầu Thừa tướng giao lệnh tiễn này cho mạt tướng!
Tào Tháo lặng nhìn, viên tướng kia chính là Chu Linh.
Do binh lính của Chu Linh nhiều lần sinh sự nên ông ta bị Tào Tháo tước mất binh quyền, thu về trung quân, tuy vẫn có thể đánh trận nhưng không còn được cầm quân nữa. Trong số chư tướng Tào doanh, ngoài Nhạc Tiến, Vu Cấm và những kẻ thân tín với Tào gia ra, không ai đủ tư cách hơn Chu Linh, ông ta tòng quân nhiều năm từng giành nhiều chiến công. Nào ngờ chỉ vì trị quân không nghiêm mà đến nỗi mất cả binh quyền, không chỉ có vậy, còn bị Vu Cấm, viên tướng mà bình sinh ông ta không phục tiếp quản thuộc hạ, cơn giận này Chu Linh há có thể nuốt trôi? Huống hồ điều khó chịu nhất là không còn chút thể diện nào cả! Năm xưa ông ta thống lĩnh binh mã đi theo Tào Tháo, Trương Liêu vẫn ở dưới trướng Lã Bố, Trương Cáp là bộ tướng của Viên Thiệu, Từ Hoảng vẫn còn là tặc khấu Bạch Ba, giờ bọn họ đều uy phong cả, còn bản thân thì ngày càng thụt lùi. Ngay cả Vương Trung ông ta vốn chẳng coi ra gì giờ cũng đã được lên chức tướng quân, Đặng Triển đến sau ông ta mười năm cũng đang được thống lĩnh một cánh quân. Chu Linh há có thể cam chịu? Thế nên mới nghĩ cách đoái công chuộc tội, mâu thuẫn với Vu Cấm tạm dẹp sang một bên, nam tử Hán đại trượng phu chí ít cũng phải giành lại thể diện. Buổi mật bàn hôm nay vốn không có ông ta, nhưng ông ta không nhịn được bèn chạy đến nghe lén, Hứa Chử canh ngoài cửa trướng cũng là người quen, biết tâm tư của ông ta nên cũng không tiện đuổi đi. Tận tai nghe thấy đại công sắp về tay Từ Hoảng, ông ta vội vã chạy vào thỉnh lệnh.
Tào Tháo vừa trông thấy ông ta liền sầm sắc mặt:
— Chu Văn Bác! Ngươi thân làm tướng trung quân, phải đi theo bảo vệ lão phu, há có thể bước ra tranh công?
Chu Linh gãi đầu gãi tai:
— Thừa tướng... tại hạ, tại hạ...
Ông ta là kẻ võ biền, không biết nên nói gì mới phải, vắt óc hồi lâu mới nói:
— Tại hạ biết lỗi rồi, ngài đừng gò ép tại hạ nữa!
— Ha ha ha!...
Mọi người nghe vậy đều cười nghiêng ngả. Tào Tháo cũng không làm khó ông ta nữa, chỉ chậm rãi nói rằng:
— Lĩnh binh là gốc của sự tác chiến, binh còn không trị tốt, nói gì đến việc đánh trận? Phạt cái lớn để thị uy, thưởng cái nhỏ để làm gương. Chính vì ngươi công cao danh trọng, phạt một mình ngươi có thể trấn định ba quân, lão phu càng không thể nương tay! Nay tuy có ý hối cải, nhưng cũng không thể tha miễn vô cớ. Ngươi đã nguyện thỉnh lệnh, vậy ta lệnh cho ngươi làm phó tướng của Từ Hoảng, cùng hắn đến Bồ Bản, nếu lập chiến công thì sẽ bàn tiếp.
Chu Linh chỉ chờ có vậy, vội hỏi:
— Nếu tại hạ lập công, liệu có được nhận lại cựu bộ?
Tào Tháo đang muốn khích hắn, chỉ cười nhạt:
— Vậy phải xem ngươi lập được công lớn thế nào.
— Được! Tại hạ xin nhận làm tiên phong!
Chu Linh đột nhiên sấn tới đoạt lấy quân lệnh. Từ Hoảng kêu lên:
— Ta mới là chủ tướng.
— Ta sợ ngài đánh mất nên giữ hộ, giữ hộ thôi... - Chu Linh cười xòa.
— Làm tướng quân há có thể đánh rơi quân lệnh? Mau đưa cho ta! Nếu ngài không đưa ta sẽ không cho ngài làm tiên phong.
— Ây dà! Chúng ta đều là chỗ thân tình, chút sĩ diện này cũng không nhường nhau sao?...
Hai người họ đang đấu khẩu, rèm trướng khẽ vén lên, Điển quân hiệu úy phụ trách lương thảo là Đinh Phỉ bước vào. Tào Tháo xua tay ra hiệu bọn họ im lặng:
— Có quân tình gì vậy?
— Thưa, Thái thú Hoằng Nông Giả Quỳ cống một ngàn đấu quân lương, hơn trăm con trâu ngựa gia súc, đã cất vào hậu doanh.
— Đến đúng lúc lắm. - Tào Tháo nói, - Cấp hai mươi con trâu cho hai vị tướng quân, cho binh sĩ cơm no rượu say, tích dưỡng nhuệ khí để tối nay xuất binh. Gửi tiếp thư đến Thái thú Hà Đông Đỗ Kỳ, sắp tới đại quân sẽ tiến lên phía bắc, bảo ông ta cung cấp lương thảo.
— Vâng.
Hai tướng Từ, Chu cùng Đinh Phỉ đều lui ra. Tào Chương cũng hăm hở định thỉnh mệnh, không đợi hắn mở mồm, Tào Tháo đã đập soái án:
— Trần Kiều, Vương Xán, Tào Thực nghe lệnh!
— Có.
Ba người không ngờ rằng mình cũng được giao việc, vội vàng đứng dậy.
Tào Tháo chỉ Tào Chương:
— Ba người các ngươi theo sát nó cho ta, chớ để nó ra ngoài gây họa. Con cái của lão phu không ít, nhưng cũng không thể để từng đứa từng đứa chết được! - Nói đoạn đứng dậy hạ lệnh, - Truyền lệnh toàn quân nhổ trại, tây tiến mười dặm áp sát Đồng Quan lại hạ trại!
Tào Chương lẩm bẩm:
— Rõ ràng phải tiến lên phía bắc, cớ sao lại áp sát kẻ địch?
Tào Tháo vỗ vai anh ta:
— Tên tiểu tử ngốc, khi nào ngươi hiểu được đạo lý này, cha đây sẽ không cần phải trông chừng ngươi nữa...
Tào quân tiến về phía tây mười dặm, đến sát Đồng Quan thì hạ trại, chỉ có bốn ngàn binh sĩ bản bộ của Từ Hoảng vẫn án binh bất động, giết trâu mổ gà, cơm no rượu say, vào trong lều quân ngủ, đợi đến khi mặt trời xuống núi, mãi đến cuối giờ Tuất đầu giờ Hợi, bốn bề tối đen, Từ Hoảng mới truyền lệnh khởi hành. Cờ quạt quân trướng, lương thực khí giới tất thảy đều thu dọn cả, thuyền nhỏ sớm đã chuẩn bị sẵn, hai tướng đốc suất binh sĩ tiến lên phía bắc, vượt qua núi Quan Sơn, chèo thuyền qua sông Vị Thủy.
Vượt sông Vị Thủy tương đối thuận lợi, mặc dù dòng nước chảy xiết nhưng không có ai quấy nhiễu, chỉ có điều họ không thể bỏ lại lương thực khí giới, vì qua Hoàng Hà lại phải dựng trại một lần nữa, nên tốn khá nhiều thời gian. Trong số các tướng ở Tào doanh, Từ Hoảng nổi tiếng cẩn thận, trị quân cũng nghiêm nhất, bên này vượt sông thì bên kia bắt đầu sắp xếp quân lương khí giới - Hàng rào ở phía trước, viên xa ở giữa, quân trướng lương thảo ở sau cùng. Binh sĩ qua sông phải cảnh giới bốn bề, còn những binh sĩ nào chưa qua sông thì sắp xếp những thứ này, trong bóng tối nhập nhoạng không một ai nhàn rỗi ngồi không, không hổ danh trong quân có câu “Không được nghỉ trưa, ấy lính Từ Hoảng”, mọi sự đều chuẩn bị chu đáo.
Trong số chúng tướng, Chu Linh trị quân lỏng lẻo nhất, tính tình lại hấp tấp, nóng nảy, chỉ cần binh lính khi đánh trận chịu liều mạng thì ông ta cũng không bận tâm đến cái khác, chẳng trách rơi đến bước đường này. Ông ta thấy Từ Hoảng chậm rãi từ tốn sắp xếp những việc vặt vãnh này thì trong lòng bắt đầu sốt ruột, nếu bản thân không phải chức phó tướng, ông ta đã sớm dẫn quân xông ra rồi, giục Từ Hoảng mãi, cuối cùng toàn quân cũng sang được bờ, tiếp tục chỉnh đốn đội ngũ để tiến quân.
Lúc này đã đến giờ Tý, trăng sáng vằng vặc, ánh trăng rải thứ ánh sáng mờ ảo xuống khắp hoang nguyên, khiến khung cảnh dễ nhìn hơn đôi chút. Phía bắc Vị Hà không biết có đám phản quân hay không, ánh trăng đêm nay đã giúp ích rất nhiều, Từ Hoảng cũng không truyền lệnh đốt đuốc nữa, cứ thế mượn ánh trăng để tiến quân. Theo ý của Chu Linh, sau khi qua sông Vị Thủy sẽ tiến về phía tây, vượt qua cửa sông Hoàng Hà, men theo bờ tiến lên phía bắc, hễ gặp địch là đánh. Nhưng Từ Hoảng không nghe lời ông ta, không chịu đi men bờ sông mà trực tiếp hành quân lên phía bắc, cho dù phải đi đường vòng khá dài cũng phải đề phòng bị lộ hành tung.
Tào quân hành quân trên hoang nguyên trống trải, đội hình trận thế vô cùng chỉnh tề. Chu Linh thầm bực dọc - Từ Công Minh đúng là lão già cứng nhắc, tối mờ tối mịt bày trận thế đẹp như vậy để làm gì chứ? Từ Hoảng cũng không buồn để ý đến ông ta, đốc thúc binh mã tiếp tục hành quân, đi được khoảng hơn một canh giờ, trời đất tối đen không biết đã đến được chỗ nào, các binh sĩ hai mắt đã díp cả lại, lúc này mới truyền lệnh chuyển sang phía tây. Đi qua địa giới huyện Bồ Bản, mọi người quờ quạng đến bờ sông, cảm nhận được sông Hoàng Hà cuồn cuộn chảy từ bắc về nam - Đoạn sông này tuy không siết như Vị Thủy, nhưng mặt sông thì rộng hơn nhiều, phía đối diện là rừng rậm kín mít. Theo ý Chu Linh thì sẽ lập tức vượt sông, nhưng Từ Hoảng vẫn không có vẻ gì gấp gáp, thuận theo dòng nước tiếp tục đi về hướng bắc, vừa đi vừa dừng lại mất hơn nửa canh giờ nữa, mãi khi ra đến một nơi hai bờ đều trống trải mới cười nói:
— Quan tiên phong, đến lượt ngài thể hiện rồi, tuyệt đối phải cẩn thận.
Chu Linh đang chờ câu nói này, nào kịp để ý đến việc phân bố thuyền bè, chỉ dẫn theo mấy chục tên thân binh lên thuyền rời bờ trước tiên, lao thẳng về phía tây. Hành quân có thể mượn ánh trăng, nhưng khi vượt sông bắt buộc phải đốt đuốc, Chu Linh tự mình đốt đuốc đứng ở đầu thuyền, chỉ phương hướng cho mười mấy chiếc thuyền nhỏ. Nhưng khi thuyền vừa đến giữa dòng, đột nhiên nghe thấy phía đối diện vọng lại tiếng vó ngựa, tiếp đó lại lố nhố ánh đuốc dồn đến phía đó - có quân địch!
Đi đến giữa dòng mà gặp địch là đại kỵ của binh gia, nếu không vượt qua nơi này, quân địch chặn từ bên bờ, chạy đến đâu chúng lại chặn đến đó, chắc chắn không thể qua được. Tào quân chỉ có thể tiến mà không thể lùi, Chu Linh cắn chặt răng, quay lại rút từ người tên thân binh một thanh đại đao, đoạn tay trái khua bó đuốc thét lớn:
— Các anh em nhìn cho kỹ, mau cùng ta giết!
Vừa dứt câu thì thuyền chỉ còn cách bờ đối diện chưa đầy một trượng. Chu Linh bèn nhảy bổ xuống sông, nước quả chỉ ngập đến đầu gối, rồi cứ thế lao thẳng lên bờ. Ông ta nóng lòng lập công, đám binh sĩ thì chưa bao giờ đánh trận như vậy, chẳng may phía đối diện đã giương sẵn cung tên thì có khác gì làm bia cho chúng bắn! Họ do dự phút chốc, thấy phía đối diện loạn cào cào, dường như cũng chưa chuẩn bị gì, lúc này mới xốc lại tinh thần hò nhau nhảy xuống; đám lính chèo thuyền cũng rất nhanh nhẹn, thấy binh sĩ đã nhảy hết xuống bèn lập tức quay thuyền về chở chuyến thứ hai.
Chu Linh hôm nay đã quyết ý liều mạng, cứ thế lao thẳng đến mà chẳng sợ chết. Quân địch phía đối diện cũng không rõ tình hình thế nào, qua ánh lửa lập lòe chỉ thấy có bóng người xông đến, hấp tấp vội vã quên cả phóng tên. Chỉ trong chớp mắt, Chu Linh đã lao đến, vừa lên đến bờ đã có kỵ binh cầm thương xông đến đâm, Chu Linh né được mũi thương, đoạn quay lại bổ thẳng đại đao vào lưng tên lính, máu tươi phun ra như suối, đúng lúc này mười mấy tên thân binh vừa kịp kéo đến, bên bờ tây bắt đầu hỗn loạn.
Nhưng quân Tào đâu biết rằng đây không phải là đám lính thông thường mà chính là tinh binh của Lương Hưng, ước khoảng năm sáu trăm, phần nhiều là kỵ binh; người thống lĩnh tên Triệu Thanh Long, vốn nổi tiếng dũng mãnh trong số chư tướng Quan Trung.
Lương Hưng được Thành Công Anh bày mưu nên đã dẫn quân đến phía bắc Vị Hà, sai bộ tướng tuần thị khắp vùng bờ sông để phòng quân Tào xuất hiện, tối nay người phụ trách tuần thị chính là Triệu Thanh Long, khi hành quân đến đây bỗng nhiên trông thấy trên dòng sông có ánh đuốc lập lòe, vội phái hơn trăm kỵ binh đến xem xét, nào ngờ mơ mơ hồ hồ lại giáp chiến luôn, bèn lập tức dẫn quân đến tiếp ứng. Hắn thúc ngựa lao về phía bờ sông, trông thấy hơn trăm kỵ binh đang quần thảo bất phân thắng bại với hơn chục tên lính Tào, trong đó có một viên tướng dáng vóc to cao, bặm trợn đang hò hét mà chẳng có ngựa, tay trái giơ cao ngọn đuốc, tay phải thì khua đại đao chém giết liên hồi, vô cùng dũng mãnh. Triệu Thanh Long tay giương ngọn giáo dài một trượng tám, lập tức thúc ngựa lao về phía viên tướng kia!
Chu Linh loáng thoáng trông thấy có một kỵ binh xông đến, cũng thấy đó không phải là một kẻ tầm thường, ông ta không có ngựa cũng chẳng có cung, rõ ràng là thất thế, tình thế gấp gáp bèn tiện tay ném thẳng bó đuốc về phía hắn, chửi:
— Cho ngươi chết!
Triệu Thanh Long đang định đoạt mạng ông ta, bỗng trông thấy một quầng lửa lao thẳng về phía mình - Đỡ được cũng không sao, nhưng chẳng may chiến bào bắt lửa thì có khác gì bị thiêu sống! Hắn vội ghì ngựa, lại dùng giáo gạt bay bó đuốc, nào ngờ ngay sau đó một bóng đen vút tới, Chu Linh giương đại đao xông tới như quỷ đoạt hồn. Triệu Thanh Long sợ đến nỗi hồn bay phách lạc, không kịp trở người cũng chẳng kịp thúc ngựa, may mà tên tiểu tử này phản ứng nhanh, lập tức vứt giáo nhấc đùi qua yên ngựa, tránh được lưỡi đao của Chu Linh, nhảy xuống đất thoát chết trong gang tấc.
Người thì thoát nạn nhưng ngựa khó thoát chết, đại đao nhằm lưng ngựa bổ xuống. Cũng vì Chu Linh đang hừng hực khí thế, nên nhát đao bổ xuống khiến chiến mã đứt thành hai đoạn, máu phun bốn bề ướt đẫm toàn thân, lòng mề phèo phổi tuôn ra khắp đất, đám lính địch hồn xiêu phách đảm. Triệu Thanh Long nhảy xuống ngựa không vững, loạng choạng ngã ngửa xuống đất, vừa là bùn vừa là máu tươi, do tranh tối tranh sáng cũng không tìm được trường giáo của mình. Thanh Long giờ biến thành con trùng bò dưới đất, mò mãi mà không thấy giáo đâu bèn chẳng tìm nữa, đứng thẳng dậy rút bội kiếm ra:
— Có ta tiếp ứng, mau đi giết địch!
Nhưng sau cảnh vừa rồi, lính của hắn đã ít nhiều sợ hãi, quân Tào thừa thế qua sông được hơn trăm lính, hai quân cứ thế mò mẫm lao vào nhau trong màn đêm đen kịt, đèn đuốc vứt cả xuống, tiếng hò hét vang lên khắp nơi!
Do trời tối quá nên có ngắm cũng không rõ, có tên lính nhìn ai cũng ra kẻ địch, giơ đao chém loạn; cũng có tên lính nhìn ai cũng giống quân mình nên không dám động thủ, tiếng hò hét còn to hơn cả tiếng chém giết! Cứ thế hỗn loạn một hồi, bỗng nhiên phía tây nam xuất hiện một toán binh mã - Đó chính là một toán lính tuần tiêu khác dưới trướng Lương Hưng, viên tướng dẫn đầu tên là Cận Phú.
Chu Linh lúc này đã lên ngựa đổi thương, trông thấy địch nhiều ta ít, đại quân vẫn chưa qua được hết sông, tự nhủ phen này buộc phải tử chiến, bèn thúc ngựa thét lớn:
— Lão đây phải rửa nhục lần trước!
Đoạn dẫn binh lao đến, tiếng hét khiến quân địch không hiểu ra sao: Rửa nhục lần trước là sao?
Chúng nào có ngờ, Chu Linh lần trước bị Vu Cấm đoạt mất quân doanh của mình, sau đó chịu không ít tủi nhục ở trung quân, đêm nay lôi nỗi hận với Vu Cấm trút hết lên đầu quân địch! Đám thân binh thuộc hạ của ông ta cũng liều chết với chủ, lính của Từ Hoảng cũng sĩ khí đang hăng, trông thấy quân địch là lao đến chém giết, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, hai bên đều tử thương nghiêm trọng. Lúc này Từ Hoảng đã qua sông, toán lính phía sau bắt đầu chuyển khí giới quân lương, lính Quan Trung nhận ra rằng không nên đụng đến viên tướng liều mạng kia nữa, còn viên tướng vận lương này hẳn sẽ dễ bắt nạt hơn? Thế là quay ra hạ thủ với Từ Hoảng.
Nào ngờ viên tướng này càng không dễ đụng đến! Từ Hoảng vung đao ra lệnh, hơn một trăm tên lính vừa lên bờ thấy vậy liền đứng im bất động, cùng giương cung lắp tên ngắm bắn, mưa tên lao vút khiến một đám lính ngã rạp mà chết. Chu Linh tả xung hữu đột, chém giết đến nỗi máu nhuộm toàn thân, giáp lá cà được chừng nửa canh giờ thì đẩy lui được quân của Cận Phú; vừa rảnh tay được một chút lại trông thấy ánh lửa ngợp trời phía tây - Lương Hưng cùng năm ngàn binh mã đã kịp đến!
Tào quân tổng cộng chỉ có bốn ngàn lính, chém giết nãy giờ đã hao hụt không ít, lần này tình thế thực sự nguy ngập. Chu Linh thở dốc, cúi đầu nhìn thanh trường thương trên tay mình, bất giác cảm thấy bi ai: Hôm nay e rằng chỉ còn đường chết. Cũng được, liều mạng ở đây cũng coi như lấy lại được thể diện... Nghĩ đoạn lại toan xông về phía Lương Hưng, đột nhiên nghe thấy Từ Hoảng ở phía sau cười lớn:
— Văn Bác! Đánh liền hai trận mệt rồi hả? Sao không vào đây nghỉ ngơi?
Chu Linh quay lại nhìn, bất giác kinh ngạc - Khắp bờ sông tường trại đã được dựng kín!
Mài đao không nề công chặt củi, khi vượt sông Vị Thủy Từ Hoảng đã sắp xếp sẵn, một ngàn người ở phía trước chỉ cần lo chống địch cùng với Chu Linh, hai ngàn người ở giữa do ông thống lĩnh để bắn tên, một ngàn người sau cùng phụ trách dựng trại. Quân dụng, lương thảo được bố trí rất kỹ: Hàng rào phía trước, viên xa ở giữa, quân trướng lương thảo phía sau. Dãy hàng rào được dỡ ra từ đại doanh ở Đồng Quan lớn thành từng mảng, vận chuyển tuy không tiện nhưng đến lúc dùng thì thật hữu ích. Không những thế, Từ Hoảng trước khi vượt sông đã chọn sẵn địa thế, binh sĩ qua đến nơi chỉ cần dựng hàng rào một lần là vững, những người phía sau chỉ cần dùng viên xa dựng vào nữa là thành cửa trại. Vừa rồi binh lính bảo vệ tường rào, giờ đến lượt tường rào bảo vệ binh lính.
Chu Lỉnh mừng quýnh, vội vàng thúc ngựa chạy vào doanh:
— Từ Công Minh, ta phục huynh rồi!
— Văn Bác huynh kiêu dũng hơn người, ta cũng bội phục!
— Đa tạ, đa tạ.
Hai tướng chắp tay mà cười, quân Tào lui cả vào phía sau hàng rào, binh lính giương thương lắp tên, chờ đại quân của Lương Hưng tới.
Lúc này Triệu Thanh Long, Cận Phú đều đã tụ tập tàn binh trở về hàng ngũ, đại quân của Lương Hưng rầm rập lao về phía Tào doanh, nào ngờ người ta đã bố trí đâu ra đấy, tấn công năm lần bảy lượt đều không phá được, ngược lại binh sĩ còn bị tử thương không ít. Hai quân lại giằng co nửa canh giờ thì trời đã tờ mờ sáng, Lương Hưng ngước mắt nhìn ra xa - Tào quân yên ổn trong trại, thuyền bè phía sau vẫn tấp nập không dứt, lương thực, kèn trống, quân kỳ đều đã qua sông, người thì dựng lều bạt, kẻ thì bắt đầu dựng bếp bắc nồi, thế này còn đánh đấm gì nữa?
Triệu Thanh Long thua một vố nặng, gào thét liên hồi:
— Không thể tha cho chúng được, tiếp tục đánh! Đánh cho ta!
— Đừng đánh nữa, còn không thấy tình thế sao? - Cận Phú trừng mắt nhìn hắn, - Trại của chúng đã dựng vững rồi, cho dù có phá được cũng thiệt bao nhiêu người? Hàn Toại, Mã Siêu đang làm trò gì, cớ sao chỉ bắt chúng ta ở đây chịu trận? Cho chúng tự đi mà xử lý!
Lương Hưng lắc đầu cười khổ:
— Thu quân thôi...
Hiểm độ Vị Thủy
Từ Hoảng, Chu Linh nhân khi đêm tối vượt bến Bồ Bản, đánh lui Lương Hưng, dựng được doanh trại, chẳng khác nào cắm một chiếc đinh vào phía đông Hoàng Hà, mở ra một lối vào, kể từ lúc này quân Tào từ Đồng Quan đến Bồ Bản như chốn không người, có thể hành quân thuận lợi đến phía bắc của kẻ địch. Tào Tháo hay tin lập tức ra lệnh dương công đại doanh của quân phản loạn, Hàn Toại tưởng rằng Tào Tháo có ý giáp kích từ hai hướng, thế nên canh phòng doanh trại hết sức cẩn mật. Cứ như thế được hai ba ngày, Tào Tháo liệu rằng quân địch không dám tùy ý hành động nữa, lúc này mới bắt đầu hạ lệnh qua sông.
Từ phía tây Đồng Quan nhìn ra xa, doanh trại quân Tào cờ quạt chỉnh tề, uy vũ trang nghiêm, nhưng đây chỉ là biểu hiện bên ngoài, trên thực tế phần lớn binh mã đã lặng lẽ rời đi mà thần không biết, quỷ không hay, chỉ còn lại số ít binh lính dựng tạm cờ quạt, đánh trống gõ chiêng để nghi binh. Sáu vạn đại quân vượt sông không phải chuyện dễ dàng, cần phải bố trí cẩn mật, lại càng phải đề phòng kẻ địch nhân loạn tiến công.
Tào Tháo thống lĩnh trung quân tọa trấn bên bờ Vị Thủy, tự mình chặn hậu, đốc thúc đại quân qua sông. Thuyền bè của quân Tào tuy không nhiều nhưng quân lệnh nghiêm minh, hàng ngũ chỉnh tề, lại thêm gần lúc xuất phát đã làm được một số cầu nổi nên tốc độ cũng khá nhanh. Chỉ trong một ngày một đêm, các cánh quân của Hạ Hầu Uyên, Tào Nhân, Trương Cáp đều đã vượt sông, khí giới lương thực cũng đã chuyển qua quá nửa, chỉ cần binh mã trung quân qua hết, quân Tào có thể bỏ lại kẻ địch ở Đồng Quan, ung dung mà đi...
Tào Tháo khoác áo lông cáo ngồi trên hồ sàng, chúng mưu sĩ đứng phục hai bên; Tào Thực cũng đứng hầu ngay cạnh, trông thấy cảnh tượng binh mã nườm nượp vượt sông phía trước, trong lòng vô cùng phấn chấn. Nhưng Tào Tháo lại không mấy vui vẻ, mặc dù trước mắt coi như đã chiếm được chút lợi thế, nhưng cảnh vượt sông náo nhiệt ở phía trước khiến ông chợt nghĩ đến Xích Bích - Hiện giờ không có nhiều thuyền bè nên có thể trù tính kỹ lưỡng, năm xưa nắm trong tay hàng ngàn chiến thuyền lớn nhỏ, nếu như chịu bình tâm tĩnh khí, há có thể bại dưới tay Tôn, Lưu? Trong con mắt của ông, Hàn, Mã chỉ là đám tép riu, chẳng có gì đáng sợ, Lưu Bị cũng vậy, đối thủ thực sự chỉ có Tôn Quyền ở Giang Đông. Theo quân báo gần đây, Chu Du đã lâm bệnh chết ở Ba Khâu, Tôn Quyền và Lưu Bị vì Kinh Châu mà suýt chút nữa trở mặt thành thù, đây chính là thời cơ tốt để ông một lần nữa nam chinh; bên cạnh đó, Tang Bá ở Thanh Châu cũng báo tin Chu Diệu, Quản Dung đã thao luyện thủy quân thuần thục, binh lính lần này được huấn luyện trên biển, có lẽ sẽ đủ tinh nhuệ để phân tài cao thấp với thủy quân Giang Đông. Tào Tháo ngầm hạ quyết tâm, chỉ cần giải quyết xong trận chiến trước mắt, sẽ lập tức xua quân về phía nam thảo phạt Tôn Quyền.
— Phụ thân nhìn kìa! - Tiếng gọi của Tào Thực cắt ngang dòng suy nghĩ của Tào Tháo, - Nhị ca đang ở bên bờ đối diện vẫy tay chào!
Tào Chương vốn thích náo nhiệt, há có thể nhẫn nại? Nhân lúc không ai để ý, y liền lẻn đi chèo lên thuyền, cùng qua sông với tiền quân. Tào Tháo nheo mắt nhìn nhi tử đang ngồi trên lưng ngựa, vẫy tay với mình bên bờ đối diện, cười nói:
— Tên tiểu tử này qua bên đó sớm một chút cũng tốt, nó ở bên này ta lại càng không yên tâm.
Nói đoạn chỉ nghe thấy chúng nhân xôn xao tán thưởng - Thì ra trên trời có một con chim nhạn lạc đàn, bay lòng vòng mãi trong gió rét không biết phải bay về phương nào, Tào Chương giương cung lắp tên, lập tức bắn trúng khiến con nhạn rơi xuống.
— Tiễn pháp của công tử thật vi diệu.
Chúng mưu sĩ không ngớt lời khen tặng.
Tào Tháo trông thấy cũng rất vui, nhưng ngoài miệng lại nói:
— Đó chỉ là tài của kẻ thất phu, các ngươi chớ tán tụng nhiều, làm nó không biết nông sâu là gì.
Vương Xán biết nhiều hiểu rộng, cũng rất khéo ăn nói:
— Cổ nhân có câu: “Tướng bất nhân, tắc tam quân bất thân; tướng bất dũng, tắc tam quân bất nhuệ.”(*) Theo thiển kiến của tại hạ, Bình Nguyên hầu trung hiếu khả thân, được một chữ “nhân”, nhị công tử võ nghệ xuất chúng, được một chữ “dũng”, đều là tài trị quân.
Tào Tháo xua tay:
— Trọng Tuyên sai rồi, kẻ làm tướng cần cả nhân và dũng, hai đứa chúng một đứa có “nhân”, một kẻ có “dũng”, lẽ nào đến khi đánh trận lại để chúng cùng làm thống soái?
Ngay cả Tào Thực cũng bật cười:
— Nếu quả thực để chúng nhi tử cùng làm thống soái, quân doanh không loạn mới lạ!
Trong lúc mọi người nói cười, Đậu Phụ và Đinh Nghi cưỡi ngựa đến từ phía sau. Đinh Nghi xuống ngựa chắp tay nói:
— Chúng tại hạ đã phái người thu dọn cờ quạt quân trướng, không lâu nữa sẽ được chuyển tới.
Đậu Phụ sắc mặt nãy giờ có vẻ lo âu:
— Quân ta hư trương thanh thế để qua sông, thế nên giặc không dám tới, nay thu dọn quân trướng rồi, chỉ e chúng thám thính được động tĩnh của quân ta rồi lại kéo đến quấy phá.
Tào Tháo cười nhạt:
— Lúc này chúng biết được cũng đã muộn. Đại quân đều đã sang bờ, không lâu nữa trung quân cũng qua hết sông, dù cho chúng kéo đến cũng chỉ có thể đứng bên kia mà ca thán. Các ngươi chuẩn bị xong thì cũng qua sông đi.
Lúc này Trung hộ quân Hàn Hạo đã dẫn theo không ít binh sĩ lên thuyền, để lại hai chiếc thuyền tương đối lớn mời phụ tử Tào Tháo cùng các mưu sĩ lên thuyền. Tào Tháo khéo léo từ chối:
— Tướng là gan của binh lính, binh lính là cái uy của tướng, nếu ta qua sông, chỉ e những người còn lại trong lòng bất an. Các ngươi đi trước đi.
Ông không chịu đi, người khác cũng nào dám đi, hai bên nhường nhau một hồi, cuối cùng chỉ có Tuân Du và Giả Hủ, Lâu Khuê, Trần Kiều, Vương Xán lên thuyền trước.
Binh lính chống sào đẩy thuyền rời bờ, Tào Tháo chỉ theo bóng dáng Lâu Khuê hỏi nhỏ Tào Thực:
— Con thấy Lâu Tử Bá thế nào?
Tào Thực đáp:
— Là bằng hữu từ thời niên thiếu của phụ thân, cũng là hiền tài của xã tắc.
Tào Tháo lắc đầu:
— Lâu Tử Bá tuy có kỳ tài, nhưng cũng là mối bận tâm của ta. Năm xưa ông ta từng có chí tung hoành thiên hạ, vì cơ ngộ không thuận nên chẳng thể tự lập, mới chịu ở dưới trướng của ta. Ông ta thường hay so sánh mình với kẻ khác, có thể thấy tâm tranh hùng chưa hết. Thế nên, ta tuy phong cho ông ta làm tướng quân nhưng lại không giao binh quyền. - Nói đoạn ông khẽ thở dài, - Người như vậy tuy có thể dùng nhưng không thể giao cho quyền binh, tuyệt đối không thể cho ông ta cơ hội, dù chỉ một chút!
Tào Thực nghe mà giật mình kinh ngạc. Thường ngày chỉ thấy phụ thân và Lâu Khuê vô cùng thân thiết, cũng thường ban thưởng hậu hơn người khác, nào ngờ lại ẩn chứa tâm cơ như vậy, thực là đáng sợ.
Tào Tháo lại hỏi:
— Người như Giả Văn Hòa, con thấy thế nào?
Tào Thực nén lại tâm tư, đáp:
— Người này đĩnh đạc, trung dung, là một kẻ trung hậu.
— Con lại nhìn sai rồi. - Tào Tháo cười nói, - Giả Văn Hòa lúc thiếu thời nổi danh ở Quan Tây, trước phò Đổng Trác, sau trợ Lý Thôi, rồi lại về dưới trướng Trương Tú. Nếu không có cái gan nuốt trọn trời đất, há ông ta lại dám khuấy động các bộ tướng Lương Châu tru diệt Vương Doãn, gây họa loạn Trường An? Con chớ nên bị vẻ ngoài trung hậu của ông ta qua mắt, ông ta do mang tội gây họa cho xã tắc nên bất đắc dĩ phải tỏ ra như vậy.
Tào Thực nghe mà cảm thấy run sợ, nào ngờ Tào doanh trên dưới một lòng lại ẩn chứa những tâm cơ chấn động đến vậy. Quân sư Tuân Du và Giả Hủ ngồi cùng thuyền, y nhìn thấy Giả Hủ tất nhiên cũng có thể nhìn ra Tuân Du, Tào Thực tưởng rằng ông ta không có khiếm khuyết gì, bèn buông lời tán tụng:
— Tuân quân sư dự tính như thần, tận trung vì nước, ông ấy hẳn là người tốt nhất.
Lần này đến lượt Tào Tháo không còn lời nào để nói, nghĩ đến quan hệ giữa ông ta và Thượng thư lệnh Tuân Úc, ông cúi đầu lẩm bẩm một mình:
— Thế gian này chẳng có ai thập toàn thập mỹ...
Tào Thực tưởng rằng mình lại lỡ lời, hai năm nay Tuân Du chưa từng cống hiến kỳ mưu diệu kế nào, có lẽ giữa ông ta và phụ thân có uẩn khúc chưa thể tiết lộ chăng?
Tào Tháo hỏi, giọng trầm muộn:
— Con biết khi nãy Vương Trọng Tuyên luận về đức nhân, dũng của kẻ làm tướng lấy từ điển tích nào không?
— Thưa, con biết, đó chính là Tam lược của Thái Công.
Nếu luận về hiểu biết kinh sách, các con của Tào Tháo không ai sánh được với Tào Thực.
Tào Tháo đưa tay chỉ khắp bãi sông trải rộng:
— Năm xưa Khương Thái Công buông cần câu cá ở Vị Thủy, cần câu đó không dùng mồi câu, cách mặt nước ba thước, gọi là “nguyện cắn câu”, phò trợ Vũ Vương dựng nên xã tắc tám trăm năm của nhà Chu. Ta thấy mối tương ngộ giữa quân thần trên thế gian cũng giống thuật câu cá này. Cá đớp mồi câu, liền bị đưa vào rọ, người hưởng lộc ai thì phục vụ cho người đó. Dùng mồi câu cá, cá có thể bị giết; dùng bổng lộc chiêu dụ người, người có thể tận lực; dùng gia tộc để báo quốc, tất sẽ lấy được nước; dùng nước để lấy thiên hạ, thiên hạ có thể nhất thống!
Nói đến đây ông quay lại, đưa mắt nhìn con trai:
— Con nói xem, Tào gia chúng ta phải làm mồi cầu, hay là làm con cá?
Tào Thực không thể ngờ phụ thân bỗng nhiên lại quẳng cho mình một câu hỏi khó đến vậy, nhất thời tay chân luống cuống, hoảng hốt cúi người đáp:
— Nhi tử xin nghe giáo huấn của phụ thân.
Tào Tháo có chút thất vọng, nhưng ông cũng không oán trách nhi tử, bởi vì ngay cả bản thân ông cũng không biết đáp án. Tào gia chính là thần tử, chính là mồi câu để nuốt trọn đại Hán, nhưng con cá này không dễ bắt, không chỉ nuốt mất mồi câu mà còn lôi cả người câu xuống hồ. Nếu muốn giữ đạo làm bề tôi thì Tào gia chỉ có thể ngoan ngoãn làm con cá, đợi bị làm thịt. Còn nếu không giữ đạo làm bề tôi, cố nhiên có thể chiếm lấy thiên hạ, nhưng sau đó lấy tư cách gì giáo dụ thần tử của mình phải tôn sùng lễ pháp, trung thành với mình? Đối với một gia tộc vừa không phải là thần tử, vừa không phải quân vương như Tào gia, đây tựa hồ mãi mãi là một nghịch lý. Tào Tháo cũng không nghĩ nữa, chỉ thở dài cảm thán:
— Vua bất hiền thì nước nguy, dân loạn; vua chí hiền thì nước an, dân trị. Họa phúc đều do đấng quân vương, không phải tại thiên thời... mọi sự đều do người...
Vừa nói dứt câu, thuyền đã quay lại bờ, Tào Thực muốn nhanh chóng kết thúc chủ đề đáng sợ này, bèn nói:
— Phụ thân, chúng ta qua sông thôi.
Nói đoạn liền dìu ông dậy.
— Con đi trước đi, ta thân làm thống soái nên vượt sông sau cùng.
— Thưa, chỉ e có biến...
— Một ngày một đêm không sao, giờ há lại để xảy ra sơ suất? Cứ đi trước đi.
Lúc này Đậu Phụ cũng mặt mày hớn hở bước đến:
— Bình Nguyên hầu cứ đi trước, tại hạ ở đây hầu hạ Thừa tướng, còn có Hứa Chử tướng quân hộ vệ mà.
Tào Thực tần ngần bước đi, đại đa số tướng sĩ trung quân đều đã lên thuyền. Chỉ còn lại vài trăm binh sĩ hổ báo kỵ bảo vệ Tào Tháo, phía bên kia Đinh Nghi cũng đang thúc quân sĩ vận chuyển quân trướng, lương thảo, trâu ngựa gia súc qua sông, sáu vạn đại quân đã qua sông gần hết.
Tào Tháo ngồi trên hồ sàng, trầm ngâm nhìn theo con trai, trong lòng nặng trĩu tâm tư. Đứa con trai thứ ba tuy độc thư hiếu lễ, học thức siêu quần nhưng tâm cơ bất cẩn. Nếu nói Tào Phi chỉ có chút ít tài mọn thì Tào Thực cũng chẳng khác gì một trang giấy trắng. Kẻ đọc sách tất có khiếm khuyết của mình, tuy thi vân phóng dật, khí chất cao xa nhưng xét cho cùng vẫn bị gò ép, ràng buộc bởi lễ pháp. Có thể thấy Tào Thực muốn tranh đấu, nhưng ngay cả bản thân y cũng không biết tranh đấu thế nào. Đặt lên bàn cân, Tào Phi có ưu thế là trưởng tử, còn Tào Thực tuổi vẫn còn trẻ, tư chất có thể rèn giũa, cũng khó so sánh xem ai tốt hơn, xem ra vẫn phải tiếp tục để chúng so kè cao thấp... Nghĩ đến đấy, Tào Tháo bất giác nhớ tới Tào Ngang, nếu như Ngang nhi còn sống, hà tất phải khó xử như bây giờ? Trận chiến Uyển Thành thực là một vết thương không bao giờ lành trong ông.
Tào Tháo mông lung nghĩ ngợi, hoàn toàn không để ý đến xung quanh, Hứa Chử, Đậu Phụ vội đỡ ông dậy, hô lớn:
— Tặc binh đến rồi!
Lúc này ông mới chú ý đội hổ báo kỵ đã bắt đầu hành động. Trong chớp mắt, tiếng la hét vang dậy khắp trời, có một toán kỵ binh Quan Trung từ đâu lao đến bờ sông, một viên tướng thúc ngựa dưới tấm đại kỳ. Viên tướng đó tuổi ngoài ba mươi, khuôn mặt trắng trẻo, đầu đội khôi bạc, thân mặc giáp trắng, lưng khoác chiến bào trắng, cưỡi trên một con bạch mã cao lớn, tay cầm một thanh trường thương, dáng vẻ vô cùng uy phong lẫm liệt - đó chính là Mã Siêu!
Thì ra chư tướng Quan Trung chưa biết được động tĩnh của quân Tào nên không dám tự ý rời khỏi doanh trại, duy chỉ có Mã Siêu kiêu dũng năm lần bảy lượt thỉnh chiến nhưng đều bị Hàn Toại khuyên ngăn. Vừa nãy xích hầu báo tin Tào doanh đang lặng lẽ thu dọn quân trướng, chư tướng mới ngộ ra rằng Tào Tháo đã ngấm ngầm vượt sông. Mã Siêu vô cùng tức tối, lập tức dẫn một vạn binh mã xông thẳng về phía Tào doanh, quả nhiên trông thấy đại trại trống không, tường trại đều đã dỡ xuống, lại càng nổi trận lôi đình, vội vòng qua Quan Sơn đuổi đến bên sông.
Tào Tháo cẩn thận đến vậy mà vẫn bị quân địch cắt đuôi, lúc này bên cạnh ông chỉ có vài trăm hổ báo kỵ, sao có thể địch lại? Mã Siêu thúc ngựa phi nước đại tựa như một luồng sáng xộc thẳng vào Tào quân, đám kỵ binh phía sau khí thế cũng không gì cản nổi, chém giết một hồi khiến quân Tào tan tác. Quân hổ báo kỵ tuy dũng mãnh, thiện chiến nhưng thế cô sức quả, chỉ một lúc đã tử thương quá nửa. Mã Siêu từ lúc khởi binh đến nay chưa từng giao phong lần nào, nên hôm nay chém giết rất hăng, đang diễu võ dương oai bỗng thấy bên bờ sông xuất hiện một viên lão tướng, người khoác lông cáo, đầu đội nón sắt đang được các binh sĩ yểm trợ bỏ chạy. Hắn tuy chưa từng giáp mặt Tào Tháo nhưng cũng từng nghe kẻ khác miêu tả hình dáng nên lờ mờ đoán rằng đó chính là ông, hơn nữa trông viên tướng kia rõ ràng là thống soái, cho dù không phải Tào Tháo thì chắc cũng là quan cao trong Tào doanh, nghĩ đoạn lập tức giơ giáo lên hét:
— Đánh rắn phải đánh dập đầu! Giết lão tặc kia trước!
Trông thấy đại họa ập đến, Hứa Chử, Đậu Phụ nhấc bổng Tào Tháo chạy thục mạng xuống bờ sông, vừa chạy vừa giúp ông cởi bỏ áo lông cáo. Họ vốn tưởng rằng vứt bỏ phục trang nổi bật này sẽ có thể trà trộn vào đám lính, nào ngờ Mã Siêu mắt tinh tai thính vẫn nhìn kỹ nãy giờ, mũi giáo chỉ về phía ông:
— Mau phóng tên!
Trận mưa tên ập đến không thể tránh né, dù có bản lĩnh đến mấy cũng chẳng thoát được, Đậu Phụ ngước mắt nhìn tứ phía, thuyền chuyển quân vẫn còn chưa đến, nhưng ở phía đằng xa có một chiếc thuyền nhỏ, có vẻ như là thuyền vận chuyển trâu ngựa, gia súc. Lúc này cũng không còn tâm trí đâu để nghĩ ngợi, hai người gần như bế xốc cả Tào Tháo mà nhảy lên thuyền; chưa kịp chèo thuyền đi thì trận mưa tên đã ập tới. Hơn mười vệ sĩ lập tức gục xuống chết bên bờ sống.
Chiếc thuyền này quá nhỏ, chỉ vừa đủ chở được ba người, cùng với một thuyền phu đứng phía cuối. Hắn ra sức đẩy mái chèo mong thoát khỏi miệng cọp. Đây không chỉ là để cứu Tào Tháo mà cũng là cứu chính mình! Mã Siêu há lại buông xuôi dễ dàng như vậy? Lập tức thúc tướng sĩ đuổi đến bờ sông giết nốt đám tàn binh, đoán chừng gươm giáo không thể đuổi kịp được thuyền, bèn tiếp tục hạ lệnh phóng tên.
Mưa tên lại lao vút về phía thuyền, Hứa Chử, Đậu Phụ tuốt gươm đứng chắn phía trước Tào Tháo và thuyền phu, Tào Tháo sợ hãi co rúm lại, nằm bẹp dưới mạn thuyền, nhưng vẫn thấy tên vun vút lao qua, cắm xuống mặt sông như mưa trút khiến nước bắn tung tóe. Hứa Chử thân mặc giáp sắt còn có thể chống đỡ, - Đậu Phụ thì chỉ mặc độc một bộ giáp nhẹ, đành phải múa bội kiếm để gạt tên ra, chẳng lâu sau đã bị trúng hai tên, đau đớn vô cùng; quay đầu lại nhìn, ba quân tướng sĩ đang ngẩng cổ quan sát, đã có mười mấy chiếc thuyền bơi đến tiếp ứng.
Đậu Phụ thấy yên tâm hơn đôi chút, cúi đầu lẩm bẩm:
— Thừa tướng cố chịu một chút, thuyền của chúng ta sắp...
Còn chưa nói dứt câu đã thấy vai phải nhói lên, bội kiếm lập tức rơi khỏi tay; lại thêm một mũi tên nữa xuyên thẳng vào đầu! Đậu Phụ lảo đảo rồi rơi thẳng xuống sông - Đáng thương thay một hậu bối của danh môn, tiền đồ đang đến hồi rộng mở, trung nghĩa vẹn toàn, tuổi đời còn trẻ mà đã mất mạng trên dòng Vị Thủy!
— Đậu Phụ!...
Tào Tháo thảng thốt kêu lên, muốn nhoài ra kéo nhưng lại sợ trúng tên, chỉ biết nằm đó nhìn xác Đậu Phụ bị nước sông cuốn đi.
Một người hộ giá đã chết, Hứa Chử càng không kịp ứng phó, lại một trận tên nữa bay đến, phu thuyền cũng trúng tên mất mạng. Nước sông Vị Thủy chảy xiết, chiếc thuyền đối diện đã sắp đến nơi, nào ngờ thuyền phu vừa chết, chiếc thuyền nhỏ lập tức lắc lư trôi nhanh theo dòng nước. Lúc này Tào Tháo không còn biết gì nữa, nằm phủ phục dưới mạn thuyền, chỉ thấy trời đất quay cuồng điên đảo. Hứa Chử vung chân đạp xác phu thuyền rơi xuống sông, thoáng thấy phía góc thuyền có một chiếc yên ngựa cũ nát, bèn tiện tay cầm lên, bội kiếm cũng vứt bỏ, một tay nhặt mái chèo, một tay cầm yên ngựa đứng trước bảo vệ Tào Tháo.
Binh sĩ Quan Trung thấy chiếc thuyền đã thuận dòng trôi về phía đông vẫn nhất quyết không tha, vội vung roi thúc ngựa đuổi theo bắn tên. Hứa Chử tay giữ chặt tấm yên ngựa che chắn cho Tào Tháo, còn bản thân thì bị trúng vài mũi tên, cũng may giáp dày nên không bị trọng thương, chỉ cần che đầu thật kỹ còn cả người cứ mặc cho chúng bắn! Nhưng chiếc thuyền đang ngày càng trôi xa.
Mã Siêu loáng thoáng nghe thấy Tào binh gọi “Thừa tướng”, chắc mẩm người kia chính là Tào Tháo, lại càng không chịu buông tha, giục tướng sĩ phi ngựa đuổi theo, bắn tên liên tục. Nhưng đúng vào lúc này bỗng thấy phía đông ầm ầm hỗn loạn, hơn một trăm con trâu, ngựa lũ lượt phi về phía này - Thì ra Đinh Nghi đôn đốc quân lương, hơn một nửa đã chuyển qua sông, chỉ còn lại số ít quân kỳ lều trướng và hơn một trăm trâu ngựa bị buộc lại với nhau bằng dây thừng. Mã Siêu vừa tới, ông ta biết rằng đại họa khó tránh, bèn dẫn theo mười mấy binh sĩ vội vàng chạy trốn. Nào ngờ quân địch dồn mọi sự chú ý về phía Tào Tháo, chẳng ai hạ thủ với họ. Đinh Nghi tìm được ba bốn chiếc thuyền nhỏ chuẩn bị tẩu thoát, lại thấy quân Quan Trung liên tục bắn tên, trong lúc nước sôi lửa bỏng bỗng nảy ra một cách, cắt đứt dây rợ, thả tất cả đám gia súc ra, xua thẳng vào toán quân của Mã Siêu. Lính Quan Trung vốn xuất thân thổ phỉ, ăn cướp còn giỏi hơn cả đánh trận, trông thấy nhiều gia súc ở đâu chạy đến như vậy bèn lập tức quên khuấy Tào Tháo, quay sang giành giật trâu ngựa.
Tiếng người hô, ngựa hí, trâu kêu vang lên hỗn tạp, bờ sông cảnh tượng đại loạn, Đinh Nghi nhân cơ hội đó chạy vội lên thuyền chèo đi. Mã Siêu biết mình trúng kế, vội vàng ra lệnh:
— Không được cướp! Giết Tào Tháo trước, kẻ nào trái lệnh, chém!
Nhưng kẻ nào kẻ nấy còn đang mải tranh cướp, còn ai buồn nghe lời hắn? Mã Siêu hét mãi mà vẫn không thể ngăn được bọn chúng, ngẩng đầu lên nhìn, thuyền của Tào Tháo đã trôi xa theo dòng được hơn một dặm. Hắn định truyền lệnh tiếp tục đuổi theo, nhưng mười mấy chiếc thuyền của quân Tào đã đến giữa sông, binh lính trên đó giương cung lắp tên chuẩn bị ngắm bắn, đành phải thở dài hạ lệnh thu binh.
Mã Siêu tuy không đuổi nữa, nhưng Tào quân thì vẫn phải đuổi theo, ngựa ở trên bờ, thuyền ở dưới sông nhất tề đuổi xuống hạ du nhưng vẫn không thấy thuyền chở Tào Tháo đâu; tìm mãi bốn năm dặm mới thấy chiếc thuyền đó dạt vào một gốc cây đổ nghiêng xuống lòng sông ở bờ bắc. Tào Tháo, Hứa Chử ngồi im bất động, thở dốc liên hồi.
Tào Chương phi đến trước tiên, nhảy xuống ngựa hấp tấp chạy đến chỗ Tào Tháo:
— Phụ thân!
Tào Tháo mặt mày trắng bệch, vẫn cố xua xua tay:
— Không sao.
Xem ra ông vẫn còn kinh sợ; Hứa Chử thì mệt rã rời, thở không ra hơi, đang nhổ mấy mũi tên trên áo giáp ra.
Đám quan văn võ phía sau đều lục tục chạy đến, ai nấy cởi mũ xuống ngựa, quỳ rạp cả xuống:
— Để Thừa tướng phải kinh sợ, là tội của chúng thần!
Tào Thực lết đến trước mặt Tào Tháo, ôm chặt lấy cánh tay ông không rời nửa bước.
— Lão phu không sao... - Tào Tháo thấy chúng nhân thần sắc hốt hoảng, bèn cố nặn ra một nụ cười, - Là do ta nhất thời bất cẩn, suýt chút nữa rơi vào tay giặc, không phải lỗi của các ngươi.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm, lúc này mới lục tục đứng dậy nói vài lời an ủi. Tào Tháo ngoài miệng nói cứng nhưng trong lòng vẫn không khỏi kinh sợ, ông đưa mắt nhìn dòng sông vẫn đang cuồn cuộn sóng dữ chảy về đông, nhưng không còn thấy xác của Đậu Phụ đâu nữa...
Tường băng giữ trại
Tào Tháo tuy gặp phải nguy hiểm khi vượt sông lên phía bắc, tham quân Đậu Phụ tử trận, nhưng đại quân vẫn di chuyển đến Vị Bắc một cách thuận lợi, tiếp sau đó lại từ bến Bồ Bản hành quân về phía tây để vượt sông Hoàng Hà, hội hợp cùng cánh quân của Từ Hoảng, Chu Linh. Cục diện hai quân đối trận qua Đồng Quan đã bị phá vỡ.
Do cục diện đông tây đối trận giờ chuyển thành nam bắc đối kháng, cách bố trí ban đầu của quân Quan Trung bỗng dưng bị rối loạn. Hàn Toại và Mã Siêu là hai cánh quân chủ lực của quân phản loạn, bất đắc dĩ phải di chuyển các trọng điểm phòng thủ ở phía tây lên phía bắc, trong lúc này, hai người bắt đầu nảy sinh mẫu thuẫn về sách lược dụng binh. Mã Siêu chủ trương dốc toàn lực vượt qua phía bắc, di chuyển trận địa, giằng co trường kỳ với Tào Tháo; Hàn Toại thì muốn mượn sông Vị Thủy làm bình phong để phòng ngự quân Tào. Kết quả tướng lĩnh các bộ đại đa số đều tán thành với sách lược của Hàn Toại, thế là đại quân Quan Trung dần dần chuyển lên mạn bắc, dựng doanh cắm trại men theo bờ nam sông Vị Thủy, ngay cả Lương Hưng ban đầu đóng quân ở phía bắc Vị Thủy cũng chuyển về bờ nam - Nào ngờ việc này lại trúng kế của Tào Tháo.
Tào Tháo điều binh rời Đồng Quan, tuy phá bỏ cục diện giằng co ban đầu nhưng cũng mở ra yếu đạo chạy đến Hoằng Nông, các cánh quân Quan Trung cố nhiên không dám coi thường Tào quân mà dong ngựa đến đoạt Hoằng Nông. Nhưng cũng vì lẽ đó, việc vận chuyển lương thảo từ Hoằng Nông cho Tào quân cũng bị cắt đứt, nguồn cung cấp lương thảo giờ do quận Hà Đông ở phía đông bắc phụ trách. Hà Đông cách phía bắc sông Vị Thủy khá xa, vận chuyển lương thực còn phải vượt sông Hoàng Hà, khó khăn hơn Hoằng Nông rất nhiều. Nếu như chư tướng Quan Trung nghe theo kế của Mã Siêu, vượt lên phía bắc để đối đầu, chỉ e ngày rộng tháng dài, đường vận chuyển lương thực của Tào quân sẽ gặp muôn trùng khó khăn, nhưng một khi chúng rời khỏi phía bắc Vị Thủy, quân Tào sẽ có thể thảnh thơi thi triển thân thủ. Tào Tháo động viên tướng sĩ chặt cây, dựng chông, đào hào, sửa sang dũng đạo từ bến Bồ Bản men theo sông Hoàng Hà đến thẳng bên bờ Vị Thủy, củng cố chắc chắn con đường vận chuyển lương thảo, chư tướng Quan Trung muốn giở trò gì cũng không thể hạ thủ được nữa. Giờ đã là tháng Chín năm Kiến An thứ mười sáu, phía bắc sông Vị Thủy và phía đông tây sông Hoàng Hà đều đã lọt vào tầm khống chế của Tào quân, Tào Tháo đã nắm được quyền chủ động trên chiến trường.
Nhưng nếu muốn chiếm được địa thế có lợi, quần Tào bắt buộc phải một lần nữa vượt sông sang bờ nam Vị Thủy giao tranh với địch, có điều Mã, Hàn đã nhận được bài học lần trước, lần này vượt qua phía nam sẽ không dễ dàng nữa. Quân Tào tuy quân đông nhưng thuyền bè có hạn, thế nên vẫn phải dùng cách âm thầm vượt sông, lập lại doanh trại ở bờ nam. Chu Linh lập công trong trận Bồ Bản, đủ để đoái công chuộc tội, Tào Tháo bèn khôi phục chức quan cũ cho ông ta, ngoài ra cấp lại ba ngàn sĩ tốt, cho tự thống lĩnh một bộ. Chu Linh được khích lệ, quyết tâm thừa thế tiếp tục lập công, xin được vượt sông trước tiên. Tào Tháo cũng đang có ý đó, lập tức cấp thuyền ra lệnh hành động ngay trong đêm.
Chu Linh nóng lòng lập công, vô cùng tự tin, hơn nữa cũng có được ít nhiều kinh nghiệm khi đi theo Từ Hoảng nên việc lập trại đã quen. Đến giờ Tý, ông ta soái lĩnh ba ngàn binh sĩ lần lượt vượt sông, tất cả quân nhu khí giới đều được bố trí theo kinh nghiệm lần trước, đợi đến khi hàng rào, viên xa đều đã chuyển sang bờ nam, đang định dựng trại thì cảnh tượng trước mắt khiến cho ai nấy dểu sững sờ - toàn cát là cát!
Hai bờ nam bắc sông Vị Thủy chỉ cách nhau một dòng sông nhưng địa hình địa mạo lại hoàn toàn khác biệt. Hoàng Hà chảy theo hướng nam bắc, nền đất hai bờ rất chắc, thậm chí còn có những cánh rừng rậm rạp. Nhưng sông Vị Thủy chảy từ tây sang đông, dòng nước chảy xiết, đặc biệt phía tây Đồng Quan là một vùng bình nguyên Quan Trung rộng lớn, bao năm chinh chiến đất dai hoang hóa, gió cát lại liên tục thổi mạnh, vì vậy bờ nam Vị Thủy chỉ là một bãi cát trải dài ngút tầm mắt. Tường trại không dựng nổi, viên xa cũng không lắp được, chiến hào lại càng không, Chu Linh thấy vậy vô cùng lo lắng, động viên tướng sĩ hì hụi đào cát hơn một canh giờ, mãi mới trông thấy nền đất tương đối vững ở phía dưới, nhưng tường trại chưa kịp dựng nên thì gió dã ào ào thổi tới. Gió cát tứ tung, bốn bề mù mịt, con hào vừa đào xong giờ lại bị lấp kín. Chu Linh định hành quân thêm vài dặm tìm nơi khác hạ trại, nhưng lại sợ cách bờ bắc quá xa tiếp ứng không kịp, đành thở dài làm lại từ đầu...
Ba ngàn binh sĩ hì hụi cả một đêm, đến khi mặt trời ở phia đông ló rạng, doanh trại chưa dựng xong đã thấy kẻ địch xuất hiện. Mã Siêu dẫn vài ngàn kỵ binh như nước lũ ào ào xông tới, doanh trại Tào quân chưa dựng xong, tướng sĩ thì mệt mỏi cả đêm, sao có thể chống đỡ được? Mã Mạnh Khởi vũ dũng vô song, tay lăm lăm ngọn giáo tả xung hữu đột như chốn không người, viên ái tướng dưới trướng hắn là Bàng Đức cũng sức địch muôn người, kỵ sĩ Tây Lương kiêu dũng thiện chiến, liên tục chém giết khiến quân Tào bay khôi rơi giáp, tiếng kêu gào vang trời thấu đất. Hàng rào đổ sập, lều trướng tung bay, viên xa tan tác, chút lương thảo mang theo cũng rơi vào tay địch. Chu Linh bị kẻ địch đuổi cùng giết tận, cuối cùng dẫn theo ít tàn binh lui về bờ bắc, ba ngàn sĩ tốt vừa được lĩnh nay bị hao tổn quá nửa.
Chu Linh về đến trung quân kể lại đầu đuôi, Tào Tháo không một lời trách móc, chỉ hạ lệnh cho Từ Hoảng vượt sông hạ trại. Nào ngờ Từ Hoảng cũng thất bại trở về, lại lệnh cho Trương Cáp đi cũng không thành công. Phía nam Vị Thủy địa hình bất lợi, kẻ địch lại phòng ngự cẩn mật, hễ cánh quân nào của Tào Tháo qua sông là Mã Siêu lại dẫn kỵ binh xông đến đánh tan, mấy ngày trôi qua đều vậy, Tào quân tử thương sáu ngàn, quân lương khí giới tổn thất không kể hết. Tào Tháo thấy cách này không được, lại hạ lệnh điều tập tất cả thuyền bè, rồi lắp ván gỗ lên trên thành cầu nổi, nào ngờ kẻ địch lại đến quấy nhiễu, đứng bên bờ bên kia phóng tên phá rối, cầu nổi chưa lắp được một nửa binh sĩ đã bị loạn tiễn bắn cho tan tác. Quân Tào nghĩ trăm phương ngàn kế cũng không thể vượt được một bước qua sông Vị Thủy...
Dù hiện giờ đang là tháng Chín, nhưng vì có một tháng Tám nhuận nên trên thực tế trời đã vào tiết đông, trời đất nhuộm một màu ảm đạm, giá buốt. Tào Tháo khoác áo lông cáo, đứng bên bờ bắc sông Vị Thủy, nhìn sang bờ đối diện mà thở dài não nề. Cả một vùng cát trống mênh mông vô bờ, không có lấy một mỏm đá, rặng cây, chỉ có lác đác một vài bụi cỏ phất phơ giữa gió. Cát vàng trải khắp vùng nguyên dã, một trận gió tây bắc thổi qua là cát vàng cuồn cuộn bốc lên, khiến những đám cỏ khô bay qua bay lại, mang đến cảm giác hoang vu, thê lương đến cực độ.
Hai nhi tử của Tào Tháo đứng hầu ở hai bên. Tào Chương đến lúc này ý chí vẫn không giảm, lẩm bẩm không thôi:
— Phụ thân cớ sao không phái con đi? Nếu như con đi, cho dù không dựng được trại cũng có thể đẩy lùi tên Mã Siêu kia! Với cái dũng của con, cho dù chư tướng Quan Trung đến cả đây cũng có gì sợ?
Tào Tháo nghe nhàm tai, sớm đã không buồn để ý đến y, chỉ chắp tay sau lưng, lắc đầu không thôi. Tào Thực thì nói:
— Binh pháp có câu: “Dục chiến giả, vô phụ vu thủy nhi nghênh khác.” Mã Siêu dẫn quân đến bờ sông ngăn ta lập trại, trông thì có vẻ anh dũng nhưng thực ra là đang sợ hãi. Nếu thực sự muốn cùng quân ta quyết chiến một phen, cớ sao lại không để quân ta vượt sông rồi xua quân diệt tận? Có thể thấy trong lòng hắn sợ phụ thân.
— Con có thể nhìn thấy điều này, cũng coi như là có tiến bộ. - Tào Tháo cười khổ, - Chỉ cần chúng ta vượt qua sông, sĩ khí quân giặc chắc chắn đại loạn. Nhưng vấn đề là làm sao mới có thể vượt qua con sông này? Hôm trước ta vừa nhận được tin quân báo, Lưu Chương ở Ích Châu đã kết hảo với Lưu Bị, còn phái vài ngàn binh sĩ đến giúp đỡ phòng thủ Kinh Châu, Tôn Quyền ở Giang Đông tây tiến vô vọng, đành quay sang mưu đoạt Giao Châu. Nếu chúng ta không sớm an định Quan Trung, trước sau gì cũng bị chúng quấy nhiễu. - Điều thực sự khiến Tào Tháo bận tâm không phải là chiến sự trước mắt, ông vẫn còn đủ thực lực, nếu thực sự khó khăn sẽ điều thêm binh mã hành quân đến Đồng Quan, giáp kích từ hai phía, như vậy Hàn, Mã ắt phải bại. Nhưng vấn đề không phải như vậy, điều ông đang tính toán là làm sao ổn định cục thế ở phía đông, Hàn, Mã không đáng sợ, nhưng nếu vì mải mê đối phó với chúng mà lơ là phòng ngự Tôn Quyền, vậy sẽ lợi bất cập hại.
Đang nói thì gió lạnh chợt ùa đến, Tào Tháo thoáng chốc cảm thấy mặt mình tê buốt, đưa tay lên sờ, những hạt tuyết nhỏ lấm tấm đọng trên râu:
— Tuyết rơi rồi...
Tào Thực ngẩng đầu lên nhìn không thấy tuyết rơi, bầu trời vẫn một màu xanh ngọc:
— Con nghĩ tuyết này rơi không nhiều, có lẽ chỉ bay đến cùng gió. Ven sông gió lớn, chúng ta hãy về trướng thôi.
Tào Tháo đưa mắt nhìn sang bờ bên kia, cúi đầu trầm ngâm trở về đại trướng. Nào ngờ vừa về đến trướng đã trông thấy Lâu Khuê đang chắp tay sau lưng, chuyện trò rôm rả với Hứa Chử.
— Tử Bá, có việc gì sao?
Tào Tháo kéo lại chiếc áo lông cáo, thuận miệng hỏi một câu.
— Gọi là có việc cũng được, gọi là không có việc cũng được, chúng tại hạ chỉ đang nói chuyện thôi.
Câu này có ý gì? Tào Tháo cảm thấy kỳ lạ, lại nói:
— Có việc thì vào đây nói.
Đoạn tự mình vén rèm trướng cùng lão bằng hữu bước vào. Lâu Khuê ngồi xuống liền nói:
— Ngài đã biết việc Tôn Quyền nhòm ngó Giao Châu?
— Đường xa vạn dặm, vừa mới hay tin.
Tào Tháo cũng ngồi xuống, đưa tay ra sưởi trước chậu than.
— Tôn Quyền phái tâm phúc đến đó tự phong làm Thứ sử Giao Châu, Sĩ Nhiếp binh ít tướng mỏng đã tỏ ý quy thuận. Thứ sử Giao Châu Lại Cung do Lưu Biểu phái đi trước kia lại bất hòa với Thái thú Thương Ngô, Lại Cung bèn lên phía bắc đến Linh Lăng, nghe nói đã đầu hàng Lưu Bị. Ngô Cự lại muốn trục xuất Bộ Chất, nhưng lần này Bộ Chất đã có Sĩ Nhiếp ủng hộ, chỉ e không thể thành công, đất Giao Châu sớm muộn cũng rơi vào tay Tôn Quyền.
Nói đến đây, Lâu Khuê cười gian:
— Ngài phải lưu tâm đấy, chỉ cần định xong Giao Châu, Tôn Quyền sẽ quay lại quyết chiến với chúng ta. Nếu ta là ngài thì sẽ chuẩn bị sớm thì hơn.
Nếu chiến sự trước mắt thuận lợi, Tào Tháo đã sớm chuẩn bị rồi, còn cần ông ta nhắc nhở? Đây chẳng phải là cố ý chọc tức ta sao! Nhưng Tào Tháo thấy Lâu Khuê cười rất kỳ lạ, hơn nữa lại vừa buột miệng nói “nếu ta là ngài”, cho rằng ông ta không chỉ đến chuyện trò hàn huyên. Tào Tháo đưa mắt nhìn, chậm rãi hỏi:
— Lẽ nào Tử Bá đã có kế phá địch?
Lâu Khuê không trả lời, chỉ xoa xoa tay, nói vu vơ:
— Hôm nay tiết trời lạnh thật, nước rỏ xuống liền biến thành băng...
Tào Tháo nhận ra ẩn ý trong câu này, nói vẻ trầm ngâm:
— Lẽ nào Tử Bá muốn ta đợi sông Vị Thủy đóng băng rồi dẫn binh vượt qua? Vậy phải đợi đến khi nào? Hơn nữa ta đã hỏi kỹ, mặt sông Vị Thủy đóng băng rất mỏng, kỵ binh chắc chắn không thể qua được.
Lâu Khuê nghe xong đưa mắt liếc nhìn Tào Tháo, đoạn đứng dậy bước ra bên ngoài, đến khi vén rèm trướng lên mới quay đầu nói:
— Sông chỉ là sông, nhưng người là người. Nước dưới sông không đóng băng, vậy nước trên bờ lẽ nào cũng không đóng băng?
Nói xong khật khưỡng bước đi.
— Ông ta nói gì vậy?
Tào Thực, Tào Chương bốn mắt nhìn nhau. Nhưng Tào Tháo miệng chợt nở nụ cười:
— Lâu Tử Bá quả nhiên thông minh hơn người, ông ta vừa dạy ta cách dựng trại.
— Cách dựng trại?
Hai nhi tử của Tào Tháo vô cùng ngạc nhiên. Tào Tháo bỗng cảm thấy tinh thần phấn chấn, chống tay lên soái án đứng dậy:
— Hừ! Lâu Khuê có cách dựng trại, vậy ta cũng không thể thua ông ta được. Không chỉ phải dựng trại mà phải đánh cho Mã Siêu tan tác chim muông. Lập tức truyền lệnh, đem tất cả thuyền bè, ngựa chiến tập trung lại. Sau đó gọi chúng tướng đến đây, ta có kế sách cần bàn!
— Vâng. - Tào Thực, Tào Chương đáp lời, nhưng trong lòng như vẫn có mây mù che phủ...
Giờ Tý đêm hôm đó, Tào quân một lần nữa vượt sông, lần này huy động tất cả thuyền bè, binh lực ước khoảng một vạn, Hạ Hầu Uyên, Tào Nhân, Từ Hoảng, Chu Linh cũng đều vượt sông. Nhưng lần này không chuẩn bị phên giậu, hàng rào, mà chỉ mang theo mấy thuyền chở túi bố và xẻng. Tào quân đào cát, xây tường men theo bờ nam sông Vị Thủy, bên này đào cát, bên kia sẽ có quân sĩ dùng túi bố múc nước tưới lên. Tiết trời đầu đông gió lạnh thổi bạt từng hồi, nước nhỏ xuống liền đóng thành băng, vừa tưới xuống đống cát, chẳng bao lâu sau đã đông cứng lại. Biện pháp này vừa đơn giản, đỡ tốn công mà còn dùng ngay vật liệu tại chỗ, đất cát có ngay dưới chân, nước thì cứ múc dưới sông lên, hơn một vạn binh sĩ nhất tề hành động, càng làm càng hứng khởi, tường trại càng đắp càng cao. Viên môn được dựng lên, chông chà cũng cắm chắc, doanh trướng lố nhố mọc lên, bên ngoài tường lại tưới nước thành lớp băng dày chỉ cần dẫm lên là trượt ngã - Chỉ trong vòng nửa đêm, một bức tường trại cao quá đầu người đã được dựng xong!
Quả nhiên không ngoài dự liệu, trời vừa sáng Mã Siêu đã đến quấy phá. Lính Quan Trung thắng nhiều quen mui, nào ngờ hôm nay mọi sự đã đổi, đám người đầu óc ngu si này không thể tưởng tượng nổi bằng cách nào mà Tào quân chỉ trong một đêm đã dựng được một doanh trại kiên cố đến vậy.
Mã Siêu cũng biết sức mình không thể phá nổi, nhưng trong đầu vẫn hiểu rõ rằng nếu không thể phá tòa đại doanh kia thì chưa đầy nửa ngày toàn bộ Tào quân sẽ vượt sông, chiến cục càng bất lợi. Nghĩ đoạn hắn quay đầu dặn dò Bàng Đức:
— Mau về đại doanh mời các lộ binh mã tới đây, nhất định phải hủy tòa doanh trại này, mau đi!
Bàng Đức không dám chậm trễ, lập tức lĩnh mệnh mà đi, Mã Siêu thúc ngựa tiến đến dò xét, nhưng thấy chông chà bố trí cẩn mật, bên ngoài tường trại còn có một lớp băng dày trơn trượt, biết rằng trận này không dễ đánh. Còn chưa kịp nghĩ ra đối sách, bỗng nghe thấy giọng cười sang sảng, trên tường trại xuất hiện một viên tướng dáng vóc to cao, lưng hổ eo gấu, chính là đại tướng Tào doanh Hạ Hầu Uyên:
— Nghịch tử Mã Siêu, ngươi dồn ép quân ta lập trại bất thành. Nào ngờ Thừa tướng nhà ta có thần linh tương trợ, trong một đêm đã dựng được thành này! Còn không mau xuống ngựa quy hàng? May ra Thừa tướng sẽ đại phát thiện tâm, tha chết cho cha con ngươi!
— Lời lẽ xảo trá! - Mã Siêu nổi cơn thịnh nộ, thét lớn, - Có gan ra đây tử chiến! Núp sau tường doanh cự lại thì gọi gì là bản lĩnh? Đợi đại quân của ta đến đây đạp đổ tường đất, trăm đao xé xác ngươi ra!
Hạ Hầu Uyên cười nói:
— Ta đây không cần đánh với ngươi, mặc cho ngươi chửi rủa. Chửi người người không đáp thì khác gì chửi chính mình, chửi người người không đếm xỉa khác gì chửi cha mẹ mình. Tiểu tử ngươi ngay cả việc sống chết của phụ thân cũng phó mặc, ta đây nghe chửi vài câu cũng thấm tháp gì? Ông đây hôm nay sẽ giả làm cha ngươi, cho tên nghịch tử nhà ngươi tha hồ mà chửi!
Mã Siêu thẹn quá hóa nộ, binh mã quá ít không dám xông lên, hằm hằm tức giận thúc ngựa chạy đi chạy lại trước trận. Đúng lúc này, phía chính nam ầm ầm vó ngựa - Hàn Toại và tướng lĩnh các bộ hay tin bèn dẫn binh mã đến tiếp ứng.
Hạ Hầu Uyên thấy cảnh này, tim đập liên hồi, chỉ cần đám binh mã kia nhất tề xông tới thì tường doanh có chắc đến mấy cũng không giữ nổi, nghĩ đoạn bèn xốc lại tinh thần, hét lên theo lời dặn của Tào Tháo:
— Khoan đã! Tên tặc tử Mã Siêu, ngươi đã muốn đấu thì ta sẽ đấu. Thừa tướng nhà ta hôm nay dẫn một ngàn kỵ binh so tài cao thấp với ngươi, nếu ngươi thắng được, vùng đất phía tây Đồng Quan này sẽ nhường lại cho các ngươi! Nếu ngươi chiến bại thì mau mau cút về, chớ gây thêm can qua! - Nói đoạn vung mạnh cánh tay.
Cửa chính đại trại mở ra, một đội binh mã tinh nhuệ hò hét xông ra, phía trước có cờ Thừa tướng của Tào Tháo.
Mã Siêu giật mình, sao lại là Tào Tháo? Bèn chuẩn bị đánh tan đội quân này trước tiên. Nào ngờ đội binh mã đó hò hét rất hăng, nhưng lại không giao chiến với hắn, vừa ra khỏi cửa trại đã chạy về phía tây. Mã Siêu thấy vậy lòng đầy nghi hoặc, đang không biết nên đuổi theo Tào Tháo nào, lại nghe thấy tiếng hét kinh thiên động địa, tất cả cửa trại của Tào quân đều mở, bảy tám đội kỵ binh ào ào xông ra như ong vỡ tổ, đội chạy về tây, về đông, về nam, đội nào đội nấy đều cầm đại kỳ của Tào Tháo.
Lần này không chỉ Mã Siêu bối rối mà chư tướng các bộ quân đốc chiến phía sau cũng không hiểu ra sao - Rốt cuộc đâu mới là Tào Tháo thật? Chúng đâu hay biết, chẳng có cánh quân nào là thật. Tào Nhân, Từ Hoảng, Chu Linh, Trương Cáp, Đặng Triển mỗi người đều dẫn một cánh quân cầm cờ mao tiết xông ra quấy nhiễu, nhưng trong lúc đó Tào Tháo đang ở bên bờ đối diện bố trí cầu nổi! Những cánh quân này cũng không giao tranh cùng Mã Siêu mà vòng qua trận địa, chạy thẳng đến phía sau các lộ quân. Hàn Toại, Thành Nghị, Lương Hưng, Mã Ngoạn trông thấy tình thế như vậy bèn tự mình xuất kích, nào ngờ Tào quân vẫn không đánh lại, chỉ tìm kiếm kẽ hở giữa các cánh quân, lúc chạy về đông, lúc chạy về tây, luồn đi luồn lại như mười chiếc thuyền du long.
Các cánh quân Quan Trung vốn dĩ hiệu lệnh bất nhất, mỗi kẻ lại có mưu tính riêng, đều muốn mượn sức người khác để giữ thực lực của mình nên đã mắc bẫy. Tào quân luồn đi chạy lại, chẳng bao lâu sau trận địa đã hỗn loạn - Cánh quân của Lương Hưng và Mã Ngoạn đâm đầu vào nhau; quân của Thành Nghị định chạy về phía đông, nhưng lại bị Hàn Toại chặn lại; quân của Trương Hoành bị ba cánh quân của Tào Tháo bao vây tứ phía, không biết nên hạ thủ với ai; binh mã của Lý Kham ít nhất, chỉ sợ bị Tào Tháo tận diệt nên ầm thầm lùi lại phía sau. Duy chỉ Mã Siêu vẫn hăng hái, muốn ác chiến một trận với Tào quân, tiếc là Tào binh đều biết Mã Siêu kiêu dũng nên tránh giao tranh với hắn, cứ thế chạy cho hắn đuổi.
Mấy cánh quân này đều là kỵ binh nên hành động rất nhanh, chặn không chặn lại được, đánh cũng chẳng xong, nếu thực sự không ổn còn có thể quay đầu chạy, khiến cho Mã Siêu hoa mắt chóng mặt, hết đuổi đằng đông lại đuổi đằng tây, mệt đến nỗi mồ hôi vã ra như tắm mà vẫn chẳng bắt nổi tên lính Tào nào.
Chưa đẩy nửa canh giờ, trận thế của quân Quan Trung đại loạn, binh mã các bộ đều tụ cả vào nhau, còn Tào binh đã thoát ly trận địa, đi đường vòng trở về doanh trại. Mã Siêu tức nổ đom đóm mắt, ngửa cổ thét lớn:
— Chớ để ý đến đám lính đó, công hạ doanh trại cho ta!
Đoạn không buồn thương lượng với Hàn Toại, tự mình dẫn binh mã xông về phía Tào doanh. Nào ngờ Hạ Hầu Uyên sớm đã chuẩn bị, điều tới vài ngàn cung thủ ở trên tường băng, đồng loạt giương cung phóng tên về phía kỵ binh của Mã Siêu!
Hàn Toại biết rõ nếu không sớm phá được tòa doanh trại này, Tào binh sẽ lần lượt vượt hết qua sông, tiếc là trận thế đã loạn, quân mình dẫm chân lên nhau, muốn giúp Mã Siêu cũng không được. Chạy đi chạy lại hơn nửa canh giờ, các lộ binh mã mới trở về được hàng ngũ của mình, vừa định truyền lệnh toàn quân xuất kích, Thành Công Anh đang lưu thủ đại doanh bỗng từ đâu phi ngựa chạy đến can ngăn:
— Chúng ta trúng kế rồi! Tào Tháo chỉ nghi binh đánh lạc hướng quân ta, lão ta đã đặt cầu nổi cách đây hơn mười dăm về phía tây, Tào binh ở Vị Thủy đều đã vượt sông, chẳng lâu nữa sẽ tấn công đến đây!
— Cái gì? - Đầu óc Hàn Toại bỗng chốc trống rỗng.
Mã Siêu cũng hay tin, thở hổn hển phi ngựa đến chỗ Hàn Toại:
— Làm sao bây giờ?
Tướng lĩnh các bộ cũng lục tục chạy đến, người này một câu kẻ khác một câu, giục Hàn Toại đưa ra quyết sách.
Hàn Toại nhìn khắp chiến trường, các bộ binh mã vất vả cả một buổi sáng, sĩ tốt ai nấy tỏ vẻ mệt mỏi, còn có kẻ bị thương vì lúc nãy chẳng may lao vào nhau, thế này sao có thể quyết chiến một trận với Tào Tháo? Ông ta ghì ngựa quay đầu, thở dài một tiếng:
— Ây dà! Chúng ta dụng binh còn kém xa Tào Tháo... Chớ đứng đây chịu chết nữa, mau trở về doanh thôi.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8