I divide all readers into two classes; those who read to remember and those who read to forget.

William Lyon Phelps

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đê Quy
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 116
hất môn tứ hầu, các con Tào Tháo được gia phong quan tước
Tự nêu chí hướng
Cuối năm Kiến An thứ mười lăm (năm 210 sau Công nguyên), đúng vào lúc triều đình tranh luận kịch liệt vì việc chinh thảo Hán Trung, mạc phủ Nghiệp Thành lại chuẩn bị một đạo văn chương kinh thế thoát tục, chẳng bao lâu sau đã được truyền đến các quận, khiến cho quần thần trên dưới không ai không kinh ngạc. Đó chính là Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh:
Ta ban đầu đắc cử hiếu liêm, tuổi trẻ tài mọn, tự nghĩ mình không phải bậc danh sĩ, sợ bị thiên hạ coi thường. Vì vậy, ta chỉ muốn làm một viên quận thú, giữ gìn chính giáo, tạo lập đôi chút uy tín, để người đời biết đến mình. Cho nên khi làm tướng ở Tế Nam, ta thanh trừ cái xấu, tuyển cử công chính, trái ý quan Thị thường. Bởi vậy bọn cường hào căm hận, ta sợ gây họa cho gia môn, đành cáo bệnh về quê. Sau khi từ quan, tuổi vẫn còn trẻ, nhìn lại những người được tiến cử cùng năm với ta, có kẻ đã ngoài năm mươi, vẫn chưa gọi là già. Ta thầm trù tính, đã hai mươi năm trôi qua, đợi ngày thiên hạ thái bình ta mới lại so tài với các quan...
Xét bề ngoài đây là thư từ chối phong thưởng của Tào Tháo, nhưng ông đã viết rõ ràng hơn một ngàn chữ, hơn nữa lại không biểu tấu triều đình, mà dùng hình thức giáo lệnh của Thừa tướng để ban bố khắp thiên hạ. Tờ giáo lệnh này không chỉ thuật lại chi tiết đường sĩ hoạn của bản thân ông, còn là lần đầu tiên ông bày tỏ tâm tư với thế nhân.
Trong lời mở đầu, Tào Tháo thẳng thắn nhắc đến tâm lý tự ti của ông trong những năm đầu được xét cử hiếu liêm, tỏ rõ chí hướng bình sinh chỉ là “muốn làm một chức quận thú”, trở thành bậc năng thân tuần lại. Vì vậy, khi làm Tế Nam tướng ông đã trừng trị những kẻ bất pháp, chí công vô tư, kết quả đắc tội với những kẻ quyền quý, gặp nhiều trở ngại, sợ rằng một ngày nào đó sẽ chuốc họa vào thân nên giả bệnh quy ẩn.
Sau khi từ quan, Tào Tháo nhàn cư ở huyện Tiều. Năm đó đại đa số những danh sĩ xét cử hiếu liêm đều khoảng bốn năm mươi tuổi, Tào Tháo được phụ thân lo lót ứng cử sớm hơn nhiều, ông quyết tâm ẩn cư hai mươi năm để chờ thời. Vậy nên, ông dựng một ngôi lều cỏ cách huyện Tiều mười dặm về phía đông, “thu hạ đọc sách, đông xuân săn bắn, cầu ở nơi hẻo lánh vắng vẻ, muốn đắp bùn dựng vách, dứt ý tiếp đón khách qua lại.” Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, phản tặc nổi lên khắp nơi, triều đình lại điều ông đi nhận chức Điển quân hiệu úy, để không phụ lại sự ủy thác của triều đình, sự trông mong của gia tộc, ông đành một lần nữa xuống núi. Mục tiêu mà ông theo đuổi lúc này cũng chỉ là “Mong được phong hầu, làm Chinh Tây Tướng quân”. Sau khi Đổng Trác vào kinh phế lập thiên tử, mặc dù ông cử binh nhưng do “thường chịu thiệt thòi, không cầu gì hơn”, sau lần thất bại ở Biện Thủy ông đến Dương Châu mộ binh, dưới trướng trước sau chỉ có ba ngàn quân.
Tiếp sau đó, Tào Tháo lần lượt lập được những công lao trên con đường phụ chính, bình giặc Khăn Vàng, chinh phạt Viên Thuật, thảo phạt Viên Thiệu, an định Kinh Châu, nên mới vung bút viết rằng: “Nếu như quốc gia không có ta, không biết có bao nhiêu kẻ xưng đế, bao nhiêu kẻ xưng vương!”
Tào Tháo nói rằng mình “thân làm thừa tướng, phú quý của một bề tôi đã đủ, còn mong gì hơn nữa”, và lấy những tấm gương trung thành phò vua như Nhạc Nghị, Mông Điềm, thậm chí Chu Công để khích lệ bản thân, xưng rằng muốn học theo Tề Hoàn công, Tấn Văn công, vĩnh viễn trung thành với xã tắc Hán thất. Ông nhiều lần nhấn mạnh mình không hề có ý khác, nhưng khi đặt vào hoàn cảnh thực tế, không thể yêu cầu ông giao nộp quyền bính. “Vì sao? Chỉ e ta giao nộp binh quyền sẽ bị kẻ khác gây họa.” Ông sợ có kẻ gây bất lợi cho Tào gia, càng không thể chấp nhận sự thanh toán chính trị trước đó, “không thể lấy hư danh để xử lý mối họa thực tế”, hơn nữa “bờ cõi chưa yên, ta không thể nhượng vị”. Cho nên đối với sự phong thưởng của triều đình, ông chỉ có thể cảm ơn, chỉ có thể từ nhượng...
Vì bài văn này không phải là biểu chương dâng lên triều đình, mà dùng hình thức giáo lệnh để ban bố, nên đối tượng chính của nó là tất thảy mọi người trong thiên hạ. Nhất thời bất luận là quan nha triều đình hay khắp đầu phố ngõ hẻm, người người đều bàn luận về vị Thừa tướng đương triều này. Có những kẻ đàm tiếu nhưng cũng có người ca ngợi: Những ai ủng hộ thì tán thưởng Tào Tháo là bậc thánh đức, cho rằng ông là một vị hảo hán dám nói sự thật, dám nói ra những điều mình nghĩ, họ cũng bất giác cảm khái thế sự ngày nay có nhiều việc thân bất do kỷ. Nhưng những kẻ đàm tiếu lại cho rằng Tào Tháo quá đỗi giả tạo. Nói rằng năm xưa ông trừng trị những kẻ bất pháp là để tự tạo thanh danh, tô vẽ tên tuổi của mình; cử nghĩa binh không quá ba vạn, không phải là không muốn mà do không thể chiêu mộ được nhiều hơn; tuy đã là Thừa tướng nhưng ông vẫn nghĩ trăm phương ngàn kế để tư lợi cho gia tộc của mình, vơ vét của triều đình Hán thất; dám so sánh mình với Chu Công quả là vô cùng cuồng ngạo... Tóm lại, đây là một bài văn giả tạo, sặc mùi đại gian đại ác.
Bất luận người đời bình luận thế nào, nửa tháng sau triều đình đã ban bố lệnh mới, Hán Thừa tướng Vũ Bình hầu Tào Tháo bị giảm phong năm ngàn hộ, phân phong ấp một vạn năm ngàn hộ ở ba huyện Dương Hạ, Chá, Khổ cho ba vị công tử của ông - Tào Thực làm Bình Nguyên hầu, Tào Cứ làm Phạm Dương hầu, Tào Lâm làm Nhiêu Dương hầu, mỗi công tử hưởng phong ấp năm ngàn hộ.
Nhìn qua thì thấy Tào Tháo nhượng lại ba huyện hai vạn hộ, ba người con trai thụ phong một vạn năm ngàn hộ, Tào gia tổng cộng bị mất năm ngàn hộ phong ấp. Nhưng đất phong mà ông nhượng lại đều thuộc vùng trung nam bộ ở Dự Chậu, đổi lại ba huyện Bình Nguyên, Phạm Dương, Nhiêu Dương đều là những trọng trấn phía bắc, Tào gia dựng nên một phòng tuyến ở ba châu U, Thanh, Ký, tạo thành một bước bình phong bảo vệ Nghiệp Thành. Hơn nữa có một điều thú vị là, căn cứ vào chế độ ân phong của triều đình, nếu như phụ thân là huyện hầu, vậy thì ngoại trừ đích trưởng tử ra, những người con khác chỉ có thể thụ phong chức quan nội hầu, cấp bậc thấp hơn so với huyện hầu. Vũ Bình hầu chính là huyện hầu, mà Bình Nguyên, Phạm Dương, Nhiêu Dương cũng đều là huyện, vậy là Tào gia một nhà có tới bốn huyện hầu, đây rõ ràng là vi phạm phép tắc. Nhưng liệu ai dám công nhiên phản đối?
Bất luận thế nào, ai vụ lợi thì trong lòng người đó hiểu rõ, Tào gia chìm đắm trong niềm cảm kích đối với sự “bao la của hoàng ân”. Nhưng Tào Phi chẳng thể vui nổi - Nói là triều đình ân phong cho ba vị công tử, nhưng kỳ thực Tào Tháo đã sớm sắp đặt, Đổng Chiêu vì việc này mà đến Hứa Đô thương lượng. Xét về ba vị công tử được thụ phong lần này, Tào Lâm là con của Đỗ thị, mỹ nhân trước nay vốn được Tào Tháo sủng ái, có thể nói là con hưởng phúc mẹ. Tào Cứ do Hoàn thị sinh ra, ai cũng hiểu rằng vị công tử này hưởng nhờ phúc của vị huynh trưởng cùng mẹ là Tào Xung. Nhưng Tào Thực thì khác, nếu chiếu theo nguyên tắc kế tục, Tào Phi không được phong hầu, phải đợi đến khi Tào Tháo qua đời mới được kế tục tước vi Vũ Bình hầu, nhưng nếu đã như vậy cũng nên gia phong cho người con thứ hai là Tào Chương trước. Vậy nhưng Tào Tháo lại bỏ qua trưởng tử Tào Phi và người con thứ hai là Tào Chương để phong hầu cho Tào Thực là người con thứ ba do Biện thị sinh ra, dường như có ẩn ý trong đó.
Nếu đứng trên lập trường của Tào Phi, Tào Thực là địch thủ mạnh nhất cạnh tranh ngôi lớn, bây giờ lại được phong hầu trước cả y, ắt sẽ nhân cơ hội tạo dựng thế lực, trở thành mối uy hiếp cực lớn với y. Thế nhưng, chính vào lúc Tào Phi loay hoay trù tính, bỗng có một tin truyền đến từ Hứa Đô, đúng như lời dự liệu trước kia của Trần Quần, triều đình đang thương nghị phong quan cho Tào Phi - Tào Tháo đối đãi không hề thiên lệch giữa con cả và con thứ ba, một người được phong hầu, một người tạm thời không được phong hầu thì phong quan, cán cân coi như đã cân bằng trở lại.
Tào Phi vui mừng quá đỗi, không buồn đợi chiếu thư của triều đình nữa, vội vã chạy đến mạc phủ tạ ân phụ thân. Hôm đó Tào Tháo không triệu kiến ngoại thần, điện Thính Chính không một bóng người, Tào Phi đi một mạch xuống hậu trạch, đến thẳng Hạc Minh đường khấu bái phụ thân.
— Con đến làm gì? Chiếu thư còn chưa tới mà. - Tào Tháo ngạc nhiên hỏi, - Cứ thập thà thập thò như vậy, sau này làm quan thế nào? Còn không mau đứng dậy, hành lễ với Lâu thúc phụ!
Tào Phi vừa bước qua cửa đã vội dập đầu nên chưa kịp nhìn, lúc này mới để ý thấy, Tào Tháo đang ngồi cùng Lâu Khuê, trên bàn có một bàn cờ vây và vài loại hoa quả - Sau cái chết của Hứa Du, Lâu Khuê tức giận, mượn cớ ngã bệnh không chịu làm quan nữa, đã rất lâu rồi không tới mạc phủ, sao hôm nay lại đến đánh cờ với phụ thân? Xem ra hai người đã nói chuyện thẳng thắn với nhau, những vướng mắc trong lòng cũng được giải tỏa. Nhưng phía sau họ còn có hai người trẻ tuổi đang đứng xem cờ. Một người là Vương Xán, còn người kia Tào Phi không biết, nhưng trông sắc phục có vẻ là một tiểu lại không có danh phận gì, loại người này sao có thể bước vào hậu đường mạc phủ?
— Tiểu điệt xin tham kiến thúc phụ.
Có chỉ thị từ phụ thân, Tào Phi đành phải làm theo lễ tử đệ.
Lâu Khuê đang dồn tâm trí cho trận cờ, không hề đếm xỉa gì đến Tào Phi, hai mắt chỉ dán vào thế cờ. Nhưng thân phận của Vương Xán không được như vậy, hắn lập tức khom người thi lễ; còn kẻ nom giống tiểu lại kia lại càng ton hót, vội vã bước đến khấu đầu:
— Ôi chà! Vị này không phải là đại công tử tài đức song toàn, trung hiếu vô song, vang danh tứ hải của Thừa tướng hay sao? Sớm đã nghe nói ngài văn võ song toàn, tuổi trẻ tài cao, quả nhiên có tướng mạo của bậc anh hùng. Hôm nay tiểu nhân được diện kiến là phúc đức ba đời! Ngày sau về quê cũng coi như có cái để kể lể, khoe khoang, đúng là cha anh hùng con tuấn kiệt, Tào gia cả nhà đều xuất chúng, tiểu nhân xin khấu đầu trước công tử ngài...
Vừa nói vừa dập đầu cồm cộp xuống nền đá, chỉ hận không toác đầu chảy máu.
Tào Phi không phải người khiêm nhường từ tốn, nhưng cũng thấy chối tai trước những lời hoa mỹ đó, nghe xong cảm thấy mặt mày đỏ lựng, vội bước đến đỡ dậy:
— Không cần đa lễ, mau mau đứng dậy, dám hỏi ngài là...
Hắn nịnh bợ một hồi mà vẫn chưa nói mình là ai.
— Tại hạ Khổng Quế, người Thiên Thủy, đến Nghiệp Thành bái yết Thừa tướng, nhân thể bẩm báo việc quân. Hôm qua còn nói phải đến bái vọng công tử, nào ngờ được gặp mặt ở đây, tâm nguyện của tiểu nhân coi như đã trọn vẹn. - Khổng Quế vừa nói vừa chắp tay thi lễ, bộ dạng rất thành khẩn, - Tiểu nhân đến từ nơi khỉ ho cò gáy, miệng thô lưỡi tục không biết ăn nói, công tử xin chớ chê cười.
Vương Xán đứng cạnh thầm nghĩ: “Ngươi còn không giỏi ăn nói ư, đến người chết ngươi cũng có thể nịnh cho mát lòng mát dạ nữa là!”
Tào Phi nghe xong không mấy hả hê, không phải vì y không thích nghe những lời nịnh bợ, mà bị thu hút bởi tướng mạo của Khổng Quế. Hắn mặt mũi trắng trẻo, lông mày lá liễu, đôi mắt ngân hạnh, mũi cao miệng nhỏ, răng đều tám tắp, đôi hàng ria mỏng, khi nói cười còn có hai má lúm, tướng mạo rất giống với một ai đó mà y từng gặp trước kia. Tào Phi định thần giây lát, rồi chợt nhận ra: A! Người này cực kỳ giống với Quách Gia - Quách Phụng Hiếu!
Y vừa nghĩ đến đó bỗng nghe thấy Tào Tháo cười nói:
— Con phải cẩn thận, mồm mép của tên tiểu tử này còn lợi hại hơn cả thiên binh vạn mã. Chỉ e tụ tập tất cả đám nịnh bợ trong thiên hạ lại cũng chẳng địch được một mình hắn.
— Kỳ lạ! - Lâu Khuê nhúp một quân cờ bỏ vào trong hộp, - Hai quân tạo thành thế liên hoàn, trong địch có ta, trong ta có địch, hai canh giờ bất phân thắng bại, vậy mà cuối cùng lại thành một ván cờ hòa, tại hạ đánh cờ cả nửa đời người vẫn chưa từng chứng kiến thế cục này. Trước kia đấu cờ với Thừa tướng đều là tại hạ thắng, nay sao lại không thắng được nữa? Ván cờ này quả thực không biết nên đánh tiếp ra sao, kỳ lạ, kỳ lạ!
Vương Xán cười hì hì bước đến bên cạnh:
— Tại hạ vẫn còn nhớ rõ. - Nói đoạn bèn lấy một quân đen và một quân trắng trong hộp cờ ra, - Quân đen của Lâu công ở góc này, Thừa tướng hạ cờ ở đây... Lâu công cướp quân như vậy, Thừa tướng bèn phá thế... Sau đó thế này, ngài liền đánh thế này... - Hắn vừa nói vừa đặt cờ, chẳng lầu sau đã kín mít cả bàn cờ, không hề sai một ly so với khi nãy.
Lâu Khuê trông thấy toát mồ hôi trán:
— Trọng Tuyên quả là kỳ nhân, quả nhiên có trí nhớ phi phàm!
Tào Tháo mặt lộ vẻ đắc ý:
— Tử Bá à, nay ta ngày ngày đối cờ với cao thủ này, ông còn nghĩ có thể thắng được ta?
Lâu Khuê thở một hơi dài não nề:
— Người đánh cờ, trên có tượng của thiên địa, thứ có trị của đế vương, trung có quyền của ngũ bá, hạ có việc của chiến quốc, lãn kỳ đắc thất, cổ kim chiến lược. Mạnh Đức nay có chức vị của Thừa tướng, khí đoạt thiên hạ, cả đời này của ta không thể so sánh với ngài nữa rồi.
Thời còn trẻ, ông ta tính rất tự phụ, lòng có chí lớn tung hoành thiên hạ, tài lược cũng không thua kém Tào Tháo, chỉ là không gặp thời vận, lúc nào cũng phải khuất dưới bóng kẻ khác. Cũng chính vì vậy nên Tào Tháo tuy phong ông ta làm tướng quân, nhưng không hề cấp cho một binh một tốt, trên thực tế chẳng khác gì tham mưu, sâu thẳm trong lòng Tào Tháo vẫn có ý đề phòng.
Tào Tháo thấy ông ta thở dài, cười nói:
— Ông còn nhớ cược gì cho ván cờ này không?
— Đương nhiên là nhớ, nếu như tại hạ thắng Thừa tướng, thì từ nay chỉ việc nằm nhà, hưởng không bổng lộc. Còn nếu không thắng được Thừa tướng, từ ngày mai phải trở về mạc phủ nghe sai khiến. Giờ là thế cờ hoà, nhưng theo cược thì tại hạ đã thua, cho dù tại hạ cầm quân đen, nhưng trên thực tế đã lâm vào thế hạ phong. Tại hạ biết giữ lời hứa, sáng sớm ngày mai sẽ đến chờ lệnh.
Lâu Khuê vừa nói vừa đứng dậy xỏ giày. Tào Tháo lắc đầu nói:
— Nếu ông thực sự không muốn bị gò ép, không đến nhận lệnh cũng không sao, nhưng bắt buộc phải hứa với ta một việc.
— Thưa, chuyện gì?
Tào Tháo mỉm cười:
— Năm xưa ông từng thăm thú Quan Tây, nếu có một ngày ta xuất binh tây chinh, ông phải theo quân cùng hiến mưu vạch kế.
— Được, tại hạ dám cược dám chịu.
Lâu Khuê chắp tay, thở dài cảm khái bước đi. Vừa đến cửa trước, bỗng trông thấy Chủ bạ Dương Tu ôm mấy quyển trục chạy vào, suýt chút nữa đâm sầm vào ông ta.
— Sao thế?
Tào Phi giật mình. Dương Tu tay bưng quyển trục, bẩm:
— Có quân báo khẩn cấp, Thái...
— Thổ hào quận Thái Nguyên là Thương Diệu dấy binh tạo phản. - Tào Tháo bỗng cất lời chen ngang.
Dương Tu kinh ngạc há hốc miệng:
— Sao Thừa tướng lại biết ạ?
— Lão phu không những biết Thương Diệu tạo phản, ta còn biết Mã Siêu đang lôi kéo thổ hào Lam Điền là Lưu Hùng cùng tạo phản. - Tào Tháo mỉm cười, lừ mắt nhìn Khổng Quế. - Tên Mã Nhi này trong lòng không có cha, không có vua, mưu đồ phản loạn, hắn nói với chư tướng Quan Trung rằng phụ thân hắn ngầm cho phép tạo phản. Thực tế thì sao? Mã Đằng mấy lần viết thư đều dặn hắn phải lấy gia tộc làm trọng, không được làm loạn!
Vừa nói, ông vừa rút hai quyển trục ném mạnh xuống đất. Lần này đến lượt Khổng Quế sợ hãi: Sao ngay cả thư từ qua lại của cha con Mã thị mà ngài cũng rõ như lòng bàn tay?
Ông ta đâu biết rằng, Tào Tháo có hiệu sự Lư Hồng, Triệu Đạt ở trong kinh giám sát bách quan, liệu có thứ gì có thể lọt qua mắt bọn họ? Điều Tào Tháo cần chính là khiến cho ông ta sợ hãi, muốn để ông ta làm rõ lập trường của mình, chớ có một chân đạp hai thuyền giống Dương Thu.
Dương Tu dần định thần lại, hỏi:
— Vậy, vậy việc ở Thái Nguyên nên xử lý thế nào?
Tào Tháo vẻ mặt thản nhiên, đáp:
— Ngươi an tâm, hôm qua ta đã bí mật phái Hạ Hầu Uyên, Từ Hoảng dẫn binh đến Tịnh Châu dẹp loạn, ngoài ra ta cũng gửi thư cho Tào Nhân, bảo hắn dẫn bộ quân tiến lên phía bắc chuẩn bị tiếp ứng cho Chung Do. Mã Nhi muốn bất ngờ giết ta, ta sẽ tương kế tựu kế với hắn!
Khổng Quế không bỏ lỡ thời cơ, bước đến nói:
— Thừa tướng thần cơ diệu toán, thực là bậc thần sống. Mã Siêu tiểu nhân cuồng mạn, Hàn Toại chó già ngu xuẩn, rõ ràng không phải là đối thủ của ngài.
Tào Tháo tự tay cởi bội đao ở eo xuống, tháo đai Khuếch Lạc được khảm ngọc đẹp, phục sức tinh xảo ra đưa cho hắn:
— Ngươi làm việc tốt, ta thưởng cái này cho ngươi.
Đai Khuếch Lạc vốn là một loại đai lưng bằng da của các dân tộc du mục phương Bắc như Hung Nô, Tiên Ti, bên trên có móc có thể đeo đao kiếm, sau khi du nhập vào Trung Nguyên người Hán khảm thêm nhiều loại đá ngọc. Vì chỉ có sĩ nhân mới được mang bội kiếm, nên đai Khuếch Lạc trở thành vật tượng trưng cho thân phận. Khổng Quế xuất thần nô bộc, nào đã từng dùng món đồ như vậy, huống hồ lại được Thừa tướng ban cho? Hắn nửa cảm động, nửa cố ý diễn trò, quệt nước mắt nói:
— Thừa tướng coi trọng tiểu nhân, tiểu nhân cả đời cũng không quên đại ân đại đức của ngài. Đừng nói là kiếp này, nếu có kiếp sau tiểu nhân cũng nguyện làm trâu làm ngựa cho ngài.
Nói đi nói lại hắn đã tự nhận mình là người của Tào doanh. Tào Tháo dặn dò nhi tử phải cẩn thận trước những lời nịnh bợ, nhưng bản thân ông nghe những lời này cũng cảm thấy khoái chí, cười nói:
— Mấy việc vặt này ngươi khóc cái gì? Nếu lại lập được công mới, ngày sau tất có phú quý chờ ngươi. Chuyện Thương Diệu mưu phản là thật, ngươi có thể đi rồi, trở về hãy tiếp tục theo dõi động tĩnh của nhị tặc Mã, Hàn, có tin tức gì thì báo ngay cho ta biết.
— Vâng, tiểu nhân nhất định sẽ không phụ lòng Thừa tướng!
Khổng Quế chắp tay vái lạy, đoạn nâng đai Khuếch Lạc, hí hửng lui ra. Không còn đai Khuếch Lạc nên cũng không đeo được bội đao nữa, Tào Tháo nhíu mắt nhìn thanh đao rồi liếc về phía Tào Phi:
— Con sắp làm quan, thanh đao này ta tặng cho con.
— Tạ ơn phụ thân.
Tào Phi nhận lấy thanh đao dài ba tấc, khẽ tuốt ra xem, thấy trên chuôi đao chạm trổ mãnh hổ, lưỡi đao vẫn chưa mở ra. Hình dạng thanh đao không có gì đặc biệt, nhưng khi cầm lại nặng, rất chắc tay.
— Đây là đao Bách Tích do Giám trị yết giả(*) Hàn Kỵ năm ngoái đúc tạo, tất cả có năm thanh là long, hổ, hùng, điều, tước. Trong số huynh đệ các con ai có đức có tài ta sẽ thưởng cho kẻ đó, người hiếu dũng vô mưu, ham mê vô độ như Chương nhi thì không được, còn ai tinh thông văn học, am hiểu thế đạo mới được nhận. Hôm nay ta thưởng trước một thanh cho con, ngày sau ai có tố chất ta sẽ thưởng cho kẻ đó.
— Đa tạ phụ thân.
Tào Phi thầm đắc ý: Phụ thân thưởng thanh đao này cho ta, há chẳng phải công nhận ta có tố chất?
Tào Tháo trở về chỗ ngồi, vỗ vỗ đùi nói:
— Hàn Kỵ là một kẻ có tài, ông ta đã cải tiến phép luyện kim, dùng lực nước thay cho sức ngựa, sức người(*), không những tiết kiệm được súc vật mà lợi ích còn gấp ba lần so với trước, nếu không sao có thể luyện ra được bảo đao quý như vậy? Hôm nay ta giao thanh đao này cho con, chính là muốn nói với con rằng cầm quyền cũng như cầm đao, sinh tử phụ thuộc vào một ý nghĩ, há có thể không thận trọng? Cũng mong con phải tôi rèn việc đối nhân xử thế tựa như bảo kiếm này.
Tào Tháo biết rõ như lòng bàn tay những việc mà Tào Phi đã làm trước đây, nhưng vẫn không tiện nói thẳng, chỉ thoáng nhắc qua - Con kéo bè kết đảng, hối lộ quan viên thế nào ta đều biết cả, sau này cẩn thận cho ta!
Tào Phi cúi đầu đáp:
— Con xin ghi nhớ lời dạy bảo.
Nói là một chuyện, còn làm lại là việc khác, rốt cục Tào Phi có hiểu hay không, Tào Tháo cũng không thể liệu được, chỉ nhìn chằm chằm con trai. Dương Tu thân thiết với Tào Thực hơn Tào Phi, nên không có tâm trạng nghe cha con họ tâm sự, thấy không khí có vẻ trầm lại, vội nói tiếp:
— Thừa tướng, còn một việc tại hạ cần bẩm báo.
— Nói đi! - Dòng suy nghĩ của Tào Tháo bị cắt ngang.
Dương Tu dâng quân báo lên:
— Dĩnh Xuyên gửi quân báo đến, quân bản bộ của Chu Linh cướp lương thảo của doanh khác, hai bên nảy sinh va chạm.
Tào Tháo bất giác nhíu mày - Binh sĩ của Chu Linh nổi loạn không phải mới lần đầu, năm xưa bình định Hà Bắc, Tào Tháo lệnh cho Chu Linh quản lý tân binh Ký Châu, cùng sáu cánh quân của Vu Cấm, Trương Liêu, Lý Điển xuống phía nam đồn trú Dĩnh Xuyên. Trước khi đi Tào Tháo năm lần bảy lượt dặn dò Chu Linh phải cẩn thận hành sự, vậy mà hắn vẫn bỏ ngoài tai, kết quả gây ra họa lớn, Trung lang tướng Trình Ngang tạo phản. Mới cách đó mấy năm mà đã tái phạm tật cũ. Tào Tháo không nương tay nữa, lạnh lùng nói:
— Hỏa tốc viết thư cho Vu Cấm, lệnh cho hắn tước lấy binh quyền của Chu Linh. Hừ! Ta có thể ban thì cũng có thể đoạt, ai bảo hắn hành sự bất cẩn!
Tào Phi không phải là kẻ khờ khạo, thậm chí còn tinh ý hơn cả Tào Tháo. Nhưng hôm nay gặp chuyện vui, lại được Khổng Quế cho uống canh mê hồn, nên không nghe ra câu nói này của phụ thân không chỉ ám chỉ Chu Linh.
Tào Tháo nhìn theo bóng dáng của con trai, trong lòng có phần trống rỗng: Lẽ nào đây chính là người kế tục cơ nghiệp trăm năm sau của Tào mỗ ta? Tham quyền hám lợi, tai tiếng thị phi, bụng dạ hẹp hòi, tài đức không cao, hành vi bất cẩn, sao có thể sánh với Ngang nhi, Xung nhi...
Sau khi được ban thưởng, Tào Phi vừa bước chân ra khỏi mạc phủ thì bỗng Khổng Quế từ đâu lao tới, chẳng nói chẳng rằng thắt đai Khuếch Lạc vào lưng y.
— Ngươi làm gì vậy? Phụ thân ta thưởng cho ngươi mà... - Tào Phi vội vã đẩy ra.
Khổng Quế mặt mày tươi rói:
— Công tử xin đừng chê cười, tiểu nhân từ xa đến đây không mang theo đồ gì, bảo bối này Thừa tướng thưởng cho tiểu nhân, nay tiểu nhân biếu lại công tử.
— Sao làm thế này được?
— Ây dà! Nếu Thừa tướng có hỏi, ngày sau tiểu nhân sẽ có cách nói. Đồ của Thừa tướng cũng là đồ của công tử, đừng nói một cái đai ngọc, mọi thứ của Thừa tướng sớm muộn gì cũng chẳng phải của công tử hay sao? - Câu này nói trúng tim đen của Tào Phi, - Từ nhỏ tiểu nhân đã không có cha mẹ, cũng không biết làm sao để hiếu kính người khác, xin ngài chớ chê cười...
Tào Phi nhìn đai ngọc dưới thắt lưng, lại tiện tay đeo luôn bảo kiếm vào, quả nhiên thấy phấn chấn lên hẳn. Y vừa được phong quan, vừa được ban thưởng, vừa được nghe lời hay ý tốt, bất giác cảm thấy lâng lâng, vỗ vỗ vai Khổng Quế nói:
— Cũng được, đa tạ thành ý của ngươi.
Khổng Quế vừa phủi phủi nếp nhân trên tay áo của Tào Phi, vừa cười hì hì, nói:
— Ngày sau cảm phiền đại công tử nói chút lời hay trước mặt Thừa tướng, cho dù bắt tiểu nhân đến phủ làm nô tài, ngày ngày bóp chân đấm lưng cho Thừa tướng và công tử, vẫn còn tốt hơn vạn lần so với ở nơi khỉ ho cò gáy như Lương Châu! Ngài nói có phải không?
Tào Phi mặt mày rạng rỡ, gật gù liên tục...
Dẫn sói vào nhà
Phàm mọi chuyện có mặt tốt thì cũng có mặt xấu. Tào Thào lấy danh nghĩa thảo phạt Trương Lỗ để mưu đoạt Quan Trung, ép được Hàn Toại, Mã Siêu làm phản. Mặt khác, Chu Du lâm bệnh qua đời ở Ba Khâu, mưu đồ tây tiến của Tôn Quyền gặp phải trở ngại. Nhìn qua có vẻ như Tào Tháo hoàn toàn giành được quyền chủ động chinh phạt thiên hạ, nhưng lại không hề hay biết mầm họa đang dần lớn lên ở mãi đất Thục xa xôi. Tin tức thảo phạt Trương Lỗ truyền đi khắp nơi, có thể đến được Lương Châu thì cũng có thể truyền khắp thiên hạ. Khi truyền đến Thành Đô, tin tức này đã khiến cho Chấn Uy Tướng quân, Ích Châu mục Lưu Chương hoang mang cực độ.
Lưu Chương tự Quý Ngọc, là con thứ tư của Lưu Yên, vốn không có hy vọng kế thừa cơ nghiệp. Nhưng vì trưởng tử của Lưu Yến là Lưu Phạm, thứ tử là Lưu Đản cấu kết với Mã Đằng dấy binh tạo phản, đánh tới Trường An, chết dưới tay của Lý Thôi, còn con trai thứ ba là Lưu Mạo thân mang trọng bệnh, không thể cai quản chinh sự, nên vị trí Ích Châu mục mới rơi vào tay Lưu Chương. Lưu Chương đối nhân xử thế ôn hòa khiêm tốn, hoàn toàn không giống với người cha bá đạo hiểm ác của mình, dưới trướng có Triệu Vỹ, Bàng Hy chủ trì đại cục, thế nhưng hai người Triệu, Bàng lại bất hòa. Triệu Vỹ trước kia được triều đình bổ nhiệm làm Thái thương lệnh, từng lập công khi Lưu Yên về Thục, do tịch quán của ông ta ở Ích Châu nên những quan lại do ông ta đề bạt đa phần là nhân sĩ Tây Châu. Còn Bàng Hy là người Trung Nguyên, từng nhận chức Nghị lang, gặp lúc chiến loạn đã cùng ba nhân sĩ khác chạy sang lánh nạn tại đất Thục, được cha con Lưu Yên trọng dụng, thuộc bè phái Đông Châu. Mâu thuẫn giữa hai phe phái Đông, Tây Châu ngày một trầm trọng, Triệu Vỹ vì tình thế bức bách nên phải dấy binh tạo phản, thông đồng với Lưu Biểu giúp người ngoài, cuối cùng bị Bàng Hy dẫn quân tiêu diệt. Nhưng sau rốt, Bàng Hy lại dần dần lâm vào thế thất lợi trong cuộc đối đầu với Trương Lỗ, khiến cho quan dân đất Thục khổ sở khôn xiết, tiếng oán thán đầy đường, sĩ nhân tây xuyên lại càng phẫn nộ bất bình. Cha con Lưu Yên cai trị đất Thục đã hơn hai mươi năm, chinh chiến liên miên không lúc nào ngớt, làm sao có được nhân tâm?
Lưu Chương tuy có đức nhưng lại bất tài, nhu nhược, hay tin Tào Tháo muốn chinh thảo Trương Lỗ, ông ta sợ đến nỗi mất ăn mất ngủ - Trương Lỗ vốn là Đốc nghĩa tư mã, bộ hạ của Lưu Yên, tổ phụ của hắn là Trương Lăng từng ẩn cư ở núi Hạc Minh, chuyên tâm nghiên cứu điền tịch của hai phái Nho Đạo, sau đó tham khảo sấm vỹ và vu thuật để chú giải Đạo đức kinh, lấy tên là Lão tử tưởng nhĩ chú, lưu truyền rộng rãi trong đất Thục.
Năm xưa Lưu Yên nhân lúc thảo phạt quân Khăn Vàng để cát cứ đất Thục, phái Trương Lỗ và Biệt bộ tư mã Trương Tu công chiến Hán Trung, tru diệt Quận thú do triều đình bổ nhiệm là Tô Cố. Nào ngờ sau khi thành việc, Trương Lỗ lại tập kích giết chết Trương Tu, một mình chiếm cứ Hán Trung, không xưng là Thái thú mà xưng là “Sư quân”, sau đó phế bỏ pháp lệnh của triều đình, đổi sang dùng “đạo pháp” do tổ phụ để lại để trị dân. Vì những người muốn nhập đạo đều phải nộp năm đấu gạo, nên từ đó giáo phái này được gọi là “Ngũ Đấu Mễ đạo”. Một là do Lưu Yên vừa mới định xong đất Thục, căn cơ chưa vững, hai là “giặc gạo” cũng vừa hay giúp hắn có cái cớ cắt đứt liên hệ với triều đình, lại cộng với việc mẫu thân của Trương Lỗ vẫn ở Thành Đô làm con tin, nên Lưu Yên cũng thuận nghe, ngầm cho phép Trương Lỗ tự tung tự tác, hai bên coi như dĩ hòa vi quý. Nhưng sau khi được kế vị, không biết Lưu Chương nghe theo chủ ý của ai, lại hạ lệnh giết hại mẫu thân của Trương Lỗ, khiến cho hai nhà trở mặt thành thù, chiến tranh liên miên.
Tuy Lưu Chương và Trương Lỗ có nhiều ân oán, nhưng xét cho cùng cả hai đều hùng cứ trong địa phận Ích Châu. Hán Trung là yết hầu trên con đường tiến vào đất Thục, nếu như Tào Tháo diệt được Trương Lỗ thì đường vào đất Thục coi như mở rộng, kẻ xui xẻo tiếp theo chính là Lưu Chương.
Kỳ thực Lưu Chương vốn dĩ có ý định kết hảo với Tào Tháo, vì vậy đã từng ba lần phái sứ giả đến bái yết Tào Tháo. Lần đầu tiên sai Trung lang tướng Âm Phổ đi, xin về cho ông ta chức quan Trấn Uy Tướng quân; lần thứ hai do Tòng sự Trương Túc đi sứ Hứa Đô, khôi phục việc cống tiến với triều đình. Ba năm trước Tào Tháo cử binh nam tiến, Lưu Tông không đánh mà hàng, thanh thế quân Tào chấn động thiên hạ. Lưu Chương không dám chậm trễ nữa, nâng cao quy cách của sứ giả, phái biệt giá Trương Tùng một lần nữa đến yết kiến. Nào ngờ phản ứng của Trương Tùng khi quay về lại hoàn toàn khác biệt so với hai sứ giả lần trước. Ông ta chỉ trích Tào Tháo ngạo mạn vô lễ, đối nhân tàn bạo, khuyên Lưu Chương nên cắt đứt giao thiệp. Lưu Chương bán tín bán nghi, đang do dự không biết nên xử trí ra sao thì tin tức Xích Bích chiến bại lại truyền đến. Thế là ông ta thuận gió đẩy thuyền, thái độ từ thân Tào trở thành phản Tào, lại cắt đứt tiến cống với triều đình.
Thế nhưng hiện giờ gió đã đổi chiều, Tào Tháo thay đổi chiến lược dụng binh mé đông sang cử binh phía tây, nên ứng phó ra sao đây? Lưu Chương nghĩ mãi không thôi. Trong thời khắc then chốt, biệt giá Trương Tùng lại chạy đến hiến kế:
— Lưu Huyền Đức cùng tông thất với chúa công, lại có thâm thù với Tào Tháo. Người này bôn ba nam bắc, rất biết dụng binh, nếu có thể kết hảo với hắn rồi sai hắn thảo phạt Trương Lỗ, Lỗ tất sẽ bại. Một khi đoạt được Hán Trung, chúa công nắm giữ yết hầu của đất Thục, nơi đó có thể một người đứng chặn, vạn kẻ khó qua, Tào Tháo có đến cũng chẳng làm được gì!
Lưu Chương nghe xong cảm thấy vô cùng có lý, bèn triệu tập liêu thuộc thương nghị việc này...
— Tuyệt đối không thể! - Chủ bạ Hoàng Quyền lập tức phản đối, - Lưu Huyền Đức xưa nay vốn là một kẻ kiêu hùng, dưới trướng rặt những kẻ lang sói làm tâm phúc. Nay nếu để hắn vào đất Thục, chủ công đãi ngộ với hắn như kẻ dưới trướng, hắn tất bất mãn, còn nếu dùng lễ tân khách để đối đãi thì một nước không thể hai chủ. Kẻ làm khách thì sẽ vững như núi Thái Sơn, còn người làm chủ thì nguy như trứng để đầu đẳng. Chỉ e Lưu Bị vừa đến, chủ công sẽ mất chốn dung thân trong đất Thục.
Lưu Chương vốn là kẻ ba phải, vừa nãy còn thấy đề nghị của Trương Tùng là đúng, giờ nghe những lời này lại cũng cảm thấy có lý:
— Nếu không thể mời Lưu Bị, vậy Tào Tháo đến ta phải làm sao?
Hoàng Quyền chắp tay trả lời:
— Binh đến tướng chặn, nước dâng đất ngăn, đứng sau thành cao hào sâu, đợi chờ cơ biến.
Nói đoạn bất giác thở dài - Ông ta thở dài không phải vì tình hình đất Thục không ổn mà vì Lưu Chương thân làm chủ mà chỉ biết dựa vào kẻ khác, thà mời người ngoài đến trợ giúp chứ không dám sống chết một phen.
Sở dĩ Trương Tùng để xuất như vậy thực chất là vì đã ngầm có ý riêng, há có thể để Hoàng Quyền ngăn cản? Ông lập tức phản bác:
— Quân địch xâm lấn, thế như lửa cháy trước mặt, nếu đợi thời cơ thì rõ là hạ sách.
— Quân địch ở đâu? - Lại một kẻ khác đứng ra cất lời, mọi người đều quay sang nhìn, thì ra là Tòng sự Vương Lũy, - Nay quân Tào còn chưa đến, tình thế chưa gấp rút. Huống hồ tây bắc chiến sự liên miên, Tào Tháo chưa thể định xong Quan Trung nữa là Hán Trung?
Trương Tùng cứng giọng đáp trả:
— Phàm mọi chuyện dự tính được thì thành, không dự tính được tất sẽ thất bại. Chư tướng Quan Trung toàn một dám ô hợp, trước sau gì cũng bị Tào Tháo trừ diệt. Định xong Quan Trung hắn tất sẽ tiến xuống Hán Trung, khi đó họa chẳng còn xa!
Vừa nói vừa quay sang Lưu Chương giọng rất khẩn thiết:
— Mong chúa công tính kế lâu dài, sớm ra quyết định.
Lưu Chương nhíu chặt lông mày, đang không biết nên nghe theo ai, bỗng nhiên thấy một người bước vội ra tâu:
— Lưu Bị là kẻ anh hùng, cho hắn vào tất sẽ rước họa vào thân, chúa công tuyệt đối không thể nghe theo kế của Trương Tử Kiều.
Người nói câu đó là Lưu Ba. Năm xưa quân Tào đại bại ở Xích Bích, khi chạy trốn Tào Tháo đã lệnh cho Lưu Ba xuống phía nam thống lĩnh bốn quận Giang Nam để chống giữ. Nào ngờ thanh thế Lưu Bị quá mạnh, viện quân của Tào Tháo thì mãi vẫn không đến, bốn quận hoặc bị công chiếm, hoặc phải đầu hàng, Lưu Ba không còn đường trở về bắc, đành xuống phía nam trốn ở Giao Châu, muốn mượn sức Thái thú Giao Chỉ Sĩ Nhiếp để quay về bắc. Nào ngờ Giao Châu tuy là vùng biên thùy nhưng cũng quy tụ nhiều kẻ đào vong, Tào Tháo, Lưu Biểu và Tôn Quyền đều muốn nhúng tay vào, trên danh nghĩa đều ủy nhiệm một số quan viên nơi đó. Thế lực các phái tranh giành, đấu đá lẫn nhau, Lưu Ba và Sĩ Nhiếp không đồng lòng thuận ý với nhau, Lưu Ba ở lại vài tháng bèn quyết định rời đi, định từ Ích Châu theo dường vòng lên phía bắc trở về Tào doanh, ngờ đâu giữa đường bị quan binh đất Thục bắt được, giải về Thành Đô chờ xử trí. Lưu Ba biết Lưu Chương đoạn tuyệt triều cống, tưởng rằng chuyến này đã vào thẳng quỷ môn quan, nào ngờ đến Thành Đô mới biết, thì ra tổ tịch của cha con Lưu Yên ở Giang Hạ, năm xưa Lưu Chương lại được tiên phụ của Lưu Ba là Lưu Tường đương chức Thái thú Giang Hạ xét cử hiếu liêm. Vị Ích Châu mục này tuy bất tài vô dụng nhưng tâm địa lại rất tốt, biết có ân tất báo, cứ ba ngày lại ban thưởng năm ngày lại mời tiệc, coi ông ta là thượng khách, có ý giữ lại. Lưu Ba cảm niệm hậu ý của Lưu Chương, bèn lưu lại nhận chức Tòng sự, cũng là để đợi thời cơ khuyên ông ta quy hàng Tào Tháo.
Giờ thấy Trương Tùng nhất mực đòi dẫn Lưu Bị vào đất Thục, Lưu Ba há có thể ngồi yên? Bèn đứng ra can gián:
— Tại hạ là người Kinh Châu, thường nghe nói Lưu Bị phản phúc khó lường. Trước ở dưới trướng Tào Tháo từng lấy oán báo ân, sau đi theo Tôn Quyền lại cướp đoạt Kinh Châu. Tâm thuật như vậy, há có thể tin tưởng?
Trương Tùng liếc mắt nhìn Lưu Ba, cười nhạt nói:
— Lưu Tử Sơ, ông vốn là người Tào doanh, đến bước đường cùng mới chạy xuống Ích Châu, lời của ông há có thể khiến người khác tin phục?
— Ông, ông...
Lưu Ba nghe vậy tức đến nỗi đỏ mặt tía tai, nhưng lại chẳng thể phản bác.
— Ta làm sao? - Trương Tùng vẫn không chịu buông tha, tiếp tục dồn ép, - Trương gia ta là nhân sĩ Thục Quận, huynh trưởng Trương Túc của ta nhận lệnh triều đình làm Thái thú Quảng Hán, tử đệ trong gia tộc đều ở quê hương, lý nào lại không lo nghĩ cho chúa công? Không giống như kẻ ngoại lai tâm địa bất trắc như ông!
— Ông mới là kẻ tâm địa bất trắc, - Lưu Ba không thể nhịn thêm được nữa, bất giác cao giọng, - Ông muốn bán chủ cầu vinh!
— Ông đúng là giặc lại còn hô bắt giặc!
— Ông bán chủ cầu vinh!
Tranh luận đến nước này đã không còn là vấn đề mời hay không mời Lưu Bị đến, chẳng khác gì thảo luận xem rốt cuộc đất Thục nên ngả theo thế lực nào. Không ít người tán đồng Hoàng Quyền, Lưu Ba, cũng có người ủng hộ Trương Tùng, nhưng tuyệt đại đa số quan viên đều lặng im không nói - Họ đã chán ngán với những cuộc tranh luận như thế này, cũng đã nhẫn nhịn đủ vị chủ công nhu nhược bất tài, tình thế của đất Thục hiện giờ liệu có kết cục tốt đẹp sao? Cứ phó mặc buông trôi, tùy theo số trời vậy.
Lưu Chương có ý khuyên giải, nhưng xưa nay ông ta không có khí khái của người làm chủ, cứ ấp a ấp úp mãi không biết nói gì, mồ hôi chảy đầy đầu. Đang lúc không biết xử trí ra sao, từ góc đông nam của đại đường bỗng vọng lại một tràng cười sang sảng:
— Ha ha ha... Chuyện cỏn con như vậy liệt vị hà tất phải tranh luận đến mức này? Ta có một cách có thể quyết được chuyện này!
Giọng nói dõng dạc thu hút sự chú ý của mọi người, ai nấy đều nghiêng đầu ghé mắt trông qua, vừa nhìn đã có không ít người lộ ra vẻ khinh miệt - Người vừa lên tiếng tuổi ngoài ba mươi, thân thể thấp bé, dáng vóc gầy khô, đầu đội mũ võ biển cài lông chim, mình mặc tiện phục màu đen, eo đeo bội kiếm; khuôn mặt trắng trẻo, chòm râu đen dài; mũi chim ưng, gò má cao, nhân trung thấp, cằm dưới nhọn; điểm khác biệt so với mọi người là người này có đôi lông mày giao nhau, mắt hình tam giác có thần thái, ánh nhìn lanh lợi trông rất gian tà. Mọi người ai cũng nhận ra, đó chính là Quân nghị hiệu úy Pháp Chính.
Pháp Chính tự Hiếu Trực, người huyện My, quận Phù Phong, luận về gia thế có thể nói là rất hiển hách! Tằng tổ phụ của ông là Pháp Hùng, bậc hiền thần đại danh lừng lẫy từng bình tặc khấu, xử án oan, an định lê dân, thúc đẩy nghề nông, là tấm gương văn võ song toàn một đời, ngay cả bậc tam công từng trải qua sáu triều vua như Hồ Quảng cũng là môn hạ của ông ta. Tổ phụ của Pháp Chính là ẩn sĩ trứ danh Pháp Chân, bác lãm quần thư, thông hiểu kinh tịch, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, học vấn thế gian không gì không tinh tường, nhưng lại sống một cuộc đời thanh tịnh giữa chốn núi rừng, nguyện không xuất sĩ làm quan, được mệnh danh là “Huyền Đức tiên sinh”. Phụ thân của Pháp Chính là Pháp Diên cũng rất có tài danh, từng nhận chức Nghị lang, Đình úy tả giám ở Lạc Dương.
Thế nhưng, gia tộc đầy ắp giai thoại ấy lại không mang đến cho Pháp Chính nhiều may mắn, ông ta ở đất Thục chỉ là một nhân vật tầm thường, chẳng có gì nổi bật, từng nhận chức Huyện lệnh Tân Đô nhưng chính tích bình bình, lại vì tính khí quái đản, không câu nệ tiểu tiết mà chuốc lấy nhiều lời xì xào bàn tán. Nay ông mặc dù nhận chức Quân nghị hiệu úy, nhưng trên thực tế chỉ là một chức quan nhỏ phụ trách vệ binh trong mạc phủ, tham nghị chính vụ, không có chút thực quyền nào. Vậy nên không ít người coi thường ông.
Lưu Chương lúc này đang không biết quyết định ra sao, cũng không buồn để ý xem Pháp Chính là người thế nào, vội hỏi:
— Hiếu Trực có cách gì giải quyết được?
Pháp Chính cười đáp:
— Cũng không có kế gì đặc biệt cả. Thành Đô Lệnh là Lý Nghiêm - Lý Phương Chính, vốn là liêu thuộc ở Kinh Châu, chưa từng hàng Tào cũng chưa từng theo Lưu Bị, chủ công có thể gọi ông ta về hỏi xem sự thể ra sao. Nếu ông ta nói rằng Lưu Bị thành tín, có thể giao thiệp, vậy chủ công hãy sai ông ta đi kết giao; còn nếu ông ta nói Lưu Bị gian trá khó lường, lúc đó phủi tay cũng đâu có khó?
— Ôi trời, sao ta lại quên mất người này!
Lưu Chương vỗ vỗ đầu - Lý Nghiêm là nhân sĩ Nam Dương, Kinh Châu, từng nhận chức Huyện lệnh Tỉ Quy dưới trướng Lưu Biểu. Khi đại quân của Tào Tháo nam hạ, các hào cường đại tộc lũ lượt hàng Tào, đám sĩ thần bình thường chạy theo phe Lưu Bị, còn những kẻ lánh nạn thì xuống phía nam, chỉ duy Lý Nghiêm chạy sang đất Thục phía tây nương nhờ Lưu Chương. Ích Châu kết thù với Kinh Châu đã lâu, nhưng trước nay chưa từng chiếm được chút lợi nào, nên khi chạy đến nương nhờ, Lý Nghiêm trở thành một bảo bối hiếm có. Lại thêm ông ta thông minh lanh lợi, rất có tài cán, nên được Lưu Chương nhận mệnh làm Thành Đô Huyện lệnh, trở thành quan phụ mẫu của huyện đứng đầu Ích Châu.
Lời của Pháp Chính khiến Lưu Chương sực tỉnh, lập tức phái người đi mời Lý Nghiêm, Trương Tùng và Lưu Ba không ai chịu nhường ai, khoanh tay tức tối không thèm đếm xỉa đến nhau. Chẳng bao lâu sau Lý Nghiêm đã đến, Lưu Chương vội vã hỏi:
— Lý Huyện lệnh, ngươi từng làm quan ở Kinh Châu nhiều năm, chắc hẳn đã từng nghe nói tới Lưu Huyền Đức, không biết người này thế nào?
Lý Nghiêm đang đi tuần trong thành, đột nhiên bị họ gọi đến, vốn cảm thấy rất thắc mắc, Lưu Chương lại hỏi một câu không đầu không cuối, khiến ông càng không hiểu có ý gì. Ông đang ngần ngừ thì Hoàng Quyền đột nhiên chen ngang:
— Lý Phương Chính, ông mới đến đất Thục đã được bổ nhiệm làm Huyện lệnh Thành Đô, chúa công đối xử với ông không tệ, ông phải nói sự thật!
Trương Tùng trong lòng cũng không suy tính gì, hùa theo căn dặn:
— Tôi nghe nói Lưu Huyền Đức là bậc hiền nhân quân tử, ông chớ nên ăn nói lung tung!
Hai ngươi họ càng dọa dẫm như vậy, Lý Nghiêm lại càng do dự, chỉ cảm thấy mọi ánh mắt trên đại đường đều đổ dồn về phía mình, không biết nên nói gì. Pháp Chính cười nói:
— Chư vị không cần nhiều lời nữa... Lý Huyện lệnh, ông cứ có gì nói đó.
Lý Nghiêm đưa mắt liếc nhìn Pháp Chính đang mặt mày hớn hởn, như chợt hiểu ra điều gì đó, bèn hạ quyết tâm, chắp tay nói:
— Theo sở kiến của tại hạ, Lưu Huyền Đức tuy có chí tung hoành, biết kính hiền trọng sĩ, nhưng lại nhu nhược yếu đuối, e rằng khó làm nên đại sự!
Lời này nói ra, tất cả những người có mặt đều sửng sốt - Lưu Bị nửa đời dù thắng ít bại nhiều, nhưng nam chinh bắc chiến bôn ba đông tây, dưới trướng có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân đều sức địch vạn người, cái chí tung hoành rõ ràng là có thật. Lưu Bị ba lần đến lều cỏ mời Gia Cát Lượng, để bạt Bàng Thống từ một chức Huyện lệnh quèn, lại hiệu triệu danh sĩ khắp vùng Giang Hán, nói rằng ông ta biết kính hiền trọng sĩ cũng không quá lời. Nhưng một kẻ phản phúc khó lường, từng giết Lã Bố, phản Tào Tháo, vứt bỏ Viên Thiệu, dựa theo Tôn Quyền như vậy, há lại có thể liên hệ tới câu “nhu nhược yếu đuối”? Lời này của Lý Nghiêm không chỉ Hoàng Quyền, Lưu Ba không tin, mà ngay cả một kẻ nãy giờ luôn nói lời hay ý đẹp cho Lưu Bị như Trương Tùng cũng không dám tán đồng.
Lý Nghiêm biết bọn họ cảm thấy khó hiểu, bèn tiếp tục giải thích:
— Năm xưa Lưu Huyền Đức ở Kinh Châu, mặc dù nhận trọng trách chống cự với Tào Tháo ở mặt bắc, nhưng trước sau vẫn không được Lưu Biểu tin tưởng. Tại hạ nghe có người nói rằng Gia Cát Lượng, Từ Thứ khuyên ông ta đoạt lấy Kinh Châu, mưu thành đại sự, song Lưu Bị niệm nghĩa cùng tông thất nhà Hán nên không nỡ ra tay, vì vậy mới có chuyện Lưu Tông hàng Tào. Trận dốc Trường Bản, mười vạn bách tính Kinh Châu dắt díu nhau theo quân, một ngày đi không quá mười dặm, Lưu Bị không màng chiếm lấy Giang Lăng, thà chịu bại trận chứ không nỡ bỏ lại dân chúng. Một nhân vật như vậy tuy dưới trướng có chư tướng hổ lang, trong lòng có chí bình thiên hạ, nhưng lại không biết biến thông, cố thủ cựu đức, há có thể thành đại sự?
Đao sợ tra đúng vỏ, Lý Nghiêm ngoài mặt nửa khen nửa chê Lưu Bị, nhưng câu nào câu nấy đều đánh trúng nỗi lòng của Lưu Chương. Lưu Chương là người nhân nghĩa nhưng bất tài, mà một bậc quân chủ nhân nghĩa thì luôn mến thích những kẻ sĩ thương dân; một bậc quân chủ bất tài thì sợ nhất những kẻ tài cao đoạt mất ngôi vị của mình. Những lời Lý Nghiêm nói khiến cho Lưu Chương hết hẳn lo nghĩ, đặc biệt câu nói Lưu Bị vẫn niệm nghĩa cùng tông thất nhà Hán, lại càng đánh đúng tâm tư. Vị Ích Châu mục trước nay vốn thiếu chủ kiến liền hạ quyết tâm lấy lại thể diện, đưa mắt nhìn quần liêu dõng dạc nói:
— Một lời của Phương Chính xóa tan nghi hoặc, ta đã quyết định, mau mời Lưu Huyền Đức vào Thục để chinh thảo Trương Lỗ!
Kẻ đắc ý thời đắc ý, kẻ rầu rĩ thời rầu rĩ, Trương Tùng không đợi Lưu Ba mở miệng đã bước ra thi lễ:
— Chủ công anh minh, làm vậy ắt sẽ giúp đất Thục ta yên ổn.
Lưu Ba, Vương Lũy vẫn ngoan cố ngăn cản:
— Tuyệt đối không thể, mong chủ công soi xét...
Pháp Chính chắp tay nhường Lý Nghiêm, quay ra cười nói:
— Phàm những chuyện trong thiên hạ đa phần đều hỏng vì tranh luận, chư vị cứ nói đi nói lại vậy có ích lợi gì? Nếu như những lời của Lý Huyện lệnh đây vẫn không thể khiến liệt vị thôi do dự, chi bằng phái một người đến Công An diện kiến Lưu Bị, ngoài mặt tuyên thị kết hảo, trong thì ngầm quan sát ông ta, khi trở về mới quyết định.
— Ý này rất hay! - Lưu Chương cảm thấy chủ kiến nửa vời này rất có lý, - Không biết vị nào có thể đến Kinh Châu?
Trương Tùng vội vã cướp lời:
— Nếu như Hiếu Trực đã có ý như vậy, sao không để ông ấy đi?
— Không thể, không thể. - Pháp Chính vội vàng xua tay, - Tại hạ bất tài vô đức, khó gánh trọng trách, chư vị tranh cãi như vậy, nếu như ta đi lần này dù mang tin tốt hay tin xấu về, e rằng vẫn bị trách móc!
Mọi người nghe xong, ai nấy đều vô cùng bực dọc: Ông đưa ra chủ ý nhưng lại không muốn bị trách móc, lại muốn nhét củ khoai nóng vào tay kẻ khác, làm người kiểu gì vậy? Ông ta càng không đồng ý, Trương Tùng càng khuyên giải:
— Hiếu Trực hiền đệ, Ích Châu đang lâm nguy, đến thời khắc này há có thể thoái thác? Đệ đi vẫn tốt hơn người khác, nếu để một kẻ trong lòng có dã ý đi bái yết, chỉ e càng làm hỏng đại sự.
Vừa nói ông ta vừa cố ý liếc về phía đám người Lưu Ba. Lưu Ba lập tức nổi cơn lôi đình:
— Trương Tử Kiều! Ông chớ có ngậm máu phun người, ông sợ ta đi làm hỏng việc, ta còn sợ ông đi bán chủ cầu vinh kia!
— Hừ. - Trương Tùng cười nhạt một tiếng, - Nếu như hai ta đã không tin nhau như vậy, xem ra vẫn phải nhờ Hiếu Trực đi rồi.
Pháp Chính lại càng thoái thác:
— Tại hạ chức tước thấp kém, lại không có danh vọng, há có thể vượt mặt chư công? Thông sứ bất thành là chuyện nhỏ, làm mất mặt chúa công và liệt vị mới là chuyện lớn, Trương biệt giá tốt nhất nên mời người khác cao minh hơn.
Nghe xong câu này ai nấy đều rùng mình: Ông ta nói ra những lời chua cay này há chẳng phải ngầm oán trách mình quan nhỏ hay sao? Họ nào hay nghĩ như vậy đã rơi vào bẫy, mọi người đều tưởng rằng Pháp Chính muốn nhân cơ hội này cầu tước quan cao hơn, chứ không ai thử nghĩ xem lập trường của ông ta với Lưu Bị là như thế nào!
Lưu Chương cũng không thể không lên tiếng nữa:
— Hiếu Trực, ai nói ngươi danh vọng không có? Lệnh tôn lệnh tổ đều là những bậc danh sĩ đại Hán, nếu như ngươi làm tốt việc này, ta nhất định sẽ thăng quan cho ngươi!
— Tạ ơn chủ công! - Pháp Chính nghe thấy câu này thì lập tức đồng ý, - Tại hạ không cầu quan cao lộc hậu, chỉ mong được dốc lòng dốc sức cho chủ công.
Mọi người nghe vậy đều cười thầm: Lộ liễu như vậy còn không phải vì cầu quan cao lộc hậu sao, ông chỉ thiếu nước nói toạc ra thôi.
Vậy là cuộc tranh luận đến hồi kết thúc, Quân nghị hiệu úy Pháp Chính sẽ làm sứ giả đến bái yết Lưu Bị, sau khi trở về lại tiếp tục định đoạt. Quần liêu người thì hài lòng, kẻ thì thở dài, người thì chẳng buồn quan tâm, vái chào Lưu Chương rồi cùng nhau ra về. Còn Pháp Chính vẫn ở lại lảm nhảm một hồi với Lưu Chương mới rời khỏi mạc phủ.
Thế nhưng ông ta không trở về phủ đệ của mình mà đi qua đi lại một hồi, sau đó chui vào một góc tĩnh mịch phía cửa sau mạc phủ, nơi đó sớm đã có xe ngựa chờ sẵn. Tấm rèm che khẽ hé mở, lộ ra khuôn mặt thâm trầm của Trương Tùng:
— Sao giờ này mới tới?
— Tại hạ sợ có người đi theo, nên mới đi vài vòng. - Pháp Chính ngó quanh, thấy xung quanh không ai chú ý, bèn nhanh chóng chui lên xe. Kỳ thực hai người họ vốn đã thông đồng từ trước, lúc nãy Pháp Chính từ chối chỉ là diễn trò!
Đúng như dự liệu của Lưu Ba, Trương Tùng chủ trương mời Lưu Bị vào đất Thục hoàn toàn không phải có ý gì tốt đẹp, thực sự là có mưu tính riêng không thể nói cho ai biết. Năm xưa ông ta phụng mệnh Lưu Chương đi sứ diện kiến Tào Tháo, gặp đúng lúc Tào Tháo bình định xong Kinh Châu, vô cùng đắc chí, thế nên phải chờ đợi rất lâu. Điều khiến ông ta không thể nhẫn nhịn thêm là, Tào Tháo dám giả truyền mệnh lệnh của triều đình, bổ nhiệm ông ta làm Huyện lệnh Tỉ Tô. Cũng có thể do Tào Tháo chưa khảo xét cặn kẽ, nên chẳng may sơ suất, nhưng biệt giá của cả một châu há khuất gối làm chức Huyện lệnh? Từ đó Trương Tùng lại càng hận Tào Tháo, khi trở về Thục Trung đã thêm mắm dặm muối, hủy hoại quan hệ giữa triều đình và Ích Châu. Nhưng lần đại bại ở Xích Bích vẫn chưa thể khiến Tào Tháo sụp đổ, áp lực khổng lồ từ phương Bắc vẫn còn hiện hữu, nay Tào Tháo đã bắt đầu mưu đoạt đất Quan Tây, sớm muộn cũng đến một ngày binh hùng tướng mạnh áp sát Ích Châu. Trương Tùng bắt buộc phải nghĩ xem làm thế nào tiếp tục gây trở ngại cho Tào Tháo, lại thêm Lưu Chương nhu nhược bất tài, ông ta càng có ý bán rẻ đất Thục, tìm một quân chủ khác, muốn làm nội ứng dâng Ích Châu cho kẻ khác, từ đó có thể tiến thân. Nay Lưu Bị chiếm lĩnh Kinh Châu, vừa gần vừa tiện, không có đối tượng nào thích hợp hơn ông ta nữa. Ngoài ra, Pháp Chính do có tài mà không được trọng dụng nên cũng rất bất mãn với Lưu Chương, vì thế ông ta quyết định thông mưu với Trương Tùng, hai người đều muốn bán chủ cầu vinh, cố ý diễn trò như vậy để qua mắt mọi người. Giờ đây mưu kế đã thành, Pháp Chính xuất sứ đi gặp Lưu Bị, kết quả có thể đoán trước được!
— Lúc nãy ông dọa ta sợ chết khiếp. - Trương Tùng mặt vẫn tái mét, - Sao lại lôi cả Lý Nghiêm vào, ông ta đâu phải người của chúng ta, nếu chẳng may ông ta nói Lưu Bị không đáng tin, há chẳng phải làm hỏng chuyện của chúng ta rồi không?
Pháp Chính vẫn không hề để ý:
— Yên tâm, ta đã dự liệu ông ta chắc chắn sẽ nói tốt.
— Chưa từng thông mưu với nhau từ trước, làm sao ông lại biết được?
— Hôm Lưu Tông hàng Tào, có bao nhiêu người về với Tào Tháo? Có bao nhiêu người nương nhờ Lưu Bị? Cớ sao ông ta nhất mực phải đến đất Thục? Ta thấy người này vô cùng anh minh, biết rằng với tư lịch của mình thì hàng Tào sẽ không được trọng dụng, còn theo Lưu Bị ắt phải chịu khổ sở khó nhọc, vậy nên mới đến Thục, vừa an toàn lại vừa được trọng dụng, chưa cần trổ tài cán đã được bổ nhiệm làm đệ nhất Huyện lệnh của đất Thục đấy thôi. Luận về việc chớp lấy vận may, người này không hề thua kém chúng ta. - Pháp Chính cười nhạt nói, - Hôm trước ta ngẫu nhiên trò chuyên với ông ta, ông ta nhắc đến lời của Quỷ Cốc Tử: “Tướng dục dụng chi vu thiên hạ, tất độ quyền lượng năng, kiến thiên thời chi thịnh suy.”(*) Ông nghe xem, tâm địa của vị Huyện lệnh này như thế nào, một kẻ thông minh như vậy há lại không nhìn ra Lưu Chương là người thế nào? Ta chắc rằng lúc này trong lòng ông ta cũng đang suy tính chuyện tiến thân đấy! Giờ chúng ta dắt Lưu Bị đến, ông ta mong còn chẳng được, há lại phản đối?
Trương Tùng tay vuốt chòm râu, không ngừng thán phục:
— Hiếu Trực, ông quả là thần cơ diệu toán.
Pháp Chính nghe thấy lời khen không hề tỏ vẻ khiêm tốn, ngược lại càng khoe khoang:
— Ta vốn có tài thay đổi càn khôn, chỉ hận Lưu Chương có mắt không tròng, quần liêu đố kỵ, nếu chẳng phải bọn họ ép đến bước này, ta há có thể nương cầu chủ khác? Lần này đến Kinh Châu, nhân tiện ta cũng cần thử xem Lưu Bị này là người thế nào, nếu không hậu đãi ta, ta sẽ đi tìm người khác.
Những kẻ có tài trên thế gian không tránh khỏi có chút kiêu ngạo tự đại, nhưng tự đại đến mức như ông ta cũng không nhiều! Trương Tùng không kén chọn như Pháp Chính, chỉ sợ ông ta nhất thời khoái chí làm hỏng đại sự, vội vàng dặn dò:
— Ông gặp Lưu Bị tuyệt đối không được có điều gì sơ suất, nếu như có thể giúp ông ta đoạt được đất Thục, ngày sau ắt có thể được xếp vào gác Vân Đài, trở thành công thần một đời, há phải sợ đường sĩ hoạn không thuận? Sau khi trở về ông nhất định phải cực lực nói những lời hay, giục Lưu Chương mời ông ta vào Thục. Đợi mấy ngày nữa ta sẽ lại nghĩ cách bảo Mạnh Đạt dẫn binh đi theo, có hai người xuất mưu dẫn đường cho Lưu Bị, còn ta làm nội ứng bên trong, sao phải lo Ích Châu không mất?
Mạnh Đạt là con của Thứ sử Lương Châu tiên triều Mạnh Tha, nay làm tướng ở Thục Trung, có mối thân tình với Pháp Chính, cũng là kẻ đồng mưu.
Pháp Chính đắc ý nói:
— Đợi ta giúp Lưu Bị bình xong đất Thục, nhất định phải khiến cho những kẻ đang cưỡi trên đầu ta biết thế nào là uy phong của ta, xem ai còn dám coi thường Pháp mỗ!
Trương Tùng không còn biết nói gì với kẻ coi trời bằng vung, có thù tất báo này, vẫn phải nhờ hắn làm việc, cũng không tiện nói gì, đành lắc đầu cảm khái:
— Hiếu Trực, ông cũng là hậu thế của bậc danh sĩ hiền thần, sao tính khí lại bất hảo đến vậy?
— Ông không hiểu rồi. - Pháp Chính vươn người uể oải, dựa lưng vào thành xe, nói vẻ kẻ cả, - Pháp thị ta rất biết lựa theo thế đạo. Năm xưa tằng tổ của ta gặp được đấng minh quân nên có thể đại triển kỳ tài, thành tựu công danh. Tổ phụ của ta gặp đúng thời ngoại thích, hoạn quan làm loạn nên mới quyết định ẩn cư ở núi Nam Sơn. Phụ thân ta gặp lúc đại xá đảng cố, muốn trở về triều đình sống một đời trung dung đến tận khi chết... Còn ta thì sao? Gặp đúng thời tao loạn thị phi này, tất phải tinh thông quyền biến, nhập gia tùy tục. Nếu tìm được một vị minh chủ có thể nương nhờ, rồi giúp người ấy mưu thành đại sự, ắt sẽ một bước lên tiên! Cứ khư khư ôm lấy cái bát vàng Ích Châu này sao có thể mở mày mở mặt? Lương tâm đạo nghĩa gì chứ, theo ta thấy thì đó đều là những lời lòe bịp. Thế đạo hiện giờ che mờ lương tâm!
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8